Chúa Nhật XI Thường Niên Năm A


       CN 11 TN A

18-6-2023

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Thanh Đức

GIÁO HUẤN SỐ 30

HAI KẺ THÙ TINH VI CỦA SỰ THÁNH THIỆN

Ngộ Đạo Thuyết Hiện Đại (tt)

Khi một ai đó có câu trả lời cho mọi vấn đề, thì đó là dấu hiệu rằng họ không đang ở trên con đường đứng dắn. Có thể họ là những tiên tri giả, những người sử dụng tôn giáo cho các mục đích riêng của mình, để quảng bá những  lý thuyết về trí thức hay về tâm lý của mình. Thiên Chúa siêu việt vô cùng trên chúng ta; Ngài đầy những bất ngờ. Chúng ta không phải là người xác định khi nào và bằng cách nào mình sẽ gặp gỡ Ngài; thời điểm và nơi chốn chính xác của cuộc gặp gỡ ấy không thuộc quyền định đoạt của chúng ta.  Hễ ai muốn rằng mọi sự đều rõ ràng và chắc chắn, thì người ấy đang cho rằng mình kiểm soát sự siêu việt của Thiên Chúa (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 41).

 

LỜI CHÚA

Bài Ðọc I: Xh 19, 2-6a

“Ðối với Ta, các ngươi sẽ là một vương quốc tư tế, một dân tộc hiến thánh”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, con cái Israel đi đến hoang địa Sinai, và đóng trại ở đó. Israel cũng dựng nhà xếp trên triền núi. Còn Môsê thì lên cùng Thiên Chúa. Từ trên núi, Chúa gọi ông và bảo: “Ngươi hãy nói với nhà Giacóp và thông báo cho con cái Israel thế này: Chính các ngươi đã thấy những gì Ta làm cho người Ai-cập. Ta đã mang các ngươi trên cánh phượng hoàng và đem các ngươi đến với Ta. Từ nay, nếu các ngươi nghe lời Ta và giữ giao ước Ta, thì các ngươi sẽ là sở hữu của Ta được tách biệt khỏi mọi dân, vì cả trái đất là của Ta. Ðối với Ta, các ngươi sẽ là một vương quốc tư tế, một dân tộc hiến thánh”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 99, 2. 3. 5

Ðáp: Ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi (c. 3c).

Xướng: Hãy phụng sự Chúa với niềm vui vẻ, hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá.

Xướng: Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người; ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi.

Xướng: Vì chưng Chúa thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín còn tới muôn muôn thế hệ.

 

Bài Ðọc II: Rm 5, 6-11

“Nếu chúng ta được giao hoà cùng Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Ngài, ắt chúng ta sẽ được cứu độ trong sự sống của Ngài”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, Chúa Kitô theo kỳ hẹn đã chịu chết vì chúng ta là kẻ tội lỗi. Ít có ai chết thay người công chính, hoạ chăng có những người dám chết vì kẻ lành. Nhưng Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta. Vậy phương chi bây giờ, chúng ta đã nên công chính trong máu của Người, và nhờ Người chúng ta sẽ được cứu khỏi cơn thịnh nộ. Bởi chưng, nếu khi chúng ta còn là thù nghịch, mà chúng ta đã được giao hoà cùng Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Ngài, thì huống chi khi đã được giao hoà, ắt chúng ta sẽ được cứu độ trong sự sống của chính Chúa Kitô, và không những thế, chúng ta còn được vinh hiển trong Thiên Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người mà bây giờ chúng ta được lãnh ơn giao hoà.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 9, 36 – 10, 8

“Sau khi triệu tập mười hai môn đệ, Người sai các ông đi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ dân chúng, liền động lòng xót thương họ: vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn, Người liền bảo môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”.

Và Người liền triệu tập mười hai môn đệ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Ðây là tên của mười hai tông đồ: trước hết là Simon cũng gọi là Phêrô, rồi đến Anrê em ông; Giacôbê con của Giêbêđê và Gioan em ông; Philipphê và Bartôlômêô; Tôma và Matthêu người thu thế; Giacôbê con của Alphê và Tađêô; Simon người Cananêô và Giuđa Iscariốt, kẻ nộp Người. Chúa Giêsu sai mười hai ông này đi và truyền lệnh cho các ông rằng:

“Các con đừng đi về phía dân ngoại, và đừng vào thành các người Samaritanô. Nhưng tốt hơn, các con hãy đi đến cùng chiên lạc của nhà Israel trước đã, và rao giảng rằng: “Nước Trời đã đến gần”. Hãy chữa lành người liệt, phục sinh kẻ chết, chữa lành người phung, và xua trừ ma quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không”.

Ðó là lời Chúa.

 

 

SUY NIỆM I

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

 

Bà Lớn Gioanna

Cha Đỗ Quang Chính viết về bà như sau : ‘Ai trong vương tộc nhà Nguyễn là người đầu tiên theo đạo Đức Chúa Trời ?  Phải chăng là bà Lớn Gioanna được rửa tội khoảng năm 1620, mà người ta cho rằng bà là chị (hay em) của chúa Nguyễn Phúc Nguyên (ở đây chúng tôi xin tạm gác lại câu chuyện chúa Nguyễn Hoàng được rửa tội ngày 17-9-1591 do cha Ordoflez de Cevallos; câu chuyện khó tin). Bà Lớn Gioanna không ở kinh đô ĐT (Đàng Trong), nhưng ở tại Thành Chiêm. Nhà bà là nơi cha tập họp dân chúng để dạy giáo lý. Bà hăng say nhiệt tình với Đạo và bà nói là ‘Đạo Hoa Lang hơn hẳn các đạo trong nước’. Chính bà khuyên nhủ một người anh của bà lúc đó ở Hội An, đã 74 tuổi, chịu phép Thanh tẩy, do cha Pina đã đến nhà ông dạy giáo lý và rửa tội khoảng cuối năm 1620, sau đó cha còn rửa tội cho trên 30 người đã đến học giáo lý với cha cũng tại nhà ông anh của bà Gioanna (ĐQC, Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773, trang 70-71).

Ngày 6-1-1615, tầu nhổ neo từ Áo Môn (Ma-cao) trực chỉ ĐT, sau 12 ngày tầu tới Cửa Hàn (Đà Nẵng) ngày 18-1-1615. Đây là ngày GHVN thường coi cuộc truyền giáo được ‘chính thức’ mở ra ở VN, mặc dù trước đó đã có những ‘dấu vết’ Tin Mừng ở xứ này. Ba nhà thừa sai DT (Dòng Tên) bước chân vào cái xứ ‘trầm hương, yến sào, nhờ chuyến tầu buôn BĐN. Lạ nước lạ cái, ngôn ngữ bất đồng, thông dịch viên loại ‘i tờ’. Tuy thế Buzomi cũng cho dựng  một nhà nguyện ở Cửa Hàn; vào dịp lễ Phục sinh 1615 các cha dâng thánh lẽ ở đây và rửa tội được 10 người. Tiếp theo các tu sĩ đến Cácciam (Kẻ Chàm), tức Thành Chiêm, cũng gọi là Quảng Nam dinh, cách Hội An chừng 7 km về phía Tây, nơi quan trấn thủ Nguyễn Phước Kỳ đặt bản doanh cai trị suốt từ đèo Ải Vân xuống tận Qui Nhơn. Tại Quảng Nam dinh, quan trấn thủ cũng cho phép các Giêsu hữu làm một nhà nguyện và nhà ở, nhờ sự giúp đỡ của một Bà rất quý phái. Bà này về sau được chịu phép rửa, thánh hiệu Gioanna. Chính trong nhà riêng bà cũng lập ‘nhiều bàn thờ’ và hằng cầu khẩn với ‘một Đức Chúa Trời đất’ (D(QC,sđd, trang 20-21).

Các Giêsu hữu vừa truyền giáo được 2 năm, thì sóng gió nổi lên, đó là năm 1617. Nguyên do vào mùa thu năm đó thiếu mưa, nông dân Quảng Nam không làm ruộng được. Theo cha Borri thì các onsaij (ông sãi) liền nhóm họp để tìm ra lý do làm phật lòng thần thánh (Borri viết là idoli, nghĩa là tà thần). Theo các onsaif chính vì các thày đạo Hoa Lang đến đây giảng dạy một tà giáo nên Trời Phật mới giáng họa cho vùng này. Vì thế dân chúng cùng các onsaif đến trình với trấn thủ Quảng Nam dinh là Nguyễn Phước Kỳ, thế tử của Nguyễn Phước Nguyên. Trấn thủ không tin nhận lý do trên đây, nhưng sợ dân chúngg gây rối loạn, nên đành ra lệnh cho các cha tạm rút về Áo Môn, chờ hết nạn hạn hán sẽ trở lại, dù trấn thủ rất quí trọng các cha.

Tầu buôn BĐN chở các cha vừa ra khơi thì bị gió ngược, phải quay lại bờ. Dân chúng ngăn cản không cho các cha vào ở trong nhà tại Cửa Hàn, nhưng phải ở trên bãi biển chịu nóng bức khổ sở. Trong khi ấy người ta được một pháp sư nổi tiếng là vị chân tu, làm lễ cầu đảo. Vị pháp sư lên một ngọn núi, đã có nhiều người tụ họp gần đó; sau khi khấn vái với những nghi thức cầu đảo quen thuộc, ông dậm mạnh chân trên đất ba lần, một lát sau mây mùa giăng khắp, nhỏ được vài giọt mưa, không đủ thấm đất cho dân làm ruộng. Dân chúng bực bội đi phóng hỏa nhà thờ ở Cửa Hàn, làm các cha ở bãi biển rơi lệ mà chẳng cách nào cứu chữa được.

Không rõ các Giêsu hữu phải sống cơ cực trên bãi biển bao lâu, chỉ biết nhờ có bà Gioanna ở Thanh Chiêm cùng bổn đạo đến thăm hỏi, an ủi, giúp đỡ, các cha tản mác dần dần, Cha Pina được Nhật Kiều ở Hội An bí mật đưa về Hội An…Cha Buzomi bị lên mụn nhọt lớn  trước ngực được quan Trần Đức Hòa tri phủ Hoài Nhơn (Qui Nhơn) đưa cha về Qui Nhơn giao cho người con trai cả săn sóc tận tình (ĐQC, sđd, trang 50-52).

Việc thiết lập cư sở Thanh Chiêm được thực hiện 5 năm sau cư sở Nước Mặn. Chính cha Francisco de Pina , nhờ biết tiếng Việt và thiên văn, quen biết nhiều người ở Thanh Chiêm, nên được cử làm bề trên đầu tiên ở Thanh Chiêm, Pina viết trong thư  năm 1622-1623 cho bề trên ở Áo-môn như sau : ‘Năm ngoái con đã biên thư cho cha đáng kính, con đã mua hai nhà của mẹ bà Gioanna tại Cacham, mõi nhà gồm ba gian , một nhà dành cho chúng ta ở, nhà kia làm nhà nguyện, Mục đích của con là cần có cái gì đó (nhà) thuộc quyền chúng ta tại một nơi rất quan trọng của vương quốc này, để chúng ta có thể dâng lễ misa tại đó và tiếp tục vun trồng cùng phát triển nhóm bổn đạo ở đây… Tại mỗi nhà phải có ít  nhất ba thanh niên giúp chúng ta công việc trong nhà, và cũng phải dành thời giờ cho những người ở đó vừa học chữ của họ, vùa học chữ của chúng ta. Năm 1625 các cha ở Thanh Chiêm rửa tội được 306 người  (ĐQC,sđd,trang 68).

Từ Cửa Hàn nơi họ dựng một nhà nguyện và rửa tội cho 10 tân tòng vào dịp lễ Phục sinh ngày 19-4-1615, họ đi tiếp tới Thanh Chiêm (cách Hội An 7 km về hướng tây) là nơi có dinh quan trấn thủ tỉnh Cham. Nhờ kiến thức thiên văn  của mình, linh mục Buzomi đã làm quen được  với vị quan này. Quan cho phép họ dựng trong thành phố của mình một nhà thờ và rốt cuộc cho phép lập nhà riêng ở đó. ; nhà riêng này do một bà quý tộc giầu có tặng, bà này có tên rửa tội là Gioanna (Klaus Schatz SJ, Phạm Hông Lam chuyển ngữ, Hoa Trái Ở Phương Đông, trang 76-77).

.xxx

Bà Gioanna chăm sóc cho Đạo và cho người như Lời Chúa dạy. Bđ1, sách Xuất Hành, Thiên Chúa coi dân Ítraen là dân của Chúa. BTM qua phép lạ chữa người bại liệt, Chúa đã tha tội cho loài người. Bđ2 thư Rôma của thánh Phaolô xác quyết : “Sự sa ngã của Ađam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa” (5,15). Ơn tha thứ của Thiên Chúa lớn lao vô cùng.

xxx

Bài đọc 1(Xh 19,2-6a) Sách Xuất hành trong bđ1 viết : ‘Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh. Đó là những lời Người nói với dân Ít-ra-en’ (Xh 19,6). Sách ‘Lời Chúa Cho Mọi Người’ giải nghĩa  : ‘Một dân thánh nghĩa là được thánh hiến cho Người. Ítraen sẽ là một vương quốc mà vị vua duy nhất của vương quốc là Đức Chúa. Chính vì thế, nhiệm vụ trước nhất của các nhà lãnh đạo Ítraen là thiết lập công lý. Dân Ítraen là những người tự do chỉ thuộc về Thiên Chúa. Do đó, họ không để mình lây nhiễm bởi các ngẫu tượng, các tập tục ô uế và các giá trị sai lầm của các nước khác… Trong các tôn giáo, tư tế là người đến gần Thiên Chúa và là người trung gian  của Thiên Chúa bên cạnh người ta. Nhưng toàn thể Itraen  sẽ được đặc ân này là nhận biết Thiên Chúa và đến gần Người theo một cách mà các dân khác không có. Ítraen nhận được các lời Thiên Chúa hứa cho tất cả loài người, và Thiên Chúa phái đến cho họ các ngôn sứ để họ là những người đầu tiên hiểu biết rõ ràng những đòi hỏi của công lý và tình huynh đệ (trang 136).

Bài Tin Mừng(Mt 9,36-10,10b): Cha Nguyễn Công Đoan viết trong sách  ‘Tĩnh Tâm Với Sách Tin Mừng Mát-thêu’ (trang 82-83) : ‘Ở bờ bên kia quỉ khiếu nại vì Chúa lấn sân chơi của nó, Chúa cho nó ‘cỡi lợn vinh quy’. Dân chúng ở đó chưa sẵn sàng đón nhận Chúa. Chúa không cưỡng ép họ, Chúa khiêm tốn  ‘xuống thuyền băng qua hồ về thành của mình ‘. Ở đây Chúa được ngay niềm an ủi : ‘người ta liền khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường’. Lần này Chúa tỏ lộ một điều mới mẻ nữa. ‘Thấy họ có lòng tin như vậy. Đức Giêsu nói với người bại liệt : ‘Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi’.  Những người chuyên môn về luật Môsê thắc mắc ngay trong bụng : ‘Ông này nói phạm thượng’ Chúa thấu suốt lòng dạ họ, biết ý nghĩ họ như lời Thánh vịnh :

           Con nghĩ tưởng gì Chúa thấu suốt từ xa

           Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời

           thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết

           (Tv 139/138, 2-4).

Chúa phanh phui ý nghĩ thầm kín của họ : ‘Sao các ông lại nghĩ xấu trong lòng như vậy’. Chúa không nói họ nghĩ sai, mà nghĩ ‘xấu’. Chính họ đang phạm thượng  với ý nghĩ của họ. Chúa dạy họ cách suy nghĩ ngay thẳng : ‘Bảo người bại liệt này  : Con đã được tha tội rồi, hay đứng dậy mà đi điều nào dễ hơn’. Điều nào thì cũng chỉ có Thiên Chúa mới nói được thôi. Chúa dùng điều con mắt thấy được, để tỏ ra điều đức tin mới thấy được : ‘Vậy để các ông biết ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội; bấy giờ Đức Giê-su bảo người bại liệt : Đứng dậy, vác giường đi về nhà’. Hậu quả của lời Chúa như trong ngày tạo dựng : Thiên Chúa phán ‘Hãy có ánh sáng (St 1,3), lập tức có ánh sáng. ‘Lập tức người bại liệt đứng dậy, vác giường đi về nhà’. Phản ứng dân chúng ở ‘thành của mình’ khác với ‘ở bờ bên kia’. ‘Dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế’. Với kiểu nói ‘loài người’ Mát-thêu đã mở rộng tới việc Chúa sẽ trao quyền ấy cho thánh Phê-rô và các tông đồ (Mt 16,19)          

 Bài đọc 2(Rm 5,6-11) : Về  bđ2 Đức cha Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm viết trong sách ‘Giải Nghĩa Lời Chúa, Năm Phụng Vụ A, trang 173-174’ : ‘Thánh Phaolô trong bđ2 hôm nay không hề hồ nghi tí nào về tương lai của Giáo hội và của chúng ta, Người có cơ sở vững vàng. Người nói khi chúng ta còn là tội lỗi mà Thiên Chúa đã chết cho chúng ta thì huống hồ bây giờ khi chúng ta đã được công chính hóa, ắt chúng ta sẽ được cứu độ trong sự sống của Đức Giêsu Kitô.

Chúng ta không thể nào không đồng ý với lập luận của thánh Tông đồ. Khi chúng ta còn trong tội lỗi, Thiên Chúa đã chứng tỏ lòng nhân nghĩa lạ lùng. Người ta có thể chết cho một lý tưởng và hy sinh đời mình cho một bậc cao trọng, chứ chẳng có ai nhận chết cho một người có tội. Thế mà Thiên Chúa đã làm công việc như thế cho chúng ta khi chúng ta còn là tội nhân. Thánh nhân viết : ‘Hầu như không ai chết vì một người công chính, họa may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, khi chúng ta còn là những người tội lỗi. Đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta, nhờ máu Đức Kitô đổ ra, hầu chúng ta sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hòa giải với Người, phương chi bây giờ chúng ta đã được hòa giải rồi, hẳn chúng ta được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy. Nhưng không phải chỉ có thế, chúng ta còn có Thiên Chúa là niềm tự hào, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng nay đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa’ (Rm 5,7-11)

Cầu nguyện

Lạy Chúa, Chúa ban sức mạnh cho những kẻ cậy trông

xin nghe lời chúng con cầu khẩn

loài người chúng con thân phận yếu hèn

không thể làm được chi

nếu Chúa không nâng đỡ.

Xin Chúa hằng tuôn đổ hồng ân

giúp chúng con giữ huấn lệnh Chúa truyền,

mà chỉ muốn và làm những điều Chúa ưa thích.

Chúng con cầu xin.

 

SUY NIỆM II

“HÃY CÓ ÁNH MẮT NHÂN ÁI NHƯ CHÚA”

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Trong một thế giới dẫu bị cuốn hút bởi ma lực cạnh tranh không thương tiếc, con người hôm nay lại rất nhạy cảm với những cảnh bị đầy đoạ, đói nghèo, áp bức và bỏ rơi. Người ta dễ bị lôi cuốn bởi những tấm gương hy sinh và quảng đại bao bọc những con người phận nhỏ. Ngày 16.6.2002, tại Roma Thánh lễ Tôn Phong Hiển Thánh cho Cha Pio, khuôn mặt chứng nhân tiêu biểu của thời đại, khuôn mặt thật gần gũi với thế giới đau khổ. Sự gần gũi đấy ắp sự yêu thương và lòng nhân hậu cảm thông. Chỉ có tình yêu bắt đầu áh mắt cảm thông, thương xót mới gần gũi yêu thương, phục vụ và hy sinh như Chúa Giêsu. Người nhìn thấy đám đông và chạnh lòng thương. Nếu nhìn một đám đông thoáng qua thì khó mà chạnh lòng thương. Chạnh lòng thương là tức là đã nhìn kỹ từng người, thấy rõ hoàn cảnh đáng thương của từng người. Đứng trước một đám đông, Chúa vẫn có thời giờ nhìn kỹ từng người, vì Chúa quan tâm đến số phận của từng người.

Khi nhìn ngắm kỹ lưỡng, sẽ hiểu rõ. Khi hiểu rõ sẽ dễ chạnh lòng thương. Tuy nhiên từ ánh mắt đến trái tim là một khoảng cách rất gần mà cũng rất xa. Trái tim con người thật khó hiểu. Khi mở ra thì bao la ngàn trùng. Nhưng khi khép lại thì vô cùng chật hẹp. Một hạt bụi cũng khó lọt qua. Khi thao thức thì vô cùng nhanh nhậy, chỉ một thoáng nhìn, chỉ một âm thanh mơ hồ cũng đã đủ làm xao xuyến, rộn ràng. Nhưng khi ngủ yên thì vô cùng chai cứng, chậm chạp, dù có đập vào mắt, dù có la vào tai, cũng lạnh lùng dửng dưng. Cho nên, ngày nay người ta ít có thời giờ nhìn nhau, nên tình yêu không đến. Người ta quá bận rộn vì cuộc sống ngày càng vội vã. Đi làm, đi học, đi lễ hay về nhà là chạy theo thời gian không cần quan tâm đến ai nên không có thời giờ nhìn, hỏi han, trò truyện, thông cảm. Và vì bận rộn nên nhiều lần ta lẩn tránh không muốn nhìn những thảm cảnh chung quanh hay ngay trước mắt ta và dần dà trở nên vô cảm.

Trái tim Chúa Giêsu thì khác, Ngài luôn thao thức về con người, luôn rộng mở đón nhận con người, nên dễ chạnh lòng thương trước cảnh bơ vơ, khốn cùng của con người. Tình thương của Chúa Giêsu không phải là thứ tình mơ mộng viển vông, than mây khóc gió, nhưng là một tình thương mãnh liệt dẫn đến những hành động cụ thể. Khi nhìn thấy đám đông tất tưởi, bệnh tật, đói khát, Người lập tức an ủi, chữa lành, nuôi dưỡng. Việc Người an ủi, chữa lành, nuôi dưỡng đám đông không chỉ là những hoạt động do cảm tính nhất thời, nhưng là cả một kế hoạch rộng lớn, lâu dài. Chính vì thế, Người đã chọn mười hai Tông đồ, huấn luyện, sai họ đi nối tiếp sứ mệnh của Người: Hãy có một ánh mắt cứu độ như Ngài

Vì vậy, là người môn đệ Chúa Giêsu, trước hết hãy biết nhìn người khác bằng ánh mắt cảm thông. Ở Việt Nam phong trào đô thị hoá ngày càng mạnh. Các thành phố ngày càng phình ra vì dân cư từ quê đổ ra tỉnh tìm đường làm ăn sinh sống. Thành phố trở nên đông đúc chật chội. Người sống trong thành phố đang trở thành những con số vô danh, chìm mất giữa đám đông vội vã. Không ai biết ai. Không ai nhìn ai. Không ai quan tâm tới ai. Vì ai cũng bận lo cho bản thân mình. Chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu hãy nhìn các đám đông trong chợ búa, những khu ổ chuột, các trường học, các công ty xí nghiệp đầy dẫy các con chiên bơ vơ đau khổ. Hãy quan sát đám đông trong các vùng sâu vùng xa, các đám đông bạn trẻ ăn chơi sa đọa, bỏ nhà đi hoang…. Hãy nhìn biết bao tâm hồn hay trái tim cô đơn, tna nát, buồn khổ hay thất vọng vì thiếu nhà cửa, thiếu công ăn việc làm, thiếu tình thương… Hãy nhìn biết bao thể xác đang bị bệnh tật bào mòn và khuyết tật. Hãy nhìn và hãy cảm thông như Chúa Giêsu nhìn đám đông và cảm thương họ để rồi sẵn ràng ra đi đỡ nâng, an ui, chăm sóc và chia sẻ tinh thần vật chất để họ được bình an, hạnh phúc mà vui sống.

Là môn đệ Chúa sai đi thứ đến chúng ta hãy có một trái tim biết cảm thương như Chúa. Đời sống ngày càng vất vả. Nhu cầu ngày càng nhiều. Vì thế con người ngày càng ích kỷ, chỉ lo cho bản thân hoặc gia đình mình. Chính vì thế trái tim thường dễ khép lại, trở thành lạnh lùng, xơ cứng. Khi trái tim xơ cứng, ta không thể đọc được những thông tin từ ánh mắt đem lại. Và con đường từ ánh mắt đến trái tim trở thành muôn trùng diệu vợi. Hãy mở lòng ra. Hãy biết rung động. Hãy để lòng mình thổn thức nỗi đau của người. Hãy biết khóc thương những số phận hẩm hiu. Hãy âu lo cho những cuộc đời bế tắc. Hãy để cho niềm cảm thương dâng tràn trái tim như trái tim Chúa Giêsu để rồi sẵn sàng ra khỏi tính ích kỷ của mình sẵn sàng phục vụ tha nhân hết tình và hết mình.

Vâng, Đức Chúa Cha, vì cảm thương thân phận tội lỗi đau khổ của loài người đã sai Chúa Giêsu xuống trần gian. Chúa Giêsu, vì cảm thương đám đông tất tưởi, bơ vơ, đã sai các môn đệ ra đi, tiếp tục sứ mệnh gieo rắc tình thương khắp nơi. Việc truyền giáo như thế là kết quả của lòng thương yêu vô biên của Thiên Chúa. Tình yêu thương khởi đầu nơi trái tim Thiên Chúa phải được tiếp nối, đẩy mạnh, nhân rộng trong cuộc đời. Vì thế người làm nhiệm vụ truyền giáo không bắt đầu bằng rao giảng, cũng không bắt đầu bằng cử hành bí tích mà phải bắt đầu bằng yêu thương. Cứ yêu thương rồi tình yêu sẽ hướng dẫn ta biết phải làm gì. Tất cả chúng ta là những người con của Chúa. Tất cả chúng ta được Chúa mời gọi làm nhân chứng cho Chúa.

Thế giời hôm nay không thiếu những bài diễn văn hùng hồn và nảy lửa. Thế nhưng những bài diễn văn ấy là như tiếng nhạc chúng ta nghe thoảng ngoài tai, nhưng không đủ sức thúc đẩy chúng ta hành động. Thế giới hôm nay không thiếu những nhà hùng biện tài ba, nhưng thiếu rất nhiều nhưng người làm gương sáng. Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin Chúa ban cho mỗi người ơn hiểu biết để học và làm theo gương của chúa Giêsu biết nhìn người khác với ánh mắt cảm thông, biết cảm thương những con người đau khổ qua những hạnh động bác ái cụ thể trong cuộc sống. Như thế chúng ta xứng đáng là môn đệ Chúa Giêsu và truyền giáo hữu hiệu bằng chính gương tốt của chúng ta.

Lạy trái tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường, xin uốn lòng con nên giống trái tim Chúa. Amen.

 

SUY NIỆM III

THỢ GẶT LẠI ÍT

(Hội An 18/6/2023)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

            “Thấy đám đông, Chúa Giê-su chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ Chúa nói với các môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít.” Một thắc mắc nảy sinh: chương 8 của Tin Mừng theo thánh Matthêu cho biết, có đám đông lũ lượt đi theo Chúa Giê-su (x. Mt 8,1), vậy tại sao chỉ mới qua chương 9, Chúa Giê-su lại nói ngay đến thực trạng đám đông không có người chăn dắt, thiếu người truyền giáo trong cánh đồng truyền giáo? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần nghĩ đến tình trạng của đám đông và tình trạng của đám đông được gọi truyền giáo.

  1. Cánh đồng đang chờ thợ gặt

            Đối với Chúa Giê-su, mối lưu tâm đến đám đông hay đến cánh đồng lúa chín như cách nói của Ngài rất quan trọng. Chúa Giê-su bày tỏ mối quan tâm của Thiên Chúa trong chính mối quan tâm của Ngài đối với đám đông. Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con người, dù con người có tìm cách lẩn trốn trong bụi rậm như thuở A-đam trong vườn địa đàng. Thiên Chúa thấy tình trạng của con người và tìm cách cứu lấy con người. Tin Mừng cho biết, “Chúa Giê-su chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.” Chúa không nhìn đám đông như tập hợp những con số, mà nhìn thấy từng con người, từng thân phận và nhất là tình trạng thiếu người chăn dắt họ vào nẻo chính đường ngay. Có lưu tâm đến, mới thấy tình trạng và nhu cầu cấp thiết của đám đông về Tin Mừng cứu độ. Chúa Giê-su từng nhắc các môn đệ về mối bận tâm này: “Thầy bảo anh em: Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái!” (Ga 4,35).

            Trước nhu cầu thánh thiện của đám đông, Chúa Giê-su kêu gọi các môn đệ hãy xem mình như người thợ gặt tận tâm trước cánh đồng lúa chín. Đám đông đang cần nghe lời Chúa chẳng khác gì đồng lúa đã chín vàng cần thu hoạch gấp. Họ cần những môn đệ Chúa đến nói cho họ nghe lời cứu độ của Chúa. Họ cần sự hăm hở truyền giáo của các Ki-tô hữu, vì họ có quyền đòi hỏi như thế. Như người nông phu từng giờ nóng lòng thu hoạch hoa màu trước cánh đồng lúa chín, càng gấp rút hơn nữa trước cơn mưa bão sắp đến đe dọa cánh đồng chín rộ, Ki-tô hữu được Chúa Giê-su mong mỏi biết “chạnh lòng thương” trước đám đông chưa biết Chúa và thường trực trong con người mình sự vội vã của người tông đồ trước sứ vụ truyền giáo.

            Vậy, đám đông Chúa nhìn thấy và muốn chúng ta “chạnh lòng thương” đó là ai? Chúng ta than phiền nhiều người trong thời đại này lãng quên Thiên Chúa. Ai là người lãng quên Thiên Chúa? Chúng ta lo lắng khi chứng kiến nhiều người rơi vào trào lưu tục hóa, tự mãn với của cải và chức quyền mà không còn lòng kính thờ Thiên Chúa và yêu thương người nghèo. Ai là tín đồ của trào lưu tục hóa? Chúng ta hãi sợ trước tình trạng con người ngày nay như A-đam xưa khước từ Thiên Chúa, như dân Israel xưa tự tạo thiên chúa riêng cho mình. Con người ngày nay cho mình có quyền trên sự sống của người khác, cho mình quyền chọn giới tính là nam hay nữ như thể mình là Đấng tạo hóa, cho mình quyền quyết định mọi sự theo ý mình mà không phải đối chiếu với Thiên Chúa. Đám đông đó là ai vậy? Họ không đâu xa, đôi khi ở ngay trong nhà, ở bên cạnh chúng ta. Họ chính là đồng lúa chín vàng Chúa Giê-su nói đến, họ là đám đông đang không người chăn dắt, là mối “chạnh lòng thương” của Chúa Giê-su . Họ là những người Chúa kêu gọi chúng ta lưu tâm truyền giáo.

  1. Thợ gặt lại ít

            Vậy, tại sao thiếu thợ gặt? Tại sao thiếu người chăn dắt họ? Tại sao thiếu người truyền giáo? Trong lúc có cả “một đám đông lũ lượt đi theo Chúa”, có cả hơn 6 triệu người theo Chúa tại Việt Nam, có hơn 73 nghìn tín hữu tại giáo phận Đà Nẵng, hơn 100 linh mục, vài trăm tu sĩ và rất nhiều đoàn thể tại giáo phận này, tại sao lại thiếu người truyền giáo?

            Tuy số người đã lãnh bí tích Rửa Tội rất đông, tất cả họ được sai đi truyền giáo nhưng lại thiếu người truyền giáo, vì ít là những lý do sau:

            – Quá ít người dám vui vẻ trả lời với Chúa như Isaia: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8). Nhiều người trong đám đông theo Chúa không ý thức mình là người được Chúa ủy thác sứ mạng truyền giáo, nên nghĩ rằng đó là bổn phận của ai khác, chứ không là của tôi, vì thế họ như người ngồi khoanh tay trong lúc anh chị em mình đang phải chiến đấu. Những lúc ấy chúng ta như người con thứ hai trong dụ ngôn hai người con được sai đi làm vườn nho, đã trả lời “vâng, thưa cha con đi” nhưng lại không đi! Chúng ta hãy nhớ lại ơn gọi của mỗi chúng ta và lời Chúa hỏi: “Ta sẽ sai ai đây?” Ước gì chúng ta mau mắn thưa “Dạ, con đây, xin sai con đi” và lao vào cánh đồng truyền giáo.

            – Quá ít người lưu tâm đến cánh đồng truyền giáo, ít người quý trọng các linh hồn, nên không cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo. Có bao giờ chúng ta cầu nguyện cho chúng ta, cho người trong nhà và mọi Ki-tô hữu hăng say truyền giáo chưa? Có bao giờ chúng ta để tâm cầu nguyện cho những người xa Chúa hay chưa biết Chúa chưa? Nếu chưa, thì rất dễ hiểu lý do thiếu thợ gặt, dù có đông Ki-tô hữu. Vậy, hãy nghe lời Chúa bảo” “Hãy xin Chủ ruộng sai thợ gặt đến,” mà cầu nguyện cho mọi Ki-tô hữu sống vai trò thừa sai của mình. Chúa muốn Ki-tô hữu truyền giáo trước khi mọi sự đã trễ. Chúa cho chúng ta bắt đầu lại, nhưng không cho phép chúng ta trễ nải, vì trễ nải là đáng trách.

            – Quá ít người có niềm vui sống với Chúa Giê-su Thánh Thể, với lời Chúa và vui lòng để Chúa Thánh Thần làm cho đời mình khởi sắc, nên chúng ta tính toán thời giờ và công việc tôi phục vụ được hưởng thù lao bao nhiêu, thay vì vui mừng reo lên như thánh Phaolô: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng.”

            Xin Chúa chiếm lấy tâm hồn chúng con ngay từ bây giờ, để lúc này lòng chúng con hăm hở với công cuộc truyền giáo.