Chúa Nhật XII Thường Niên – Năm C


 CN.12.C

(Dcr 12,10-11; Gl 3,26-29; Lc 9,18-24)

19-6-2016

 Ở Dinh Cát, Quảng Trị, các quan vào nhà giáo dân phá đổ bàn thờ và bắt giải về Huế. Có 7 người xưng đạo can đảm hơn cả. Bảy vị bị án trảm quyết. Đáng khâm phục hơn là 4 em thiếu niên. Theo gương các bậc cha ông, các em đã tự đi nộp mình cho quan, xưng mình là người có đạo. Đó là 3 em trai Cai-ô, Ra-pha-en, Tê-pha-nô và em gái Gio-an-na. Người ta đã mua cho ba em trai áo lụa quí báu để ba em mặc ra pháp trường. Ba em bị kết án cho voi giầy đạp.

Em Cai-ô bị đem ra cho voi giầy đầu tiên. Mình mẩy chân tay bị voi đạp nát. Người ta đem thi thể em Cai-ô cho ba em còn lại trông thấy, để sợ hãi mà bỏ đạo. Nhưng các em tỏ vẻ bình tĩnh, can đảm làm mọi người bỡ ngỡ.

Quan gọi em gái Gio-an-na ra pháp trường. Em vừa đi vừa phe phẩy chiếc quạt cầm ở tay trái; còn tay phải giơ lên làm dấu Thánh Giá. Một con voi chạy ra húc vào ngực em Gio-an-na. Em nằm chết xõng xoài dưới đất.

Còn hai em Ra-pha-en và Tê-pha-nô cũng can đảm khi bị gọi ra pháp trường. Hai em bị voi giầy đạp chết can đảm.

Năm 1665, cha Chevreuil (Sơ-vơ-rơn) tính ra có 43 vị chết vì đạo (Nguyễn Hồng,  LSTGGHVN,II,trang 101-102).

 BTM : Trong BTM thánh Lu-ca kể : Chúa Giê-su hỏi các tông đồ : “Anh em bảo Thầy là ai ? Ông Phêrô thưa : ‘Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa’. Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai” (Lc 9,20-21).

Chú giải của CGKPV cắt nghĩa : “lời tuyên xưng  này rất đúng, nhưng còn mập mờ. Người ta có thể hiểu sai sứ mạng thực thụ của Người, gán cho Người sứ mạng của một Đấng Ki-tô mang tính cách chính trị, có nhiệm vụ giải phóng dân tộc và dành lại nền độc lập cho dân tộc” (Mc 8,29-30).

Để các môn đệ khỏi hiểu lầm Chúa xuống trần gian làm chính trị, thì Chúa bảo : “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9,22). Theo sách Tin Mừng của thánh Mt, Lc và Mc Chúa loan báo cuộc thương khó và phục sinh  3 lần.

Chinh thánh Phê-rô cũng hiểu lầm. Khi nghe Chúa loan báo lần thứ nhất, thánh Phê-rô kéo Chúa ra và trách : “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp chuyện ấy”. Nhưng Đức Giêsu quay lại bảo ông : “Xa-tan lui lại đằng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16,22-23).

Không phải chỉ có thánh Phê-rô mới hiểu lầm, mà hai anh em thánh Gia-cô-bê và Gio-an cũng  hiểu lầm.  Chúa loan báo lần thứ ba, hai ông (trong Mt 20,20-23 thì chính mẹ hai ông) đến gần và xin : “Thưa Thầy chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây : xin cho hai anh em chúng con một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” (Mc 10,35-37).

Bđ1 : Lời ngôn sứ Da-ca-ri-a trong bđ1 là lời sấm về cuộc thương khó của Đức Kitô (Kinh Thánh 2011, trang 2082). “Ngôn sứ Da-ca-ri-a sống đồng thời với ngôn sứ Khác-gai, và cùng với ông này  có trách nhiệm đôn đốc dân tái thiết Đền Thờ sau thời lưu đày trở về. Ngôn sứ Da-ca-ri-a là một tư tế  hoạt động sớm lắm vào khoảng năm 520 tCN và muộn lắm vào đầu thế kỷ IV tCN (KT 2011,tr 2063).

Như vậy, cuộc thương khó của Chúa Giêsu đã được ngôn sứ Da-ca-ri-a loan báo từ thế kỷ IV trước Công nguyên.

Bđ2 : Thánh Phao-lô trong thư Ga-lát, bđ2, viết : “Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy  để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô” (Gl 3,27). CGKPV giải nghĩa : “Phép rửa làm cho người ta nên công chính và được đồng hóa với Đức Ki-tô, được chia sẻ về trách nhiệm cứu thế với Người. Chính khi được nhận chìm trong dòng nước, tượng trưng cho sự chết, và trỗi lên khỏi mặt nước, dấu chỉ sự sống lại, chỉ sự chiến thắng, chúng ta được đời sống mới” (KT 2011,tr 2584-2585).

 Thánh Gia-cô-bê khuyên dạy chúng ta : “Thưa anh em, anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh em chưng tỏ lòng kiên nhẫn đó bằng những việc hoàn hảo, không chi đáng trách, không thiếu sót điều gì” (Gc 1,2-40

 ————————-

CN.12.C

20-6-2010

Ở bên Mỹ, bên Tây, người ta cử hành lễ Mẹ, lễ Cha, để nhớ đến “công cha nghĩa mẹ”.

Lễ Mẹ vào chúa nhật thứ hai tháng 5, lễ cha vào chúa nhật thứ ba tháng 6. Kỳ diệu thay lễ Mẹ vào tháng 5, tháng Đức Mẹ, lễ Cha vào tháng 6, tháng Thánh Tâm. Chúa nhật hôm nay là lễ Cha.

Có một người cha gửi cho con một lá thư như sau :

Con thương yêu,

Một ngày nào đó con sẽ thấy ba già đi, thân thể cũng dần dần héo mòn, thì xin con nhẫn nại chút xíu, thử tìm hiểu ba…

Nếu ba ăn uống dơ dáy không sạch sẽ, nếu ba không biết mặc áo…thì con hãy nhẫn nại một chút nghe con. Con có nhớ không, có khi ba bỏ ra rất nhiều thời gian để dạy con làm một vài việc ?

Nếu, khi ba cứ nói đi nói lại một chuyện gì đó…thì đừng ngắt lời ba, nghe ba nói… Khi con còn nhỏ, ba đọc truyện cho con nghe, lật trang này qua trang khác đọc cho đến khi con nhắm mắt ngủ mới thôi.

Khi ba không muốn tắm rửa thì không nên chê bai ba, cũng đừng chửi mắng ba… Con nhớ không, khi con còn nhỏ, ba đã nghĩ ra biết bao nhiêu là lý do để dỗ dành con đi tắm….cho nên, xin con cũng dỗ dành ba chút xíu, được không con ?

Khi con nhìn thấy ba không biết gì về khoa học tiên tiến, thì cho ba một chút thời gian, không nên cúp máy rồi nhìn ba mà cười nhạo…Ba đã dạy con bao nhiêu là chuyện nhỉ ? Nào là phải ăn uống như thế nào, phải mặc như thế nào, phải đối mặt với cuộc sống của con ra sao…?

Nếu trong lúc trò chuyện mà đột nhiên ba không nhớ gì cả, mất ý thức, thì hãy cho ba một thời gian để nhớ lại… Nếu ba vẫn cứ bất lực, xin con đừng căng thẳng… Ba mà nói, thì cái quan trọng không phải là nói, mà là có thể ở chung với con, và lắng nghe con…

Khi ba không muốn ăn thứ gì thì đừng nên gò ép ba, vì ba biết rất rõ lúc nào thì có thể ăn…

Khi chân của ba nó không nghe…thì phụ giúp ba một tay…Giống như ba đã giúp con, dẫn con bước thứ nhất đi trên cuộc đời của con…

Khi một ngày nào đó ba nói với con là ba không còn muốn sống nữa…Xin con đừng giận dữ…Có một ngày con sẽ hiểu…Thử tìm hiểu ba, sắp nằm gần kề miệng lỗ, những ngày sắp tới có thể đếm…

Có một ngày con sẽ phát hiện, mặc dù ba có nhiều cái sai, nhưng ba vẫn cứ muốn cho con cái tốt nhất…

Khi ba gần bên con thì đừng cảm thấy buồn rầu, bất đắc dĩ hoặc né tránh… Con phải kề sát bên ba, như ba hồi trước giúp con triển khai nhân sinh, hiểu ba, giúp ba… Xin để ba dựa vào con một chút, con hãy lấy yêu thương và lòng nhẫn nại giúp ba đi hết con đường nhân sinh…

Ba sẽ dùng nụ cười, sự không thay đổi của ba và tình yêu không bờ không bến, để báo đáp con…

Ba yêu con.

     Ba của con

Lá thư đã kể ra biết bao yêu thương vất vả người cha dành cho con. Xin tạm kể lại như sau : 1/ nhẫn nại, 2/ tốn biết bao thời giờ, 3/ nghĩ ra biết bao lý do để dỗ dành, 4/ dạy biết bao chuyện, 5/ lắng nghe con, 6/ dẫn con từng bước đi, 7/ cho con biết bao điều tốt, 8/ luôn ở bên con, 9/ ngày kề miệng lỗ sắp tới, 10/ một tình yêu vô bờ bến.

Người cha thế gian còn biết cho con cái nhiều như thế, huống hồ là người Cha trên trời !

Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay cũng nói lên tình yêu không thể kể hết của Cha trên trời.

Bđ1 : Từ 300 năm trước Chúa giáng sinh, ngôn sứ Dacaria đã tiên báo về thân phận khổ đau chết chóc của Chúa Giêsu : “Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu” (Dcr 12,10).

Bài TM : Những gì ngôn sứ Dacaria tiên báo từ 300 năm trước đã thể hiện nơi Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu cũng nói trong bài TM: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết” (Lc 9,22).

Bđ2 : Mặc dầu bị chết cách nhục nhã tức tưởi, nhưng Chúa Giêsu không bảo người ta báo thù; trái lại Chúa dạy người ta sống hiệp nhất yêu thương. Trong bđ2 thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Galát : “Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy đều thuộc về Đức Kitô…không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3,27-28).

Nhân ngày lễ Cha, chúng ta hãy nhớ lại “công cha như núi Thái Sơn”, để cầu nguyện và đừng làm buồn lòng Cha.

Đối với Người Cha trên trời cũng vậy. Chúa Giêsu nói với chị thánh Magarita Maria trong lần thứ II bày tỏ Trái Tim như sau : “Người ta chỉ đáp lại tình thương nồng cháy của Cha bằng sự lạnh nhạt và từ khước. Vậy ít là còn có con, con hãy an ủi và làm vui lòng Cha bao nhiêu có thể, để bù lại sự vô ơn của loài người”.

Linh mục Nguyễn Trung Thành