Chúa Nhật XIII TN – Năm C
Chúa Nhật XIII TN – Năm C
30-6-2019
—————————————-
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Hà Lam
GIÁO HUẤN SỐ 31
Một số hoàn cảnh phức tạp (tt)
Lịch Giáo Phận trang 85
Những gia đình chỉ có cha hoặc mẹ đơn thân thường xuất phát từ trường hợp những người mẹ hoặc người cha ruột, chưa hề bao giờ muốn hội nhập vào cuộc sống gia đình, những hoàn cảnh bạo hành trong đó một người đã buộc phải bỏ trốn cùng con cái, cái chết của một trong hai người cha hoặc mẹ, một trong hai người từ bỏ gia đình, và nhiều hoàn cảnh của khác nữa. Dù nguyên nhân nào đi nữa, người cha hoặc người mẹ đơn thân đang sống với con nhỏ phải được nâng đỡ và an ủi từ những gia đình khác trong cộng đoàn Kitô hữu, cũng như từ các tổ chức mục vụ giáo xứ. Những gia đình này thường chịu ảnh hưởng bởi sức nặng của các vấn đề kin tế, sự bấp bênh của công ăn việc làm, khó khăn trong việc nuôi dưỡng con cái, thiếu nhà ở (Niềm Vui của tình yêu số 252)
———————–
Chúa Nhật XIII TN – Năm C
(1V 19,16b.19-21; Gl 5,1.13-18; Lc 9,51-62)
Thứ năm ngày 27-6-2019 vừa qua, lễ truyền chức linh mục cho ba thầy. So với lễ truyền chức những năm trước, con số ba thật bi thảm. Lại là Giáo phận Đà Nẵng, nơi những nhà truyền giáo đặt chân đầu tiên đến, ngày 18-1-1615. Nói theo kiểu nói của cha Antôn Trần Văn Trường, Đà Nẵng là ‘Giải đất mẹ của Giáo hội Việt”.
Thuở khai sinh, Đà Nẵng oanh liệt lắm chứ:
Năm 1675 có Linh mục Louis Đoan : “Đức giám mục Lambert de La Motte đã đi thăm các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi trong bốn tháng. Cuối tháng 12-1675, giám mục đã về Hội An và phong chức linh mục cho thầy giảng cao tuổi và thông nho là Louis Đoan” (Trương Bá Cần, Lịch Sử Phát Triển Công Giáo Ở Việt Nam, tập I, trang 224).
Linh mục Đoan là linh mục thứ tư của Đàng Trong (Sđd, trang 232).
Linh mục Đoan là văn sĩ : “ Ở Đàng Trong, linh mục Louis Đoan, một thầy giảng già đã được Đức giám mục Lambert phong chức năm 1675 cũng đã biên soạn cuốn ‘Sấm Truyền Ca’ ở dạng bản thảo, bằng chữ Nôm được ông Tạo ở Mặc Bắc ghi âm quốc ngữ và ông Nhãn ở họ Chợ Đũi sao chép lại một số đoạn” Sđd, trang 557)
“Hổ phụ sinh hổ tử” người Việt thường nói vậy, để ca ngợi công ơn cha mẹ. Quả thật, cha Louis được ơn Chúa gọi là nhờ lòng đạo đức của ông cố bà cố.
Cha Nguyễn Hồng viết lại lời cha Đắc Lộ khen ngợi cha mẹ cha như sau : ‘Cụ thuộc vào sổ những người theo đạo trước hết, không những trong tỉnh Quảng Nam, quê quán của cụ, mà trong cả xứ Nam. Hơn nữa, cụ còn được hân hạnh là người chịu thử thách đầu tiên vì danh Chúa, không phải một lần mà bốn lần, mà lần nào cụ cũng can đảm chiến đấu, đứng về phía bên Thầy mình, vượt thắng những kẻ thù đức tin. Cụ là người đầu tiên được mang huy chương danh dự mà chúng tôi vẫn mệnh danh là thập giá của xứ Nam (đó là chiếc gông), huân công của người chiến sĩ Công giáo. Mỗi lần giao tranh, cụ đều thoát hiểm, và tuy không được phúc tử đạo, nhưng cụ không bao giờ trốn tử đạo.
Phu nhân của cụ sinh hạ được hai người con là cậu Emmanuel và Louis, thật là hai bức họa mô phỏng hoàn toàn hình ảnh nhân đức của bà.
Nhà ông bà là nơi trú ẩn của những người có đạo trong thời bình cũng như khi gặp cơn gió bão. Ông cụ đã cất một ngôi nhà thờ rộng rãi, nhiều người ngoại đã được lãnh Phép Rửa ở đó, được giáo huấn và được lĩnh nhận ơn sức mạnh của các bí tích. Cũng vì thế hai ông bà và các con luôn bị người ta làm phiền nhiễu, và khu nhà cụ cũng nhiều lần bị phá phách, nhưng tất cả những cái đó không làm cho cụ mất lòng mến Chúa Giê-su Ki-tô. Là một vị quan liêu có địa vị và được kính nể trong vùng Quảng Nam, cụ đã biết yêu ô nhục của thập giá hơn những vinh dự của xứ Ai Cập. Ông nghẻ đô Tri, sau khi đã ngược đãi làm phiền cụ mãi, cũng phải chán tay, còn riêng cụ thì cụ vẫn mong muốn được chịu khổ vì đạo. Từ đó cụ được yên tĩnh sống ớ nhà, và theo những thư cuối cùng ở xứ Nam mà tôi nhận được viết vào khoảng năm 1648, thì cụ đã chết một cách thánh thiện tại tư gia của cụ, luôn bền vững trong đức tin và đầy vinh dự vì bao khổ nhục cụ đã chịu đựng vì đạo Chúa” (Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, tập I, trang 168-169).
Lời Chúa trong ba bài đọc thánh lễ hôm nay cũng nói đến những tiếng gọi của Chúa. Trước tiếng Chúa gọi, phải đáp trả làm sao ?
Bđ1 : Sách Các Vua trong bđ1 kể chuyện Chúa gọi ông Ê-li-sa như sau : “Ông Ê-li-a bỏ đó ra đi và gặp ông Ê-li-sa là con ông Sa-phát đang cày ruộng; trước mặt ông Ê-li-sa có 12 cặp bò; chính ông thì đi theo cặp thứ 12. Ông Ê-li-a đi ngang qua, ném tấm áo choàng của mình lên người ông Ê-li-sa. Ông này liền bỏ bò lại, chạy theo ông Ê-li-a và nói : ‘Xin cho con về hôn cha mẹ để từ giã, rồi con sẽ đi theo ông. Ông Ê-li-a trả lời : ‘Cứ về đi ! Thầy có làm gì anh đâu. Ông Ê-li-sa bỏ ông Ê-li-a mà về, bắt cặp bò giết làm lễ tế, lấy cày làm củi nấu thịt đãi người nhà. Rồi ông đứng dậy, đi theo ông Ê-li-a và phục vụ ông” (1V 19,19-21).
BTM : Trong Cựu Ước, ông Ê-li-a còn được về nhà hôn từ giã cha mẹ, giết bò làm lễ tế, và đãi bạn bè; còn trong Bài Tin Mừng, trong Tân Ước, ngặt nghèo hơn, đòi hỏi hơn.
- Bỏ lòng hận thù : “Họ lên đường và vào một làng Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Chúa đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Người… Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Gia-cô-bê và Gio-an nói rằng : ‘Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không ? Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác” (Lc 9,51-55).
- Bỏ gia đình : “Thầy trò còn đang đi đường, thì có kẻ thưa Người rằng : ‘Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo’. Người trả lời : ‘Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,57-58).
Cha Hugues Cousin viết : “Ở những câu 57-58, chúng ta tham dự một cảnh cổ điển trong Do Thái giáo : một học trò chọn thầy mà mình muốn theo học, thì phải bỏ gia đình hoặc nhiều năm đến trú ngụ trong nhà thầy (x. Ga 1,37-39). Câu trả lời cho thấy Chúa Giê-su không giống như những kinh sư khác : cuộc sống của Ngài là một kẻ bị khước từ, bị truy nã, Ngài không có chỗ dựa đầu để nghỉ ngơi cho yên ổn mà phải trốn lánh” (Chú Giải Mục Vụ, Tin Mừng Luca, trang 235).
- Phục vụ Tin Mừng trước hết : “Đức Giê-su nói với người khác : ‘Anh hãy theo tôi’. Người ấy thưa : ‘Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã. Đức Giê-su bảo : ‘Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, hãy loan báo Triều Đại Thiên Chúa” (Lc 9,59-60).
Cha Hugues Cousin viết : “Chúa Giê-su đáp lại bằng một châm ngôn gây sửng sốt gắn liền với hoàn cảnh đó : ‘Cứ để kẻ chết’, những kẻ khước từ Chúa Giê-su và Tin Mừng Nước Thiên Chúa, ‘chôn kẻ chết của họ’. Điều này dẫn đến chuyện ‘làm bật rễ’ giới răn của Chúa về sự hiếu thảo (Xh 20,12), chính là sự cấp bách phải loan báo Triều Đại Thiên Chúa, việc phục vụ Tin Mừng này là trước hết và vượt qua cả những liên hệ gia đình, tuy vẫn được Chúa chúc phúc (x.14,26) (Sđd, trang 236)
- Quyết định theo Chúa không chỉ là nhất thời : “Một người khác nữa lại nói : ‘Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã’. Đức Giê-su bảo : ‘Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9, 61-62).
Cha Hugues Cousin cũng viết : “Khi đã bắt đầu cày bừa cánh đồng của Thiên Chúa, người ta không có thể ngoái lại đàng sau. những thứ người ta bỏ lại đàng sau. Chính gia đình cũng thuộc những thứ người ta bỏ lại đàng sau. Phải coi chừng : ‘Quyết định theo Chúa không chỉ là kết quả nhất thời của phấn khởi nhiệt tình, điều đó đòi hỏi một quyết định có tính cách kiên quyết” (Sđd, trang 237).
Bđ2 : Đức cha Nguyễn Sơn Lâm cắt nghĩa đoạn thư Galát, bđ2, như sau : “Chúng ta hãy nhớ rằng Chúa Ki-tô đã giải thoát chúng ta khỏi những quan niệm sai lầm về đời sống. Những Kitôhữu nào còn tin nhảm nhí và sợ hão huyền là những người lại đã rơi vào những trò ma chước quỉ của thời trước khi chịu phép thánh tẩy… Khi chịu phép rửa, chúng ta đã đóng đinh xác thịt vào Thánh giá Chúa Kitô. Chúng ta đã từ bỏ nếp sống có nhiều ham muốn không chính đáng của xác thịt. Thế mà rồi chúng ta lại để cho xác thịt đòi hỏi lại. Chúng ta lại làm những việc của xác thịt mà tựu trung chỉ là những hình thức ích kỷ muốn vinh thân chứ không muốn phục vụ, gây ra nếp sống xã hội chèn ép nhau chẳng hạnh phúc gì” (Giải Nghĩa Lời Chúa Năm C, trang 266).
Kết Luận : Đức giáo hoàng Phanxicô nói : “Đối với tôi, tiêu chuẩn căn bản để trân trọng một cộng đoàn, đó là ba chữ “P” mà tôi đã đề cập tại một cuộc gặp gỡ với những người thánh hiến. Tôi muốn nói đến chữ “P’ của pauvreté (nghèo khó, chữ “P” của prìere (nguyện cầu), và chữ “P” của patienne (nhẫn nại) (chú thích người dịch : trong tiếng Việt có thể là 3 chữ N –nghèo, nguyện, nhẫn). (Lê Công Đức dịch, Sức Mạnh của Ơn Gọi, trang 76).
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành