Chúa Nhật XIII Thường Niên – Năm A


CN.13.A

(2V 4,8-11.14-16a; Rm 3,-4.8-11; Mt 10,37-42)

Các sắc lệnh cấm đạo chủ yếu cấm các linh mục giảng đạo, trục xuất và bắt bớ các ngài. Phần đông giáo dân bị bắt vì cho các linh mục ẩn nấp.

Năm 1858 khởi đầu giai đoạn thứ 5 cuộc bắt hại đạo gay gắt nhất trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam. Nhà vua treo giải thưởng xứng đáng cho những ai tố giác nơi trú ẩn của các vị thừa sai Âu châu, và ngược lại sẽ trừng trị đích đáng những ai chứa chấp. Thế là các ngài phải nay đây mai đó, trốn từ làng này sang làng khác.

Quần Cống là nơi ẩn trú khá an toàn, vì các chức sắc trong làng là người Công giáo, và chính họ sẵn sàng đón tiếp các ngài. Đức cha Sam-pê-drô Xuyên giáo phận Trung (Bùi Chu) dự đoán có thể bị bắt, đã chủ phong giám mục phó cho cha Va-len-ti-nô ngày 14-6 tại Ninh Cường. Sau đó cả 4 vị đến ẩn trốn tại làng Quần Cống, trong nhà cụ Đa-minh Phạm Trọng Khảm (Bùi Đức Sinh, Thiên Hùng Sử, trang 33).

Giáo phận Qui Nhơn sửa soạn mừng 400 năm hạt giống Tin Mừng được rắc gieo. (1618-2018). Bà Lựu là một trong những vị được nhắc nhớ trong những ngày kỷ niệm này.

“Hồi tháng 10-1861, Đức cha Cuenot Thể phải bỏ Gò Thị, trốn sang họ đạo Vĩnh Thạnh (Lạc Điền) cách xa đấy vài ba dặm, ở trọ một nhà bà đạo đức tên Lựu. Chúa nhật ngày 24-10 vừa dâng lễ xong, quan quân đột nhập vào nhà. Đức giám mục vội chạy xuống hầm với hai chú giúp lễ, nhưng đồ lễ trên bàn vẫn còn. Viên chỉ huy biết chắc có Đức cha ở đây, thề sẽ đập nát căn nhà, nếu không bắt được Đức cha. Mọi người trong nhà bị tra vấn, nhưng không ai khai báo căn hầm trú ẩn của Đức cha. Bà Lựu chủ nhà bị đánh 17 roi. Ở dưới hầm đã hai ngày một đêm, khát nước, Đức cha ra nộp mình.

“Đức cha, hai chú giúp lễ, tất cả những người trong nhà bà Lựu và hai nhà bên cạnh bị áp giải lên thị trấn Bình Định.Ngày 14-11-1861 Đức cha bị chết rũ trong tù.

Nhà bà bị phá bình địa, tài sản bị tịch thu. Tháng 12-1861 bà Lựu bị đưa ra pháp trường. Bà vừa đi vừa cho con bú, đứa con mới được ít tháng. Bà hôn con lần cuối, rồi trao cho bà ngoại. Bà vui vẻ được chết vì Chúa” (Bùi Đức Sinh,sđd,431).

Thánh Khảm và bà Lựu đã sống Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay. Và Lời Chúa đã tuyên dương những ai đón tiếp các thừa sai của Chúa.

Bà Su-nêm trong bđ1 đã tiếp đón ngôn sứ Ê-li-sa. Không những bà dọn bữa cho ngôn sứ, mà còn bảo chồng làm cho ngôn sứ một căn phòng. Chúa đã thưởng công, cho bà sinh con. Ngôn sứ nói : “Vào thời kỳ này, vào độ này sang năm, bà sẽ có cháu trai bồng” (2V 4,16a).

Trong BTM, Chúa Giê-su nói : “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10,42) (2-7-2017).

Thánh Phao-lô trong bđ2 thì ca ngợi : “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người : đó là niềm tin của chúng ta” (Rm 6,8).

——————————————

CN.13.A

Chúa nhật hôm nay là chúa nhật cuối cùng của tháng Thánh Tâm, tháng Trái Tim Chúa Giêsu. Trong kinh cầu Trái Tim chúng ta đọc suốt trong tháng này có lời cầu  : “Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Xin uốn lòng chúng con nên giống như Trái Tim Chúa.” Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay cho chúng ta thấy : chúng ta nên giống như Trái Tim Chúa như thế nào ?

 Bài đọc 1 : Trước hết, qua bđ1, để nên giống Chúa, chúng ta phải sống vì Chúa và vô vi lợi. Câu chuyện người phụ nữ thành Su-nêm thật là sống vì Chúa và vô vị lợi. Su-nêm là một thành phố nhỏ ở miền Ga-li-lê, miền Bắc nước It-ra-en, dưới chân núi Héc-môn, gần thành Na-im, nơi Chúa Giêsu làm phép lạ cho con trai bà góa sống lại.

Ngôn sứ Ê-li-sa đã rao giảng ở miền này dưới thời vua Giô-ram (852-841 trước công nguyên). Mỗi lần ngôn sứ đi qua thành Su-nêm, có một  phụ nữ đã niềm nở đón tiếp và khẩn khoản mời  ngôn sứ vào nhà dùng bữa. Hơn nữa, bà còn muốn có một gian phòng để ngôn sứ nghỉ ngơi. Bà nói với chồng : “Mình phải làm cho ông một căn phòng nhỏ trên sân thượng, rồi kê ở đó một cái giường, đặt bàn ghế, và để một cái đèn cho ông dùng. Như thế, khi nào đến nhà mình, ông sẽ lên ở đó” (2V 4,10).

Mái nhà của người Do thái được trát bằng đất cứng chẳng khác gì là cái sân thượng. Khí hậu nơi đất cát thường là nóng nực. Nhờ mái bằng đất, nhà sẽ bớt nóng. Căn phòng làm cho ngôn sứ trên mái nhà, hay trên sân thượng không phải bằng vải lều hay bằng lá, có lẽ cũng bằng đất. Căn phòng đó để dừng chân và nghỉ ngơi  chắc chắn là lý tưởng, vì vào ban đêm có trăng thanh gió mát, có sao trời gió biển.

Tính hiếu khách của các dân tộc xưa thường được đề cao. Song bà Su-nêm tiếp ngôn sứ Ê-li-sa không chỉ vì lòng hiếu khách, mà còn vì như bà nói với chồng : “Này ông ! Tôi biết người thường ghé vào nhà chúng ta là một người của Thiên Chúa” (4,9). Bà đã đón tiếp ngôn sứ Ê-li-sa, vì ngôn sứ là “người của Thiên Chúa”. Bà đón tiếp vì lòng mến Chúa, vì yêu Chúa mà đón tiếp.

Bà cũng không đón tiếp để nhằm tìm kiếm lợi lộc. Qua trung gian chú tiểu đồng, ngôn sứ Ê-li-sa mới biết nỗi nhục vô hậu của bà. Bà không có con nối dòng. Ngôn sứ hỏi chú tiểu đồng : “Nên làm gì cho bà ấy ?”. Chú đáp : “Tội nghiệp bà ấy không có con trai, mà chồng thì đã già.” Theo lệnh ngôn sứ, chú tiểu đi gọi bà Su-nêm đến. Bà đến, ngôn sứ nói : “Vào thời kỳ này sang năm, bà sẽ có cháu trai bồng.” (4,14-16a).

Qua câu chuyện trong bđ1, nên giống như Trái Tim Chúa thì phải sống vì Chúa và vô vị lợi.

Bài Tin Mừng : Đến thời Tân Ước, Chúa Giê-su đòi hỏi phải hy sinh, phải đặt Chúa trên mọi sự.

Bài TM hôm nay là phần cuối của bài giảng thứ hai trong 5 bài giảng của sách TM thánh Mát-thêu, bài giảng về sứ mệnh truyền giáo. Bài giảng này xem ra Chúa Giê-su nói riêng với  12 tông đồ, song thực ra Chúa Giê-su muốn nói với tất cả chúng ta, tất cả những người đi theo Chúa, bởi vì chúng ta chẳng phải là tông đồ của Chúa sao ?

Thứ nhất, muốn nên giống như Trái Tim Chúa thì chúng ta phải sống vượt trên tình cảm gia đình. Chúa Giê-su dạy : “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy.” (Mt 10,37)  Thánh Lu-ca còn dùng từ “từ bỏ” mạnh mẽ hơn : “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em…thì không thể làm môn đệ tôi.” (Lc 14,26)  Chúa Giê-su yêu quí gia đình, nhưng không đặt gia đình lên trên tất cả. Chúa Giê-su đang giảng, có kẻ nói : “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy ở ngòai kia đang tìm Thầy ! Nhưng người đáp lại : ‘Ai là mẹ tôi, ai là anh em tôi ?” (Mc 3,32-33)

Thứ hai, muốn nên giống như Trái Tim Chúa, phải chịu đau khổ : “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy.” (Mt 10,38) Thập giá là hình phạt đau đớn và nhục nhã người Do Thái nào cũng thấu hiểu, bởi vì vào thế kỷ 4 trước CN (Công Nguyên), tổng đốc Syri  đã đóng đinh 2000 người Do Thái. Và 20 năm trước CN, người Rô-ma cũng đã đóng đinh hàng trăm người Do Thái. Và Chúa cũng đã bị đóng đinh trên thập giá. Yêu là vác thập giá.

Thứ ba, muốn nên giống như Trái Tim Chúa, phải sẵn sàng hy sinh bản thân. Chúa phán : “Ai tìm giữ mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” (Mt 10,39). Chúa Giê-su không những hy sinh mạng sống cho người mình yêu, mà còn cho kẻ thù, như thánh Phao-lô viết cho giáo đoàn Rô-ma : “Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai dám chết vì một người lương thiện chẳng? Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi.” (Rm 5,7-8).

Thứ bốn, muốn nên giống như Trái Tim Chúa, phải biết yêu thương những người lãnh đạo cộng đoàn. Chúa Giê-su phán : “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.” (Mt 10,40) Trong việc điều khiển công đoàn có người là ngôn sứ, có người là công chính tức là những giáo dân trổi trang, có người là kẻ bé nhỏ tức là tông đồ. Cám ơn Chúa giáo dân VN rất yêu thương và biết ơn những người lãnh đạo các giáo xứ, giáo họ, các cộng đoàn.

Bài đọc 2 : Đoạn thư thánh Phao-lô gửi cho giáo đoàn Rô-ma chúng ta đọc trong bđ2 thánh lễ hôm nay cho biết lý do tại sao chúng ta phải nên giống như Trái Tim Chúa. Đó là vì tất cả chúng ta đã được rửa tội. Rửa tội ngày xưa là dìm xuống giếng nước rửa tội. Dìm ba lần. Giếng nước rửa tội biểu tượng cho cái mồ, dìm xuống nước là được mai táng trong mồ, lên khỏi nước là sống lại ra khỏi mồ. Thánh Phao-lô đã ví chúng ta được rửa tội giống như Chúa Ki-tô đã chết và sống lại. Thánh Phao-lô luôn dùng những từ “cùng được dìm trong cái chết của Người”,cùng được mai táng với Người”, “cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết”. Do đó, thánh Phao-lô khuyên hãy : “sống một đời sống mới”, “chết đối với tội lỗi”, “sống cho Thiên Chúa”. Chúng ta đã nên giống Trái Tim Chúa chưa ? (26-6-2005)

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành