Chúa Nhật XI Thường Niên – Năm C


CN.11.C
(2Sm 12,7-10.13; Gl 2,16.19-2; Lc 7,36-8,3)
12-6-20016

Sách bài giảng “Day of The Lord” của Gregory La Nave và Donald Molly (bản Anh ngữ), Chúa nhật 10.C, trang 76 viết : “Tâm điểm của sách Tin Mừng và niềm tin là sự sống lại của kẻ chết và sự tha thứ tội lỗi”.
Vì thế Chúa nhật 10 BTM kể phép lạ Chúa Giê-su làm cho con trai bà góa thành Na-im sống lại (Lc 7,11-17); BTM Chúa nhật 11 hôm nay kể Chúa tha thứ cho một phụ nữ tội lỗi trong thành (Lc 7,36-8,3).
Đọc truyện Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, các ngài sẵn sàng chết vì tin vào sự sống lại và siêng năng xưng tội để được tha thứ.
Cha Bùi Đức Sinh kể về cuộc đời thánh Anrê Trần Văn Trông như sau : Ngài là người giáo dân xứ Kim Long, Huế, là con trai duy nhất. 15 tuổi bố mất. Mẹ góa con côi. Ngài tới xứ Thợ Đúc dệt tơ cho hoàng gia kiếm tiền nuôi mẹ. Tiền công dệt tơ không đủ, 5 năm sau, 20 tuổi, ngài xin nhập ngũ.
Tháng 11-1834, triều đình ra lệnh cấm đạo, bắt các binh sĩ Công giáo ra trình diện. 13 binh sĩ Công giáo trình diện. Trước những hình phạt dã man, 12 binh sĩ đầu hàng chối đạo, chỉ còn thánh Anrê Trần Văn Trông.
Nghe tin cha Ngôn hoạt động âm thầm trên sông Hương, ngài xin phép về thăm mẹ. Nhà giam cho phép, nhưng có lính đi theo canh giữ. Ngài lấy lòng anh lính, và chèo thuyền trên sông Hương gặp cha Ngôn xưng tội. Xưng xong, ngài về thăm mẹ, ngủ đêm cuối cùng với mẹ, để sáng hôm sau ra pháp trường An Hòa chịu chém đầu.
Mẹ ngài theo sau mà ngài không biết. Chú lính chém xong, cầm đầu ngài giơ cao. Mẹ ngài chạy vào hô : “Đó là đầu con tôi, trả cho tôi”. Rồi bà mở rộng vạt áo dài xin chú lính bỏ đầu ngài vào. Mẹ ngài ôm đầu ngài khóc và nói : “Ôi con yêu quí của mẹ, con nhớ cầu nguyện cho mẹ nhé !”.

Các thánh là những người biết tội mình và xin Chúa tha thứ. Lời Chúa trong ba bài đọc thánh lễ hôm nay chúng ta thấy Chúa rộng lòng thương xót và tha thứ tội lỗi cho con người biết là dường nào.

Bđ1 : Sách Sa-mu-en trong bđ1 kể tội tầy trời của vua Đa-vít : “Ngươi đã dùng gươm đâm U-ri-gia, người Khết; vợ y, ngươi đã cướp làm vợ ngươi” (2Sm 12,9). Vua Đa-vít nói với ông Na-than : “Tôi đắc tội với Đức Chúa”. Ông Na-than nói với vua Đa-vít : “Về phía Đức Chúa, Người đã bỏ qua tội ngài : ngài sẽ không phải chết” (2Sm 12,13).
BTM : Thánh Lu-ca kể trong BTM : “Ông Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su dùng bữa với mình…Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết Người đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên. Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu nghĩ bụng : ‘Nếu quả thật, nếu ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi” (Lc 7,38-39).
Chúa Giê-su nói với ông Pha-ri-sêu : “Ông thấy người phụ nữ này chứ ? Tôi vào nhà ông : nước lã ông cũng không đổ lên chân tôi; còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô-liu ông cũng chẳng đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay : tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít” (Lc7,44-47).
Bđ2 : Trong thư Ga-lát, bđ2, thánh Phaolô xác quyết : chúng ta nên thánh thiện, nhờ công ơn của Chúa Giê-su, chứ không phải nhờ công trạng của chúng ta. Ngài viết : “Chúng ta biết rằng con người được nên công chính, không phải nhờ làm những gì Luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Giê-su Ki-tô” (Gl 2,16).

Qua ngôn sứ Ê-dê-ki-en, Thiên Chúa phán : “Chẳng lẽ Ta lại vui thích, vì kẻ gian ác phải chết. Ta lại không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó mà được sống sao ?” (Ed 18,23).
Qua thánh Lu-ca, Chúa Giê-su phán : “Vậy, tôi nói cho các ông hay : trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải ăn năn sám hối” (Lc 15,7).

Lòng Chúa thương xót và tha thứ người tội lỗi nói sao cho xiết !

——————————

CN.11.C
13-6-2010

Chúng ta đang sống trong tháng Trái Tim Chúa Giêsu. Trái tim là biểu tượng của tình yêu. Trái tim con người phàm hèn mà còn là biểu tượng của tình yêu, thì huống hồ là Trái Tim của Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu đã cho thánh nữ Magarita Maria ba lần nhìn thấy Trái Tim Chúa.
Lần thứ nhất vào ngày 27-12-1673, Chúa nói : “Trái Tim Cha yêu thương loài người say đắm đến nỗi không thể giữ lại trong Trái Tim Cha những ngọn lửa yêu thương nồng cháy”.
Lần thứ hai vào ngày thứ sáu đầu tháng 6 năm 1674. Chúa nói : “Nếu loài người đáp lại tình thương của Cha, Cha sẽ được an ủi đôi chút, vì tất cả những gì Cha đã làm cho họ. Được vậy, Cha sẵn sàng chịu đau khổ nữa cũng được. Trái lại, loài người chỉ đáp lại tình thương nồng cháy của Cha bằng sự lạnh nhạt và từ khước”.
Lần thứ ba vào ngày 16-6-1675. Chúa nói : “Đây là Trái Tim Cha yêu thương loài người không dành lại một sự gì, đến nỗi bị thiêu đốt. Thế mà Cha chỉ nhận được phần lớn sự vô ơn, bất kính, phạm thánh”.
Hôm nay là ngày 13-6, ngày Đức Mẹ hiện ra ở Fatima lần thứ hai. Lần này đông tới 5 ngàn người đi theo Ba Em ra cây sồi. Đức Mẹ cho Ba Em thấy hoả ngục. Chị Luxia kể : “…Bà Đẹp mở đôi tay. Tia sáng từ đôi tay xuyên thủng xuống mặt đất. Chúng tôi trông thấy một đại dương toàn là lửa. Chìm trong biển lửa là ma qủi và những người bị đày xuống hoả ngục.. Họ như những cục than đỏ…Họ la hét rên rỉ vì đau đớn và tuyệt vọng…Còn ma quỉ mang những hình thù quái vật khủng khiếp gớm ghiếc…”
Đức Mẹ bảo : khi lần chuỗi, xong một chục hạt, thì đọc kinh “Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa tha tội chúng con, xin gìn giữ chúng con khỏi lửa hoả ngục…”
Trái tim Chúa và Đức Mẹ đều nói đến tội lỗi loài người. Thế nhưng, Chúa và Đức Mẹ đều yêu thương, và mong muốn loài người ăn năn sửa mình, để được tha thứ.

Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay cũng đề cập đến lòng Chúa thương yêu và tha thứ.
Bđ1 : Bđ1 kể chuyện vua Đavít. Vì muốn lấy bà Bát-sê-va, vua Đavít đã giết ông U-ri-gia, chồng bà. Biết mình phạm tội tầy đình, vua đã ăn năn khóc lóc và Chúa đã tha thứ.
Bài TM : Bài TM kể lại Chúa tiếp đón người phụ nữ tội lỗi. Cô đã khóc. Nước mắt của cô tưới chân Chúa. Rồi cô lấy dầu thơm đổ lên chân Chúa. Thấy vậy, một nhà lãnh đạo Do Thái trách Chúa sao không đuổi cô đi. Chúa nói với ông : “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai yêu mến ít thì được tha ít” (Lc 7,47).
Bđ2 : Bđ2 thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Galát rằng: Thiên Chúa yêu mến loài người chỉ vì TC yêu loài người; chứ không phải vì loài người làm được việc này việc khác.

Mỗi lần đi dâng lễ về, ước chi chúng ta nhận ra tội lỗi của chúng ta; đồng thời chúng ta cũng cảm nhận được lòng Chúa thương.

————————————-

CN.11.C
17-6-2007

Chúng ta đang sống trong tháng Trái Tim Chúa. Nhất là thứ sáu vừa qua là lễ Thánh Tâm Chúa. Trong bầu khí yêu thương nhân từ như thế, thánh lễ hôm nay được đọc bài Tin Mừng đầy lòng xót thương thật là tuyệt vời.

Câu chuyện bài TM Chúa Giêsu kể về hai nhân vật : ông Simon, người Pharisêu, người mời Chúa dự tiệc và chị phụ nữ tội lỗi.
Phái Pharisêu là một phái đạo đức. Thế kỷ II tCN đạo Do Thái bị các đạo ngọai giáo lây nhiễm. Những người Pharisêu chẳng những bảo vệ nền đạo đức của đạo Do Thái, mà còn chăm chú học hỏi Kinh Thánh. Chính vì thế, người Pharisêu được tòan dân Do Thái kính trọng.
Đối lại với ông Simon đạo đức là chị phụ nữ tội lỗi. Thánh Luca không cho biết chị phạm tội gì. Chị là gái điếm, hay phạm tội ngọai tình hay là lấy chồng bất hợp pháp. Thánh Luca không cho biết, chỉ cho biết chị là : “Một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành” (7,37).

Trước hết xét về mặt học thức, ông Simôn là người có học, song lại cư xử thiếu lịch sự. Theo phong tục Do Thái, ít ra có ba tập tục sau đây :

1/ Khi khách tới nhà, chủ sai đầy tớ rửa chân cho khách.
2/ Chủ đặt tay lên vai khách hôn chào bình an.
3/ Chủ đổ một vài giọt dầu thơm lên đầu khách.
Trong khi đó chị phụ nữ thiếu học lại cư xử lịch sự với Chúa, như Chúa nói với ông Simon :
1/ “Tôi vào nhà ông, nước lã ông cũng không đổ lên chân tôi; còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau” (7,44).
2/ “Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi” (7,45).
3/ “Dầu ô-liu ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi” (7,46).

Thứ đến xét về mặt đạo đức, ông Simôn được kính trọng là đạo đức, mà lại không đạo đức bằng chị phụ nữ tội lỗi :

1/ Chị bày tỏ hối hận yêu thương Chúa; trong khi ông Simôn kêu ngạo không nhận ra tội lỗi của mình.
2/ Chị cho Chúa tất cả; còn ông Simôn chắt chiu với Chúa.
3/ Chị không cần gì hết ngọai trừ Chúa yêu thương tha thứ cho chị; còn ông Simôn chẳng cần Chúa yêu thương, tha thứ.
4/ Chị cần Chúa, nên đi tìm Chúa; còn ông Simôn không cần, nên không đi tìm Chúa.
Chúa Giêsu không có ý so sánh tư cách hay lòng đạo đức của ông Simôn và chị phụ nữ tội lỗi; mà nhân câu chuyện Chúa muốn dạy con người hãy biết sống nhân từ và tha thứ. Chúa nói với ông Simôn : “Một chủ nợ kia có hai con nợ : một người nợ 500 quan tiền, một người 5 chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn ? Ông Simôn đáp : Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn” (7,41-43).

Trong thế chiến thứ hai, khi nước Nhật đầu hàng, thay vì trả thù tàn phá, tướng Mac Arthur của Hoa Kỳ đã tái thiết lại nước Nhật, khiến nước Nhật trở nên hùng mạnh hơn trước. Ông qua đời ngày 5-4-1964. Chúc thư ông để lại có đọan sau đây : “Tôi là một chiến binh chuyên nghiệp. Và tôi rất hãnh diện về điều ấy; nhưng tôi còn vô cùng hãnh diện hơn vì được làm một ông bố. Tôi hy vọng rằng một mai khi tôi qua đời, đứa con trai của tôi sẽ không nhớ đến tôi như một chiến binh lúc nào cũng ở trận địa, mà là một ông bố hiện diện trong nhà đang cùng con đọc lời kinh nguyện đơn sơ hằng ngày : ‘Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng…Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con…”

Lòng tha thứ cao qúi biết bao !
Xin Chúa giúp trái tim chúng ta cũng biết tha thứ như trái tim của Chúa.

Linh mục Nguyễn Trung Thành