Chúa Nhật XIV TN – Năm C
CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN
(Lời Chúa: Is 66, 10-14c; Gl 6, 14-18; Lc 10, 1-12.17-20)
HÀNH HIỆP VỚI CHÚA TRONG SỨ VỤ ĐEM BÌNH AN CỦA CHÚA ĐẾN VỚI MỌI NGƯỜI
Trong sứ điệp ngày ngày Thế giới Truyền giáo 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Mối nguy lớn trên thế giới hôm nay, một thế giới hầu như thấm nhiễm chủ nghĩa tiêu thụ, đó là cảm giác cô đơn và lo lắng phát sinh từ một con tim tự mãn những tham lam, sôi nổi chạy theo những thú vui phù phiếm, và một lương tâm chai lỳ. Nhân loại rất cần nắm lấy ơn cứu độ do Đức Kitô đem đến”. Vâng, các môn đệ Chúa Giêsu xưa và chúng ta hôm nay là những người cần hiệp hành với Chúa qua việc để cho mình được xâm chiếm bởi tình yêu thương xót và bình an của Chúa Giêsu hầu có được ngọn lửa say mê Nước Thiên Chúa và nhiệt tình đem bình an của Chúa đến cho nhân loại. Đức Thánh Cha Phanxicô nói tiếp: “Chúng ta đừng để mình bị tước mất niềm vui của việc loan báo Tin Mừng! Tôi mời gọi anh chị em đắm mình vào niềm vui của Tin Mừng và nuôi dưỡng một tình yêu có thể thắp sáng ơn gọi và sứ vụ của anh chị em. Tôi kêu gọi anh chị em, hãy nhớ lại “mối tình đầu” mà Đức Giêsu Kitô đã dùng để sưởi ấm lòng anh chị em, không phải vì tiếc nuối quá khứ, nhưng để kiên trì trong niềm vui. Các môn đệ của Đức Kitô luôn luôn vui mừng khi cảm nhận sự hiện diện của Ngài, khi thi hành ý Ngài và chia sẻ đức tin, đức cậy và đức ái Phúc Âm của mình cho người khác”(số 5). Nói như ngôn ngữ mà ngày nay hội thánh đang hướng tới một Hội Thánh Hiệp hành. Đó là sự hiệp hành với Chúa trong sứ vụ đem bình an của Chúa đến với mọi người.
Bình an của Chúa Giêsu là bình an nào? Đó là Sự bình an của Chúa trong tâm hồn chúng ta. Khi chúng ta hiệp hành với Chúa qua cầu nguyện, thánh lễ hay Lời Ngài, Ngài sẽ ban sức mạnh cho ta trong mọi biến cố, giải thoát chúng ta khỏi sự kìm kẹp của tội lỗi, giao hòa chúng ta với Chúa và với tha nhân. Cho nên, bao lâu chúng ta còn sống trong tội lỗi, trong sự thù địch với Chúa và với tha nhân thì chúng ta còn băn khoăn, còn lo lắng, còn GATÔ (ghen ăn tức ở), còn mặc cảm, còn than trời trách đất, còn ghét nhau và ngay cả chính mình, thì bấy lâu chúng ta chưa có bình an của Chúa, tức là chưa có Chúa, chưa hiệp hành với Ngài dù Ngài vẫn hiệp thông mật thiết với ta. Sự bình an của Chúa Giêsu chính là Con Người Chúa Giêsu và Thần Khí Người! Bình an này được lãnh nhận trong Phép Rửa, rồi đến các Bí tích và nhất là lúc ta Rước Lễ. Vì vậy, khi cảm nghiệm được sự bình an của Chúa tâm hồn, sự hiệp hành của Ngài, chúng ta thanh thản, vui mừng và hạnh phúc dù có gặp phải bị chèn ép, thua thiệt, đau khổ tinh thần hay thể xác trong đời sống vì nhờ có Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hoá toàn diện con người chúng ta, để thần trí, tâm hồn và thân xác chúng ta, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, quang lâm (Ep 5,23). Vì thế, chúng ta phải biết trân trọng đón lấy Thánh Thể Chúa Giêsu và Lời của Ngài đồng thời nỗ lực hiệp hành với Chúa để kiến tạo bình an cho chính bản thân mình rồi đem đến cho anh chị em sống xung quanh chúng ta.
Trước hết là kiến tạo bình an cho mình. Khi cuộc sống mình đầy đủ, mạnh khỏe, thì ta hãy tạ ơn Chúa đồng thời trao ban bình an ấy cho người khác hưởng nhờ vì chưng Lời Chúa trong bài đọc 1 dạy: “Ta tuôn đổ xuống Thành đô ơn thái bình tựa dòng sông cả, và Ta khiến của cải chư dân chảy về tràn lan như thác vỡ bờ. Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối” (Is 66,12). Rõ ràng Thiên Chúa ban cho chúng ta tất cả từ tinh thần cho đến vật chất. Chưa hết, Lời Chúa trong bài đọc 2, Thánh Phaolô nói thêm rằng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta ban cho chúng ta tràn đầy ân sủng. Ân sủng đó chính là bình an, lòng thương xót Chúa cứu độ chúng ta mọi ngày trong suốt cuộc đời này. Còn nếu gặp gian nan khố khó, thì chúng ta vẫn bình an và trung tín, cậy trông và tín thác vào lòng thương xót Chúa, đồng thời vui mừng và hãnh diện mang lấy đau khổ này, vì chưng Chúa Giêsu nói: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,37).
Thứ đến đem bình an cho anh chị em sống quanh ta
Để là sứ giả đem bình an và lòng thương xót của Chúa đến cho tha nhân, trước hết mỗi cá nhân phải từ bỏ “cái tôi” của mình để xây dựng “cái chúng ta” duy nhất trong Ba Ngôi Thiên Chúa, phải thể hiện tình yêu thương xót nhau thật lòng qua các dấu chỉ cụ thể như: yêu thương, phục vụ, nâng đỡ, tha thứ, hy sinh, chịu đựng, chia sẻ vui buồn của cuộc sống thật lòng với nhau… Vì chưng, ngay từ khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, người Kitô hữu được trao cho một chiếc áo trắng đánh dấu một cuộc đời mới, đồng thời cũng được trao cho một cây nến sáng được thắp sáng từ cây nến Phục sinh, tượng trưng cho Đức Kitô Phục sinh và bình an và lòng thương xót của Ngài. Đức Kitô là ánh sáng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Ai tiếp nhận ánh sáng và lòng thương xót Chúa Kitô thì cũng trở nên đèn sáng soi và thương xót người khác bằng chính cuộc sống của mình. Nói cách khác, bản chất của người Kitô hữu là bình an, đèn sáng của lòng thương xót Chúa. Kitô hữu phải luôn là người được sai đi, sai đi đem bình an và lòng thương xót của Chúa đến từng người ở mọi nơi mọi thời, không phân biệt màu da, tiếng nói, tín ngưỡng, địa vị xã hội…
Khi chịu Phép Rửa Tội, dù giáo sĩ hay giáo dân, chúng ta đều là tư tế, tiên tri và vương đế của Chúa, sứ giả đem bình an của Chúa đến cho thế giới hôm nay. Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin cho chúng ta luôn vâng theo tiếng gọi của Chúa và sẵn sàng ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng “ngoại vi” đang cần ánh sáng Tin Mừng tình yêu thương xót và nhất đến với những người đang cần đến bình an và lòng thương xót của mỗi người chúng ta trong cuộc sống này qua sự hiệp hàh của chúng ta trong sứ vụ thăm viếng đem bình an Chúa đến cho mọi người. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
————————–
LÚA ĐANG CHÍN RỘ, THỢ ĐANG THIẾU HỤT
Tuần 14 Thường Niên (Hội An 3/7/2022)
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su phơi bày thực trạng thế giới trong đó Ki-tô hữu chúng ta đang sống và đánh thức vai trò của Hội Thánh, của mỗi Ki-tô hữu. Chúa nói: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy các con hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,2).
- Lúa đang chín rộ mà thiếu thợ gặt
“Lúa chín đầy đồng.” Chúa Giê-su muốn nói gì vậy? Chúa Giê-su không phải là một nông dân, vì thế Ngài không có ý nói đến một vụ lúa vàng chín ở vùng quê. Ở đây, Chúa muốn nói đến tình trạng đông đảo người chưa biết Chúa và đang chờ một mùa gặt người như người ta vào mùa gặt lúa. Tương tự, Chúa từng dùng hình ảnh chài lưới cá để nhắc nhớ vai trò lưới người của các môn đệ. Vụ mùa gặt các linh hồn này liên quan đến mệnh lệnh của Chúa ban cho các Ki-tô hữu: “Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28,19-20).
Cánh đồng truyền giáo này đang mùa chín rộ, nghĩa là đang có nhiều người cần nghe Tin Mừng và cần biết Chúa; nghĩa là trong cánh đồng đó có nhiều việc phải làm cấp thiết vì mùa gặt các linh hồn đã đến. Nhìn vào con số biết nói trong tình hình Công Giáo tại Việt Nam, chúng ta mới thấy cánh đồng các linh hồn mênh mông và đang cần thợ gặt chừng nào. Khoảng thập niên 1950, người Công Giáo chiếm khoảng 8% dân số và năm 1963 chiếm khoảng 10%. Hiện nay con số được cho lạc quan là 7% dân số. Như vậy, trong vòng 70 năm nay, tỷ lệ người Công Giáo Việt Nam đi xuống! Tỷ lệ tại giáo phận Đà Nẵng là 2,8%! Cánh đồng mênh mông càng mênh mông hơn khi thợ gặt càng ít đi hay ít thợ gặt lành nghề hơn! Vấn đề không phải không có lúa để gặt, mà là thiếu thợ gặt. Một khi thiếu thợ gặt, lúa sẽ rơi rụng phung phí. Cũng vậy, một khi không có Ki-tô hữu truyền giáo, nhiều người sẽ không được biết Chúa Giê-su và tin vào Ngài. Số người chưa biết Chúa có làm quặn lòng chúng ta như Chúa Giê-su quặn lòng vì thấy đàn chiên không người chăn dắt không?
Chúng ta dễ nại lý do con người thời đại này khó đón nhận Tin Mừng và khó tin vào Chúa Giê-su. Hàn Quốc có nền công nghiệp và văn minh hiện đại hơn chúng ta, nhưng sao tỷ lệ người Công Giáo tại Hàn Quốc gia tăng nhanh vậy? Đức Grêgôriô Cả chia sẻ những lời rất chân thật có thể áp dụng trong Giáo Hội hôm nay: “Đáng tiếc là lúa chín đầy đồng mà lại thiếu thợ gặt. Không thiếu người nghe Tin Mừng, nhưng lại thiếu người loan báo Tin Mừng.” Đức cha Hoàng Đức Oanh kể lại nhận xét của người ngoài Công Giáo đáng chúng ta lưu tâm: một viên chức nhà nước nhận định: “Người Công Giáo quí vị giỏi xây cất nhà thờ, nhưng không giỏi truyền giáo bằng người Tin Lành” ; một số anh em Tin Lành nhận định: Người Công Giáo không thật sự yêu Chúa Giê-su, họ chỉ lo cho người ta cơm áo, thuốc men; còn người Tin Lành cho người ta chính Chúa Giê-su.[1] Quá đau, nhưng rất hữu ích cho chúng ta! Phải chăng do chủng sinh, các nghành giới không chú tâm vào việc truyền giáo? Phải chăng do linh mục phí phạm năng lực và tuổi trẻ của mình vào việc quản trị và xây cất mà không định hướng truyền giáo cứu rỗi các linh hồn? Làm sao người ta chú tâm việc truyền giáo nếu không yêu quý các linh hồn? Thánh Gioan Thánh Giá quả quyết, chỉ một linh hồn người ta thôi đã đáng quý hơn tất cả vũ trụ này.
- Xin có được nhiều thợ gặt lành nghề
Vì vậy, trước hết cần một định hướng truyền giáo trong mọi hoạt động của Giáo Hội và của mọi Ki-tô hữu. Loan báo Tin Mừng luôn là định hướng cuộc đời của Chúa Giê-su. Mọi việc, mọi lời, mọi hoạt động của Chúa luôn hướng đến loan báo Tin Mừng, là loan báo chính Ngài là Đấng cứu độ Chúa Cha sai đến. Định hướng truyền giáo đó đòi hỏi Chúa Giê-su quan tâm tới môi trường truyền giáo “lúa chín đầy đồng,” và quan tâm tới tình hình nhân sự truyền giáo đang “thiếu thợ gặt.” Các giáo xứ và mỗi chúng ta có mối bận tâm như Chúa Giê-su không? Bao nhiêu người trong gia đình, gia tộc, giáo xứ còn chưa biết Chúa? Nhìn vào mối quặn lòng của Chúa Giê-su trước cánh đồng linh hồn bát ngát, chúng ta được nhắc nhớ Giáo Hội được thiết lập phục vụ cho sứ mạng truyền giáo. Giáo Hội được Chúa Giê-su thiết lập không nhằm cho mục đích nào khác, mà chỉ để ra đi giúp cho mọi người được biết, tin yêu và trở nên môn đệ của Chúa Giê-su. Vì thế, Giáo Hội sẽ đánh mất căn tính của mình khi không còn định hướng truyền giáo, Ki-tô hữu trở nên muối đã lạt khi mọi hoạt động hằng ngày không còn nhằm loan báo Chúa Giê-su. Vì đâu nên nông nỗi này?
Trong thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế (số 2), thánh Gioan Phaolô II nêu rõ nguyên nhân: “Yếu kém truyền giáo là dấu hiệu khủng hoảng đức tin.” Thật vậy, làm sao người ta truyền giáo được nếu họ không gặp gỡ và yêu mến Chúa Giê-su Thánh Thể? Vì thế, để truyền giáo, trước hết cần biết Chúa Giê-su, tin vào Ngài, yêu mến Ngài và đặt Ngài vào vị trí trung tâm của trái tim và để Ngài biến đổi cuộc đời Ki-tô hữu.
Đó là lý do Chúa Giê-su bảo chúng ta cầu xin cho có nhiều thợ gặt, nghĩa là cầu xin cho mỗi chúng ta: lòng quặn thắt như lòng Chúa trước tình hình nhiều người chưa biết Chúa; làm việc gì và ở đâu cũng định hướng nói Chúa Giê-su cho người khác, đau đáu truyền giáo; nhận thức bổn phận truyền giáo là bổn phận của mỗi chúng ta; và khao khát gặp gỡ Chúa, yêu mến Chúa Giê-su nhiều hơn để được thôi thúc truyền giáo.
Xin Chúa cho lòng chúng ta quặn đau trước 93% người tại Việt Nam và 97,2% tại giáo phận Đà Nẵng chưa biết Chúa và cho chúng ta luôn nhớ đó là bổn phận của mỗi chúng ta.
[1] Lm. Trăng Thập Tự, 50 Năm Thờ cúng Tổ Tiên (Sài Gòn: nxb Phương Đông, 2015), 159-160.
Linh mục Giuse Nguyễn Văn Thú
——————
CN 14 TN NĂM C
3-7-2022
Thánh Philipphê Phan Văn Mình
Linh mục tử đạo
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Hòa Cường
GIÁO HUẤN SỐ 32
MỤC VỤ GIỚI TRẺ
Viêc săn sóc mục vụ có tính liên hợp
Người trẻ thúc đẩy chúng ta nhìn thấy nhu cầu cần phải có những phong cách và những chiến lược mới. Chẳng hạn, trong khi người lớn thường lo lắng sao cho mọi sự được lên kế hoặch chính xác, với những cuộc họp định kỳ và những thời gian cố định, thì đa số người trẻ ngày nay không quan tâm mấy đến kiểu tiếp cận mục vụ này. Mục vụ giới trẻ cần trở nên uyển chuyển hơn. Mời người trẻ đến các sự kiện hay các dịp cung ứng cơ hội không chỉ cho việc học hỏi, nhưng còn để chuyện trò, ăn mùng, ca hát, lắng nghe những chuyện thực và kinh nghiệm việc gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống cùng với nhau. Đồng thời chúng ta cần xem xét kỹ hơn những thực hành được thấy là có giá trị – những phương pháp, ngôn ngữ và những mục tiêu tỏ ra hữu hiệu trong việc đem người trẻ đến với Đức Ki-tô và Giáo hội. Dù họ đến từ đâu hay được gán nhãn “bảo thủ” hay “tự do”, “truyền thống” hay tiến bộ”. Điều quan trọng là chúng ta vận dụng những gì đã phát huy hiệu quả và đã chuyển thông hữu hiệu niềm vui Tin Mừng (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, số 204 & 205).
CN 14 TN NĂM C
(Is 66,10-14c; Gl 6,14-18; Lc 10,1-12.17-20)
Bổn đạo truyền giáo
Không phải bổn đạo xưa chỉ theo đạo, giữ đạo cho riêng mình, mà nhiều người còn đem Tin Mừng đến cho những người chung quanh, là họ hàng thân thuộc, hàng xóm láng giềng. Họ là những người trong vương tộc, là quan quyền, là thường dân… đã đại lượng, can đảm vượt thử thách đem Chúa đến cho đồng bào mình. Họ là những người thuộc dòng giống dân tộc Việt Nam anh hùng, thừa hưởng bao nhiêu tính tốt của giống nòi, trong đó có tính can đảm, hy sinh vì đại nghĩa để bảo vệ và phát triển những gì là cao quí. Cho nên, khi theo “đạo mới” rồi, thì đa số vẫn kiên trì với niềm tin và mạnh dạn giới thiệu cho những người khác.
Bà Minh Đức Vương thái phi : đã được cha Francisco de Pina rửa tội vào một đêm năm 1625 tại Kinh đô Đàng Trong (lúc đó là Phước Yên chăng?). Bà là phi của chúa Nguyễn Hoàng (1525-1613) và có lẽ thuộc cấp phi cao nhất là Vương quí phi. Ngay khi chịu phép thanh tẩy, bà đã phải giấu người con độc nhất của bà là ông hoàng Nguyễn Phước Khê. Vì lý do chính trị, tôn giáo, mà nhất là chính trị, nên ngày 20-2-1645 ông Khê ra lệnh phá bỉnh địa nhà nguyện của bà Minh Đức, dù ông là người rất có hiếu với mẹ. Bởi ông muốn đánh tan việc chúa Nguyễn Phước Lan nghi ngờ mẹ con ông âm nưu lật đổ ngài, do việc Đắc Lộ đến nhà nguyện của bà ban đêm cử hành Lễ Lá ngày 20-3-1644. Nhà chúa cho rằng Đắc Lộ là thầy địa lý biệt tài với cái nghề “khán phong thủy âm dương” tìm đất tốt chôn bà sau này hầu có được thứ “mả phát quan”, nên Hoàng Khê phải làm công việc “thất đức” trên đây, sẵn sàng chịu mang tiếng “bất hiếu” với mẹ, nhưng giữ được lòng trung quân vơi chúa, coi trọng việc nước hơn việc nhà.
Bà Minh Đức là người rất sùng đạo. Từ khi theo đạo Đức Chúa Blời đất, bà dùng uy tín của mình mà nâng đỡ bổn đạo, che chở các nhà truyền giáo khi gặp khó khăn. Chính Đắc Lộ đã viết về bà Minh Đức tên thánh là Maria Mađalêna như sau : “Bà Maria là chỗ nương tựa của tân giáo đoàn này; gương sáng và uy tín của bà đã làm cho nhiều người lương dân cải đạo cách lạ lùng, và sau khi chịu phép rửa, nhờ bà họ giữ vững lòng đạo đức…Bà dành một nhà trong dinh của mình làm nhà nguyện đẹp dẽ, được bảo trì hết sức hoàn hảo, là nơi sáng tối bà cầu nguyện. Bà còn để cho bổn đạo chung quanh tập hợp trong đó đọc kinh, xem lễ, mà không ai dám phản đối gì. Ngoài ra bà còn thuyết phục nhiều người nổi tiếng khắp nước theo Đạo Chúa, trong số này có cả những người thuộc vương tộc. Có lẽ Ngọc Liên công chúa sau này theo đạo là do Minh Đức dạy dỗ, hay ít ra cũng được ảnh hưởng của Minh Đức là người xét theo vai vế họ hàng, thì Ngọc Liên phải gọi bằng “bà”. Vào năm 1646, khi cha Saccano đang có mặt tại Kim Long, lúc đó là vương phủ của chúa Nguyễn, thì chính bà Minh Đức mời cha đến nhà nguyện trong dinh của bà để ban phép thanh tẩy cho hai cháu của bà sau khi bà đã dạy giáo lý cho hai cháu (Đỗ Quang Chính, Tản Mạn Lịch Sử Công Giáo Việt Nam, trang 62-65).
Ba bài đọc trong thánh lễ nói lên niềm vui được làm dân Chúa, được phục vụ nhà Chúa.
Bài đọc 1 (Is 66,10-14c): Bđ1 đọc sách ngôn sứ I-sai-a. Cha Sullivan viết: ngôn sứ I-sai-a dùng ngôn ngữ thi ca và biểu tượng để diễn tả sự phong phú và bình an của Giê-ru-sa-lem mới. Ngôn sứ khích lệ dân lưu đày trở về đã thất vọng khi thấy cảnh đổ nát của thành đô yêu quí của mình. Cảnh đổ nát sẽ sớm tiêu vong. Thành đô Giê-ru-sa-lem sẽ vĩ đại hơn, sẽ bình an hơn, sẽ thịnh vượng hơn xưa. Người ta sẽ gọi nó là người bạn vui sướng.e Sundays (The Sundays Reading,C,258). Ngôn sứ viết:
Đức Chúa phán thế này:
‘Hãy vui mừng với Giê-ru-sa-lem,
Hãy vì Thành đô mà hoan hỷ,
Hỡi tất cả những người yêu mến Thành Đô!
Hãy cùng Giê-ru-sa-lem khấp khởi mừng,
hỡi tất cả những người than khóc Thành Đô,
để được Thành đô cho hưởng trọn nguồn an ủi,
được thỏa thích nếm mùi sung mãn vinh quang
như trẻ thơ bú no bầu sứa mẹ (Is 66,10-12)
Bài Tin Mừng (Lc 10,1-12.17-20): Cha Nguyễn Công viết về BTM như sau: Cờ hiệu của Chúa Giê-su được ứng dụng cho người được sai đi loan báo Tin Mừng.
Chúa sai nhóm 72. Lần nào cũng sai đi từng hai người một với những lời căn dặn về cung cách hành xử. Chúng ta có thể nghiền gẫm những lời căn dặn để học biết cung cách hành xử của người được sai đi rao giảng Tin Mừng.
Điều thứ nhất nổi cộm trong cả hai lời căn dặn là sự khó nghèo và khiêm hạ. Đi chân không, tay không; không gậy, không bao bị, không lương thực, không tiền bạc, chỉ một manh áo che thân. Không dừng lại chào hỏi ai dọc đường. Đó là cung cách của người tôi tớ được sai đi, không có mục tiêu riêng của mình, chỉ mang hành trang của chủ, đi tới nơi chủ muốn và làm công việc chủ sai. Hành trang duy nhất ở đây là lời loan báo Nước Thiên Chúa đã đến gần. Chủ sẽ cho ăn. Ở đây là Chúa sẽ mở lòng những người đón nhận Tin Mừng để nuôi người Chúa sai đi.
Người loan báo Tin Mừng loan báo sự bình an. Ai đón nhận thì được, ai từ chối thì thôi. Bản thân người được sai đi mang sư bình an trong mình và giải tỏa ra như chiên con đi vào giữa bầy sói, không có gì để tự vệ, không có gì áp đặt cho người khác. Nếu bị từ chối thì sẽ phủi bụi trả lại như lời cuối cùng, không phải với sự hằn học, nhưng để làm bằng chứng là đã đến và đã rao giảng ở đây.
Điểm tựa duy nhất của người được sai đi là Đấng sai đi. Đấng sai đi là Đức Ki-tô và Đấng đã sai Đức Ki-tô là Chúa Cha; “Ai nghe anh em là nghe Thầy, ai khước từ anh em là khước từ Thầy, mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy”
Phần thưởng không phải là sự thành công, nhưng chính là ơn được tuyển chọn để sai đi: “chớ mừng vì quỉ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời”. Sự thành công là do quyền năng Thiên Chúa, cái “được” duy nhất của bản thân người được sai đi là “được sai đi”, cũng như vinh dự duy nhất của người tôi tớ là được chủ trao công việc. “Khi làm tất cả những gì theo lệnh phải làm thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đó thôi” (Lc 17,10). Đó là sự thực, chứ không phải lời nói đãi bôi. Không có ai là “không thể thiếu”, không có tôi tớ thì Chúa sai người tôi tớ khác. Thánh Phao-lô đã sống điều ấy: “Loan báo Tin Mừng không phải là lý do để tôi tự hào, mà đó là điều cần thiết buộc tôi phải làm… Vậy đâu là phần thưởng của tôi ? Đó là khi loan báo Tin Mừng, tôi loan báo không công, chẳng tận dụng quyền Tin Mừng dành cho tôi” (1Cr 9,16.18). Thánh Phao-lô cũng giũ bụi chân ở Pi-xi-đi-a (x. Cv 13,51) (Tĩnh Tâm với Sách Tin Mừng Lu-ca, trang 92-94).
Bài đọc 2 (Gl 6,14-18): Kinh Thánh Tân Uớc Năm 2008 viết về 3 câu trong bđ2 như sau : “Đối với dân Do Thái, thập giá là sự nguyền rủa (x.3,13), đối với dân ngoại, đó là hình khổ ghê tởm; còn đối với thánh Phao-lô, đó lại là một niềm hãnh diện do ông được chịu khổ vì Đưc Ki-tô, khác với người Do Thái: họ sợ bị ngược đãi vì Đức Ki-tô (trang 717)
Cầu nguyện
Lạy Chúa, nhờ Con Chúa hạ mình xuống
Chúa đã nâng loài người sa ngã lên
Xin rộng ban cho các tín hữu Chúa
niềm vui thánh thiện này
xin cũng cho họ được hưởng phúc trường sinh
Chúng con cầu xin
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành