Chúa Nhật XIII Thường Niên B


CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN NĂM B

Ngày 30/6/2024

Giáo xứ Thuận Yên Chầu Thánh Thể

GIÁO HUẤN SỐ 30

TIÊU CHUẨN LỚN

“Việc thờ phượng được Thiên Chúa ưa thích nhất” (tiếp theo)

 “Ở đây tôi nghĩ đến Thánh Tôma, người đã đặt câu hỏi những hành động nào của chúng ta là cao quí nhất, những công việc bên ngoài nào cho thấy rõ nhất tình yêu đối với Thiên Chúa. Thánh Tôma không chút lưỡng lự trả lời rằng đó là những việc làm của lòng thương xót đối với tha nhân, thậm chí hơn cả những việc thờ phượng của chúng ta: “Chúng ta thờ phượng Thiên Chúa bằng những hy sinh và lễ vật bên ngoài, không phải để đem lại gì cho Thiên Chúa, nhưng là cho chúng ta và cho tha nhân. Vì Thiên Chúa không cần những hy sinh của chúng ta, nhưng Ngài muốn chúng ta dâng các hy sinh cho Ngài, để khơi lên lòng nhiệt thành của ta và để sinh ích cho tha nhân. Vì thế lòng thương xót, trong đó chúng ta đáp ứng nhu cầu của người khác, là một hy sinh được Thiên Chúa ưa thích hơn, vì nó hướng trực tiếp hơn tới thiện ích của tha nhân”. (Tông huấn Hãy Vui mừng Hoan hỉ, số 106).

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

Kn 1,13-15; 2,23-24; 2Cr 8,7.9.13-15; Mc 5,21-43

Bài Ðọc I: G Kn 1, 13-15; 2, 23-25

“Bởi ác quỷ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Thiên Chúa không tạo dựng sự chết, chẳng vui mừng khi người sống phải chết. Người tác thành mọi sự cho có. Người tạo dựng mọi sự trên mặt đất đều lành mạnh, chúng không có nọc độc sự chết, và không có địa ngục ở trần gian.

Vì chưng, công chính thì vĩnh cửu và bất tử. Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, để sống vĩnh viễn. Nhưng bởi ác quỷ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian: kẻ nào thuộc về nó thì bắt chước nó.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 29, 2 và 4. 5-6. 11-12a và 13b

Ðáp: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con (c. 2a).

Xướng: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con, và không để quân thù hoan hỉ về con. Lạy Chúa, Chúa đã đưa linh hồn con thoát xa âm phủ; Ngài đã cứu con khỏi số người đang bước xuống mồ.

Xướng: Các tín đồ của Chúa, hãy đàn ca mừng Ngài, và hãy cảm tạ thánh danh Ngài. Vì cơn giận của Ngài chỉ lâu trong giây phút, nhưng lòng nhân hậu của Ngài vẫn có suốt đời.

Xướng: Lạy Chúa, xin nhậm lời và xót thương con. Lạy Chúa, xin Ngài gia ân cứu giúp con. Chúa đã biến đổi lời than khóc thành khúc nhạc cho con; Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con sẽ tán tụng Chúa tới muôn đời.

Bài Ðọc II: 2 Cr 8, 7. 9. 13-15

“Sự dư thừa của anh em bù đắp lại sự thiếu thốn của những anh em nghèo khó”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, cũng như anh em vượt trổi về mọi mặt: về lòng tin, về hùng biện, về sự hiểu biết, về mọi hình thức nhiệt thành, cũng như về lòng bác ái của anh em, thì anh em cũng phải vượt trổi trong việc phúc đức này.

Vì anh em biết lòng quảng đại của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: mặc dù giàu sang, Người đã nên thân phận nghèo khó, để nhờ việc nghèo khó của Người, anh em nên giàu có. Nhưng không lẽ để cho kẻ khác được thư thái, mà anh em phải túng thiếu, nhưng phải làm sao cho đồng đều. Trong hoàn cảnh hiện tại, sự dư giả của anh em bù đắp lại chỗ thiếu thốn của họ, để sự dư giả của họ bù đắp lại sự thiếu thốn của anh em, hầu có sự đồng đều như lời đã chép rằng: “Kẻ được nhiều, thì cũng không dư; mà kẻ có ít, cũng không thiếu”.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 5, 21-43

“Hỡi em bé, Ta bảo em hãy chỗi dậy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển. Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến. Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: “Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống”. Chúa Giêsu ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía.

{Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành”. Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: “Ai đã chạm đến áo Ta?” Các môn đệ thưa Người rằng: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi ‘Ai chạm đến Ta?’!” Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó. Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật. Người bảo bà: “Hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh”.}

Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: “Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?” Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: “Ông đừng sợ, hãy cứ tin”. Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. Các Ngài đến nhà ông trưởng hội đường và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: “Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó”. Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: “Talitha, Koumi”, nghĩa là: “Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!” Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi. Họ sửng sốt kinh ngạc. Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy và bảo họ cho em bé ăn.

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM I

ĐỨC TIN MẠNH MẼ NHỜ HÀNH ĐỘNG

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Một lần kia, trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Mẹ Têrêxa Calcutta phải đối diện với một phóng viên không mấy thiện cảm đối với Giáo Hội. Mẹ Têrêxa nói với ông: “Tôi nghĩ rằng ông nên có đức tin”. Người phóng viên hỏi: “Tôi phải làm gì để có đức tin?” Mẹ Têrêxa đáp: “Ông hãy cầu nguyện”. Ông chống chế: “Tôi không biết và không thể cầu nguyện”. Mẹ Têrêxa dịu dàng nói: “Tôi sẽ cầu nguyện cho ông. Nhưng về phần ông, ông hãy cố gắng mỉm cười với những người chung quanh ông. Vì một nụ cười có thể đánh động được tâm hồn người khác. Một nụ cười có thể cho chúng ta cảm nghiệm được Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống chúng ta”.

Đúng thế, những hành động cụ thể thường hùng hồn hơn, có khả năng thuyết phục hơn những lời nói suông, “lời nói long lây, gương bày lối kéo”. Trong bài Tin Mừng, người phụ nữ bị hoại huyết được chữa lành hoàn toàn do lòng thương xót Chúa. Người phụ nữ bệnh hoạn này theo luật Môisê, là một người ô uế, không được ra trước công chúng. Ấy thế mà hôm nay dám ra trước đám đông, lách qua đám đông rồi tiến đến gần Chúa Giêsu. Vì quá tin vào Chúa, bà ta đã biểu lộ đức tin của mình, dù có khó khắn cách mấy, bao lâu đến mấy, bất chấp luật cấm phiền phức và khắt khe, người ta xua đuổi khống chế bà đến với Chúa Giêsu nhưng bà tìm mọi cách để chỉ cần chạm đến Chúa là chắc chắn được khỏi bệnh. Đức tin của bà quá sống động, cực kỳ vững mạnh cho nên Chúa Giêsu đã xác nhận và ban thưởng cho bà: “Lòng tin của con đã cứu chữa con”.

Rồi đến ông Gia-ia có đứa con gái mắc bệnh nặng thập tử nhất sinh, ông đến xin Chúa cứu chữa con ông. Lòng tin mạnh mẽ của ông được bộc lộ ra qua tất cả con người ông, nghĩa là qua các cử chỉ cũng như lời yêu cầu của ông. Thực vậy, khi đến trước mặt Chúa, ông quì sụp dưới chân Chúa, đây là một cử chỉ dành riêng cho Thiên Chúa trong Cựu ước, cử chỉ này chứng tỏ ông tin và nhận ra Chúa là Đấng Thiên Sai. Cử chỉ thứ hai là ông xin Chúa đến đặt tay trên cháu, để nó được cứu thoát và được sống. Nhận thấy lòng tin mạnh mẽ của ông, Chúa đi tới nhà ông và cho con gái ông sống lại.

Chúng ta hôm nay đã có đức tin nhờ Phép Rửa Tội. Điều quan trọng là sống lòng tin như thế nào trong cuộc sống hôm nay: khi vui và hạnh phúc hay khi gặp thử thách, hoạn nạn, đau khổ tinh thần hay thể xác thì sao đây?

Niềm tin, lòng tin hay đức tin thì không thể nhìn thấy, bởi vì nó không phải là vật chất nhưng nó là một cái gì đó có thật, nhưng thuộc về tinh thần. Người ta không thể thấy được nó nhưng người ta có thể biết nó có nhờ khi biểu lộ qua hành động bên ngoài. Cũng như không ai nhìn thấy lòng tin của ông Gia-ia và của người đàn bà băng huyết, nhưng qua thái độ, lời nói và cử chỉ của họ đã biểu lộ lòng tin của họ. Cũng vậy, chúng ta có đức tin hay không, chẳng ai biết, nhưng khi thấy chúng ta đi lễ, thấy chúng ta đi vào nhà thờ nghiêm trang, chúng sống đạo đức thánh thiện, bác ái hy sinh… người ta có thể biết được chúng ta là người có đức tin. Như thế, một điều chúng ta có thể ghi nhận là: đức tin chỉ ở trong lòng thôi thì chưa đủ mà còn phải biểu lộ ra bên ngoài bằng hành động. Cho nên, Thánh Giacôbê nói: “Ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,14.17). Còn thần học gia Arialdo Beni nói rằng: “Đức tin thật sự là đức tin dấn thân. Nó được thể hiện trong chiều kích qui Thiên Chúa và qui tha nhân. Chính trong cuộc sống thực tiễn và trong tương quan với tha nhân mà đức tin trở thành sống động”.

Vì thế, chúng ta cần phải thể hiện đức tin mạnh mẽ qua những hành động như ông Gia-ia và người phụ nữ hiên ngang mà không hổ thẹn, vững chắc chứ không hồ nghi, dẻo dai và can đảm nhưng đầy tin tưởng trong tâm hồn qua từng biến cố, hoàn cảnh trong cuộc sống để nên công chính trước mặt Chúa. Một khi sống công chính nhờ đức tin thì nói như bài đọc 1: “đức công chính thì trường sinh bất tử. Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người” (Kn 1,15 – 2,23). Cho nên, trong bài đọc 2 Thánh Phaolô dạy chúng ta phải trổi vượt về mọi mặt: về đức tin, lời giảng, sự hiểu biết, lòng nhiệt thành trong mọi lãnh vực, và về lòng bác ái. Ước gì, Lời Chúa hôm nay xin cho mỗi người chúng ta luôn thể hiện đức tin của mình một cách mạnh mẽ qua việc sống thương người: tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật cùng các ngày lễ buộc, siên năng việc Đức Chúa trời chớ làm biếng. Cho kẻ đói ăn. Cho kẻ khát uống. Cho kẻ rách rưới ăn mặc. Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc. Chôn xác kẻ chết. Rồi, lấy lời lành mà khuyên người. Mở dậy kẻ mê muội. Yên ủi kẻ âu lo. Răn bảo kẻ có tội. Tha kẻ dể ta. Nhịn kẻ mất lòng ta. Cầu cho kẻ sống và kẻ chết. Amen.

SUY NIỆM II

HAI PHÉP LẠ VỀ SỰ SỐNG

Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, OP

Nhờ tin, mọi sự đều có thể

Một đám người rất đông vây quanh Đức Giêsu, chờ đợi một lời nói hay một cử chỉ lạ thường  Bỗng nhiên, có một người, dáng vẻ vội vã, đẩy mọi người ra và tiến đến trước mặt Đức Giêsu  Ông có điều gì muốn thưa với Người  Ông tên là Giaia, trưởng hội đường

Thoạt tiên, người đàn ông này biết rằng mình có thể tín nhiệm vào Đức Giêsu  Ông “phủ phục dưới chân Đức Giêsu và năn nỉ” Người đến chữa con gái ông vừa mới tắt thở  Tình yêu của người cha đối với đứa con gái đã làm cho ông can đảm: ông sẵn sàng tin cậy vào một người qua đường, ông tín nhiệm vào một người từ nơi khác đến, mà cho đến lúc này, ông chỉ mới nghe đồn  Sự sống của đứa con gái ông vẫn hằng bao bọc, nuôi dưỡng, nay không còn nữa, và ông đến xin lại từ một người khác, một người xa lạ

Đức Giêsu yên lặng đi theo ông trưởng hội đường  Đám đông vẫn tiếp tục vây lấy Người  Họ chen lấn, xô đẩy như muốn đè bẹp Người  Trong đám đông hỗn độn ấy, có một người phụ nữ khốn khổ rất mong được đến gần Đức Giêsu, chạm vào Người, dù chỉ là gấu áo thôi cũng được  Bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu”.

Bà biết là mình ô uế, bởi vì theo não trạng người Do Thái lúc bấy giờ, một người phụ nữ trong tình trạng như bà bị coi là “không được chạm đến”  Không ai được chạm đến bà, và ngược lại bà cũng không được chạm đến ai  Bà là người ô uế và ai đến gần bà cũng bị ô uế

Bà mong được đến gần, được chạm đến Đức Giêsu, để chấm dứt tình trạng ô uế của mình  Bà tin rằng Đức Giêsu là một con người, nhưng không giống những người khác  Bà cảm thấy rằng từ con người này, bà có thể nhận được tất cả: nhận lại chính mình, được trả lại chính mình

Bà biết rằng bà đang làm một việc liều lĩnh, bởi vì đó là một điều cấm kỵ  Nhưng chính sự đau khổ đã thúc đẩy bà, và bà đã đến với Đức Giêsu  Phần mình, Đức Giêsu không sợ những điều cấm kỵ, không coi thường những nỗi khổ sâu kín nhất, đáng xấu hổ nhất  Người là Đấng cứu độ đến trần gian để giải thoát mỗi người khỏi nỗi cô đơn và sự sợ hãi

Ngay tức khắc “bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh”; và cũng ngay lúc ấy, Đức Giêsu “thấy có một năng lực từ nơi mình phát ra”. Một cảm nghiệm sâu xa nảy sinh từ cuộc gặp gỡ cá vị giữa người tin và Thiên Chúa của mình

Đức Giêsu ngừng lại, đưa mắt nhìn quanh  Bấy giờ người phụ nữ có thể bày tỏ chính mình  Bà phủ phục dưới chân Đức Giêsu và bày tỏ hết sự thật: một thái độ phó thác, tin cậy, hy vọng  Thái độ này chứng tỏ rằng, khi người ta được đón nhận cách trọn vẹn, người ta khám phá ra mình dễ thương, mình xứng đáng được yêu thương và có khả năng yêu thương

Cũng như hai tác giả Mátthêu và Luca, thánh Máccô nối kết phép lạ này với câu chuyện chữa lành con gái ông Giaia

Khi Đức Giêsu đang trên đường đến nhà ông Giaia, có người đến nói với ông: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” Đối với người không tin, như thế là trễ rồi, không còn cứu vớt được nữa  Một khi không có lòng tin tưởng, cậy trông, thì lúc nào cũng trễ  Đức Giêsu nghe được những lời xầm xì, Người nói với ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi!”

Và sau đó, Đức Giêsu đã gọi cô bé dậy  Người nói: “Này bé, chỗi dậy đi!” Cô bé liền chỗi dậy, vì có ai đó đã gọi cô, chính tên cô

Những chi tiết về vượt qua

Trong bản văn dài này, người ta có thể rút ra được những chi tiết diễn tả một bước vượt qua, từ sự chết sang sự sống

*        Từ bờ bên này sang bờ bên kia.

Đức Giêsu sang bờ bên kia, và ông Giaia chen qua đám đông để đến gặp Đức Giêsu  Sau đó cả hai cùng vượt qua biển người  Cả một đám đông như sóng dậy vây lấy cả hai, dường như muốn nuốt chửng

*        Từ ngôi mộ động đậy đến Nhà sự sống

Căn nhà của ông Giaia giống như một ngôi mộ  Một đám đông vây quanh cô bé mới chết  Họ khóc lóc, vật vã, kêu gào

Đức Giêsu đuổi mọi người ra khỏi nhà tựa như làm cho ngôi mộ ra trống không  Người gọi cô bé đang thiếp ngủ dậy, và trong căn nhà nơi sự sống thiếp ngủ, không cần phải có tiếng khóc than

*        Tuổi của sự sống

Con gái ông Giaia được mười hai tuổi: tuổi dậy thì, tuổi có thể bắt đầu đem lại sự sống  Trong khi đó, người phụ nữ mắc bệnh đã mười hai năm, và bà trở thành người vô sinh: bà bị coi như đã chết

Cả cô bé lẫn người phụ nữ mắc bệnh đều từ cõi chết bước vào sự sống, nhờ năng lực từ nơi Đức Giêsu phát ra  Chính Người là sự sống

*        Từ đặt tay đến lời

Ông Giaia xin Đức Giêsu đến đặt tay trên con gái ông  Nhưng Đức Giêsu không làm đúng như ông yêu cầu  Người nói với cô bé: “Chỗi dậy đi”; trước đó Người cũng nói với người phụ nữ một lời tương tự  Nhờ lời Đức Giêsu, sự sống đã chỗi dậy, như một hạt giống, một mầm non

*        Phục sinh cho tương lai

Người đàn bà được chữa khỏi bệnh, cô bé được chỗi dậy từ cõi chết: cả hai vẫn chưa đạt được mục tiêu  Cuộc sống vẫn còn ở phía trước  Cô bé  “sống lại”; còn người phụ nữ nghe Đức Giêsu nói: “Con hãy về”

Phục sinh là một cuộc sinh ra, nhưng mới chỉ là điểm khởi hành  Đức Giêsu bảo những người đang đứng đó cho cô bé ăn. Của ăn và sự sống đi liền với nhau

Đánh thức niềm hy vọng

Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta được mời gọi suy niệm về sự sống và về niềm hy vọng một cuộc sống không hư hoại  Sự sống là một thực tại, và có lẽ chúng ta càng cảm nhận cách rõ rệt hơn, khi mắc bệnh hay đối diện với cái chết  Bất chấp mọi sự xảy ra như thế nào, chúng ta có dám tin và hy vọng?

Lòng tin tưởng chân thành và đơn sơ của ông Giaia cũng như của người phụ nữ chính là gương mẫu cho chúng ta

Người phụ nữ có vẻ như mê tín, chỉ mong sờ đến áo Đức Giêsu là được khỏi bệnh  Đức Giêsu không khinh thường bà, trái lại, Người tạo cơ hội gặp gỡ, giúp bà thoát khỏi tình trạng bệnh tật và ban cho bà bình an

Lòng tin của ông Giaia mãnh liệt hơn  Ông vẫn tin vào Đức Giêsu, trong khi đám đông dân chúng nghĩ rằng không ai có thể chống lại cái chết  Đối với Đức Giêsu, cái chết chỉ là một giấc ngủ  Nhờ lòng tin, giấc ngủ này sẽ mở ra một buổi sáng phục sinh

Những từ ngữ được sử dụng làm cho người ta nhớ đến phép rửa, tức là tham dự vào cuộc phục sinh của Đức Kitô

“Tỉnh giấc đi nào, hỡi người còn đang ngủ!

Từ chốn tử vong, chỗi dậy đi nào!

Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi”. (Ep 5,14)

Trong mỗi chúng ta đều có một niềm hy vọng, nhưng nó đang ngủ như cô bé của bài Tin Mừng  Cần đánh thức nó dậy, và thúc đẩy nó tiến tới  Điều kỳ diệu chỉ có thể xảy ra khi chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào Đức Giêsu, Đấng có thể mở ra một buổi sáng phục sinh, từ những đêm tối của riêng chúng ta, những đêm tối nhất

* * * * *

“Đức Giêsu nói với ông Giaia:

Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi!

Nhưng tin là gì?

Là đưa cánh tay ra,  vượt ra khỏi những xôn xao và sợ hãi,  để nắm lấy Bàn Tay của Thiên Chúa.

Chúng ta biết rằng, Bàn Tay ấy vẫn luôn giơ ra”.

(theo A.M.Besnard)

 

ĐỨC TIN VÀO LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

(Hội An 30/6/2024)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

            Một tác giả nhận xét phần trình bày trình thuật Tin Mừng hôm nay như một thứ bánh Sandwich, bánh mì kẹp, hai bên là bánh mì bao bọc cho lớp nhân ngon ở giữa. Khởi đầu, thánh sử Mát-cô nói đến trường hợp ông trưởng hội đường Gia-rô chạy đến xin Chúa cứu sống đứa con gái của ông. Bỗng dưng tạm ngừng ở đó, Mát-cô mở ra câu chuyện khác, chuyện một phụ nữ đã bị bệnh 12 năm, hết phương chạy thuốc, tìm đến xin Chúa cứu chữa. Mát-cô lại tiếp tục câu chuyện đầu tiên và kết thúc trong việc Chúa chữa lành cho con gái ông Giai-rô. Như vậy, điểm lời Chúa muốn mạc khải cho chúng ta qua hai câu chuyện người phụ nữ bị bệnh vô phương cứu chữa và đứa con gái ông giai-rô bị chết là: đức tin vào Chúa Giê-su sẽ chạm đến lòng thương xót của Ngài

  1. Đức tin vào lòng Chúa thương xót

            Người phụ nữ và ông Giai-rô đều là những người chạy đến cùng đường. Người phụ nữ đau đớn vì bệnh tật, khổ sở vì tìm thầy chạy thuốc và rơi vào cảnh khốn đốn, thế mà bệnh lại càng thêm nặng. Đến với Chúa Giê-su là nơi hy vọng còn sót lại của bà sau thời gian dài bệnh tật. Ông Gia-rô cũng không còn nơi nào cầu cứu cho con ông, ngoài Chúa Giê-su, vì con ông sắp chết.

            Cả hai đều vô phương, nhưng cả hai đều sợ hãi. Họ sợ Chúa. Họ sợ Chúa cũng hợp lẽ thôi, vì theo quan niệm của người Do Thái, bệnh tật là hậu quả của tội lỗi, nghĩa là đã có một thời gian dài và cho đến hôm nay họ vẫn còn vướng trong tình trạng tội lỗi, lòng còn xa cách Chúa, họ sợ hãi Chúa. Nhưng cứ sống trong sợ hãi, trong tội lỗi, vẫn cứ xa cách Thiên Chúa thì chẳng có một cửa ngõ nào mở ra cho tương lai và bình an, thậm chí không dám có một giấc mơ thánh thiện. Nếu cứ giam hãm mình trong nỗi sợ hãi Chúa, người phụ nữ bệnh tật và ông Giai-rô sẽ đi vào ngõ cụt, vì thế, họ không để mình như một con vật nhốt trong lồng, dù đó là con chim họa mi hót hay vẫn mất tự do, họ vượt qua nỗi sợ hãi và đến với Chúa Giê-su.

            Cả hai sợ hãi đến phủ phục dưới chân Chúa. Con người của những thời đại tự cho mình tân tiến, văn minh, không thể nào hiểu nỗi thái độ phủ phục của những người có đức tin vào Thiên Chúa. Đức Bênêđictô trong cuốn “Tinh Thần Phụng Vụ” đã đề cập đến thái độ cao ngạo của những người thời đại, họ cho rằng phủ phục hay quỳ gối không còn phù hợp với văn hóa thời đại, vì con người hôm nay tự do và “cả đối với một người được cứu chuộc, phủ phục cũng không còn thích đáng, vì họ đã được Chúa Giê-su giải phóng rồi nên không cần quỳ gối nữa.” Thực ra, phủ phục hay quỳ gối xuất phát từ thánh kinh và từ nhận thức của người tín hữu vào Thiên Chúa, họ nhận thấy sự bất xứng của mình trước Thiên Chúa uy nghi, thánh thiện và giàu lòng yêu thương. Thái độ phủ phục của người phụ nữ và của ông Giai-rô trước Chúa Giê-su là cách thức tuyên xưng Chúa Giê-su là Thiên Chúa và họ là người bất xứng. Giữa cơn khủng hoảng nhất trong cuộc đời, họ chạy đến với Chúa Giê-su và nương tựa vào Ngài mà thôi. Trong cơn khủng hoảng của bạn, của gia đình và của Giáo hội, bạn chạy đến nương tựa vào ai?

  1. Đức tin chạm vào lòng Chúa thương xót

            Đức tin của họ đã chạm đến lòng thương xót của Chúa Giê-su. Người phụ nữ nghĩ rằng chỉ cần chạm đến áo Chúa là được chữa lành. Và quả thật, “máu cầm lại và bà cảm thấy trong mình được khỏi bệnh.” Bà nghĩ rằng chiếc áo của Chúa có sức tha thứ và chữa lành. Nhưng Chúa Giê-su nói với bà: đức tin của con đã cứu chữa con.” Bà được thoát ra khỏi cơn bế tắc và được chữa lành nhờ tin vào Chúa Giê-su, chứ không phải nhờ chiếc áo. Chúa cho bà biết, chính đức tin của bà mở cửa đón nhận quyền năng và lòng thương xót của Chúa.

            Ông Giai-rô dù mà một trưởng hội đường, là những người không muốn Chúa Giê-su đến thay đổi vị thế và lợi tức của họ trong dân, nhưng đối với gia đình ông, hôm nay ông muốn Chúa đến gấp để chữa con ông. Ông bất ngờ, ông đi mời Chúa chữa cho con gái của ông, mà Chúa lại chữa lành cho người phụ nữ kia trước. Ông không hiểu trước lòng thương xót của Chúa, những người bị giam hãm trong tội lâu năm là địa chỉ ưu tiên Chúa đến với họ. Vì thế, khi nghe người nhà báo con ông đã chết, phiền Chúa làm gì nữa, ông như người đang phải chịu cơn thử thách đức tin đến tột cùng. Nhưng con ông và gia đình ông không ở ngoài lòng thương xót của Chúa. Chúa đã cho con ông sống lại, bởi Chúa không từ bỏ một ai, ngay cả khi A-đam phạm tội trốn trong bụi cây xa lánh Chúa, Chúa cũng cũng tìm kiếm A-đam và cho ông niềm hy vọng.

            Hai câu chuyện tưởng không liên quan gì đến nhau như hai miếng bánh bọc ngoài sandwich, nhưng thánh sử Mát-cô lại cho liên kết với nhau qui về điều cốt lõi, đó là đức tin vào Chúa Giê-su sẽ chạm đến lòng thương xót của Ngài. Đức tin của người phụ nữ và ông Giai-rô đã chạm đến lòng thương xót của Chúa Giê-su và họ được ơn tha thứ, chữa lành.

            Vậy, có niềm hy vọng nào bén sâu vào trái tim bạn trong những lúc tăm tối và gian nan? Niềm hy vọng và nơi nương tựa của bạn là Chúa Giê-su chăng? Kinh nghiệm của người phụ nữ và ông Giai-rô cho chúng ta một bài học đạo đức: Đấng mà chúng ta tìm kiếm, Đấng mà chúng ta có quyền nương tựa là chính Chúa Giê-su. Chỉ nơi Ngài mới ban cho chúng ta ơn tha thứ và bình an như người phụ nữ và ông Giai-rô nhận được.