Chúa Nhật V Thường Niên Năm A
CN 5 TN A
5-2-2023
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ An Hòa
GIÁO HUẤN SỐ 11
LỜI MỜI GỌI NÊN THÁNH
Cả Bạn Nữa Cũng Thế (tt)
Có những lúc cuộc sống gặp phải những thách đố lớn lao. Xuyên qua chúng, Chúa lại mời gọi chúng ta đi vào một cuộc hoán cải vốn có sức làm ân sủng của Ngài trở nên rõ ràng hơn trong đời sống mình, để chúng ta có thể tham dự vào sự thánh thiện của Ngài (Dt 12,10). Có những lúc khác, chúng ta chỉ cần tìm ra cách thế hoàn hảo hơn để làm những gì mà mình vốn làm. Có những cảm hứng chỉ thúc đẩy ta làm cho hoàn hảo những việc bình thường trong đời sống bằng một cách thế phi thường. Khi Đức Hồng y Phan-xi-cô Nguuyễn văn Thuận bị cầm tù, ngài từ chối phung phí thời gian trong việc chờ đợi ngày được phóng thích. Thay vào đó, ngài chọn ‘sống giây phút hiện tại, lấp đầy nó với tình yêu’. Ngài quyết định ‘tôi sẽ tận dụng các cơ hội có được mỗi ngàytôi sẽ chu toàn các việc thường ngày của tôi một cách phi thường’ (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 17).
SUY NIỆM I
Is 58,7-10; 1Cr 2,1-5; Mt 5,13-16
Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành
Gương sáng của ĐGH Gioan 23 và Gioan-Phaolô 2
Các bàn luận về thông điệp Ánh sáng Đức tin ‘Lumen Fidei’, tông thư đầu tiên của Đức Phanxicô, nhanh chóng nhường vị trí hàng đầu bảng tin cho tuyên bố của Vatican: Giáo hoàng Phanxicô sẽ phong thánh cho Giáo hoàng Gioan XXIII và Giáo hoàng Gioan-Phaolô II. Phát ngôn viên Vatican cho biết chuyện này có thể xảy ra trong năm nay (đã xác định là ngày 27 tháng 4 năm 2014 này).
Các vị thánh nêu gương cho chúng ta bằng cách sống. Cương vị giáo hoàng không bảo đảm cho việc phong thánh cho bằng đời sống thánh thiện mà người khác có thể noi gương. Sự thánh thiện của Angelo Roncalli và Karol Wojtyla đã có trước khi họ nhận chức giáo hoàng.
Angelo Roncalli, hay Giáo hoàng Gioan XXIII, với quan điểm thể hiện rõ trong việc triệu tập các giám mục trên toàn thế giới về Vatican để soạn thảo Công đồng Vaticanô II, 1962 -1965. Các quan chức Vatican không tin một người được bầu giáo hoàng lúc đã 77 tuổi, lại có thể nghiêm túc làm đến nơi đến chốn chuyện này, họ xem ngài là giáo hoàng chuyển tiếp, một người lãnh đạo tạm thời, không làm gì hết. (Và cũng đáng để suy nghĩ: Giáo hoàng Phanxicô được lúc 76 tuổi. Ngài sẽ làm gì đây?) Đức Gioan XXIII không thấy được kết quả của Công đồng, nhưng ngài vẫn dấn thân cho một trong những sự kiện quan trọng nhất thời hiện đại. Công đồng Vaticanô II thôi thúc Giáo hội nhìn nhận mình với vai trò trong xã hội chứ không phải tách biệt xã hội. Vaticanô II thúc đẩy người Công giáo thay đổi từ vai trò khán giả trở thành thành viên dự phần trong Giáo hội. Nhưng sự vĩ đại của Giáo hoàng Gioan XXIII đã phát tiết ra trước đó nữa.
Tổng giám mục Roncalli, đại diện giáo hoàng trong tư cách đại sứ Tòa thánh tại Istanbul rồi đến Paris. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngài làm việc gần gũi với các cộng đồng Hồi giáo và Do Thái giáo, xây dựng với họ những giao tình vẫn đang được tiếp tục thăng tiến. Ở Paris, ngài củng cố các mối kết thân với cộng đồng Do Thái. Là đại sứ Tòa thánh ở Istanbul rồi Paris trong Thế chiến II, ngài đã cứu nhiều người Do Thái khỏi nạn diệt chủng. Nếu chúng ta đạt được hòa bình trong thế giới đầy phức tạp ngày nay, thì đó sẽ là nhờ việc các nhóm tôn giáo bắt tay được với nhau. Khả năng hòa bình này đã được khởi xướng từ nhiều thập kỷ trước, và trong đó có phần của con người xứng đáng là thánh này.
Chân phước Gioan XXIII đến từ một gia đình nông dân nhưng có một nhận thức can đảm và đức tin đơn giản để nhận ra rằng tình yêu Thiên Chúa đã làm và sẽ làm bất kỳ điều gì cho đạo của mình.
Chân phước Gioan Phaolô II gây chấn động thế giới khi một người Ba Lan trở thành giáo hoàng không phải người Ý đầu tiên trong 455 năm. Theo tiêu chuẩn của các giáo hoàng, ngài là người trẻ tuổi, 58 tuổi, khi được bầu vào năm 1978. Cách nhìn nhận của ngài cũng gây chấn động cho các phụ tá ở Vatican. Ngài muốn loan Tin mừng bằng truyền thông và bằng đi thăm. Ngài bị ngăn cản khi tỏ ý muốn công du khắp thế giới. Ngài đã không đi được hết thế giới, nhưng đã trở thành một giáo hoàng công du thường xuyên nhất vì Tin mừng. Ngài viếng thăm người dân, đặc biệt là người nghèo, trên khắp thế giới. Ngài đến Châu Mỹ La Tinh, Châu Phi, Ấn Độ, Philippine, Thánh địa… đưa đoàn tùy viên báo chí theo mình, và qua truyền thông, qua truyền hình, ngài cho thấy nạn nghèo đói đang xảy ra trên khắp thế giới.
Nhưng tầm vĩ đại của ngài cũng bắt đầu trước khi được bầu làm giáo hoàng. Là một thanh niên trong nước Ba Lan thời Thế chiến II, Karol Wojtyla đã dám mạo hiểm, dám theo học chủng viện chui. Đến khi lên làm Tổng giám mục ở Ba Lan, ngài đối diện thẳng với chủ nghĩa vô thần. Khi làm Giáo hoàng ngài vẫn mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa. Trong đất nước Ba Lan bị xâu xé bởi chiến tranh, ngài đã xây dựng tình bạn với người Do Thái, và đó cũng là nền tảng để ngài là Giáo hoàng đầu tiên viếng thăm một hội đường Do Thái.
Trên cương vị giáo hoàng, Gioan Phaolô II nêu gương cho mọi người thấy phải sống thế nào. Sau khi Mehmet Ali Agca, gần như đã giết được ngài sau hành động ám sát tại Quảng trường thánh Phêrô, Giáo hoàng đã đến viếng thăm anh trong tù và tha thứ cho anh. Nhiều năm về sau, Giáo hoàng Gioan- Phaolô còn cho mọi người thấy nên chết như thế nào khi ngài để cho thế giới chứng kiến những giây phút riêng tư hấp hối của mình. Hàng triệu người đến dự tang lễ của ngài đã hô vang «phong thánh ngay lập tức», bất chấp mọi hình thức phải cần có thời gian.
Hai nhân vật này, Gioan XXIII và Gioan Phaolô II, sẽ sớm được phong thánh. Cả hai đều là giáo hoàng, nhưng hạt giống thánh của họ đã được gieo rất lâu trước khi nhận chức vị này (Mạng Phanxicô, J.B. Thái Hòa dịch)
Đời sống đạo đức của Đức Gioan 23 và Gioan Pholô 2 là “anh sáng chiếu tỏa trong bóng tối” của bđ1, là “muối cho đời”, là “ánh sáng cho trần gian” trong BTM, và là “quyền năng Thiên Chúa” trong bđ2.
Bài đọc 1 (Is 58,7-10) : Bđ1 đọc sách ngôn sứ I-sai-a, Sách “Lời Chúa Cho Mọi Người” của hai anh em linh mục Bernard và Louis Hurault viết : “Các nhà lãnh đạo các quốc gia họp nhau lại và bàn cãi, tìm cách giải quyết những điều cấp bách của nhân loại. Nhưng ai cũng biết là các nhà nghiên cứu thường không trực tiếp đạt được những phát minh lớn; lắm khi họ đột nhiên tìm thấy giải pháp ở những nơi họ không ngờ. Các vấn đề liên quan đến con người cũng thế: không thể giải quyết bằng lý thuyết suông, nhưng đến ngày mà mọi quốc gia và mọi thành phần trong xã hội chấp nhận đập tan gông cùm và chấp nhận chia sẻ, thì những giải pháp bất ngờ sẽ xuất hiện (Bản dịch của Nhóm CGKPV, trang 1272).
BTM (Mt 5,13-16): Sách Kinh Thánh cũng của hai anh em linh mục Bernard và Louis Hurault viết : “Sau khi nêu danh những ai được vào Vương quốc, Chúa Giê-su sắp nhắc nhở họ về sứ mạng của mình : Giáo hội là muối, là ánh sáng. Đối với người Do Thái, muối trước hết không phải là để gia vị, mà là chất bảo tồn thực phẩm. Giao ước của Thiên Chúa với các tư tế là giao ước nuối bởi vì nó phải tồn tại vĩnh viễn (Ds 18,19). Vậy môn đệ Chúa Giê-su là muối cho đời nếu nhờ họ mà thế gian trung thành giữ giao ước với Thiên Chúa. Họ phải bảo tồn niềm khát vọng đạt tới đức công chính đích thực, và không bao giờ để cho xã hội loài người hài lòng với cuộc sống nửa đời nửa đạo. “Ánh sáng cho trần gian”.
Bài đọc 2 (1Cr 2,1-5) : Cũng sách của hai anh em Hurault viết : “Hẳn thánh Phaolô cảm thấy mình rất là yếu kém khi lần đầu tiên đem Tin Mừng đến Cô-rin-tô, một thành phố Hy Lạp tráng lệ, đã từng quen với chế độ nô lệ và lối sống vô luân. Chúng ta cũng cảm thấy như vậy khi loan báo Tin Mừng cho thế giới ngày nay; điều quan trọng là phải chuẩn bị, nhưng chuẩn bị là gì ? Học tập cách trình bày sứ điệp thì không quan trọng cho bằng đã có kinh nghiệm sống sứ điệp. Thánh Phao-lô mời gọi chúng ta chấp nhận mầu nhiệm Thập giá, và tìm thấy nơi đó sức mạnh của Thánh Thần” (Sđd, trang 1970).
Cầu nguyện
Lạy Chúa, chúng con là con cái trong nhà,
chỉ đứng vững khi dựa vào ơn Chúa;
xin Chúa hằng che chở chúng con.
Chúng con cầu xin
SUY NIỆM II
KITOO HỮU LÀ “MUỐI CHO ĐỜI
Hội An, ngày 05/02/2023
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú
Lời Chúa là Lời hằng sống, nên luôn “hot” đốn với người nghe trong mọi hoàn cảnh. Lời Chúa hôm nay đặc biệt mang tính thời sự với mỗi Ki-tô hữu trong hoàn cảnh không chỉ Châu Âu, mà còn ngay trong mỗi giáo xứ và trong mỗi gia đình chúng ta nơi mảnh đất này, một hoàn cảnh Ki-tô hữu đang mất dần ý thức tôn giáo, đang dần xa lạ với căn tính Ki-tô hữu của mình, đang hổ thẹn vì vai trò theo Chúa Giê-su. Lời Chúa hôm nay đánh thức căn tính Ki-tô hữ chúng ta: “Chính các con là muối cho đời” (Mt 5, 13)
- Ki-tô hữu là muối Tin mừng
Chúa Giê-su không đề nghị hãy trở nên, mà chính Ngài khẳng định chúng ta là muối cho đời, có nghĩa đó là căn tính của những người theo Chúa và đừng đánh mất căn tính đó. Vậy, Chúa muốn nói gì khi nói chúng ta là muối cho đời?
Ngoài sự cần thiết của muối cho đời sống, như vừa bảo quản thức ăn, vừa làm cho thức ăn, thức uống thêm hương vị, vừa dùng để sát trùng, trị bệnh v.v, muối còn mang ý nghĩa tinh thần. Trong thời Chúa Giê-su, trên bàn ăn, lọ muối được đặt xa khách mời và nhiệm vụ của người ngồi gần lọ muối phải chuyển lọ muối đến khách mời, chia sẻ muối để tỏ mối tương quan thân thiết. Trong bức tranh “Bữa Tiệc Ly” nổi tiếng của Leonardo da Vinci, danh họa đã vẽ gương mặt cau có của Giu-đa với một lọ muối bị đổ trước mặt Giu-đa. Học giả Jack Wasserman nhận định, lọ muối bị đổ trước mặt Giu-đa bày tỏ tình trạng mất đức tin của Giu-đa vào Chúa và sự bất hòa của ông với các tông đồ. Vả lại, theo luật Mô-sê, mọi lễ phẩm phải được bỏ muối vào trước khi dâng lên cho Thiên Chúa và Luật nhắc nhở, không được để lễ phẩm thiếu “muối giao ước của Thiên Chúa” (Lv 2,13).
Như vậy, khi nói “chính các con là muối cho đời,” Chúa Giê-su khẳng định chúng ta là Ki-tô hữu được chọn gọi không phải để sống Phúc Âm riêng cho mình, hay cất giấu đức tin của mình, ngay cả che giấu dưới sự thành đạt hay lịch lãm, mà còn phải như muối ướp lễ vật dâng lên Thiên Chúa, Ki-tô hữu phải làm cho thế giới có hương vị Tin Mừng để xứng thuộc về Thiên Chúa. Tuy nhiên, nếu lọ muối trước mặt Giu-đa đã bị đổ đi, nếu muối đã nhạt đi, nếu thế giới lớn và thế giới thu nhỏ là gia đình của chúng ta không có muối Tin Mừng ướp mặn, thì những người được chọn trở nên như “muối cho đời” còn ích gì nữa, Ki-tô hữu còn ích gì cho thế giới hôm nay?
- Ki-tô hữu là “muối cho đời”
Một số người đặt câu hỏi: liệu khi Chúa Giê-su trở lại, Ngài còn nhận ra Giáo hội Ngài đã thiết lập không? có nhận ra những con người Ngài chọn gọi với chức vụ này hay với vai trò khác để làm cho Tin Mừng được loan báo và thấm đẫm vào thế giới này không? Sở dĩ câu hỏi đó được đặt ra, vì người ta thấy Giáo Hội hay Ki-tô hữu sống khác với những gì được Chúa Giê-su mời gọi sống theo. Có thể họ chỉ thấy một Giáo hội nặng tính quản trị, lễ nghi và luật lệ, mà không thấy Giáo Hội trình bày sự tươi trẻ của Giáo Hội trong cuộc lăn xả, sống chết cho sứ mạng loan báo Tin Mừng. Có thể họ thấy nhiều người theo Chúa, nhiều gia đình có bàn thờ Chúa, nhưng không thấy đức tin sống động trong đời sống của họ. Người ta có lý do để chất vấn Giáo Hội và Ki-tô hữu hiện nay, vì họ không thấy các môn đệ xông xáo giảng dạy như thời Tông Đồ Công Vụ, không thấy tín hữu hiệp thông, siêng năng tham dự lễ Bẻ Bánh và cầu nguyện chung với nhau như cộng đoàn đầu tiên. Lối sống của Giáo Hội và các Ki-tô hữu thời bấy giờ vừa đáp lại Tin Mừng được nghe, vừa khước từ lối sống tục hóa đang tràn ngập thế giới của họ. Trong hoàn cảnh đó, họ không hổ thẹn mình là Ki-tô hữu trước một thế giới khước từ Thiên Chúa; trái lại, họ hãnh diện mình là người thuộc về Chúa Giê-su và là “muối cho đời.” Giáo Hội bấy giờ là Giáo Hội ý thức mình được Chúa chọn gọi làm cho thế giới tốt hơn và các tín hữu mỗi người mỗi cách, mỗi gia đình mỗi kế hoạch sống đức tin và giới thiệu Chúa cho mọi người, không ai đứng ngoài cuộc truyền giáo. Nói tóm lại, Giáo Hội và các tín hữu bấy giờ ở giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian; trái lại, ướp mặn thế giới bằng muối Tin Mừng của Chúa Giê-su, để thế giới lớn, thế giới nhỏ đáng là của lễ dâng lên Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng thế giới tốt đẹp.
Vì thế, chúng ta không lo lắng Chúa Giê-su sẽ không nhận ra Giáo Hội hay Ki-tô hữu, bởi trong Giáo Hội vẫn còn có ơn Chúa ban, vẫn còn đó những lời Chúa dạy và những giáo lý của Chúa, vẫn có đó sứ mạng Chúa giao làm “muối cho đời”, vẫn còn đó lời hứa Chúa ở cùng Giáo Hội. Chắc chắn Chúa Giê-su nhận ra Giáo Hội Ngài thiết lập và ở cùng.
Chỉ sợ rằng Giáo Hội bị ru ngủ dưới lớp áo của lòng khoan dung với chủ nghĩa thế tục, nên e sợ thi hành bổn phận rao giảng, làm tắt nghẽn hương vị lời Chúa bằng sự thờ ơ hay thỏa hiệp với thế gian và không làm rõ lời Chúa là lời cứu độ. Chỉ sợ rằng một thế hệ trẻ lớn lên mà không hề được truyền đạt đức tin, không được giúp đỡ đào sâu đức tin, không hề có bất cứ kiến thức gì về Ki-tô giáo, thì làm sao chúng lớn lên mạnh tin và mạnh dạn làm “muối cho đời”? Và chỉ sợ rằng Ki-tô hữu cất giấu đức tin trong chính bản thân mình, gia đình tín hữu ngại ngùng cao rao Danh Chúa giữa xóm giềng, mà không còn mạnh dạn sống sứ mạng là “muối cho đời.”
Nếu muối đã nhạt, nếu muối đã bị đổ, nếu không có muối Tin Mừng, Giáo Hội ích gì, đời Ki-tô hữu ích gì? Xin Chúa phục hồi lại trong Giáo Hội nét tươi trẻ thuở ban đầu truyền giáo. Xin Chúa cho mỗi gia đình và mỗi chúng con hôm nay ý thức căn tính là “muối cho đời” của chúng con và ban ơn sức để chúng con mạnh dạn sống hăng hay của đời người làm môn đệ Chúa.