Chúa Nhật XII Thường Niên năm B


CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN NĂM B

Ngày 23/6/2024

Thánh vịnh tuần III.

Giáo xứ Thanh Đức và Giáo họ Ô Gia Chầu Thánh Thể.

GIÁO HUẤN SỐ 28

TIÊU CHUẨN LỚN

“Việc thờ phượng được Thiên Chúa ưa thích nhất”

 “Chúng ta có thể tưởng rằng mình tôn vinh Thiên Chúa chỉ qua việc thờ phượng và cầu nguyện, hay đơn giản chỉ qua việc tuân thủ một số qui tắc đạo đức nào đó. Quả đúng là mối ưu tiên thuộc về tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, nhưng chúng ta không được quên rằng tiêu chuẩn tối hậu theo đó chúng ta được phán xét chính là những gì chúng ta làm cho tha nhân. Cầu nguyện là quí nhất, vì cầu nguyện giúp nuôi dưỡng sự dấn thân cho tình yêu hằng ngày. Việc thờ phượng của chúng ta trở thành được Thiên Chúa vui lòng khi chúng ta quên mình để sống quảng đại, và cho phép ơn huệ của Thiên Chúa, được ban cho trong cầu nguyện, thể hiện ra trong mối quan tâm của chúng ta đối với anh chị em mình”. (Tông huấn Hãy Vui mừng Hoan hỉ, số 104).

 

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

Ed 17,22-24; 2Cr 5,6-10; Mc 4,26-34

Bài Ðọc I: G 38, 1. 8-11

“Sóng cồn của ngươi phải dừng lại đây”.

Trích sách Gióp.

Bấy giờ từ cơn gió lốc, Chúa đáp lời Gióp rằng: “Khi nước chảy mạnh vỡ bờ như sinh ra bởi lòng mẹ, ai đã lấy cửa mà ngăn lại, lúc Ta lấy mây làm áo che nó, và lấy u tối che phủ nó như khăn bọc con trẻ? Ta đã vạch biên giới chung quanh nó, đã đặt khung cửa và then chốt mà phán rằng: “Ngươi chảy đến đây mà thôi, không được chảy xa nữa và vỗ sóng ba đào cũng phải dừng tại đây”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 106, 23-24. 25-26. 28-29. 30-31

Ðáp: Hãy tán tạ Chúa, bởi đức từ bi Người còn muôn thuở (c. 1).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Những người xuống tàu vượt biển ra khơi, làm nghề thương mại trên nơi nước cả, họ đã nhìn thấy những kỳ công của Chúa, và những việc huyền diệu của Người ở chỗ thâm uyên.

Xướng: Chúa lên tiếng, và Người đã khiến phong ba nổi dậy, Người đã khiến cho sóng biển dâng cao. Những người đó lên tới trời xanh, xuống lòng biển thẳm, tâm hồn họ bủn rủn trong cảnh gian nguy.

Xướng: Họ đã kêu cầu Chúa trong cơn khốn khó, và Người đã giải thoát họ khỏi chỗ lo âu. Người biến đổi phong ba thành gió thổi hiu hiu, và bao làn sóng biển đều im lặng.

Xướng: Họ mừng vui vì thấy sóng biển yên, và Chúa đã đưa họ cập bến ước mong. Những người đó hãy cảm ơn Chúa vì lòng nhân hậu, và những điều kỳ diệu của Người đối với con người ta!

Bài Ðọc II: 2 Cr 5, 14-17

“Ðây mọi cái mới đã được tạo dựng”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, lòng mến của Ðức Kitô thúc bách chúng ta; chúng ta xác tín điều này là một người đã chết vì mọi người, vậy mọi người đều đã chết. Và Ðức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống, thì không còn sống cho chính mình nữa, mà là sống cho Ðấng đã chết và sống lại vì họ.

Vì thế, từ nay chúng ta không còn biết ai theo xác thịt nữa. Mặc dù nếu chúng ta đã biết Ðức Kitô theo xác thịt, thì giờ đây chúng ta không còn biết như thế nữa. Vậy nếu ai đã trở nên một tạo vật mới trong Ðức Kitô, thì những gì cũ đã qua rồi, vì đây mọi sự đều được trở nên mới.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 1, 14 và 12b

Alleluia, alleluia! – Ngôi Lời đã làm người và đã ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 4, 35-40

“Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ”. Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người. Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?” Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?”

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM I.

CHÚA Ở VỚI TA TRONG BÃO TỐ CUỘC ĐỜI

(Hội An 23/6/2024)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

            Cuộc đời chúng ta là một hành trình. Thỉnh thoảng sóng yên biển lặng. Thỉnh thoảng trời trong, gió nhẹ. Thỉnh thoảng đời đẹp như mơ và chúng ta dễ dàng dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn. Nhưng, thỉnh thoảng trời trở gió, tối đen như mực và cơn cuồng phong thổi đến, xô ngã mọi thứ trong cuộc đời, khiến mọi dự định và dự án của chúng ta trở về số không, mọi tương quan thân thiết nhất đổ vỡ. Tình vợ, tình chồng, tình cha mẹ với con cái, tình bạn thân tưởng như không có gì lay chuyển, thì nay tan nát, khiến chúng ta như người đi buôn mất sạch vốn liếng, trắng tay! Nợ nần ập đến làm tối tăm cuộc đời. Hành trình cuộc đời đó cũng là hành trình của các môn đệ được Tin Mừng thuật lại hôm nay: tất cả họ hoảng sợ trên con thuyền đời giữa cơn sóng dữ. Và bài học lời Chúa cho họ và cho chúng ta là: Chúa Giê-su luôn ở với chúng ta trong cơn bão tố và Chúa biết cách đưa chúng ta thoát cơn bão dữ.

  1. Chúa ở với ta trong mọi hoàn cảnh

 Tin Mừng tường thuật, con thuyền đang chở Chúa Giê-su và các tông đồ ra biển Hồ Galilê, thì một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, thuyền đầy nước khiến các tông đồ hoảng sợ. Rembrandt, một danh họa Hà Lan, khi vẽ tác phẩm bão tố được Tin Mừng thuật lại này, ông đã vẽ Chúa Giê-su, 12 tông đồ và thêm ông nữa trên con thuyền đó, để tự hỏi, nếu tôi có mặt trên con thuyền hôm ấy, tôi sẽ làm gì? Và đức tin của tôi như thế nào giữa bão tố? Như danh họa Rembrandt, những lúc gặp sóng gió, chúng ta cũng đang có một vị trí trên con thuyền giữa bão tố ấy, đức tin của chúng ta bấy giờ thế nào?

            Tình huống xảy ra rất quen thuộc đối với chúng ta là không nhìn thấy Chúa đang ở với mình giữa bão tố, bởi ta cứ chăm chú nhìn vào những ngọn sóng dữ dội, quá chú ý vào những đổ vỡ, thất bại, thế là đã sợ lại thêm hoảng sợ. Không phải các tông đồ và chúng ta không biết Chúa Giê-su đang ở trên thuyền đời của chúng ta, nhưng vì chúng ta chưa hiểu vai trò cứu độ của Chúa Giê-su, thiếu đức tin vào Chúa Giê-su, tưởng rằng Chúa Giê-su không thể cứu lấy chúng ta. Thậm chí nhìn vào đằng lái và thấy Chúa Giê-su đang ngủ say, họ trách Chúa không cứu lấy họ: “Thầy ơi! Thầy chẳng lo gì sao?”

            Khi gặp bão tố, gian nan, chúng ta quên mất những trường hợp xảy ra trong Thánh kinh, trong đó Thiên Chúa luôn bảo đảm với những người đang gặp thử thách: “Ta ở với ngươi.” Mô-sê sợ hãi khi nhận lệnh của Thiên Chúa sang Ai Cập đưa dân Chúa ra khỏi Ai Cập, Thiên Chúa bảo đảm với Mô-sê: “Ta ở với ngươi.” Thiên Chúa cũng bảo đảm ở với Gio-suê như thế khi sai ông dẫn dân vào Đất Hứa. Ngôn sứ Giêrêmia khốn đốn bị dân Israel chống đối và tìm cách giết hại ông, trong hoàn cảnh ấy Chúa bảo đảm với Giêrêmia: “Ta sẽ làm cho ngươi nên thành đồng kiên cố với dân này. Chúng có chống lại ngươi cũng chẳng làm chi được, vì Ta ở với ngươi để cứu sống và giải thoát ngươi.” Rất nhiều trường hợp như thế trong thánh kinh. Và sau cùng trước khi lên trời, Chúa Giê-su bảo đảm với các tín hữu: “Ta ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.”

Cùng hoàn cảnh gian nan như chúng ta, nhưng Gheorghiu có kinh nghiệm Chúa ở với ông trong mọi cơn bão tố cuộc đời, nên ông đã chia sẻ cho mọi người trong tác phẩm “Người lữ hành cô đơn”: “Không có người lữ hành nào là người cô đơn trên con đường vĩnh cửu, vì Chúa cùng đi với họ.” Liệu chúng ta có kinh nghiệm đức tin ấy và chia sẻ cho người đang gặp giông tố cuộc đời với niềm xác tín vào sự hiện diện của Chúa như Gheorghiu và các nhận vật lớn trong thánh kinh không?

  1. Chúa có cách cứu vớt và bảo vệ chúng ta

            Chúng ta thường quên Chúa có cách của Chúa để bảo vệ các tông đồ và chúng ta trong các cơn bão tố. Trong bão tố của các tông đồ, Chúa bảo sóng gió yên lặng, sóng gió yên lặng. Về phần thánh Phaolô, ngài chia sẻ kinh nghiệm đi theo Chúa: “Tôi phải chịu đựng những đau khổ này, nhưng tôi không hổ thẹn, vì tôi biết tôi tin vào ai” (2Tm 1,12), “không có gì tách tôi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa” (Rm 8,39). Đối với thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, Ngài khẳng định từ kinh nghiệm của mình: “Chẳng có sự dữ nào phải đối diện mà Đức Ki-tô không đối diện với chúng ta. Chẳng có kẻ thù nào đánh bại, mà Chúa Ki-tô không đánh bại rồi. Chẳng có thập giá nào phải vác mà Chúa Ki-tô không vác cho chúng ta rồi và bây giờ, Ngài vẫn vác với chúng ta” (bài giảng 10/1995). Sự can dự và can thiệp của Chúa vào cuộc đời ta khó nhận ra, nên các tông đồ và nhiều tín hữu trách móc Chúa chậm trễ hoặc không quan tâm đến họ.

            Một tín hữu đạo đức gặp sóng gió cuộc đời, chị ta trách Chúa: “Lạy Chúa, khi con gặp sóng gió thử thách, Chúa đang ở đâu?” Chúa cho chị thấy một thị kiến: chị được Chúa dẫn đi dạo trên bờ biển, trời trong, biển lặng thật êm đềm. Chị hạnh phúc khi thấy có bốn dấu chân song hành trên bãi biển, dấu chân của Chúa và của chị. Chợt, sóng gió nổi, cơn cuồng phong xảy đến, chị hoảng hốt nhìn thấy chỉ có một dấu chân trên cát, Chúa bỏ rơi chị rồi sao? Sao Chúa bảo Chúa yêu con cho đến chết và Chúa biết những lúc sóng gió là những lúc con cần đến Chúa hơn bao giờ hết. Nhưng sao giờ đây, con chỉ thấy một dấu chân thôi? – Chúa trả lời với chị: Một dấu chân con thấy trên bãi biển là dấu chân của Ta, vì lúc sóng gió, Ta đã bồng bế con trên tay.

            Có thể chúng ta như các tông đồ có nhiều lời than trách Chúa và mất đức tin trong bão tố cuộc đời. Ơn Chúa chưa trả hết, thì đừng phụ ơn Chúa. Hôm nay, Chúa bảo đảm Chúa ở với chúng ta trong mọi biến cố và có cách bảo vệ chúng ta. Xin Chúa cho chúng ta tin tưởng lòng Chúa yêu thương và dâng lời tín thác vào Chúa trong mọi lúc, mọi nơi, hằng dâng lời tạ ơn Chúa, vì Chúa hằng yêu thương ta.

SUY NIỆM II

PHÓ THÁC VÀ TIN TƯỞNG VÀO CHÚA

KHI GẶP NGHỊCH CẢNH HAY ĐAU KHỔ?

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

 

Rất nhiều người trong chúng ta đã một lần lâm vào khó khăn, nghịch cảnh. Lúc ấy, chúng ta luôn tự chất vấn mình: “Sao cuộc đời lại đầy rẫy khó khăn, đau khổ?”; “Tại sao điều này lại xảy ra với mình?”; “Tại sao đời bất hạnh đến vậy?”; hay ““Tôi có làm gì đâu mà tôi ra như thế này?”. Nhưng nếu suy tư một chút, chúng ta thấy rằng nghịch cảnh hay đau khổ trong cuộc đời là điều không thể tránh được. Chẳng hạn, người thì bị mất việc, kinh doanh thất bại, mất đi người thân, khủng hoảng tài chính, người thì đổ vỡ trong các mối quan hệ, hoặc thậm chí sức khỏe sa sút và bệnh tật. Lời Chúa trong các bài đọc hôm nay giúp chúng ta có cái nhìn và lối sống trước nghịch cảnh trong đời.

Bài đọc 1 kể Ông Gióp là người công chính, đạo đức và kính sợ Chúa vì thế ông được Chúa chúc phúc, con đàn cháu đống và của cải sung túc. Nhưng chẳng bao lâu ông gặp những cơn bão táp trong đời sống vật chất lẫn tinh thần: mất hết bà con bạn bè, tán gia bại sản, còn thân thể thì bị ung nhụt khủng khiếp. Thế nhưng, ông không nguyền rủa Thiên Chúa trái lại tin tưởng, phó thác và cậy trông vào Chúa. Cuối cùng Chúa thương ban cho ông có lại tất cả và phong phú hơn trước đây. Còn trong Bài Tin Mừng, Thánh Mác-cô kể khi gặp bão táp cuồng phong nỗi lên, các tông đồ hoảng sợ quá đến nỗi quên mất Chúa đang ở với mình. Các ông kêu Chúa và Chúa dẹp tan sóng gió.

Thật ra, mỗi khi thử thách đến trong đời, mỗi người đối diện và phản ứng một kiểu, chẳng ai giống ai. Có người thì quay lưng lại với chúng. Có người lại không dám tiến lên vì sợ thất bại. Lại có người không bao giờ hành động… vì lo không vượt qua nỗi. Có người kiên trì chịu đựng và can đảm vượt qua, nhưng có người thì nhụt chí thất vọng và tuyệt tự…

Khởi đi từ nguyên tắc cứu độ của Đức Giêsu trong nguyên lý của hạt lúa mì: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24); rồi chính Đức Giêsu đã đi trên con đường tự hủy đó để cứu độ con người. Đỉnh cao của mầu nhiệm này là cái chết trên thập giá như Ngài đã tiên báo: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại” (Mc 8, 31). Tinh thần này đã được thánh Phanxicô Assisi lựa chọn và sống, ngài viết: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. 

Quả thế, đằng sau sự mục nát của hạt lúa, chúng ta thấy trổ sinh nhiều cây và bông hạt khác. Cũng vậy, nếu không có thập giá hôm nào thì không có sự phục sinh của Đức Giêsu và niềm hy vọng của chúng ta. Chính Tôi Tớ Chúa, Đức Hồng Y Phanxicô Xavie  Nguyễn Văn Thuận cũng đã nói: “Đừng nản lòng vì thất bại. Nếu con tìm ý Chúa thực sự, thì chính sự thất bại đó là thành công. Chúa muốn như vậy. Chỉ có một sự thất bại là không hy vọng vào Chúa. Con đã hy vọng vào Chúa và con sẽ không hổ thẹn đến muôn đời” (Đường Hy Vọng, số 41. 43).

 “Lửa thử vàng, gian nan thử đức tin”. Trong hành trình sống đạo của chúng ta, hẳn không thiếu những nghịch cảnh, những sóng gió cuộc đời. Tuy nhiên, khi đối diện với chúng, mỗi người chúng ta hãy kiên trì và trung thành với ý Chúa. Mỗi khi khó khăn thử thách đến với chúng ta, đừng vì thất vọng mà buông xuôi nhưng biết chạy đến kêu cầu Chúa ra tay giúp đỡ như các Tông đồ hôm nay. Hãy trung thành, tin tưởng và cậy trông vào Chúa. Đừng than oán mỗi khi rơi vào nghịch cảnh nhưng nhớ rằng Chúa là Cha của chúng ta ở trên trời, Chúa luôn yêu thương chúng ta, Ngài biết trước những gì chúng ta cần, vì thế chúng ta nên phó thác trong tay Ngài. Hãy tin tưởng vào Chúa quan phòng (Mt 6,25-34).

Cuối cùng, mỗi khi gặp nghịch cảnh, khó khăn xảy đến, chúng ta đừng quá bận tâm cho câu hỏi tại sao? Mà hãy chú tâm và khám phá ra ý định của Thiên Chúa trong nghịch cảnh đó. Thật vậy, chính lúc ấy, Chúa sẽ cho biết lý do tại sao, hay cần phải làm gì để chúng ta nhận biết được những hồng ân quý báu Chúa ban cho trong nghịch cảnh đó. Mọi sự đều trở nên ích lợi cho những người yêu mến, tin tưởng và cậy trông ở Chúa. Vì thế, không còn chuyện than thân trách phận hay buồn bực, chán nản và thất vọng nữa. Ông Gióp là người đã sống mầu nhiệm đau khổ qua những nghịch cảnh một cách xuất sắc. Ông xin Chúa cho chịu thật nhiều đau khổ để đền vì tội mình. Ông sẵn lòng chịu khổ cực thay cho người khác vì lòng yêu mến Chúa. Ông luôn chiến đấu với sự yếu đuối bản thân, với những nghịch cảnh từng ngày từng giờ, từng phút, từng giây trong cuộc sống.

Xin hãy nhớ rằng những điều tốt đẹp ngày hôm nay là kết quả của những thử thách ngày hôm qua. Cho nên, Đức Hồng Y Phanxicô Xavie nói: ” ‘Khổ’. Đúng vậy. Thương khó, bỏ dễ. Khó mới quí, bỏ là quỉ” (ĐHV, số 60). Ước gì, Lời Chúa hôm nay là động lực và nguồn an ủi và sức mạnh để chúng ta dám đương đầu và chiến đấu với với bao nghịch cảnh trong đời ngõ hầu nhờ ơn Chúa con thuyền đức tin của chúng ta về thiên đàng bình an. Amen.