Chúa Nhật XIV Thường Niên Năm A


CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN NĂM A

9-7-2023

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Hòa Cường

GIÁO HUẤN SỐ 33

HAI KẺ THÙ TINH VI CỦA SỰ THÁNH THIỆN

Ngộ Đạo Thuyết Hiện Đại (tt)

Như vậy, giáo thuyết hay nói đúng hơn, cách ta hiểu và diễn đạt giáo thuyết, không phải là một hệ thống đóng kín, không có chỗ cho khả năng năng động của việc nêu những chất vấn , nghi ngờ thẩm tra…Những vấn đề của dân chúng , khổ đau của họ, những vật lộn, những ước mơ, những thử thách và muộn phiền của họ, tất cả đều có một giá trị diễn dịch mà chúng ta không thể phớt lờ nếu chúng ta muốn nghiêm túc tôn trọng  nguyên lý nhập thể. Việc họ ngạc nhiên giúp chúng ta  biết ngạc nhiên, những dấu hỏi của họ chất vấn chúng ta (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 44).

LỜI CHÚA

Dcr 9,9-10; Rm 8,9.11-13; Mt 11,25-30

Bài Ðọc I: Dcr 9, 9-10

“Này vua ngươi khiêm tốn đến với ngươi”.

Trích sách Tiên tri Dacaria.

Ðây Chúa phán: “Hỡi thiếu nữ Sion, hãy nhảy mừng; hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy reo mừng! Này vua ngươi đến với ngươi. Người là Ðấng công chính và là Ðấng cứu độ; Người khiêm tốn ngồi trên lừa con, con của lừa mẹ. Người đã loại bỏ các chiến xa khỏi Ephraim, và ngựa khỏi Giêrusalem. Cung tên chiến trận sẽ được phá huỷ. Người sẽ công bố hoà bình cho các dân tộc. Quyền bính của Người sẽ bành trướng từ biển này đến biển nọ, từ sông cái đến tận cùng trái đất”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 144, 1-2. 8-9. 10-11. 13cd-14

Ðáp: Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời

Xướng: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa, con sẽ ca khen Chúa, và con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời. Hằng ngày con sẽ chúc tụng Chúa, và con sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời. – Ðáp.

Xướng: Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa. – Ðáp.

Xướng: Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. – Ðáp.

Xướng: Chúa trung thành trong mọi lời Ngài phán, và thánh thiện trong mọi việc Ngài làm. Chúa nâng đỡ hết những ai sa ngã, và cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng lên. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 8, 9. 11-13

“Nếu nhờ thần trí mà anh em đã giết được hành động của xác thịt, thì anh em sẽ được sống”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, anh em không sống theo xác thịt, nhưng sống theo tinh thần, nếu thật sự Thánh Thần Chúa ở trong anh em. Nếu ai không có Thánh Thần của Ðức Kitô, thì kẻ ấy không thuộc về Người. Và nếu Thánh Thần của Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Ðấng đã làm cho Ðức Kitô từ cõi chết sống lại, cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em.

Anh em thân mến, chúng ta không phải là những kẻ mắc nợ xác thịt, để chúng ta sống theo xác thịt. Vì chưng, nếu anh em đã sống theo xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Trí mà anh em đã giết được các hành động (xấu xa của) thân xác, thì anh em sẽ được sống.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 10, 17

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta”. – Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 11, 25-30

“Ta dịu hiền và khiêm nhường trong lòng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu lên tiếng nói rằng: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. – Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho.

“Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”.

Ðó là lời Chúa.

 

SUY NIỆM I

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

4 lý do thành công

Cha Gaspar Luis trong bản bá cáo đã thú nhận rằng : ‘Lúc đầu các cha đã dùng thông ngôn để làm họ trở lại, họ không thấu hiểu bao nhiêu những điều người ta dạy họ’ (Hành Trình, trang 128-129). Thế mà những ngày đầu tiên, vừa đặt chân lên nước Việt Nam, cha Buzomi đã rửa tội trong dịp lễ Phục Sinh được ‘mười người tân tòng’, Và thành quả vẫn cứ tăng lên ‘từ bến này ngài (cha Buzomi) đi hoạt động ở khắp miền lân cận, năm thứ nhất được 300 giáo dân tân tòng (HT, trg 52). Lý do nào các ngài thành công như vậy ? Alexandre de Rhodes không trả lời, nhưng dựa theo bàn bá cáo của cha Gaspar Luis và tài liệu của Bonifacy chúng ta có thể trưng ra 4 lý do:

  • Các tân tòng tin rằng theo đạo có nghĩa là trở thành người Bồ Đào Nha, ttheo lề luật của người Bồ Đào Nha. Nhưng tại sao họ lại theo đạo Bồ Đào Nha ? Vấn đề này xem ra có 2 lý do : một lý do tiêu cực và một lý do tích cực.

Về  lý do tiêu cực, cha Luis cho nhận xét : ‘Từ nơi ấy (Hội An) ngài (cha Pina) trẩy đi Đà Nẵng (Turon) vốn là một hải cảng nổi tiếng nhờ việc buôn bán của người Bồ Đào Nha. Ở đó ngài gặp khó khăn, vì người trong xứ thường giao tiếp với người nước ngoài, nên cũng bị nhiễm những thói tục ngoại quốc: cho đến nỗi là có vẻ như họ lãnh nhận đức tin, nhưng lãnh nhận đức tin vì nhằm lợi lộc của người đời hơn là vì kính trọng Vinh danh Thiên Chúa và phần rỗi linh hồn.

Về tích cực, cha Luis cũng nêu: ‘Thực ra thì họ quả đã có theo đạo, nhưng chỉ là vì đã tin một cách đại khái rằng Đạo của người Bồ Đào Nha tốt hơn đạo của họ (Nguyễn Văn Trinh, Lịch Sử Giáo Hội VN, t.2, trang 172)

  • Bonifacy ghi : ‘Một trong những lý do đưa đến sự gia nhập đạo là có rất nhiều người, đàn ông đàn bà, vì nghĩ rằng mình bị quỉ ám nên xin gia nhập đạo để tìm yên ổn. Cha Luis cũng xác nhận: ‘Bọn quỉ thường ám hại những phụ nữ ở Vương quốc này. Điều ấy nên nguyên nhân cứu rỗi cho nhiều người, và được nhận xét là những người phụ nữ đến học giáo lý thì được giải trừ, và cho nên nhiều người đến học giáo lý vì việc ấy.
  • Lý do thứ ba được mọi người đánh giá cao là sự hiểu biết về tóan học (thiên văn) của các thừa sai. Bản bá cáo của cha Luis dài 27 trang thì 5 trang cha dành  để nói về một câu chuyện tiên đoán nguyệt thực, có ảnh hưởng đến cuộc truyền giáo. Bonifacy ghi lại sự kiện ngày 9-12-1620 : ‘Linh mục Borri vẫn còn đang ở tại thành phố Nước Mặn, đã tính rằng sự xâm thực sẽ bắt đầu vào lúc 11 giờ khuya. Ngài cho vị sĩ quan ở khu phố biết về hiện tượng trên. Đây là một nhà trí thức nhưng rất khinh bỉ đạo Thiên Chúa… dù rằng con trai ông đã gia nhập đạo. Viên sĩ quan tiên đoán việc nguyệt thực vào một thời điểm khác. Họ đánh cá với nhau : người thua cuộc phải trao cho người thắng một bộ quần áo lụa. Linh mục Borri tuyên bố : trong trường hợp ngài thắng, chỉ xin viên sĩ quan đến dự học 8 ngày giáo lý… Hãy ngừng lời cho linh mục Borri : ‘Ngày xâm thực đã đến. Viên sĩ quan với một số đông trí thức và học sinh đến nhà chúng tôi. Vì cuộc xâm thực chỉ có thể xảy ra lúc 11 giờ khuya, nên tôi rút về để dâng thánh lễ. Người ta đến nhiều lần để tìm tôi, nhưng tôi đã làm cho họ ngạc nhiên khi nói rằng ‘giờ chưa đến’. Khi giờ tiên báo đến, tôi đi ra và chỉ cho họ thấy rằng đĩa mặt trăng đã bị biến thái phần nào vì nguyệt thực bắt đầu, mặt trăng bắt đầu tối lại. Ngay lúc đó, viên sĩ quan gửi bản báo cáo về triều đình và cho sắc lệnh xuống cả thành phố để bắt đầu cho nghi thức xâm thực’. Bonifacy đưa ra nhận xét : ‘Thế là có nhiều người gia nhập đạo ở Cácciam (Quảng Nam). Ông đi khắp nơi cao rao về kiến thức thiên văn của các thừa sai và xác nhận rằng : không thể có một khoa học nào hay một định luật nào khác ngoài những gì mà các thừa sai giảng dạy’ (NVT, sđd trang 173-174).
  • Lý do thứ tư cha Luis nêu lên rất ngắn ngủi nhưng chúng ta tin rằng đây là một động cơ, một mẫu gương làm chứng cho đạo, một cách truyền giáo bằng chính cuộc sống của mình : ‘Điều đã giúp nhiều nhất cho những cuộc trở lại, là do đời sống tốt lành của các cha của chúng con’. Chính nhà chúa cũng phải xác nhận như thế : ‘Một quan lớn rất được sủng ái của đức vua, vu khống các cha của chúng con trước mặt ngài, như đã là nguyên nhân của sự bách hại những người Công giáo thật dữ dội bên Nhật bản. Ông không ngớt gợi chuyện dèm pha như thế trong mọi cơ hội, cho đến lúc những người của chúng con vạch rõ cho đức vua việc ấy , trước mặt chính quan lớn nọ, ông vẫn nói nghịch lại luôn, cho đến khi đức vua khóa miệng ông bằng một câu đáp này, là ngài không biết sự gì xảy ra thế nào bên Nhật bản, nhưng ngài có thể quả quyết là các cha đang ở trong vương quốc ngài có đời sống rất thánh thiện’ (NVT, sđd, trang 174-175).

xxx

4 lý do gia nhập đạo, nhất là lý do thứ 4 : ‘đời sống tốt lành’ của các thừa sai, phản ảnh 3 bài đọc CN 4 TN hôm nay.

xxx

Bài đọc 1 (Dcr 9,9-10) : Cha Kevin O’Sullivan viết về bđ1 : ‘Da-ca-ri-a, Khác-gai,  Ma-la-khi  là 3 trong 12 ngôn sứ nhỏ. Nhỏ không phải vì ít quan trọng, nhưng vì viết ít hơn. Các ngài từ Babylon với những người lưu đày trở về vào năm 520 tCN. Dân chúng thất vọng khi nhìn thấy Đền thánh và thành phố đổ nát. Các ngài đã an ủi họ và bảo đảm sẽ có một tương lai tươi sáng : ‘Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem hãy vui sướng reo hò ! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi. Người là Đấng Chính trực, Đấng Toàn thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa’ (9,9). 

Bài Tin Mừng (Mt 11,25-30) : Cha Nguyễn Công Đoan viết về BTM : ‘Trong khi nói về sứ mạng của mình, về sự khôn ngoan, Đức Giê-su bỗng như ngay ngất nhớ đến Thiên Chúa, Cha của Ngài, Đấng đã trao sứ mạng cho Ngài. Dường như lời của Cha thật khác lạ và tuyệt vời : ‘Cha giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái của loài người biết về Con và sứ mạng của Con, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vì đó là điều đẹp ý Cha’. Cha là chủ tuyệt đối. Cha làm đẹp ý Cha, không có lý do nào khác …

Tiếp tục hình ảnh đức Khôn Ngoan mời những kẻ đơn sơ, khờ dại đến học (Cn 8,1-11). Chúa Giê-su mời : ‘Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng (x, Gr 6,16) Vì ách tôi êm ái, gánh tôi nhẹ nhàng.

‘Ách’, ‘gánh nặng’ là những kiểu nói quen thuộc trong Sách Thánh để nói về Luật Cựu Ước. Sách Huấn Ca đã ca tụng cái ách, cái gánh nặng của Lề Luật, nếu người ta chịu mang lấy thì cuối cùng sẽ được thảnh thơi và vui sướng (Hc 6,16-37). Nhưng Chúa Giê-su đã quở trách các kinh sư và người Pha-ri-sêu đương thời : ‘Họ bỏ những gánh nặng mà chất lên vai  người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào’ (Mt 23,4). Chúa Giê-su cho chúng ta biết TC thật, Cha của Ngài và đường lối thật của TC, nên ‘êm ái nhẹ nhàng’ và làm cho người ta ‘được nghỉ ngơi bồi dưỡng’ (Gr 6,16).

Lời Chúa Giê-su tuyên bố ‘vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường’ ; gợi nhớ hình ảnh người tôi tớ của TC mà I-sai-a loan báo (Is 42,1-2) và Mt trích dẫn (Mt 12,18-21). Bằng sự hiền lành và khiêm nhường, người Tôi Tớ này sẽ ‘làm sáng tỏ công lý trước muôn đân’ và thiết lập công lý trên địa cầu’ mà ‘không kêu to, không nói lớn, không bẻ cây sậy đã giập, không nỡ tắt tim đèn còn khói’. Chúa Gie-su đem Giao Ước Mới với luật viết trong tim (x. Gr 31,31-34), nên sẽ nhẹ nhàng êm ái (NCĐ, Tĩnh Tâm với Sách TM Mát-thêu, trang 85-87).

Bài đọc 2 (Rm 8,9.11-13) : Cha Sullivan viết về bđ2 : ‘Thánh Phao-lô nói với những tân Ki-tô hữu Rô-ma là hãy là Ki-tô hữu thật, là sống bình an với TC, phải đi trên con đường hằng sống. Người ta phải cố gắng từ bỏ những ước muốn tội lỗi của bản tính nhân loại (The Sundays Reading A, trang 268).

Cầu nguyện

Lạy Chúa, nhờ Con Chúa hạ mình xuống,

Chúa đã nâng loài người sa ngã lên

xin rộng ban cho các tín hữu Chúa

niềm vui thánh thiện này :

Chúa đã thương cứu họ khỏi vòng nô lệ tội lỗi,

thì xin cũng cho họ được hưởng phúc trường sinh.

Chúng con cầu xin.

 

SUY NIỆM II

ÁCH LÀ HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

                Tục ngữ Việt nam có câu: ách giữa đàng mang vào cổ. Như thế người ta quan niệm cái ách như cái gông, tượng trưng cho cái gì gánh nặng đè nén, làm cho con người mất tự do. Vậy mà hôm nay Chúa Giêsu nói hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta vì Ta có lòng hiền hậu và khiêm nhường trong lòng, là Sao? Thế nhưng chúng ta hiểu thế nào là ách của Chúa và thế nào là hiền hậu và khiêm nhường của Chúa chưa? Trước hết, cái ách mà Chúa Giêsu nói ở đây có phải là cái ách của con bò được làm bằng gỗ không? Trong Thánh lễ khai mạc sứ vụ Giáo Hoàng, Đức Bênêđitô XVI nói rằng ách của Chúa chính là thánh ý mà chúng ta đón nhận. Và thánh ý Chúa chúng ta đón nhận không phải là gánh nặng bề ngoài đè nén và tước đọat quyền tự do của chúng ta. Trái lại, ách của Chúa nhẹ nhàng, bởi thánh ý của Chúa không làm chúng ta bị tha hóa nhưng thanh tẩy chúng ta dù phải đau khổ, đau thương hay súng sướng. Qủa thế, trong bài đọc 2, Thánh Phaolô nói: “Nếu Đức Ki-tô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính”.

Vì vậy, Chúa Giêsu hôm nay nói hãy học cùng ta vì ta hiền lành. Nhưng thử nhìn lại cuộc đời Chúa Giêsu, Chúa Giêsu có hiền thiệt không? Đọc Tin Mừng chúng ta thấy các Thánh sử kể Chúa tức giận quát mắng quỷ dữ cũng như con người. Thánh Máccô kể rằng “Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” (Mc 1,21-24). Hay là: “Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ” (Ga 2,13-15). Như vậy, Chúa Giêsu hiền lành cỡ nào? Như thế mình học nỗi không, theo nỗi không? Có lẽ chúng ta hiểu sai về sự hiền lành của Chúa rồi, bởi vì chúng ta đồng hóa sự hiền lành với nhu nhược. Hiền lành của Chúa Giêsu không phải là nhu nhược mà có lập trường, lập trường của chân lý. Cụ thể, Chúng ta nhớ lại đi, khi có một anh lính vả vào mặt Chúa Giêsu, Chúa không vả lại, dù Ngài chỉ cần thổi một phát anh đó bay xuống chín tầng địa ngục. Nhưng Ngài không vả, không phạt gì cả, mà Ngài cũng không im lặng, Ngài hỏi lại anh ta: nếu tôi nói phải sao anh đánh tôi, nếu tôi nói sai thì anh chỉ tôi sai chỗ nào. Rồi trong công cuộc rao giảng, Chúa Giêsu rao giảng giáo lý một cách hiền hòa, không chua cay, nóng nảy, bực tức hay thách đố những người chống đối, xuyên tạc và bắt bẻ Ngài, với các môn đệ quê mùa, nóng tính, tham vọng. Ngài bình thản chấp nhận và nhẹ nhàng dạy bảo. Trước tòa án Do thái, người ta đổ vạ vu oan cho Ngài đủ điều, Ngài chỉ làm thinh. Tại dinh Philatô cũng thế, Ngài không nói nửa lời để minh oan, bào chữa, đến nỗi Philatô phải ngạc nhiên. Bị tát vào má, nhổ vào mặt, đánh trên lưng, đội vòng gai trên đầu, bị nhạo cười mắng nhiếc, Ngài chịu đựng tất cả, không một lời phản đối, bực tức hay phẫn uất. Trên thập giá, Ngài còn biện hộ cho những người làm khổ mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. Như vậy sự hiền lành của Chúa Giêsu là sự hiền lành là tự chủ, kiên nhẫn, chịu đựng và tha thứ hết lòng hầu cho thánh ý Chúa Cha được nên trọn.

Bên cạnh nhân đức hiền lành, Chúa Giêsu khuyên bảo chúng ta học nơi Ngài gương khiêm nhường. Vâng, nói đến sự khiêm nhường chúng ta nghĩ ngay đến sự khiêm nhường của Con Một Thiên Chúa, Đức Giêsu là Đấng Messia khiêm nhường mà Dacaria đã loan báo rằng: “Hãy báo thiếu nữ Xion: kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ” (Mt 21,5). Qủa thế, Đức Giêsu Kitô không phải chỉ là một người phàm, mà còn là Chúa (Rm 8,3) Ngài ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã huỷ mình ra không đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập giá để cứu chuộc chúng ta (Pl 2,6tt) nhờ đó chúng ta khỏi hư mất (Lc 19,10).

Lão Tử dạy quân tử trong phép xử thế rằng “Bậc thượng thiện giống như nước; nước thì hay làm lợi cho vạn vật mà không tranh, ở chỗ nào mà người ta đều ghét, nên gần với đạo. Ở thì hay lựa chỗ thấp; lòng thì chịu chỗ thâm sâu, xử thế thích dùng đến lòng nhân” (Đạo Đức Kinh, chương 66), vì vậy, “hãy lấy nhu thắng cương, nhược thấy cường. Lấy cường xử hạ, nhu nhược xử thượng” (Đạo Đức Kinh, chương 76). Qủa thật, khiêm nhường một đức tính không thể thiếu trong mọi tương giao và xử thế bởi; nếu “Tôi kiêu căng sắc xảo, tôi thành tôi sắc tối; mà huênh hoang huyền hoặc tôi thành tôi huyền tồi; tự ái tôi nặng nề tôi thành tôi huyền tội” (Cha Quang Uy, bài hát “đơn giản tôi là”), như thế đời tôi còn ý nghĩa gì? Chẳng đẹp như ước mơ!

Chúa Giêsu mục tử nhân lành, hiền hậu và khiêm nhường đã nêu gương cho chúng ta trước và “Người để lại mẫu gương cho chúng ta dõi bước theo, vì Người không hề phạm tội, chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà không hề ngăm đe, nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công minh” (1Pr 2,21-23). Như vậy, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải có lòng khiêm nhường thẳm sâu nhất, đó là phục vụ Thiên Chúa và tha nhân, dùng tình yêu mà hạ mình xuống để tôn vinh Thiên Chúa và cứu vớt mọi người. Cho nên, Đức cố Giáo Hoàng Bênêđictô khẳng định rằng: “Tình yêu trong sự thuần khiết và vô tư là chứng cớ tốt nhất về Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta tin và thúc đẩy chúng ta yêu thương” (Thông Điệp, Thiên Chúa là Tình Yêu, số 31).

Qủa vậy, tình thương của Kitô giáo được xây dựng trên nền tảng sự khiêm nhường, vì chưng, Thánh Tôma Aquinô nói: “Kiêu ngạo là thích được đề cao hơn người khác, và kiêu ngạo là khoe khoang, là cay đắng, là tàn nhẫn, là chỉ nghĩ đến bản thân, cho nên kiêu ngạo khiến ta đố kỵ nhau. Bởi vậy, muốn yêu thương phải bắt đầu để cho tâm hồn mình thấm nhuần sự khiêm nhường và hiền lành”. Cho nên, có khiêm nhường, chúng ta mới nhận được tình yêu của Chúa Kitô thúc bách chúng ta phục vụ yêu thương tha nhân một cách dễ dàng và thanh thản, không so đo tính toán và không vụ lợi. Vì vậy, “Hãy biểu lộ cho mọi người biết tình yêu Thiên Chúa giữa lòng thế giới, nhờ chứng tá đặc biệt trong sứ mạng của Đức Kitô được hoàn tất khi chúng ta tận hiến hoàn toàn cho Chúa; hãy nêu gương sáng cho mọi người cả Kitô hữu lẫn ngoài Kitô hữu; hãy khiêm tốn, hiền lành và yêu thương phục vụ, nhất là những người bé nhỏ” (Tông huấn Á Châu, số 44) ngõ hầu tất cả mọi người trên mặt đất hiệp nhất trong tình yêu Thiên Chúa nhờ giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Vậy, Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta sống nhân đức của Chúa đó là ách của Chúa, chính là sống thánh ý Ngài giữa cuộc sống dù có gian nan, dù khi sung sướng hãy luôn để Thánh ý Chúa được thực hiện nơi chúng ta hầu chúng ta sống dồi dào và bình an. Thứ hai đó là hãy tập sống hiền như Chúa Giêsu hầu tạo nên trong gia đình một bầu khí hòa thuận và êm ấm. Và cũng chính sự hiền lành sẽ bắt được một nhịp cầu cảm thông sẽ tạo được những mối liên hệ tốt ngoài xã hội giữa chúng ta với nhau bởi vì: – Giận quá thì mất khôn. Sự nóng giận là như dầu đổ vào lửa, làm cho lửa bùng cháy lên. Trong khi đó, sự hiền lành bao giờ cũng xoa dịu, cũng hàn gắn.

Lạy Chúa xin cho chúng con biết sẵn sàng mang lấy ách của Chúa và sống hiền như Chúa hầu chúng con càng ngày càng giống Chúa. Amen

 

SUY NIỆM III

NGƯỜI BÉ MỌN ĐƯỢC THẤY THIÊN CHÚA

(Hội An 9/7/2023)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

Thánh Kinh cho thấy trong mỗi con người, có một khát vọng sâu xa là được thấy Thiên Chúa. Tác giả thánh vịnh 63 thố lộ: “Lạy Chúa, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa, linh hồn con đã khao khát Ngài.” Thánh Philipphê tông đồ cũng chân thành thưa với Chúa Giê-su: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện” (Ga 14,8). Thật ngạc nhiên, tại sao Philipphê và các tông đồ đi theo Chúa đã lâu mà vẫn không được thấy Chúa Cha? Tại sao nhiều người như Augustinô nuôi dưỡng khát vọng thánh thiện thấy Thiên Chúa mà vẫn không mãn nguyện? Thiên Chúa không muốn mạc khải Ngài cho con người sao?

  1. Thấy Thiên Chúa trong Chúa Giê-su

            Thiên Chúa luôn mạc khải Ngài cho con người được biết, vì Ngài yêu thương con người và ơn cứu độ chỉ đến từ Ngài. Thiên Chúa mạc khải cho con người nhiều lần và nhiều cách, từ công trình tạo dựng vũ trụ bên ngoài đến tiếng lương tâm bên trong mỗi người, từ lời của Chúa được các ngôn sứ rao truyền đến lời Chúa được ghi chép trong Thánh Kinh và cuối cùng, mặc dù là Đấng vô hình, Thiên Chúa vẫn mạc khải trọn vẹn và hiện diện hữu hình giữa nhân loại trong chính Chúa Giê-su.  Vì thế, Chúa Giê-su đã nói: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9).

            Thiên Chúa muốn con người biết và thấy Ngài trong Chúa Giê-su. Trong cuốn “Cuộc đời Chúa Ki-tô,” Đức cha Fulton Sheen đã diễn tả rất sâu sắc mạc khải này như sau: Nơi Bê-lem, Thiên Chúa và con người gặp nhau diện đối diện. Khi làm người ở giữa chúng ta, không có gì thêm vào con người thánh thiện và toàn năng của Chúa Giê-su và cũng không có gì làm mất đi chút nào thiên tính của Ngài. Quyền năng của Thiên Chúa ở trong cánh tay của Chúa Giê-su, tình yêu vô biên của Thiên Chúa vẫn đập nhịp trong trái tim nhân loại của Chúa Giê-su và lòng thương xót hải hà của Thiên Chúa dành cho tội nhân vẫn sáng lánh trong con mắt nhân loại của Chúa Giê-su. Vì vậy, thấy Chúa Giê-su là thấy Thiên Chúa.

            Trong Phúc Âm, không nơi nào Chúa Giê-su nói Ngài là Chúa Cha, nhưng Chúa Giê-su khẳng định: ai thấy Ngài là thấy Chúa Cha. Khi người ta nhìn Chúa Giê-su hành động là người ta nhìn thấy Chúa Cha hành động; khi người ta nghe Chúa Giê-su giảng dạy là người ta nghe Chúa Cha đang nói. Ước gì hằng ngày khi chúng ta được nghe lời Chúa Giê-su, được nhận lấy các bí tích Chúa Giê-su ban và được rước lấy Mình Thánh Chúa Giê-su, chúng ta cùng thánh Tôma và của toàn thể Hội Thánh thưa lên rằng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28).

            Tóm lại, để cứu độ con người, Thiên Chúa mạc khải cho con người nhận biết và tiếp xúc Ngài trong Chúa Giê-su.

  1. Người bé mọn được thấy Thiên Chúa trong Chúa Giê-su

            Nhưng, Thiên Chúa bày tỏ cho con người biết về Ngài không theo quy luật của trần gian, thứ quy luật theo đó người có quyền lực và thế lực tự cho mình quyền hiểu biết. Thiên Chúa cho những “người bé mọn” được biết Ngài. “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25). Chúa Giê-su nói: “vì ý Chúa Cha muốn như vậy.”

            Trước hết, Chúa Giê-su không có ý nói những người đi theo Chúa là những người không khôn ngoan hay không thông thái. Tất cả những người đi theo Chúa là những người khôn ngoan và thông thái không theo tiêu chuẩn của thế gian. Khôn ngoan và thông thái theo kiểu thế gian có thể dẫn con người đến tự mãn với chính con người mình, rồi sau đó không cho Thiên Chúa can dự vào cuộc đời mình, lấy sự tự do và ý muốn của mình làm chuẩn để quyết định mọi chuyện cuộc đời. Chẳng phải vào thời con người có nhiều tiến bộ khoa học và kỹ thuật, gặt hái được nhiều thành quả kinh tế v.v, thì con người tự xây tháp Babel trong lòng mình và thách thức Thiên Chúa đó sao? Bao người trẻ hôm nay có sự nghiệp, có tiền của và danh vọng, nên chẳng màng thờ phượng Thiên Chúa đó sao? Bao người hăm hở học hành không nhằm mục đích làm người, mà chỉ nhằm cho tương lai có công việc hái ra tiền, nên họ đã không còn nhớ đến những lời Chúa dạy đó sao? Nhiều người như người phú hộ tự mãn đã nói với chính mình: “Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm, hãy nghỉ ngơi và ăn uống vui chơi đi!”, nhưng “hỡi kẻ ngu dại, nội hôm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, những gì ngươi tích trữ để lại cho ai?” (Lc 12,18-20). Những người khôn ngoan thế gian như thế không thể nhận ra Thiên Chúa trong Chúa Giê-su.

            Vậy, thế nào là “người bé mọn” để được thấy Thiên Chúa trong Chúa Giê-su? Đó là người sống tình thảo hiếu với Thiên Chúa với tâm tình của người con dành cho Cha.  Họ ca ngợi và thờ phượng Thiên Chúa, họ tùy thuộc mọi quyết định của họ vào lời dạy và ý muốn của Chúa Giê-su như đứa trẻ tin tưởng vào lòng yêu thương và săn sóc của cha mình. Người “bé mọn” luôn cần đến Chúa Giê-su Thánh Thể, cần gặp Chúa, cần lắng nghe Chúa nói và nói Chúa nghe, như đứa trẻ nép mình vào Thiên Chúa là Cha. Người “bé mọn” thích đến gần Chúa Giê-su, có khả năng quỳ gối xuống cầu nguyện với Chúa, có lòng yêu mến và khiêm tốn như thánh Augustinô thưa với Chúa: linh hồn con thao thức, thao thức Chúa mãi.

            Vậy, chúng ta là ai? Là người khôn ngoan theo kiểu thế gian hay là người “bé mọn” theo định nghĩa của Tin Mừng? Là người tự mãn trước Thiên Chúa hay là người luôn dựa vào Thiên Chúa? Chỉ trở nên như người con thơ bé dựa vào lòng Chúa Giê-su, chúng ta mới được nghe Chúa nói “vì Chúa Cha muốn như thế” và được thấy Thiên Chúa trong Chúa Giê-su.