Chúa Nhật VI Phục Sinh – Năm A


CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH – NĂM A

17-5-2020

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ An Hải

GIÁO HUẤN SỐ 24

MỘT GIÁO HỘI LUÔN SẴN SÀNG CANH TÂN (tt)

Giáo hội của Đức Ki-tô luôn luôn có nguy cơ nhượng bộ cho cám dỗ đánh mất lòng nhiệt thành, vì không còn nghe tiếng Chúa gọi mình chấp nhận sự mạo hiểm của đức tin và trao hiến tất cả mà không ngại nguy hiểm; Giáo hội có thể bị cám dỗ để quay lại tìm kiếm một dạng an toàn của thế gian. Người trẻ có thể giúp giữ cho Giáo hội trẻ trung. Họ có thể ngăn Giáo hội khỏi tha hóa; họ có thể giữ Giáo hội tiến về phía trước, đề phòng cho Giáo hội khỏi kiêu căng và bè phái, giúp Giáo hội nên nghèo khó hơn và nên chứng tá tốt hơn, biết đứng về phía người nghèo và những người bị bỏ rơi, biết chiến đấu cho công lý và khiêm tốn chấp nhận thách đố. Người trẻ có thể cống hiến cho Giáo hội vẻ đẹp của tuổi trẻ bằng cách canh tân khả năng của Giáo hội để hoan hỉ với những sự bắt đầu mới, để hoàn toàn trao hiến chính mình, để được đổi mới và để luôn lên đường hướng đến những thành quả lớn hơn nữa (Tông Huấn Đức Ki-tô Hằng Sông, số 37).

——————————————————–

CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH – NĂM A

(Cv 8, 5-8,14-17;1Pr 3,15-18; Ga 14.15-21)

Với hòa ước năm 1884, Việt Nam dưới sự cai trị của Pháp. Các Văn Thân, sĩ phu, cho việc mất nước là do người Công giáo. Nên năm 1885 họ phát động phong trào “Bình Tây Sát Tả”, nghĩa là dẹp quân Pháp, diệt tà đạo (Công giáo).

Phong trào nổi lên từ Quảng Ngãi. Giáo dân Quảng Ngãi chạy ra Trà Kiệu ẩn trú. Tưởng đâu bình yên rồi, giáo dân Quảng Ngãi trở về. Trên đường về cả ngàn giáo dân bị giết, vất xác xuống giếng. Những cái giếng và những ngôi mộ ở An Sơn, Trường An, Phước Ấm, Phú Cường, Xuân Thạnh… còn ghi dấu.

Ngày 30-8-1885 Văn Thân bắt đầu tập trung quân. Trưa ngày 1-9-1885, giáo xứ Trà Kiệu bị bao vây. Khi đó giáo dân độ 900 người : 370 đàn ông  có thể cầm giáo mác, Cố Nhơn (Bruyère), cha sở, chia làm 7 đội; còn 500 phụ nữ khỏe mạnh được xếp vào đội dự bị cứu thương.

Bề ngoài chống cự, nhưng bề trong cậy trông vào Đức Mẹ. Cố Nhơn lập bàn thờ Mẹ. Hai bên tượng Mẹ là hai cây nến lúc nào cũng thắp sáng. Những người già cả ốm yếu, trẻ em quì gối lần chuỗi cầu nguyện.

Ngày 2-9, giáo dân giữ đồi Kim Sơn, Hòn Bằng (đằng sau nhà thờ) thấy quân Văn Thân quá đông, sợ bỏ chạy, đạp lên nhau, 4 người chết. Họ bỏ chiến đấu, chạy về nhà xứ, xin cha sở đầu hàng. Thậm chí có một thanh niên Cố Nhơn sai đến đội 2 bảo lui vào hàng tre để chống cự, anh ta lại nói cố Nhơn bảo đầu hàng.

Ngày 3-9, quân Văn Thân tấn công cả thảy 5 lần. Lần nào giáo dân cũng chống lại được, nhưng họ vẫn sợ, xin cha sở đầu hàng. Ông Phổ, đội trưởng đội 1 can ngăn nói: “Không đầu hàng, phải chiến đấu”. Mỗi lần xung trận, họ hô vang: “Hè, hè ! Giê-su, Ma-ri-a, Giu-se ! Xin thương chúng con !”. Ngày 4-9, giáo dân cũng đẩy lui được 2 cuộc tấn công.

Ngày 5-9, quân Văn Thân nghỉ ngơi, chỉnh đốn lại hàng ngũ, tìm xem lý do nào chưa chọc thủng được hàng rào phòng thủ của giáo xứ. Ngày 6-9 quân Văn Thân gom rơm rạ để chuẩn bị đốt hàng rào.

Sáng sớm ngày 7-9, sau khi cầu nguyện với Đức Mẹ, giáo dân xông ra đốt đống rơm đống rạ, và chống cự lại. Quân Văn Thân chết 36 người. Giáo dân bình an, trở về dâng lời cám ơn Đức Mẹ.

Ngày 8-9, ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, ngày khủng khiếp. Quân Văn Thân tấn công phía nam. Họ chọc thủng được hàng rào phòng thủ. Giáo dân cứ phải lui vào trong. Trước sự tấn công mãnh liệt, đội nữ trù bị cũng phải xông chiến. Một dì phước bị chết.

Ngày 9-9 họ kéo súng đại bác lên hai ngọn đồi Bửu Châu và Kim Sơn. Ngày 10-9, đại bác trên hai ngọn đồi thi nhau nả đạn xuống nhà thờ, chỉ một quả trúng nhà thờ. Họ thấy một Bà Đẹp đứng trên nóc nhà thờ, hai bên là hai đoàn trẻ em, một đoàn mặc áo trắng, một đoàn mặc áo đỏ. Họ muốn bắn Bà, nhưng không sao bắn trúng. Sang ngày 11-9, đại bác tiếp tục bắn xuống nhà thờ, nhưng chẳng trúng trái đạn nào, trái đạn nào cũng bị Bà Đẹp gạt xuống suối.

 Ngày 12-9, Cố Nhơn sai một số thanh niên bò lên đồi Kim Sơn để lấy súng đại bác. Khi lội qua suối, anh em nghe tiếng lạ bảo: “Hãy lội qua suối mà lấy đại bác”. Anh em leo lên tới nơi. Lạ lùng quân Văn Thân vẫn còn ngủ. Anh em lấy được 4 khẩu đại bác.

Ngày 14-9 quân Văn Thân dùng voi trận tấn công. Một thanh niên can đảm cầm đuốc xông ra, đốt đuôi voi, voi sợ chạy.

Ngày 19-9 quân Văn Thân mở nhà tù, đem các tù nhân xông trận, nhưng cũng đại bại.

Ngày 21-9 Cố Nhơn quyết định sai 10 thanh niên leo lên đồi Bửu Châu để triệt hạ ổ súng cuối cùng trên đồi. Quân Văn Thân thua đành rút quân về. Con cái Mẹ về bàn thờ Mẹ, quì xuống dâng lời cám tạ Mẹ.

Nhờ đâu Cố Nhơn và giáo dân Trà Kiệu “trông cậy” vào Đức Mẹ ? Nhờ “soi lòng”, “dậy dỗ” của Chúa Thánh Thần như trong kinh Chúa Thánh Thần chúng ta đọc : Chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông đồ, thì rầy cũng xin Đức Chúa Thánh Thần lại xuống an ủi dậy dỗ chúng con làm những việc lành, vì công nghiệp Đức Chúa Giê-su Ki-tô là Chúa chúng con. Amen”.

Trong sách “Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo” nói đến 7 ơn Chúa Thánh Thần :

Trong nghi thức Rô-ma, Giám mục giơ tay trên toàn thể những người lãnh nhận Bí tích Thêm Sức. Từ thời các Thánh Tông Đồ, cử chỉ này là dấu chỉ hồng ân của Thần Khí. Và Giám mục cầu khẩn việc tuôn đổ Thần Khí như sau :

 Lạy Thiên Chúa toàn năng, là Cha Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con, Chúa đã tái sinh các tôi tớ Chúa đây bởi nước và Thánh Thần khi giải thoát họ khỏi tội lỗi, thì lạy Chúa, xin hãy ban Chúa Thánh Thần, Đấng An Ủi đến trong lòng những người này; xin ban cho họ thần trí khôn ngoanthông hiểu, thần trí lo liệu sức mạnh, thần trí suy biếtđạo đức, xin ban cho những người này đầy ơn kính sợ Chúa. Nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con (số 1299).

Bài Tin Mừng: Bài Tin Mừng thánh lễ hôm nay ghi lại lời Chúa Giê-su nói với các Thánh Tông Đồ trên bàn Tiệc Ly: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,16).

Nhóm CGKPV giải nghĩa “Đấng Bảo Trợ” như sau : “Từ Hy Lạp parakletos có nghĩa là trạng sư, người bào chữa, người trợ giúp, người bênh vực (đối với một bị cáo), sau đó, hai nghĩa khác xuất hiện : người an ủi và người chuyển cầu. Trong Gio-an, nghĩa thứ nhất nổi bật hơn hai nghĩa sau. Đấng bảo trợ đầu tiên là Đức Giê-su” (Kinh Thánh 2011, trang 2354).

Lm Phạm Xuân Uyển lượm lặt các tư tưởng như sau : “Đức Giê-su không để cho chúng ta chiến đấu với đời sống Ki-tô hữu một mình. Ngài cho chúng ta một Đấng Bảo Trợ khác. Từ Hy Lạp Parakletos thật khó dịch, nghĩa của nó là “Đấng được gọi đến”. Có thể đó là “Đấng được gọi đến để biện hộ”, nên dịch là Đấng bào chữa; có thể là một chuyên viên được gọi đến để giúp ta trong những lúc khó khăn, nên được dịch là “Đấng an ủi” (Conforter). Nhưng chữ Conforter mà bản Authorized Version dịch xưa còn có ý nghĩa là “Đấng ban sức mạnh”. Vậy chúng ta chấp nhận một cách dịch đa diện : Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ (Helper). Chính Thánh Thần đến bảo trợ, giúp ta đương đầu ứng phó với hoàn cảnh, mà hoàn cảnh trong Tin Mừng Gio-an sau khi Chúa Giê-su đi khỏi là bách hại, thử thách” (Tin Mừng Theo Thánh Gioan, trang 209).

Cha Nguyễn Công Đoan viết : “Xưa ông Mô-sê khuyên dân của Giáo Ước Xi-nai trung thành yêu mến Thiên Chúa bằng cách giữ Luật Giao Ước, để được vào Đất Hứa và được sống lâu dài ở đó (x. Đnl 5,32-33; 29,8). Nay Đức Giê-su cũng khuyên các môn đệ: “Nếu anh em mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy”. Để được gì?  Môn đệ được một sự hiện diện mới của Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha sẽ ban một Đấng Bảo Trợ khác. Giao ước mới cho chúng ta chính Chúa Ba Ngôi chứ không phải miền đất hay bất cứ loài thụ tạo nào. Chúng ta không chỉ được nhìn Thiên Chúa từ bên ngoài như ông Mô-sê được nhìn thấy Đất Hứa. Chúng ta được tháp nhập vào trong Thiên Chúa, được chung phần sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúng Ta được ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong chúng ta (Tĩnh Tâm Tin Mừng Gio-an, Tập II, trang 72-73).

Bài đọc 1: Nhóm CGKPV viết về việc ông Phi-líp-phê đi rao giảng Tin Mừng ở Sa-ma-ri như sau : “Ông Phi-líp-phê được cơ may loan báo Tin mừng ở Sa-ma-ri. Tin Mừng xóa bỏ mặc cảm  nơi người Sa-ma-ri. Họ cũng được Thiên Chúa cứu độ như dân Do Thái…Người Sa-ma-ri bị người Do Thái khinh miệt như dân ngoại. Nay họ được các tín hữu coi là anh em. Niềm vui vì tin vào Đức Ki-tô đã giúp họ nhận ra giá trị đích thực con người…Nhất là lại được thánh Phê-rô và Gioan đến làm phép Thêm Sức” (Kinh Thánh 2011, trang 2427).

 Bài đọc 2: Chúng ta hãy đọc lại lời thư thánh Phê-rô gửi cho giáo đoàn ở Tiểu Á (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) : “Hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hòa và với sự kính trọng. Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ báng anh em vì anh em ăn ở ngay thẳng trong Đức Ki-tô, thì chính họ phải xấu hổ vì những điều họ vu khống, bởi lẽ thà chịu khổ vì làm việc lành, còn hơn là làm điều ác” (1Pr 3,15-17).

Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu, xin Mẹ giúp chúng con luôn nhớ ơn Mẹ phù trợ, và sống hiền hòa, kính trọng nhau.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành