Chúa Nhật XIV Thường Niên – Năm B


CN 14 TN NĂM B

4-7-2021

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Thuận Yên

GIÁO HUẤN SỐ 32

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG TUỔI TRẺ

Thời của những giấc mơ và những quyết định (tt)

Cách đây ít lâu, một người bạn hỏi tôi nhìn thấy gì nơi một người trẻ. Câu trả lời của tôi là: “Tôi thấy một người đang tìm lối bước riêng của mình, một người muốn bay trên hai bàn chân, một người đối diện với thế giới và hướng nhìn chân trời với đôi mắt đong đầy tương lai, đầy hy vọng và cả ảo tưởng nữa. Một người trẻ đứng trên hai bàn chân cũng như người trưởng thành, nhưng khác với người trưởng thành, hai bàn chân người trẻ không đặt song song, mà một chân luôn luôn ở phía trước, sẵn sàng lao tới. Họ luôn luôn lao về phía trước. Nói về người trẻ là nói về triển vọng và nói về niềm vui. Người trẻ có nhiều nghị lực; họ có thể nhìn về phía trước với niềm hy vọng. Một người trẻ là một triển vọng của đời sống, hàm chứa một mức kiên định nào đó. Họ có đủ điên rồ để đánh lừa chính mình, và có đủ năng lực phục hồi để vượt qua sự đánh lừa ấy” (Tông huấn Đức Kitô hằng sống số 39).

————

CN 14 NĂM B

(Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6)

 

Cha Louis Đoan

Đà Nẵng là nơi hạt giống Tin Mừng đầu tiên được gieo vãi. Dòng máu nóng thầy Anrê cũng đổ ra trên mảnh đất này. Trên mảnh đất này có Thanh Chiêm, Phước Kiều, là “cái nôi” của chữ quốc ngữ, vì có cha Pina, có cha Đắc Lộ, có cậu bé Raphaen Rhodes, quê Cây Trâm-Tam Kỳ… và là “cái nôi” của các nhà truyền giáo, vì có ông bà Anrê. có công chúa Ngọc Liên, có cha Louis Đoan…

Cha Louis Đoan là một trong 4 linh mục đầu tiên của Giáo phận Đàng Trong (từ sông Gianh đến đèo Cù Mông, từ Quảng Bình đến Phú Yên). Chính Đức cha Lambert, giám mục đầu tiên, phong chức: năm 1668 hai cha Giuse Trang và Luca Bền, năm 1672 cha Manuel Bổn, năm 1676 cha Louis Đoan.(Trương Bá Cần, Lịch Sử Phát Triển Công Giáo Việt Nam, tập 1, trang 132).

Thời thơ ấu, còn ở với cha mẹ, cha Đoan đã tỏ ra can đảm, anh hùng. Cha Nguyễn Hồng kể : “Ở chính tỉnh Chàm (Thanh Chiêm), hai cha (Đắc Lộ và  Maltos) đi thăm các họ đạo vùng bắc và vùng Nam chỉ có một mình cha Ruben ở lại Hội An. Một hôm quan trấn ‘kẻ thù nổi tiếng của đạo Kitô’ cho lính khám các nhà đàn anh trùm trưởng trong họ và tịch thu các ảnh tượng. Ông Anrê và hai người con nhỏ với một số đàn anh bị trói dẫn ra Hội An và bị phạt trượng (đánh đòn) ở nơi công dộng. Ông còn muốn bắt cả cha Ruben ra chứng kiến việc đốt các ảnh tượng” (Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, quyển I, trang 161).

Cha Trương Bá Cần viết ở phần ghi chú: “Đây là linh mục Việt Nam thứ tư ở Đàng Trong. Trong thư đề ngày 20-6-1677, thừa sai Vachet viết : ‘Khi ở trong khu truyền giáo này  (Quảng Ngãi) về, Đức giám mục hiệu tòa Béryle (Lambert) đã phong chức linh mục cho Louis Đoan, một trong những thầy giảng kỳ cựu thông nho của vương quốc này’”

Trong thư gửi Đức giám mục Lambert năm 1676, Thừa sai Courtaulin viết: “Ngày lễ sinh nhật Đức Mẹ 8-9, linh mục Louis Đoan đã làm lễ mở tay ở Cacham (Thanh Chiêm) trong nhà của người em út, được trang hoàng lộng lẫy, có khoảng 500 giáo hữu ưu tú của tỉnh này tham dự” (Trương Bá Cần, sđd, trang 224).

Linh mục Đoan là văn sĩ, và là tác giả cuốn sách “Sấm Truyền ca”.

 Sách “Sấm Truyền Ca” của cha được ca ngợi như sau: “Có thể nói thế kỷ XVIII văn thơ Nôm Công giáo nổi bật nhất với thi phẩm Sấm Truyền Ca của Linh mục Louis Đoan. Sấm Truyền Ca là đỉnh cao của văn thơ Nôm, văn chương trác tuyệt, một tác phẩm lớn về giá trị văn chương. Cha Louis  diễn đạt 5 sách đầu của Kinh Thánh: Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số, Đệ Nhị Luật,.. thành thể thơ lục bát, gồm 3596 câu, vào năm 1670” (Cao Thế Dung, Việt Nam Công Giáo Sử Tân Biên 1553-2000, Quyển II, trang 1353).  

“Hổ phụ sinh hổ tử” người Việt thường nói vậy, để ca ngợi công ơn cha mẹ. Quả thật, cha Louis được ơn Chúa gọi là nhờ lòng đạo đức của ông cố bà cố.

Cha Đắc Lộ, vị thừa sai, khen ngợi cha mẹ của cha Louis như sau : ‘Cụ thuộc vào sổ những người theo đạo trước hết, không những trong tỉnh Quảng Nam, quê quán của cụ, mà trong cả xứ Nam. Hơn nữa, cụ còn được hân hạnh là người chịu thử thách đầu tiên vì danh Chúa, không phải một lần mà bốn lần, mà lần nào cụ cũng can đảm chiến đấu. Cụ là người đầu tiên được mang huy chương danh dự mà chúng tôi vẫn mệnh danh là thập giá của xứ Nam (chiếc gông). Tuy không được phúc tử đạo, nhưng cụ không bao giờ trốn tử đạo.

Phu nhân của cụ sinh hạ được hai người con là cậu Emmanuel và Louis, thật là hai bức họa mô phỏng hoàn toàn hình ảnh nhân đức của bà.

Nhà ông bà là nơi trú ẩn của những người có đạo trong thời bình cũng như khi gặp cơn gió bão. Ông cụ đã cất một ngôi nhà thờ rộng rãi, nhiều người đã được lãnh Phép Rửa ở đó, được giáo huấn và được lĩnh nhận ơn sức mạnh của các bí tích. Là một vị quan liêu có địa vị và được kính nể trong vùng Quảng Nam, cụ đã biết yêu ô nhục của thập giá hơn là lợi lộc thế gian.

Cha mẹ cha Louis còn có lòng rộng rãi quảng đại: góp tiền làm việc tông đồ: “Linh mục Rhodes đến Đàng Trong lúc lệnh trục xuất các thừa sai mới ráo mực, nên ông phải rất thận trọng… Trước hết ông đến Hội An, để tìm sự che chở và giúp đỡ của các kiều dân Nhật. Viên quan đứng đầu cộng đồng người Nhật không Công giáo và không mấy thiện cảm với Công giáo, nhưng nhờ được quà cáp hậu hĩ ông đã giúp đỡ rất tận tình. ‘Viên quan Nhật Bản này đã hướng dẫn tôi một cách rất khéo léo và ông cũng nhờ bạn hữu của ông giúp tôi qua các cửa ải một cách dẽ dàng …. Tôi ra mắt nhà vương với những lễ vật cao quí nhất có thể có được. Nói thực là để mua các lễ vật đó, tôi đã xử dụng hầu như tất cả số tiền tôi mang theo để sống trong một năm. Nhưng Thiên Chúa đã lo liệu cho, bởi vì một giáo hữu tốt lành tên là Anrê, cùng với vợ, đã gửi cho tôi tất cả số tiền cần thiết để trang trải cho tôi…

Theo những thư cuối cùng ở xứ Nam mà tôi nhận được viết vào khoảng năm 1648, thì cụ đã chết một cách thánh thiện tại tư gia của cụ, luôn bền vững trong đức tin và đầy vinh dự vì bao khổ nhục cụ đã chịu đựng vì đạo Chúa” (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, tập I,  trang 168-169).

Giáo dân Thanh Chiêm ngoan ngoãn và dễ thương, so với người Ít-ra-en thời ngôn sứ Ê-dê-ki-en và thời Chúa Giêsu trong Lời Chúa thánh lễ hôm nay.

Bài đọc 1: Bđ1 đọc sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en. Ê-dê-ki-en nghĩa là “Thiên Chúa làm cho mạnh sức”. Ê-dê-ki-en là một trong 4 đại ngôn sứ (I-sai-a, Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en, Đa-ni-en). Ông thi hành sứ vụ ngôn sứ từ năm 593- 571 tCN. Năm 597 ông cùng với vua Giô-sa-khin và các người quí tộc, bị lưu đày sang Ba-by-lon. 4 năm sau Thiên Chúa chọn ông làm ngôn sứ.

Trong bđ1, Thiên Chúa phán với ông : “Hỡi con người, chính Ta sai ngươi đến với con cái Ít-ra-en, đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Ta; chúng cũng như cha ông  đã nổi lên chống lại Ta mãi cho đến ngày nay. Những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá, chính Ta sai ngươi đến với chúng. Đức Chúa là Chúa thượng phán thế này : ‘Còn chúng, vốn là nòi phản loạn, chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng” (Ed 2,3-5).

Bài Tin Mừng : Cha Nguyễn Công Đoan viết về BTM hôm nay : “Sau khi cho chúng ta chứng kiến quyền năng của Đức Giê-su mạnh hơn cả cái chết, Mc đưa chúng ta đi theo Người về quê quán của Người, Na-da-rét. Tiếng đồn về người đã vang khắp nơi, lôi kéo người bốn phương tìm đến với Người (Mc 3,7-8), nay Người về thăm quê, chúng ta tưởng Người sẽ được dân làng đón tiếp linh đình, kèn trống râm ran, như cảnh ‘trạng về làng vinh quy bái tổ’. Chuyện diễn ra không như chúng ta nghĩ.

Tuy về quê quán của Người, nhưng Người cũng chờ ngày sabát mới vào hội đường rao giảng. Phản ứng đầu tiên của dân làng là rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói : ‘Bởi đâu ông ta được như thế ? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao ? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì ?’ Thế ra họ cũng nghe biết về những phép lạ Người làm ở khắp nơi. Họ rất đỗi ngạc nhiên. Nhưng họ bỗng như bị xối nước lạnh lên đầu, khi họ nhìn thấy thân nhân của Người ngồi chung quanh họ trong cùng một hội đường. Thân nhân đã từng bị kích động vì dư luận, cho rằng Người đã mất trí và họ kéo nhau đi bắt Người về (Mc 3,20.21.31-32), nhưng đã về tay không. Nhìn mặt Người vẫn là bác thợ con bà Ma-ri-a, từng làm thuê cho họ. Nhìn quanh, họ thấy anh em, chị em, bà con của Người, những người vẫn chen vai sát cánh với họ hằng ngày, trong cái làng quê nhỏ bé mà ai cũng biết mọi người, mọi nhà. ‘Và họ vấp ngã vì Người’. Đức Giê-su phải ngao ngán nói với họ : ‘Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở giữa quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi’. Quả như câu tục ngữ xưa của Việt Nam: ‘Gần chùa gọi Bụt bằng anh’. Kết cục ‘Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó. Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ’. Lại như một câu tục ngữ Việt Nam : ‘Bụt nhà không thiêng’; ‘bà lén’ đã được Người tuyên dương: ‘Lòng tin của con đã cứu chữa con’, còn dân làng của Người  thì Người phải ‘lấy làm lạ vì họ không tin ‘. Thế là chuyến về thăm quê cũ chẳng có gì phấn khởi (Tĩnh Tâm Với Sách Tin Mừng Mác-cô, trang 95-96).

Bài đọc 2 : Bđ2 được tiếp tục đọc thư thứ hai thánh Phao-lô gửi cộng đoàn Cô-rin-tô. Đoạn thư nói về ‘cái dằm’. Thánh nhân viết : ‘Thân xác tôi đã bị một cái dằm đâm vào, để tôi khỏi tự cao tự đại’ (2Cr 12,7).

Cha Hồ Thông viết : “Các nhà chú giải luôn luôn tự hỏi lời này ám chỉ đến cái gì . Họ đã so sánh bản văn này với đoạn thư gửi tín hữu Ga-lát : “Anh em biết: nhân khi thân xác tôi đau ốm, tôi đã loan báo Tin Mừng cho anh em lần đầu tiên . Mặc dầu thân xác tôi là một dịp thử thách cho anh em, anh em đã không khinh, không tởm, trái lại anh em đã tiếp đón tôi như một sứ giả của Thiên Chúa, như Đức Giêsu Kitô” (Gl 4,13-14).

Người ta đã nghĩ đến một khuyết tật bẩm sinh nào đó. Khoa ảnh tượng xưa trình bày thánh nhân lúc thì với đôi mắt lồi, lúc thì với đôi mắt lé. Người ta cũng đã gợi lên những xao xuyến tâm lý, như nỗi buồn phiền của thánh nhân vì đã không hoán cải được những người Do Thái, đồng bào của thánh nhân, ‘anh em trong xác thịt của tôi’ (Phụng Vụ Lời Chúa Năm B, trang 96-97).

Phải chăng những khuyết tật, những khuyết điểm, những đối xử bất nghĩa trong đời mục vụ giúp chúng ta khiếm tốn, tránh kiêu căng, tự mãn, tự tôn tự đại ?

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành