Chúa Nhật XIII Thường Niên – Năm C
CN.13.C
(1V 19,16b.19-21; Gl 5,1.13-18; Lc 9,51-62)
26-6-2016
Vua nước Nhật cấm đạo. Người Công giáo Nhật chạy trốn tới Hội An, Quảng Nam. Bề trên dòng Tên ở Ma-cao, Trung Quốc, sai hai cha Buzomi (Bu-zô-mi) và Cavalho (Ca-van-hô) cùng mấy thầy người Nhật sang Việt Nam giúp những người Nhật Công giáo trốn chạy.
Thuyền của các ngài cập bến Đà Nẵng ngày 18-1-1615. Vừa giúp Người Nhật vừa truyền đạo cho người Việt Nam. Chỉ ba bốn tháng sau, vào lễ Phục Sinh, trong nhà thờ Đà Nẵng, các cha đã rửa tội cho 10 tín hữu người Việt đầu tiên. Kể từ đó hạt giống Tin Mừng được gieo vãi khắp đất nước Việt Nam. Hiện nay Giáo Hội Việt Nam có 26 giáo phận, 7 triệu người Công giáo.
Giáo phận Đà Năng tuy là mảnh đất đầu tiên được đón nhận hạt giống Tin Mừng, nhưng được thành lập khá muộn ngày 18-1-1963. Năm 2013 giáo phận vừa mừng 50 năm thành lập. Giáo phận được cai quản qua năm đời giám mục : 1- Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, 2- Đc Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách, 3- Đc Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh, 4- Đc Giuse Châu Ngọc Tri, 5- Đc Giuse Đặng Đức Ngân. Phaolô Tịnh, tên thánh của Đức cha Nguyễn Bình Tĩnh, là thánh tử đạo Phaolô Lê Bảo Tịnh.
Thánh Phao-lô Lê Bảo Tịnh là người Thanh Hóa. Vào ở Nhà Đức Chúa Trời từ 12 tuổi. 14 tuổi được lên học chủng viện. Trí khôn bình thường, nhưng lòng đạo đức thì trổi vượt, chỉ ưa ăn chay, nằm đất. Để yêu mến Chúa nhiều hơn, thầy Tịnh trốn vào tu trong rừng. Biết thế nào trong Mùa Chay, thầy cũng ra để xưng tội, Đức cha ra lệnh : các cha không được giải tội cho thầy và bảo thầy phải trở lại chủng viện.
Năm 1837 Đức cha phát động phong trào truyền giáo ở Lào. Đức cha chọn thầy. Thầy hăng hái lên đường. Chỉ một năm hạt giống Tin Mừng đã chín vàng. Thầy về Việt Nam xin Đức cha sai thêm các thừa sai. Chẳng may nhà vua ban hành lệnh cấm đạo, Việc giảng ở Lào phải ngừng. và Thầy bị bắt, bị đày vào Phú Yên.
Vua Tự Đức lên ngôi, nới lỏng lệnh cấm đạo, cho thả các tù nhân. Thầy được thả về. Thầy được chịu chức linh mục. Lúc đó thầy đã 56 tuổi. Đức cha chọn cha vào công việc dạy dỗ các chủng sinh.
Vua Tự Đức ra lệnh cấm đạo. Cha bị bắt ngày 27-2-1857. Có lần quan tỉnh Nam Định được cha chữa bệnh, quan nhớ ơn cha, muốn cứu cha, xin cha đừng xưng mình là linh mục, mà xưng mình là thầy đồ dạy chữ nho, làm thuốc, nhưng cha nói : “Tôi xin chân thành cám ơn quan, có lòng tốt tìm cách cứu tôi. Thân xác tôi ở trong tay quan, xin làm khổ nó tùy ý, tôi rất vui lòng, không oán than gì. Nó chết đi nhưng mai ngày sẽ sống lại trong vinh quang. Còn linh hồn tôi là của Thiên Chúa, không có gì làm tôi hy sinh nó được, không ai có thể lay chuyển lòng tin tưởng của tôi. Đạo Thiên Chúa là chính đạo, là đạo thật, tôi yêu mến và giữ đạo ấy từ thuở bé, và dù tôi có chết cũng chẳng bỏ được“.
Lời khẳng khái ấy thật can đảm và sáng suốt. Quyết định lựa chọn cái chết một cách hiên ngang. Cha Phaolô Lê Bảo Tịnh bị chém đầu ngày 06.04.1857 tại pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định. Trước khi bị chém, cha từ biệt mọi người : “Anh em ở lại bình an, chịu khó giữ đạo và can đảm bền vững, đừng sợ chết nhé“. Cha thánh Phao-lô Lê Bảo Tịnh đã sống Lời Chúa trong BTM hôm nay.
– Trước hết thánh Phao-lô Tịnh đã hăng hái đi truyền giáo cho người Lào, chứ không như hai tông đồ Gia-cô-bê và Gioan có óc hiềm thù người Sa-ma-ri “khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy” (Lc 9,54), vì họ không đón tiếp Chúa và các tông đồ. Sách Kinh Thánh Cho Mọi Người giải nghĩa sự thù ghét giữa người Do Thái và Sa-ma-ri như sau : “Dân cư Sa-ma-ri không phải là người Do Thái, và hai dân tộc này thù ghét nhau sâu sắc. Vào những ngày người Do Thái ở Ga-li-lê đi ngang qua đất Sa-ma-ri để hành hương lên Giê-ru-sa-lem, thì nhà nhà đóng cửa không tiếp” (trang 1757).
– Thứ hai thánh Phao-lô Tịnh vào rừng tu, ăn chay, sống khó nghèo, như lời Chúa nói với người thư nhất xin đi theo Chúa : “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58).
– Thứ ba thánh Phao-lô tịnh sẵn sàng bỏ ý riêng, bỏ rừng trở về theo lệnh Bề trên, như Chúa nói với người thứ hai xin phép về chôn cất cha : “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết, còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa” (Lc 9,60).
– Thứ tư thánh Phao-lô Tịnh đã dứt khoát “không ai có thể lay chuyển lòng tin tưởng của tôi. Đạo Thiên Chúa là chính đạo, là đạo thật, tôi yêu mến và giữ đạo ấy từ thuở bé, và dù tôi có chết cũng chẳng bỏ được“, như Chúa nói với người thứ ba xin về giã biệt gia đình : “Ai đã tra tay vào cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9,62).
Thứ tư tuần này lễ thánh Phê-rô, bổn mạng của Đức cha Phạm Ngọc Chi và thánh Phao-lô Tông đồ, bổn mạng của Đức Cha Nguyễn Bình Tĩnh, chúng hãy dâng lễ sốt sắng cầu nguyện cho các ngài.
—————————
CN.13.C
2010
Trong số 118 thánh Tử Đạo VN có một chủng sinh. Đó là chú Tôma Trần Văn Thiện. Quê chú là xứ đạo Trùng Quán, Quảng Bình. Trùng Quán, Kẻ Sen, Mỹ Hương, những giáo xứ nằm trên mảnh đất động Phong Nha ngày nay.
10 tuổi chú được cha Chỉnh, cha sở Kẻ Sen, nhận vào tu trong nhà xứ. Năm 18 tuổi chú được cha giám đốc Kim gọi về học ở chủng viện ở Di Loan, Quảng Trị. Cô Loan, người chị em họ, dẫn chú lên đường vào chủng viện.
Tới làng Đất Đỏ, hai chị em gặp nữ tu Yến cho biết quan quân đang vây xứ đạo Di Loan, chủng viện đã giải tán, cha bề trên và các cha đi trốn nơi khác. Chú trả lời : “Dầu không gặp được cha bề trên, con cũng phải đến. Cha bề trên đã gọi thì phải đến”.
Tới chủng viện. Chủng viện chỉ còn cha Tự đang sửa soạn đi trốn. Cha Tự thương nói : “Chúng tôi đang lo chạy trốn, chị em đến làm chi”.
Chưa kịp quay đầu trở về thì chú bị bắt. Quan tỉnh Quảng Trị nghe tin chú là chủng sinh của cha bề trên Kim thì vui mừng, vì nghĩ rằng chú sẽ biết nơi ẩn trốn của cha Kim.
Trong các cuộc tra khảo, chú cương quyết không bỏ đạo. Chú nói : “Tôi quê ở Trùng Quán, Quảng Bình. Tôi đến Di Loan tìm thầy học đạo. Đạo dạy tôi thờ Thiên Chúa là đạo thật. Tôi sẵn sàng chết, chứ không bỏ đạo”.
Thấy chú khôi ngô, hiền lành, quan dụ dỗ : “Này chú, chú hãy nghe ta, chú bỏ đạo, bước qua thập giá, ta sẽ gả con gái cho chú, và sau này sẽ lo liệu cho chú làm quan”.
Chú Tôma Trần Văn Thiện trả lời : “Thưa quan lớn, cháu chỉ mong được chức quyền trên trời, chứ không màng chi chức tước dưới thế”.
Quan tức giận, nghĩ chú khinh dể con gái của quan. Quan ra lệnh đánh 40 roi. Dù đau đớn, chú vẫn vui nói với các quân lính : « Hãy nhìn xem máu tôi chảy ra kìa ! Ướt cả quần áo rồi.»
Nhiều lúc đau quá, chú nhắm mắt lại cầu nguyện : « Lạy Chúa, xin thêm sức mạnh cho con, để con chịu đau khổ vì Chúa. »
Chú đã viết thư về từ giã mẹ, các chị em và họ hàng. Chú xin mọi người cầu nguyện, để được Chúa giúp sức, hầu trung thành với Chúa đến cùng.
Sáng ngày 21-9-1838, chú Tôma Trần Văn Thiện bị điệu ra pháp trường Nhan Biểu, Quảng Trị. Chú bị xứ giảo, nghĩa là bị tròng giây vào cổ, sau ba hồi chiêng trống, hai người lính ở mỗi đầu giây kéo cho tới khi chú tắt thở.
Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay cũng nói : đi theo Chúa là từ bỏ mọi sự .
Bđ1 : Bđ1 kể lại niềm vui được đi theo Chúa. Đang cày ruộng, được ngôn sứ Ê-li-a kêu gọi, ngôn sứ Ê-li-sa sung sướng, đến nỗi về nhà ngả bò làm tiệc đãi mọi người, rồi lên đường đi theo Chúa.
Bài TM : Với BTM, Chúa Giêsu dạy các tông đồ 4 bài học :
1- Sống hiền hoà, tha thứ, chứ đừng như hai tông đồ Giacôbê và Gioan xin Chúa khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ dân làng Samari.
2- Theo Chúa là sống khó khăn, đau khổ : « Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu. »
3- Theo Chúa là đặt Chúa trên mọi tình cảm : « Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết. »
4- Theo Chúa là dứt khoát: « Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa. »
Bđ2 : Thư Galát của thánh Phaolô thì dạy những người đi theo Chúa « đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt. »
Chỉ còn vài ngày nữa hết tháng Thánh Tâm. Chúa đã cho chị thánh Magarita Maria thấy Trái Tim Chúa ba lần, Lần đầu vào năm 1673, lần thứ hai vào năm 1674 và lần thứ ba vào năm 1675. Chúa càng cho chị thấy thì chị càng bị đau khổ. Cả nhà dòng, từ mẹ bề trên đến cha giải tội đều lên án, cho là chị bị ma quỉ cám dỗ, là quỉ đội lốt người. Thậm chí chị cũng nghĩ chị bị ma quỉ cám dỗ. Chị đau khổ, chị vào nhà thờ khóc với Chúa. Chị nghe tiếng Chúa nói : « Đầy tớ của Cha, con hãy kiên nhẫn và chờ đợi.» Chị không tin đó là tiếng Chúa, chị cho là tiếng ma quỉ. Gần 10 năm sau chị mới được bề trên và nhà dòng thấu hiểu. 3 năm sau, năm 1690, chị qua đới.
Với Lời Chúa, rồi qua cuộc sống của thánh chủng sinh Tôma Trần Văn Thiện và thánh nữ Magarita Maria, đi theo Chúa là niềm vui cao cả nhất, song cũng là cuộc đời đầy gian nan khốn khó.
Thật ra ở đời dù tu hay không tu cũng vẫn khổ, vì luôn phải cố gắng để sống đạo đức ; nhưng đi tu thì khổ hơn, vì luôn phải từ bỏ để sống thánh thiện hơn giáo dân.
Ở đời dù có đạo hay không có đạo cũng vẫn khổ, vì luôn phải cô gắng để trở thành con người hữu ích ; nhưng người có đạo thì khổ hơn, vì tiếng Chúa luôn thôi thúc phải sống tốt hơn người đời.
—————————-
CN.13.C
1-7-2007
Những chướng ngại trên đường sống đạo
Bài TM thánh lễ Chúa nhật hôm nay nói lên những trở ngại, những khó khăn, những ngáng trở, chúng ta phải đấu tranh để vượt qua trên đường đi theo Chúa, trên con đường sống đạo.
– Thứ nhất là phải nhìn lại cùng đích của cuộc đời, phải luôn nhìn về chặng đường cuối cùng mình phải đi. Bài TM kể : “Khi đã tới ngày Chúa Giêsu đươc rước lên trời, Người nhất quyết lên Giêrusalem” (Lc 9,51). Để được lên trời, Chúa Giêsu phải bị chết tại Giêrusalem. Dù đau thương nhục nhã như thế, Chúa cũng nhất quyết lên Giêrusalem. Đó là cùng đích cuộc đời của Chúa, chặng đường cuối cùng Chúa phải đi.
– Thứ hai là những khó khăn do người khác đưa tới. Bài TM kể : khi Chúa Giêsu và các môn đệ đi về Giêrusalem thì bị người Samari ngáng trở, không cho đi qua. Trên đường từ Galilê về Giêrusalem phải đi qua Samari. Người Samari và người Do Thái từ lâu đã thù hằn nhau. Hai anh em thánh Gioan và Giacôbê xin Chúa khiển lửa từ trời xuống thiêu đốt, nhưng Chúa đã quở mắng hai ông. Vậy, đi theo Chúa đừng sống hằn thù nhau, nhưng phải đối xử khoan dung nhân từ với nhau.
– Thứ ba là những tiện nghi vật chất : trên đường đi có một người muốn đi theo Chúa, Chúa bảo : “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (9,58). Con người làm lụng vất vả để có một đời sống dễ dãi văn minh hơn : một căn nhà đẹp, chiếc áo mới và miếng ăn ngon. Điều đó Chúa không cấm. Song đừng để những tiện nghi vật chất làm ngáng trở cuộc sống làm tôi Chúa, như có những linh mục tu sĩ không vâng lệnh bề trên đổi đến xứ nọ, xứ kia, vì những xứ đó xa xôi, hẻo lánh…
– Thứ tư là phong tục, nghi thức : trên đường đi, Chúa Giêsu gặp một người, Chúa mời gọi : “Anh hãy theo tôi” (9,59). Anh đáp : “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã. Chúa bảo : Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết” (9,60). Chúa không bảo chúng ta bất hiếu với cha mẹ đâu. Thảo hiếu cha mẹ là điều răn thứ tư trong 10 điều răn. Ở đây Chúa chỉ muốn dạy rằng : những tập tục, những nghi thức giúp con người có một đời sống luân lý tốt hơn, song cũng có những phong tục nghi thức làm chướng ngại cuộc sống làm con cái Chúa. Chẳng hạn sống theo những thói quen, những tập qúan của mình, mà không theo những luật lệ của Chúa, của Giáo hội, của giáo xứ.
– Thứ năm là tình cảm gia đình : trên đường đi Chúa Giêsu gặp một người thứ ba muốn đi theo Chúa, song lại xin phép về để “từ biệt gia đình”. Chúa bảo : “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngóai lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (9,62). Có nhiều người không đi tu để phục vụ Chúa, vì cha mẹ không muốn hay vì những tình cảm cá nhân.
Trên đường đi theo Chúa, sống đạo, chẳng phải chỉ có 5 khó khăn, 5 chướng ngại, mà có cả trăm ngàn khó khăn chướng ngại. Thế nhưng, chúng ta vẫn phải vượt qua. Có khó khăn như thế, chúng ta mới cần cầu nguyện, cần đến nhà thờ, cần tham dự những thánh lễ để có Chúa nâng đỡ, có Chúa dẫn đường.
Linh mục Nguyễn Trung Thành