Chúa Nhật XIX Thường Niên Năm B


PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

1V. 19, 4-8; Ep. 4, 30-5,2; Ga. 6, 41-51

Bài Ðọc I: 1 V 19, 4-8

“Nhờ sức của nuôi ấy, ông mới đi tới núi của Thiên Chúa”.

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Êlia đi một ngày đàng vào trong hoang địa. Khi đến nơi kia, và ngồi dưới gốc cây tùng, ông xin được chết mà rằng: “Lạy Chúa, đã đủ rồi, xin cất mạng sống con đi: vì con chẳng hơn gì các tổ phụ con”. Rồi ông nằm ngủ dưới bóng cây tùng. Và đây Thiên Thần Chúa đánh thức ông và bảo rằng: “Hãy chỗi dậy mà ăn”. Ông nhìn thấy gần đầu ông có chiếc bánh lùi và một bình nước: ông ăn uống, rồi ngủ lại. Thiên Thần Chúa trở lại đánh thức ông lần thứ hai và bảo: “Hãy chỗi dậy mà ăn: vì đường ngươi phải đi còn xa”. Ông liền chỗi dậy ăn uống, và nhờ sức của nuôi ấy, ông đi bốn mươi ngày bốn mươi đêm mới tới Horeb, núi của Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7. 8-9

Ðáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao (c. 9a).

Xướng: Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui.

Xướng: Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi điều lo sợ.

Xướng: Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn.

Xướng: Thiên Thần Chúa hạ trại đồn binh chung quanh những người sợ Chúa, và bênh chữa họ. Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao; phúc đức ai tìm nương tựa ở nơi Người.

Bài Ðọc II: Ep 4, 30 – 5, 2

“Anh em hãy sống trong tình thương, như Ðức Kitô đã sống”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, anh em chớ làm phiền hà Thánh Thần của Thiên Chúa, vì trong Người, anh em được ghi ấn tín để chờ đợi ngày cứu chuộc đến. Anh em hãy loại ra khỏi anh em mọi thứ gay gắt, tức giận, nóng nảy, dức lác, chửi rủa, cùng mọi thứ độc ác. Anh em hãy ăn ở hiền hậu với nhau, hãy thương xót và tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Ðức Kitô. Vậy anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, như con cái rất yêu dấu của Người: hãy sống trong tình thương, như Ðức Kitô đã yêu thương chúng ta và phó Mình làm của dâng và lễ tế thơm tho ngọt ngào dâng lên Thiên Chúa vì chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 15, 15b

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 6, 41-52

“Ta là bánh hằng sống bởi trời mà xuống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, những người Do-thái kêu trách Chúa Giêsu, vì Người đã phán rằng: “Ta là bánh hằng sống bởi trời mà xuống”. Họ nói: “Chớ thì ông này chẳng phải là Giêsu, con ông Giuse sao? Chúng ta đều biết rõ cha mẹ của ông. Vậy làm sao ông lại nói: ‘Ta bởi trời mà xuống’”.

Chúa Giêsu trả lời cùng họ rằng: “Các ngươi chớ thì thầm với nhau. Không ai đến được với Ta nếu Cha, là Ðấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy, và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Trong sách các tiên tri có chép rằng: ‘Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo’. Ai nghe lời giáo hoá của Cha, thì đến với Ta. Không một ai đã xem thấy Cha, trừ Ðấng bởi Thiên Chúa mà ra, Ðấng ấy đã thấy Cha. Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời.

“Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Ðây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”.

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM I

CHÚA GIÊSU, LỜI VÀ BÁNH BAN SỰ SỐNG

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Bài đọc 1 nói đến tiên tri Êlia, Ngài là vị tiên tri xuất chúng trong Cựu ước. Êlia có nghĩa là Gia-vê là Thiên Chúa của tôi. Cuộc đời tiên tri Êlia là một cuộc chiến đấu anh dũng và kiên cường với các thần ngoại bang. Một mình người phải chiến đấu chống lại cả một dân tộc bỏ đạo do hoàng hậu I-de-ven, vợ vua Akháp, vua Ít-ra-en. Lúc ấy, tiên tri Êlia khiển trách dân chúng vì họ đã nghe theo hoàng hậu mà bỏ Chúa. Ngài thách thức 400 sư sãi của thần Baan trong một hy lễ trên núi Các-men. Ngài đã chiến thắng. Nhưng chính vì chiến thắng ấy mà bị hoàng hậu ghen tức săn đuổi, phải chạy trốn vào sa mạc. Trong lúc Ngài chạy trốn, ngài đói khát đến lả người, vị tiên tri dũng mãnh rồi cũng cảm thấy mệt mỏi rã rời. Ngài mất hết sức lực thể chất lẫn tinh thần. Chẳng thiết sống, ngài xin Chúa cất người ra khỏi thế gian phiền nhiễu đầy bất trắc. Ngài mất hết sức phấn đấu. Ngài chỉ muốn an nghỉ trong Chúa. Nhưng Chúa sai thiên thần đem bánh cho ngài ăn. Ăn được bánh bởi trời xong, tiên tri mới đủ sức vượt qua sa mạc suốt 40 ngày tới núi của Thiên Chúa.

Khi chúng ta chịu Phép Rửa Tội, chúng ta bước vào hành trình sa mạc về nhà Chúa. Vâng, hành trình sa mạc đời sống ta cũng có vui buồn, sướng khổ, đầy chông gai thử thách và cạm bẫy. Hành trình rất xa và rất khó kèm với những chiến đấu thử thách gian nan ấy, có thể sẽ khiến ta mệt mỏi rã rời. Ta sẽ chẳng đủ sức đi trọn con đường nếu không được nâng đỡ, an ủi, dạy bảo và giúp sức phù trì từ Thiên Chúa. Thiên Chúa đầy lòng yêu thương  thấu hiểu con cái của Ngài cần gì nên đã ban cho ta tấm bánh bởi trời chính là Đức Giêsu Kitô: Lời Chúa và Thánh Thể Ngài.

Qủa vậy, Đức Giêsu Kitô là Lời Ban Sự Sống của Thiên Chúa. Lời Thiên Chúa là Lời Ban Sự Sống. Chính Đức Giêsu đã khẳng định điều này khi Người trả lời với quỉ dữ cám dỗ Ngài: “Người ta sống không nguyên bởi bánh. Nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”. Thật vậy, Lời Người ban sự sống cho Ladarô, cho con trai bà góa thành Naim. Lời Người tha thứ tội lỗi cho Mađalêna, cho người phụ nữ ngoại tình, cho Giakêu. Lời Người hoán cải người phụ nữ xứ Samaria. Người đưa tất cả những người tội lỗi trở về con đường sự sống. Lời Ngài chỉ đường chúng ta đi đến chân lý vẹn toàn, đến bến bờ hạnh phúc. Lời Chúa an ủi tăng sức cho ta trước những khó khăn thử thách cuộc đời. Cho nên, “Lời Ngài là sức sống của con. Lời Ngài là ánh sáng đời con. Lời Ngài là chứa chan hy vọng, là đường để con hằng dõi bước. Lời Ngài đượm chất ngất niềm vui, trọn vẹn ngàn tiếng hát đầy vơi. Lời Ngài đổi mới cho cuộc đời. Lời Ngài hạnh phúc cho trần ai”. Chính vì thế, thánh Phêrô đã lên tiếng tuyên xưng: “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đi theo ai. Chỉ Thầy mới có những Lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68).

Chúa Giêsu ban Lời hằng sống chưa đủ với tình yêu thương của Người nên còn ban chính bản thân Người trong bí tích Thánh Thể cho chúng ta. Thật là một tình yêu sâu xa tha thiết. Khi nuôi dưỡng ta bằng chính thịt máu Người, Đức Giêsu không những muốn kết hiệp mật thiết với ta trong từng biến cố của cuộc sống mà Người còn muốn ban cho ta sự sống đời đời. Vì vậy, được kết hợp với Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể là chúng ta được tham dự ngay từ đời này vào đời sống thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi, vì ở đâu có Chúa Con thì ở đó có Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Như thế, thật hạnh phúc biết bao cho chúng ta được thông phần sự sống của Thiên Chúa mỗi khi ta tham dự Thánh Lễ vì có Lời Chúa và Thánh Thể nuôi dưỡng chúng ta và hợp nhất chúng ta nên một trong tình yêu của Ngài, như Lời Chúa trong bài đọc 2 Thánh Phaolô xác tín: “anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt”. Cho nên, Thánh Lễ quả thật là đỉnh cao của đời sống Kitô giáo vì không còn phương thế nào có giá trị cứu rỗi cao hơn nữa, cũng như cho ta được lãnh nhận ơn Chúa dồi dào ngay từ đời này và đời sau. Bởi thế, khi tham dự thánh lễ, ta cần lưu ý lắng nghe Lời Chúa. Chúa muốn nói riêng với từng người. Hãy lắng nghe Lời Chúa để tìm ra điều Chúa muốn nhắn gửi, để tìm ra lẽ sống. Hãy lắng nghe Lời Chúa để biết con đường phải đi, đường đưa tới sự thật và sự sống. Hãy rước lễ một cách kính cẩn sốt sắng vì đó là quà tặng của tình yêu Thiên Chúa, và chỉ có Thánh thể mới là nguồn sức mạnh, an ủi, bình an giúp ta thắng vượt khó, vượt khổ và vượt qua những thử thách trong cuộc đời.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con thấy Chúa đời con, trong thiên nhiên và trong mọi người. Xin cho chúng con gặp Chúa nơi bất cứ ai vì họ là hình ảnh của Chúa. Xin cho chúng con khám phá ra Chúa đang hẹn gặp con nơi mọi biến cố buồn vui của đời thường. Xin Chúa thúc bách và nhắc nhở chúng con đừng bỏ lỡ bao cơ hội gặp Chúa trong Lời Chúa và Thánh Thể qua việc siêng năng đọc Lời Chúa và tham dự thánh lễ. Amen.

SUY NIỆM II

LỜI HỨA VỀ SỰ SỐNG

Lm. Giuse Nguyễn Tiến Luật, OP

Có một thứ bánh khác

Tiếp tục diễn từ về Bánh trường sinh, vị Hoàng Tử sự sống mặc khải một mầu nhiệm thật khó tin: “Tôi là Bánh ban sự sống, bánh tiêu diệt sự chết”

Lời loan báo này dựa trên một biến cố huy hoàng: năm chiếc bánh được hoá nên nhiều, làm cho cả đám đông được ăn no  Các thính giả coi biến cố này là một cử chỉ của một vị ngôn sứ, của một ông vua  Họ nghĩ rằng, cuối cùng, Ðức Giêsu là vị thủ lãnh, chỉ nhờ quyền năng của lời, đã có thể nuôi đám đông đang bị đói, đồng thời hiệp nhất cả đám đông  Phải tôn Người làm vua, không chờ đợi gì cả  Nhưng Ðức Giêsu đã từ chối, Người trốn đi một mình. Sau đấy, Người đã tuyên bố chính Người là bánh trường sinh, và cố gắng giải thích điều lạ lùng này cho dân chúng

Quả thật, Ðức Giêsu là bánh hằng sống từ trời xuống, quy tụ những kẻ theo Người thành một dân  Bánh này không chỉ là manna Ðức Chúa ban cho dân đang ở trong hoang địa thuộc giao ước cũ  Bánh này chính là Thiên Chúa tự hiến thành của ăn, của ăn đàng, tức là lương thực cho người đang hành trình  Thiên Chúa trở thành bánh cho con người: một mặc khải tuyệt vời, hoàn toàn vượt quá óc tưởng tượng của các thính giả.

“Tôi là bánh trường sinh” 

Lời tuyên bố không thể chấp nhận nổi. Ðể hiểu trọn vẹn ý nghĩa sâu xa của mặc khải này, người ta không thể tách rời diễn từ về bánh trường sinh với những điều Ðức Giêsu thực hiện trong bữa tiệc Vượt Qua cuối cùng. Trong cả hai trình thuật này, có ba thực tại luôn đan kết với nhau như là những yếu tố của một mầu nhiệm duy nhất: bánh, đức tin và sự sống – Ăn, tin và chiến thắng sự chết

Với cuộc phục sinh, Ðức Kitô sẽ thực hiện việc hoá bánh ra nhiều đích thực: không chỉ là bánh ăn thông thường, nhưng là bánh ban sự sống. Từ nay, qua các buổi cử hành lễ tạ ơn, dấu chỉ này về cuộc phục sinh – tức là bánh ban sự sống luôn có tính hữu hiệu và chiều kích phổ quát. Nó không còn bị giới hạn trong không gian và thời gian. Hai mươi thế kỷ sau, một Charles de Foucauld trong sa mạc Tamanrasset, hay bất cứ một vị linh mục nào, cũng đều thực hiện cử chỉ kỳ diệu này, cử chỉ đem lại sự sống, bắt đầu từ lời và hành động Ðức Giêsu đã thực hiện.

Quả thế, mỗi Thánh Lễ vẫn là một lời khẳng định dứt khoát rằng quyền lực tử thần không thể là tiếng nói cuối cùng  Lời khẳng định này được nói lên khi các Kitô hữu đang cùng nhau chia sẻ tấm bánh và chén rượu là Mình và Máu Ðức Kitô, mặc dù họ vẫn đang bị cầm giữ trong thân xác, vẫn đang bị cơn đói hành hạ và vẫn đang bị cái chết đe doạ  Từ giữa những bóng tối của cuộc đời, họ cử hành mầu nhiệm về bánh ban sự sống, và nhờ đó, họ có thể dần dần thoát ra khỏi quyền lực của sự chết.

Có lẽ các Kitô hữu cần suy gẫm câu nói của Bernanos: “Kitô giáo của chúng ta đặt nền tảng trên tình yêu… Chúng ta yêu quý sự sống, chúng ta tin vào sự sống. Chúng ta biết rằng sự sống ấy không lừa dối chúng ta, và các lời hứa về sự sống sẽ không phai tàn”.

Phải tin mới hiểu được .

Ðức Giêsu vừa tuyên bố Người là bánh ban sự sống, và các địch thủ từ chối bước theo Người vào trong lãnh vực Người muốn đưa họ vào. Theo họ, Ðức Giêsu chỉ là một người khoa trương: “Chúng tôi biết rõ ông ấy”  Tóm lại, họ muốn lôi Người vào trong những sắp xếp của họ. Theo họ, Ðức Giêsu chỉ là con ông Giuse  Thế thôi, chấm hết.

Thế nhưng, Ðức Giêsu vẫn tiếp tục nhấn mạnh tính cách nghịch thường của những khẳng định Người đã nêu ra, đồng thời tố cáo quan niệm của các đối thủ  Quan niệm này chỉ là những suy nghĩ bình thường của con người, chứ không phải là quan điểm của Thiên Chúa. Ðức Giêsu đề nghị họ phải thay đổi nhãn quan, thay đổi cách nhìn – có thể nói như thế – và đó là đức tin

Biết bao lần người ta giản lược đức tin thành một chuỗi những khẳng định cần được lặp lại mà không cần hiểu. Người ta tưởng rằng như thế là đủ và tự nhận mình thuộc về một nhóm ưu tuyển và do đó có quyền được thưởng. Người ta đâu biết rằng khi quan niệm như thế, họ đã biến đức tin thành một hành động mà không có sự tham dự của lý trí .

Theo Ðức Kitô, đức tin là sức mạnh đem lại sự sống và mở ra những nhãn quan diệu kỳ. Ðức tin không đề ra những câu trả lời trực tiếp cho những vấn đề của con người, nhưng làm thay đổi quan niệm, cách nhìn vấn đề của họ. Ðức tin cho họ thoáng thấy một thứ ánh sáng mà họ sẽ không ngừng tiếp cận. Nhờ ánh sáng này, người tín hữu bước đi, khám phá và sống.

Như vậy, đức tin là ân huệ Thiên Chúa ban  Nó không đến do lý luận hay do nỗ lực của ý muốn con người. Chỉ có thể hiểu được đức tin khi chấp nhận đó là kết quả của ân ban.  Dĩ nhiên, nỗ lực và thiện chí của con người sẽ giúp phần nào tiến trình này, nhưng cuối cùng, đó là chấp nhận mở ra trước ánh sáng được bày tỏ cho mình.

Chỉ có đức tin như thế mới giúp hiểu Ðức Giêsu là bánh ban sự sống đích thực  Ðức tin ấy đưa con người tham dự cách trọn vẹn vào mầu nhiệm hiệp thông, vào cuộc trao đổi. Ai hiểu được điều này, người ấy đạt được sự sống vĩnh cửu, bởi vì họ hiểu được thực tại sâu xa của tình yêu, một tình yêu mà ngay cả đến sự chết cũng không tiêu diệt được.  Nói thế, vì tình yêu chính là nền tảng của thực tại  Để cho Thiên Chúa lôi kéo.

Giữa Ðức Giêsu và các thính giả, có một khoảng cách khá xa, hay nói đúng hơn, một sự hiểu lầm .Trước khi tự nhận là bánh trường sinh, Ðức Giêsu đã muốn chia sẻ hương vị bánh của con người: ba mươi năm chuẩn bị với những bữa ăn hằng ngày, những bữa ăn trong ngày tang chế cũng như trong những ngày vui; ba mươi năm để cố gắng giúp con người hiểu được đâu là cơn đói thực sự, đồng thời làm cho họ nhận ra của ăn chính yếu Người trao tặng cho họ  Ba mươi năm để rồi nghe được một nhận xét đầy mỉa mai: “Ông này chẳng phải là Giêsu, con ông Giuse đó sao? Sao bây giờ ông ta lại nói: ‘Tôi từ trời xuống’”

Tâm hồn của người không tin, có lẽ cũng là của chúng ta, đó là chỉ nhận ra Ðức Giêsu là người chia sẻ bánh của con người chứ không muốn đón nhận Người là Ðấng, qua tấm bánh, muốn chia sẻ cuộc sống của chính họ  Dường như chúng ta chỉ muốn lãnh nhận bánh từ tay Ðức Giêsu, chứ không muốn đón nhận chính Người.

Ðàng khác, chúng ta thường có thói quen giản lược hành trình tôn giáo vào những cố gắng của riêng mình  Chúng ta nghĩ rằng mình là người đưa ra sáng kiến, và chúng ta chỉ quan tâm đến việc chiếm lấy Thiên Chúa  Thực ra, chính Thiên Chúa lôi kéo chúng ta đến với Người qua Ðức Giêsu  Thiên Chúa đến với chúng ta qua Con của Người  Ðức Giêsu là Lời và là bánh từ trời xuống để chia sẻ cuộc sống với chúng ta trước khi chúng ta có sáng kiến về chuyện này  Qua Ðức Giêsu, Ðấng đã ăn bánh của con người trong ba mươi năm, Thiên Chúa dạy chúng ta biết rằng: có một thứ bánh để nuôi sống trong cuộc đời này, và có một thứ bánh ban sự sống vĩnh cửu  Một bên là bánh của người phàm, một bên là bánh của Thiên Chúa  Hai thứ bánh này khác nhau .

Qua sự nhập thể của Ðức Giêsu và qua bí tích Thánh Thể, chúng ta có biết để Thiên Chúa lôi kéo và hướng dẫn? Chúng ta có tin Ðức Giêsu là bánh từ trời xuống? Chúng ta có dám tin vào lời hứa ban sự sống của Ðức Giêsu?

* * * * *

Lạy Chúa,  mặc dù Chúa rất xa chúng con,  nhưng nhờ tình yêu, chúng con vẫn gần với Chúa. Không hề có phân ly  giữa chi thể với vị thủ lãnh nhiệm mầu!  Chúa cho mọi người được dự tiệc  khi cử hành lễ tạ ơn.

Chính Chúa đã nói rằng  con có thể ăn thịt là Mình Chúa. Ðiều ấy đã được viết lại,  không phải tự ý con nghĩ ra.  Thế mà có lúc tại sao con nghi ngờ  trong khi Lời Chúa quá rõ ràng như thế?

(theo Paul Claudel)

 

SUY NIỆM III

BÁNH HẰNG SỐNG LÀ THÂN MÌNH CHÚA GIÊ-SU

(Hội An 11/8/2024)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

            Bánh là lương thực chính yếu được mọi dân tộc trên thế giới cần đến. Bánh là quà tặng Thiên Chúa ban cho nhân loại qua thiên nhiên để nuôi sống con người. Trong Cựu ước, Thiên Chúa nuôi dưỡng dân Chúa qua việc ban bánh mana. Mặc dù bánh và các nhu cầu vật chất khác quan trọng đối với con người, hôm nay Chúa Giê-su muốn chúng ta vượt qua những thỏa mãn tức thời của chúng, để được Chúa dẫn đưa chúng ta đến nguồn mạch và cao điểm của cuộc đời, nguồn mạch và cao điểm đó không dựa vào mối quan tâm ăn mặc hay nghề nghiệp, mà hướng đến và nhờ vào Bánh hằng sống là chính Thân Mình Chúa Giê-su.

  1. Bánh Thánh Thể là Bánh từ trời

            Thiên Chúa là Đấng ban bánh nuôi sống chúng ta qua thiên nhiên. Thánh Phaolô khẳng định: “Thiên Chúa là Đấng cung cấp hạt giống cho kẻ gieo và bánh làm của ăn nuôi dưỡng, Ngài sẽ cung cấp dư dật hạt giống cho anh em gieo” (2Cor 9,10). Trong sa mạc, nơi không có sự sống, Thiên Chúa ban bánh mana nuôi sống đoàn dân lữ hành về miền đất Hứa. Dân Do Thái gọi mana là “bánh bởi trời” (x. Ga 6,31). Chúa Giê-su cho họ nhận biết, dù bánh mana là thứ bánh mầu nhiệm nuôi sống họ trên đường về đất Hứa, thứ bánh đó vẫn là lương thực tự nhiên duy trì sự sống thể xác và trần thế của họ. Ma quỷ luôn cám dỗ con người mọi thời tưởng rằng cơm bánh tự nhiên hay những nhu cầu vật chất là sự sung mãn của đời người. Còn “bánh từ trời” đích thực chính là Chúa Giê-su. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II xác tín: “Nông dân mọi nơi cung cấp bánh cho nhân loại, nhưng chỉ mình Chúa Giê-su là bánh ban sự sống. Dù mọi cơn đói thể lý trên thế giới được thỏa mãn, mọi người đói ăn được nuôi ăn bằng sức lao động của chính họ hay nhờ lòng quảng đại của tha nhân, cơn đói sâu xa nhất trong con người vẫn còn đó.” Chính vì thế, Chúa Giê-su loan báo tình yêu kỳ diệu của Ngài: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta ban chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51).

            Trước hết, Thiên Chúa đã chuẩn bị nhiều cách cho chúng ta đón nhận mầu nhiệm Bánh hằng sống. Chúa Giê-su đã sinh ra tại Bê-lem, theo tiếng Do Thái có nghĩa là “nhà bánh.” Ngài được đặt nằm trong máng cho lừa ăn, gợi ý ngày nào đó Chúa sẽ trở thành bánh nuôi dưỡng nhân loại. Phép lạ Chúa làm nuôi sống đám đông báo trước Thánh Thể nuôi sống nhân loại.

Cuối cùng trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su thực hiện lời hứa ban bánh từ trời cho dân và bánh đó chính là bánh hằng sống nuôi dưỡng dân Chúa.

  1. Bánh hằng sống là Thân Mình Chúa Giê-su

            Nếu một người Do Thái quan sát bữa tiệc ly của Chúa Giê-su, hẳn họ phải ngạc nhiên, vì bữa Tiệc trong đêm vượt qua của Chúa không có người trong gia đình huyết thống của Chúa, mà chỉ có các môn đệ. Họ sẽ “sốc” hơn nữa vì không có chiên nướng như tục lệ đòi hỏi; thay vào đó, Chúa Giê-su lại cầm lấy bánh và xác nhận: “Đây là Thịt Thầy, hiến tế vì các con” (Lc 22,19). Chúa lại cầm lấy chén rượu mà nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì các con” (Lc 22,20). Đây không phải là một cách nói. Chúa Giê-su nói lời này theo nghĩa đen.

            Lời Chúa xác nhận bánh trở thành thịt Ngài, rượu trở thành máu Ngài và sự vắng mặt con chiên trên bàn tiệc ly đồng thanh tuyên bố một sự thật: Chúa Giê-su là Con Chiên vượt qua của giao ước mới, một sự kiện người ta sẽ thấy rõ hơn khi nhìn thấy Chúa đổ máu trên thánh giá. Thánh sử Gioan hiểu rõ hiến tế thịt máu của Chúa Giê-su trên thánh giá vì chúng ta, nên trong phần mở đầu tường thuật Tin Mừng của mình, thánh sử đã ghi lại lời thánh Gioan Tẩy Giả: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29). Vì thế, trong hy tế thánh giá trên bàn thờ, hy tế thánh giá được tái hiện để thịt và máu Chúa tiếp tục đổ ra vì chúng ta.

            Bánh rượu trong bí tích Thánh Thể là thịt máu Chúa Giê-su, nên Thánh Thể là cách thế hiện diện thực sự và trọn vẹn của Chúa Giê-su giữa chúng ta, bởi Ngài yêu thương chúng ta cách độc đáo như thế. Fulton Sheen đã nói: “Câu chuyện tình vĩ đại nhất mọi thời được ẩn chứa trong tấm bánh Thánh nhỏ xíu.” Chúa Giê-su muốn câu chuyện tình của Ngài trong bí tích Thánh Thể được viết tiếp khi Ngài nói: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.” Đó là lý do thánh lễ liên tục được cử hành trong Hội Thánh từ ngày này sang ngày khác và cho đến ngày tận thế. Kiến thức thần học hay hoạt động xã hội mà thôi chưa đủ giúp chúng ta sống với Chúa, mà còn cần gặp gỡ cá vị với Thánh Thể, còn biết quỳ gối trước Thánh Thể và nhận lấy sự sống từ Bánh Giê-su cách xứng đáng.

            Còn bao nhiêu linh mục và giáo dân giữ cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Giê-su Thánh Thể? Còn bao nhiêu người tín hữu khao khát tham dự thánh lễ và hằng ngày thấy đói bánh Giê-su, nên dành thời giờ đến tham dự cuộc hiến tế của Chúa Giê-su trên bàn thờ? Còn bao nhiêu người khi lên rước lễ ý thức họ rước lấy Chúa Giê-su để họ dọn mình xứng đáng và cám ơn Chúa sau khi rước Chúa? Phải chăng chúng ta chẳng còn đoái hoài Thánh Thể và không còn được lòng khiêm cung quỳ gối trước Thánh Thể Chúa?

            Theo Đức hồng y Sarah, việc suy giảm đức tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Giê-su Thánh Thể là nguyên nhân các cuộc khủng hoảng hiện nay trong Giáo Hội. Tất cả các giám mục, linh mục và giáo dân phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng đức tin, cuộc khủng hoảng Giáo Hội, cuộc khủng hoảng linh mục và cuộc khủng hoảng trong xã hội dần dần trở nên xa lạ với Chúa Giê-su Thánh Thể. Chúng ta làm gì trước tình trạng hững hờ với thánh lễ và Thánh Thể?

            Xin Chúa cho chúng ta được hồi sinh lòng mến yêu thánh lễ và Thánh Thể, tin nhận Chúa hiện diện thực sự trong bí tích Thánh Thể và nghe được lời Chúa tha thiết: “Bánh Ta ban chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”, “hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở trong các con.” Xin cho lòng chúng con biết đói Bánh Giê-su trên hết mọi sự, cơn đói thánh thiện lôi kéo chúng con siêng năng đến tham dự thánh lễ và rước Chúa.