Chúa Nhật XIII Thường Niên A


CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN NĂM A
Ngày 02/7/2023

CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Thuận Yên

GIÁO HUẤN SỐ 32
HAI KẺ THÙ TINH VI CỦA SỰ THÁNH THIỆN
Ngộ Đạo Thuyết Hiện Đại (tt)

Không dễ để nắm hiểu sự thật mà chúng ta đã nhận từ Chúa. Và càng kho diễn đạt nó. Vì thế chúng ta không thể cho rằng cách mình hiểu sự thận nào đó sẽ trao cho mình cái quyền thực thi một sự giám sát nghiêm ngặt trên đời sống của những người khác. Ở đây tôi muốn ghi nhận rằng trong Giáo hội vẫn hợp pháp tồn tại những cách khác nhau để diễn dịch nhiều khía cạnh của giáo lý và đời sống Kitô giáo trong sự đa dạng của mình, chúng giúp diễn tả rõ hơn sự phong phú vô cùng của Lời Thiên Chúa. Quả thật đồi với những ai mong muốn có một bộ giáo thuyết nguyên khối cứng nhắc được tuân thủ bởi mọi người và không chừa chỗ nào cho sắc thái tinh tế, thì điều này sẽ có vẻ làm họ dị ứng và dẫn tới lộn xộn. Thật vậy một số trào lưu ngộ đạo thuyết đã xem thường tính mộc mạc đơn giản của Tin Mừng, và đã tìm cách thay thế vị Thiên Chúa Ba ngôi vị và nhập thể bằng một Đơn Nhất Tính tối cao, trong đó sự đa dạng phong phú của lịch sử của chúng ta biến mất (Tôn huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 43).

LỜI CHÚA: 
Bài Ðọc I: 2 V 4, 8-11. 14-16a
“Người đến trọ nhà mình, là một vị thánh của Thiên Chúa”.
Trích sách Các Vua quyển thứ hai.
Một ngày nọ, Êlisê đi ngang qua miền Sunam. Ở đó có một bà sang trọng mời ông ở lại dùng bữa. Và từ đấy, mỗi khi ông đi ngang qua đó, ông đều đến nhà bà dùng bữa. Bà nói với chồng bà rằng: “Tôi biết rằng người thường trọ nhà mình là một vị thánh của Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy làm cho ông một căn phòng trên lầu, và đặt trong căn phòng đó một cái giường, một cái bàn, một cái ghế, và một cây đèn, để mỗi khi đến, ông ở đó”.
Một ngày nọ Êlisê đến, ông lên căn phòng trên lầu và nghỉ tại đó. Ông nói (với Giêzê, tiểu đồng của ông): “Bà muốn chúng ta làm gì cho bà?” Giêzê nói rằng: “Thầy khỏi hỏi, bà ấy không có con, và chồng bà đã già”. Êlisê bảo gọi bà ta. Nghe gọi, bà liền đến đứng trước cửa, ông nói với bà rằng: “Năm tới cũng vào thời kỳ này, bà sẽ bồng bế một bé trai”. Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 88, 2-3. 16-17. 18-19
Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời.
Xướng: Con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời, qua mọi thế hệ miệng con loan truyền lòng trung thành Chúa. Vì Ngài đã phán: “Tình thương của Ta đứng vững muôn đời”; trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín. – Ðáp.
Xướng: Phúc thay dân tộc biết hân hoan, lạy Chúa, họ tiến thân trong ánh sáng nhan Ngài. Họ luôn luôn mừng rỡ vì danh Chúa, và tự hào vì đức công minh Ngài. – Ðáp.
Xướng: Vì Chúa là vinh quang quyền năng của họ; nhờ ân huệ Chúa, uy quyền của chúng tôi được suy tôn. Bởi chưng khiên thuẫn chúng tôi là của Chúa, và vua chúng tôi thuộc về Ðấng Thánh của Israel. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 6, 3-4. 8-11
“Chúng ta chịu mai táng với Ngài nhờ phép rửa, chúng ta phải sống đời sống mới”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tất cả chúng ta đã chịu phép rửa trong Ðức Kitô, tức là đã chịu phép rửa trong sự chết của Người. Và chúng ta đã cùng chịu mai táng với Người, bởi vì được thanh tẩy trong sự chết của Người, để như Ðức Kitô nhờ vinh hiển của Chúa Cha mà sống lại từ cõi chết thế nào, thì cả chúng ta cũng phải sống đời sống mới như thế. Mà nếu chúng ta đã chết với Ðức Kitô, chúng ta tin rằng: chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người, vì biết rằng Ðức Kitô một khi từ cõi chết sống lại, Người không chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa. Người đã chết, tức là chết một lần dứt khoát đối với tội lỗi, mà khi Người sống, là sống cho Thiên Chúa. Cả anh em cũng thế, anh em hãy tự kể như mình đã chết đối với tội lỗi, nhưng sống cho Thiên Chúa, trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Ðó là lời Chúa.

Alleluia: 1 Pr 2,9
Alleluia, alleluia! – Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, để loan truyền những kỳ công của Thiên Chúa, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. Alleluia.

Phúc Âm: Mt 10, 37-42
“Kẻ nào không mang lấy thập giá, thì không xứng đáng với Thầy; kẻ nào tiếp đón các con, là tiếp đón Thầy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các tông đồ rằng: “Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy, và kẻ nào yêu mến con trai, con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó.
“Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy; và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy. Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con, người ấy không mất phần thưởng đâu”.
Ðó là lời Chúa.

 

SUY NIỆM I
Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Quan Paolô

Cuộc trở lại đáng kể và nhiều hiệu quả hơn cả là cuộc trở lại của quan Paolô vào cuối năm 1622.
Cố vấn của hoàng tử trấn thủ Quảng Nam, cụ là ngưới thông thái, đã đọc tất cả các sách bàn về đạo lý kim cổ, nhưng chưa sách nào làm cụ hài lòng. Cuối cùng được đọc cuốn sách bổn của cha Matthêu Ricci, cụ mới chắc tìm thấy đạo thật. Bước vào đạo Công giáo với tên thánh Paolô, cụ vẫn tiếp tục tìm học hỏi sâu xa về đạo. Trong những ngày đầu năm, đồng thời cũng là những ngày đầu đời sống Công giáo của cụ, cụ đã sống trong chay tịnh và cầu nguyện. Tránh những cuộc thù tiếp ăn uống đầu xuân, cụ tìm chỗ thanh vắng để nguyện ngắm về những mầu nhiệm trong đạo. Sau rằm tháng giêng cụ mới làm tiệc mời các quan chức quen thuộc đến, trình bày lý do cuộc trở lại của cụ và mời mọi người đến dự cuộc thuyết giáo của cha Pina do cụ tổ chức.
Buổi thuyết giáo hôm đó có tới 3000 người tới dự. Cha Pina hy vọng sẽ cất được mẻ lưới đầy cá. Nhưng kẻ thù của đạo đã tìm cách phá, gây nghi ngờ hoang mang. Đang giữa buổi, một người đứng lên nói lớn : xin chư vị coi chứng vị tây giang đạo trưởng là một phù thủy có tài , có thể mê hoặc người nghe làm cho tin tất cả những lời mình nói là có thật. Rồi bưng miệng rút lui và một số cũng ra theo. Dầu vậy, sau buổi thuyết giáo cũng được hơn 30 người xin học đạo.
Từ đó, cụ nhiệt thành truyền đạo cho mọi người trong vùng, Cụ dựng một nhà nguyện. Tin Mừng lần lần lan truyền đi khắp nơi. Số giáo dân ngày càng thêm nhiều (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, trang 73).

xxx.

Quan Phao-lô khi thành người có đạo, đã trở thành người mới, như Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay
xxx

Bài đọc 1 (2V 4,8-11.14-16) : Ê-li-sa là đồ đệ của ngôn sứ Ê-li-a (2V 2,1-18)). Ngài rao giảng tiên tri ở Ít-ra-en vào giữa thế kỷ 8 tCN. Ngài làm nhiều phép lạ. Ở Su-mêm, có một bà đạo đức, giầu có, nhận Ê-li-sa là một người thánh thiện của Thiên Chúa. Bà xin chồng sửa soạn một phòng ở lầu trên để đón tiếp và dọn bữa cho người Thiên Chúa ăn. Thấy bà tử tế, rộng rãi, nhưng không có con. Ngôn sứ Ê-li-sa xin Thiên Chúa cho bà có con, để tưởng thưởng lòng tốt của bà (Revin O’Sullivan, Những Bài Đọc Chúa Nhật Năm A, trang 259).

Bài Tin Mừng (Mt 10,37-42) : Cha Revin O’Sullivan viết : “BTM hôm nay, Chúa Giêsu nhấn mạnh hai điểm :
1- Môn đệ thật của Chúa, phải hiến toàn thân cho Chúa : ‘Ai tìm giữ mạng sống mình thì sẽ mất, ai liều mạng sống vì Thầy thì sẽ tìm thấy được (10,39).
2- Bất cứ ai có lòng bác ái, giúp các môn đệ của Chúa, sẽ được phần thưởng : ‘Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống dù chỉ một chén nước lã thôi…thì sẽ không mất phần thưởng đâu (10, 42).

Bài đọc 2 (Rm 6,4-4.8-11) : Cha Revin O’Sullivan viết : Để hiểu lời thánh Phaolô ở đây, cần nhớ rằng Bí tích Rửa tội thời Giáo hội sơ khai được dìm trong nước. người rửa tội được dìm đầu và thân thể trong thùng nước. Trong khi dìm, thừa tác viên đọc những lời nghi thức. Dìm xuống nước biểu tượng người tân tòng chết bản thân mình và được chôn trong Đức Kitô. Lên khỏi nước tượng trưng cho sự sống mới với Chúa Kitô… Nhờ công trạng của Chúa Kitô, người tín hữu kết hiệp với Đức Kitô, và trở nên một thành phần trong thân thể của Ngài, trong Giáo hội (Sđd, trang 261).

Cầu nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã dủ lòng thương
nhận chúng con làm nghĩa tử
để chúng con thành con cái ánh sáng
và đừng để chúng con sa vào cảnh tối tăm lầm lạc,
nhưng gìn giữ chúng con
luôn rạng ngời ánh sáng chân lý Chúa.
Chúng con cầu xin.

 

SUY NIỆM II
CHẤP NHẬN VÁC THÁNH GIÁ ĐỜI MÌNH THEO CHÚA
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Vào đêm canh thức bế mạc đại hội giới trẻ thế giới 2013 tại Brazin, Anh Felipe Passos, 23 tuổi, khuyết tật chia sẻ về cuộc đời anh như sau: khi tham dự đại hội giới trẻ, tại Madrid năm 2011, anh quyết tâm sẽ ở khiết tịnh cho đến khi kết hôn và làm việc chăm chỉ để nhóm cầu nguyện của anh có thể tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới tại Rio de Janeiro. Với một ít tài sản, Felipe và bạn bè đã bắt đầu tiết kiệm tiền bằng cách làm việc vất vả. Vào ngày 11-1-2011, hai thanh niên bước vào nhà của anh với vũ trang, để cướp số tiền mà nhóm anh đã tích góp được với rất nhiều hy sinh. Felipe vì cố gắng giữ lại khoản tiết kiệm của nhóm nên anh bị bắn một phát chí tử. Anh chết lâm sàng, nhiều lần tim ngừng đập, bác sĩ lắc đầu bó tay. Anh đã hôn mê, phải thở qua ống thông mũi, trong khi đó cộng đoàn của anh hy sinh cầu nguyện cho anh. Và khi anh tỉnh lại, điều đầu tiên anh làm là xin được rước Thánh Thể và sau khi lãnh nhận, anh hồi phục nhanh chóng. Nhưng rồi sau đó, cuộc đời anh Felipe gắn liền với chiếc xe lăn, và anh tuyên bố: “Đây là Thánh giá của tôi, Thánh giá mà Chúa gửi đến, để tôi có thể gần Ngài hơn, để sống cởi mở hơn với ân sủng và tình yêu của Ngài”.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được”. Trước hết chúng ta cần phải hiểu thập giá của mình là gì? Có phải là cây thập giá của Chúa Giêsu khi xưa vác không? Chắc chắn là không rồi, thập giá mình đây là: nếu là những người có gia đình thì thập giá ấy chính là những khó khăn, gian nan khốn khổ về vật chất cũng như tinh thần trong hoàn cảnh gia đình mình. Chẳng hạn, làm ăn thất bại, cơm áo gạo tiền, con cái hoang đàng, vợ ngoại tình, chồng say sỉn, cờ bạc hay có chồng mà không có con như phụ nữ giàu sang trong bài đọc một kể… Rồi nếu là ông là bà, thì thập giá ấy chính là sự cô đơn tuổi già, con cái bỏ rơi, đủ thứ bệnh tật. Nếu là những học sinh, sinh viên hay bạn trẻ chưa lập gia đình, thập giá ấy chính là chuyện bài vở thi cử, bằng cấp, tìm kiếm việc làm, và rồi đối đầu với bao cám dỗ làm suy bại con người và trí óc tuổi trẻ. Rồi những người đi tu, thập giá ấy chính là đau khổ trong việc giữ đức khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời. Và cuối cùng là nhưng người khuyết tật hay bệnh nhân, thập giá là những chiếc xe lăn, những cặp nạn và những cơn đau xé lòng do căn bệnh gây nên. Chúng ta sẽ nói rằng những thập giá này tuy vô hình nhưng quá nặng làm sao chúng ta vác nỗi theo Chúa!
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những bậc cha ông của chúng ta cũng đã gặp những thập giá còn nặng nề và đáng sợ hơn chúng ta nhiều, ấy nhưng các Ngài đã vui lòng chọn và vác thập giá đến hơi thở cuối cùng. Các Ngài chẳng những vác thập giá mình hằng ngày bằng một đời sống thánh thiện quên mình, chết đi cho lòng vị kỷ và cho tội lỗi như các tín hữu khác, các Ngài còn thực sự đóng đinh chính xác mình vào thập giá để minh chứng cho đức tin bằng cuộc tử đạo. Cuộc đời các Ngài lặp lại từng bước những chặng được thập giá của Chúa Giêsu và kết thúc bằng lời phó thác: Lạy Cha, con xin phó hồn con ở trong tay Cha. Bằng đời sống và bằng cái chết, các thánh tử Đạo Việt Nam xác tín Đức Tin của mình rằng: Không ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Đức Kitô. Các ngài nghiệm rằng tình yêu dành cho Chúa mạnh hơn cả sự chết, vì dù có chết cũng được Chúa cho sống. Anh Felipe sau khi rước Thánh Thể Chúa anh đã tin vững vàn rằng Chúa là nguồn bình an và hạnh phúc nhất và chỉ đức tin mạnh mẽ vào Chúa anh mới có thể đón lấy và vác thập giá của mình là chiếc xe lăn để anh có thể gần Chúa hơn, để sống cởi mở hơn với ân sủng và tình yêu của Ngài.
Nhà thần học cha Arialdo Beni nói rằng: “Đức tin là vấn đề ý chí hơn là lý trí. Đức tin là tiếng xin vâng đáp lời đề nghị và lời hứa của Chúa. Đức tin là phó thác, tín nhiệm và trung thành dù cuộc sống có chết đi, là cố gắng toàn diện”. Vì vậy, nếu chúng ta tin và yêu Chúa một cách hời hợt, những thập giá ấy trở thành khổ giá, chúng làm cho ta sờ lòng nãn chí, thật vọng dễ dàng bỏ thập giá đời ta, bỏ Chúa, bỏ tha nhân và bỏ chính mình là tự tử. Còn nếu chúng ta tin và yêu Chúa một cách chân tình và thật sự, những thập giá kia là thánh giá đời ta vì thập giá ấy có Chúa vác cùng ta, có Chúa nâng đỡ ta và có Chúa giúp ta đi đến đỉnh vinh quang để được cứu độ. Cho nên, chúng ta phải vinh dự và hạnh phúc sống với, sống cùng thánh giá để được Chúa ban ân sủng dồi dào ngay đời này và ban triều thiên đời sau. Ngược lại, nếu chúng ta xấu hổ, tủi hờn, buồn khổ vì những thập giá này, chúng ta cảm thấy đời mình sau đắng cay biết là ngần nào vì thiếu vắng Chúa, thiếu vắng tha nhân và mất linh hồn thì nào có ích chi. Cho nên, Thánh Phaolô trong bài đọc 2 nói rằng: “Tất cả chúng ta đã chịu phép rửa trong Ðức Kitô, tức là đã chịu phép rửa trong sự chết của Người. Và chúng ta đã cùng chịu mai táng với Người, bởi vì được thanh tẩy trong sự chết của Người, để như Ðức Kitô nhờ vinh hiển của Chúa Cha mà sống lại từ cõi chết thế nào, thì cả chúng ta cũng phải sống đời sống mới như thế”.
Chúa Giêsu hôm nay khẳng định rằng “Ai muốn theo Tôi, thì phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Vâng, cái từ bỏ mà Chúa nói ở đây, đó là bỏ cái tôi kiêu ngạo, cái mặc cảm, cái sợ hãi của mình để khiêm tốn và can trường vui lòng chấp nhận vác lấy giá đời ta theo Chúa trong tin yêu và phó thác vào lòng thương xót Chúa. Cho nên, Chúa Giêsu nói rằng ai không mến thánh giá thì không thể làm môn đệ và là con cái Chúa. Ai xấu hổ thánh giá thì khốn cho người ấy vì Chúa cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy. Trong đời, ai không muốn sướng, ai cũng muốn giữ mạng sống mình, ai cũng muốn thoát khổ chứ ai muốn khổ bền vững. Nhưng Thánh Phaolô nói rằng khốn khổ, gian truân, đói rách, bệnh họan, khuyết tật, chết chóc là chuyện xảy ra thường tình và thường ngày với chúng ta. Ấy vậy, đừng vì những thử thách ấy mà chúng ta bỏ tha nhân, bỏ chính mình, bỏ Chúa và tình yêu của Ngài. Chính lúc ấy chúng ta càng theo Chúa, tin Chúa, nương tựa vào Chúa xót thương chúng ta sẽ được cứu và bình an vì Chúa đã trải qua nó và toàn thắng nó.
Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta nhìn thấy Thánh giá Chúa gửi đến chúng ta hầu noi gương các Thánh, biết chấp nhận vác Thánh giá đời mình để làm chứng cho Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót luôn ban ân sủng và tình yêu của Ngài làm cho đời ta bình an và hạnh phúc dù có khó khăn gian khổ. Amen.

 

SUY NIỆM III

HÃY ĐÓN TIẾP NHỮNG NGƯỜI LOAN BÁO TIN MỪNG

(Hội An 2/7/2023)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

            Sau khi chọn và sai các môn đệ ra đi loan báo ơn cứu độ, Chúa Giê-su cho họ biết cái giá của người môn đệ Chúa là chấp nhận rời bỏ những quyến luyến, không chỉ ruộng vườn, thuyền lưới, mà còn phải từ giã gia đình thân thuộc, không chỉ rời bỏ người thân, mà còn phải chịu thiệt thòi mạng sống và vác thánh giá. Không chỉ vậy, người môn đệ Chúa còn phải chịu bị người đời hất hủi.

  1. Đừng hất hủi hay đối xử tệ với người loan báo Tin Mừng

            Bị người đời ruồng bỏ và không được đón tiếp là thực trạng người được Chúa sai đi phải đối mặt. Chúa Giê-su đã nói, “không có ngôn sứ nào được đón nhận tại quê hương.” Ngôn sứ Giêrêmia từng chia sẻ số phận của ông khi loan báo ơn cứu độ của Thiên Chúa giữa đồng hương của mình: “Suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con” và người ta đã đánh đòn, cùm chân Giêrêmia lại, chỉ vì vị ngôn sứ nói lời Thiên Chúa. Chúa Giê-su còn báo cho các môn đệ biết trước, sẽ có nhà, có thành không tiếp đón các con (x. Mc 6,11). Và chính Chúa Giê-su còn bị người đời đánh đập và giết chết, thì người theo Chúa làm sao được người đời đối xử tốt hơn?

            Hội Thánh của Chúa và những môn đệ loan báo Tin Mừng ngày nay cũng đang đối mặt với những chống đối. Từ số liệu Giáo Hội cho biết, năm 2022 có chừng 100 tín hữu, gồm giám mục, linh mục và tu sĩ bị bắt, trong đó có 12 linh mục và tu sĩ bị giết chết. Mexicô và Ấn Độ là nơi các nhà truyền giáo phải chịu nhiều chống đối hơn cả. Lý do người đời chống đối, đơn giản chỉ vì các ngài không thỏa hiệp theo những đòi hỏi của họ, ngoài vấn đề chính trị còn là vấn đề phá thai, ly dị tái hôn, hôn nhân đồng tính v.v. Người đời không còn muốn nghe lời Chúa và không muốn qui chiếu mọi giải pháp dựa vào lời Chúa dạy được truyền lại trong Hội Thánh nữa. Người ta muốn Hội Thánh phải im tiếng và muốn những người được sai đến, thay vì loan báo Tin Mừng cứu độ, thì nói những lời làm thỏa mãn nhu cầu thế gian của họ. Trong trường hợp đó, Hội Thánh được mời gọi chọn sống theo thánh ý Chúa như người được Chúa sai đi vào trần thế loan báo Tin Mừng. Đó là lý do người môn đệ Chúa bị chống đối. Có bao giờ các bạn bị người thân chống đối hay cản ngăn vì sống đức tin chưa? Có bao giờ các bạn chấp nhận thỏa hiệp hay nói cho đẹp lòng người đời hơn là trung thành nói lời Chúa và chấp nhận cái giá của người theo Chúa không? Thái độ của bạn thế nào, khó chịu hay vui vẻ biết ơn khi có người khuyên nhủ hay nói lời Chúa cho bạn?

            Hôm nay, Chúa Giê-su cho chúng ta hiểu: “Ai đón tiếp các con là đón tiếp Thầy và kẻ nào đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mt 10,40).

  1. Hãy đón tiếp những người loan báo Tin Mừng

            Ở đây, rõ ràng Chúa muốn nói đến các môn đệ được Chúa sai đi. Đón các môn đệ Chúa là đón tiếp Chúa, đón tiếp Chúa là đón tiếp Chúa Cha, Đấng đã sai Chúa Giê-su đi vào trần thế. Không chỉ vậy, Chúa tiếp tục nói đến các ngôn sứ và những người công chính, là những giáo sĩ hay giáo dân, là những người nói lời Chúa và nói nhân danh Chúa. Khi đón tiếp những người như thế là đón tiếp Chúa.

            “Đón tiếp” theo nghĩa Thánh Kinh là rước vào nhà của mình. Mát-ta đón rước Chúa vào nhà mình, Gia-kêu đón Chúa vào nhà mình. Chúa muốn chúng ta đón những người Chúa sai đến và những lời Tin Mừng họ mang đến vào nhà của chúng ta, vào tận tâm hồn chúng ta. Chúa muốn chúng ta đón tiếp họ, nhận lấy những lời họ mang đến nhân danh Chúa, như người phụ nữ giàu sang tiếp đón ngôn sứ Êlisê được thuật lại trong sách các Vua quyển thứ hai hôm nay.

            Các nhà truyền giáo vào những ngày đầu tiên đến Việt Nam, nếu không có những tâm lòng quảng đại đón tiếp, làm sao Hội Thánh phát triển, không chỉ lớn mạnh về cơ cấu, mà hơn cả, lớn mạnh đức tin và làm cho đức tin lan tỏa đến tận hôm nay? Nếu không có những người đi trước chúng ta đón tiếp và rộng rãi hy sinh dâng cúng, làm sao Hội Thánh có những cơ sở vật chất để xây dựng và mở mang Hội Thánh? Như các Ki-tô hữu thời tiên khởi, giáo dân Việt Nam đón nhận các thừa sai với lòng yêu mến, quảng đại và biết ơn, vì nhận biết các ngài đến “mở mắt cho họ, khiến họ rời bóng tối mà trở về cùng ánh sáng, thoát khỏi quyền lực satan mà trở về cùng Thiên Chúa” (Cv 26,18). Chúa Giê-su như thể trao số phận của các thừa sai cho người dân nơi họ được sai đến, để minh chứng lời Chúa bảo đảm cho các thừa sai: Chúa ở cùng họ. Nếu được nhà nào đón nhận, thì ở lại đó cho đến khi ra đi và những người trong nhà đó là những người đang đón nhận Chúa Giê-su và đón nhận Chúa Cha.

            Vậy, trong bối cảnh xã hội đang thiếu thiện cảm khi nhìn những thừa sai hôm nay như linh mục, giáo lý viên hay ông bà hoặc cha mẹ và những người có trách nhiệm nói lời Chúa, chúng ta được Chúa nhắc nhở: Ai đón tiếp những người Chúa sai đến là đón tiếp Chúa Giê-su và kẻ nào đón tiếp Chúa Giê-su là đón tiếp Chúa Cha, Đấng đã sai Chúa Giê-su đến. Xin Chúa cho chúng ta có lòng biết ơn những người nói lời Chúa cho chúng ta và cho chúng ta biết tận tụy giúp đỡ những người Chúa sai đến, để lời Chúa từ họ được vang lên và được mọi người đón nhận. Xin cho chúng ta vui mừng vì nhận biết: đón nhận các linh mục, tu sĩ, giáo lý viên, cha mẹ, những người đem lời Chúa giảng dạy cho chúng ta là đón nhận chính Chúa vào nhà và vào tâm hồn chúng ta.

            Lạy Chúa, xin ban phúc lành cho những người đang xả thân loan báo lời Chúa.