Chúa Nhật XIV TN – Năm C


Chúa Nhật XIV TN – Năm C

7-7-2019

———————–

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Gia Phước

GIÁO HUẤN SỐ 32

Khi cái chết gây đau thương

Lịch Giáo Phận trang 87

Có những lúc cuộc sống gia đình bị thách thức do cái chết của một người thân yêu. Chúng ta không nên bỏ lỡ dịp mang ánh sáng đức tin đến để đồng hành với gia đình đang đau khổ trong lúc này. Bỏ quên một gia đình đang đau đớn vì có người thân qua đời là một sự thiếu sót lòng thương xót, là đã bỏ mất cơ hội cho mục vụ, và với thái độ này các cánh cửa có thể sẽ khép lại với chúng ta khiến cho không thể làm bất cứ điều gì khác để loan báo Tin mừng (Niềm Vui của Tình Yêu số 253).

Chúa Nhật XIV TN – Năm C

(Is 66,10-14c; Gl 6,14-18; Lc 10,1-12.17-20)

Chúa Giê-su chọn 12 tông đồ (Mt 10,1-4; Mc 3,13-19; Lc 6,12-16, Ga 1, 35-51). Nhóm CGKPV cho biết ý nghĩa con số 12 như sau: “Con số 12 tượng trưng cho tính trọn vẹn của Hội Thánh, đồng thời nói lên sự liên tục giữa Hội Thánh Chúa Ki-tô và Ít-ra-en xưa, cũng Ít-ra-en xuất phát từ 12 tổ phụ trưởng tộc, thì Hội Thánh Chúa Ki-tô cũng hình thành từ 12 Tông đồ” (Kinh Thánh 2011, trang 2146).

Riêng sách Tin Mừng thánh Lu-ca mới ghi lại câu chuyện Chúa Giê-su sai 72 môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay: “Một hôm, Chúa Giê-su chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến” (Lc 10,1).

Cha Hugues Cousin cho biết ý nghĩa việc Chúa sai 72 môn đệ: “Lu-ca rõ ràng lưu tâm cho thấy rằng việc truyền giáo là công việc của toàn thể Giáo Hội, chứ không chỉ riêng của nhóm người nào. Con số 72 ở trong đường hướng đó: nó diễn tả tầm vóc rộng lớn của nhóm truyền giáo – dù đó là Philipphê, Phaolô trong sách Công vụ hay chính Luca! Có một qui chiếu tàng ẩn đối với St 10,2-31, đoạn văn này, trong bản 70, trình bày một danh sách gồm 72 dân tộc trên mặt đất. Những Kitô hữu đến từ các dân tộc ngoại giáo đã được nghe giảng Tin Mừng cũng có cùng một tước hiệu trong công việc truyền giáo như nhóm 12 đã từng theo Chúa Giêsu trong cuộc đời trần thế của Ngài” (Tin Mừng Luca, Chú Giải Mục Vụ, trang 241).

Đọc lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, chúng ta thấy không chỉ có các cha, các thầy giảng, các sơ dòng Mến Thánh Giá, mà cả giáo dân cũng hăng say truyền giáo.

Ở Đà Nẵng : Cha Buzomi và Marquez đến Đà Nẵng ngày 18-1-1615, thế mà lễ Phục sinh, quãng chừng 3 tháng sau, đã có nhà thờ. Cha Borri viết : “Việc xây cất được thực hiện  một cách nhanh chóng, với sự đóng góp của tất cả mọi người bằng tiền bạc và công sức, mỗi người tùy theo khả năng. Người ta cũng cho một ngôi nhà đẹp đẽ và sạch sẽ để làm chỗ trú ngụ cho cha Buzomi. Sự đóng góp lớn nhất là của một bà rất sang trọng đã theo đạo có tên thánh là Gio-an-na, không những bà đóng góp vào việc xây dựng nhà thờ, nhà xứ, mà còn làm nhiều bàn thờ và xây nhà nguyện trong dinh thự riêng của mình” (Nguyễn Hồng, Lich Sử Phát Triển Công Giáo Ở Việt Nam, tập I, trang 44).

Ở Quảng Nam có ông cố bà cố cha Louis Đoan. Cha Đắc Lộ khen hai ông bà như sau : “Năm 1640, cha Đắc Lộ đến Hội An, để tìm sự che chở và giúp đỡ của các kiều dân Nhật. Viên quan đứng đầu cộng đồng người Nhật không có đạo và không mấy thiện cảm với đạo, nhưng cha biếu quà cáp hậu hĩ…Ông giúp cha gặp nhà quan. Cha ra mắt nhà quan với những lễ vật cao quí nhất có thể. Để mua các lễ vật mà đút lót, cha đã xử dụng hầu như tất cả số tiền cha mang theo để sống. Nhưng Thiên Chúa lo liệu, bởi vì một giáo hữu tốt lành tên là Anrê cùng vợ, đã cho tất cả số tiền cần thiết.

Cha còn khen : “Nhà ông bà là nơi trú ẩn của những người có đạo trong thời bình cũng như khi gặp cơn gió bão. Ông đã cất một ngôi nhà thờ rộng rãi. Ở đó nhiều người ngoại đã được lãnh phép rửa, được giáo huấn và được lãnh nhận ơn sức mạnh của các bí tích

Ở Huế có bà Minh Đức, phi chính của Nguyễn Hoàng : “Bà là chỗ nương tựa  của giáo đoàn : gương sáng và uy tín của bà đã làm cho nhiều lương dân cải đạo lạ lùng, và sau khi chịu phép rửa, nhờ bà họ giữ vững lòng đạo đức… Bà dành một nhà trong dinh của mình làm nhà nguyện đẹp đẽ, được bảo trì hết sức hoàn hảo, là nơi sáng tối bà cầu nguyện, bà còn để cho bổn đạo chung quanh tập họp trong đó đọc kinh xem lễ, mà không ai dám phản đối gì. Ngoài ra bà còn thuyết phục nhiều người nổi tiếng theo đạo” (Đỗ Quang Chính, Bổn Đạo Truyền Giáo trong Tản Mạn LSCGVN, trang 64).

Ở Phú Yên có bà Ngọc Liên : “Bà là gái cả của Sãi vương Nguyễn Phước Nguyên. Chồng là tướng Nguyễn Phước Vinh ở Phú Yên. Có nhà nguyện trong dinh. Cha Dắc Lộ đã đến làm lễ rửa tội cho 90 người, trong đó có mẹ con thầy Anrê Phú Yên. Vợ chồng về hưu ở Thanh Chiêm, Phước Kiều, lập nhà thương cho người nghèo, cung cấp lương thưc cho 12 thầy  giảng” (Sđd, trang 66).

Ở Hà Nội có bà Catarina : “Bà chẳng những mộ mến đạo Chúa hết lòng, giảng đạo cho người chung quanh và đưa 17 người trong vương tộc vào đạo, mà còn trở thành nhà văn Công giáo đầu tiên, vì bà đã sáng tác 2 loại bằng thơ : một loại là giáo lý, thuật lại từ việc Thiên Chúa tạo thành trời đất đến khi Chúa Giêsu ra đời, truyền giảng Tin Mừng, cuộc Thương khó, Phục sinh và Thăng thiên của Ngài. Ở phần cuối, Catarina thêm một loại khác, đó là kể lại việc hai cha Marques và Đắc Lộ bắt đầu truyền giáo ở Đàng Ngoài (Sđd, trang 67).

Ở Hải Dương có bà Anna : “Bà còn làm cho chồng là quan Hải Dương vào đạo. Mỗi khi có việc về Hà Nội, ba dẫn các tân tòng mà bà dạy dỗ về cho các cha làm phép rửa (Sđd, trang 65).

Lạy Chúa,

Hàng tỉ người chưa nhận biết Chúa,

Xin Chúa thôi thúc nơi con khát vọng

Chia sẻ niềm vui và hạnh phúc được biết Chúa.

Con nhỏ bé tầm thường,

không thể đi khắp đó đây để gieo vãi Tin Mừng,

Xin Chúa cho con được can đảm đên với những người chung quanh

Bằng cách sống tử tế với họ. Amen

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành