Chúa Nhật VI TN – Năm C


Chúa Nhật  6 TN C

17-2-2019

Giáo xứ An Hòa

Chầu Thánh Thể

Giáo Huấn số 12

Thách đố của những cuộc khủng hoảng (tt)

Trước những thách đố của một khủng hoảng, phản ứng tức thời của ta thường là chống lại, phòng thủ, cảm thấy mình đang mất kiểm soát bản thân, bởi vì nó cho thấy sự bất cập của chính cách sống của mình, và điều đó làm cho ta khó chịu. Bấy giờ ta sử dụng phương cách chối bỏ, che đậy, tương đối hóa tầm quan trọng của các vấn đề, chỉ mong đợi nó sẽ qua đi theo thời gian. Nhưng làm như thế việc giải quyết sẽ bị trì hoãn và khiến ta mất rất nhiều sức lực trong việc che giấu vô ích, không những thế còn làm tình hình phức tạp hơn. Mối liên kết vợ chồng bị suy yếu dần và sự cách li gây tổn hại tình vợ chồng thân mật ngày càng gia tăng. Trong một cuộc khủng hoảng không được giải quyết, đều chịu tổn hại nhất là sự thông giao giữa hai người. Như thế, người mà trước đây là “người tôi yêu” sẽ trở thành “người bạn đời của tôi”, rồi chỉ còn là “người bố hoặc người mẹ của các con tôi”, và cuối cùng trở thành là một người xa lạ (Niềm Vui của Tình Yêu ao61 253).

———————————

CN 6 C

(Gr 17,5-8; 1Cr 15,12.16-20; Lc 6,17,20-26)

Từ khi có lệnh của Hiền Vương, quan coi người Nhật ở Hội An đã bắt các gia đình làm tờ xuất giáo, hầu hết họ đã thuận theo. Thấy vậy, quan trấn Quảng Nam cũng muốn người Việt theo gương ấy. Một số giáo dân bị bắt đã phải chịu nhiều cảnh hành hạ dã man. Trong số những anh hùng xưng đạo phải kể đến các ông Michele (Mi-ca-en ?), Giu-se, Cai-ô và I-nha-xi-ô bị bắt ngày 5-1-1665. Cô Gio-van-na cũng mạnh bạo xưng đạo trước mặt các quan. Các quan cho là điên, đuổi ra khỏi tòa 2 lần, nhưng cô vẫn trở lại xưng đạo và bị bắt giam. Trong số các anh hùng, còn có hai anh em Ra-pha-e (Ra-pha-en) và Stê-pha-nô (Tê-pha-nô) mới 12 tuổi, cũng rất can đảm. Trong khi các quan đang xử thì hai anh em Ra-pha-e và Stê-pha-nô bước vào lạy các quan rồi thưa :

  • Chúng cháu là hai đứa con mồ côi từ Thuận Hóa đến đây để xin quan cho chúng cháu về thiên đàng nơi Cha chúng cháu đang ở.

          Một vị quan hỏi :

  • Cha chúng bay là ai ?

      Ra-pha-e liền thưa :

  • Là chính Thiên Chúa, Chúa tể và là Đấng tạo dựng trời đất.

Quan nạt nộ :

        – Chúng bay là những đứa trẻ bần cùng mồ côi. Vậy ai đã cho chúng bay ở và nuôi chúng bay ?

          Ra-pha-e thưa :

  • Chúng cháu ở nhà thí dành cho những người nghèo như chúng cháu.

Trước thái độ dũng cảm của các em, quan ra lệnh cho xiềng xích lại, nhưng Ra-pha-e thản nhiên nói :

  • Điều lo xa của quan thật vô ích. Có cần gì phải xích những người đã tự nộp mình chịu chết vì đạo.

      Quan giận dữ ra lệnh xử tử luôn cả hai anh em cùng với các giáo dân khác.

  Ngày 9-1 Hiền Vương ra lệnh xử tử tất cả giáo dân kiên gan xưng đạo : 7 người bị chém đầu và 5 người bị voi giầy. Án được thi hành ngày  31-1-1665. Pháp trường là bãi cát mới bồi giữa Dinh Chiêm và Hội An. Trước khi ra pháp trường các vị anh hùng đã được gặp các cha để lãnh các bí tích. Sau đó các ngài được dẫn ra trước mặt các quan để nghe đọc án, tất cả mặc áo lụa như là để đi dự tiệc vậy. Một lần nữa các quan ra lệnh đạp ảnh , mọi người can đảm xưng đạo :

  • Chúng tôi không bao giờ thay đổi quyết tâm. Nếu chúng tôi có ngàn vạn mạng sống để chịu chết, chúng tôi cũng vui sướng mà dâng cho Thiên Chúa chúng tôi tôn thờ (Vũ Thành, Dòng Máu Anh Hùng, Tập I, trang 57-58).

“Tất cả mặc áo lụa như là để đi dự tiệc vậy”, “chúng tôi có ngàn vạn sự sống để chịu chết, chúng tôi cũng vui sướng mà dâng cho Thiên Chúa chúng tôi tôn thờ”. Những câu nói của các vị tử đạo ở Quảng Nam ngày 31-1-1665 nói lên hạnh phúc mà Lời Chúa nói trong thánh lễ hôm nay.

Bài đọc 1 : Bài đọc 1 trích trong sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a. Sách ngôn sứ của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ giới thiệu ngôn sứ như sau : “Tên của ông thường được hiểu theo tiếng Híp-ri, là ‘Đức Chúa nâng lên’… Giê-rê-mi-a chào đời quãng năm 650 trước Công Nguyên (CN), hơn một thế kỷ sau ngôn sứ I-sai-a. Thân phụ ông là Khít-ki-gia-hu, và gia đình ông là một gia đình tư tế, từ lâu cư ngụ ở A-na-thốt, cách Giê-ru-sa-lem độ 5 km đường sa mạc về phía đông bắc, bây giờ là A-na-ta. Đây là một trong 13 nơi dành cho các tư tế (Gr 21,13-19). A-na-thốt cũng là nơi xưa thượng tế Ép-gia-tha đã sống, sau khi bị vua Sa-lô-môn khai trừ, vì ông phò hoàng tử A-đô-ni-gia (1V 2,26). Biết đâu Giê-rê-mi-a lại không phải là con cháu vị thượng tế này.

Năm thứ 13 triều vua Giô-si-gia-hu (640-609) tức là năm 626 trước CN, Giê-rê-mi-a mới 24 tuổi đời đã được Thiên Chúa gọi làm ngôn sứ, và ông đã thi hành sứ vụ xuyên suốt 4 đời vua kế tiếp, mãi sau biến cố đau thương năm 587 trước CN. Đó là thời kỳ sôi động và bi đát nhất của lịch sử nước Giu-đa” (Các Sách Ngôn Sứ 1996, trang 221).

Ngôn sứ viết về “Hạnh Phúc” trong bđ1 như sau : “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Chúa, và có Đức Chúa làm chỗ nương thân. Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, là trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại” (Gr 17,7-8).

Ngôn sứ cũng nói về “Vô Phúc” trong bđ1 : “Đáng nguyền rủa thay kẻ tin người đời, lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa, và lòng dạ xa rời Thiên Chúa. Người đó như bụi cây hoang địa chẳng được thấy hạnh phúc bao giờ, hạnh phúc có đến chẳng nhìn ra, nhưng sẽ ở mãi nơi đồng khô cỏ cháy, trong vùng đất mặn không một bóng người” (Gr 17,5-6).

Bài Tin Mừng : Đọc BTM thánh lễ hôm nay có lẽ làm chúng ta ngạc nhiên. Chẳng những là “4 phúc” mà lại có cả “4 vô phúc”. Chúng ta đã quen với “Tám Phúc” của thánh Mát-thêu và đã trở thành kinh “Tám Mối Phúc Thật”. Thật ra là “9 mối”, chứ không phải là “8 mối”.

Chúng ta đọc lời dẫn giải của Nhóm CGKPV : “Ngôn từ ở đây là bắt đầu các mối phúc như trong Mát-thêu. Nhưng Lu-ca chỉ ghi lại 4 mối, nhằm nói những tình huống cụ thể hiện tại, trong khi Mát-thêu ghi lại 9 mối, 9 thái độ của người công chính. Có thể là Mát-thêu nhấn mạnh khía cạnh khuyến thiện, còn Lu-ca nhấn mạnh tính cách xã hội, theo mối ưu tư quen thuộc của tác giả đối với người nghèo khổ (x.chú thích kế tiếp). Trong Lu-ca, theo sau các mối phúc là các tương phản của nó, tuyên bố một cách triệt để những mối họa dành cho những người hưởng thụ trên đời. Trong cựu ước cũng có những phúc-họa đi đôi với nhau (Tô-bi-a, Cách Ngôn, Giảng Viên, I-sai-a, Giê-rê-mi-a). Ý nghĩa của đoạn Lu-ca này là lời hứa cứu độ cho những ai bây giờ đang nghèo khổ và Nước Thiên Chúa được trình bày như sự đảo lộn các tình thế hiện tại.

Nghèo khó đây trước hết là nghèo tiền nghèo của (khác với Mát-thêu: nghèo trong lòng). Đức Giê-su thường tỏ ra ưu ái  đối với những người này (Mc 10,21; 12,43) và thánh Lu-ca đặc biệt lưu tâm đến họ (14,13.21; 16,19-26; 19,8). Khi nói đến người nghèo khó (14,18; 7,22), Đức Giê-su cũng nhằm những người bé mọn (10,21) và những kẻ khiêm hạ (14,11; 18,14), vì chính Người cũng sinh ra trong giai cấp họ. Sự ưu ái dành cho những loại người này là dấu chứng Thiên Chúa tỏ lòng quảng đại; đây là lời kêu mời người ta trông đợi tất cả từ tay Thiên Chúa, và thúc đẩy ai nấy tỏ lòng từ ái với những kẻ khốn cùng” (Tân Ước, 1994, trang 280).

Còn 4 mối ‘vô phúc’, nhóm CGKPV giải nghĩa : “Bốn lời tuyên bố sau đây, song song với 4 mối phúc, muốn làm nổi bật các lời hứa cũng như các đòi hỏi của Chúa. Đó không phải là những lời nguyền rủa mà cũng không phải là những lời buộc tội gay gắt, nhưng là những lời thở than ái ngại và những lời ngăm đe; đó là những lời tha thiết kêu gọi người ta ăn năn hối cải (x. 10,13; 11,42-52; 17,1; 21,23; 22,22) (Sđd, trang 281).

Bđ2 : Bài đọc 2 trích trong thư thứ nhất của thánh Phao-lô gửi cộng đoàn tín hữu Cô-rin-tô. Nhóm CGKPV viết về giáo đoàn Cô-rin-tô như sau : “Giáo đoàn Cô-rin-tô được  thánh Phao-lô thành lập trong chuyến đi truyền giáo lần thứ hai. Thánh nhân đã ở lại giảng đạo tại đó hơn 18 tháng (Cv 18,1-8), từ cuối năm 50 đến giữa năm 52… Thành phố lớn này là một trung tâm văn hóa Hy-lạp, là giao điểm của nhiều trào lưu tư tưởng và tôn giáo khác nhau, với một nhịp sống xô bồ ai cũng biết tiếng : thiểu số dân cư là giầu, còn đa số thì nghèo, gồm những nô lệ, người cùng đinh bị khinh chê, người thấp cổ bé họng. Điều này ảnh hưởng đến tinh thần giáo đoàn : các tín hữu thật sốt sắng, nhưng lại bị nhịp sống vô đạo vô luân bên ngoài đe dọa. Đức tin Ki-tô giáo còn non trẻ tiếp xúc với một thành phố như thế quả là một sự kiện đặt ra nhiều vấn đề tế nhị cho người đạo mới” (Sđd, trang 657).

Đoạn thư chúng ta đọc trong bài đọc 1 hôm nay nói về sự sống lại, về đời sau. Sách Tân Ước CGKPV viết : “Trong Lu-ca, theo sau các mối phúc là các tương phản của nó, tuyên bố một cách triệt để những mối họa dành cho những người hưởng thụ trên đời. Như vậy, mối phúc dành cho những người sống đàng hoàng vì Chúa, mà còn vì tin vào đời sau, vào sự sống lại.

Thánh Phao-lô viết : “Nếu Đức Ki-tô đã không chỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền… Hơn nữa cả những người đã an nghỉ trong đức Ki-tô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15,17-19).

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam sẵn sàng chịu cực hình và chết, cũng vì đời sau.

Trong khi các quan đang xử thì hai anh em Ra-pha-e và Stê-pha-nô bước vào lạy các quan rồi thưa :

  • Chúng cháu là hai đứa con mồ côi từ Thuận Hóa đến đây để xin quan cho chúng cháu về thiên đàng nơi Cha chúng cháu đang ở.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành