Chúa Nhật XIX Thường Niên Năm C
“Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức: Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, đặt chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng”
ÂN SỦNG VÀ TRÁCH NHIỆM
Tuần 19 Thường Niên (Hội An 7/8/2022)
“Hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 107). Tác giả thánh vịnh khuyến khích dân cùng ngợi khen Thiên Chúa. Tác giả kể ra một danh sách dài ơn ban của Thiên Chúa, không chỉ cứu họ khỏi tay quân thù, mà còn ban cho dân Chúa mọi ơn cần thiết, cho họ ăn khi đói, cho họ uống khi khát, cho tâm hồn họ tươi vui khi đang trĩu nặng lo âu, đổ tràn trên họ mọi ân phúc khi họ kêu cầu, ngay cả khi dân Chúa nổi loạn phủ nhận tình thương, Thiên Chúa vẫn yêu thương họ. Tác giả đã nhận biết mọi ơn phần xác, ơn phần hồn đều do Chúa ban.
Lời ngợi ca này của thánh vịnh không rơi vào quá khứ, mà còn là bài ca trong hiện tại của Giáo Hội và của mỗi tín hữu khi nhìn lại cuộc đời mình và xác tín như thánh Têrêxa Hài Đồng Giê-su: “Tất cả là hồng ân,” tất cả đều bởi Thiên Chúa ban. Và ân huệ cao trọng hơn cả là Thiên Chúa ban chính Đức Giê-su, Con Một của Ngài cho chúng ta. Ai dám ước mơ được Thiên Chúa đến ở cùng? Ơn trọng này bắt nguồn từ sáng kiến tình thương đầy ngạc nhiên của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Đó là lý do Thiên Chúa có quyền nói với chúng ta: “Đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn” (Lc 12,48). Nói cách khác, ân sủng đòi hỏi tín hữu phải có trách nhiệm.
- Ân sủng đòi hỏi trách nhiệm
Chúa Giê-su nhắc nhở mọi thành phần tín hữu phải có trách nhiệm về những ơn Chúa ban. Ân huệ và trách nhiệm luôn song hành. Ân huệ từ Thiên Chúa và trách nhiệm thuộc chúng ta. Ân huệ thôi thúc trách nhiệm. Thánh Phaolô nói rõ: “Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa… Thật thế, chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Ki-tô Giê-su, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” (Ep 2,8-10). Chính chúng ta có trách nhiệm đền đáp những ân huệ Thiên Chúa ban, vì được nhận nhiều, thì được đòi hỏi nhiều. Đó là lý do thánh Phaolô cảnh báo: “Đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô ích.”
Thế nào là để ơn Chúa trở nên vô ích? Là người trên danh nghĩa thuộc về Chúa Giê-su, nhưng không liên kết với Chúa Giê-su và không dùng ơn của Ngài hữu ích. Cách sống đó là cách sống của người đầy tớ bất hảo bị Chúa Giê-su phơi bày trong Tin Mừng hôm nay. Chúa ban cho tín hữu mọi ân huệ để tín hữu chu toàn thánh ý Chúa trong vai trò người quản gia trung tín, nhưng thay vì tín hữu liên kết với Chúa và sử dụng ơn thánh theo thánh ý Chúa, họ lại để những ơn siêu nhiên, ơn tự nhiên, ơn vật chất trở nên vô ích trong đời sống và sống như thể họ chưa hề thuộc về Chúa Giê-su. Tệ hơn nữa, chúng ta được trao ban lời Chúa, được rước lấy Mình Thánh Chúa, được tụ họp thành một cộng đoàn đức tin, nhưng khi bước ra khỏi nhà thờ đi vào thế giới, chúng ta sống rất khác lạ với lời Chúa dạy, không phản ảnh được đời sống của người có Chúa và xa lạ với anh chị em trong cộng đoàn quen thuộc của mình. Đó là lúc ơn Chúa đã trở nên vô ích nơi chúng ta. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II quả quyết trong thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế như sau: “Nếu không đáp lại hồng ân của Chúa bằng tư tưởng, lời nói và việc làm, thì không những họ (tín hữu) không được cứu rỗi, mà còn bị xét xử nghiêm khắc hơn.” Vì thế, cần làm cho ơn Chúa trổ sinh nhiều hoa trái thiêng liêng.
- Làm cho ơn Chúa trổ sinh hoa trái
Ki-tô hữu được Thánh Kinh ví như người đầy tớ phải làm sinh lợi vốn liếng Thiên Chúa ban cho, hoặc như người đầy tớ có bổn phận phục vụ những người Thiên Chúa giao cho, hay như cây vả được trồng trong vườn nho phải sinh trái. “Đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn.” Cho trách nhiệm ấy, thánh Phaolô hướng dẫn: “Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tùy theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Được ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn phục vụ, thì phải phục vụ. Ai dạy bảo, thì cứ dạy bảo. Ai khuyên răn, thì cứ khuyên răn. Ai phân phát thì phải chân thành. Ai chủ tọa thì phải nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái, thì vui vẻ mà làm.” (Rm 12,6-8). Nghĩa là, được giao phó cho nhiều, thì phải sinh lợi ích nhiều, chứ không được phép để ơn Chúa trở nên vô ích.
Chúa ban cho ơn khôn ngoan, thì Chúa có quyền đòi hỏi ta khôn ngoan chọn sống theo thánh ý Chúa. Chúa ban cho ta của cải, thì Chúa có quyền muốn ta lưu tâm đến những người nghèo khó chung quanh. Chúa ban cho ta ơn tha thứ và thánh thiện, thì Chúa muốn thấy tâm hồn chúng ta xứng đáng là bàn thờ Chúa ngự. Chúa ban cho anh chị em một gia đình, thì Chúa có quyền đòi anh chị em minh chứng gia đình anh chị em đang thờ phượng Chúa, đang thuộc về Chúa. Chúa ban cho anh chị em nhiều tài năng không phải để sinh ra lừa lọc, dối gian, nhưng để phục vụ và làm sáng danh Chúa trong mọi sự. Chúa ban cho chúng ta lời Chúa, Chúa có quyền yêu cầu chúng ta loan báo cho mọi người cách miễn phí, bắt đầu từ trong gia đình. Chúa ban cho chúng ta Mình Thánh Chúa không phải để chúng ta hững hờ, nhưng để rước lấy và sống thân thiết với Chúa như cành nho gắn liền với thân nho. Chúa cho quyền như thế, vì Chúa “đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn.”
Vậy, được lời Chúa soi dẫn, chúng ta chân thành cảm tạ ơn Chúa hằng ngày, bởi Chúa vẫn trọn tình thương dành cho chúng ta. Xin Chúa cũng cho chúng ta biết sống trách nhiệm về những ơn Chúa ban, để trở nên người môn đệ trung tín của Chúa trong đời sống hằng ngày, biết hăng hái xắn tay phục vụ các linh hồn, phục vụ công cuộc truyền giáo, tránh xa thói biếng nhác vô ơn của người đầy tớ bất hảo hay người quản gia chỉ biết dùng quyền để thỏa thích tính bẩn chật của mình. Xin cho chúng ta ghi khắc lời Chúa: “Đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn,” để sống trách nhiệm hơn.
Lm Giuse Nguyễn Văn Thú
CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN
Lời Chúa: Kn. 18, 6-9; Dt. 11,1-2.8-19; Lc. 12, 32-48
CHỜ ĐỢI CHÚA ĐẾN TRONG KHÔN NGOAN
Cuộc sống đời người là một chuỗi những bất ngờ không ai có thể biết trước kể cả cái chết. Cái chết nó đến cũng thật bất ngờ. Nó không chờ đợi lứa tuổi hay theo tuần tự: sinh – bệnh – lão – tử. Cái chết đến với người già cũng như người trẻ ngang nhau. Có người chết trẻ. Có người chết già. Có người chết từng giờ vì cơn bệnh nan y. Có người chết bất thình lình đang còn khỏe mạnh. Chẳng hạn, Vào ngày 9/7 vừa qua cả thế giới cũng ngỡ ngàng trước sự ra đi đột ngột của cựu thủ tướng Nhật Abe sau khi bị ám sát. Hay là mới đây ngày 1-8 vừa qua Cha Phêrô Nguyễn Thăng, ở Mỹ đang dâng thánh lễ thì bị đột quỵ và về với Chúa, hưởng thị 77 tuổi. Mới đây nữa ngày 3-8 Cha Máccô Phạm văn Quang 36 thuộc giáo phận Thái bình đang đang chữa bị tại Hàn Quốc thì qua đời về với Chua. Rõ ràng, sự chết dường như không kiêng nể ai. Sự chết có thể đến với bất cứ ai và ở mọi nơi, mọi lúc, bất ngờ không ai lường trước được.
Cho nên, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức và sẵn sàng. Tỉnh thức và sẵn sàng để chờ đợi chủ trở về. Nhưng chúng ta chờ đợi với khôn ngoan của mình là chăm chỉ làm việc bổn phận: sống và giữ đức tin của một cách mạnh mẽ và can trường trong hoàn cảnh khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, ốm đau cũng như mạnh khỏe chứ không phải chờ đợi trong tội lỗi, tán phá thân xác con người thân tàn ma dại. Thứ đến chúng ta chờ đợi với khôn ngoan của mình là sống niềm cậy trông và phó thác vào Chúa trong mọi biến cố và nhất là luôn thi thố đức mến của mình đối với tha nhân bằng việc sẻ chia, nâng đỡ, thăm viếng an ủi giúp đỡ những người thiếu thốn khó khăn hay bệnh tật. Đó chính là sự chờ đợi tích cực vì biết tích luỹ kho tàng không bao giờ bị hao hụt hay mối mọt phá hoại làm hư mất được. Một khi chúng ta chờ đợi ông chủ trong tâm thế như thế ông Chủ đó là chính Thiên Chúa sẽ đến viếng thăm mỗi người chúng ta qua các ơn lành, qua đọc kinh sáng tối trong gia đình, qua việc cử hành các Bí tích . . . Chủ về cũng có nghĩa là ngày Chúa đến để đưa linh hồn chúng ta ra khỏi thế gian. Chủ về cũng có nghĩa là ngày cánh chung, ngày đó sẽ khép lại toàn bộ lịch sử của nhân loại. Lúc đó, Chủ sẽ vui mừng thấy chúng ta tỉnh thức và ngược lại chủ sẽ buồn lòng thấy chúng ta đang u mê trong tội lỗi, lười biếng trong việc thờ phượng Chúa. Như vậy, Chủ sẽ thưởng công hay luận phạt tuỳ theo thái độ sống của chúng ta.
Linh hồn và thân xác chúng ta là tòa lâu đài Chúa trao, vườn hoa chính là nhân đức Chúa đã gieo trồng, rồi ủy thác cho chúng ta chăm sóc. Hôm nay nhìn lại, tòa lâu đài còn xứng đáng với danh xưng của nó hay đã biến thành nhà hoang, hang trộm cướp? Vườn hoa nhân đức giờ này còn khởi sắc hay chỉ phơi bày sự úa tàn? Trong hoàn cảnh này, nếu Chúa trở về, Ngài sẽ buồn hay vui? Vui buồn của Ngài cũng là quyết định cho khổ đau hay hạnh phúc của chúng ta.
Suy nghĩ và nhận ra những thiếu sót của mình, chúng ta hãy tức thời tu sửa. Thời gian của vũ trụ thì con dài, nhưng thời gian của đời mình thì thật ngắn ngủi. Sự chấm dứt chẳng biết lúc nào. Giả sử chúng ta cho là mình còn trẻ, còn khỏe mạnh, còn lâu mới chết cũng được đi. Nhưng Chúa dạy chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng, chúng ta phải quan tâm và chấp hành nghiêm chỉnh Lời Chúa dạy. Tỉnh thức không phải là ngồi không mà chờ đợi, nhưng vẫn làm như thường trong tư thế chờ đợi trong khôn ngoan. Có những người tỉnh thức trong kinh kệ, trong nghĩa vụ đạo đức nhưng lại mê ngủ trong những đòi hỏi của Tin Mừng. Tỉnh thức cũng không phải là suốt ngày đọc lời Chúa nhưng là để lời Chúa chi phối đời sống của mình. Như vậy, thái độ tỉnh thức của chúng ta không phải là một thái độ tiêu cực, chạy trốn, tránh né bổn phận, không dấn thân trong hiện tại, nhưng ngược lại, vẫn sống tích cực, vẫn chu toàn bổn phận hàng ngày, vẫn liên đới với mọi người… sống và làm việc cách tốt đẹp. Tóm lại, sự tỉnh thức của chúng ta là ý thức rằng sống là để yêu thương và phục vụ. Đây chính là ý nghĩa đích thực của sự tỉnh thức mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hôm nay.
Chúng ta còn trẻ hay đã già, khỏe mạnh hay đau yếu, điều đó không quan trọng, nhưng quan trọng là chúng ta đang sống thế nào? Đang tỉnh thức hay ngủ mê? Nếu chúng ta đang sống tốt đẹp, chúng ta cứ vui sống. Có một câu chuyện kể rằng: Một hôm, một số trẻ em đang vui chơi, một giáo sư đi tới hỏi các em: “Nếu bây giờ Chúa gọi các con chết, các con sẽ làm gì?”. Nghe hỏi thế, em thì nói: “Con vào nhà thờ cầu nguyện”. Em khác thưa: “Con đi xưng tội”. Có một em hồn hiên trả lời: “Phần con vẫn vui chơi như thường”. Vị giáo sư hỏi: “Tại sao con lại vui chơi như thường?”. Em trả lời: “Vì con luôn sống tốt đẹp, nên con chẳng có gì phải lo sợ”. Em bé đó chính là thánh trẻ Bec-man.
Khi đời chúng ta luôn sẵn sàng, khi lương tâm chúng ta không trách cứ chúng ta điều gì, khi mọi tội lỗi của chúng ta với Chúa và anh em đều tha thứ cho nhau, chúng ta không có gì phải lo sợ, chúng ta cứ vui sống. Thế nên, sự khôn ngoan mời gọi chúng ta hãy sống giây phút hiện tại một cách tích cực. Hãy sử dụng thời gian một cách hợp lý. Đừng dùng giây phút hiện tại để phạm tội. Đừng lao vào những đam mê mù quáng. Hãy sống tích đức để mua lấy Nước Trời mai sau. Như thế, chúng ta sẽ nắm chắc cơ hội tham dự tiệc của tình yêu mà chính Thiên Chúa sẽ thiết đãi cho chúng ta trên Thiên đàng vinh phúc.
Ước gì mỗi người chúng ta hãy sống giây phút hiện tại như là giây phút cuối cùng của đời mình để chúng ta sống có trách nhiệm hơn, sống tỉnh thức hơn, thánh thiện và công chính trước mặt Chúa và mọi người. Amen
Lm Giuse Nguyễn Quốc Quang
CN 19 TN NĂM C
7-8-2022
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Vĩnh Điện
GIÁO HUẤN SỐ 37
MỤC VỤ GIỚI TRẺ
Các hoạt động chính yếu (tt)
Bất cứ dự án giáo dục hay con đường phát triển nào cho người trẻ dĩ nhiên cũng phải bao gồm việc huấn luyện gíao lý và luân lý Kitô giáo. Cũng thật quan trọng để ghi nhận rằng nó có hai mục tiêu. Một là sự khai triển lời rao giảng tiên khởi (ke-ryg-ma), tức là kinh nghiệm nền tảng về việc gặp gỡ Thiên Chúa qua cái chết và sự sống lại của Đức Giê-su. Hai là sự phát triển trong tình huynh đệ, trong đời sống cộng đoàn và trong phục vụ. Đây là điều tôi đã nhấn mạnh trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangeli Gaudium), thiên nghĩ đáng nhắc lại ở đây. Sẽ là sai lầm lớn nếu nghĩ rằng trong mục vụ giới trẻ “lời rao giảng tiên khởi cần mở đường cho một sự huấn luyện được cho là ‘vững chắc’ hơn! Không có gỉ vững chắc, thâm sâu, bảo đảm, có ý nghĩa và chất chứa khôn ngoan hơn lời rao giảng khởi đầu ấy. Tất cả nền huấn luyện Kitô giáo cốt ở việc đi sâu vào keryma” và làm cho nó đi sâu vào máu thịt mình ngày càng hơn trong cuộc sống của mình. Vì thế việc mục vụ giới trẻ luôn phải bao gồm những cơ hội luôn làm mới lại và đài sâu kinh nghiệm cá nhân về tình yêu của Thiên Chúa và của Đức Ki-tô hằng sống. Nó có thể làm điều này bằng những cách khác nhau: bằng chứng từ, bằng những bài hát, những khoảnh khắc tôn thờ, bằng việc suy niệm Lời Chúa, và ngay cả bằng việc sử dụng mạng xã hội một cách trí tuệ. Tuy nhiên, không bao giờ được thay thế kinh nghiệm thú vị này về sự gặp gỡ Chúa bằng một loại ‘tuyên giáo’ nào đó (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, số 213 & 214).
CN 19 TN NAM C
Kn 18,6-9; Dt 11,1-2.8-19; Lc 12,32-48
Chào chị chết
Một lương y, bạn cũ của thánh Phanxicô ở Arezzo, đến thăm, ngài hỏi :
- Này anh, bệnh thủng của tôi bớt hay tăng ?
- Xin cha đừng lo gỉ. Tôi tưởng nhờ ơn Chúa thì rồi thế nào cũng bớt.
- Thôi, xin anh cứ cho tôi biết sự thật. Tôi muốn làm trọn thánh ý Chúa, thì sống hay chết, tôi có quan ngại gì.
- Vâng, cha đã muốn thế, tôi xin nói để cha biết, cứ theo lối coi bệnh của tôi, thì cuối tháng 9 hay đầu tháng 10 thôi.
Bệnh nhân nghe nói, vội vàng đưa hai tay lên trời, vui vẻ nói to :
- Chị chết! Chị chết! Chào chị! Kính mời chị đến!
Ngài quay lại bảo một anh em:
- Anh đi gọi An-giê-lô và Lê-ô đến đây để hát.
Angêlô và Lêô tới, cảm động nước mắt chạy quanh, nhưng cố trấn tĩnh, hát cho thánh nhân nghe bài ca Anh Mặt Trời. Đến tiểu khúc cuối cùng Phanxicô bảo dừng lại. Ngài thêm một tiểu khúc mới:
Lạy Chúa tôi, tôi ngợi khen Chúa,
Vì Chúa dựng Chị Chết chúng tôi
Ai mong thoát tay Chị trên đới ?
Vô phước người chết còn tội lỗi!
Hạnh phúc thay người lúc hấp hối
Biết tuân theo thánh ý Chúa tôi,
Vì người ấy không chết đời đời !
Từ đây anh em bên giường bệnh cứ hát mãi bài ca Anh Mặt Trời. Ban ngày anh em hát đi hát lại để nâng đỡ tinh thần Phanxicô. Ban đêm anh em cũng hát nhiều lần để thêm lòng đạo và mua vui cho đội lính canh.
Anh Êlia đến thưa : Thưa cha đáng kính, cha vui như thế, riêng con, con lấy làm mừng lắm. Nhưng trong thành Assisi, ai cũng kính cha như vị thánh, cha dọn mình chết theo kiểu ấy, sợ có người cho là không xứng đáng.
Ngài đáp lại : Thôi, anh cứ để mặc tôi. Bệnh tật hành hạ tôi đau đón lắm. Nhưng tôi vẫn cảm thấy đã gần Chúa tôi. Không hát, không thể chịu được.
Bệnh tật không những hành hạ mà đã tàn phá khắp thân thể Phanxicô. Tiếp theo những phù thũng, lại đến những gầy khô. Các lương y hội nhau: tại sao một bộ xương như ngài mà còn sống được.
Không còn thấy gì nữa, thánh nhân đặt tay lên đầu anh Êlia và nói : “Con hãy nhận lời cha chúc phúc, và qua con, cha chúc phúc cho tất cả anh em, con cái yêu dấu của cha. Hỡi các con, hãy kính sợ Chúa luôn. Vì những cơn cám dỗ nặng nề đang hăm dọa và thời gian thử thách đã đến gần rồi. Phần cha, cha vội về với Chúa. Ra về, cha hoàn toàn tín nhiệm vào Chúa là Đấng cha muốn phụng sự hết lòng (Antôn và Một Nhóm Anh Em, Hạnh Thánh Phanxicô, trang 327-328).
Bái Tin Mừng (Lc 12,32-48) : Trong sách ‘Tĩnh Tâm với Sách Tin Mừng Lu-ca’, cha Nguyễn Công Đoan viết : “Nói đến cái chết ai cũng khiếp sợ, kể cả Chúa Giê-su (x.Lc 22,42-44). Thánh Phan-xi-cô Át-si-di lại thân mật gọi là ‘Chị Chết’. Chúa Giê-su đã dùng ánh sáng của Chị Chết để dạy về cuộc sống. Trong chương 12 của sách Tin Mừng Lu-ca chúng ta đang suy niệm, Chúa Giê-su kể tới 4 dụ ngôn xoay quanh Chị Chết :
- Dụ ngôn ‘người phú hộ ngu ngốc’(12,13-21)
- Dụ ngôn ‘người tôi tớ có nhiệm vụ giữ cửa’ (12,-22-31)
- Dụ ngôn ‘kẻ trộm’ (12,32-40)
- Dụ ngôn ‘người tôi tớ quản gia (12,41-49)
- Dụ ngôn ‘người tôi tớ quản gia’ (Lc 12,41-49)
“Bấy giờ ông Phê-rô hỏi: Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người” (12,41)
Chúa Giê-su trả lời bằng một dụ ngôn thứ tư về người quản gia trung tín và khôn ngoan được “chủ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát thóc gạo đúng giờ đúng lúc”(12,42).
Trước hết ta thắc mắc “chúng con” ở đây là ai ? Trên miệng ông Phê-rô thì “chúng con” hẳn là nhóm Mười Hai; “người quản gia lo cấp phát phần thóc gạo” hẳn cũng là nhóm Mười Hai, vì sau này trong sách Công Vụ, nhóm Mười Hai vừa phục vụ Lời vừa phân phát của ăn (Cv 2,42; 4,34-35). Đến khi không làm hết thì giảm bớt việc phục vụ ăn uống cho nhóm Bảy Người, còn các tông đồ thì “chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời (Cv 6,3-4).
Ông chủ chờ đợi gì nơi người quản gia ? “Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta (Lc 12,43). Phúc như thế nào ? “Thầy bảo thật anh em ông sẽ đặt anh ta coi sóc tất cả tài sản của mình” (Lc 12,44). Ông chủ này rất giầu có, không cần anh ta làm giầu thêm cho ông, như cái khẩu hiệu của người Việt Nam mấy chục năm trước “làm ngày không đủ, bỏ ngủ làm đêm, làm thêm ngày Chúa nhật”. Ông chủ giao việc phân phát thì cứ việc phân phát thôi. Cũng như anh đầy tớ được giao nhiệm vụ giữ cửa thì cứ ‘thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn’ mà chờ, không cần tranh thủ đan thêm một vài cái nón, cái rổ… để nộp cho ông chủ. Anh quản gia hay anh giữ cửa cũng là tôi tớ như nhau, chủ giao mỗi người một việc tùy ý chủ. Chủ chỉ muốn khi về thì thấy mỗi người ‘đang làm như vậy’. Thế là Chúa cho chúng ta cái bí quyết làm sao để sẵn sàng, đó là thi hành ý muốn của Thiên Chúa như những người tôi tớ trung thành
Dụ ngôn này còn được kéo dài bằng một vế ngược lại: ‘Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: ‘Chủ ta còn lâu mới về, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa (12,45), chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín’ (12,46). Thật đáng sợ! Được giao việc ‘coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát thóc gạo đúng giờ đúng lúc’, nhưng nắm quyền trong tay thì hắn quên rằng mình cũng là một trong những tôi tớ của ông chủ; không những thế, hắn còn tưởng mình là ông chủ, và hành xử như một ông chủ độc ác: ‘đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa’. Hắn ảo tưởng về ngày ông chủ về: ‘còn lâu’…nên nghĩ rằng ‘nhiệm kỳ’ của hắn cũng còn lâu, thậm chí là bất tận! Hắn quên rằng ông chủ sẽ đến ‘như kẻ trộm’. Hậu quả sẽ thật là thê thảm, khi bị bắt quả tang: ‘Ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên bất tín’ (12,46b).
Chúa Giê-su kết thúc loạt dụ ngôn này bằng cách rút ra hai yêu tố then chốt: tôi tớ phải làm theo ý ông chủ và tương xứng với nhiệm vụ được trao. Biết ý chủ mà không làm theo hoặc không sẵn sàng thì sẽ bị đòn nhiều hơn; không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt thì se bị đòn ít (12,47). Ai được cho nhiều thì bị đòi nhiều hơn (12,,48).
Chính Chúa Giê-su sẽ nêu gương cho chúng ta khi Ngài sống suốt 30 năm ở Na-da-rét. Câu Chúa Giê-su trả lời Đức Mẹ và thánh Giu-se khi tìm thấy Chúa Giê-su ở trong đền thờ có thể hiểu là: ‘Con phải lo việc của Cha con’ (Lc 2,49). ‘Sau đó Người đi xuống cùng cha mẹ trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các Ngài’ (Lc 2,51). Việc của Cha trao cho Ngài suốt 30 năm là sống âm thầm vâng phục cha mẹ.
Cuối cùng khi cầu nguyện trên núi Ô-liu, Chúa thưa với Cha: ‘Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha’ (Lc 22,42).
Bí quyết để sẵn sàng là luôn thi hành ý Chúa trong mọi việc, lớn cũng như nhỏ. Trước mặt Chúa thì không kể việc lớn hay nhỏ, làm người giữ cửa hay làm người quản gia cũng đều là tôi tớ, và cũng bị xét xứ về một điều: có làm theo ý chủ không. Chỉ có Ý Chúa là quan trọng, đáng kể thôi (Sđd trang 33-35).
Bài đọc 1 (18,6-9) : Cha Sullivan viết: “Sách Khôn Ngoan là sách cuối cùng của Cựu Ước. Sách viết ở Hy Lạp do một người Do Thái, biết nói tiếng Hy Lạp, sống ở Ai Cập vào thế kỷ 1 tCN, đạo đức. Ông khuyến khích người đồng hương giữ vững đức tin. Những biến cố Vượt Qua chứng tỏ Thiên Chúa mạnh mẽ cứu thoát dân Người khỏi ke thù độc ác. Thiên Chúa luôn lắng nghe những lời kêu xin. Sách viết: ‘Con lành cháu thánh của những người lương thiện âm thầm dâng lễ tế trong nhà. Họ đồng tâm nhất trí về luật sau đây của Thiên Cúa là trong dân thánh, có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia’ (Kn 18,9) (The Sundays Reading, trang 295).
Bài đọc 2 (Dt 11, 1-2.8-1): Cha Sullivan viết: Thư Do Thái viết cho người Do Thái trở lại, vì họ biết Cưu Ước, còn người ngoài không biết. Bài đọc hôm nay, tác giả cho biết mẫu mực đức tin của ông Áp-ra-ham và bà Sa-ra, một đức tin sống động : ‘Nhờ đức tin, ông Áp-ra-ham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ lãnh nhận (11,8)… Nhờ đức tin cả bà Sa-ra vốn hiếm muộn, cũng có thể thụ thai’ (11,11).
Cầu nguyện :
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu
Chúng con được phúc gọi Chúa là Cha
Xin cho chúng con ngày càng hiếu thảo
hầu đáng được hưởng gia ngiệp Chúa hứa ban.
Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.
Lm Giuse Nguyễn Trung Thành