Chúa Nhật XII Thường Niên A
CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN NĂM A
25/6/2023
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Ái Nghĩa
GIÁO HUẤN SỐ 31
HAI KẺ THÙ TINH VI CỦA SỰ THÁNH THIỆN
Ngộ Đạo Thuyết Hiện đại (tt)
Chúng ta cũng không thể cho rằng mình biết Thiên Chúa không ở đâu, bởi vì Thiên Chúa hiện diện một cách mầu nhiệm trong đời sống của mọi người, theo cách thế mà chính Ngài chọn lựa, và chúng ta không thể loại bỏ điều này bằng những sự chắc chắn được giả định của chúng ta. Ngay cả khi đời sống của ai đó có vẻ hoàn toàn hư hỏng, ngay cả khi chúng ta thấy nó bị hủy hoại bởi những đồi bại hay nghiện ngập, thì Thiên Chúa vẫn hiện diện ở đó. Nếu chúng ta muốn được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, chứ không phải bởi những định kiến của mình, thì chúng ta có thể và phải cố gắng tìm thấy Chúa trong mọi đời sống con người. Đây là một phần của mầu nhiệm mà một não trạng ngộ đạo không hề chấp nhận, vì nó vượt quá sự kiểm soát của não trạng đó (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 42).
LỜI CHÚA
Bài đọc I: Gr 20, 10-13
“Người đã cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ”.
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Ta đã nghe nhiều người thoá mạ và chế nhạo rằng: “Người này gieo khủng bố khắp nơi: Hãy tố cáo nó, chúng ta hãy tố cáo nó”. Tất cả bạn hữu tôi rình tôi vấp ngã mà nói rằng: “Ước gì nó bị lừa dối để chúng ta thắng nó và sẽ trả thù nó”. Nhưng Chúa ở cùng tôi như người lính chiến hùng dũng; vì thế, những kẻ bắt bớ tôi sẽ ngã quỵ và kiệt sức: Chúng sẽ thất bại bẽ bàng, chuốc lấy sự hổ nhục muôn đời, không bao giờ quên được. Còn Chúa, lạy Chúa các đạo binh, Ðấng xét xử người công chính, thấu suốt tâm can, lạy Chúa, ước gì con sẽ được thấy Chúa trả thù nó cho con, vì con đã tỏ bày công việc con cho Chúa. Hãy hát mừng Chúa, hãy ca tụng Chúa, vì Người đã cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ.
Ðó là lời Chúa.
Đáp Ca: Tv 68, 8-10. 14 và 17. 33-35
Ðáp: Lạy Chúa, xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi (c. 14c).
Xướng: Sở dĩ vì Chúa mà con chịu nhục, và thẹn thò làm nhơ nhuốc mặt con. Con bị những người anh em coi như khách lạ, bị những người cùng con một mẹ xem như kẻ ngoại lai. Sự nhiệt tâm lo việc nhà Chúa khiến con mòn mỏi, điều tủi nhục người ta nhục mạ Chúa đổ trên mình con. – Ðáp.
Xướng: Nhưng, lạy Chúa, con dâng lời nguyện cầu lên Chúa, ôi Thiên Chúa, đây là lúc biểu lộ tình thương. Xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi, theo ơn phù trợ trung thành của Chúa. Lạy Chúa, xin nhậm lời con vì lòng khoan nhân trắc ẩn, theo lượng cả đức từ bi xin nhìn đến tấm thân con. – Ðáp.
Xướng: Các bạn khiêm cung, hãy nhìn coi và hoan hỉ, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh: vì Chúa nghe những người cơ khổ, và không chê bỏ con dân Người bị bắt cầm tù. Hãy ngợi khen Chúa, hỡi trời và đất, biển khơi và muôn vật sống động bên trong. – Ðáp.
Bài Ðọc II: Rm 5, 12-15
“Không phải như tội phạm thế nào, thì ơn ban cũng thế ấy đâu”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, cũng như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi mà có sự chết, và thế là sự chết đã truyền tới mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội. Trước khi có lề luật, đã có tội trên thế gian; nhưng tội không bị bắt lỗi, khi không có lề luật. Nhưng từ Ađam cho đến Môsê, sự chết ngự trị cả trên những kẻ không phạm tội giống như sự lỗi phạm của Ađam, hình ảnh của người đến sau.
Nhưng không phải như tội phạm thế nào, thì ơn ban cũng thế ấy đâu, vì nếu do tội của một người mà nhiều người phải chết, thì ơn nghĩa của Thiên Chúa và ân huệ ban do ơn một người là Ðức Giêsu Kitô, làm cho nhiều người được ơn dư đầy hơn bội phần.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 17, 17b và a
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật”. – Alleluia.
Phúc Âm: Mt 10, 26-33
“Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con đừng sợ những người đó, vì không có gì che giấu mà không bị thố lộ; và không có gì kín nhiệm mà không hề hay biết. Ðiều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà.
“Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn: Các con hãy sợ Ðấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục. Nào người ta không bán hai chim sẻ với một đồng tiền đó sao? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần.
“Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ chối nó trước mặt Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời”.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM I
Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành.
Công chúa Ngọc Liên
Cha Nguyễn Văn Trinh viết: “Theo sử liệu năm 1629, chúa Nguyễn cử phó tướng Nguyễn Phúc Vinh làm trấn thủ Trấn Biên. Và ông làm trấn thủ đến năm 1641. Theo sử liệu, chúa Nguyễn Phúc Nguyên có 4 người con gái:
- Ngọc Liên là vợ Nguyễn Phúc Vinh.
- Ngọc Vạn gả cho vua Chân Lạp (Chetta)
- Ngọc Khoa: theo cha Đỗ Quang Chính, bà là vợ Nhật kiều Starô, cũng gọi là Nguyễn Taro, hiệu Hiếu Hùng (Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt trang 73). Theo Thái Văn Kiểm và Phạm Đình Khiêm viết trong Văn Hóa nguyệt san, tháng 9-1959, Ngọc Khoa được gả cho vua Chiêm Thành.
- Ngọc Đỉnh là vợ tướng Nguyễn Cửu Kiều.
“Đàng Trong lúc ấy có 6 tỉnh, chia làm 4 dinh: Thuận Hóa, Quảng Nam, Phú Yên và Quảng Bình; hai phủ là Quảng Ngãi và Qui Nhơn thuộc Quảng Nam. Trong lúc chúa Nguyễn vừa dựng cơ nghiệp, thế lực còn yếu, cho nên các dinh này phải do những người tâm phúc nhất của chúa trú đóng. Chính dinh (còn gọi là dinh Cả) nằm ở Phước Yên, cách Huế độ 10km do chính chúa Nguyễn Phúc Nguyên cai quản; phia Bắc có dinh Mười (tức dinh Quảng Bình) do con rể Nguyễn Cửu Kiều, chồng của công chúa Ngọc Đỉnh, cai quản; dinh Chiêm (tức dinh Quảng Nam), thủ phủ quan trọng nhất, được chúa giao cho con trưởng là Nguyễn Phúc Kỳ làm trấn thủ (1614). Hoàng tử Kỳ mất sớm (1631), chúa giao cho người con thư ba là Nguyễn Phúc Anh lên thay; còn Nguyễn Phúc Lan chúa giữ lại ở Phúc Yên, phụ lực với chúa trong việc cai trị; ở cực Nam giáp giới Chiêm Thành là dinh Phó An (hay dinh Phú Yên) chúa giao cho phó tướng Nguyễn Phúc Vinh, chồng của công chúa Ngọc Liên.
“Công chúa Ngọc Liên lãnh nhận bí tích Rửa tội được liên kết với một cuộc tranh luận giữa một tín hữu mang tên thánh Jêrônimô với một nhà sư. Cuộc tranh luận được tổ chức trước mặt chúa Nguyễn Phúc Nguyên, hiện diện có cả vợ chồng trấn thủ Phú Yên Nguyễn Phúc Vinh và bà vợ Ngọc Liên. Tín hữu Jêrônimô là một người đạo mới, nhưng rất thông nho. Ông bài bác vấn đề nhà sư đưa ra là con người có 3 hồn 7 vía (người nữ có 3 hồn 9 vía) và minh chứng là con người chỉ có xác và hồn mà thôi. Trong cuộc tranh luận này người tín hữu đã thắng. Bà Ngọc Liên rất cảm phục. Nhận thấy đạo Công giáo rất hay, bà xin theo. Cha Buzomi đã rửa tội cho bà vào năm 1636 tại Phú Yên và đặt tên thánh cho bà là Maria Mađalêna.
“Sau khi đã nhận bí tích Thánh Tẩy, bà Ngọc Liên trở thành một tín hữu gương mẫu, đạo đức. Cha De Rhodes ghi: “Một bà nhân đức tên là Maria Mađalêna, vợ quan trấn thủ, đã làm nhiều việc thiện trong tỉnh Phú Yên. Bà còn sáng lập một bệnh viện để săn sóc tất cả giáo dân và lương dân. Trong đám bệnh nhân có mấy người cùi sẵn sàng chịu phép rửa tội, để được sạch trong linh hồn. Mỗi ngày người ta giảng dạy những điều cần thiết để chuẩn bị chịu bi tích ban ơn thánh. Có mấy bổn đạo cũ đến giúp và dự vào việc giáo huấn (A.de Rhodes, Hồng Nhuệ chuyển ngữ, Hành Trình và Truyền Giáo, trang 105).
“Năm 1641 cha Đắc Lộ rửa tội được 1355 người do bà Ngọc Liên dạy đạo và hành đạo trong nhà nguyện của bà. Nguyện đường của bà Ngọc Liên được đặt trong dinh của tướng Nguyễn Phúc Vinh. Tại đây đã có 90 người được lãnh bí tích Thánh Tẩy, trong số đó có Anrê Phú Yên, là vị tử đạo đầu tiên của Đàng Trong vào ngày 26-7-1644.
“Cha Alexandre de Rhodes ghi: “Thế là tôi trở về Macao vào tháng 9 năm 1643… Tôi vẫn tưởng người Bồ thường trấy đi vào tháng chạp, nhưng lần này họ chỉ sẵn sàng vào tháng giêng năm 1644. Như vậy tôi vắng mặt ở Đàng Trong, qua đó chúng ta thấy tướng Nguyễn Phúc Vinh bị đổi đi và có lẽ bị thất sủng. Quan trấn thủ mới về trị nhậm và rất ghét giáo dân. Ông cho lùng bắt các thày giảng mới để trừng phạt. Họ cũng không còn nể bà Mađalêna, có họ với chúa, vợ quan trấn thủ cũ, chúa đã chuyển đi nơi khác. Bọn lính xấc láo ập vào nhà, lục soát các phòng để tìm các thày giảng, nhưng may các thày không còn ở trong thành này. Các thày chỉ buồn vì đã bỏ lỡ dịp chịu khổ vì đức tin, các thày thích chịu chết vì đạo hơn là giảng. Bà Mađalêna không buồn phiền vì chịu xỉ nhúc đó, nếu vào trường hợp khác thì bà rất bực bội (Hành Trình và Truyền Giáo, trang 121-122). Chúng ta biết ông Nguyễn Phúc Vinh không còn làm trấn thủ, cùng gia quyến về hưu ở Thanh Chiêm. Ông rất ham mộ đạo và ước ao cho nhiều người theo đạo, còn ông thì không vì ông có nhiều vợ.
Khi chồng đã về hưu, bà Ngọc Liên vẫn tỏ ra mình là người sốt sắng trong đạo. Trong vụ 4 nữ tu Clara trôi dạt vào bến cảng Đà Nẵng vào đầu tháng 2-1645. Hơn tất cả các bà khác trong xứ, bà Mađalêna, vợ quan trấn, tỏ ra rất trọng quí các ‘thánh nữ’, tên người ta gọi như vậy. Mỗi ngày bà gởi một món quà mới để tặng, đến thăm thường xuyên và còn cho con gái của bà đến ở với các nữ tu trong mấy ngày. Cô này chừng 13 xuân xanh, đã đem lòng quí mến các nữ tu và khâm phục nhân đức, đến nỗi đã quyết định đi theo. Người ta phải vất vả lắm mới làm cho cô đổi ý định đi theo qua Philíppin cùng với các nữ tu (HTvTG, trang 177).
Cha Alexandre de Rhodes bị trục xuất khỏi Đàng Trong mãi mãi ‘Đó là ngày 3-7-1645, thân xác tôi rời bỏ Đàng Trong, nhưng linh hồn tôi thì không, cả Đàng Ngoài cũng không kém’ (HTvTG, tr.198). Cha không còn biết tin tức gì về bà Ngọc Liên công chúa nữa. Nhưng qua các tài liệu của các nhà truyền giáo khác, nhất là của cha Cardière (BAVH 1939, tr.121-123) chúng ta biết: trong cuộc bắt đạo dưới trào Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần vào năm 1665, vì là có đạo, dù dòng dõi quí phái, bà vẫn bị tịch biên tài sản, đuổi ra khỏi nhà, phải cư trú trong chòi tranh vách lá. Cơn bắt đạo tăng thêm gắt gao, bà bị bắt giam trong 4 bức tường, không cho ăn uống, nhằm mục đích cho bà bỏ đạo. Sau 5 ngày bị giam, đói khát, bà chịu không nổi. Trong phút yếu lòng, bà đã chối đạo và được tha. Nhưng khi về đến nhà, bà thống hối, ăn năn, khóc lóc, tìm ngay một linh mục đế xưng tội. Cha bề trên Louis Chevreuil đã giải tội cho bà. Người ta không biết bà chết bao giờ và trong hoàn cảnh nào (Nguyễn Văn Trinh, Lich Sử Giáo Hội Việt Nam, tập 2, trang 185-188).
Cha Đỗ Quang Chính viết: “Ngọc Liên công chúa lập nhà thương xót lo cho những người nghèo khổ, neo đơn, cung cấp lương thực cho 12 thày giảng ĐT… Khi cha Michelle Saccano đến Đàng Trong năm 1646, bà cũng lén lút từ Thanh Chiêm lên Cửa Hàn gặp cha vào ban đêm… Không rõ Ngọc Liên qua đời năm nào. Năm 1674 bà còn sống và vẫn dạy giáo lý. (Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt, tr. 73-74).
xxx
Cuộc đời công chúa Ngọc Liên phản ảnh lòng đạo dức ‘mến Chúa yêu người’ mà Chúa mong muốn trong bài đọc thánh lễ hôm nay. Dầu bà có chối đạo, bà cũng thống hối ăn năn. Bà dạy giáo lý và làm các việc đạo đức để đền tội.
xxx
Bài đọc 1 (Gr 20,10-13) : Cha Kevin 0’Sullivan viết : ‘Khi 23 tuổi Gêrêmia được kêu gọi làm ngôn sứ. Ngài đi rao giảng tại Giêrusalem trong thời Giuđa gặp khó khăn nhất. Nhà vua, hàng tư tế và dân chúng quan tâm đến chính trị hơn là Thiên Chúa. Họ làm tôi Babylon, đóng thuế cho ngoại bang. Họ liên minh với Ai Cập để tìm sự giải thoát. Ngôn sứ Giêrêmia phản đối cho rằng Ai Cập không giúp gì được, Việc chống lại Babylon chỉ đem lại sự tàn phá và Giuđa bị lưu vong. Ngôn sứ kêu gọi : “Hãy ca tụng Đức Chúa, hãy ngợi khen Đức Chúa, vì Người đã giải thoát cho kẻ cơ bần, khỏi tay phường hung bạo” (Gr 20,13).
Bài Tin Mừng (Mt 10,26-33) : Cha Nguyễn Công Đoan viết : “Tại sao đừng sợ. Ba lý do :
-Thứ nhất : chết là cùng chứ gì! Họ có giết cũng chỉ giết được thân xác, vì ‘linh hồn người công chính ở trong tay Chúa, và chẳng cực hình nào đụng tới được’ (Kn 3,1). Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh đã trả lời quan : ‘Thân xác tôi ở trong tay quan, quan muốn làm khổ thế nào tùy ý, nhưng linh hồn tôi là của Chúa, không có gì khiến tôi hy sinh nó được’. Phải sợ Thiên Chúa hơn, vì Thiên Chúa có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục’.
-Thứ hai : Thiên Chúa không bỏ rơi anh em, vì anh em đáng giá trước mặt Thiên Chúa. Con chim sẻ bé nhỏ, không đáng một xu, mà Thiên Chúa quan tâm đến mạng sống từng con, thì anh em đáng giá hơn nhiều. Từng sợi tóc trên đầu anh em Thiên Chúa đếm cả rồi.
-Thứ ba : Ai tuyên xưng danh Chúa Giêsu trước mặt người ta, thì Chúa Giêsu cũng nhìn nhận tên người ấy trước mặt Cha trên trời. Ngược lại cũng thế : ai chối Chúa thì Chúa cũng từ nó (Tĩnh Tâm với Sách Tin Mừng Mátthêu, trang 90).
Bài đọc 2 (Rm 5,12-15) : Tội chối Chúa của công chúa Ngọc Liên làm sao sánh được ơn tha thứ của Thiên Chúa. Thánh Phaolô viết trong bđ2 : ‘Nhưng sự sa ngã của Ađam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa… Ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô , còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người’ (Rm 5,15).
Cầu nguyện
Lạy Chúa, xin cho chúng con
hằng trọn niềm tôn kính và ái mộ Thánh Danh
vì những ai được Chúa cho khắng khít với Chúa
thì Chúa chẳng bỏ rơi bao giờ.
Chúng con cầu xin.
SUY NIỆM II
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
LÀM CHỨNG CHO CHÚA TRONG MỌI HOÀN CẢNH
Bài sách tiên tri Giê-rê-mi-a hôm nay tuy vắn tắt nhưng gợi lên hình ảnh của một đời người nhiều nước mắt. Vị ngôn sứ được chọn ngay từ trước khi thành hình trong lòng mẹ để đảm nhiệm một sứ vụ gay go bạc bẽo. Ông đã muốn chối nhưng không được. Ông phải ra đi tiên báo những hoạn nạn sẽ xảy tới. Ông bị xã hội bắt bớ, họ hàng tẩy chay, ông một thân một mình chịu bao đau khổ nhưng vì là tiên tri của những biến cố đó, tiên tri Giê-rê-mi-a đã phải sống trước nơi bản thân tất cả số phận cay đắng của dân bội bạc. Ông là vị ngôn sứ khổ sở, là hình ảnh của Ðấng sẽ đến gánh tội thiên hạ, là người được chọn để đi vào con đường hẹp. Ông là người đi trước chúng ta về phương diện đau khổ ở đời. Tuy nhiên có một điều làm ta hết sức khâm phục vị ngôn sứ, đó là trong mỗi hoàn cảnh khó khăn như vậy, bao giờ ngài cũng hướng về Thiên Chúa, cầu khẩn Người thương che chở giữ gìn. Đáp lại, Thiên Chúa an ủi nâng đỡ ngài và thêm sức mạnh để ngài tiếp tục thi hành sứ vụ.
Bí tích Rửa tội cho Ki-tô hữu được tham dự vào sứ vụ ngôn sứ của Chúa Ki-tô, để làm chứng nhân cho Tin Mừng. Trong sứ vụ ấy, chắc chắn chúng ta phải chấp nhận những thiệt thòi bách hại vì chúng ta là môn đệ Chúa. Nhưng tình yêu của Chúa là khí giới để chúng ta đối phó với nghịch cảnh và được can đảm để tiếp tục sống những gì Chúa Ki-tô dạy ta. Kẻ thù của ngôn sứ Giê-rê-mi-a tưởng ngài khiếp sợ trước những tấn công dồn dập nhưng ngôn sứ lại vững như đồng bởi vì “Đức Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng”. Thiên Chúa bênh đỡ vị ngôn sứ của Người là Giê-rê-mi-a thế nào thì Người cũng bênh đỡ chúng ta như vậy. Giê-rê-mi-a bị kẻ thù bách hại và được Thiên Chúa cứu thoát. Nhân loại bị tội lỗi làm cho phải chết nhưng được Thiên Chúa cứu sống. Cho nên, trong bài đọc 2, Thánh Phao-lô Tông đồ nói: “Sự sa ngã của A-đam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người”.
Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa lớn lao như vậy qua Chúa Giêsu Kitô. Cho nên, Chúa Giêsu khuyên “đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn”, vì chúng ta có Chúa là Đấng “có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục”. Người sẽ bênh vực chúng ta vì chúng ta có một giá trị độc đáo đối với Người. Đến như những sinh vật nhỏ bé không giá trị như chim sẻ mà Chúa còn lo lắng cho chúng, thì đời nào Người lại bỏ rơi linh hồn chúng ta trong khi chúng ta có giá trị hơn chim sẻ trăm ngàn lần. Chẳng lẽ Chúa chăm sóc từng sợi tóc của chúng ta mà lại để kẻ thù cướp mất linh hồn ta. Chính Chúa Giê-su đã sống điều Người dạy. Người không sợ rao giảng Tin Mừng. Người không sợ nói lên những sai lầm của nhóm Pha-ri-sêu và kinh sư. Người không sợ những người có thể giết Người bằng cách lên án bất công và đóng đinh Người vào thập giá. Người chỉ kính sợ duy một mình Thiên Chúa Cha, Đấng có quyền trên sự sống xác hồn và cho Người được sống lại từ cõi chết.
Hôm nay, Chúa Giêsu ba lần trấn an các môn đệ đừng sợ: 1) Đừng sợ rao giảng lời chân lý vì Tin Mừng cần được công bố cho tất cả mọi người ở mọi nơi mọi thời; 2) Đừng sợ bị bách hại, đe dọa khi thi hành sứ vụ, vì tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa luôn ở cùng người được sai đi; và 3) Đừng sợ khi tuyên xưng Danh Thầy, vì lòng tín nghĩa sẽ được đền đáp. Tựa như Giê-rê- mi-a, vị ngôn sứ không hề nao núng trước những tai họa và bất công, chúng ta cũng được mời gọi đừng sợ sống làm chứng cho Chúa trong hoàn cảnh hiện tại. Hôm nay cũng thế, tội ác và tội lỗi tràn ngập thế gian, nhưng chúng ta có Chúa Giêsu, Đấng đã đến để tái tạo ân sủng và nói cho ta biết: Thiên Chúa không bỏ ta mồ côi, nhưng đồng hành với chúng ta, mời gọi chúng ta tín thác nơi lòng từ bi và ân nghĩa của Ngài.
Bản chất con người thường sợ nguy hiểm, cho nên nhiều lúc không dám lộ ra căn tính đích thực là Kitô hữu. Chúng ta là Ki-tô hữu, là môn đệ Chúa Ki-tô, muốn làm chứng nhân của Chúa, chúng ta cần xác tín rằng bên ta luôn có Thiên Chúa hiện diện để bênh vực ta và giúp đỡ ta thi hành sứ mệnh chứng nhân. Noi gương Chúa Giê-su đã làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa, ta cũng can đảm làm chứng cho những giá trị Tin Mừng bằng cách sống chính những giá trị ấy qua tư tưởng, lời nói cũng như hành động của ta trong cuộc sống thường ngày. Cụ thể, nếu sinh ra đời hay mỗi mai thức dậy sáng nay, chúng ta được thân hình lành lặn, khỏe mạnh, bình an, được sống tự do, không phải mang bệnh tật nào hay nằm trong phòng cấp cứu, thì chúng ta cần phải cảm tạ ơn Chúa đồng thời đừng sợ làm chứng tình yêu của Ngài qua việc phụng thờ Ngài và loan truyền quyền năng của Ngài. Hay nếu chúng ta sinh ra có cha có mẹ và ba mẹ của chúng ta vẫn còn sống, thì chúng ta còn may mắn hơn những người khác vì họ vẫn còn sống chung với chúng ta, vẫn thương yêu, săn sóc chúng ta. Như thế, chúng ta phải cảm tạ Chúa và làm chứng cho Chúa bằng việc phải thương yêu, chăm sóc các ngài tinh thần cũng như vật chất nhất là vâng lời các ngài. Nếu chúng ta chưa từng cảm nhận sự nguy hiểm ngồi mặt trận, sự cô đơn trong nhà tù, sự đau đớn khi bị tra tấn, cảnh nhục nhã, trốn tránh, sự đói ăn khát uống, cảnh sống lang thang vô gia cư… thì chúng ta cảm tạ Chúa vì chúng ta hạnh phúc hơn mấy trăm triệu người trên thế giới, đồng thời phải làm chứng cho Chúa bằng việc cầu nguyện, giúp đỡ, ủi an và chia sẻ vật chất cho họ. Và nếu bây giờ chúng ta đang gặp đau khổ về tinh thần cũng như vật chất, chúng ta đừng sợ “nghịch cảnh” ấy, vì đó là một hiện tượng rất gần gũi với con người trực tiếp hoặc gián tiếp dù người đó giàu, nghèo, chức quyền, thường dân, giáo sĩ hay giáo dân, bác sĩ hay bệnh nhân… Nhưng điều quan trọng là làm thế nào, dù đâu khổ chúng ta không sợ. Nói rằng đau khổ làm sao mà không buồn, không khổ, không sợ sao được? Tôi đã từng thắc mắc như nhưng sau khi gặp đau khổ, tôi nghiệm ra rằng lúc mình gặp nghịch cảnh là cơ hội để nghiệm thấy quyền năng của Chúa, cần tin tưởng phó thác vào Chúa và Chúa sẽ ban cho ta giàu nghị lực, ý chí để vươn lên trong mọi nghịch cảnh. Vì chưng, Chúa nói: “ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ”. “Lửa thử vàng, gian nan thử đức tin”. Trong hành trình sống đạo, hẳn không thiếu những nghịch cảnh. Tuy nhiên, khi đối diện với chúng, mỗi người chúng ta hãy kiên trì và trung thành với ơn gọi mà mình đã khám phá và cảm nghiệm được quyền năng của Chúa. Mỗi khi khó khăn thử thách đến với chúng ta, đừng sợ nhưng hãy trung thành đến cùng. Xin hãy nhớ rằng những điều tốt đẹp ngày hơm nay là kết quả của những thử thách ngày hôm qua. Vì thế, Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận của chúng ta: ” ‘Khổ’. Đúng vậy. Thương khó, bỏ dễ. Khó mới quí, bỏ là quỉ” (ĐHV, số 60).
Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin Chúa cho chúng ta biết làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời nhờ thế đức tin của Chúa ta mỗi ngày một vững mạnh và sắt son. Vì thế, đừng sợ trước những nghịch cảnh của cuộc đời, chúng ta hãy vui lòng vác Thánh giá theo chân Chúa. « Nhờ thế, khi Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện, đức tin chúng ta đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự. Vì vậy, chúng ta được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người » (1Pr 1,7-9). Amen.
SUY NIỆM III
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú
ĐỪNG SỢ TUYÊN XƯNG CHÚA TRƯỚC MẶT NGƯỜI ĐỜI
(Hội An 25/6/2023)
Trình thuật Tin Mừng của Chúa Nhật tuần qua cho biết Chúa Giê-su thấy tình trạng đám đông không có người chăn, nên Ngài đã nói “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít.” Sau đó, Chúa chọn mười hai tông đồ, ban quyền năng cho họ, sai họ ra đi loan báo Chúa cho mọi người nghe biết và tin nhận Chúa. Tin Mừng hôm nay Chúa cho biết, nơi mỗi người được sai đi có nỗi sợ hãi, trong đó có nỗi sợ tuyên xưng đức tin, vì vậy Chúa bảo đừng sợ tuyên xưng Chúa trước mặt người đời.
- Những nỗi sợ hãi đeo đuổi môn đệ Chúa
Chúa biết, ngay cả khi chúng ta có đức tin, vẫn có nhiều nỗi sợ hãi chúng ta phải đương đầu. Vì thế, Chúa bảo “đừng sợ.” Các tông đồ sẵn sàng ra đi rao giảng, nhưng các ông vẫn rất sợ: sợ bị chống đối, sợ bị bắt bớ, sợ bị đưa ra trước quan tòa, sợ bị giết chết.., rất nhiều nỗi sợ hãi trước mắt. Có những nỗi sợ hãi trong chính con người của họ: sợ phải từ bỏ của cải, ruộng vườn, sợ lìa xa cha mẹ, vợ con, sợ phải rời buông những đeo đuổi tự mình cho là chính đáng như người thanh niên giàu có sợ phải từ bỏ, nên tiu nghỉu bỏ Chúa mà đi. Tin Mừng thánh Mát-cô cho biết, nhiều môn đệ đi theo Chúa lên Giêrusalem mà trong lòng vẫn đầy sợ hãi (x. Mc 10,32).
Nhiều môn đệ của Chúa thời nay vẫn đối mặt với các nỗi sợ hãi. Đặc biệt, sợ phải sống khác với thế gian, vì cho đến hôm nay, Ki-tô hữu vẫn là số ít giữa xã hội này. Sống khác với thế gian để tôi phải chịu thiệt thòi giữa xã hội này sao? Sợ phải biểu lộ đức tin vào Chúa giữa xã hội hay đám đông thờ ơ với Chúa. Có người trẻ chia sẻ dù quyết tâm mạnh dạn làm dấu thánh giá giữa quán ăn, nhưng vẫn nhìn quanh vội vàng làm dấu để không ai thấy. Sợ giới thiệu Chúa cho người khác, bởi có mấy ai nói Chúa cho người khác đâu, ngay cả trong gia đình!
Vậy, nỗi sợ hãi đưa dẫn chúng ta đến đâu? Sau khi Chúa Giê-su chịu chết, các tông đồ không mất hẳn đức tin, các ngài vẫn sống thánh thiện tụ họp nhau cầu nguyện, chỉ có điều đáng tiếc, nỗi sợ hãi đã khiến các ngài đóng kín cửa vì sợ người Do Thái, làm cho mỗi người và cả cộng đoàn tông đồ thành những người bị tê liệt, khép kín trong chính mình và cộng đoàn của mình. Mặc dù họ vẫn còn cầu nguyện, nhưng thật ra họ đã tự biến mình thành những người môn đệ vô tích sự của Chúa Giê-su. Phê-rô đã chẳng vì sợ hãi một đầy tớ gái mà đã chối chẳng quen biết Chúa đó sao? Những lời Chúa truyền cho các tông đồ ra đi khắp tứ phương rao giảng Tin Mừng và rửa tội đã bị nỗi sợ hãi nhấn chìm và cả một cộng đoàn không còn tìm thấy niềm hy vọng, ước mơ về một vụ mùa bội thu theo nghĩa truyền giáo như Chúa Giê-su đã báo trước. Nỗi sợ hãi của Ki-tô hữu hôm nay cũng biến nhiều người thành những người câm trước đám đông có quyền nghe lời Chúa, thành những Ki-tô hữu sống theo thế gian, biến gia đình hay giáo xứ thành cộng đoàn tê bại. Mỗi chúng ta cứ xét lại chính bản thân: mỗi tuần, chúng ta can đảm giới thiệu Chúa hay tuyên xưng Chúa trước mặt người đời mấy lần? Một lần, hai lần… hay chưa bao giờ? Đôi lúc, nỗi sợ hãi làm chúng ta không dám nhìn nhận chúng ta là người quen biết Chúa và môn đệ của Chúa!
- “Đừng sợ! Ta ở với ngươi”
Trong Thánh Kinh, có rất nhiều lời Chúa khuyên nhủ người đi theo Chúa “đừng sợ” với một lý do vững chãi trong mọi hoàn cảnh, đó là “Ta ở với ngươi.” “Đừng sợ! Ta ở với ngươi” (Is 41,10). Chúa không hứa cất hết mọi nỗi sợ hãi hay hứa cuộc đời người theo Chúa không có thách thức, chông gai. Chúa chỉ hứa “Ta ở với ngươi!” Lời hứa đó cho Ki-tô hữu hiểu rằng: niềm tin và sự bảo đảm cho Ki-tô hữu không ở bất cứ điều gì hay người nào trên trần gian này, mà duy chỉ nơi Chúa. Chúa còn cho biết, dù đức tin đó nhỏ bé như hạt cải, cũng làm cho đời Ki-tô hữu gặt hái được nhiều kết quả truyền giáo. Vì thế, Chúa Giê-su đã từng có lần hỏi các tông đồ: “Sao các con sợ hãi? Các con không có đức tin ư?” (Mc 4,40). Chúng ta cũng cần lặp lại lời này đối với chúng ta: “Sao các con sợ hãi không tuyên xưng Ta trước mặt người đời? Các con không có lòng tin ư?”
Trong khi Chúa kêu gọi chúng ta mạnh dạn tuyên xưng Chúa trước người đời, đừng sợ hãi truyền giáo, thì ma quỷ tìm mọi cách gieo vào trong chúng ta tinh thần nhát đảm sợ hãi, với những câu hỏi tương tự: một mình tôi loan báo Tin Mừng sao? Tôi nói về Chúa trong gia đình tôi, liệu gia đình tôi yên ả hay sẽ xung khắc? Tôi được lợi ích gì khi ra sức truyền giáo? Những câu hỏi đó chung qui cám dỗ chúng ta đi tìm lời giải đáp của thế gian và tìm lợi lộc thế gian. Cũng rơi vào trường hợp đó, ngôn sứ Giêrêmia khi loan báo Thiên Chúa cho đồng hương của mình và bị hành khổ, ngôn sứ đã hướng về Thiên Chúa, Đấng sai mình ra đi và tuyên xưng: “Đức Chúa hằng ở bên con.”
Ước gì lời Chúa hôm nay: “Ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, Thầy sẽ tuyên xưng họ trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,32) thôi thúc trong lòng chúng ta ngày mỗi mạnh thêm, để chúng ta mạnh dạn giới thiệu Chúa cho con người thời đại hôm nay, bắt đầu từ những người trong nhà mình. Có quá nhiều người đang chờ nghe nói về Chúa, có quá nhiều nơi chúng ta có bổn phận giới thiệu Chúa, không chỉ ở trong khuôn viên nhà thờ hay nhà mình, mà nơi làm việc, nơi học đường, nơi chợ búa, mà còn trong mọi cuộc chuyện trò. Chúa đang chờ đợi Ki-tô hữu thoát ra khỏi sự tê bại hay biếng nhác hằng ngày, mà trở nên chứng nhân Tin Mừng ở nơi mình sống.
Xin Chúa cho chúng ta, từ bé đến lớn, mọi người đã lãnh bí tích Rửa Tội đều ý thức và thực thi tuyên xưng Chúa trước mặt người đời với lòng xác tín Chúa ở cùng chúng ta mọi ngày.