Chúa Nhật X Thường Niên Năm B
CHÚA NHẬT X MÙA THƯỜNG NIÊN.
Ngày 09/6/2024
Giáo xứ La Nang và Giáo xứ Đại Hiệp Chầu Thánh Thể.
GIÁO HUẤN SỐ 27
TIÊU CHUẨN LỚN
“Các ý thức hệ đánh vào trái tim của Tin Mừng” (tiếp theo)
“Điều tương tự cũng được gặp thấy trong Cựu Ước: “Người ngoại kiều, các ngươi không được ngược đãi và áp bức, vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai cập” (Xh 22,20). “Khi có ngoại kiều cư ngụ với các ngươi trong xứ các ngươi, các ngươi đừng bức hiếp nó. Các ngươi phải đối xử với người ngoại kiều cư ngụ với các ngươi như với một người bản xứ, một người trong các ngươi; các ngươi phải yêu nó như chính mình, vì các ngươi đã từng là ngoại kiều tại đất Ai cập” (Lv 19,33-34). Đây không phải là một ý niệm được giáo hoàng nào đó phát minh, cũng không phải một ngẫu hứng nhất thời. Vì trong thế giới ngày nay, chúng ta cũng được kêu gọi đi theo nẻo đường khôn ngoan tâm linh mà ngôn sứ Isaia nêu ra, để cho thấy điều gì đẹp lòng Thiên Chúa. “Há chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông” (58,7-8)”. (Tông huấn Hãy Vui mừng Hoan hỉ, số 103).
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
Ed 17,22-24; 2Cr 5,6-10; Mc 4,26-34
Bài Ðọc I: St 3,9-15
“Ta sẽ gây mối thù giữa dòng giống mi và dòng giống người đàn bà”.
Trích sách Sáng thế.
Sau khi con người ăn trái cây biết lành biết dữ, Ðức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi ở đâu?” Con người thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẫn trốn”. Ðức Chúa là Thiên Chúa hỏi: “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?” Con người thưa: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn”. Ðức Chúa là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: “Ngươi đã làm gì thế?” Người đàn bà thưa: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn”. Ðức Chúa là Thiên Chúa phán với con rắn:
“Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất
trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú.
Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà,
giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy;
dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 129, 1-2.3-4.5-6a.6b-8
Ðáp: Chúa luôn luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa. (c. 7bc)
Xướng: Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa, muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con. Dám xin Ngài lắng tai để ý nghe lời con tha thiết nguyện cầu.
Xướng: Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài.
Xướng: Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi, cậy trông ở lời Người. Hồn tôi trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông.
Xướng: Hơn lính canh mong đợi hừng đông, trông cậy Chúa đi, Ítraen hỡi, bởi Chúa luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa. Chính Người sẽ cứu chuộc Ítraen cho thoát khỏi tội khiên muôn vàn.
Bài Ðọc II: 2Cr 4,13 – 5,1
“Chúng tôi tin, nên chúng tôi mới nói”.
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Thưa anh em, có được cùng một lòng tin, như đã chép: Tôi đã tin, nên tôi mới nói, thì chúng tôi cũng tin, nên chúng tôi mới nói. Quả thật, chúng tôi biết rằng: Ðấng đã làm cho Chúa Giêsu trỗi dậy, cũng sẽ làm cho chúng tôi được trỗi dậy với Chúa Giêsu, và đặt chúng tôi bên hữu Người cùng với anh em. Thật vậy, tất cả những điều ấy xảy ra là vì anh em. Như thế, ân sủng càng dồi dào, thì càng có đông người hơn dâng lên Thiên Chúa muôn ngàn lời cảm tạ, để tôn vinh Người.
Cho nên chúng tôi không chán nản. Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới. Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận tuyệt vời. Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn.
Quả thật, chúng ta biết rằng: nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá hủy đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 12,31b-32
Alleluia, alleluia! – Chúa nói: Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài! Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi. – Alleluia.
Phúc Âm: Mc 3,20-35
“Xatan đã tận số”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Ðức Giêsu và các môn đệ trở về nhà, và đám đông lại kéo đến, nên Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.
Còn các kinh sư từ Giêrusalem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám, và người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ. Ðức Giêsu liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: “Xatan làm sao trừ Xatan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Xatan mà chống Xatan, Xatan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. Không ai có thể vào nhà kẻ mạnh mà cướp của được, nếu không trói kẻ mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.
“Tôi bảo thật các ông: mọi tội lỗi và lời phạm thượng, dù nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng sẽ được tha cho con cái loài người. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời”. Ðó là vì họ đã nói: “Ông ấy bị thần ô uế ám”.
Mẹ và anh em Ðức Giêsu đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!” Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Ðây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi”.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM I
SỐNG THEO THÁNH Ý CHÚA
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Truyện kể rằng: “Một nhà đạo sĩ người Ấn Độ lên đường với người đồ đệ đi theo hầu và người đồ đệ này có bổn phận phải chăm sóc con lạc đà. Tối hôm đó, thầy trò vào nghỉ chân ở một quán trọ bên đường. Người đồ đệ đi đường xa mệt mỏi quá nên quên cả việc buộc lạc đà vào cột, vừa lim dim đôi mắt ngủ vừa thầm thì cầu xin Chúa: “Lạy Chúa, xin Chúa coi dùm con con lạc đà, con xin phó thác nó trong tay Chúa”. Sáng ra, vừa thức giấc người đồ đệ vội đi tìm lạc đà, nhưng không thấy nó đâu nữa. Nhà đạo sĩ mới hỏi: Lạc đà đâu rồi? Người đồ đệ thưa: Thưa thầy con không biết, xin thầy hỏi Chúa xem, tối qua con đã phó thác lạc đà nhờ Chúa giữ dùm, nên lạc đà chạy trốn hoặc bị mất cắp đâu phải là lỗi của con, đó là trách nhiệm của Chúa, hẳn không phải là Thầy đã dạy bảo con là phải có lòng phó thác tin tưởng nơi Chúa đó sao. Nhà đạo sĩ ôn tồn nói: Con ơi, dĩ nhiên là phải có lòng tin tưởng phó thác nơi Chúa, nhưng trước hết con cũng phải làm tròn bổn phận của con, nên trước khi đi ngủ lẽ ra con phải cẩn thận buộc lạc đà vào cột, bởi vì Chúa không có tay nào khác ngoài hai tay của con.
Cầu nguyện không phải đòi buộc Thiên Chúa làm theo ý muốn của ta, Ngài phải phục vụ hay thi hành những dự tính, những chương trình thay đổi bất thường tùy hứng của ta. Nhưng ngược lại, cầu nguyện là xin Chúa cho chúng ta làm theo thánh ý Ngài, cầu nguyện là đặt chúng ta vào trong ý muốn của Chúa và Lời hằng sống của Ngài, để hiểu và thực thi ý Chúa muốn trong đời sống chúng ta, để ta trở nên khí cụ của Chúa. Cho nên, các Bài Lời Chúa hôm nay xoay quanh chủ đề về tầm quan trọng của việc làm theo thánh ý Thiên Chúa.
Bài Đọc 1 Sách Sáng Thế kể vì không vâng theo Lời Chúa nên Nguyên tổ phạm tội và hậu quả xa lìa Thiên Chúa, chồng vợ chối bỏ nhau: “Người đàn bà Ngài cho ở với con đã cho con trái cây ấy, nên con ăn”. Rõ ràng, trước đây là Thiên Chúa đã tác tạo nên người đàn bà cho ông Ađam. Ông vui sướng và khẳng định đây là xương tôi, đây là thịt tôi, nhưng giờ lại chối bỏ người đàn bà của Chúa dựng nên chứ không phải là vợ tôi. Rồi, trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu Ađam mới đến trần gian nối lại mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa không đặt căn bản trên liên hệ ruột thịt, nhưng trên căn bản làm theo thánh ý của Ngài. Cụ thể, trong Tin mừng Thánh Marcô có kể rằng khi hay tin Chúa Giêsu say mê giảng dạy và chữa bệnh cho dân chúng đến nỗi không có thời giờ ăn uống, “thân nhân của Người liền đi bắt Người vì họ nói rằng Người đã mất trí” (Mc 3,21). Nhưng, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục Sứ mạng của Ngài là rao giảng Tin Mừng, bất chấp các lời can ngăn của người thân vì Ngài đến trần trần gian là thi hành Thánh ý Cha. Tin Mừng viết hôm đó Chúa Giêsu giảng dạy dân chúng kéo đến rất đông nên “Mẹ Chúa Giêsu và anh em người đến và đứng ở ngoài”, có nghĩa Mẹ và anh em Chúa Giêsu thì “đứng ở ngoài” vòng vây đám đông chứ không phải đứng ngoài cửa, ngoài nhà thờ, còn đám đông nghe Ngài giảng thì “ngồi chung quanh” Ngài. Như thế có ý nói rằng những kẻ nghe Lời Chúa còn gần gũi và thân thiết với Ngài hơn cả người bà con ruột thịt. Vì thế, đối với mình, Chúa Giêsu coi trọng việc rao giảng Lời Chúa hơn việc gặp bà con; đối với người khác, Ngài coi trọng những người nghe Lời Chúa hơn cả bà con của Ngài.
Thế rồi, Chúa Giêsu đưa mắt nhìn dân chúng đang hiện diện lắng nghe Ngài và Ngài nói, họ mới là anh em đích thực. Chúa Giêsu cũng đang nhìn chúng ta, khi ta chăm chú nghe Lời Chúa trong thánh lễ và nói rằng: “Ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là Mẹ Ta”. Với lời khẳng định này, Đức Giêsu loan báo về gia đình của Ngài: + Có một gia đình thuộc huyết thống, đó là những người thân yêu cùng máu mủ đứng đàng kia. + Và còn có một gia đình mới đang ngồi đây này, đó là những người lắng nghe Lời Chúa. Đức Giêsu không coi thường hay loại bỏ gia đình ruột thịt. Nhưng Ngài cho thấy Ngài còn có một gia đình lớn hơn nhiều, một gia đình gồm những người rất khác nhau về nhiều mặt, nhưng lại có một mẫu số chung, một điểm giống nhau, đó là cùng muốn thi hành ý Thiên Chúa trong cuộc sống.
Chúa Giêsu cho biết tất cả mọi người đều có thể trở nên anh chị em của Ngài, với điều kiện duy nhất là “làm theo ý Cha Ta”. Mà Thiên Chúa ý muốn chúng ta làm gì trên trần gian này: xin vâng và thi hành Lời Chúa ở bất cứ lúc nào và hoàn cảnh nào dù hạnh phúc hay đau khổ. Vì chưng, khi chúng ta bước đi trong đời bằng Lời Chúa và vâng phục ý Chúa, chúng ta chẳng những không sợ hãi nhưng lại tin tưởng rằng bất cứ điều gì chúng ta làm đều được bao bọc trong ân sủng của Chúa. Ông Phêrô đã vất vả thả lưới suốt đêm mà chẳng bắt được con cá nào mà chỉ khi Chúa Giêsu truyền lệnh và ông vâng Lời Chúa thì được mẻ cá đầy thuyền (Lc 5,1-11). Rõ ràng rằng vì tin và vâng Lời Chúa nên Phêrô bắt được cá, ngược lại chính sự tự cao, quên Chúa, quên Lời Ngài nên cả đêm chẳng bắt được con cá nào. Không phải nhờ vào khả năng của chính mình mà Phêrô bắt được cá, nhưng nhờ tin và thi hành Lời Chúa truyền. Thế rồi, cũng chính vì tin rằng Lời Chúa Giêsu uy lực nên chị phụ nữ tội lỗi cấp thành phố đã sẵn sàng làm tất cả để được thứ tha và đem lại nguồn bình an và hạnh phúc đích thực cho đời chị (Lc 7,37-47).
Rồi trong những lúc chúng ta gặp khó khăn, gian nan chúng ta hãy sống Lời Chúa và tuân theo Thánh ý Ngài vì Lời Chúa đem lại cho bạn sức mạnh để chịu đựng đau khổ một trật giúp ta kiên trì giữ vững đức tin hầu đến một lúc nào đó ta sẽ thấy Chúa thực hiện những điều kỳ diệu và những điều lớn lao mà chúng ta không tưởng tượng được! Như Lời Chúa trong bài đọc 2, Thánh Phaolô xác tín rằng vì có được cùng một lòng tin, chúng tôi biết rằng Đấng đã làm cho Chúa Giê-su trỗi dậy cũng sẽ làm cho chúng tôi được trỗi dậy với Chúa Giê-su, và đặt chúng tôi bên hữu Người cùng với anh em. Cho nên chúng tôi không chán nản. Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới. Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời.
Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin cho mỗi người chúng ta biết tin Chúa, thì cũng biết sống Lời Ngài và thi hành thánh ý Chúa vì Lời Chúa sẽ giúp chúng ta sống can trường và bình an trong đau khổ, vui tươi khi hoạn nạn, và lạc quan khi gian khổ. Với lòng tin như thế, mời anh chị em tuyên xứng đức tin…
SUY NIỆM II
ĐIÊN
Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật
Tin Mừng cho thấy lời hứa cứu độ đã được thực hiện nơi Đức Giêsu Người đã chiến thắng Satan và thiết lập Vương quốc của Thiên Chúa Những ai tin vào Người và thi hành Thánh ý Thiên Chúa, tất cả tạo thành mối liên hệ mới. Tuy nhiên, khi Đức Giêsu rao giảng và làm phép lạ, các thân nhân của Người cho rằng Người mất trí, nên đi bắt Người đưa về nhà Còn các Kinh sư thì lại đặt vấn đề về quyền năng chữa lành của Đức Giêsu
Nêu lên thách đố
Ngay lập tức, Đức Giêsu đặt mình vào thách đố Người vừa nêu lên Điều này được tạo nên trong bài đọc I, trích từ sách Sáng thế. Từ ban đầu, con người do Thiên Chúa tạo dựng đã bị lôi kéo ra khỏi Thiên Chúa Họ đã bị dụ dỗ để cắt đứt giao hảo yêu thương Thủ lãnh ma quỷ đã trở thành thủ lãnh của thế gian này, và con người nhận ra mình bị trần trụi, mất đi sự trong sáng trước mặt người khác và Thiên Chúa, mất đi mối thân tình với Thiên Chúa và người khác Con người rơi vào ngõ cụt và không thể thoát ra bằng sức mình
Đức Giêsu đến và dẫn dắt cuộc chiến giải thoát này Đối thủ của Người là “kẻ mạnh” đang chiếm giữ ngôi nhà Đức Giêsu không chỉ là một người trẻ có thể lay động đám đông, không chỉ là nhà giảng thuyết lừng danh, và cũng không chỉ là người chữa bệnh Người là tất cả và vượt trên tất cả Người đến để thực hiện lời tiên báo trong sách Sáng thế: một cuộc giải thoát do dòng dõi của người nữ
Đức Giêsu không lập một trật tự mới, nhưng là tái lập trật tự Thiên Chúa đã quy định từ ban đầu Trật tự này gồm ba yếu tố: Khống chế “kẻ mạnh” đang chiếm giữ ngôi nhà; tôn kính Thánh Thần, Đấng khai mở công trình nơi Đức Giêsu; sau cùng, là thi hành thánh ý Chúa Cha để gia nhập gia đình đích thực của Đức Giêsu
Đối chọi với kẻ mạnh
Đức Giêsu loan báo rằng triều đại Thiên Chúa đã khởi đầu, Người cũng loan báo rằng quyền lực của Sự Dữ chấm dứt, và mở ra Vương Quốc của Thánh Thần Thần Dữ đã nhận ra điều ấy và thốt lên: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1,23) Còn Đức Giêsu tuyên bố: “Giờ đây thủ lãnh thế gian sắp bị tống ra ngoài. Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. (Ga 12,31-32)
Quy phục Chúa Thánh Thần
Cuộc chiến thắng trên thần dữ do Thánh Thần thực hiện Chính Người, từ nay sẽ ngự trị trong tâm hồn con người Người là Thánh Thần chân lý, tình yêu, ánh sáng, cùng với Chúa Cha và Chúa Con Do đó, mọi tội lỗi và lời phạm thượng đếu có thể được tha, nhưng phạm đến Thánh Thần thì “chẳng đời nào được tha” Chống lại Thánh Thần của Thiên Chúa đang hoạt động nơi Đức Giêsu tức là tách mình khởi Vương Quốc, và đặt mình ở bên ngoài sự hiệp thông với Đức Kitô
Lời lẽ nghiêm khắc của Đức Giêsu không chỉ liên hệ đến bình diện đạo đức, hay một thái độ cụ thể, nhưng là một lựa chọn của đời sống Không phải Đức Giêsu kết án, nhưng chính những người chọn như vậy tự kết án mình: họ đã từ khước Thánh Thần, từ khước dòng nước ban sự sống (x Ga 7,37-39)
Gia nhập gia đình của Đức Giêsu
Ngược lại, ai đi theo Đức Giêsu, tức là chấp nhận theo Người và thi hành Thánh ý Chúa Cha, người ấy gia nhập gia đình đích thực của Đức Giêsu Họ được sinh ra từ Chúa Cha, đón nhận các anh chị em, được liên kết trong mối dây linh thiêng do cùng một Thánh Thần tác động Tất cả đều được mời chia sẻ cùng một tấm bánh và một chén thánh
Như vậy, nhân một tranh luận có vẻ như giai thoại, ngay từ những ngày đầu đi rao giảng, Đức Giêsu đã loan báo vấn đề cốt yếu trong sứ điệp của Người Dân chúng, kể cả thân nhân, nghĩ rằng Người bị mất trí Nhưng Đức Giêsu mời gọi chúng ta nhìn Người theo một cách khác “Chúng ta không chú tâm đến những sự vật hữu hình nhưng đến những thực tại vô hình” (1 Cr 4,18) Cần phải chấp nhận lối nhìn của Thiên Chúa để nhìn nhận Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia
Nước nào bị chia rẽ, nước ấy không bền lâu
Tôi là nước bị chia rẽ,
Tôi bị chia rẽ trong chính tôi.
Điều tốt tôi muốn làm, tôi lại không làm, Điều xấu tôi không muốn làm, tôi lại làm.
Ai sẽ cứu nước tôi khỏi suy đổ?
Lạy Chúa,
Người đã chiến thắng Satan Xin chữa lành sự chia rẽ trong con, và giúp con làm chủ căn nhà của mình, như thế,
Con được tự do, hiệp nhất và bình an.
SUY NIỆM III
MẸ VÀ ANH EM CỦA CHÚA GIÊSU
(Hội An, 09/6/2024)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú
Thánh Kinh không nói nhiều về gia đình trần thế của Chúa Giê-su. Dĩ nhiên chúng ta biết về Mẹ Maria, thánh Giuse và các anh em họ hàng của Chúa Giê-su, nhưng hôm nay, Chúa Giê-su không có ý nói về gia đình theo huyết thống của Ngài, mà xác định thế nào là người thân trong gia đình đích thực của Ngài. Vì thế, Chúa Giê-su đã hỏi: “Ai là mẹ Ta? Ai là anh em Ta?” (Mc 3,33).
- Mẹ và anh em trong gia đình của Chúa
Tin Mừng tường thuật, khi Chúa Giê-su đang giảng dạy cho dân chúng vây quanh, một người thưa với Chúa có người nhà của Chúa đang đứng ở ngoài tìm Chúa. Người thân của gia đình Chúa tìm Chúa để làm gì? Tin mừng cũng cho biết, đã có lần sau khi gặp gỡ, nghe Chúa giảng dạy và làm phép lạ, đám đông kéo về đến tận nhà của Chúa, đến nỗi “Chúa và các môn đệ không sao ăn uống được.” Thấy vậy, thân nhân của Chúa nhận định Chúa bị mất trí giữa đám đông và họ đi tìm cách tách Chúa ra khỏi đám đông (x. Mc 3,20-21). Lần này cũng thế, đám đông say mê nghe Chúa giảng dạy, thì người thân của Chúa đến tìm bắt. Nhân cơ hội này, Chúa Giê-su định nghĩa thế nào là gia đình của Chúa, thế nào là người thân thuộc của Chúa.
Khi nói: “Ai là mẹ Ta? Ai là anh em Ta?”, Chúa Giê-su không hề chê bai hay coi thường gia đình của Ngài. Chúa không có ý nói gia đình trần thế bị mất giá trị hoặc đáng bị bỏ rơi. Nhưng chính vì hiểu giá trị của gia đình, Chúa Giê-su đã dùng gia đình để cho chúng ta hiểu một chân lý lớn lao, đó là khi kết hợp với Chúa Giê-su, chúng ta được đón nhận vào gia đình mới, gia đình đích thực của Thiên Chúa. Gia đình này hiện diện thực sự và lâu bền hơn các mối liên hệ gia đình trần thế của chúng ta.
Đối với Chúa, gia đình của Chúa khác với quan niệm của người đời về gia đình. Khi có người vào báo tin mong Chúa Giê-su ra để người thân của Ngài gặp và trong khi đám đông nghĩ tưởng Chúa Giê-su sẽ rời bỏ họ dù trong chốc lát để ưu tiên cho người thân, thì Chúa Giê-su có phản ứng bất ngờ. “Chúa rảo mắt nhìn những người ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ Ta, đây là anh em Ta.” Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh chị em tôi và là mẹ tôi” (Mc 3,34-35).
Chúa Giê-su không nói cứ xét AND thì biết ai là thân thích của Chúa. Chúa cũng không quả quyết thân thích của Chúa là những người thuộc dòng họ của Ngài theo huyết thống. Chúa cũng không khẳng định những ai nghe những lời Chúa dạy là thuộc về gia đình Chúa. Chúa xác quyết, những “ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa,” đó là người thuộc gia đình của Chúa, là người thân thích của Chúa.
Đức tin và làm theo lời Chúa dạy là bằng chứng một người có ADN thiêng liêng của Chúa Giê-su, Đấng luôn thi hành thánh ý Chúa Cha. Trong gia đình của Chúa không chỉ có Mẹ Maria và thánh Giuse thánh thiện, mà còn có Maria Mađalêna, có Matthêu, có Gia-kêu là những người có quá khứ đầy tội lỗi; có các phụ nữ như bà Gioanna, Susanna và những người giàu có theo Chúa; có những người như các tông đồ bỏ hết mọi sự như thuyền lưới, ruộng vườn, thân tộc, rồi đi theo Chúa và nhiều người khác nữa. Trong gia đình Chúa từ ngày Giáo Hội thời sơ khai cho đến nay cũng thế, có rất nhiều người thuộc gia đình của Chúa. Họ nhiều giới lớp khác nhau, nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả họ, từ ban đầu cho đến hôm nay đều có những điểm chung sau: – Trước hết họ dần dần từ bỏ tội lỗi và tính mê nết xấu để nên giống Chúa Giê-su và được chia sẻ sự thánh thiện của Chúa Giê-su. Thứ đến, họ nghe lời Chúa và sống lời Chúa như là lương thực một ngày sống của họ. Nhìn vào những người sống chân thành với Chúa như thế, Chúa Giê-su gọi họ là “mẹ và anh chị em của Ngài”, chứ không coi họ như người tôi tớ. Ở trong gia đình của Chúa, họ trở nên giống Chúa, trở thành người phục vụ và làm chứng cho Chúa giữa mọi người. Đó là lý do tác giả thư gởi tín hữu Do Thái đã viết: Đấng thánh hóa là Chúa Giê-su đã không hổ thẹn gọi họ là anh em (x. Dt 2,11). Chúa Giê-su rảo mắt nhìn các tín hữu thi hành ý muốn của Chúa Cha từ xưa đến nay và nói: “Đây là mẹ Ta, đây là anh em ta.”
- Để có vị trí trong gia đình Chúa
Vậy, bạn có thuộc về gia đình của Chúa Giê-su không? Bạn có là anh chị em của Chúa Giê-su không? Bạn cần tìm vị trí của bạn trong gia đình Chúa Giê-su.
Thánh Phaolô xác tín, một khi chúng ta liên kết mật thiết với Chúa Giê-su, chúng ta “không còn là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa” (Ep 2,19). Thánh Bê-đa (linh mục, tiến sĩ Hội Thánh) còn nói cụ thể: khi chúng ta nghe lời Chúa và vâng theo, chúng ta trở nên “mẹ” của Chúa Giê-su bằng cách mang Chúa Giê-su đi vào thế giới qua lời và hành động của chúng ta. Điều này cũng làm cho chúng ta trở thành “anh em” của Chúa Giê-su, vì sự vâng theo lời Chúa làm tất cả chúng ta thành con cùng Cha trên trời. Với cách thế này, chúng ta có vị trí trong gia đình của Chúa Giê-su, cùng với nhiều anh chị em như Mađalêna sám hối và bước theo Chúa, cùng với nhiều giáo lý viên ra sức phục vụ các linh hồn như thánh Phaolô miệt mài rao giảng, cùng với nhiều cha mẹ không mệt mỏi truyền đạt đức tin cho con cái như thánh Monica, cùng với nhiều người trẻ tận dụng phương tiện truyền thông để phổ biến lời Chúa như chân phước trẻ Acutis, và cùng với những tín hữu hăng say truyền giáo ngay từ trong gia đình cho đến nơi làm việc và học đường. Số người thuộc gia đình Chúa đông đảo. Chúa rảo mắt và nói về họ: “Đây là mẹ Ta, đây là anh em ta.”
Xin Chúa cho con có vị trí trong gia đình Chúa, được là người thân của Chúa.