Chúa Nhật VII TN Năm A


Chúa Nhật VII TN Năm A

23-2-2020

Chầu Thánh Thể

Giáo xứ Tiên Phước,

Giáo họ Tam Lãnh

Giáo huấn số 13

TUỔI TRẺ CỦA ĐỨC GIÊSU (tt)

Tin Mừng không kể gì cho chúng ta về thuở thơ ấu của Đức Giêsu, nhưng có tường thuật vài biến cố vào giai đoạn thiếu niên và thanh niên của Người. Matthêu đặt thời thanh niên của Chúa vào giữa hai biến cố: việc gia đình Người trở về Nadarét sau chuyến đi tha phương và sự kiện Đức Giêsu chịu phép rửa ở sông Gio-đan, tức lúc bắt đầu sứ vụ công khai của Người. Những hình ảnh cuối cùng chúng ta có về trẻ Giêsu là những hình ảnh của một cậu bé tị nạn ở Ai cập (x. Mt 2,14-15) và hồi hương tại Nadarét (x. Mt 2,19-23). Hình ảnh đầu tiên ta có về Đức Giê-su như một người đã vào tuổi trưởng thành, đó là hình ảnh Người đứng giữa đám đông trên bờ sông Gio-đan để được người anh họ là Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho, giống như mọi người khác trong dân chúng (x. Mt 3,13-17). Không giống phép rửa của chúng ta là phép rửa đưa ta vào đời sống ân sủng. Phép rửa mà Đức Giêsu chịu là một sự thánh hiến trước khi Người đi vào sứ mạng lớn lao của cuộc đời Người. Tin Mừng nói rằng trong biến cố phép rửa ấy, Chúa Cha rất hoan hỉ và hài lòng: “Con là Con yêu dấu của Ta” (Lc 3,22). Ngay lập tức Đức Giêsu được thấy đầy tràn Thánh Thần, và Người được Thánh Thần dẫn vào hoang địa. Ở đó, Người sửa soạn để xúc tiến việc rao giảng và thực hiện các phép lạ, đem lại sự tự do và chữa lành (x. Lc 4,14). Mọi người trẻ cảm nhận mình được mời gọi nghe Chúa Cha nói cùng những lời ấy trong tâm hồn mình: “Con là con yêu dấu của Ta” (Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống số 24&25)

——————————————————-

CN 7 TN A

(Lv 19,1-2.17-18;1Cr 3,16-23; Mt 5,38-48)

Tập “5 Phút Cho Lời Chúa” tháng 2/2020 trang 46 viết : “Cha Roland Jacques, mhà sử học quen thuộc của Giáo hội Việt Nam nhận xét :  Lúc Tin Mừng mới được loan báo, các lương dân rất cảm tình với cách sống đạo của người Công giáo, họ gọi đạo của người Công giáo là “đạo của những người yêu thương lẫn nhau”. Như thế, có thể nói, những người Công giáo, thế hệ đầu tiên, đã thể hiện được vẻ đẹp của Đạo, đã là những chứng nhân Tin Mừng trên quê hương. Thầy An-rê Phú Yên đã cho thấy nét đẹp Đạo Chúa ấy trước mặt mọi người. Anh em lương dân rất ngạc nhiên, bởi một người nhỏ tuổi dám chết vì Đạo của mình, chết trong yêu thương, vui tươi, không một chút oán ghét, nguyền rủa kẻ hành xử mình, miệng văng vẳng tên “Giê-su”. Ta tự hào về cuộc đời thầy An-rê Phú Yên cũng như của các tín hữu Việt đầu tiên và ghi khắc lời Chúa dạy: “Hãy yêu kẻ thù”.

Bài đọc 1: Lêvi là tên của người con trai thứ ba của ông Gia-cóp và bà Lê-a. Sách Sáng Thế kể: “Bà lại có thai và sinh con trai. Bà nói: “Phen này chồng tôi sẽ gắn bó với tôi, vì tôi đã sinh cho ông ba đứa con trai; vì thế, bà đặt tên cho nó là Lê-vi” (St 29,34). Lêvi là ông tổ chi tộc Lêvi. Chi tộc này được đặc trách việc phụng vụ. Sách “Đường Về Emmaus” (Học Thánh Kinh trong 100 tuần) viết: “Tên gọi cuốn sách này là sách Lêvi vì cuốn sách mô tả những hoạt động của các tư tế thuộc chi tộc Lêvi. Tuy nhiên trong bản văn Thánh Kinh Do Thái, tên gọi của sách này là một từ Do Thái có nghĩa là “Ngài đã gọi” (trang 86).

Nhóm CGKPV đã giới thiệu sách Lê-vi như sau:

Việc sáng tác và giọng văn Lê-vi

Dưới hình thức hiện nay và như là quy điển thì sách Lê-vi đã được biên soạn sau lưu đày do các tư tế Giê-ru-sa-lem. Vào thời mà vua không còn nữa, trong khi trào lưu ngôn sứ cũng mờ dần, thì thế giá hàng tư tế ngày càng dâng cao. Để phục vụ Đền Thờ thứ hai (xây năm 520-515 tCN), các người này đã sưu tầm và gom lại thành một khối tương đối mạch lạc, nhiều yếu tố phụng tự có nguồn gốc khác nhau, trong đó có những điều đã thuộc các thời rất xa xưa rồi. Ngoài ra, các vị còn bổ sung thêm nhiều điều mới về luật lệ cũng như về nghi thức.

Sứ điệp của sách Lê-vi

Trong sách Xuất hành, Thiên Chúa đã phán với ông Mô-sê trên đỉnh núi. Giờ đây trong sách Lê-vi, Người nói với ông nơi Lều Hội Ngộ (Lv 1,1). Quả thế, Lều Hội Ngộ được nói đến trên 40 lần. Đấy hẳn không phải là một điều ngẫu nhiên; chắc là tác giả muốn cho người dân Ít-ra-en hiểu họ phải có thái độ thế nào để lều ấy thật sự trở thành nơi gặp gỡ với Thiên Chúa. Nói cách khác: nhờ phụng tự, người Ít-ra-en phải thật sự hiệp thông với Thiên Chúa của mình.

Trong nền phụng tự này, vai trò trung gian của hàng tư tế nổi rõ, trung gian duy nhất và bó buộc, giữa Thiên Chúa và dân. Không có tư tế, mối liên lạc với Thiên Chúa bị cắt đứt. Chỉ mình tư tế được vào Lều Hội Ngộ, mình ông được dâng hy lễ cho Thiên Chúa trên bàn thờ, mình ông được thực hiện một số nghi thức và công bố lời tha tội, xác định tình trạng sạch hay không sạch của người ta và của lễ vật, và sau cùng mình ông có quyền đưa ra giáo huấn thích hợp về các luật tôn giáo và luân lý.

Sau này, trong Tân Ước, khi gọi Đức Giê-su là Thượng Tế, tác giả thư Híp-ri cho ta hiểu rằng sách Lê-vi đã báo trước điều đó : vị trung gian duy nhất, không có không được, chính là Đức Giê-su, qua Người Thiên Chúa ban cho nhân loại ơn tha thứ và sự sống (x. Hr 9,11-12.25-28 ; 10,19-22 ; v.v.).

Như thế sách Lê-vi nhắc cho các tín hữu mọi nơi mọi lúc nhớ rằng sự hiệp thông với Thiên Chúa chân thật là một nhu cầu sống còn đối với con người” (mạng KTCGKPV).

Lời Chúa trong Bđ1 đã khuyên dạy yêu thương và không báo thù như sau: “Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó. Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. Ta là Đức Chúa (Lv 19,17-18).

Bài Tin Mừng

Trong Tân Ước có bốn bản danh sách Mười Hai Tông Đồ; tất cả bốn đều mang tên Mát-thêu. Tin Mừng thứ nhất xác định rõ Mát-thêu là một “người thu thuế” (Mt 10,3 so với Mc 3,18; Lc 6,15; Cv 1,13) được Chúa gọi đi theo Người, khi ông “đang ngồi ở trạm thu thuế” (Mt 9,9). Thánh Mác-cô (2,14) và thánh Lu-ca (5,27) cũng kể một câu chuyện tương tự, nhưng lại nói người thu thuế ấy mang tên Lê-vi. Như vậy, Mát-thêu người thu thuế cũng có tên là Lê-vi. Rất có thể tên khai sanh là Lê-vi, còn Mát-thêu là biệt danh Chúa Giê-su đặt cho ông khi ông đi theo Chúa. Điều đáng để ý ở đây là hai tác giả Mác-cô và Lu-ca đã tỏ ra tế nhị đối với vị Tông Đồ từng là người thu thuế, nên đã kể lại câu chuyện trên dưới tên Lê-vi, có lẽ lúc bấy giờ trong các giáo đoàn ít ai biết tới. Mặt khác, tác giả Tin Mừng thứ nhất đã kể rõ Mát-thêu là người thu thuế như vậy, lại tránh không nói đến việc chính Mát-thêu đã khoản đãi Chúa Giê-su và các anh em một bữa tiệc thịnh soạn (x. Lu-ca). Tất cả những điều vừa ghi nhận về chuyện Chúa gọi người thu thuế, vẫn được coi là dấu cho thấy rằng chính thánh Tông Đồ Mát-thêu là tác giả sách Tin Mừng vẫn mang tên ngài…

Tin Mừng Mát-thêu trước tiên là một Tin Mừng có nhiều tính thần học hơn là lịch sử. Khía cạnh hộ giáo, chống Do-thái cũng có, nhưng không phải là chính yếu như một số người nghĩ. Điều mà tác giả nhắm là trình bày con người Đức Giê-su và sự nghiệp của Người: Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a đích thực như Thiên Chúa đã phán hứa và loan báo trước trong Cựu Ước. Người đến trần gian để rao giảng và thiết lập Nước Thiên Chúa, Nước Thiên Chúa thể hiện trong cộng đoàn Giáo Hội. Hơn nữa Mát-thêu còn muốn cho thấy, qua sự nghiệp đó, Đức Giê-su đã dần dần chứng tỏ mình là Con Thiên Chúa như thế nào. Điển hình là lời Người tuyên bố trước Thượng Hội đồng Do-thái (26,64) và, ở cuối Tin Mừng, lệnh Chúa sai các môn đệ ra đi tiếp tục sứ mệnh của Người (28,18-20) (mạng KTCGKPV).

Chúa Giê-su trong BTM khuyên dạy chúng ta yêu thương và không báo thù như sau: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống lại người ác… Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em “(Mt 5,38-39.43-44).

Bài đọc 2:

Giáo đoàn Cô-rin-tô được thánh Phao-lô thành lập trong chuyến đi truyền giáo lần thứ hai. Thánh nhân đã ở lại giảng đạo tại đó hơn mười tám tháng (Cv 18,1-8), từ cuối năm 50 đến giữa năm 52…

Nhưng thành phố lớn này là một trung tâm văn hoá Hy-lạp, là giao điểm của nhiều trào lưu tư tưởng và tôn giáo khác nhau, với một nhịp sống xô bồ ai cũng biết tiếng. Nơi đây còn có những vấn đề xã hội của mọi thành phố lớn: thiểu số dân cư là giàu, còn đa số thì nghèo, gồm những nô lệ, người cùng đinh bị khinh chê, người thấp cổ bé họng. Điều này ảnh hưởng đến tinh thần của giáo đoàn: các tín hữu thật sốt sắng, nhưng lại bị nhịp sống vô đạo vô luân bên ngoài đe doạ. Đức tin Ki-tô giáo còn non trẻ tiếp xúc với một thành phố như thế quả là một sự kiện đặt ra nhiều vấn đề tế nhị cho người đạo mới.

Thánh Phao-lô trong bđ2 khuyên nhủ chúng ta: “Thưa anh em, nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phá hủy Đền Thờ Thiên Chúa thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt người ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em” (1Cr 3,16-17).

Mỗi người là một Đền Thờ của Thiên Chúa. Ai ghét người anh em là phá hủy Đền Thờ của Thiên Chúa.

Xin chân phước An-rê Phú Yên và các tín hữu tiên khởi cầu cho chúng con biết yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù.

Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu, Mẹ đầy ơn phước và quyền năng.

Chúng con xin Mẹ thương đến chúng con: cho mọi tín hữu biết can đảm tuyên xưng đức tin, biết cải thiện đời sống, để trở thành một cộng đoàn hiệp nhất, chia sẻ và yêu thương.

 Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành