Chúa Nhật X Thường Niên – Năm B


CN.10.B

10-6-2018

Tông Huấn

NIỀM VUI YÊU THƯƠNG

Một Nẻo Đường Đau Khổ và Đẫm Máu

Chính Đức Giêsu đã sinh ra trong một gia đình đơn nghèo, sớm phải trốn chạy ra nước ngoài. Người đã ghé thăm nhà Phê-rô, có nhạc mẫu của ông đang đau ốm (x.Mc 1,30-31) và Người chạnh lòng thương khi nghe về những cái chết trong gia đình của Gai-rô và La-da-rô (x.Mc 5,22-24.35-43; Ga 11,1-44). Người nghe tiếng khóc than vô vọng của bà góa ở Na-in trước cái chết của con trai mình (x.Lc 7,11-15), và Người động lòng trước lời khẩn cầu của người cha có đứa con bị kinh phong tại một làng kia (x.Mc 9,9-13; Lc 19,1-10), và nói chuyện với những người tội lỗi như người phụ nữ trong nhà ông Biệt phái Si-mon (x.Lc 7,36-50). Đức Giê-su biết những lo âu và căng thẳng mà các gia đình phải chịu đựng, và Người đan kết chúng vào các dụ ngôn của Người : con cái bỏ nhà đi hoang (x.Lc 15,11-32), hay tỏ ra ương bướng (Mt 21,28-31), hoặc làm mồi cho bạo lực (Mc 12,1-9). Người cũng nhạy cảm trước nỗi lúng túng do thiếu rượu tại một tiệc cưới (Ga 2,1-10), do các khách mời không đến dự tiệc (Mt 22,1-10), và nỗi lo của một gia đình nghèo lỡ đánh mất một đồng xu (Lc 15,8-10)-(số 21) – (Lê Công Đức chuyển ngữ).

—————————-

CN.10.B

(St 3,9-15; 2Cr 4,13-5,1; Mc 3,20-35)

Vì lơi lỏng trong việc bắt đạo, bị triệu về Kinh đô Huế khiển trách, quan tỉnh Nam Định Trịnh Quang Khanh đái tội lập công, trở thành “hùm xám” trong việc bắt đạo “Gia-tô” (Công giáo). Trước hết, ông ra tay thanh lọc hàng ngũ quân đội, là những người ông sai đi bắt người Công giáo.

Ông tổ chức một bữa tiệc thịnh soạn mời các quân nhân Công giáo trong tỉnh đến dự. Có tới 500 anh em lính Công giáo về dự. Cuối bữa tiệc, ông mời anh em Công giáo về dinh. Tại đây ông đặt tượng Thánh Giá, bên cạnh Thánh Giá là các dụng cụ tra tấn : gông cùm, xiềng xích, búa kìm, dây trói, roi đánh … Ai bước qua Thánh Giá thì thoát được hình phạt; còn ai không bước qua thì bị tra tấn bằng các dụng cụ trước mặt. 500 anh em, chỉ còn 15 người can đảm không bước qua.

Hôm sau 15 anh em không bước qua bị đem ra công trường đánh đòn, 6 người đầu hàng, còn lại 9 người. Hôm sau 9 người còn lại bị lôi ra công trường, bị đánh đòn vào đầu ngón tay. 4 người đầu hàng, còn 5 người can trường.

Ngày 25-6-1838 bị dẫn ra pháp trường, để chứng kiến Đức cha Henares Minh và thày Chiểu bị chém đầu, 5 anh em vẫn can đảm giữ vững đức tin. Mấy hôm sau, bị lôi ra pháp trường, vừa bị đánh vừa bị khiêng qua Thánh Giá. 2 anh đã lấy chân đạp Chúa, còn lại ba anh :  Au-gút-ti-nô Phan Viết Huy, Ni-cô-la Bùi Đức Thể và Đa-minh Đinh Đạt.

Tháng 10-1838, quan đem vợ con, thân nhân đến cám dỗ bỏ đạo, 3 anh em vẫn trung kiên. Cuối cùng quan đem các vị kỳ mục trong làng nọc ra đánh đòn. Lúc ấy 3 anh em mủi lòng, mới chịu thua.

Được tự do về làng, một phần nhận thấy lương tâm cắn rứt, một phần thấy gia đình vợ con, dân làng xấu hổ buồn bã. Ba anh em rủ nhau vào kinh đô Huế xưng đạo. Ngày 13-6-1839, ba ông bị chém đầu tại pháp trường Bẩy Mẫu, Nam Định.

Lời Chúa ngày lễ Chúa Nhật 10 thường niên hôm nay cũng nói lên những cám dỗ, những đầu hàng và những gương chống trả.

Bđ1 : Sách Sáng Thế kể lại cuộc tra khảo của Thiên Chúa với ông bà nguyên tổ A-đam và E-và. Ông bà đã nghe lời con rắn cám dỗ, bất tuân lệnh Chúa, ăn trái cấm.

Thiên Chúa hỏi ông A-đam : “Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không ?”. Ông thưa : “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn” (St 3,11-12).

Thiên Chúa hỏi người đàn bà và bà thưa : “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn” (St 3,13).

Thiên Chúa phán với con rắn : “Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,14-15).

Ông bà không nhận lỗi, đổ lỗi cho người khác.

 

BTM : Thánh Mc trong BTM thánh lễ hôm nay cũng kể ra những chuyện người ta quấy rầy làm khổ Chúa Giê-su :

Trước hết, đám đông kéo đến làm Chúa và các tông đồ không sao ăn uống được (Mc 3,20).

Thứ đến, các thân nhân cho Chúa bị mất trí, đi bắt về (Mc 3,21).

Tiếp đến, các kinh sư cho Chúa bị quỉ ám (Mc 3,22-27).

Cuối cùng Mẹ và anh em Chúa cũng không an tâm đi tìm Chúa (Mc 3,31-35).

Trong BTM, có một câu làm chúng ta ngỡ ngàng. Đó là câu : “Ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời” (Mc 3,29).

Cha Nguyễn Công Đoan giải nghĩa : “Tại sao tội này không bao giờ được tha ? Sách Khôn Ngoan đã nói : ‘Đức Khôn Ngoan là thần khí hằng yêu mến con người, nhưng không miễn thứ cho kẻ nói lời phạm thượng (Kn 1,6). Thần Khí là quyền năng tạo dựng và đổi mới của Thiên Chúa, từ chối chính quyền năng tạo dựng và đổi mới của Thiên Chúa thì làm sao có thể được tạo dựng và đổi mới : “ Thần Khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên và Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv 104/103). Đọc lại những lời hứa về Giao Ước Mới : Gr 31,33-34; Ed 36,22-28, ta thấy Thiên Chúa ban ơn tha tội để đưa vào Giao Ước Mới, và ban Thần Khí (Người Này Là Con Thiên Chúa-Tin Mừng Mác-cô, trang 71).

Bđ2 : Đoạn văn của lá thư thứ hai gửi giáo hữu Cô-rin-tô của thánh Phao-lô đọc trong bđ2 dù phải chịu đau khổ, vẫn được an ủi. Thánh Phao-lô viết : “Chúng tôi không chán nản. Trái lại dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới. Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận tuyệt vời. Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn nhưng thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn” (2Cr 4,16-18).

Thánh Đa-minh Phạm Trọng Khảm, thánh Giuse Phạm Trọng Tả và thánh Luca Phạm Trong Thìn cùng một gia đình họ Phạm Trọng ở xứ Quần Cống, Trà Lũ, Xuân Trường, Nam Định bị xử giảo (tròng dây vào cổ, hai người kéo hai đầu dây cho tới khi tắt thở) tại pháp trường Bẩy Mẫu, Nam Định ngày 13-1-1859. Trước khi chết, thánh Khảm nói : “Cha con chúng tôi hôm nay được nước Thiên Đàng” (Bùi Đức Sinh, Thiên Hồng Sử, trang 35).

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành