Chúa Nhật XI Thường Niên – Năm B


Chúa Nhật XI Thường Niên – Năm B

17-6-2018

Tông Huấn

NIỀM VUI YÊU THƯƠNG

Con Cái Bạn Như Những Chồi Ô-liu

Số 14

Chúng ta hãy quay lại với tác giả Thánh Vịnh. Trong mái nhà ấy, nơi mà chồng và vợ đang ngồi tại bàn ăn, con cái xuất hiện bên cạnh họ “như những chồi ô-liu” (Tv 128,3), nghĩa là, với tràn đầy sinh lực. Nếu cha mẹ theo nghĩa nào đó, là nền móng của ngôi nhà, thì con cái được ví như những “viên đá sống động” của gia đình (x. 1Pr 2,5). Thật ý nghĩa, trong Cựu Ước từ ngữ thường xuyên xuất hiện nhất sau tên Thiên Chúa, đó là từ “con” (ben,”con trai”), vốn có liên hệ với động từ “xây dựng” (banah). Như vậy, khi nói về quà tặng con cái, Thánh Vịnh 128 xử dụng hình ảnh rút từ việc xây dựng một ngôi nhà và đời sống xã hội tại các thành phố : “Nếu như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công… Này con cái là hồng ân của Chúa, con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban. Bầy con sinh hạ thời son trẻ, tựa nắm tên người dũng sĩ cầm tay. Hạnh phúc thay người nào đeo ống đầy loại tên như thế ! Họ sẽ không nhục nhã khi phải đến cứa công tranh tụng với địch thù” (Tv 127,1.3-5). Những hình ảnh này phản ảnh nền văn hóa của một xã hội cổ xưa, tuy nhiên sự hiện diện của con cái là một dấu hiệu thường tồn của gia đình xuyên suốt lịch sử cứu độ, từ thế hệ này sang thế hệ khác

————————-

CN.11.B

(Ed 17,22-24; 2Cr 5,6-10; Mc 4,26-34)

Gia đình là hình ảnh của Hội Thánh. Đức Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II gọi gia đình là “Hội Thánh tại gia”. “Con cái là hồng ân của Chúa, con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban” (Tv 127,3) thì con cái Hội Thánh cũng là “phần thưởng Chúa ban”.

Đọc đoạn văn của linh mục Đoàn Trung Hiệu viết về Giáo Hội Việt Nam thời khởi đầu, chúng ta phải cảm nhận sự sống, sự phát triển của Giáo Hội là “phần thưởng Chúa ban :

“Việc các linh mục dòng Tên, dưới sự điều hành của linh mục Buzomi đến Cửa Hàn, Quảng Nam, năm 1615, đã khai mở một giai đoạn mới trong lịch sử truyền giáo. Thừa hưởng kinh nghiệm “hội nhập văn hoá” của các linh mục Mattêô Ricci tại Trung Hoa và Valignanô tại Nhật Bản, các vị quan tâm đặc biệt đến việc học ngôn ngữ, phong tục dân Việt, và giảng đạo bằng tiếng Việt. Thế là chỉ trong vài chục năm, Tin Mừng đã đi vào văn hoá Việt Nam. Các tín hữu Việt Nam tiên khởi đã đóng góp vai trò rất lớn lao trong công trình ấy. Ngoài việc giúp các thừa sai học tiếng, các vị còn phiên dịch kinh sách và giáo lí ra chữ Nôm để phổ biến. Sử sách còn nhắc đến cụ Nghè Giuse, sư cụ Manuel giúp linh mục Pina ở Quảng Nam, đến cụ Gioakim giúp linh mục Đắc Lộ ở An Vực, Thanh Hoá, hoặc sư cụ chùa Phao, tác giả kinh “Phục rĩ chí tôn” và những vần thơ của công chúa Catarina, viết về “lịch sử đạo Thiên Chúa từ tạo thiên lập địa đến khi Chúa xuống thế … “.  Thơ vãn đó được các người có đạo truyền tụng nhau, họ ngâm lên lúc làm việc ở nhà, ở ngoài đồng hay lúc đi đường”. Phần lớn những vãn dâng hoa cổ, cung giọng kinh sách, và ngắm “15 sự thương khó” hiện nay, đã xuất phát từ giai đoạn này. Tuy người ta quan tâm nhiều hơn đến việc hình thành, nhưng chữ quốc ngữ trong giai đoạn này đã tương đối ổn định khi linh mục Đắc Lộ cho xuất bản tại Roma cuốn tự điển Việt-Bồ-La năm 1651, cùng với sách “Văn phạm An Nam” và sách song ngữ Việt-La, “Phép giảng tám ngày”. Cũng đừng quên những đóng góp cho nền văn học chữ Nôm qua các tác phẩm tôn giáo : như thừa sai Majorica với 48 tác phẩm về suy niệm và truyện các thánh ; như một giáo hữu Quảng Ngãi là Gioan Thanh Minh với 15 thi phẩm về tiểu sử các Thánh ; và nhất là linh mục Lu-y Đoan (con của ông An-rê ở Thanh Chiêm) với tập thơ lục bát “Sấm truyền ca” vào năm 1670, viết lại truyện Cựu Ước, với nhiều điển tích và thành ngữ Á Đông. Cộng tác với thừa sai, còn có một đội ngũ đông đảo các tín hữu Việt Nam, hiến toàn thân cho việc tông đồ, đó là các thầy giảng. Các thầy tuyên khấn độc thân, để tài sản chung và vâng lời thầy bề trên. Lớp thầy giảng đầu tiên tại Kẻ Chợ, Hà Nội năm 1630 ; lớp thứ hai tại Cửa Hàn, Quảng Nam năm 1643. Các thầy giảng hỗ trợ các thừa sai trong việc giảng dạy giáo lí, và khi các ngài bị trục xuất hoặc vắng mặt, các thầy điều hành và duy trì các cộng đoàn Dân Chúa. Những chứng nhân đức tin đầu tiên : – Tại Đàng Ngoài : năm 1630, anh Phanxicô, dù bị chủ là một hoàng thân cấm đoán, vẫn tiếp tục chôn xác người chết, nên bị giam, tra tấn và bị giết. – Tại Đàng Trong : năm 1644, thầy Anrê Phú Yên bị bắt tại nhà linh mục Đắc Lộ. Dù bị quan quân đe doạ, thầy không bỏ đạo, nên bị chém đầu, trên môi còn mấp máy tuyên xưng Danh Đức Giêsu. Nói về tín hữu Việt Nam thời này, cha Đắc Lộ viết : “… Điều làm tôi cảm động hơn hết là thấy ở xứ đó, bao nhiêu người Công giáo là bấy nhiêu Thiên Thần, và ơn phép Rửa đã ban cho họ một tinh thần mà chúng ta gặp thấy ở các Tông Đồ và các thánh Tử Đạo tiên khởi ….”

Đọc đoạn văn trên, lòng chúng ta chẳng sung sướng cảm nhận đó là hoa trái Chúa ban cho Giáo Hội Việt Nam, giống như “hạt cải” phát triển trong dụ ngôn Bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay.

Ông William Barclay viết về “hạt cải” trong tập sách “The Gospel Of Mark”  như sau : “Tại Palestine, hạt cải  thường tiêu biểu cho một vật nhỏ nhất. Chẳng hạn “đức tin bằng hạt cải” có nghĩa là “đức tin nhỏ nhất”. Tại xứ Palestine, hạt cải nhỏ đó thật ra cũng mọc lên thành một cây to. Một du khách đến Palestine cho biết ông đã thấy một cây cải cao vượt hẳn đầu một người đang cỡi trên lưng ngựa. Chim chóc rất thích thứ hạt mầu đen của cây ấy và cả bầy chim đông đảo quây quần quanh một cây cải như thế là chuyện rất thường”.

“Cách thông thường nhất để mô tả một đế quốc rộng lớn là so sánh nó với cây cổ thụ, còn các nước chư hầu của nó thì ví như bầy chim ẩn dưới bóng của cành lá nó (Ed 17,22…; 31,1-4. 20-21). Cho nên hình ảnh một cây cổ thụ có chim đến núp trong cành lá, tiêu biểu cho một đại cường quốc và các nước họp thành vương quốc ấy… Trong Hội Thánh của Chúa không có bức tường ngăn cách nào cả, loài người dựng nên các hàng rào, nhưng trong Chúa Cứu Thế đã phá đổ triệt hạ rồi” (Lm Dương Đình Tảo chuyển ngữ, trang 101-102).

Cha Nuyễn Công Đoan viết : “Nước Thiên Chúa khởi đầu với Đức Giê-su Ki-tô không những sẽ mọc lên mà còn trở thành cây lớn hơn mọi thứ rau cỏ, chim trời có thể làm tổ dưới bóng” (Tin Mừng Mác-cô, trang 82).

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành