Chúa Nhật VI Phục Sinh Năm B
CHÚA NHẬT 6 PS NĂM B
Ngày 05/5/2024
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Hòa Lâm
GIÁO HUẤM SỐ 22
TIÊU CHUẨN LỚN
Trung tin với Tôn Sư (tt)
Nếu tôi gặp một người ngủ ngoài đường trong đêm giá rét, tôi có thể nhìn người ấy như một sự phiền nhiễu, một kẻ vô tích sự, một vật cản trên đường mình đi, một cảnh tượng chướng mắt, một vấn đề để các chính khách khảo sát, hay thậm chí một thứ rác rưởi làm bừa bộn nơi công cộng. Hoặc tôi có thể đáp trả với đức tin và đức ái, và nhìn thấy nơi người này là một con người với phẩm giá giống như tôi, một thụ tạo được Chúa Cha yêu thương vô cùng, một hình ảnh của Thiên Chúa, một người anh em hay chị em được Chúa Ki-tô cứu chuộc. Làm Ki-tô hữu có nghĩa là nhìn như vậy đó! Phải chăng sự thánh thiện có thể được hiểu tách rời khỏi sự nhìn nhận sắc bén này đối với phẩm giá mỗi người (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỏ, số 98).
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
(Cv 10,25-26.24-35.44-48; 1Ga 4,7-10; Ga 15,9-17)
Bài Ðọc I: Cv 10, 25-26. 34-35. 44-48
“Ơn Thánh Thần cũng đã tuôn đổ xuống trên các dân tộc”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Xảy ra là khi Phêrô vừa vào nhà, thì Cornêliô ra đón ngài, và sấp mình dưới chân ngài mà lạy. Phêrô liền đỡ ông dậy và nói rằng: “Xin ông chỗi dậy, vì chính tôi cũng chỉ là người”.
Phêrô lên tiếng nói rằng: “Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận!”
Phêrô đang nói các lời đó, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên mọi kẻ đang nghe lời. Các tín hữu đã chịu cắt bì, những người đã đến cùng Phêrô, đều sửng sốt, khi thấy ơn Thánh Thần cũng đã tuôn đổ xuống trên các dân tộc; vả lại họ nghe các người ấy nói nhiều thứ tiếng và ngợi khen Thiên Chúa. Bấy giờ Phêrô lên tiếng nói rằng: “Ai có thể ngăn cản ta lấy nước mà rửa cho những kẻ này, khi họ đã nhận lãnh Thánh Thần như chúng ta?” Và ngài truyền rửa tội cho họ nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Bấy giờ họ xin ngài ở lại với họ ít ngày.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4
Ðáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân (x. c. 2b).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.
Xướng: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel.
Xướng: Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca.
Bài Ðọc II: Ga 4, 7-10
“Thiên Chúa là Tình Yêu”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, chúng ta phải thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Vì lẽ hễ ai thương yêu, thì đã sinh bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Ðiều này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống. Tình yêu ấy là thế này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta”.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 15, 9-17
“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn. Ðây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là các con hãy yêu mến nhau”.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM I
Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành
Cậu bé Lambert thương người nghèo
Người ta đã cho Lambert được rước lễ vỡ lòng khi ngài còn nhỏ tuổi. Đó là một cao kiến đúng đắn, bởi vì từ đó ngài đã tha thiết mến yêu việc rước lễ. Ngài chuẩn bị thật cẩn thận cho mỗi lần rước lễ. Việc này đã tuôn đổ xuống trên tâm hồn ngài bao nhiêu là ân sủng và nhân đức.
Ngài rất thương người nghèo, đến nỗi đôi lúc làm vị quản gia phải cáu gắt vì ngài cứ đòi bánh mì để hiến tặng họ. Những lúc đó ngài phải trổ đủ mọi tài khéo léo để làm dịu cơn bực bội của người quản gia. Và khi được lòng ông rồi, ngài mới thuyết phục chiều theo ý mình. Khi có được một ít tiền trong túi, ngài vui sướng phân phát cho bất kỳ người cùng khốn nào người gặp, cho dầu vì vậy ngài không còn gì để vui chơi giải trí. Và nếu còn dư đôi chút, ngài thản nhiên đặt hết vào tay vị gia sư xin ông ta cứ tiêu dùng thỏa thích, bởi vì ngài không cần đến nó (Fauconnet-Buzelin, Coa Kỳ Hương dịch, Đức cha Lambert de la Motte, trang 23=24).
Việc giúp người nghèo của Đức cha Lambert khi còn bé, là hình ảnh yêu thương không phân biệt chủng tộc cắt bì hay không cắt bì trong bđ1, là sự tương quan với nhau như cây nho và cành nho trong BTM và noi gương Chua yêu thương trg bđ2.
Bài đọc 1 (Cv 10,25-26.24-35.44-48) : lời thánh Phê-rô trong bđ1:’Quả thật tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận’ (Cv 10,14-15).
Bài Tin Mừng (Ga 15,9-17) : Cha Nguyễn Công Đoan viết về BTM hôm nay như sau : ‘Chúa Giê-su là Giao Ước Mới được ví như cây nho thật , người trồng nho vẫn là Chúa Cha. Cây nho thật ở đây không hàm nghĩa cây nho trong CƯ không phải là cây nho do Thiên Chúa trồng, nhưng là so sánh giữa cây nho giữ đúng bản chất của mình, sinh trái ngon, với cây nho bị thoái hóa sinh trái nho dại. Chúa Giêsu đã thi hành mọi điều Chúa Cha truyền và sắp làm việc cuối cùng để tỏ lòng yêu mến Cha; đã chứng tỏ cây nho này là cây nho thật, nên không có thể bị bỏ rơi nữa. Giáo ước ‘mới và vĩnh cửu’ đây rồi. Chúa Giêsu đến không phải để hủy bỏ Giao ước Xi-nai, nhưng để kiện toàn (Mt 6,17). Chúa Giê-su không loại bỏ cây nho của Giáo Ước Xi-nai… Chúa Giêsu là Con Một yêu dấu đẹp lòng Cha, đã nhập vào cây nho kia d0ể biến nó trở thành cây nho thật. Các môn đệ là những cành từ cây nho của Giao Ước Xi-nai đã tiếp nhận sự sống từ cây nho thật, được ‘sạch’ nhờ đón nhận Lời Chúa Giê-su, chỉ cần ở lại cây nho này để sinh trái ngon. Chúng ta vốn là ‘dân ngoại’. được tháp nhập vào cây nho thật (Chiên Vượt Qua của Chúng ta, trang 80-81)
Bài đọc 2 (1Ga 4,7-10) : Thánh Gio-an thúc bách chúng ta yêu thương nhau, vì chúng ta là con Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là tình yêu. Người tỏ lộ tình yêu đó khi ban Con Một và tha thứ tội lỗi : ‘ Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con Một Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta’ (1Ga 4,10).
Cầu nguyện
Lạy Thiên Chúa toàn năng,
trong những ngày vui này,
xin cho tất cả chúng con
biết đem lòng sốt sắng mừng Đức Ki-tô phục sinh,
để Người hiện diện trong cuộc đời chúng con
và làm cho chúng con được đổi mới.
Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị …
SUY NIỆM II
YÊU THƯƠNG NHAU NHƯ THIÊN CHÚA
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Trong trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Trong khi đó Thánh Gioan tông đồ trong bài đọc 1 định nghĩa Thiên Chúa là TÌNH YÊU, mà Chúa Giêsu lại mời gọi yêu như Chúa nghĩa là sao? Chúng ta nên nhớ rằng khi nói đến Thiên Chúa, chúng ta biết đó là Ba Ngôi Thiên Chúa mà Ba Ngôi Thiên Chúa bằng nhau, không có ngôi nào đó trước không, có ngôi nào có sao, Ba Ngôi cùng bản tính và quyền năng như nhau vì vậy Một Chúa có Ba Ngôi là vậy. Vì thế, Chúa Giêsu đã từng khẩn định: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9), “Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy và Thầy với Chúa Cha là một” (Ga 14,11). Như vậy hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy yêu thương nhau như Chúa Giêsu yêu cũng chính là Thiên Chúa. Thế thì Chúa Giêsu yêu chúng ta thế nào?
Trước hết, trọn cuộc sống dương gian của Chúa Giêsu, từ lúc chào đời cho đến chết và phục sinh, được gồm tóm trong hai chữ “YÊU THƯƠNG”. Thứ nhất, vì yêu thương, “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Thứ hai, vì thương yêu, Chúa Giêsu đã mạc khải Chúa Cha (Ga 8,19) và căn tính của mình cho mọi người biết Ngài là Con Thiên Chúa (Ga 10,36), là Đấng Mêsia (Ga 1,36-41) được Chúa Cha sai đến (Ga 3,17a) và là Thiên Chúa làm người thật và Thiên Chúa thật. Ngài còn mạc khải Nước Thiên Chúa để phàm ai tin vào Ngài sẽ được Nước ấy làm gia nghiệp (Ga 3,5) và được sống muôn đời (Ga 3,15). Thứ ba, vì yêu thương, Ngôi Hai Thiên Chúa đến thế gian như người tôi tớ phục vụ và cứu độ hết mọi người (Ga 5,20-27). Cuối cùng, vì yêu thương, Chúa Giêsu đã hiến thân mình trên cây thập giá để cho mọi người được hưởng tình yêu dạt dào của Thiên Chúa (Ga 14,1-3).
Như vậy, Chúa Giêsu nêu gương cho ta mẫu mực yêu thương: (1)yêu là hy sinh tính mạng cho người mình yêu (Ga 15,13); (2) yêu là hoà thuận với mọi người, sống con thảo với Chúa (Mt 5,21-26; Mt 7,1-2), (3) yêu là yêu hết mọi người không trừ một ai (Lc 6,27-42), (4) yêu là tha thứ cho nhau (Lc 23,33-34) và (5) yêu là phục vụ cho nhau (Mt 20,24-28). Cho nên, yêu thương nơi Chúa Giêsu phải bao hàm 5 hành động đó, nếu không thì tình yêu thương của chúng ta chưa giống tình yêu của Chúa. Vì chưng, Thánh Phaolô quả quyết: “Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi đời non, mà không có đức mến, thì tôi chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,1-3).
Yêu thương của Chúa Giêsu là thế đó. Còn chúng ta thì sao? Hãy nhìn tình yêu từ cuộc sống này để thấy tình yêu của Chúa Giêsu hoàn hảo thế nào. Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêdictô XVI trong Thông điệp Deus Caritas Est, nói rằng tình yêu có hai chiều kích và hướng tới của nó hoàn toàn khác nhau. Khi yêu ai, chúng ta chỉ muốn thoả mãn cho riêng mình; người yêu chỉ là phương tiện để tôi sử dụng và trục lợi cho mình. Và như thế, khi người yêu không đáp ứng nổi những đòi hỏi của mình, không làm mình thoả mãn, chúng ta dễ dàng “sa thải” họ ngay không thương tiếc. Tình yêu này là tình ái (eros), tình yêu ích kỷ. Con người thường trải qua tình yêu ích kỷ này để rồi đụng chạm với những khác biệt trong đời sống, những hy sinh, từ bỏ, những thập giá, ngõ hầu tình yêu ấy mỗi ngày được chữa trị và thanh luyện dẫn đến một tình yêu trọn vẹn hơn gọi là tình bạn hữu (philia). Tình yêu chân thật Kitô giáo là tình yêu vì người mình yêu, vì hạnh phúc và sự phong phú của họ. Tình yêu ấy trở thành một sự từ bỏ dứt khoát, sẵn sàng hy sinh cái tôi của mình cho người mình yêu (Ga 15,13). Vâng, đó là chân lý của Tin mừng mà Chúa Giêsu mời gọi: “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,12-13). Đây mới là tình yêu đích thực (agape). Cho nên, Thánh lễ chúng ta cử hành chính là bữa tiệc agape mà Thiên Chúa thiết đãi chúng ta qua Chúa Giêsu Kitô.
Nhìn chung, tình yêu con người thường nhiễm màu vị kỷ, chúng ta phải tập luyện để thoát ra khỏi tình trạng ấu trí ấy, để tiến đến một tình yêu vị tha, một tình yêu trưởng thành, đó là chúng ta sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh gian khổ, để làm người mình yêu hạnh phúc. Chúng ta không đòi người yêu đáp ứng nhu cầu của chúng ta mà là chính chúng ta luôn sẵn lòng đáp ứng nhu cầu người mình yêu. Tình yêu vị tha còn là tình yêu hy sinh, bất chấp mọi trở ngại để đến được với nhau. Ðó chính là tình yêu cao qúy mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Ngài đã thi thố tình thương của mình ngay cả khi chúng ta còn là tội nhân. Ngài đã quan phòng gìn giữ cuộc đời chúng ta bằng biết bao ơn lành hồn xác. Ngài sẵn lòng hy sinh chết để cứu độ chúng ta.
Vì thế, chúng ta cũng phải có một tình yêu như Chúa để chúng ta đến với Chúa qua tha nhân không cầu mưu lợi cho bản thân mà mong cho danh Cha cả sáng và mưu ích cho tha nhân. Chúng ta yêu mến Chúa hết lòng hết sức không phải vì Chúa ban cho chúng ta lợi lộc này, lợi lộc nọ mà vì Chúa là lẽ sống, là hơi thở của chúng ta. Yêu mến Chúa cũng mời gọi chúng ta có lòng bao dung, tha thứ, sẻ chia và hy sinh cho tha nhân.
Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể, bí tích Tình yêu như phương cách để con người được hiệp thông với Ngài và hiệp thông với nhau trong tình yêu của Ngài cách thiết thực nhất: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy… Kẻ ăn tôi sẽ nhờ tôi mà được sống (Ga 6,56-57), được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,54). Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin Chúa Giêsu Thánh Thể ban cho chúng con biết can đảm sống cho tình yêu và chết cho tình yêu Chúa và cho tha nhân vì chưng chúng con xác tín với Lời Chúa dạy rằng: chúng ta phải yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,7-8). Amen.
SUY NIỆM III
NHỰA SỐNG TUÔN TRÀN
Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật
Chúa nhật trước, Đức Giêsu bảo Người là Cây Nho đích thực, Chúa Cha là Người trồng và các môn đệ là những cành nho Người còn bảo các môn đệ “ở lại” với Người, tức là liên kết với Cây Nho đặng hút nhựa sống mà sinh hoa kết trái, mà khỏi bị khô héo, bị chặt đi và bị quăng vào lửa Nhưng “ở lại” với Người là gì và muốn ở lại thì phải làm thế nào? Người trả lời trong phụng vụ Chúa Nhật hôm nay
Yêu thương như dòng nước chảy
“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi trao ban Người Con Một” (Ga 3,16) Người Con Một ấy – Đức Giêsu Kitô – đã tỏ lòng mến Chúa Cha bằng cách chấp nhận để cho mình bị “trao nộp” (Ga 10,18) tức là chấp nhận cuộc thương khó và cái chết trên thập giá Người chấp nhận một cách rất tự do (x Mc 14,36 và ss) Chính khi vì yêu mến mà chấp nhận thánh ý Chúa Cha như thế, Đức Giêsu cũng tỏ cho thấy Người yêu thương các con chiên của Người, những cành nho của Người, tức là các môn đệ, biết chừng nào “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” (Ga 15,9)
Như thế, tình yêu của Đức Kitô dành cho các môn đệ là tình yêu phát xuất từ chính sự sống thâm sâu của Thiên Chúa Tình yêu ấy vượt lên trên tất cả, trên cả những biểu lộ cụ thể thế này thế khác của tình yêu Tình yêu ấy thật vì xuất phát từ Đấng Chân Thật Tình yêu ấy không biên giới vì xuất phát từ Đấng Vô Biên Tình yêu ấy khơi lên sức sống vì bắt nguồn từ chính Đấng là Nguồn Sống
Tình yêu đã tuôn chảy từ Thiên Chúa đến Đức Giêsu, rồi từ Đức Giêsu đến các môn đệ và – qua các môn đệ – đến với thế gian, tức là đến tất cả mọi người Tình yêu ấy như dòng nước chảy Và dòng nước chảy là dòng nước luôn luôn mới Dòng nước chảy là dòng nước sạch
Đức Giêsu muốn các môn đệ “Ở lại trong tình yêu của Người” là Người muốn cho dòng chảy tình yêu cứ tuôn mãi Một khi đã “ở lại”, đã ngụp lặn trong tình yêu ấy, đến lượt các môn đệ làm cho tình yêu của Đức Giêsu tràn sang những người khác: “Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu mến nhau”(Ga 15,17) “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. ở điểm này mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em hãy thương yêu nhau” (Ga 13,34-35) Còn nữa Không những đời sống yêu thương và hòa hợp giữa các môn đệ là thực hiện mệnh lệnh Đức Giêsu truyền, là phản ánh tình yêu và sự hợp nhất giữa Chúa Cha và Đức Giêsu, mà còn trở thành dấu chứng để thiên hạ tin vào sứ mạng của Đức Giêsu đối với thế gian: “Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con”.(Ga 17,23)
Nguy cơ: “tình yêu ao tù”
Tình yêu Đức Giêsu mặc khải cho các môn đệ trước hết lòng khao khát muốn cho mọi người được cứu độ, được sống bằng chính sự sống của Thiên Chúa Đức Giêsu muốn thế và Người đã hiến thân để “lôi kéo mọi người lên” với Chúa Cha Và Người cũng muốn cho các môn đệ tiếp tục khơi dòng tình yêu đã bắt nguồn từ Chúa Cha cho nó tuôn chảy mãi Nhưng phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho ta nghe câu chuyện liên quan đến bước ngoặt trong lịch sử loan báo Tin Mừng của Hội Thánh Hội Thánh đã phải vượt qua thái độ nghi ngại và cám dỗ khép kín trước khi mở rộng Tin Mừng cho dân ngoại Như vậy, phụng vụ hôm nay muốn nhắc cho các môn đệ của Đức Giêsu nhớ rằng mình luôn có nguy cơ yêu thương theo kiểu vòng tròn khép kín, nguy cơ biến dòng chảy thành một thứ “ao tù”
Đức Giêsu ra mệnh lệnh yêu thương cho các môn đệ trong bữa Tiệc Ly, lúc Người nói những lời từ biệt các ông Người gọi các ông là bạn hữu Người dặn các ông yêu thương nhau Và thật các ông đã yêu thương nhau Rồi cả cộng đoàn tín hữu ở Giêrusalem cũng thương yêu nhau Họ trở nên chứng tá mời gọi những người khác Họ nêu được “dấu hiệu môn đệ” như Đức Giêsu dặn dò Bấy giờ, người ta đã phải trầm trồ khen và phục họ: kìa xem, họ yêu thương nhau biết chừng nào
Nhưng Tin Mừng, tình yêu lại không được dừng lại ở cộng đoàn Giêrusalem mà thôi Thiên Chúa yêu thương thế gian, Đức Giêsu truyền cho các tông đồ đi cho tới tận cùng thế giới để làm cho mọi người trở nên môn đệ Lúc bước ngoặt tới, tức là khi người ngoại giáo sẵn sàng đón nhận Tin Mừng, khi cộng đoàn yêu thương kiểu mẫu ở Giêrusalem phải được nhân lên, phải mở rộng đón nhận môn đệ mới, thì ra như lại có gì nghi ngại Chúa Thánh Thần đã phải thúc đẩy Hội Thánh đi tới và mở rộng thêm ra Thánh Thần đã phải mặc khải để Hội Thánh ý thức rõ rằng tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho loài người phải vượt qua mọi ranh giới Không phải chỉ cần vượt qua những ranh giới hữu hình như Giêrusalem hay Samari, mà còn phải vượt qua cả những ranh giới vô hình là những suy nghĩ không còn hợp với tinh thần của Đức Giêsu, chẳng hạn cho người ngoại giáo là ô uế còn người Do Thái là thanh sạch Đối với Thiên Chúa, bây giờ chỉ còn thái độ sẵn sàng tin và đón nhận Tin Mừng của Đức Giêsu, thế là đủ Thánh Thần luôn hiện diện trong Hội Thánh sẽ giúp Hội Thánh khơi dòng tình yêu để nó luôn chảy mãi
Tình yêu bạn hữu
Tác giả Tin Mừng sách Gioan còn thuật lại lời Đức Giêsu: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết”. (Ga 15,14-15) Những chuyện bí mật trong gia đình, người ta chỉ có thể tâm sự khi người đối thoại là bạn hữu thân thiết Nghi thức bên ngoài rất nhiều khi dành cho những người chưa quen biết, hoặc đã quen nhưng chưa gọi được là bạn
Tác giả diễn ý đó qua từ ngữ Ông dùng chữ Agapê để nói về tình yêu, tình thương, lòng yêu mến thay vì dùng chữ Êros hay Philia Vì Eros hàm nghĩa tình yêu có pha lẫn giác quan, Philia thì lại mang sắc thái cha con Qua cách dùng chữ như thế, tình yêu Đức Giêsu đã thể hiện và muốn các môn đệ sống là tình yêu hy sinh, tình yêu đón nhận tha nhân một cách vô thường, không đặt ra một điều kiện nào trước từ phía người đươc yêu Agapê là thứ tình yêu huynh đệ, tình yêu bạn hữu đúng nghĩa. Còn nữa Tình yêu đó được Đức Giêsu gọi là giới răn độc nhất, vì nó bao lấy tất cả Tình yêu đó không đồng nghĩa với việc cho một người nào đó một ít đồng, bố thí cho họ một chút tình thương trái lại, tình yêu là cái làm nên hình thù của tất cả, thúc đẩy tất cả và làm cho tất cả được sống động
Hôm nay, Lời Đức Giêsu được đặt trong khung cảnh phụng vụ hôm nay nhắc cho chúng ta nhớ tình yêu Đức Giêsu dành cho chúng ta Tình yêu ấy vừa đưa chúng ta trở về hiệp thông với Thiên Chúa, vừa làm cho chúng ta trở thành bạn hữu của Đức Giêsu khi ta yêu thương nhau chân thành như Người đã yêu ta. Nhưng Đây đó trên thế giới, vẫn chưa có tình yêu đó ngự trị khi bao nhiêu người vẫn phải chết một cách oan uổng, vì lợi ích nào đó của một thiểu số nào đó, nhất là khi những gì đi ngược lại tình yêu đích thực ấy lại mang theo những tính từ Kitô giáo, hồi giáo . Chỗ này chỗ khác quanh ta vẫn còn những tương quan không phải theo nghĩa tôn ti trật tự, mà là tương quan đàn áp, bóc lột. Khi này khi khác, trong chúng ta, tình yêu vẫn chưa hướng tới trọn vẹn, vì vẫn còn là tình yêu khép kín, dù là khép kín trong phạm vi cộng đoàn, chỉ vì những người trong đó có cùng một sở thích, cùng một lứa tuổi, cùng một nghề nghiệp. Thế giới, chung quanh ta và chính chúng ta thử nghĩ lại xem mình đã là bạn hữu của Đức Giêsu khi thực hiện lệnh truyền yêu thương của Người đến mức nào
SUY NIỆM IV
Ở LẠI TRONG TÌNH YÊU CHÚA
Tuần 6 Phục Sinh (Hội An 5/5/2024)
Lm. Giuse Nguyễn văn Thú
Theo truyền thuyết Á Đông, uyên ương là đôi chim yêu thương nhau thắm thiết, mỗi con chỉ có một cánh, vì thế phải chấp cánh mà bay cùng. Bay đi nơi đâu hay đậu lại nơi nào, chúng liền cánh bên nhau. Trong chúng, không ngừng vang khúc diễm ca của tâm hồn thuở ban đầu bắt gặp tình yêu. Trong chúng, tình yêu mách bảo không thể rời xa nhau. Nếu có mệnh hệ nào, một trong đôi uyên ương sẽ cất tiếng kêu thương cho đến khi nhỏ cạn giọt máu trong tim mình. Có trái tim đầy yêu thương nào mà không có tiếng kêu thương van vỉ ở lại bên nhau? Thiên Chúa là Tình Yêu đã đặt tình yêu trong trái tim mỗi chúng ta mà? Và chính Chúa Giê-su, Thiên Chúa làm người, luôn cất tiếng kêu thương với các môn đệ, nhất là vào thời điểm Chúa sắp đi vào con đường thánh giá: “Các con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15,9).
- Chúa khao khát tín hữu ở lại trong tình yêu Chúa
Lời kêu thương của Chúa nói với các môn đệ ngày xưa cũng là lời Chúa bày tỏ với các môn đệ ngày nay và mọi thời: “Các con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.” “Ở lại” chẳng khác gì bén rễ. Chúa muốn chúng ta bén rễ trong tình yêu của Chúa. Ở lại đây, cư ngụ ở đây, đóng lều nơi này, đừng đi đâu cả, đừng ngóng nơi nào cả ngoài Chúa. Hãy ở lại trong tình yêu của Chúa.
Chính Chúa ngỏ lời trước mời gọi chúng ta cắm rễ trong tình yêu Chúa. Chính Ngài yêu thương chúng ta trước, chứ không bởi công nghiệp hay niềm yêu thương của chúng ta dành cho Chúa trước để Ngài say đắm chúng ta. Tình yêu của Chúa là tình yêu không cần điều kiện gì nơi chúng ta, một tình yêu hào phóng của Đấng luôn đang yêu và bày tỏ tình yêu của Ngài trong từng chi tiết ngày sống của chúng ta. Chúa Giê-su chỉ cần chúng ta như chim kia liền cánh với Ngài, ở lại trong tình yêu của Ngài trong mọi nơi và mọi hoàn cảnh. Như dân Israel trong suốt thời gian lưu hành trong sa mạc luôn được Chúa nhắn nhủ hướng lòng về Chúa, chúng ta cũng được nhắc nhở về nguồn gốc của chúng ta trong trái tim Chúa và vị trí của mỗi chúng ta trong con tim thắm thiết tình yêu của Ngài.
“Ở lại” trong tình yêu của Chúa không là lời mời đi vào chốn trừu tượng, viễn vông, mây gió đầy lãng mạn, mà đến dự bàn Tiệc Chúa dọn sẵn, đón nhận lời Chúa và để Chúa can dự vào cuộc sống. Chúng ta cần lặp lại: “Ở lại” trong tình yêu của Chúa là đến với Chúa Giê-su Thánh Thể, ở lại với Chúa Giê-su Thánh Thể, cư ngụ trong Ngài, đừng ngóng nơi nào cả ngoài Chúa Giê-su Thánh Thể và say đắm lắng nghe lời Chúa nói. Có tình yêu với Chúa, thì khát khao rước Chúa và nghe lời Chúa. Đây không phải là một ép buộc. Bó buộc thì đâu còn là tình yêu! Ở lại trong tình yêu Chúa bấy giờ là lời mời gọi miễn phí của tình yêu, vừa trở thành lời đáp trả tự do đối với Đấng yêu thương chúng ta vô điều kiện.
Tóm lại, Chúa cứ van vỉ chúng ta hãy ở lại trong tình yêu Chúa trong mọi hoàn cảnh, vì Chúa quá yêu chúng ta và không muốn một ai trong chúng ta hư mất.
- Hạnh phúc cho ai nhận ra và ở lại trong tình yêu Chúa
Chúng ta không nhận ra được Chúa yêu sao? Không phải Chúa yêu thương và ban Thân Mình Ngài cho chúng ta đó sao? Không phải Chúa không ngớt nói lời của Ngài với dân Ngài đó sao? Không phải cuộc đời chúng ta hằng diễn ra trong tình yêu của Chúa đó sao? Vì thế, người không ở trong tình yêu Chúa là người cho rằng họ không được Chúa yêu thương. “Hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!” Chúa nói như thế đó. Con chim uyên ương sẽ xa rời tình yêu khi nó không còn liền cánh với tình yêu; cũng vậy, Ki-tô hữu sẽ không hạnh phúc nếu không nhận ra và không màng tình Chúa yêu.
Nhưng Satan đâu ngừng quyến rũ chúng ta rời xa Chúa để tìm đến một thứ ngẫu tượng. Dân Israel từng bị tố cáo là dân ngoại tình, phụ bạc Thiên Chúa. Họ thờ ngẫu tượng bò vàng, họ nhảy múa chung quanh bò vàng và họ bất trung với Thiên Chúa và không còn yêu mến, thờ phượng Thiên Chúa. Chúng ta có ngoại tình và xa cách Thiên Chúa không? Có yêu mến Chúa Giê-su hơn hết mọi sự không? Con bò vàng nào ngày hôm nay đang lôi kéo chúng ta ra khỏi tình yêu Chúa? Khuynh hướng sùng bái thần tượng đang lan tràn: một ca sĩ, một người mẫu, một mốt thời trang…, người trẻ mau mắn bắt chước cách ăn mặc, cử xử rập khuôn theo thần tượng, buồn vui theo thần tượng, cố gắng bắt chước nên giống thần tượng, bấy giờ thần tượng trở thành ngẫu tượng của họ tôn thờ. Chẳng lẽ chúng ta không biết mình đang đi lại con đường của dân Israel ngoại tình xưa sao? Chẳng lẽ chúng ta không biết những lúc ấy mình đã xa cách Chúa và không còn ở lại trong tình yêu Chúa? Rất cần nghe và ghi khắc lời Chúa nói hôm nay: “Các con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.”
Lạy Chúa Giê-su, Chúa van vỉ chúng con ở lại trong tình yêu Chúa, vì Chúa yêu con từ ngàn xưa và yêu con trong mọi ngày đời con. Xin cho con biết con được Chúa yêu và cho con biết đáp lại tình Chúa, ở lại trong tình Chúa, rước Chúa vào lòng con, để lời Chúa thấm vào tâm hồn và vào đời con. Chỉ ở trong Chúa con mới được hạnh phúc vì biết Chúa yêu con và đời con sinh nhiều hoa trái tình yêu của Chúa. Lạy Chúa, xin cho con quất quýt bên Chúa mọi ngày.
Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 6 Phục Sinh, Năm B
Nguồn: giaophancantho.org
- YÊU CHÚA BẰNG HÀNH ĐỘNG
Khi cha Đamien (Damien de Veuster) đến đảo Molokai để dựng một nhà thờ tiền chế dành cho những người mắc bệnh phong, ngài đã phải trải qua mấy tuần đầu ngủ dưới tán cây, vì ngài không thể chịu được mùi hôi thối trong những căn nhà nhỏ tồi tàn của những người bệnh. Lúc đó ngài không dám giảng về tình yêu thương của Chúa dành cho họ, bởi vì điều đó sẽ làm cho họ bị xúc phạm. Nhưng dần dần nhờ ơn Chúa, ngài bắt đầu nhận ra Chúa Giêsu hiện diện nơi những con người đau khổ này. Ngay lập tức, ngài hòa mình với cộng đồng của họ: ngài chăm sóc, rửa ráy, băng bó và tự tay chôn cất những người xấu số này. Ngài xác tín mình được sai đến để yêu thương những con người bị xã hội loại bỏ, và qua ngài, họ tin rằng Chúa yêu thương họ. Ngài không còn ái ngại được mời hút một cái tẩu, rồi ngay sau đó lại chuyền cho những người xung quanh khác cùng hút. Ngài ăn uống với họ từ một cái chén chung, trong đó họ lấy thức ăn bằng bàn tay không có ngón tay. Rồi cuối cùng ngài đã mắc bệnh, ngài cảm thấy vui vì được sống và cùng chết với họ.
* Như vậy, thánh Đamien đã sống theo điều răn yêu thương của Chúa Giêsu được đưa ra trong bài Tin Mừng hôm nay: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,12-13)
- BỐ KHÔNG NHỚ
Một lần nọ, vị giám thị một trường học mở ngày Chúa nhật ghi tên hai đứa nhỏ là chị em mới vào trường. Khi bà ấy hỏi chúng bao nhiêu tuổi, một đứa trả lời: “Cả hai chúng cháu đều bảy tuổi. Sinh nhật của cháu là ngày 8 tháng 4 và ngày sinh của em cháu là 20 tháng 4”. Giám thị đó ngước mắt lên nói: “Điều này không thể được, các cháu à!” Cháu gái đứng sau lên tiếng nói: “Không, đó là sự thật ạ. Một người trong chúng cháu được nhận làm con nuôi”. “Ồ, ra vậy”, vị giám thị lại hỏi: “Người nào?” Hai chị em nhìn nhau, và một đứa nói: “Chúng cháu đã hỏi bố câu hỏi đó mới lúc trước, nhưng bố chỉ nhìn chúng cháu và nói rằng bố yêu cả hai chúng cháu như nhau, đến nỗi bố không thể nhớ ai trong hai chúng cháu được nhận làm con nuôi!”
* Đó là một ngụ ngôn tuyệt vời cho tình yêu của Thiên Chúa. Chúa yêu thương tất cả chúng ta, như nhau. Chúng ta được yêu thương không phải vì chúng ta đã giành được tình yêu của Ngài hoặc xứng đáng nhận được tình yêu đó, mà hoàn toàn vì ơn nhưng không.
- MỘT MÌNH VÁC GÁNH NẶNG
Tiến sĩ Albert Schweitzer, một thiện nguyện viên, thần học gia, nhạc sĩ và bác sĩ nổi tiếng, đã 85 tuổi khi tôi đến thăm bệnh viện của ông trong rừng tại Lambarene, bên bờ sông Ogowe. Một chuyện đặc biệt khiến tôi nhớ mãi. Lúc đó mười một giờ trưa. Mặt trời vùng xích đạo chiếu những tia nắng gay gắt trên cảnh vật im ắng, chúng tôi cùng với Tiến sĩ Schweitzer đi bộ lên một ngọn đồi có nhiều cây xanh. Đột nhiên ông rời bỏ chúng tôi và sải bước vượt qua triền dốc bên nay sang bên kia, đến một nơi mà một người phụ nữ châu Phi đang vật lộn với một đống củi khổng lồ dùng để đốt lửa nấu ăn. Tôi vừa ngưỡng mộ vừa lo lắng nhìn người đàn ông 85 tuổi vác cả đống củi lên đồi cho người phụ nữ yếu ớt. Khi tất cả chúng tôi lên đến đỉnh đồi, một trong những thành viên của nhóm chúng tôi hỏi Tiến sĩ Schweitzer tại sao ông lại làm những việc như vậy, ngụ ý rằng trong cái nóng khủng khiếp và ở độ tuổi của ông thì không nên. Albert Schweitzer, nhìn thẳng vào tất cả chúng tôi và chỉ vào người phụ nữ nói đơn giản: “Không ai phải gánh một mình gánh nặng như vậy.”
* Tiến sĩ Albert Schweitzer đã thực hành điều răn yêu thương tuyệt vời của Chúa Giêsu: “Yêu như Thầy yêu thương.”
- BỎ MẠNG VÌ BẠN
Năm 1941, quân đội Đức Quốc Xã bắt đầu lùng bắt người Do Thái ở Lithuania. Hàng ngàn người Do Thái đã bị sát hại. Nhưng một người lính Đức đã phản đối hành động giết người của họ. Anh ta là Trung sĩ Anton Schmid. Qua sự cứu giúp của ông, mạng sống của ít nhất 250 người Do Thái đã được cứu sống. Anh ta đã tìm cách che giấu họ, tìm thức ăn và cung cấp cho họ những giấy tờ giả mạo. Bản thân Schmid đã bị bắt vào đầu năm 1942 vì đã cứu sống những người này. Anh bị xét xử và hành quyết năm 1942. Thời gian trôi đi gần sáu mươi năm nước Đức mới tưởng nhớ đến người lính anh hùng này là Schmid. Bộ trưởng Quốc phòng Đức, vào năm 2000 đã tôn vinh anh khi tuyên bố: “Quá nhiều người cúi đầu trước những lời đe dọa và cám dỗ của nhà độc tài Hitler, và quá ít người tìm được sức mạnh để dám chống lại. Nhưng Trung sĩ Anton Schmid của chúng ta đã dám hành động phản kháng.”
* Đây là chủ đề trọng tâm của Tin Mừng hôm nay: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hi sinh tính mạng vì bạn hữu.”
- MỘT BỆNH VIỆN ĐẶC BIỆT
Có một bệnh viện đặc biệt ở Luân Đôn dành cho những người mà các bệnh viện khác coi là hết đường cứu chữa. Đây là bệnh viện dành cho những người được chẩn đoán là ở vào “giai đoạn cuối”. Hầu như mọi người sẽ nghĩ bệnh viện này là một nơi rất buồn tẻ, nhưng thực tế lại không phải vậy. Thực sự, đó là một bệnh viện tràn đầy hy vọng và tưng bừng sức sống. Trọng tâm của bệnh viện Luân Đôn này là sự sống chứ không phải cái chết. Quả thật khi điều trị ở đây một số lớn bệnh nhân nhận thấy tiến trình bệnh lí của mình thuyên giảm chứ không gia tăng. Điều đáng chú ý nhất trong bệnh viện này là cách tổ chức vận hành. Triết lý tổ chức căn bản ở đây khác với hầu hết các bệnh viện khác. Trong chương trình này, bệnh nhân được sắp xếp để cống hiến mình phục vụ bệnh nhân khác. Mỗi bệnh nhân được giao cho một bệnh nhân khác để chăm sóc và yêu thương. Vì vậy, thí dụ một người không thể đi lại có thể được giao nhiệm vụ đọc sách cho người mù khác nghe. Rồi người mù sẽ đẩy xe lăn cho người không đi được nhưng người này có thể chỉ đường về nơi đẩy ghế…Cứ thế, người ta quan tâm đến nhau và được khỏi bệnh!
* Chúa mời gọi chúng ta trở thành những môn đệ yêu thương nhau. Chính chúng ta là những người chữa lành và tiếp thêm sức mạnh cho người khác khi chúng ta học cách cho đi và yêu thương họ.
- ĐÁNH TRÁO
“Hãy giao cho tôi giấy tờ của bạn để tôi có thể mang tất cả tội ác của bạn với tôi trong cái chết.” Nhà văn Pháp Henri Barbusse (1874-1935), kể về một cuộc trò chuyện ông tình cờ nghe được trong một chiến hào la liệt những thương binh trong Thế chiến thứ nhất. Một trong những người lính biết rằng anh ta chỉ còn sống được vài phút nói với một người lính khác: “Nghe này, Dominic, bạn đã sống một cuộc đời rất tồi tệ: tên tuổi của bạn đã hoen ố; bạn luôn bị theo dõi; mọi nơi bạn sống đều bị cảnh sát truy nã. Còn tôi, tôi không bị vướng vào một tiền án nào cả. Tên tuổi của tôi thật ngay chính, vì vậy, đây, mau cầm lấy ví của tôi, giấy tờ, danh tính của tôi, lấy danh nghĩa của tôi, cuộc sống của tôi,… và nhanh chóng giao cho tôi giấy tờ của bạn để tôi có thể mang tất cả tội ác của bạn đi theo cái chết của tôi!”
* Tin Mừng của Chúa Giêsu cũng tương tự như vậy: chúng ta được sạch tội qua cái chết cứu chuộc của Người.
- GIỚI RĂN YÊU THƯƠNG CẢM HÓA NHÀ TÙ
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Tiến sĩ Ernest Gordon, sau này là Tuyên úy của Đại học Princeton, từng là một tù nhân chiến tranh ở Thái Lan. Trong cuốn sách của mình, Miền Thung lũng Kwai, ông thuật lại sự khác biệt đã xảy ra giữa hai mùa Giáng Sinh mà ông trải qua trong tù. Ông kể lại rằng trong mùa Giáng sinh năm 1942, hàng ngàn lính Mỹ trong nhà tù đó đã ăn cướp đồ ăn của những người bệnh trong số họ, họ ngược đãi lẫn nhau, và không quan tâm việc các tù nhân khác sống hay chết. Nhưng trong một năm sau, một người lính khỏe mạnh bắt đầu đưa thức ăn của mình cho một người bạn ốm yếu để giúp anh này khỏe lại. Thời gian sau tù nhân bị bệnh đó được hồi phục, nhưng người bạn đã cho anh ta thức ăn chết vì suy dinh dưỡng. Câu chuyện về người lính đã hy sinh mạng sống của mình để cứu một người bạn đã lan truyền nhanh trong trại tù. Một số tù nhân nhận xét rằng anh ta giống Chúa Kitô quá. Một số người khác bắt đầu nhớ lại những đoạn Kinh Thánh mà họ đã đọc nhiều năm trước đó trong những hoàn cảnh khác nhau. Một trong những đoạn văn nói: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” Một số người lính trong đó là Kitô hữu nghe câu chuyện đó thì vô cùng cảm động và bắt đầu làm chứng cho những người lính khác. Các tù nhân bắt đầu hỏi về Chúa Giêsu là ai rồi gặp gỡ nhau để học Kinh Thánh. Khi họ bắt đầu biết Chúa Giêsu thì bầu không khí trong trại hoàn toàn thay đổi: từ chán nản, thất vọng và tuyệt vọng sang hy vọng, vui tươi và mến thương nhau. Khi lễ Giáng Sinh năm 1943 đến, Tiến sĩ Gordon cho biết, hơn 2000 tù nhân đã tập hợp lại để cử hành ngày lễ trọng đại này. Họ tưng bừng hát những bài hát Giáng Sinh và một người đọc câu chuyện về sự ra đời của Chúa Giêsu theo tường thuật trong Phúc Âm. Bất chấp cái đói khủng khiếp, các tù nhân mạnh khỏe đã chia sẻ thức ăn của mình cho những bạn tù bị bệnh để giúp họ hồi phục sức khỏe nhanh hơn. Mọi người quan tâm đến nhau nhiều hơn. Họ xác tín rằng điều khác biệt xảy ra là do đức tin vào Chúa Kitô. Và mọi người đều sống theo tình yêu thương của Ngài trong chính hoàn cảnh vốn đã cạn kiệt tình yêu thương.
- CÂU CHUYỆN ÔNG GIAKÊU
Có một câu chuyện cổ khá hay về ông Giakêu, người thu thuế. Chuyện ấy kể lại rằng, những năm sau khi gặp được Chúa, vào mỗi buổi sáng ông ấy đều dậy sớm và lặng lẽ rời khỏi nhà của mình. Vợ ông, tò mò, đi theo tìm hiểu. Tại cái giếng của ngôi làng, ông múc đầy một xô nước và đi đến một cây sung. Ở đó, ông đặt cái xô xuống, bắt đầu dọn sạch đá sỏi, lượm nhặt các cành cây và rác rưởi xung quanh gốc cây. Sau khi làm xong, ông ta chậm rãi tưới nước lên rễ cây và đứng đó trong im lặng, nhẹ nhàng vuốt ve thân cây bằng cả hai tay của mình. Người vợ của ông vô cùng kinh ngạc mới bước ra và hỏi ông đang làm gì thế, Giakêu chỉ trả lời đơn giản: “Đây là nơi tôi đã nhìn thấy Chúa Giêsu!”
* Có lẽ mỗi người chúng ta đều lưu giữ những thời điểm, những địa điểm, những đặc điểm của tình Chúa yêu chúng ta. Đó là những nơi chốn thiêng liêng của riêng chúng ta với Chúa.
- UBI CARITAS ET AMOR, DEUS IBI EST
(Ở đâu có Bác ái và Thương mến, Ở đó Chúa hiện diện)
Tại một ngôi làng nhỏ trên dãy núi Alps của Thụy Sĩ có một nhà thờ nhỏ được nhiều thế hệ tín hữu đến hành hương và cầu nguyện. Điều làm cho nó trở nên đẹp là câu chuyện về cách nó được xây dựng trên vị trí hôm nay. Câu chuyện diễn ra như thế này. Hai anh em cùng làm việc trong một trang trại của gia đình, họ chia nhau hoa mầu và lợi tức. Một người đã kết hôn, người kia thì chưa. Khí hậu khắc nghiệt dẫn đến kết quả là sản lượng đôi khi không như mong muốn. Một ngày nọ, người anh độc thân tự nhủ: “Thật không công bằng khi chúng ta phải chia đều sản lượng. Tôi chỉ có một mình, nhưng em tôi còn có một gia đình phải lo liệu.” Vì vậy, thỉnh thoảng anh ta đi ra ngoài vào ban đêm, lấy một bao thóc từ kho thóc của mình, lặng lẽ băng qua cánh đồng giữa hai nhà của họ và đổ vào bồ thóc của người em. Trong khi đó, người em cũng có ý tưởng tương tự và nói: “Thật không đúng khi chúng ta chia đều hoa lợi. Tôi có một gia đình giúp đỡ tôi, còn anh tôi chỉ có một thân một mình”. Vì vậy, thỉnh thoảng anh này đi ra vào ban đêm, lấy một bao thóc từ kho thóc riêng và kín đáo đổ vào bồ thóc của người anh. Điều này cứ diễn ra sau mỗi mùa vụ. Hai anh em mỗi người đều tự hỏi tại sao cót thóc của nhà mình không thấy vơi đi. Rồi một đêm họ bất ngờ gặp nhau trong đêm tối. Khi họ nhận ra chuyện gì đang xảy ra, họ bỏ bao thóc xuống và ôm lấy nhau. Đột nhiên có một tiếng nói từ trời cất lên: “Nơi đây Ta sẽ xây dựng nhà thờ của Ta. Vì nơi nào người ta yêu thương nhau, thì ở đó Ta hiện diện và ngự trị.”
- KHOÁC LÁC
(Chuyện vui)
Một chàng trai viết thư cho bạn gái: “Em yêu, nếu thế giới này nóng như sa mạc Sahara, anh sẽ quỳ gối qua bãi cát nóng bỏng để đến với em. Nếu thế giới giống như Đại Tây Dương, anh sẽ bơi qua vùng nước đầy cá mập để đến với em. Anh sẽ chiến đấu với con thủy quái hung dữ nhất để ở bên cạnh em! – Anh sẽ gặp em vào thứ năm nếu trời không mưa”.
Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm