Chúa Nhật VII Thường Niên Năm A


 

CN 7 TN A

Lv 19,1-2.17-18; 1Cr 3,16-23; Mt 5,38-48

19-2-2023

CHẦU THÁNH THỂ

Gíao xứ La Nang

Giáo họ Đại Hiệp

GIÁO HUẤN SỐ 13

LỜI MỜI GỌI NÊN THÁNH

Sứ Mạng của Bạn Trong Đức Kitô

Một Kitô hữu không thể nghĩ về sứ mạng của mình trong cuộc đời này mà không thấy rằng đó là một nẻo đường của sự thánh thiện, vì “thánh ý của Thiên Chúa, đó là sự thánh hóa của anh em (1Tx 4,3). Mỗi vị thánh là một sứ mạng được hoạch định bởi Chúa Cha để phản ảnh và thể hiện cụ thể một khí cạnh nào đó của Tin Mừng tại một thời khắc nào đó trong lịch sử” (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ. số 190.

 

SUY NIỆM I

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Hãy yêu kẻ thù

Tập “5 Phút Cho Lời Chúa” tháng 2-2020 trang 46 viết : “Cha Roland Jacques, mhà sử học quen thuộc của Giáo hội Việt Nam nhận xét :  Lúc Tin Mừng mới được loan báo, các lương dân rất cảm tình với cách sống đạo của người Công giáo, họ gọi đạo của người Công giáo là “đạo của những người yêu thương lẫn nhau”. Như thế, có thể nói, những người Công giáo, thế hệ đầu tiên, đã thể hiện được vẻ đẹp của Đạo, đã là những chứng nhân Tin Mừng trên quê hương. Thầy An-rê Phú Yên đã cho thấy nét đẹp Đạo Chúa ấy trước mặt mọi người. Anh em lương dân rất ngạc nhiên, bởi một người nhỏ tuổi dám chết vì Đạo của mình, chết trong yêu thương, vui tươi, không một chút oán ghét, nguyền rủa kẻ hành xử mình, miệng văng vẳng tên “Giê-su”. Ta tự hào về cuộc đời thầy An-rê Phú Yên cũng như của các tín hữu Việt đầu tiên và ghi khắc lời Chúa dạy: “Hãy yêu kẻ thù”.

Bài đọc 1 (Lv 19,1-2.17-18): Lêvi là tên của người con trai thứ ba của ông Gia-cóp và bà Lê-a. Sách Sáng Thế kể : “Bà lại có thai và sinh con trai. Bà nói : “Phen này chồng tôi sẽ gắn bó với tôi, vì tôi đã sinh cho ông ba đứa con trai ; vì thế, bà đặt tên cho nó là Lê-vi” (St 29,34). Lêvi là ông tổ chi tộc Lêvi. Chi tộc này được đặc trách việc phụng vụ. Sách “Đường Về Emmaus” (Học Thánh Kinh trong 100 tuần) viết : “Tên gọi cuốn sách này là sách Lêvi vì cuốn sách mô tả những hoạt động của các tư tế thuộc chi tộc Lêvi. Tuy nhiên trong bản văn Thánh Kinh Do Thái, tên gọi của sách này là một từ Do Thái có nghĩa là “Ngài đã gọi” (trang 86).

Nhóm CGKPV viết : “Lê-vi nghia ‘gắn bó’ (Kt 2011, trang 75).  

Nhóm CGKPV viết : “Theo Mác-cô và Lu-ca thì Mát-thêu còn có tên là Lê-vi. Ông mang hai tên theo thói quen Do Thái thời ấy chăng ? Hay là có thể Mát-thêu là biệt danh Chúa Giê-su đặt cho (có nghĩa là ‘hồng ân Thiên Chúa’) và trở thành tên quen dùng của vị tông đồ sau này trong Hội thánh tiên khởi; còn tên Lê-vi thì ít ai còn để ý tới chăng ? Như vậy Mc và Lc đã tỏ ra tế nhị với vị tông đồ này (Kt 2011, trang 2143)

Nhóm CGKPV giới thiệu sách Lê-vi như sau :

Việc sáng tác và giọng văn Lê-vi : Dưới hình thức hiện nay và như là quy điển thì sách Lê-vi đã được biên soạn sau lưu đày do các tư tế Giê-ru-sa-lem. Vào thời mà vua không còn nữa, trong khi trào lưu ngôn sứ cũng mờ dần, thì thế giá hàng tư tế ngày càng dâng cao. Để phục vụ Đền Thờ thứ hai (xây năm 520-515 tCN), các người này đã sưu tầm và gom lại thành một khối tương đối mạch lạc, nhiều yếu tố phụng tự có nguồn gốc khác nhau, trong đó có những điều đã thuộc các thời rất xa xưa rồi. Ngoài ra, các vị còn bổ sung thêm nhiều điều mới về luật lệ cũng như về nghi thức.

 Sứ điệp của sách Lê-vi : Trong sách Xuất hành, Thiên Chúa đã phán với ông Mô-sê trên đỉnh núi. Giờ đây trong sách Lê-vi, Người nói với ông nơi Lều Hội Ngộ (Lv 1,1). Quả thế, Lều Hội Ngộ được nói đến trên 40 lần. Đấy hẳn không phải là một điều ngẫu nhiên ; chắc là tác giả muốn cho người dân Ít-ra-en hiểu họ phải có thái độ thế nào để lều ấy thật sự trở thành nơi gặp gỡ với Thiên Chúa. Nói cách khác : nhờ phụng tự, người Ít-ra-en phải thật sự hiệp thông với Thiên Chúa của mình.

 Trong nền phụng tự này, vai trò trung gian của hàng tư tế nổi rõ, trung gian duy nhất và bó buộc, giữa Thiên Chúa và dân. Không có tư tế, mối liên lạc với Thiên Chúa bị cắt đứt. Chỉ mình tư tế được vào Lều Hội Ngộ, mình ông được dâng hy lễ cho Thiên Chúa trên bàn thờ, mình ông được thực hiện một số nghi thức và công bố lời tha tội, xác định tình trạng sạch hay không sạch của người ta và của lễ vật, và sau cùng mình ông có quyền đưa ra giáo huấn thích hợp về các luật tôn giáo và luân lý.

 Sau này, trong Tân Ước, khi gọi Đức Giê-su là Thượng Tế, tác giả thư Híp-ri cho ta hiểu rằng sách Lê-vi đã báo trước điều đó : vị trung gian duy nhất, không có không được, chính là Đức Giê-su, qua Người Thiên Chúa ban cho nhân loại ơn tha thứ và sự sống (x. Hr 9,11-12.25-28 ; 10,19-22 ; v.v.).

 Như thế sách Lê-vi nhắc cho các tín hữu mọi nơi mọi lúc nhớ rằng sự hiệp thông với Thiên Chúa chân thật là một nhu cầu sống còn đối với con người” (mạng KTCGKPV).

Lời Chúa trong Bđ1 đã khuyên dạy yêu thương và không báo thù như sau : “Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó. Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. Ta là Đức Chúa (Lv 19,17-18).

Bài Tin Mừng (Mt 5,38-48): Trong Tân Ước có bốn bản danh sách Mười Hai Tông Đồ ; tất cả bốn đều có tên Mát-thêu. Tin Mừng thứ nhất xác định rõ Mát-thêu là một “người thu thuế” (Mt 10,3 so với Mc 3,18 ; Lc 6,15 ; Cv 1,13) được Chúa gọi đi theo Người, khi ông “đang ngồi ở trạm thu thuế” (Mt 9,9). Thánh Mác-cô (2,14) và thánh Lu-ca (5,27) cũng kể một câu chuyện tương tự, nhưng lại nói người thu thuế ấy mang tên Lê-vi. Như vậy, Mát-thêu người thu thuế cũng có tên là Lê-vi. Rất có thể tên khai sanh là Lê-vi, còn Mát-thêu là biệt danh Chúa Giê-su đặt cho ông khi ông đi theo Chúa. Điều đáng để ý ở đây là hai tác giả Mác-cô và Lu-ca đã tỏ ra tế nhị đối với vị Tông Đồ từng là người thu thuế, nên đã kể lại câu chuyện trên dưới tên Lê-vi, có lẽ lúc bấy giờ trong các giáo đoàn ít ai biết tới. Mặt khác, tác giả Tin Mừng thứ nhất đã kể rõ Mát-thêu là người thu thuế như vậy, lại tránh không nói đến việc chính Mát-thêu đã khoản đãi Chúa Giê-su và các anh em một bữa tiệc thịnh soạn (x. Lu-ca). Tất cả những điều vừa ghi nhận về chuyện Chúa gọi người thu thuế, vẫn được coi là dấu cho thấy rằng chính thánh Tông Đồ Mát-thêu là tác giả sách Tin Mừng vẫn mang tên ngài…

 Tin Mừng Mát-thêu trước tiên là một Tin Mừng có nhiều tính thần học hơn là lịch sử. Khía cạnh hộ giáo, chống Do-thái cũng có, nhưng không phải là chính yếu như một số người nghĩ. Điều mà tác giả nhắm là trình bày con người Đức Giê-su và sự nghiệp của Người : Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a đích thực như Thiên Chúa đã phán hứa và loan báo trước trong Cựu Ước. Người đến trần gian để rao giảng và thiết lập Nước Thiên Chúa, Nước Thiên Chúa thể hiện trong cộng đoàn Giáo Hội. Hơn nữa Mát-thêu còn muốn cho thấy, qua sự nghiệp đó, Đức Giê-su đã dần dần chứng tỏ mình là Con Thiên Chúa như thế nào. Điển hình là lời Người tuyên bố trước Thượng Hội đồng Do-thái (26,64) và, ở cuối Tin Mừng, lệnh Chúa sai các môn đệ ra đi tiếp tục sứ mệnh của Người (28,18-20) (mạng KTCGKPV).

Chúa Giê-su trong BTM khuyên dạy chúng ta yêu thương và không báo thù như sau : “Anh em đã nghe Luật dạy rằng : mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em : đừng chống lại người ác… Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em : hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em “ (Mt 5,38-39.43-44).

Bài đọc 2 (1Cr 3,16-23) : Giáo đoàn Cô-rin-tô được thánh Phao-lô thành lập trong chuyến đi truyền giáo lần thứ hai. Thánh nhân đã ở lại giảng đạo tại đó hơn 18 tháng (Cv 18,1-8), từ cuối năm 50 đến giữa năm 52…

 Nhưng thành phố lớn này là một trung tâm văn hoá Hy-lạp, là giao điểm của nhiều trào lưu tư tưởng và tôn giáo khác nhau, với một nhịp sống xô bồ ai cũng biết tiếng. Nơi đây còn có những vấn đề xã hội của mọi thành phố lớn : thiểu số dân cư là giàu, còn đa số thì nghèo, gồm những nô lệ, người cùng đinh bị khinh chê, người thấp cổ bé họng. Điều này ảnh hưởng đến tinh thần của giáo đoàn : các tín hữu thật sốt sắng, nhưng lại bị nhịp sống vô đạo vô luân bên ngoài đe doạ. Đức tin Ki-tô giáo còn non trẻ tiếp xúc với một thành phố như thế quả là một sự kiện đặt ra nhiều vấn đề tế nhị cho người đạo mới.

Thánh Phao-lô trong bđ2 khuyên nhủ chúng ta : “Thưa anh em, nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao ? Vậy ai phá hủy Đền Thờ Thiên Chúa thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt người ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em” (1Cr 3,16-17).

Mỗi người là một Đền Thờ của Thiên Chúa. Ai ghét người anh em là phá hủy Đền Thờ của Thiên Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa toàn năng

xin giúp mỗi người chúng con

hằng để tâm suy nghĩ

những gì là thiêng liêng cao thượng

và biết dùng lời nói việc làm

mà thực thi những điều đẹp ý Chúa.

Chúng con cầu xin

 

SUY NIỆM II

THÁNH GIÁ-MẪU HÌNH TÌNH YÊU VÔ BIÊN CỦA THIÊN CHÚA

 (Hội An 19/2/2023)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

            Tuần phụng vụ này sẽ chuẩn bị cho chúng ta đi vào Mùa Chay thánh, là mùa chiêm ngưỡng, suy niệm, ngợi ca tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, đồng thời Chúa muốn chúng ta sống có tình yêu đặc hiệu “Giê-su”. Vì thế, điều mà Chúa Giê-su nói với người thanh niên vừa giàu có, vừa sống theo đúng luật, nhưng đang thiếu tình yêu: “Anh chỉ còn thiếu một điều” trở thành câu hỏi cho mỗi chúng ta: Tôi đang còn thiếu một điều. Điều gì vậy? – Thưa thiếu tình yêu với người khó yêu. Chúa Giê-su dạy chúng ta bổ sung điều chúng ta đang thiếu: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con. Như vậy, các con mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,44-45).

  1. Tình yêu Thiên Chúa không khép kín

            Một nhạc sĩ Việt Nam viết rằng: “Có người yêu thì hạnh phúc, có người yêu thì đau khổ, nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn yêu. Tình yêu vì thế mà tồn tại. Con người không thể sống mà không yêu.” (TCS). Nói cách khác, đã là người là có niềm khao khát sống tình yêu. Tuy nhiên, theo Đức Cha Fulton Sheen, mô hình tình yêu của đa số con người là mô hình vòng tròn, nghĩa là chỉ hạn hẹp đối với những người mình dễ yêu, dễ thích, dễ bằng lòng v.v và vòng tròn tương quan đó ngày càng hẹp, bởi họ sẵn sàng cô lập hay loại trừ ngay cả anh em mình ra khỏi vòng tương quan, xa lánh những anh chị em có những ý kiến khác với họ, khiến nhiều người đã chẳng phải cô độc giữa cộng đoàn gia đình của mình, cộng đoàn giáo xứ, cộng đoàn xã hội và Giáo hội đó sao? Sự khép kín đó không phải là tình yêu, mà là sự ích kỷ, một ước muốn để làm chủ, để sở hữu một sự vật hay một người. Tình yêu khép kín và ích kỷ đó khác xa với tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu “theo mẫu hình Chúa Giê-su trên thánh giá, với đôi cánh tay dang rộng đến vô tận để ôm chặt lấy nhân loại cho bằng được” (Fulton Sheen). Và Thiên Chúa muốn mọi người, đặc biệt Ki-tô hữu sống mẫu hình tình yêu Giê-su đó, bởi chúng ta được sinh ra từ tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi, được tái sinh trong tình yêu vô biên của Chúa Giê-su và được mời gọi sống tình yêu dang rộng cho cả người khó yêu, khó thương.

  1. Thánh giá – Mẫu hình tình yêu vô biên của Thiên Chúa

            Con người được tạo dựng theo “hình ảnh của Thiên Chúa,” Đấng mà thánh sử Gioan tuyên xưng: “Thiên Chúa là tình yêu.” Tình yêu không biên giới trong trái tim của Thiên Chúa được chính Ngài đặt sẵn trong trái tim mỗi người từ khi họ làm người. Vì lẽ đó, con người mới chứng kiến bao con người dám yêu, dám chịu thương tích, dám chịu hy sinh cho cả người khó thương, khó yêu, chỉ mong sao họ được tốt lên. Các thánh tử đạo đã rắc máu mình xuống mảnh đất quê hương như chân phước Anrê Phú Yên, hay xuống đấu trường Rôma hoặc nơi mảnh đất xa lạ vì lợi ích phần hồn của đồng bào và anh chị em mình là thể hiện tình yêu không biên giới của Thiên Chúa trong trái tim mình. Những người cha mẹ đang ở trong những căn nhà lụp xụp, những người giáo dân trong những hoàn cảnh vất vả, những linh mục tu sĩ đang miệt mài hy sinh tất cả niềm vui của cuộc sống vì những bổn phận đơn giản trong gia đình, trong giáo xứ, trong Giáo hội và giữa anh chị em mình mà không được ai chú ý, không được ai biết đến, ngoại trừ Thiên Chúa, họ đang sống tình yêu dang rộng tay của Chúa Giê-su, Chúa của họ, giữa anh chị em mình.

            Tình yêu trong trái tim của con người không thể bày tỏ ra được nếu không có mẫu hình tình yêu cao quý của Đấng dựng nên con người và cứu độ con người. Thực vậy, Chúa Giê-su đã tái sinh mẫu hình tình yêu đó cho nhân loại nơi chính cuộc cứu độ của Ngài. Ngài rao giảng: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con. Như vậy, các con mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời.” Và lời rao giảng đó rất long trọng, rất có uy lực, rất ấn tượng trên bục giảng thánh giá khi Ngài bị treo lên. Ở đó, Chúa Giê-su đã thưa với Chúa Cha: “Xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” Họ là ai? – Họ là những người đồng hương muốn đẩy Chúa xuống vực thẳm vì không muốn nghe Chúa nói lời hằng sống nữa. Họ là những người giơ tay hò hét loại trừ Chúa ra khỏi cuộc đời của họ bằng cách lên án chết cho Ngài. Họ là những người muốn Chúa câm lặng bằng cách đặt giấm Chúa vào đôi môi nứt nẻ của Chúa. Họ là những người muốn phủ nhận tình yêu vô biên đối với các tội nhân, nên họ đã dùng mũi giáo đâm vào trái tim của Chúa. Họ cũng là chính mỗi chúng ta như thánh Phaolô đã nói: “Chúa Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là người tội lỗi” (Rm 5,8).

             Lời rao giảng của Chúa đã khai mở tình yêu của người kẻ trộm bên hữu, khai sáng đức tin của viên đại đội trưởng, làm lay chuyển tâm hồn cứng cỏi của nhiều người khi rời núi Sọ đã đấm ngực ra về. Nơi trái tim của họ, tình yêu Thiên Chúa đã được Chúa Giê-su làm cho tái sinh.

            Đến đây, chúng ta tự hỏi, nếu nghe lời Chúa hôm nay: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con” mà chúng ta không nhớ mình đã được có một trái tim theo “hình ảnh Thiên Chúa,” vẫn cứ đặt giấm chua và miệng Chúa để lời Chúa không nói được với bản thân và gia đình mình, vẫn cứ đâm vào Thánh Thể bằng sự hững hờ, vô ơn, vẫn cứ đóng đinh đôi tay Chúa để tình yêu Chúa không dang rộng được, vẫn cứ đóng chân Chúa vào một nơi mà không để Chúa được mọi người nghe đến, biết đến tình yêu của Chúa, liệu trái tim chúng ta mở rộng được như Chúa mong muốn và tình yêu của Chúa Giê-su có nở tươi trong môi trường bẩn chật, ích kỷ, ngay trong gia đình và giáo xứ không chúng ta không?

            Xin Chúa cho chúng con thực hành lời Chúa dạy: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con.” Đồng thời cho chúng con luôn suy niệm mẫu hình tình yêu thánh giá của Chúa, đặc biệt trong mùa Chay thánh sắp đến, để trái tim chúng con lớn hơn, hy sinh hơn theo gương Chúa.”

 

SUY NIỆM III

LÀ KITÔ HỮU PHẢI SỐNG THÁNH VÀ THIỆN

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Sách Sáng thế kể: “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật. Rồi ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra” (St 2,7-8). Như vậy, nơi con người ngay từ khi Thiên Chúa tạo dựng có hai yếu tố vật chất (bùn đất) và sinh khí (hơi thở của Thiên Chúa – ta gọi là linh hồn thiêng liêng). Cho nên, linh hồn là do Thiên Chúa tạo dựng trực tiếp, do Thiên Chúa ban tặng chứ không do cha mẹ tạo nên. Vì vậy, tự bản chất con người chỉ là thụ tạo, được hưởng những đặc ân của Thiên Chúa nhưng con người vẫn khác xa và cách biệt ngàn trùng với Thiên Chúa Tạo Hoá. Chỉ trong Chúa Giêsu Kitô, con người mới trở thành con Chúa, mới được tham dự và chia sẻ sự sống đời đời. Cho nên, Chúa Giêsu hôm nay mời gọi chúng ta hãy nên thánh về phần hồn và thiện về phần xác nhờ đó chúng ta mới được sống lại cả hồn lẫn xác trong ngày sau hết.

Trước hết, về phần hồn, Lời Chúa bài đọc 2, Thánh Phaolô khẳng định rằng: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em”. Rõ ràng, đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu là đời sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Ngài đưa ta vào đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa, tức là hiệp thông hoàn toàn với Thiên Chúa. Thiên Chúa là trung tâm của thân thể và đời sống ta, Người chiếm hữu toàn bộ linh hồn ta. Như thế, ta sẽ là tất cả cho Thiên Chúa và Thiên Chúa sẽ là tất cả cho ta, ta thuộc về Người và Người cũng thuộc về ta. Nhưng Thiên Chúa là Đấng Thánh (Hs 11,9), còn chúng ta là con người nên trước mặt Thiên Chúa, chúng ta phải thánh. Vì thế, mỗi người chúng ta cần phải xây dựng tâm hồn mình nên thánh, có nghĩa rằng phải có đời sống đầy ân sủng Chúa qua việc siêng năng lãnh nhận các Bí tích. Vì chưng, qua các Bí tích, ơn Chúa giúp tâm hồn ta mỗi ngày một thánh hơn. Chẳng hạn, Bí tích Hòa Giải, khi được Rửa Tội, chúng ta đã trở nên tạo vật mới nhưng bản chất con người vốn yếu đuối thường sa ngã phạm tội làm cho linh hồn hoen ố. Vì vậy, ta phải đi xưng tội để được tha tội nhằm giao hòa với Thiên Chúa và mọi người. Bí tích Giải Tội còn ban ơn trợ giúp chúng ta sợ tội, xa lánh tội và vượt thắng tội lỗi nhờ đó chúng ta mới thánh được. Rồi, Bí Tích Thánh Thể nữa, rước lễ giúp tăng triển sự hiệp thông với Chúa Kitô. Như của ăn vật chất mang lại sự sống cho thân xác thế nào, việc rước lễ cũng đem lại sự sống kỳ diệu cho đời sống thiêng liêng như vậy. Một khi đã hiệp nhất với Chúa Giêsu, đời sống tâm linh của chúng ta trở nên vững mạnh, giúp vượt thắng và xa lánh tội lỗi. Bí tích Thánh Thể là một bảo chứng chắc chắn cho vinh quang Nước Trời sau này, cho việc Phục Sinh thân xác cát bụi của chúng ta. Là con người, chúng ta cần lương thực trần thế để sống nhưng sự sống ấy cũng có giới hạn; là con Thiên Chúa, chúng ta cần được lương thực thần linh để sống và tồn tại mãi mãi. Nếu Đức Kitô chỉ là người thì thịt máu Ngài cũng chỉ là lương thực trần gian, song Đức Kitô còn là Thiên Chúa nên Thịt Máu Ngài cũng chính là sự sống thần linh nuôi linh hồn ta làm cho linh hồn ta nên thánh mỗi ngày và được sống muốn đời vì chưng Chúa Giêsu nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”.

Thứ hai, Chúa Giêsu hôm nay mời gọi nên thiện về phần xác, có nghĩa là thiện về phần con người của chúng ta. Thiên Chúa tạo dựng và phú bẩm cho ta các bản năng như con vật (ăn, ngủ, nghỉ, giận, hờn, ghét, yêu…) như chúng ta hơn con vật nhờ có trí khôn, có trí khôn nên điều khiển, kiểm soát và kiềm chế những bản năng này sao cho phú hợp với nhân phẩm con người ngay từ khi làm người là “nhân cho sơ tính bản thiện”. Làm sao để chúng ta nên thiện về phần con này? Thưa Lời Chúa các bài đọc hôm nay đưa ra những bài học luân thường đạo lý rất cụ thể và chí lý. Bài đọc 1, Sách Lê Vi dạy chúng ta không được vu khống những người trong dòng họ, không được ra toà đòi người đồng loại phải chết, không được để lòng ghét người anh em, không được trả thù, không được oán hận người ta và phải yêu đồng loại như chính mình. Rồi trong bài đọc 2, Thánh Phaolô dạy chúng ta đừng có dối gian với chính mình và với người khác. Và trong Tin Mừng, Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi. Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi chúng ta. Như vậy, chúng ta mới được trở nên con cái của Cha chúng ta, Đấng ngự trên trời.

 Vì vậy, trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium (Ánh sáng Muôn dân), Công Đồng Vaticanô II dạy rằng để đời sống Kitô hữu mỗi ngày nên thánh thiện, trước hết chúng ta phải có lòng kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Qủa thật, chỉ có tình yêu mới làm cho Thiên Chúa ở với ta và ta ở với Thiên Chúa (1Ga 4,16). Tình yêu ấy mỗi ngày một lớn lên trong ta, thúc đẩy ta luôn sống hết mình cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô và buông mình cho Chúa Thánh Thần hầu lắng nghe Lời Chúa và mau mắn thi hành Lời Chúa dạy. Bên cạnh đó, chúng ta không ngừng nỗ lực thực thi bác ái thương người: cho kẻ đói ăn, tha kẻ dễ ta, nhịn kẻ mất lòng ta… và canh tân đời sống; nhất là siêng năng lãnh nhận các Bí tích, chuyên cần cầu nguyện và tham dự thánh lễ ngõ hầu đạt tới “sự viên mãn của đời sống Kitô hữu và sự trọn hảo của đức ái, dù ở hoàn cảnh hay địa vị nào” (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 40). Như thế, người thánh thiện không phải sống ngoài hay không quan tâm đến thực tại trần gian; trái lại họ phải nhập thế, cải thiện hoàn cảnh sống và giúp mọi người sống thánh và thiện hơn. Vậy, càng sống tinh thần Bát Phúc của Chúa Giêsu, chúng ta càng hoàn hảo, thánh thiện và có phúc vì chưng Chúa Giêsu hứa: “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8).

Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin cho “mọi người đều thấy rõ rằng, tất cả Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều phải tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến bậc trọn lành thánh thiện” (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 41). Vì thế, chúng ta phải sử dụng hết sức lực, hết linh hồn, hết trí không để múc lấy các ân sủng của Đức Kitô ban hầu thi hành Lời Chúa trong tất cả mọi sự; đồng thời chân thành yêu mến Thiên Chúa, làm vinh danh Người qua việc yêu thương và khiêm nhường phục vụ tha nhân. Amen.