Chúa Nhật VI Phục Sinh – Năm C
CN.6.PS.C
(Cv 15,1-2.22-29; Kh 21,10-14.22-23; Ga 14,23-29)
9-5-2010
Chúa nhật tuần tới là lễ Chúa Giêsu Lên Trời. Vì thế, những bài đọc Sách Thánh thánh lễ hôm nay căn dặn chúng ta rằng : mặc dầu Chúa Giêsu không còn hiện diện bằng xương bằng thịt, song Chúa hiện diện bằng cách khác, để giúp chúng ta sống đạo đức, thánh thiện.
Ba cách hiện diện, để nâng đỡ đức tin chúng ta : 1/ Thiên Chúa Ba Ngôi, 2/ Hội Thánh, 3/ Công đồng.
Sách CVTĐ cũng còn nói đến sự hiện diện của Đức Mẹ trong đời sống chúng ta nữa. Quả thật đời sống chúng ta nhờ Đức Mẹ nâng đỡ, phù giúp rất nhiều.
Chỉ trong đất nước VN, Đức Mẹ đã hiện diện khắp nơi để nâng đỡ chúng ta :
- Năm 1789 nhà Tây Sơn cấm đạo bắt bớ, Đức Mẹ đã hiện ra ở La Vang
- Năm 1885 nhà Nguyễn cấm đạo bát bớ, Đức Mẹ hiện ra ở Trà Kiệu.
- Năm 1950 chiến tranh Việt Pháp, Đức Mẹ hiện ra ở La Mã Bến Tre.
Ngày nay thì có Đức Mẹ Ta-Pao, Đức Mẹ Măng Đen, Đức Mẹ Bình Lợi…
Chẳng bao giờ Chúa và Đức Mẹ bỏ rơi chúng ta, miễn là chúng ta không bỏ Chúa và Mẹ. Đức Mẹ La vang nói : “Hãy vui lòng chịu khó, chịu cực vì Chúa. Ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu thoát.
Bài Tin Mừng : Bài TM là những lời tâm sự của Chúa Giêsu với các tông đồ trên bàn tiệc ly, trước khi Chúa Giêsu đi chịu chết. Những lời tâm sự này nói về sự hiện diện của Chúa Cha : “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23).
Những lời tâm sự này nói về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần : “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26).
Như thế, khi Chúa Giêsu ra đi sẽ có Ba Ngôi Thiên Chúa hiện diện với chúng ta.
Chúa Giêsu cũng cho biết là khi Chúa lên trời, thế gian sẽ bách hại chúng ta; song Chúa sẽ ban bình an cho chúng ta : “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. .. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27).
Bài đọc 2 : Sách Khải Huyền trong bđ2 nói đến sự hiện diện của Hội Thánh. Hội Thánh được ví như thành Giêrusalem chói lọi vinh quang của Thiên Chúa. Thành được xây trên nền móng là các tông đồ : “Tường thành xây trên 12 nền móng, trên đó có tên 12 tông đồ của Con Chiên” (Kh 21,14).
Như thế, Hội Thánh gồm mọi thành phần các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân sẽ ở bên cạnh chúng ta để nâng đỡ chúng ta.
Bài đọc 1 : Sách Công Vụ Tông Đồ trong bđ1 kể lại thành quả của Công đồng Giêrusalem, Công đồng đầu tiên của Hội Thánh. Hội Thánh gồm đủ mọi thành phần không thể không có sự khác biệt. Chính những khác biệt đó khiến Hội Thánh chia rẽ. Nhờ công đồng, sự hội họp của các vị lãnh đạo Hội Thánh, những khác biệt và chia rẽ được giải quyết.
Thời các tông đồ, chẳng những những người Do Thái xin theo đạo, mà cả những người ở các nước khác, như nước Syri. Những người Do Thái theo đạo, nhưng vẫn giữ những luật lệ của đạo Do Thái, như luật cắt bì. Còn những người theo đạo ở An-ti-ô-khi-a của nước Syri không giữ những luật Do Thái. Thế là có sự chia rẽ. Các tông đồ đã họp ở Giêrusalem để giải quyết. Đó là những người nước ngoài vào đạo không phải giữ các luật lệ của đạo Do Thái.
Chúng ta được Thiên Chúa Ba Ngôi, Hội Thánh Và Công đồng hiện diện nâng đỡ ủi an chúng ta.
———————————-
CN.6.PS.C
13-5-2007
Chúa nhật hôm nay là chúa nhật đặc biệt : đặc biệt thứ nhất là chúa nhật kỷ niệm 90 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, đặc biệt thứ hai là ngày của người mẹ.
Lịch sử Ngày của Mẹ như sau : Thời tổng thống Abraham Lincoln, vì vấn đề người da đen, nước Mỹ xảy ra nội chiến giữa hai miền Nam và Bắc. Đã là chiến tranh thì kẻ thắng người bại đều đau khổ, người lính ở chiến trường cũng như những người phụ nữ nội trợ ở nhà. Vì thế năm 1870 bà Julia Howe đã viết bài nham đề là “Tuyên Ngôn Ngày Của Mẹ”. Trong tuyên ngôn có lời kêu gọi như sau : “Trái đất đầy đau khổ và chết chóc vang lên tiếng kêu thiết tha này : Hãy hạ súng xuống ! Lưỡi gươm giết người không phải là cán cân công lý. Những giọt máu đào rơi xuống không rửa sạch được được nỗi nhục mất danh dự và kính trọng. Bạo lực không khẳng định được chủ quyền. Đàn ông hãy bỏ khí giới xuống. Phụ nữ hãy tuốn ra đường để lên tiếng đòi hỏi. Hãy để phụ nữ được bày tỏ lòng tiếc thương những người lính ngã gục, những người dân vô tội bị chết oan.”
Bà Ann Javis tiếp tục tử tưởng “Ngày của Mẹ vì Hòa Bình” của bà Julia Howe bằng “Ngày Làm Việc của Mẹ” , nghĩa là bà kêu gọi những người mẹ cả hai bên Nam Bắc hãy dành một ngày để cải thiện môi trường vệ sinh do cuộc chiến để lại biết bao dơ bẩn.
Khi bà Ann Javis qua đời, con gái bà khởi xướng dành một ngày để tưởng nhớ công ơn của những người mẹ. Ngày của Mẹ được cử hành đầu tiên trong một nhà thờ Tin Lành ở bang West Virginia, rồi lan ra khắp nước Mỹ. Năm 1914, tổng tổng Wilson công bố Ngày của Mẹ là quốc lễ.
“Ngày của Mẹ” đã lan rộng khắp thế giới. Thế giới dành một ngày để tưởng nhớ công ơn của những người mẹ. Ai chẳng có mẹ. Ai nào quên được công ơn của mẹ. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người mẹ.
Ngòai người mẹ phần xác, chúng ta còn một người mẹ phần hồn, tức là Đức Maria. Hôm nay là ngày 13-5, kỷ niệm đúng 90 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, nước Bồ Đào Nha.
Đức Mẹ hiện ra ở Fatima trên cây sồi chỉ vì thương lòai người, muốn cứu vớt lòai người. Ngày 13-7, lần thứ ba Đức Mẹ hiện ra. Chị Luxia kể lại như sau : “Mặt Đức Mẹ trở nên rất buồn. Mẹ nói : “Hãy hy sinh chính chúng con cho những kẻ tội lỗi. Đặc biệt mỗi khi làm một việc hy sinh, chúng con hãy đọc lời kinh này : ‘Lạy Chúa Giêsu, vì tình yêu Chúa, chúng con xin cho những người tội lỗi ăn năn trở lại, và đền vì những xúc phạm đến Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria”.
Lần thứ ba, Ba Em được Đức Mẹ cho xem thấy hỏa ngục. Nhìn thấy hỏa ngục, Ba Em sợ hãi la hét. Các Em kể lại như sau : “Chúng con nhìn thấy một biển lửa bao la. Chìm trong biển lửa đó là ma qủi và những linh hồn đã hư mất. Trông họ như là những hòn than đỏ trong suốt, đen và nâu có hình dáng con người. Họ bồng bềnh trong đám cháy. Họ rên xiết than van. Họ đau khổ và thất vọng…”
Khi thấy lửa đỏ, tiếng gầm rú của hàng triệu ma qủi, tiếng than van của các linh hồn hư mất trong hỏa ngục , bé Giaxnta đã khóc. Em nắm chặt tay lại và kêu lên với Đức Mẹ : “Ôi hỏa ngục, ôi hỏa ngục ! Lạy Mẹ Thiên Chúa, xin thương những người không biết cải thiện đời sống.” Hiện ra lần thứ hai ngày 13-6 Đức Mẹ đã bảo hãy lần chuỗi cầu nguyện cho người ta khỏi sa hỏa ngục. Mẹ bảo đọc kinh này sau mỗi chục kinh Kính Mừng : “Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa tha tội chúng con, xin gìn giữ chúng con khỏi sa hỏa ngục…” Bé Giaxinta nói với Phanxicô, anh mình : “Anh có cầu nguyện với em không ? Chúng ta phải cầu nguyện thật nhiều để cứu vớt các linh hồn khỏi sa hỏa ngục. Qúa nhiều người đang xuống đó, qúa nhiều.”
Sau ngày 13-7, Ba Em bị ông quận trưởng quận Fatima bắt. Ông đập bàn đập ghế, la hét để làm cho Ba Em sợ hãi, mà thú nhận rằng chuyện Đức Mẹ hiện ra là do các em bịa đặt. Song Ba Em vẫn một mực chối là không bịa đặt. Ông đành phải thả Ba Em. Nhưng đến ngày 12-8, ông bắt nhốt Ba Em trong tù, để ngày 13 Ba Em không có mặt ở cây sồi. Ngày 13-8 tuy không có mặt Ba Em, nhưng người ta đến cây sồi vẫn đông, có tới 15.000 người. Khỏang 11g trưa, chị của Luxia đem mấy cây nến thắp kính Đức Mẹ. Mọi người đều quì xuống lần chuỗi cầu nguyện. Bỗng xuất hiện một thứ ánh sáng lạ, làm mặt mọi người sáng rực mầu hồng, đỏ, xanh như mầu cầu vồng, cây cối như không có lá, tòan là hoa, mỗi lá là một bông hoa, mặt đất mỗi nơi một mầu sắc khác nhau, áo quần cũng đổi sang mầu cầu vồng.
Bà Em đước thả ra. Ngày 19-8 Ba Em đi chăn chiên ở Valimbos, chứ không ỏ cây sồi Fatima. Đức Mẹ hiện ra bảo : “Hãy cầu nguyện, cầu nguyện thật nhiều, và làm nhiều việc hy sinh cho nhiều người đang sa xuống hỏa ngục. Họ không có ai hy sinh cầu nguyện cho họ.”
Chị Luxia hỏi Đức Me : – Bà muốn con làm gì ?
Đức Mẹ bảo : – Tiếp tục lần chuỗi hằng ngày để chiến tranh chấm dứt. Vào ngày 13-10, Chúa chúng ta sẽ tới, và Đức Mẹ sầu bi, Đức Mẹ Camêlô, thánh Giuse và Chúa Hài Đồng cùng tới để chúc lành cho thế giới…Thiên Chúa hài lòng với những hy sinh chúng con làm.
Ngày 13-10 mưa tầm tã từ chiều hôm trước và suốt buổi sáng ngày 13-10. Hôm nay người ta đến đông vô kể. Ba Em đến. Mưa như trút nước. Ba Em qùi xuống lần chuỗi cầu nguyện. Người ta lấy dù che cho Ba Em. Bỗng em Luxia bảo mọi người bỏ dù xuống và qùi xuống. Đức Mẹ đang tới . Đức Mẹ xứng mình là Mẹ Mân Côi. Đức Mẹ bào : “Mẹ muốn xây một nhà thờ nơi đây dâng kính Mẹ. Chúng con hãy lần hạt mọi ngày. Chiến tranh sẽ chấm dứt. Các quân nhân sẽ được trở về nhà. Đức Mẹ nói tiếp : Hãy cải thiện đời sống. Đừng xúc phạm đến Thiên Chúa nữa, vì người ta đã xúc phạm lắm rồi.”
Đức Mẹ bay lên trời thì phép lạ xảy ra : mặt trời quay, rồi xà xuống đất. Người ta sợ hãi la hét. Áo quần ướt được khô, mặt đất không còn bùn nhão. Tiếp đến Gia Đình Thánh Gia Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giuse xuất hiện giơ tay ban phúc lành cho mọi người.
Có người Mẹ nào thương lòai người bằng Đức Mẹ. Đức Mẹ thương làm những việc lớn lao để cứu giúp lòai người, mà làm cả những việc nhỏ nhoi nữa. Ngày 13-6, hiện ra lần thứ hai, Đức Mẹ bào Luxia : “Ta muốn con phải học để biết đọc”. Luxia không biết chữ, nên Mẹ đã bảo Lucxia đi học.
Xin Đức Mẹ thương mãi chúng ta và những người mẹ trần gian của chúng ta.
—————————-
CN.6.PS.C
6-5-2004
Chúa nhật tuần sau là lễ Chúa Giêsu lên trời. Chúa Giêsu về với Chúa Cha. Vì thế Giáo hội cho chúng ta đọc những lời tâm sự, những lời cuối cùng của Chúa Giêsu với các tông đồ trên bàn tiệc ly. Chỉ vài giờ sau Người sẽ vĩnh biệt các ông đi chịu chết.
Bài Tin Mừng : Trong những lời tâm sự của Chúa Giêsu trên bàn tiệc ly, việc ra đi của Chúa được nhắc đi nhắc lại nhiều lần : “Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi” (13,33), “Thầy đi dọn chỗ cho anh em” (Ga 14,2), “Thầy đi đâu thì anh em biết đường rồi” (14,4), “Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy” (14,19), “Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em” (14,25), “Thầy ra đi và đến cùng anh em” (14,28), “Thầy đi về cùng Chúa Cha” (14,28), “Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì thủ lãnh thế gian đang đến” (14,30), “Nào đứng dậy ! Ta đi khỏi đây” (14,31).
Việc ra đi của Chúa làm cho các tông đồ lo âu buồn phiền, khiến Chúa phải an ủi : “Lòng anh em đừng xao xuyến” (14,1), “Thầy đi dọn chỗ cho anh em” (14,2), “Thầy sẽ không để anh em mồ côi” (14,18), “Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (14,27).
Chúa vắng mặt, nhưng Chúa không cách lòng. Chúa không còn hiện diện bằng thể xác hữu hình thì Chúa hiện diện cách vô hình. Sự hiện diện của Chúa là sự hiện diện của Chúa sống lại. Chúa vẫn hiện diện, vẫn đến “ở” với các con chiên của Chúa. Động từ “ở” Chúa Giêsu nói đi nói lại 15 lần (13,33; 14,2.3.8.10.11(2 lần).16.17 (2lần).20 (3 lần).23).
Không phải chỉ có Chúa Giêsu đến ở, mà cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều đến ở. Chúa Cha và Chúa Con đến ở : “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (14,23). Rồi Chúa Thánh Thần cũng đến ở : “Đấng Bảo trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến” (14,26). Có Ba Ngôi Thiên Chúa đến ở, lòng người sẽ bình an : “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy…Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (14,27), và được vui mừng : “Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (14,28).
Trong giáo lý chúng ta học : Ba Ngôi Thiên Chúa bằng nhau, chẳng có Ngôi nào trước Ngôi nào sau, Ngôi nào hơn Ngôi nào kém. Vậy phải hiểu thế nào về lời Chúa Giêsu nói : “Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (14,28).
Lạc giáo Ariô đã căn cứ vào lời này mà cho rằng : Chúa Giêsu không bằng Chúa Cha và Chúa Giêsu không phải là TC.
Các giáo phụ như ông Origène, Tertullianô, Athanasiô cho rằng : Chúa Giêsu kém hơn Chúa Cha là về phương diện sinh ra : Chúa Con được sinh ra, còn Chúa Cha thì không. Các giáo phụ khác như thánh Cyrillô, Ambrôsiô, Augustinô cho rằng : vì Chúa Con nhập thể làm người. Thư Philipphê thánh Phaolô viết “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-7).
Chúa Giêsu kém Chúa Cha vì Người là sứ giả của Chúa Cha. Chính Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly cũng nói : “Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi” (Ga13,16). Chúa Cha đã sai Chúa Con và ban vinh quang cho Chúa Con. Tất cả đến từ Chúa Cha và trở về với Chúa Cha (Alain Marchadour, L’Évangile de Jean, tr.198).
Bài đọc 2 : Thiên Chúa còn ở trong Giáo Hội. Sách Khải Huyền trong bđ2 thánh lễ hôm nay đã kể lại một hình ảnh về Giáo Hội : “Tôi là Gioan…một thiên thần chỉ cho tôi thấy Thành Thánh Giêrusalem từ trời mà xuống” (Kh 21,10).
Giáo Hội là Thành thánh Giêrusalem từ trời mà xuống, tức là do Thiên Chúa thiết lập. Giáo hội có những đặc tính như chúng ta đọc trong kinh Tin Kính.
Trước hết, Giáo Hội thánh thiện : “Chói lọi vinh quang…rực sáng tựa đá qúy tuyệt vời” (21,11).
Thứ đến, Giáo Hội phổ quát, công giáo, như những cánh cửa mở ra đón nhận mọi người, không phân biệt ai : “Phía đông có ba cửa, phía bắc có ba cửa, phía nam có ba cửa, phía tây có ba cửa” (21,13).
Sau cùng, Giáo Hội tông truyền, có truyền thống các Tông Đồ : “Tường thành xây trên 12 nền móng, trên đó có tên 12 Tông Đồ của Con Chiên” (21,14).
Nhưng nhất là “trong thành không có đền thờ” (21,22), vì “Con Chiên là Đền thờ” (21,23). Đền thờ là nơi Chúa ngự. Giáo Hội không cần Đền thờ vì có Chúa Giêsu là Đền Thờ, có Chúa Giêsu hiện diện. Giáo Hội là sự hiện diện của Chúa. Nói như thánh Phaolô : Giáo hội là thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô.
Bài đọc 1 : Chúa không những hiện diện trong Giáo Hội, mà còn hoạt động, chỉ huy, hướng dẫn Giáo Hội. Sách Công Vụ Tông Đồ trong bđ1 kể lại Công Đồng Giêrusalem, Công Đồng đầu tiên của Giáo Hội.
Một vài người Do Thái theo đạo ở Giêrusalem đã đến cộng đoàn Antiôkhia ở nước Syri, một cộng đoàn không phải là người Do Thái, song là người của các nước khác. Những người Do Thái bắt phải giữ luật Môsê.
Thánh Phaolô và Banaba phản đối. Các ngài đã đi Giêrusalem đem vấn đề này trình bày với thánh Phêrô, thánh Giacôbê. Các ngài đã họp để bàn định. Cuối cùng các ngài nhất trí ra thông báo : “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết” (Cv 15,28). “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định”. Như thế, Chúa Thánh Thần đã hoạt động và hướng dẫn Giáo Hội.
Ngày 3-7-1645, cha Đắc Lộ bị trục xuất khỏi Hội An. Ngài về Macao, rồi đi Roma xin Đức Giáo hoàng cắt cử người làm Giám mục cho Giáo Hội Việt Nam. Đức Giáo hoàng muốn ngài làm Giám mục, ngài khiêm nhường từ chối. Đức Giáo hoàng nhờ ngài tìm người. Ngài về Pháp và đề cử các ứng viên. Ngày 17-8-1658 Đức Giáo hoàng chọn hai cha Francois Pallu và Lambert de La Motte làm Giám mục tiên khởi cho Giáo Hội Việt Nam.
Vì Việt Nam lúc đó còn đang bắt đạo, không đến Việt Nam được, hai Đức cha đến trú tại Thái lan.
Năm 1664 hai Đức cha cùng với 6 linh mục thừa sai họp Công đồng để bàn định công việc truyền giáo cho Giáo hội Việt Nam. Các ngài quyết định : mở đại chủng viện mang tên thánh Giuse tại Thái Lan, để đào tạo hàng linh mục Việt Nam. Cha Giuse Trang và Luca Bền, hai linh mục đầu tiên người Việt Nam được học trong Đại chủng viện thánh Giuse này.
Năm 1669 Đức cha lambert de La Motte từ Thái Lan vào thăm Giáo hội Miền Bắc. Đầu tháng 1-1670 Đức cha phong chức linh mục cho 7 thầy trên một chiếc thuyền đậu ở sông Phố Hiến, Hưng Yên. Ngày 14-2-1670 Đức cha họp Công đồng Phố Hiến nhận thánh Giuse làm bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. Lễ Tro ngày 19-2-1670 Đức cha thiết lập dòng Mến Thánh Giá.
Với những công việc vừa kể, qủa là Chúa đã hiện diện và hoạt động trong Giáo hội, trong Giáo hội Việt Nam.
Linh mục Nguyễn Trung Thành