Chúa Nhật XIII Thường Niên – Năm B


CN 13 NĂM B

27-6-2021

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Gia Phước

GIÁO HUẤN SỐ 31

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ

Thời của những giấc mơ và những quyết định (tt)

Tình yêu của Thiên Chúa và mối tương quan của chúng ta với Đức Kitô hằng sống không hề ngăn cản chúng ta ước mơ; chúng không đòi ta thu hẹp các chân trời của mình. Trái lại, tình yêu ấy nâng chúng ta lên, khích lệ và truyền cảm hứng cho chúng ta để sống một đời sống tốt đẹp hơn. Phần lớn khát vọng trong trái tim người trẻ có thể được đúc kết lại trong từ ‘khắc khoải’. Như thánh Phaolô VI nói : ‘Trong chính cảm giác không hài lòng mà các con thường kinh nghiệm…, có tồn tại một tia sáng’. Tình trạng không hài lòng đầy khắc khoải ấy, kết hợp với sự nôn nao trước những chân trời mới mở ra, tạo nên một sự dũng cảm giúp các con đứng lên và nhận trách nhiệm về một sứ mạng. Sự khắc khoải lành mạnh đặc trưng của tuổi trẻ này tiếp tục ở lại trong mọi tâm hồn vẫn còn trẻ trung, cởi mở và quảng đại. Niềm an  bình nội tâm đích thực cùng tồn tại với cảm giác không hài lòng sâu xa ấy. Như thánh Augustinô nói: ‘Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và tâm hồn chúng con còn khắc khoải cho tới khi nào tìm được an nghỉ trong Chúa’ (Tông huấn Đức Kitô hằng sống, số 138).

————-

CN 13 NĂM B

(Kn 1,13-15. 2,23-24; 2Cr 8,7.9.13-15; Mc 5,21-43)

Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) viết: Có một nữ giáo dân rất đạo đức, mẹ cậu thanh niên mới được rửa tội được ít lâu nay. Tên cậu là Benoit. Bà này chết khi tôi đi vắng, vì thế không được xưng tội. Người con hết sức đau khổ vì mất mẹ, nhất là mẹ chưa được xưng tội trước khi chết. Cậu khóc lóc thảm thiết, thật là sầu khổ . Do ơn Chúa thúc đẩy, cậu xin giáo dân tới chia buồn đọc kinh cầu nguyện bên giường người chết. Xác đã cứng lạnh và bất động từ sáu giờ đồng hồ. Họ đến quì gối đọc kinh. Benoit đọc lớn tiếng kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng, rồi rẩy nước phép trên mặt mẹ, tức thì bà mở mắt, không những bà sống lại mà còn hoàn toàn khỏi bệnh. Bà chỗi dậy rồi cùng quì xuống với mọi người đồng thanh ngợi khen Chúa đã ban phép lạ rất hiển nhiên. Mấy ngày sau khi tôi tới thôn đó thì cả mẹ cả con đều kể cho tôi nghe về ơn họ đã nhận được (Hồng Nhuệ chuyển ngữ, Hành Trình và Truyền Giáo, 1653, trang 74).

Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay nói đến bệnh tật cái chết, và nói cả đến sự sống lại, như bà mẹ của cậu Benoit được sống lại.

Bài đọc 1: bđ1 đọc sách Khôn Ngoan. Nhóm CGKPV giới thiệu tác giả như sau: “Chắc chắn tác giả là một người Do-thái: am hiểu sâu xa Kinh Thánh, tin vào Thiên Chúa của cha ông (9,1), hãnh diện vì được thuộc về ‘dân thánh’, ‘dòng giống vẹn toàn’ (10,15). Nhưng tác giả là một người Do-thái am hiểu văn hóa Hy-lạp. Tác giả sống ở A-lê-xan-ri-a, cung cách hành văn nhấn mạnh tới cuộc Xuất Hành, đối chọi Ai-cập với Ít-ra-en, nhất là thái độ của tác giả đối với việc tôn thờ súc vật; một điều chỉ có ở Ai-cập. Ngoài ra ở A-lê-xan-ri-a, thời này còn có một cộng đoàn kiều dân Do-thái đông đảo.

 Tác giả viết tác phẩm này cho người Do-thái, đồng bào của ông. Họ đang sống giữa một thành phố văn minh. Những vẻ hào nhoáng của nếp sống văn minh A-lê-xan-ri-a đã khiến cho lòng trung thành với Thiên Chúa và Lề Luật của cha ông bị lung lay; những trường phái triết học nổi tiếng, các khoa học phát triển, các tôn giáo bí truyền mời mọc, và có thể những việc thờ cúng dân gian cũng lôi cuốn họ nữa” (Kinh Thánh, ấn bản 2011, trang 1385).

Về cái chết tác giả xác quyết: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong…Nhưng chính vì quỉ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết” ( Kn 1,13.24).

Nhóm CGKPV viết: “Vậy cái chết do đâu? Nguyên nhân gây ra cái chết là tội, và cái chết thể lý đối với con người tội lỗi cũng là chết về mặt thiêng liêng và cái chết đời đời” (Kinh Thánh, ấn bản 2011, trang 1390).

Sách ‘Sáng Thế’ kể: sau khi phạm tội (ăn trái cấm), Thiên Chúa phán: “Ngươi phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,19).

Nhóm CGKPV cắt nghĩa: “Hình phạt người đàn ông ở đây gắn liền với đất. Làm việc không phải là hình phạt dành cho con người (x.2,15). Nhưng hình phạt là chỗ làm việc vất vả khó nhọc để kiếm miếng ăn từ đất đai trổ sinh gai góc, phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn (cc.17-19). Lời văn phản ảnh hoàn cảnh cụ thể của nông dân Pa-lét-tin phải phấn đấu khổ cực với đất đai khô cằn. Ngoài ra cái chết được coi như một điều tự nhiên thuộc thân phận loài người (x. cc 17bc; ‘cho đến khi trở về đất’ là chất liệu và nơi ở cuối cùng của con người). Tuy nhiên, cái chết cũng là hình phạt tội đầu tiên (x. 2,17; 3,3.22b) (Kinh Thánh 2011, trang 36)

Bài Tin Mừng: trong BTM, thánh Mác-cô kể hai phép lạ, nhóm CGKPV viết: “Tác giả ghép trình thuật về người phụ nữ bị rong huyết (5,25-34) vào trình thuật về con gái ông Gia-ia sống lại (5,22-23.35-43). Hai phép lạ này làm nổi bật cuộc chiến thắng của Đức Giê-su đối với bệnh tật và cái chết. Mọi chi tiết trong trình thuật về ngưới phụ nữ bị rong huyết đều dọn đường cho là đỉnh cao của trình thuật: ‘Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con’. Như người phụ nữ, cộng đoàn tín hữu cũng phải tin rằng ; Đức Giê-su mang nơi mình một thần lực sinh động và hữu hiệu. Người ban ơn chữa lành và ơn cứu độ cho những ai tiếp xúc với Người nhờ lòng tin. Trình thuật về con gái ông Gia-ia sống lại cho độc giả hiểu rằng nhờ biến cố Đấng Mê-si-a ngự đến: cái chết trở thành một giấc ngủ (c.39). Thật thế, cái chết không phải là một cái gì chung cuộc: nhờ quyền năng của Đấng Mê-si-a, thắng tử thần, sau khi chết, con người có thể được sống lại, như thể tỉnh dậy sau giấc ngủ” (Sđd trang 2223).

Trong thư Rô-ma, thánh Phao-lô viết: “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5,12); “Nhưng sự sa ngã của A-đam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người. Ơn Thiên Chúa ban cũng khác với hậu quả do một người phạm tội gây ra” (Rm 5, 15-16)

Trong thư Cô-rin-tô, thánh Phao-lô còn mạnh mẽ xác quyết : “Nếu chúng tôi rao giảng rằng Đức Ki-tô đã từ cõi chết chỗi dậy, thì sao trong anh em có người lại nói : không có chuyện kẻ chết sống lại ? Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Ki-tô đã không trỗi dậy. Mà Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trông rỗng. Thế ra chúng tôi là những chứng nhân giả của Thiên Chúa, bởi vì đã chống lại Thiên Chúa mà làm chứng rằng Người đã cho Đức Ki-tô trỗi dậy trong khi thật sự Người đã không cho Đức Ki-tô trỗi dậy, nếu quả thật kẻ chết không trỗi dậy. Vì nếu kẻ chết không trỗi dậy, thì Đức Ki-tô cũng đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hon nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Ki-tô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15,12-19).

Bài đọc 2: Hai bài đọc 1 và bài Tin Mừng nói về sự sống lại về thể xác lẫn tinh thần, còn bài đọc 2 nói về việc cứu đói, về sự sống thể xác.

Nhóm CGKPV cho biết: “Chế độ để chung của cải, rồi nạn đói khoảng năm 49-50, đã làm cho cộng đoàn Giê-ru-sa-lem lâm cảnh túng thiếu. Các thành viên cộng đoàn đó được gọi là người nghèo (Gl 2,10), tên gọi này nhắc đến những người nghèo trong Cựu Ước (anawim) (Kinh Thánh 2011, trang 2564).

Cuộc lạc quyên giúp đỡ chẳng những cứu đói, mà còn noi gương Chúa Ki-tô: “Quả thật, anh em biết Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giầu sang phú quí, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em nên giầu có” (2Cr 8, 9).

Xin Lời Chúa và gương các tiền nhân giúp chúng ta quí trọng và bảo vệ sự sống đời này và đời sau.  

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành