Chúa Nhật XII Thường Niên – Năm A


CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN – Năm A

21-6-2020

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ An Sơn

GIÁO HUẤN SỐ 29

MARIA, NGƯỜI PHỤ NỮ TRẺ Ở NADARÉT

Đức Maria chiếu sáng ở con tim Giáo hội. Ngài là kiểu mẫu tuyệt hảo cho một Giáo hội trẻ trung muốn đi theo Đức Kitô với nhiệt tâm và sự mềm mỏng. Khi còn trẻ, Maria đã đón nhận thông điệp của thiên sứ, ngài không sợ nêu ra các câu hỏi (x.Lc 1,34). Với trái tim và tâm hồn rộng mở, ngài đáp: “Này đây, tôi là nữ tỳ của Đức Chúa” (Lc 1,38). Chúng ta mãi còn kinh ngạc trước sức mạnh của tiếng “xin vâng” nơi cô gái trẻ Maria, sức mạnh trong lời thưa “hãy thực hiện điều đó” mà Maria nói với thiên sứ. Đây không phải là sự chấp nhận thuần túy thụ động hay bị bắt buộc, hay một tiếng “vâng” vu vơ, kiểu như nói “Ờ, thì ta cứ thử xem sao”. Maria không nói như vậy, không “cứ thử xem sao”. Ngài rất kiên quyết; ngài ý thức cái giá phải trả, và ngài nói “xin vâng” không chút do dự. Đây là tiếng “xin vâng” của một người đã sẵn sàng dấn thân, một người sẵn sàng mạo hiểm, sẵn sàng đặt cuộc tất cả những gì mình có, mà không có gì chắc chắn hơn ngoài việc biết rằng mình nhận một lời hứa. Vì vậy cha muốn hỏi mỗi người trong các con: Các con có thấy mình là người mang một lời hứa không? Lời hứa nào đang có trong lòng tôi mà tôi có thể nhận lấy? Sứ mạng của Đức Maria hẳn là không dễ dàng, nhưng các thách đố phía trước không phải là lý do để thoái thác. Mọi sự dĩ nhiên sẽ rất phức tạp, nhưng không giống như trường hợp sự nhút nhát làm tê liệt chúng ta do nghĩ rằng chẳng có gì được thấy rõ ràng hay chắc chắn. Maria không mua bảo hiểm! Ngài mạo hiểm và vì thế ngài rất mạnh mẽ, ngài là một “người tác động”, “người tác động” của Thiên Chúa. Tiếng “xin vâng” của Maria và lòng khát khao phục vụ của ngài thì mạnh hơn bất cứ nghi ngờ hay khó khăn nào (Tông Huấn Đức Kitô Hằng Sống, số 43&44).

———————————————

CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN – Năm A

(Gr 20,10-13; Rm 5,12-15; Mt 10,26-33)

Thánh Anê Lê Thị Thành sinh khoảng năm 1781 tại làng Bái Điền, tỉnh Thanh Hóa. Từ nhỏ theo mẹ về sống ở quê ngoại Phúc Nhạc, Phát Diệm. Năm 17 tuổi cô kết hôn vói anh Nguyễn Văn Nhất, người cùng xứ. Hai người sống với nhau được hai trai Đê và Trân, cùng bốn gái Thu, Năm, Nhiên, Nụ.

Cô Nụ, gái út, đã khai với giáo quyền khi điều tra phong thánh cho mẹ như sau: “Thân mẫu tôi rất chăm lo việc giáo dục các con. Chính người dạy chúng tôi đọc chữ, học giáo lý, dạy cách tham dự thánh lễ và xưng tội rước lễ. Người không để chúng tôi biếng nhác việc xưng tội. Khi chúng tôi lơ là, người thúc giục chúng tôi bằng được mới thôi. Người cho chúng tôi nhập Hội Con Đức Mẹ, và Ban Thiếu Nữ Thưa Kinh ở nhà thờ”.

Cô Năm thì khai: “Song thân chúng tôi chỉ gả các con gái cho những thanh niên đạo hạnh. Sau khi tôi kết hôn, thân mẫu tôi thường đến thăm và khuyên bảo những lời tốt lành. Có lần người dạy tôi: “Tuân theo ý Chúa, con lập gia đình là gánh rất nặng. Con phải ăn ở khôn ngoan, đừng cãi lời cha mẹ chồng, Hãy vui lòng nhận Thánh Giá Chúa gửi cho. Người cũng thường khuyên vợ chồng tôi: “Hai con hãy sống hòa hợp, an vui, đừng để ai nghe chúng con cãi nhau”.

 Một người tên Đề giúp các cha muốn lập công và ham tiền đã báo cáo xứ Phúc Nhạc có linh mục ẩn trốn. Quan Nam Định Trịnh Quang Khanh đích thân đem 500 lính đến bao vây. Cha Nhân trốn trên gác bếp nhà phước Mến Thánh Giá, vô tình để gấu áo lòi ra ngoài, cha bị bắt. Cha Lý chạy từ nhà ông trùm Cơ trốn dưới mương trong vườn bà Thành. Lính trông thấy, cha bị bắt, và bà cũng bị bắt. Còn hai cha nữa chạy thoát.

Quân lính áp giải các nạn nhân về tỉnh Nam Định. Đi bộ suốt đêm, ai nấy mệt mỏi. Bà Thành sức yếu, lại mang gông nặng, tới Nam Định mệt nhoài. Sáu ngày sau bị đem ra tòa, bắt bỏ đạo, bà đáp: “Tôi tôn thờ Thiên Chúa, không bao giờ tôi bỏ đạo”. Bà bị đánh đòn. Lúc đầu bằng roi, sau bằng củi lớn. Chồng đến thăm bà nói: “Họ đánh tôi vô cùng hung dữ, đến đàn ông còn không chịu nổi, nhưng tôi được Đức Mẹ giúp sức, nên tôi chịu dựng được”.

Lần thứ hai, bà vừa bị đánh, vừa bị lôi bước qua Thánh Giá. Bà sấp mình xuống đất kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin thương giúp con, con không bao giờ chối bỏ lòng tin Chúa, nhưng con là đàn bà yếu đuối, nên họ dùng sức mạnh đẩy con đạp Thánh Giá Chúa”.

Lần tiếp theo, họ cho rắn vào áo quần bà. Bà đứng yên cầu nguyện, nên không bị rắn cắn. Quân lính tức giận đánh bà không nương tay. Bà không đi nổi vào nhà tù, phải có người giúp. Cô Luxia Nụ đến thăm. Thấy quần áo mẹ đầy vết máu, cô khóc, bà nói: “Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy. Mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa, sao con lại khóc?”. Bà còn khuyên: “Con về chuyển lời mẹ với các anh chị: coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng, sáng tối đọc kinh xem lễ, cầu cho mẹ vác Thánh Giá Chúa đến cùng. Chẳng bao lâu nữa mẹ được lên nước thiên đàng”.

Trong giờ hấp hối, bà dâng mình: “Giêsu, Maria, Giuse. Con xin phó linh hồn và thân xác con trong tay Ba Đấng. Xin ban ơn cho con được tuân theo ý Chúa trong mọi sự”. Bà tắt thở, về Nhà Chúa ngày 12-7-1841.

Bài Tin Mừng hôm nay là đoạn 10 sách Tin Mừng thánh Matthêu. Cha Nguyễn Công Đoan đặt tiêu đề cho đoạn sách này là “Bài giảng cho những người được sai đi” (Tự Đáy Lòng, Tĩnh Tâm với Sách Tin Mừng Mát-thêu, trang 86). Nhóm CGKPV đặt là “Bài giảng về sứ mạng truyền giáo” (Kinh Thánh 2011, trang 2146).  Chúa Giêsu dạy những người được sai đi, những nhà truyền giáo: “Đừng sợ”.

Dù “tài hèn sức yếu”, nếu Chúa “nâng lên” sẽ được mặc “áo hoa hồng”.

Bài đọc 1: Bài đọc 1 đọc sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a. Giê-rê-mi-a có nghĩa là “Thiên Chúa nâng lên”. Sách Kinh Thánh 2011 của nhóm CGKPV giới thiệu ngôn sứ là “con người của Lời Chúa” như sau: “Hơn mọi ngôn sứ khác, Giê-rê-mi-a chấp nhận lời Chúa và chấp nhận chính mình trong tương quan với lời ấy. Những lời thổ lộ tâm tình của ông với Thiên Chúa cho thấy rõ ý nghĩa của cuộc đời ông như một ngôn sứ: Tại sao con cứ phải đau khổ hoài? (15,18). Ông chua chát phàn nàn với Chúa về sự cô đơn của ông, như là bị tha hóa, về một kiếp sống phù du…nhưng tất cả chỉ đơn giản nói rằng cuộc đời ông bị xâu xé bởi một sứ mệnh mà ông không thoái thác được.  Trong những cuộc đối thoại nội tâm này, lời con người phải đương đầu với lời Thiên Chúa và kết cục là bao giờ lời Thiên Chúa cũng thắng. Không dễ gì biết rõ được tâm lý của Giê-rê-mi-a trong kinh nghiệm ngôn sứ của ông, nhưng những cuộc đối thoại ấy có diễn ra trong hoàn cảnh lịch sử nào đi nữa, thì chúng ta cũng phải nhận rằng mối bận tâm sâu sắc và liên lỉ của Giê-rê-mi-a vẫn là lời Thiên Chúa” (Kinh Thánh 2011, 1665-1666)

Bài Tin Mừng: Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy 3 lần “Đừng sợ”.   Cha Nguyễn Công Đoan cho biết 3 lý do:(NCĐ, sđd, trang 90).

 -Thứ nhất: Chết là cùng chứ gì. Họ có giết cũng chỉ giết được thể xác, vì “linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa, và chẳng cực hình nào đụng tới được nữa” (Kn 3,1). Thánh Phao-lô Lê Bảo Tịnh đã trả lời quan: “Thân xác tôi ở trong tay quan, quan muốn làm khổ thế nào tùy ý, nhưng linh hồn tôi là của Chúa, không có gì khiến tôi hy sinh nó được”. Phải sợ Thiên Chúa hơn, vì “Thiên Chúa có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục”.

 -Thứ hai: Thiên Chúa không bỏ rơi anh em, vì anh em đáng giá trước mặt Thiên Chúa. Con chim sẻ bé nhỏ, không đáng một xu, mà Thiên Chúa quan tâm đến mạng sống của từng con, thì anh em đáng giá hơn nhiều. Từng sợi tóc trên đầu anh em Thiên Chúa đã đếm cả rồi

-Thứ ba:  Ai tuyên xưng Danh Chúa Giê-su trước mặt người ta, thì Chúa Giê-su cũng nhìn nhận tên người ấy trước mắt Cha trên trời. Ngược lại cũng thế, ai chối Chúa thì Chúa cũng từ nó.

Sách Kinh Thánh 2011 của nhóm CGKPV viết: “Thái độ của người thừa sai trong khi thi hành sứ  vụ là bất khuất trước những đe dọa của người đời và hoàn toàn tin tưởng vào sự quan phòng khôn ngoan và yêu thương của Thiên Chúa như Cha : Đấng đáng sợ vì nắm quyền sống chết trong tay lại chính là người Cha nhân ái đối với thừa sai” (trang 2148).

Bài đọc 2: Bài đọc 2 đọc thư Rôma của thánh Phao-lô.  Nhóm CGKPV giới thiệu như sau: “Khoảng cuối hành trình truyền giáo thứ ba (53-58), thánh Phao-lô bấy giờ đang ở Cô-rin-tô (57-58). Người cảm thấy trách nhiệm tông đồ của mình ở Đông Phương sắp kết thúc. Chỉ còn một việc phải làm đó là mang những gì đã lạc quyên được trao cho giáo đoàn Giê-ru-sa-lem. Người dự tính sau khi hoàn thành công tác đó, người sẽ đi Tây Ban Nha và, trên đường đi, sẽ ghé qua Rô-ma (x.Cv 19,21; Rm 15,23-32). Không biết thánh Phao-lô có thực hiện được dự tính ấy không. Chỉ biết rằng để chuẩn bị cho chuyến đi này, người đã viết một bức thư gửi “các anh em đang ở Rô-ma” (1,7) tức là các Ki-tô hữu đang sống tại thủ đô của đế quốc” (Kinh Thánh 2011, trang 2479).

Ông William Barclay, mục sư Anh giáo, viết về đoạn thư trong bài đọc 2 như sau : “Nếu tóm ý của đoạn này vào một câu thì đó là câu Phaolô định viết ngay từ đầu, nhưng rồi đã đi tẻ đề, câu đó có thể như thế này: ‘Bởi tội lỗi của Ađam tất cả đều trở nên tội nhân và bị phân cách với Thiên Chúa. Do sự công chính của Chúa Giêsu Kitô tất cả mọi người đều trở nên công chính và phục hồi lại mối tương giao công chính với Thiên Chúa’. Thật ra Phaolo nêu vấn đề này rõ ràng hơn trong 1Côrintô 15,21-22: ‘Bởi một người mà có sự chết, thì cũng bởi một người mà có sự sống lại cho những kẻ chết. Như trong Ađam mọi người đều chết, trong Chúa Kitô mọi người đều sẽ sống lại” (Lm Dương Đình Tảo chuyển ngữ, Thư Gửi Tín Hữu Rôma, trang 88).

Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu, xin Mẹ thương các thừa sai, tông đồ của Mẹ. Mỗi khi gặp đau khổ buồn chán, họ hãy nhìn lên Chúa Giêsu, Con của Mẹ.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành