Chúa Nhật XIX Thường Niên – Năm A


CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN – NĂM A

9-8-2020

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ An Thượng

GIÁO HUẤN SỐ 36

CÁC THÁNH TRẺ (tt)

Chân phước Ceferino Namumcura là một chàng trai Argentina, con trai của một thủ lãnh một bộ tộc thổ dân vùng xa. Ngài trở thành một chủng sinh Salêdiên, tràn ngập khát vọng trở về bộ tộc của mình, mang Đức Giêsu đến cho họ. Ceferino mất năm 1905. Chân phước Isidore Bakanja là một giáo dân Congo đã làm chứng cho đức tin của mình. Ngài bị hành hạ kéo dài vì đã giới thiệu Kitô giáo cho các bạn trẻ khác. Tha thứ cho kẻ hành hình mình. Isidore mất năm 1909. Chân phước Pier Giorgio Frassati mất năm 1925, “là một thanh niên đầy ắp niềm vui có sức cuốn hút mọi sự, một niềm vui cũng có sức vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc đời ngài”. Pier Gorgio nói rằng ngài muốn đáp lại tình yêu của Chúa Giêsu mà ngài lãnh nhận khi rước lễ, bằng cách viếng thăm và giúp đỡ người nghèo (Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống, các số 58,59&60)

———————————————

CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN – NĂM A

(1V 19, 9a. 11-13a; Rm 9,1-5; Mt 14,22-33)

Bài Tin Mừng thánh lễ hôm nay nói đến con thuyền của các tông đồ bị sóng đánh. Thuyền là hình ảnh về Giáo Hội. Con thuyền bị sóng đánh tức là Giáo Hội bị bắt bớ, bị bắt hại.

Đọc lại những trang sử của Giáo Hội hoàn vũ, quả thật Giáo Hội bị bắt hại dữ dằn. Ngay từ thuở trứng nước Giáo Hội đã bị bắt hại. Sau ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ngày thành lập Giáo hội, người Do Thái đã bắt giam hai thánh Phêrô và Gioan, vì hai ngài rao giảng về Chúa Giêsu chết sống lại (Cv 4,1-3). Đến năm 34, họ ném đá thày sáu Têphanô (Cv 7,57). Con cái Chúa sợ chạy đến An-ti-khô-ki-a của nước Sy-ri, thì ông Phaolô đi ngựa đến bắt (Cv 9,1-2). Con cái Chúa vượt biển trốn sang Rôma thì bị các vua Rôma bắt bớ.

Đặc biệt vào năm 64 thời vua Nêrô. Nhà văn Ba Lan Si-en-ki-ê-vich đã viết một tập truyện nhan đề “Quo Vadis” kể lại cảnh bắt bớ chém giết thời vua Nêrô. “Quo Vadis” là lời thánh Phêrô hỏi Chúa Giêsu. Không chịu được cảnh bắt bớ, thánh Phêrô bỏ bổn đạo, trốn khỏi thành Rôma. Vừa chạy trốn tới cổng thành thì Chúa vác thánh giá hiện ra. Thánh Phêrô hỏi Chúa: “Quo Vadis” (Chúa đi đâu đấy?). Chúa đáp: “Ta vào thành Rôma để vác thánh giá lần nữa”. Nghe Chúa nói, thánh Phêrô hiểu ngay là Chúa trách. Không dám chạy trốn nữa, thánh Phêrô trở lại thành Rôma để chịu bắt và chịu chết.

Tập truyện “Quo Vadis” được ông Nguyễn Hữu Dũng dịch sang tiếng Việt. Nhà Văn Học xuất bản năm 1985. Trong nhập đề, ông Dũng đã kể lại tính tàn bạo của vua Nêrô như sau: “Nêrô, bạo chúa, 30 tuổi, dẫu đã mang nặng trong thâm tâm những bóng ma đẫm máu của mẹ, của vợ, của bao nhiêu người khác bị y giết”.  Yhèn nhát không dám chịu trách nhiệm (đốt thành Rôma), bởi sợ cuộc nổi dậy của quần chúng đang sục sôi căm giận, y bèn tìm cách trút tội cho các tín đồ Thiên Chúa giáo. Y tháo cũi sổ lồng cho sự tàn bạo của quần chúng đang đòi nợ máu, được thả sức lộng hành trong cuộc khủng bố với tiếng thét ‘ném bọn Thiên Chúa giáo cho sư tử’, với cảnh tàn sát hàng loạt người bằng nanh vuốt của dã thú, bằng cách đóng đinh trên thập tự, bằng cách thiêu sống…” (trang 10-11). Giáo Hội Rôma bị bắt bớ suốt 300 năm.

Giáo Hội Việt Nam ngay từ những năm tháng khai nguyên cũng bị bắt bớ, bị giết chết. Kể từ năm 1615 hai cha dòng Tên đặt chân lên Đà Nẵng, Hội An, thì chỉ 2 năm sau, năm 1617, các cha đã bị đuổi ra khỏi nước. Vì gió bão thuyền không thể đi, lại bị cấm không được vào nhà, phải nằm trên bãi biển, bị mưa nắng ốm đau. Gặp may, quan Qui Nhơn đưa về Nước Mặn (Gò Thị), Qui Nhơn. Nhất là 29 năm sau, ngày 26-7-1644, thày Anrê Phú Yên bị chém đầu ở Thanh Chiêm, Phước Kiều.

BTM : Ngày nay Giáo Hội vẫn bị bắt hại. Con thuyền Giáo Hội vẫn  “bị sóng đánh vì ngược gió”. Thánh Mát-thêu đã kể lại trong BTM hôm nay như sau : “Sau khi dân chúng được ăn no nê, Đức Giêsu liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước… Người lên núi riêng một mình cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió” (14,22-24).

Trên bàn Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã tiên báo cho các tông đồ là các ông “đi ngược sóng” thì sẽ “bị  sóng đánh”; sống ngược với đời thì sẽ bị đời ghét. Chúa nói : “Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian, nên thế gian ghét anh em” (Ga 16,19).

Bđ2 : Chẳng những bị kẻ thù đánh, mà còn bị cả đồng đạo, bị bè bạn đánh. Thánh Phaolô rất ưu phiền và đau khổ vì bị những người Do Thái cùng được Thiên Chúa tuyển chọn làm khó dễ. Ngài viết trong bđ2 : “Giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Đức Kitô, thì tôi cũng cam lòng. Họ là người được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng vụ và các lời hứa; họ là con cháu các tổ phụ; và sau hết, chính Đức Kitô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ. Người là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự. Chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời’ (Rm 9,3-5).

Bđ1 : Vì  “đi ngược sóng”, con thuyền Giáo Hội  “bị sóng đánh”, nhưng có Chúa cứu. Thánh Mát-thêu kể : “Vào khoảng canh tư (gần sáng), Người đi trên mặt biển đến với các tông đồ” (14,25)

Bài đọc 1 kể chuyện ngôn sứ Ê-li-a bị bà I-de-ven đuổi giết. Sau cuộc thách đố trên núi Cac-men: Thần Ba-an của bà I-de-ven hay Thiên Chúa của ngôn sứ Ê-li-a, ai là thần thật. Con bò dâng thần Ba-an của các thầy tư tế bà I-de-ven không được lửa từ trời xuống đốt, nên là thần giả. Còn con bò của ngôn sứ Ê-li-a được lửa từ trời xuống đốt, Thiên Chúa của ngôn sứ là thần thật. Bà I-de-ven căm tức, cho người giết ngôn sứ. Ngôn sứ Elia phải chạy trốn từ núi Cácmen tới núi Khô-rếp. Đường xa 40 ngày. Mới đi được một ngày, ngôn sứ đói khát, mệt nhoài, nằm như chết. Thiên Chúa sai sứ thần đem bánh và nước cho ngôn sứ. Ngôn sứ lấy lại sức đi tiếp tới núi Khôrếp. Ở Khôrếp, Thiên Chúa hiện ra an ủi ngôn sứ.

Trong lời nhập đề cuốn “Quo Vadis”, ông Nguyễn Hữu Dũng đã ghi lại cảnh kết thúc cuộc đời của thánh Phêrô và vua Nêrô như sau : “Trong một chớp mắt hai con người ấy nhìn nhau…Đó là giây phút đọ nhãn quang của hai vị chúa tể trái đất, một kẻ ngay sau đó sẽ biến đi như một giấc mơ đẫm máu; còn người kia, chính cụ già khoác manh áo thô kệch, sẽ chiếm lĩnh đến muôn đời cả thế gian lẫn thành đô này” (trang 9).

Đúng như lời Chúa Giêsu nói với thánh Phêrô : “Phêrô, anh là tảng đá, trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18).

Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu, xin Mẹ phù hộ và an ủi đoàn con giáo phận Đà Nẵng của Mẹ.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành