Chúa Nhật XIV Thường Niên – Năm B


CN.14.B

8-7-2018

—————————————–

Giáo Huấn

SỰ MỞ RỘNG PHONG NHIÊU

Lịch Giáo Phận Số 32

Không gia đình nào phong nhiêu mà lại quá khứ khác biệt hoặc ‘tách biệt’ với các gia đình khác. Để tránh nguy cơ này, ta nên nhớ rằng gia đình của Đức Giêsu, vốn đầy ơn sủng và khôn ngoan, không được xem như một gia đình ‘lạ lùng’, như một gia đình dân ngoại và sống xa cách dân chúng. Chính vì thế mà người ta mới thấy khó khăn trong việc nhìn nhận sự khôn ngoan của Đức Giêsu và nói : “Bởi đâu ông ấy được như thế ? {…} Ông ấy không phải là bác thợ mộc, con bà Maria đó sao” (Mc 6,2-3). “Ông không phải là con bác thợ mộc sao ?” (Mt 13,55). Điều đó xác nhận rằng đây là một gia đình đơn sơ, gần gũi với tất cả mọi người, sống một  cuộc đời bình thường giữa dân chúng. Đức Giêsu cũng không lớn lên trong mối tương quan khép kín và đơn độc chỉ với Mẹ Maria và Thánh Giuse, nhưng Người sống vui vẻ trong gia đình lớn, nơi có bà con và bạn hữu. Chính vì thế mà, trên đường trở về từ Giêrusalem, cha mẹ Người tưởng rằng cậu bé mười hai tuổi mất hút trong đoàn lữ hành suốt cả một ngày, vừa đi vừa nghe những câu chuyện và chia sẻ những mối quan tâm của mọi người : “Ông bà cứ tưởng là cậu bé về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường mới đi tìm kiếm” (Lc 2,44). Trái lại đôi khi xảy ra sự việc là có một số gia đình Kitôgiáo, vì ngôn ngữ mà họ xứ dụng, vì cách nói chuyện, phong cách xử sự của họ, vì sự lặp đi lặp lại liên tục về hai ba vấn đề nào đó, họ được coi là sống xa vời, như tách biệt khỏi xã hội, thậm chí chính bà con của họ cảm thấy bị khinh miệt hoặc bị xét đoán (Niềm Vui Của Tình Yêu, số 182).

———————————-

CN.14.B

(Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6)

Ngay từ khi Thánh Giá được “trồng” vào xứ sở này, thì những đợt chống đối nổi dậy do nhiều tầng lớp xã hội, vì nhiều lý do. Các Giêsu hữu (những người dòng Tên) vừa truyền giáo được hai năm, thì sóng gió nổi lên, đó là năm 1617. Nguyên do : vào mùa thu năm đó thiếu mưa, nông dân Quảng Nam không làm ruộng được. Theo cha Borri thì các onsaif (ông sãi) liền nhóm họp để tìm cho ra lý do là phật lòng thần thánh (Borri viết là Idoli, nghĩa là thần). Theo các onsaif, chính vì các Thầy Đạo Hoa Lang đến đây giảng dạy một tà giáo, nên Trời Phật mới giáng họa cho vùng này. Vì thế, dân chúng cùng các onsaif đến trình với trấn thủ Quảng Nam dinh là Nguyễn Phước Kỳ, thế tử của Nguyễn Phước Nguyên. Trấn thủ không tin nhận lý do trên đây, nhưng sợ dân chúng gây rối loạn, nên đành ra lệnh cho các cha tạm rút về Áo Môn, chờ hết nạn hạn hán sẽ trở lại, dù Trấn thủ rất quí trọng các cha. Tầu buôn Bồ Đào Nha chở các cha vừa ra khơi thì bị gió ngược, phải quay lại bờ. Dân chúng ngăn cản không cho các cha vào ở trong nhà tại Cửa Hàn, nhưng phải ở trên bãi biển chịu nóng bức khổ sở. Trong khi ấy, người ta mời được một pháp sư nổi tiếng là vị chân tu, làm lễ cầu đảo. Vị pháp sư lên một ngọn núi, đã có nhiều người tụ họp gần đó, sau khi khấn vái với những nghi thức cầu đảo quen thuộc, ông dậm mạnh chân trên đất ba lần, một lát sau mây mù giăng khắp, nhỏ được vài giọt mưa, không đủ thấm đất  cho dân làm ruộng. Dân chúng bực bội đi phóng hỏa nhà thờ ở Cửa Hàn, làm cho các cha ở bãi biển rơi lệ mà chẳng cách nào cứu chữa được. Không rõ các Giêsu hữu phải sống cơ cực trên bãi biển bao lâu; chỉ biết, nhờ có bà Gioanna ở Thanh Chiêm cùng bổn đạo đến thăm hỏi, an ủi, giúp đỡ; các cha tản mát dần dần. Riêng cha Pina và một tu huynh người Nhật có lẽ là thầy José Tsuchimochi, được các Nhật kiều Công giáo ở Hội An bí mật đưa về Hội An sống ẩn trong nhà của họ và vẫn âm thầm dâng Thánh lễ cho giáo hữu Nhật. Hai cha Antonio Fermandez và Manuel Barreto đi Cam Bốt, có lẽ ở tại Udong (Oudong, Pingalu, Vịnh Lung, kinh đô Cam Bốt từ 1618-1867). Riêng cha Buzomi bị lên mụn nhọt lớn trước ngực, lại tình cờ được quan Khám lý Cống Quận công Trần Đức Hòa, tri phủ Hoài Nhơn (Qui Nhơn) nhân chuyến đi ra Huế, gặp cha đang bị nạn, khi trở lại đưa cha về Qui Nhơn giao cho người con trai cả săn sóc tận tình. (Đỗ Quang Chính, Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773, trang 50-52).

Lời Chúa trong thánh lễ Chúa nhật hôm nay cũng cho thấy nỗi khổ của các nhà truyền giáo, đi rao giảng Tin Mừng.

Bđ1 : Bđ1 là đoạn sách viết về việc Thiên Chúa gọi tư tế Ê-dê-ki-en làm ngôn sứ với một dân cứng đầu cứng cổ. Theo tác giả Scott Hahn : “Êdêkien, tiếng Hipri có nghĩa là ‘Thiên Chúa làm cho mạnh’ (Ed 1,3; 3,8). Ngôn sứ sống lưu đày ở Babylon. Năm 593, năm thứ 5 lưu đày, được Thiên Chúa gọi làm ngôn sứ” (Catholic Bible Dictionary,271). Thiên Chúa phán : “Ta sai ngươi đến với con cái Ít-ra-en, đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Ta… Những đứa con mặt dày mặt dạn, lòng chai dạ đá… Vốn là nòi phản loạn” (Ed 2,3-5).

BTM : Bài Tin Mừng kể chuyến viếng thăm Nadarét quê hương của Chúa. Cha Nguyễn Công Đoan viết : “Chúng ta tưởng Người sẽ được dân làng đón tiếp linh đình, kèn trống râm ran, như cảnh ‘trạng về làng vinh quy bái tổ’. Chuyện xảy ra không như chúng ta nghĩ… Nhưng họ bỗng như bị xối nước lạnh lên đầu… Nhìn mặt Người thì vẫn là mặt bác thợ con bà Maria, từng làm thuê cho họ. Nhìn quanh họ thấy anh em, chị em, bà con của Người, những người vẫn chen vai sát cánh với họ hằng ngày, trong cái làng quê nhỏ bé… Quả như câu tục ngữ của Việt Nam : ‘Gần chùa gọi bụt bằng anh’, ‘Bụt nhà không thiêng’… Thế là chuyến viếng thăm quê cũ chẳng có gì phấn khởi” (Sách Tin Mừng Mác-cô, trang 95-96).

Bđ2 : Trong Bđ2, thánh Phaolô viết cho giáo hữu Côrintô : “Thân xác tôi như bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xatan được sai đến vả mặt tôi… Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này” (2Cr 12, 7-8). Cha Hồ Thông viết cái dằm là “những xao xuyến tâm lý, như nỗi buồn phiền của thánh nhân vì đã không hoán cải được những người Do Thái, đồng bào của thánh nhân” (Phụng Vụ Lời Chúa Năm B, trang 97).

Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ cho cái dằm là “mối hận của người Do Thái, anh em cốt nhục của ngài; hoặc lòng cứng cỏi của họ  không chấp nhận đức tin  Kitô giáo, hoặc là một căn bệnh hay phát chứng trầm trọng và bất ngờ (sốt rét ? viêm mắt mưng mủ ? động kinh ?) (Kinh Thánh, ấn bản 2011, trang 2570).

Trong tập sách “Các Bài Tin Mừng Mác-cô, trang 132-133”, cha Vũ Phan Long viết : “Sự khước từ ở Nadarét vẫn tồn tại. Con người hôm nay, những người Nadarét mới, vẫn đang thấy Đức Giê-su là một cớ gây ngạc nhiên và vấp ngã. Do sự từ khước con người hôm nay, hoạt động cứu thế của Thiên Chúa như bị tắc nghẽn. Tuy nhiên, Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về con người… Người môn đệ của Đức Giê-su không được nản chí khi gặp thất bại hay chống đối. Nhiệm vụ của họ là cứ ra đi để rao giảng Lời Chúa, để làm chứng. do đó không nên bận tâm (và nặng lòng) với kết quả (nhất là không mấy ngoạn mục).

Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam xin nâng đỡ chúng con.

 Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành