Chúa Nhật VII TN – Năm C


Chúa Nhật VII TN – Năm C

24-2-2019

Giáo xứ Tiên Phước và Giáo Họ Tam Lãnh

Chầu Thánh Thể

Giáo Huấn số 13

Thách đố của những cuộc khủng hoảng (tt)

Lịch Giáo Phận trang 44

Để đối phó với một khủng hoảng ta cần phải hiện diện với nó. Điều đó thật khó, vì đôi khi người ta tự cô lập để tránh nói ra điều mình cảm nhận, họ thu mình vào trong một sự im lặng đơn hèn và lừa dối. Trong những lúc như vậy cần tạo ra những cơ hội để trải lòng với nhau. Vấn đề là đối thoại trong lúc này sẽ trở nên khó khăn hơn nếu đôi bạn chưa bao giờ học cách để làm điều đó. Đối thoại là một nghệ thuật đích thực mà đôi bạn cần học biết trong lúc êm ấm thuận hòa, để đem ra thực hành trong những thời kỳ khó khăn. Cần giúp họ khám phá những nguyên nhân ẩn kín nhất trong tâm hồn của hai vợ chồng, và đối diện với chúng, giống như một việc sinh nở, đây là một tiến trình đau đớn nhưng sẽ vượt qua và để lại một kho tàng mới. Nhưng những phúc đáp của cuộc tham vấn đã thực hiện cho thấy rằng trong các hoàn cảnh khó khăn hoặc nguy kịch phần đông người ta không nhờ đến các trợ giúp  của mục vụ đồng hành, vì họ không cảm thấy được sự thông cảm, gần gũi, hay không thực tế, cụ thể. Bởi vậy, giờ đây chúng ta nên tìm cách tiếp cận với các cuộc khủng hoảng hôn nhân bằng một cái nhìn nhậy cảm hơn với những gánh nặng của đau đớn và thống khổ họ phải chịu (Niềm Vui của Tình Yêu số 234).

Chúa Nhật VII TN – Năm C

(1Sm 26,2.7-9.12-13.22-23; 1Cr 15,45-49; Lc 6,27-38)

Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng sinh năm 1769 tại họ Đầu Nước. Nhìn bề ngoài ông Phụng không mấy hấp dẫn, vì vóc dáng có vẻ dữ tợn, lại hay lớn tiếng với mọi người. Nhưng nhờ có tính cương trực dứt khoát cũng như lòng nhiệt thành với việc chung, ông được bà con tín nhiệm và đề bạt làm trùm họ Đầu Nước. Đáp ứng lại sự tín nhiệm đó, ông Phụng đã góp sức tổ chức giáo họ thêm lớn mạnh ngay trong thời bách hại đạo triều Tự Đức.

Nhờ tài đức của ông, họ đạo đã tái thiết được ngôi thánh đường khang trang, cất nhà cho nữ tu và trở thành nơi cư ngụ khá an toàn cho các giáo sĩ. Viên quan huyện địa phương một phần vẫn nhận tài trợ của ông, một phần đã thấy rõ sinh hoạt tôn giáo không có gì nguy hiểm, nên thường cho người báo tin trước khi phải kiểm tra theo lệnh trên, đủ thời giờ để các giáo hữu cất giấu ảnh tượng và các vật dụng tôn giáo.

Thế nhưng có điều ông Phụng không ngờ tới, đó là món tiền thưởng của nhà vua vốn hấp dẫn hơn đối với những người không ưa đạo. Những người này chia nhau theo dõi nhà ông, mỗi đêm họ cử người trèo lên cây xoài gần đó để quan sát, và họ đã đạt được ý muốn. Cuối năm 1858, họ phát hiện một thừa sai ngoại quốc, cha Permot Định đang tạm trú nhà ông.

Vào một đêm khuya khi mọi người yên giấc cha Permot ra sân đi dạo hít thở không khi trong lành, và cầu nguyện dưới bầu trời trăng sao. Trước khi khép cửa để trở vào nhà nói với lại : “Chào các bạn tinh tú nhé ! Thực là tồi tệ cho những ai bắt tôi phải sống thế này”. Hai người rình rập hôm đó mừng rỡ, kéo nhau đi báo quan trấn thủ An Giang. Họ tố cáo ông Phụng chứa chấp tây dương đạo trưởng. Họ cũng không quên xin phái quan lãnh binh đi bắt, chớ đừng báo cho quan huyện, vì ông này ‘thông đồng’ với người Công giáo.

Sáng ngày 7-1-1859, ông trùm Phụng cũng chưa hay biết gì cả. ngoài thừa sai Permot, còn có cha Phê-rô Quý (cha sở mới của họ Đầu Nước) đang trọ tại nhà ông. Hai linh mục dâng lễ như thường lệ. Liền sau đó có người chạy về báo tin là quan quân Châu Đốc toán đi thuyền, toán đi bộ đang tiến đến nhà ông Phụng. Ông liền sai người đưa hai cha chạy trốn, nhưng cha Quý nhất định ở lại, vì nghĩ mình có thể trà trộn vào dân được, và tìm chỗ núp ngay trong nhà. Quan quân ập vào bắt được cha Quý, trói luôn ông Phụng dẫn về Châu Đốc.

Trước tòa quan, vì đã có người tố cáo, ông trùm Phụng khẳng khái xác nhận mình đã từng tiếp đón và cho thừa sai nước ngoài trọ tại nhà. Nhưng sau đó, dù tra tấn hay dụ dỗ nhiều lần, ông nhất quyết không khai thêm chi tiết nào khác về các thừa sai cũng như cương quyết không bỏ đạo.

Ngày 30-7-1859, bản án trảm quyết cha Phê-rô Đoàn Công Quý được gửi từ kinh đô vào đến Châu Đốc, cùng với bản án ông Emmanuel Phụng. Sáng hôm sau 31-7, cha Phê-rô Đoàn Công Quý cùng ông trùm Emmanuel Lê Văn Phụng được dẫn ra pháp trường Chà Và. Hai vị bước đi bình thản, cha Quý vừa đi vừa đọc kinh Mân Côi, còn ông trùm dăn dò bạn hữu tha thứ cho những kẻ hại mình. Ông đeo vào cổ con gái, cô Anna Nhiên, ảnh Thánh Giá và nói : “Con ơi, hãy nhận lấy kỷ vật của ba. Đây là ảnh Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Ảnh này quí hơn vàng bạc bội phần. Con hãy luôn mang nơi cổ và trung thành cầu nguyện sớm chiều, con nhé”. Ông cũng dặn dò con trai đừng chôn cất rầm rộ và nhớ chôn ông bên cạnh cha sở của mình. Hai chứng nhân Chúa Ki-tô quì xuống cầu nguyện. Cha Quý giải tội cho ông trùm. Ba tiếng chiêng ngân vang, vị linh mục bị chém đầu, còn ông trùm bị xiết cổ bằng dây thừng do hai người kéo.

Thi hài hai vị tử đạo được an táng tại nhà thờ Năng Gù, năm 1959 được cải táng về Chủng viện Cù Lao Giêng, nhân dịp bách chu niên cuộc tử đạo (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, Quyển II, trang 348-351).

Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng đã sống Lời Chúa dạy tha thứ cho kẻ thù trong các bài đọc của thánh lễ hôm nay.

 

Bài đọc 1 : Đavíd đã tha chết cho vua Saul (Sa-un).

1- Vua Saul muốn giết Đavid (Đa-vít)

Saul được dân tôn làm vua, chấm dứt thời kỳ thẩm phán (1Sm 11,15) và đã được Samuel (Sa-mu-en) xức dầu phong vương theo ý dân (12,1-2). Ông đã được Chúa phù hộ trong cuộc chiến dai dẳng, gần như suốt đời với vua dân Phi-li-tinh (16,1-13). Ông được Chúa trao cho sứ mạng trừng trị vua dân Amalek (A-ma-léc), nhưng khi thắng được họ, ông không làm theo lệnh Chúa truyền. Vì thế, ông bị Chúa trách cứ và phế bỏ ông (15,10t).

Chúa truyền cho Samuel xức dầu cho Đavid, con ông Isai (I-sai), đang chăn chiên ở Belem (16,1-13). Còn Saul thì Chúa thu hồi thần khí (15,14) và ông đâm ra buồn sầu khó tả, triều đình thấy vậy, đề nghị kiếm một người đàn giỏi để giúp vua khuây khỏa. Khi biết Đavid là tay đánh đàn có tiếng, nhà vua cho người đi tìm và Đavid đã được đưa vào triều.

Khi phía Philitinh xua quân tiến đánh Israel, họ đã cho Gôliat, một con người khổng lồ ra khiêu khích, và khi nhìn thấy hắn thì người ta đã bỏ chạy rồi (17,24). Đavid liền xin vua Saul cho ra đọ sức so tài. Vua can ngăn nhưng Đavid đã nại đến sự phù hộ của Chúa dành cho cậu trước đây để cố năn nỉ, cuối cùng vua Saul đã thuận cho cậu đi. Đavid đã giao đấu với Gôliat bằng một cái trành quẳng đá, và đã quăng đá trúng trán hắn (11,49), rồi lấy gươm của hắn mà giết luôn !

Thắng trận trở về, Đavid ra mắt vua Saul với thủ cấp Gôliat hỗn xược, vua Saul đã ca ngợi Đavid và sau này còn sai Đavid xuất trận nhiều lần nữa. Đánh trận nào thắng trận đó !

Song vì Đavid được dân chúng ca ngợi quá : “Saul hạ được hàng ngàn thì Đavid được hàng vạn” (18,7). Saul nổi giận và có ý hại Đavid. Có lần, Đavid đang gẩy đàn, Saul đã lấy gươm đâm nhưng Đavid tránh được ! Sau đó vua Saul lại gả con gái cho Đavid với ý định sẽ sai Đavid đi trận thường xuyên để cho chết trong tay Philitinh.

Thay vì Đavid chết thì hằng trăm quân Philitinh tử trận, Saul lại càng sợ Đavid hơn. Ông đã ra lệnh cho con trai là Gionathan (Gio-na-than) và bầy tôi của ông phải hạ sát Đavid (19,1t). Nhưng Gionathan rất mến phục Đavid nên đã cho Đavid biết dã tâm của vua cha, chàng bảo Đavid phải trốn đi và hứa sẽ cho tin tức khi cần. Chính Gionathan đã bênh vực Đavid và có lần đã giải hòa được.

Không lâu, Saul lại phóng giáo về phía Đavid, Đavid lại thoát chết và lại chạy trốn. Đavid đã được vợ và Gionathan giúp đỡ một cách tận tình. Nhiều lần Đavid gặp nguy hiểm vì lòng độc ác của vua Saul, nhưng Đavid đã sẵn sàng tha chết cho nhà vua. Đó là điều mà bài đọc hôm nay nhắc tới như một gương tốt cho chúng ta.

2- Đavid tha chết cho vua Saul

Có người báo tin cho Saul chỗ núp của Đavid, ông đã kéo cả 3.000 quân đi vây bắt. Saul đã vào một hang có ngờ đâu Đavid và người hộ vệ thân tín của Đavid đang ẩn ở đó ! Người hộ vệ thúc giục Đavid ra tay hạ sát vua Saul ! Đavid đã không giết nhưng chỉ lén cắt một miếng đuôi áo của Saul mà thôi. Và sau đó thật lạ lùng, Đavid đã hối hận về việc mình đã làm cho vua Saul. Sau khi đôi bên cùng im lặng ra khỏi hang, Đavid đứng đàng xa nói chuyện đó cho Saul hay. Saul đã công khai xác nhận là Đavid tử tế hơn ông (24,18) !  Đây chỉ là lần thứ nhất Đavid tha chết cho vua Saul ! Còn một lần nữa Saul được tha chết mà bài đọc hôm nay kể lại vắn tắt như sau:

Khi vua Saul dắt quân truy lùng Đavid ở sa mạc Zip (Díp) (26,1t) và Đavid khám phá ra cắm trại trên đồi Kalilah (Kha-khi-la). Đavid cho người đi thám sát kỹ càng… và khi biết rõ chỗ nằm của Saul thì chính ông đã cùng với Abyshay (A-vi-sai) đang đêm lẻn vào trại của Saul. Vua quan ngủ như chết chẳng ai hay biết ! Abyshay bảo Đavid để cho anh đâm chết vua Saul, bảo đảm chỉ một lát là xong ! Nhưng Đavid lại không chấp thuận và chỉ chơi trò ‘cảnh cáo’ mà thôi. Đavid chỉ lấy cây giáo và bình nước của vua Saul rồi ra đi ! Khi đã ra khỏi trại khá xa, Đavid gọi và kể đầu đuôi câu chuyện cho vua Saul nghe : “Chúa trao Đức vua trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay”!

3- Bài học cho hậu thế

Câu chuyện trên quả là bài học thật vui, thật sâu sắc và cụ thể dạy cho hậu thế biết cách sống anh hùng, yêu mến, thương xót, tha thứ. Vì thế mà phụng vụ hôm nay chọn câu chuyện này để đưa ta vào giáo huấn yêu thương của Đức Ki-tô, một điều kiện để xứng đáng sống trong Nước Trời, vương quốc của Thiên Chúa của tình yêu (Vô danh, Trình Bày Lời Chúa, Chúa Nhật Năm C, trang 226-228).

Bài Tin Mừng : Các con hãy nhân từ như Cha các con…

 

1- Bối cảnh của bài Tin Mừng

Trong bài giảng khai mạc, trước hết Đức Giê-su đã nói đến điều kiện cần phải có để người ta có thể nghe được Lời Ngài và vào Nước Trời ở trần gian, đó chính là tinh thần siêu thoát và tuyệt đối trông cậy vào Chúa (Chúa nhật trước đã đề cập tới).

2- Hãy yêu thương kẻ thù

a) Nguyên tắc

Nước Chúa là nước của tình yêu, mà tình yêu là động lực sống và cũng là cùng đích. Cựu Ước đã dạy ta phải yêu nhau, nhưng chưa phải là lý tưởng lắm, vẫn còn những phân biệt, những giới hạn, những ‘yêu thân nhân ghét thù địch’ (Lv 19,18) hay như ‘mắt thế mắt, răng đền răng’ (Xh 21,24). Nhưng thời Tân Ước thì khác. Đức Giê-su cũng dạy một giới răn yêu thương, nhưng bằng một tình yêu có tính phổ quát (Lc 6,29-30), vô vị lợi (Lc 6,35), có tình yêu siêu vượt (Lc 6,32-34) và rập theo khuôn mẫu của Thiên Chúa (Lc 6,36).

Khi viết về luật yêu thương của Đức Ki-tô, Luca không ghi lại sự so sánh giữa luật cũ và mới như Mát-thêu (Mt 5,20-44), ông chỉ chú ý đến những điều cần phải làm, đó là : ‘hãy yêu thương kẻ thù’ (c.27). Kẻ thù ở đây được hiểu là những người ghét mình, nguyền rủa, vu khống cho mình, hành hung mình, cưỡng đoạt của cải mình, lấy hay vay mượn một cách thiếu tế nhị (c.27-30).

Thế nào là yêu thương người ? Chúa Giê-su đã dạy rõ : phải làm ơn cho kẻ ghét mình (c,27), hãy chúc phúc cho kẻ nguyền rủa mình, cầu nguyện cho kẻ vu vạ mình (c.28), chấp nhận tất cả sự bất ngờ tai hại xảy đến cho mình cách vui vẻ (c.29-30). Đó cũng chính là những điều mình muốn người ta làm cho mình, mình hãy làm cho người ta (c.31).

b) Tính ưu việt của bác ái Ki-tô giáo

Những đòi hỏi trên thật không gặp được chỗ nào khác ngoài Tin Mừng, ngoài giáo lý Ki-tô. Chúa đã làm cho bác ái Ki-tô giáo trở nên  ưu việt không gì sánh được, chúng đã huấn luyện cho người Ki-tô hữu đạt tới mức toàn hảo, nên giống Chúa. Vì không chỉ yêu bạn hữu, làm lành cho họ, mà còn phải tốt bụng với cả kẻ thù của mình, đây là những điều kẻ tội lỗi không làm được (c.31-35). Thực hành bác ái Ki-tô

giáo người ta còn trở nên con  Đấng cao cả vì Ngài nhân từ đối với những kẻ vô ơn và gian ác (c 35). Thực hành bác ái với những kẻ vô ơn và gian ác (c 35), nên giống Chúa vì đã bắt chước giống Ngài (c 35).

c) Thực hành bác ái Tin Mừng

‘Hãy thương xót như Cha anh em có lòng thương xót’, đó là một lý tưởng của bác ái Tin Mừng và đồng thời cũng là một lệnh truyền cho môn đệ Chúa Ki-tô phải thi hành giới răn bác ái mà ngài đã gọi là giới răn mới.

Ta biết rằng không bao giờ ta đạt tới sự hoàn hảo, mà chỉ có Cha trên trời mới thực hiện được cách hoàn toàn (Mt 5,48), nhưng ta phải hướng về lý tưởng ấy vơi tất cả cố gắng đạt tới của ta. Lý tưởng đó đã được ban bố bằng những từ ngữ có tính cách tuyệt đối và không sợ một nghịch lý nào cả. Vì yêu thương kẻ thù, làm ơn cho kẻ ghét mình không có nghĩa là đồng ý hay tán thành việc hắn làm, bởi làm điều thiện là không cổ võ điều ác.

Chúng ta nên để ý điều này là những ví dụ được dùng như  ‘ai vả má bên này thì đưa cả má bên kia cho nó vả nữa’ chỉ là những hình ảnh mô tả một thái độ nhân hậu hơn là những mệnh lệnh cụ thể cho cuộc sống hằng ngày. Điều mà Đức Ki-tô đề ra cho lòng đại lượng của các môn đồ không phải là điều Ngài bắt buộc phải làm y như thế, không sai một dấu phẩy. Cho nên, muốn áp dụng Tin Mừng một cách đúng mực, trước tiên chúng ta không phải hiểu theo nghĩa đen từng chữ. Sống Tin Mừng là thực thi tinh thần đó chứ không phải chữ bảo sao thì làm như vậy một cách máy móc (Vô danh, Sđd, trang 228-230).

Bài đọc 2 : Ta được xót thương trong Đức Ki-tô Phục sinh

1- Bối cảnh của bài đọc

Bài đọc được trích trong phần cuối của thư gửi giáo hữu Cô-rin-tô. Trong phần này thánh Phao-lô đề cập đến vấn đề kẻ chết sống lại, một vấn đề đang gây sóng gió trong Giáo doàn, vì tại Cô-rin-tô có người chối bỏ việc kẻ chết sống lại (15,12). Chịu ảnh hưởng của Hy Lạp, một số tin hữu tại Cô-rin-tô có người chối bỏ việc kẻ chết sống lại (15,12). Chịu ảnh hưởng của Hy Lạp, một số tín hữu của Cô-rin-tô cho xác thể là thô bỉ, xấu xa nên không muốn có và không muốn chấp nhận một niềm hy vọng sống lại. Sống lại phần xác đối với họ là điều không đáng nói và chướng tai ! Trong khi đó, Cựu Ước đã dạy rằng có sự sống lại trong những sách sau cùng : Tv 46,11; G 19,25; Êd 37,10; 2Mcb 7,9. Tân Ước đã nhận đạo lý ấy và nại chứng cớ nơi việc Chúa Giê-su đã sống lại. Vì thế :

Thánh Phao-lô trước hết đã nhắc lại điều ngài gọi là Tin mừng cứu rỗi, mà chính ngài đã rao giảng, là Đức Giê-su đã chết, được mai táng và đã sống lại như lời Thánh Kinh. Rồi Đức Ki-tô Phục sinh đã hiện ra với các Tông đồ nhiều lần, với cả hơn năm trăm môn đệ một lần, và cũng đã hiện ra với chính ngài nữa, đang khi ngài đi bắt Hội Thánh (1Cr 15,1-11). Nhắc lại sự kiện Chúa sống lại như một sự kiện căn bản  để rồi từ đó đi tới một quả quyết rằng : Sự sống lại của Chúa bảo đảm cho sự sống lại của tín hữu. Nếu Chúa sống lại thật thì sự kẻ chết sống lại là điều chắc chắn chứ không phải ảo tưởng. Hơn nữa. Chúa sống lại thì lòng tin vào Ngài mới không vô ích (15,12-19).

Nhưng sống lại thế nào, đó cũng là điều được đặt ra, và Phao-lô đã giải quyết tiếp theo. Bằng nhiều so sánh, thánh nhân đã đi đến kết luận : Người ta sống lại sẽ “mang hình ảnh của người thiên thai”, nghĩa là giống Đức Ki-tô Phục sinh. Đây chính là điều được nói tới trong bài đọc thứ hai (15,45-49).

2- Sống lại, ta sẽ được mang hình ảnh Đức Ki-tô Phục sinh

a) Chúng ta giống A-đam, người trần ai

Tham chiếu trình thuật của Sáng thế nói rằng A-dam đã trở nên một hữu thể sống động (St 2,7), thánh Phao-lô nhấn mạnh rằng thân xác của ông là do tự đất, là người trần ai, được phú bẩm cho một sự sống thuộc trật tự thiên nhiên (c.45-47). Sau đó ngài bước sang thân phận con người chúng ta, và kết luận chúng ta là con cháu A-đam (c.48-49); giống như A-đam “mang hình ảnh người trần ai”, có nghĩa chúng ta cũng là những xác thể được phú bẩm sự sống, những hữu thể sống động, có bản tính nhân loại như ông và rồi cũng sẽ là những chủ thể phải đi vào con đường hư hoại như ông tức là cũng sẽ già, bệnh tật và sẽ chết !

b) Chúng ta sẽ giống Đức Ki-tô, người thiên thai

Bởi sự sống lại của Ngài, Đức Giê-su đã vượt lên trên lãnh vực vật chất, ngài thuộc về một thế giới thiêng liêng. Do sự thăng thiên, Đức Giê-su thành người thiên thai với thân xác vinh hiển, còn được gọi là thân xác thần thiêng nữa (c.44). Nói như thế, thánh Phao-lô không có ý phủ nhận cái thực tại vật lý của thân xác người sống lại, nhưng ngài muốn nói đến một cái gì khác hơn là chỉ làm cho cái chết được sống lại như đã làm cho La-da-rô, con gái ông Giai-rô hay cho cậu thanh niên con bà góa thành Na-im. Cái gì khác đó chính là thân xác người sống lại đi vào một thế giới mới, không chịu sự điều hành của những định luật vật lý như chúng ta đã và đang nhận chịu. Nó thuộc về một thế giới vinh hiển, bất hoại, thiêng liêng hay thần thiêng mà chúng ta chưa được biết, lại cũng khó tưởng tượng (c.40-41).

Như thế, Đức Ki-tô Phục sinh đã khởi đầu trong chính con người của Ngài trạng thái của những thân xác được thần khi hóa và vinh hiển cũng như A-đam đã khởi đầu  cuộc sống của những người  sinh ra trong thế gian này. Nếu A-đam là người đầu tiên  xét theo người trần thì Đức Ki-tô là con người mới (cũng gọi là người thứ hai) xét theo người thiên thai (c.47-48).

Theo điều kiện vật lý và tâm lý, chúng ta thuộc về thế giới của A-đam, vì ta được tạo thành và sống như ông trên trái đất, nhưng nhờ ơn gọi và tiền định của Chúa, chúng ta được sống dưới ảnh hưởng thần linh hóa của Đức Ki-tô làm cho chúng ta một ngày kia sẽ là những người sống lại.

Chính vì thế, sau khi đã mang trong thân xác chúng ta hình ảnh của A-đam trần thế, chúng ta cũng sẽ mang trong mình hình ảnh của Đức Ki-tô vinh hiển, tức là người thiên thai (48-49).

c) Đó là ân huệ do lòng thương xót của Chúa

Sự may mắn và hạnh phúc mà chúng ta sẽ có được như nói ở trên,  thật đúng là một ơn huệ do lòng thương xót Chúa ban, chúng ta không thể nói khác đi được.

Quả thực, vì thân phận con người, nhất là con người đã phạm tội, chúng ta sẽ kết thúc cuộc đời bằng cái chết, bằng sự hư hoại nếu không có ơn cứu chuộc của Thiên Chúa . Nhưng nhờ ơn thương xót của Ngài, chúng ta được tha thứ “trong Đức Ki-tô”. Quả thê, cũng như nơi A-đam mọi người cũng sẽ được tái sinh. Khởi đầu là Đức Ki-tô, rồi đến những người thuộc về Đức Ki-tô trong ngày quang lâm của Ngài (1Cr 15,22-23).

Như thế, sự phục sinh của ta là sự phục sinh do lòng thương xót của Chúa. Chính nhờ lòng thương xót của Chúa  mà chúng ta được tiến vào vương quốc của Chúa như những con người bất hoại và bất tử (c.53). Do đó, sự phục sinh chúng ta nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta được Chúa thương xót cách đặc biệt, và có như thế chúng ta mới thấy bài đọc 2 này có liên quan tới bài đọc 1 và bài Phúc âm : cùng nói đến lòng thương xót và cổ võ điều đó (Vô Danh, Sđd, trang 231-233)

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành