Chúa Nhật XIV Thường Niên – Năm A


CN.14.A

(Dc 9,9-10; Rm 8,9.11-13; Mt 11,25-30)

Năm 1498 ông Vasco da Gama (Vát-cô đa Ga-ma) đi thám hiểm bằng tầu. Từ đó Bồ Đào Nha trở thành một cường quốc thương mại, có nhiều thuộc địa ở Châu Mỹ, ở Á châu…Nữ hoàng Isabelle (I-sa-ben) nước Tây Ban Nha cũng khuyến khích việc thám hiểm, và giúp ông Cristofo Colombo (Crít-tô-phô Cô-lôm-bô) thám hiểm tìm ra Châu Mỹ năm 1492… Tây Ban Nha thành đế quốc thương mại thứ hai (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, T.I, trang 39-40). Hai nước được các Đức Giáo hoàng ban “quyền bảo trợ”: năm 1430 cho Bồ Đào Nha, năm 1494 cho Tây Ban Nha.

“Quyền bảo trợ” là quyền được bảo vệ các thừa sai và cung cấp các phương tiện truyền giáo và xen mình vào việc bổ nhiệm các Giám mục … Hơn thế nữa, nhiều khi chính quyền thực dân còn lợi dụng sự hiện diện của các thừa sai để mưu cầu ảnh hưởng quyền lực chính trị cho mẫu quốc. Do đó gây ra biết bao thiệt hại cho việc truyền giảng Tin Mừng… Đứng trước hoàn cảnh này, Tòa Thánh phải tìm cách thoát ra khỏi cơ chế bảo trợ, phải đứng ra lãnh trách nhiệm trực tiếp và toàn bộ trong việc tổ chức…Năm 1622 thành lập Bộ Truyền Giáo (Đỗ Quang Chính, Hai Giám Mục Đầu Tiên Tại Việt Nam, trang 20).

Từ năm 1615, các cha dòng Tên đến truyền giáo tại Việt Nam dưới quyền bảo trợ của Bồ Đào Nha. Từ năm 1659 các cha Thừa Sai Pari đến Việt Nam thuộc Bộ Truyền Giáo.

Hai bên chia rẽ nhau. Các cha dòng Tên cho mình có công khai phá 44 năm (1615-1659) và được nhà vua Bồ bảo trợ. Còn các cha Thừa sai Pari thì cho mình được Tòa Thánh sai đến. Ngoài ra còn thêm tính tình của mỗi thừa sai.

Thừa sai Chevreul (Sơ-vrơn) bị ảnh hưởng tính tình của Đức cha Lambert de la Motte, có thiên kiến rất mạnh và nóng nẩy. Năm 1664 được sai làm cha Tổng đại diện Đàng Trong. Cha đến Hội An bắt hai cha dòng Tên nhận quyền. Lúc đầu còn e ngại, sau hai cha công nhận. Cha Chevreul bắt hai cha phải công bố trước mặt giáo dân. Nhất là bắt hai cha ký vào giấy nữa (Nguyễn Hồng, Lich sử Giáo Hội Việt Nam, T.II, trang 58).

Trái lại thừa sai Antôn Hainques (Hen-cờ) được sai đến làm cha Tổng đại diện năm 1665 tính tình khiêm nhường. Trong cuộc họp với các thầy giảng, cha dịu dàng nói. Cha Nguyễn Hồng ghi lại : “Vấn đề quyền bính để cho Đức cha Lambert de la Motte sẽ tâu trình về Tòa Thánh xin xét xử. Còn trong hiện trạng của Giáo phận Đàng Trong lúc này giữa cơn bách hại, chỉ có cha là người duy nhất có thể ở lại trong xứ để đáp lại những đòi hỏi của giáo dân cần có linh mục. Như thế, dù cha không có quyền thực sự đi nữa, thì nguyên sự đòi hỏi của giáo đoàn cũng đủ cho phép cha ở lại với giáo dân. Nghe những lời nói từ tốn như thế, các thầy giảng đồng thanh xin cha ở lại” (Nguyễn Hồng,sđd, trang 110).

Lời Chúa trong thánh lễ cũng dạy chúng ta sống khiêm nhường hiền lành.

Bđ1 : Khoảng năm 518 TCN ngôn sứ Da-ca-ri-a nói tiên tri về Chúa Giêsu như sau : “Kìa  vua của ngươi đang đến với ngươi : Người là Đấng chính trực toàn thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (Dcr 9,9). Nhóm Các Giờ  Kinh Phụng Vụ (CGKPV)  cắt nghĩa : “Các vua chúa xưa vẫn ngồi trên lưng ngựa (x.St 49,11; Tl 5,10; hoặc lưng la (2Sm 13,29; 1v 1,33.38.44). Lừa tiêu biểu cho thời không có chiến tranh” (ấn bản 2011,trang 2078).

BTM: trong BTM chính Chúa tuyên bố ngài hiền hậu khiêm nhường : “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Nhóm CGKPV cắt nghĩa : “Ách / gánh của Chúa Giêsu là đạo lý Tin Mừng. Có thể nói đạo lý này được tổng hợp trong ba điểm : Tin (trở thành môn đệ, thụ giáo với Chúa), khiêm nhường (thái độ đối với Thiên Chúa), hiền lành (thái độ dối với tha nhân) như Chúa Giê-su. Nói khác đi: nhờ Chúa Giê-su và với Người, sống hoàn toàn theo ý Cha vì yêu mến, đồng thời vì vâng ý Cha, mà hy sinh cho tha nhân cho đến chết trên thập giá…(trang 2151).

Bđ2 :  Bà Dianne Bergant (Đi-an Bơ-gân) tác giả tập sách Teaching New Lectionary giải nghĩa “khiêm nhường là vì ít có lý do để kiêu căng”. Như vậy, vì không có gì tự cao tự đại, để khoe khoang, nên dễ khiêm nhường.

Khi ở Cô-rin-tô, cuối hành trình truyền giáo thứ ba (57-58), thánh Phao-lô “cảm thấy trách nhiệm tông đồ của mình ở Đông Phương sắp kết thúc… Người dự tính sẽ đi Tây Ban Nha, và trên đường đi sẽ ghé qua Rôma (x.Cv 19,21; Rm 15,23-32)… Để chuẩn bị cho chuyến đi này, người đã viết một bức thư gửi cho ‘các anh em đang ở Rô-ma’…” (CGKPV ấn bản 2011, trang 2080). Trong bđ2 thánh Phaolô viết cho người Rôma : “Vì nếu anh em theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống” (Rm 8,13).

Tính xác thịt là những hành vi ích kỷ làm con người kiêu căng, khinh thường người khác. Ngày 21-6-2014, khi gặp các linh mục tại Cassano Đức Phanxicô đặt tên cho tính ích kỷ là “văn hóa chủ quan”. Ngài nói : “Các linh mục chúng ta cũng bị chìm trong nền văn hóa chủ quan ngày nay, thứ văn hóa tuyên dương cái tôi, đến độ tôn thờ nó như thần tượng, và do một thái độ duy cá nhân chủ nghĩa trong mục vụ, đáng tiếc là cũng lan tràn trong các giáo phận chúng ta”.

Trái lại, không ỷ vào mình, nhưng cậy dựa vào Chúa, con người sẽ khiêm nhường và hiền lành.

Gia đình sẽ yên vui đầm ấm, nếu mỗi người trong gia đình khiêm nhường, bỏ tính ích kỷ, cậy mình, tự cao tự đại (6-7-2014)

.————————————————

 CN.14.A

Ngày 3-7, ngày thánh Philipphê Phan Văn Minh tử đạo tại pháp trường Đình Khao,Vĩnh Long.

Thánh Philipphê Phan Văn Minh là con út trong số 14 người con của hai ông bà Đaminh Phan Văn Đức và Anna Tiếu ở họ đạo Cái Mơn. Cả hai ông bà được Chúa gọi về khi thánh Minh còn nhỏ tuổi. Chị gái thay cha mẹ nuôi nấng các em. Thánh Phan Văn Minh được xưng tội rước lễ và Thêm Sức là nhờ chị gái dạy giáo lý.

Thấy thánh Minh hiền lành và sáng dạ, cha sở Cái Mơn giới thiệu cho Đức cha Taberd (Ta-be). Đức cha gửi thánh Minh vào học ở chủng viện Lái Thiêu, Bình Dương.

Năm 1833 vua Minh Mạng cấm đạo, chủng viện Lái Thiêu phải đóng cửa. Đức cha Taberd phải trốn sang Thái Lan. Thánh Phan Văn Minh đi theo giúp Đức cha. Đức cha gửi thánh Minh vào học chủng viện Pênăng, Malaysia. Khi Đức cha Taberd đến Ấn Độ trú ẩn, Đức cha gọi thánh Minh sang Ấn Độ để cùng Đức cha soạn bộ Tự Điển Việt Nam-Latinh, một bộ tự điển đóng góp to lớn vào nền văn hóa tiếng Việt.

Sau khi học xong triết học và thần học ở Pênăng, thánh Minh được về Việt Nam đi giảng đạo và dạy giáo lý khắp các xứ đạo Miền Tây. Đức cha Lefèbre (Lơ-phép) thay thế Đức cha Taberd làm giám mục Sàigòn đang bị giam trong tù ở Huế đã xin Đức cha Cuenot Thể (Qui-nô), giám mục Qui Nhơn, phong chức linh mục cho thánh Minh tại xứ đạo Gia Hựu, Qui Nhơn.

Ông bếp Nhẫn ham mê cờ bạc, đã xin cha Lựu tiền, cha không cho. Bếp Nhẫn tức giận tố cáo cha với các quan để được tiền thưởng. Quan quân vây xứ đạo Mặc Bắc để bắt cha Lựu. Cha Lựu đã đi nơi khác, chỉ có mặt cha Phan Văn Minh. Thấy quan quân đánh đập ông trùm Mặc Bắc dữ dằn, cha ra đầu thú. Nghe cha bị bắt ai cũng thương và nói : “Cha hiền lành như Chúa Giêsu, sao lại bắt cha”.

Quan quân cũng thấy cha hiền lành, đề nghị vua Tự Đức đem cha ra miền Bắc giam tù, nhưng vua ra lệnh chém đầu. Nghe tin cha bị chém đầu, ông bếp Nhẫn hối hận, đến xin lỗi cha. Cha không hề trách mắng ông, cha tha thứ và cầu nguyện cho ông. Cha bị chém ngày 3-7-1853, mới 38 tuổi.

Chủng viện Pênăng đã tạc một pho tượng đặt trong nhà nguyện và một tượng bán thân đặt ở sân chủng viện.

BTM :  Thánh Philipphê Phan Văn Minh đã sống hiền lành, vì đáp lại lời kêu gọi của Chúa Giêsu. Trong BTM Chúa Giêsu đã kêu gọi : “Hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).

Bđ1 : Lòng hiền hậu và khiêm nhường của Chúa Giêsu đã được ngôn sứ Dacaria tiên báo từ 300, 400 năm trước. Khi vua Alexandre của nước Hy Lạp đánh đâu thắng đó, khiến cả Âu châu trở thành thuộc địa của nước Hy Lạp. Người Ítraen ước mong vua tương lai của họ cũng được giống như vua Alexandre. Nhưng ngôn sứ Dacaria trong bđ1 lại đưa ra một hình ảnh trái ngược. Đó là ông vua : Khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (Dcr 9,9). Đúng như vậy, Chúa Giêsu vào Đền Thờ Giêrusalem ngồi trên lưng lừa (Mt 21,6).

Vua Giêsu không những hiền hậu, lại còn là ông vua hòa bình, không dùng vũ khí. Ngôn sứ Dacaria mô tả : “Người sẽ quét sạch chiến xa khỏi Ép-ra-im, và chiến mã khỏi Giêrusalem; cung nỏ chiến tranh Người sẽ bẻ gẫy, và Người sẽ công bố hòa bình cho muôn dân” (Dcr 9,10).

Trong Vườn Cây Dầu, thấy Chúa Giêsu bị bắt, thánh Phêrô đã tuốt gươm chém đứt tai người đầy tớ của vị Thượng Tế. Chúa Giêsu bảo thánh Phêrô : “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26,52).

Bđ2 : Làm sao sống hiền hậu và khiêm nhường như Chúa kêu gọi ? Qua thư gửi các tín hữu Rôma trong bđ2, thánh Phaolô chỉ cho chúng ta một phương thế. Đó là sống theo sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, chứ đừng sống theo tính xác thịt, theo tính ích kỷ : “Nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ được những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống” (Rm 11,13) (3-7-2011)

—————————————————

CN.14.A

Danh 15 tuổi, học sinh lớp 9 trường THPT Kontum. Ngày 18-6-2008, Danh tới trường cùng bạn bè ôn thi lớp 10. Vì mâu thuẫn với nhau từ trước, Danh bị ba người đồng lớp đâm chết tại sân trường.

Mới 15t đâm chém nhau, đâm chém nhau tại sân trường.

Đánh nhau, chém giết dường như không chỉ người lớn, mà cả ở tuổi nhỏ. Cũng không chỉ xảy ra nơi chiến trường, đường phố, mà cả ở những nơi linh thiêng như gia đình, trường học, nhà thờ… Làm như con tim con người ngày nay chỉ sôi sục lòng hận thù, bạo lực.

Lời Chúa thánh lễ chúa nhật hôm nay kêu gọi chúng ta hãy khiêm nhường và hiền lành.

Bđ1 : Ngôn sứ Dacaria sống đồng thời với vua Alexandre, Hy Lạp. Mới 21 tuổi vua Alexandre đã đánh đông dẹp bắc, biến nước Hy Lạp thành một đế quốc hùng cường rộng lớn.

Trong khi đó ngôn sứ Dacaria không miêu tả vua Do Thái là một chiến binh như vua Hy Lạp, mà là một ông vua khiêm nhường, hòa bình. Ngôn sứ nói với người Do Thái vừa đi lưu đày từ Babylon trở về :”Kía Đức Vua của người đang đến với ngươi : Người là Đấng chính trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, và sẽ công bố hòa bình cho muôn dân” (Dcr 9,10).

BTM : Đức Vua khiêm tốn ngồi trên lưng lừa con, chống lại bạo lực mà ngôn sứ tiên báo, chính là Chúa Giêsu. Khi tiến vào thành Giêrusalem, Chúa Giêsu đã ngồi trên lưng lừa. Người Do Thái đã cầm cành lá tung hô (Mt 21,6-9).

Chúa Giêsu là vua, nhưng là vua khiêm nhường và hòa bình. Chúa Giêsu kêu mời mọi người noi gương Chúa : “Anh em hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).

Là vị vua hiền hậu khiêm nhường, nên chỉ những người hiền hậu khiêm nhường mới đón nhận Chúa. Còn những người khôn ngoan thông thái, tức những người kiêu ngạo bạo lực thì không thể đón nhận Chúa : “Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25).

Bđ2 : Vì sống theo tính xác thịt, sống theo bản năng, người ta sống kiêu ngạo, giận hờn, đâm chém nhau. Còn nếu sống theo lý trí, sống theo lương tâm, sống theo sự chỉ dạy của Chúa Thánh Thần, của Thần Khí, thì người ta khiêm nhường và hiền lành. Nên trong bđ2 hôm nay, thánh Phaolô đã khuyên dạy : “Nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống” (Rm 8,13).

Hôm nay Giáo Hội mừng kính thánh nữ Maria Goretti (Gô-rét-ti), một vị thánh 12 tuổi. Thánh Maria Goretti không sống theo tính xác thịt, nên đã không chiều theo sự ham muốn xác thịt của anh Alexandrô (A-léc-xan-rô). Nên đã bị anh Alexandrô đâm chết bằng 14 nhát dao.

Thánh Maria Goretti không sống theo xác thịt, nên khi cha sở đến bên cạnh hỏi :

– “Con có bằng lòng tha thứ cho anh Alexandrô không ?”.

Thánh nữ thưa :

– “Vì tình yêu Chúa Kitô, con xin tha. Ước gì anh được lên thiên đàng với con”.

Anh Alexandrô bị tòa kết án 30 năm tù. 8 năm đầu trong tù, anh không nhận lỗi, anh sống dữ tợn, ai cũng sợ.

Thánh Maria Goretti không sống theo xác thịt, nên đã hiện ra với anh Alexandrô trong tù để cứu anh. Anh mơ thấy thánh nữ đứng trong vườn hoa hồng rất xinh đẹp. Thánh nữ đã hái một bông tặng anh. Từ khi thấy giấc mơ này, anh đã nhận lỗi và ăn năn hối cải.

Cả bà Assunta, người mẹ của thánh nữ, cũng không sống theo xác thịt. Khi được tha tù, anh Alexandrô đến quì dưới chân bà và xin :

– “Xin bà tha thứ cho con” !

Bà đáp :

– “Con mẹ đã tha thứ cho con, làm sao mẹ không tha cho con” !

Năm 1950, Đức giáo hoàng Piô XII phong thánh cho thánh nữ Maria Goretti. Trong thánh lễ long trọng này có sự hiện diện của bà Assunta 85 tuổi và cả anh Alexandrô, người đã giết thánh nữ. Cả hai người cùng bưng đồ lễ dâng lên bàn thờ.

Hãy sống hiền lành và khiêm nhướng như Chúa Giêsu dạy hôm nay (6-7-2008).

——————————–

CN.14.A

Một hôm ông Dioscore (Đi-ót-cô-rê) hỏi thánh Augustinô :

– Nhân đức nào cần và phải tập trước hết ?

Thánh nhân trả lời :

Nhân đức khiêm nhường.

Ông Dioscore hỏi :

– Nhân đức thứ hai ?

Thánh nhân đáp :

Nhân đức thứ hai là khiêm nhường.

Ông Dioscore lại hỏi :

– Còn nhân đức thứ ba ?

Thánh nhân cũng trả lời :

Nhân đức thứ ba cũng là khiêm nhường.

Thánh Augustinô còn nhấn mạnh :

  • Nếu ông hỏi nhân đức thứ tư, thứ năm…, tôi cũng chỉ trả lời nhân đức khiêm nhường, vì có nhân đức khiêm nhường thì mới có các nhân đức khác.

Khiêm nhường tiếng latinh là humilitas (Hu-mi-li-tát). Humilitas bởi từ humus (hu-mút) có nghĩa là đất cát. Vậy người khiêm nhường nhận ra mình chỉ là bụi đất và được gì là do Chúa, không tự phụ khoe khoang, kiêu căng, khinh bỉ, nói xấu người khác…

Thầy Massêô (Mát-sê-ô) hỏi thánh Phanxicô khó khăn :

– Tại sao thiên hạ cứ tìm đến với cha ?

Thánh nhân đáp :

Con ơi, đó là do Chúa cả. Không ai bất tài, bất lực, không ai hèn kém tội lỗi như cha. Người thấy ở trần gian không có tạo vật nào kém cỏi tầm thường như cha. Nên đã chọn cha, giao cho nhiệm vụ thực hiện những điều kỳ diệu như ý Người muốn, để cho những ai sang trọng, nhửng ai mạnh mẽ, những ai xinh đẹp, những ai thông thái ở đời phải bẽ bàng hổ thẹn mà nhận định rằng : những gì là đức độ, là hay, là tốt, là đẹp đều do Chúa ban, chứ không phải tự bản thân mình mà có, để không ai dám tự hào trước mặt Chúa nữa…Ai muốn tự hào, hãy tự hào trong Chúa. Tất cả những gì là huy hoàng, là vinh dự muôn đời là của Chúa (Fioretti, c.10)..

Có khiêm mhường mới có tình yêu, ngay cả tình yêu vợ chồng : “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá xứng hợp với nó” (St 2,18). Có thiếu mới phải vay mượn, mới cần giúp đỡ. Không thiếu thì không cần ai cả.

Trong Luca kể câu chuyện cô gái làng chơi. Cô xức dầu thơm cho Chúa, lấy tóc lau chân Chúa. Ông Simon chủ nhà mời Chúa lấy làm khó chịu. Chúa bảo : “Được tha nhiều thì yêu nhiều, được tha ít thì yêu ít” (Lc 7,47).

Tình yêu là một hồng ân, một quà tặng, chứ không phải là một món nợ phải trả, một món hàng đổi chác, mặc cả giữa hai bên : “Lạy Chúa con chẳng đáng Chúa ngự vào lòng con…”. Con chẳng đáng mà Chúa ngự mới là ơn phải cảm mến. Lòng khiêm nhường.

Bởi thế chúng ta chẳng lấy làm lạ Chúa Giêsu đã cầu nguyện :

Lạy Cha là chúa tể trời đất. Con xin ngợi khen Cha, vì đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, mà lại mặc khải cho người hèn mọn”.

 Lòng khiêm nhường không những làm cho người khiêm nhường sống yên vui thoải mái, mà còn làm cho người chung quanh cũng an vui thoải mái. Trong xóm có một người kiêu căng ngạo mạn cũng đủ thấy khó chịu, nghẹt thở. Lúc nào cũng bị bắt bẻ, khiêu khích…. Người đó không sống chung, làm việc chung với ai được. Họ không chấp nhận, gia nhập vào một đoàn thể, một công việc chung nào. Họ làm việc và sống riêng lẻ một mình (8-7-1984).

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành