Chúa Nhật XIX Thường Niên – Năm C


CN.19.C

(Kn 18,6-9; Dt 11,1…9; Lc 12,32-48)

2013

Lời Chúa thánh lễ Chúa nhật vừa qua kêu gọi chúng ta “lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12,21), tức là tìm kiếm Nước Trời, tìm kiếm phân rỗi đời đời. Lời Chúa thánh lễ Chúa nhật hôm nay kêu gọi chúng ta : trong khi tìm kiếm hãy có lòng trung tín : trung tín với đức tin (bđ1), trung tín với niềm hy vọng (bđ2) và trung tín với việc phục vụ (bTM).

Bài đọc 1 : Sách Khôn Ngoan trong bđ1 là cuốn sách Cựu Ước được viết sau cùng, vào giữa thế kỷ I, tại Alexandrie, nước Ai Cập. Alexandrie là trung tâm văn hóa Hy Lạp nổi tiếng nhất bấy giờ. Alexandrie cũng là thành phố quan trọng nhất của người Do Thái di cư. Lo lắng người Do Thái bị văn minh Hy Lạp cám dỗ, tác giả sách Khôn Ngoan xác quyết rằng : khôn ngoan xuất phát từ Thiên Chúa trổi vượt hơn khôn ngoan của mọi dân tộc.

Tác giả nhắc lại thời người Do Thái làm nô lệ ở Ai Cập và được cứu thóat trong Đêm Vượt Qua. Đêm đó không những là đêm giải thóat, mà còn là đêm khai sinh ra dân tộc Do Thái. Cha ông họ đã trung tín chờ đợi đêm này, như lời họ cầu nguyện : “Lạy Chúa, đêm vượt qua đã được báo trước cho cha ông chúng con; để khi biết chắc lời hứa mình tin là lời hứa nào, các ngài thêm can đảm” (Kn 18,6). Hôm nay, như cha ông xưa, người Do Thái cũng đang sống trong đất nước Ai Cập, với biết bao thử thách cám dỗ, nhưng phải noi theo gương tiền nhân, mà trung tín với Thiên Chúa ; “Con lành cháu thánh của những người lương thiện âm thầm dâng lễ tế trong nhà. Họ đồng tâm nhất trí về luật sau đây của Thiên Chúa là trong dân thánh, có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia, và ngay từ bây giờ, họ đã xướng lên những bài ca do cha ông truyền lại” (Kn 18,9).

Bài đọc 2 : Trong 4 Chúa nhật liên tiếp, từ Chúa nhật 19 hôm nay đến Chúa nhật 22, bđ2 thánh lễ đọc thư Do Thái. Trước đây người ta nghĩ thánh Phaolô viết thư này; nhưng không phải, chắc chắn là một môn đệ của thánh Phaolô. Thư viết vào khỏang năm 65. Thư viết cho những người Do Thái theo Chúa Kitô đang bị bách hại. Có người sợ hãi toan bỏ đạo, có người tiếc nhớ đạo cũ Do Thái. Tác giả đã viết để an ủi, nâng đỡ đức tin của họ. Tác giả viết : “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy. Nhờ đức tin ấy. các tiền nhân đã được Thiên Chúa chứng giám” (Dt 11,1-2).

Câu này được các nhà thần học dùng để định nghĩa đức tin là gì ? Tất cả đức tin hướng về tương lai, nghĩa là về những thực tại tuy không trông thấy, song bảo đảm là có thật. Tác giả đã đưa ra nhiều mẫu gương đức tin, chẳng hạn đức tin ông Áp-ra-ham : “Nhờ đức tin, ông Ápraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp. Ông đã ra đi mà mà không biết mình đi đâu” (11,8).

Bài Tin Mừng : Sách Khôn Ngoan bđ1 nói về lòng trung tín trong đức tin, thư Do Thái bđ2 nói về lòng trung tín trong tương lai, và bài TM nói về lòng trung tín trong phục vụ. Chúa Giêsu muốn chúng ta trung tín trong việc phục vụ, phục vụ Chúa và phục vụ đồng lọai. Lúc nào cũng phục vụ : “Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay” (12,36). Đặc biệt là những người lãnh đạo trong Hội Thánh, tức là những “quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở” (12,42). Nếu trung tín trong phục vụ thì “chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (12,37).

Trong bài TM hôm nay, thánh Luca đã vẽ Chúa Giêsu bằng những hình ảnh thật đặc biệt. Trước hết là hình ảnh chủ chiên : “Hỡi đòan chiên bé nhỏ, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em” (12,32). Hình ảnh thứ hai là người hầu bàn : “Đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (12,37). Và hình ảnh thứ ba là ông chủ công bình, nhân ái : “Đầy tớ nào đã biết ý chủ, mà không làm theo ý chủ thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ…thì bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn” (12,47-48). Tất cả ba hình ảnh đó đều nhắm một mục đích : là Chúa sẽ thưởng công cho những người trung tín.

Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông là mẫu gương của lòng trung tín. Ngài sinh tại họ Gò Thị, giáo phận Qui Nhơn. Ngài là một gia trưởng đạo đức thánh thiện. Ngài đã có hai người con đi tu : một là linh mục Nguyễn Kim Thư, hai là nữ tu Anna Nguyễn thi Nhường, dòng Mến Thánh Giá. Ngài được Đức cha Cúenot Thể đặt làm Trùm Cả, phụ trách tòan thể vùng Bình Định. Nhà ngài là nơi trú ẩn an tòan cho Đức cha và các linh mục trong thời bắt đạo. Chính vì thế, đứa cháu của ngài, tên là Út, tính tình ngang tàng, ăn chơi phóng đãng, bị ngài la mắng sửa phạt, đã tố cáo ngài chứa chấp các đạo trưởng.

Thánh Anrê Kim Thông bị bắt và bị giam tại nhà tù Bình Định. Quan tỉnh là người quen biết ngài, khi ngài còn làm chủ tịch xã. Quan thỉnh thỏang đã cho ngài được về thăm nhà. Về nhà, ngài thường khuyên : “Tôi đã già, cũng chẳng ham sống lâu nữa. Tôi sẵn sàng bị tù đày và chịu chết vì danh Đức Kitô, nhất định tôi không vận động xin tha”.

Sau 3 tháng tù, ngài bị kết án lưu đày vào Vĩnh Long. Trên đường đi lưu đày, tới Phan Thiết, ngài được gặp cha Thư, con của ngài. Tới Chợ Quán, thấy sức khỏe của ngài đã suy yếu, cha Được xức dầu cho ngài. Tới Mỹ Tho thì ngài kiệt sức. Trước khi tắt thở, ngài đọc kinh ăn năn tội và kinh kính mừng. Thi hài của thánh Anrê Kim Thông được đưa về chôn cất tại Gò Thị, quê nhà.

“Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ” (12,37).Thánh Luca đã nhắc lại 3 lần : “Thật là phúc cho họ”. Thật phúc cho thánh Anrê Nguyễn Kim Thông, ông trùm xứ Gò Thị !

—————————–

CN 19.C

8-8-2010

Thánh lễ chúa nhật tuần trước, nhân dịp ngày lễ mừng thánh Inhaxiô 31-7 và thánh Anphong 1-8, chúng ta đã nói đến những thành quả hai dòng Tên và Chúa Cứu Thế mang lại cho Giáo Hội VN. Hôm nay 8-8 ngày lễ mừng thánh Đaminh, đấng sáng lập dòng Giảng Thuyết, dòng Đaminh. Dòng Đaminh cũng đóng góp nhiều công sức trong công trình xây dựng GHVN.

Năm 1676 (61 năm sau 1615) theo lời mời của Đức cha Pallu, giáo phận Đàng Ngoài, hai cha dòng đặt chân lên Phố Hiến, Hưng Yên. Năm 1679 (3 năm sau 1676) Toà Thánh chia giáo phận Đàng Ngoài làm hai : Tây Đàng Ngoài và Đông Đàng Ngoài. Năm 1698 (19 năm sau 1679 chia địa phận) Đông Đàng Ngoài giao cho dòng Đaminh phụ trách. Giáo phận Đông Đàng Ngoài gồm 5 giáo phận ngày nay là Hải Phòng (1679), Bùi Chu (1848), Bắc Ninh (1883), Thái Bình (1936), Lạng Sơn (1939).

Từ năm 1679 đến nay dòng Đaminh đã cống hiến cho GHVN 36 giám mục, hàng ngàn linh mục, tu sĩ nam nữ và dòng Ba Đaminh. Giám mục mới nhất là Phaolô Nguyễn Thái Hợp, giáo phận Vinh, thụ phong ngày 23-7-2010. Trong số 118 thánh tử đạo, dòng Đaminh có 6 giám mục, 23 linh mục, 5 thầy giảng, và 6 dòng ba.

Dòng Đaminh do thánh Đaminh sáng lập năm 1216. Thánh Đaminh sinh tại Tây Ban Nha ngày 24-6-1170. Khi mang thai ngài, mẹ ngài, bà Gioanna, mơ mình mang thai một con chó, con chó ngậm đuốc chạy khắp nơi. Ngài quả thật là con chó của Chúa đem Tin Mừng gieo vãi  mọi nơi mọi chốn.

Lên 7 tuổi thánh Đaminh được gửi đến cậu ngài, một linh mục, dạy dỗ. Nhờ đó, ngài hấp thụ được một nền đạo đức thánh thiện. Tâm hồn đạo đức đến nỗi khi 14 tuổi đang theo học thì xảy ra một nạn đói  khủng khiếp, ngài sẵn sàng bán sách vở để cứu các nạn nhân. Bạn bè thắc mắc, ngài nói : “Làm sao tôi có thể cầm sách mà học, khi mà đồng bào phải chết đói.”. Năm 1199, 29 tuổi, ngài chịu chức linh mục. Người ta hỏi ngài lấy sách nào mà soạn những bài giảng hấp dẫn như vậy, ngài đáp : “Cuốn sách hay nhất mà tôi sử dụng là cuốn sách lòng yêu thương.

Năm 1204, lúc 34t, vua Tây Ban Nha nhờ Đức cha Osma sang nước Đan Mạch. Đức cha đem thánh Đaminh đi theo. Trên đường đi, cha con đi qua miền Toulouse, nước Pháp, nơi lạc giáo An-bi-gioa hoành hành dữ dội. Dừng chân nghỉ đêm, thánh Đaminh tranh luận suốt đêm với ông chủ nhà trọ theo lạc giáo. Ngài đã đưa ông trở về với Chúa. Từ đó, ngài nhận ra hồng ân giảng thuyết.

Sau khi hoàn thành công việc vua Tây Ban Nha nhờ, thánh Đaminh được Đức giáo hoàng sai sang Pháp truyền giáo. Ngài tự nhủ : “Hãy trang bị cho mình một đời sống cầu nguyện hơn là gươm giáo, hãy mặc cho mình đức khiêm nhường hơn là ăn mặc đẹp đẽ.

Lạc giáo dậy dỗ phụ nữ để gíao dục con cái gia đình trung thành với lạc giáo, ngài noi gương để ý đến việc giáo huấn  phụ nữ và tập hợp họ lại thành cộng đoàn. Ngài xác nhận việc rao giảng là vũ khí rất lợi hại.

Năm 1216, lúc 46 tuổi, ngài lập dòng Đaminh. Ngài xin các thày học Kinh Thánh đến nơi đến chốn để biết rao giảng, nhất là dạy các tu sĩ “chỉ nói về Chúa và nói với Chúa”. Sau một năm lập dòng, ngài đã có 16 tu sĩ. Lễ Mẹ Lên Trời năm 1217, ngài sai họ đi rao giảng khắp nơi. Ngài nói : “Phải gieo hạt giống, chứ đừng tích trữ.” Tuy được trang bị bằng những phương tiện thiêng liêng, nhưng cũng khó làm cho người lạc giáo trở về. Khi Đức Mẹ ban Chuỗi Mân Côi làm vũ khí, lạc giáo An-bi-gioa  ồ ạt  trở về. Sáu năm sau lập dòng, ngày 6-8-1222, thánh Đaminh qua đời, mới 52 tuổi.

Giáo Hội thời thánh Đaminh bị lạc giáo An-bi-gioa tác hại. Thật ra con cái Chúa thời nào cũng bị phá hoại. Song cậy dựa vào Chúa, sự dữ sẽ qua đi.

Bđ1 : Thời người Do Thái bị làm nô lệ cho người Ai Cập, Chúa đã giải cứu họ bằng “đêm vượt qua”. Sách Khôn Ngoan bđ1 viết : “Dân Chúa trông đợi đêm ấy, như đêm cứu thoát người chính trực và tiêu diệt kẻ địch thù” (Kn 18,7).

Bđ2 : Thư Do Thái bđ2 đã kể 3 thử thách lớn lao mà tổ phụ Apraham phải chịu : 1- bỏ quê hương xứ sở đến một nơi đất khách quê người, 2- son sẻ không con mà Chúa bảo con cái đông như cát biển, như sao trời, 3- được mụn con, Chúa bảo đem đi giết làm của lễ cho Chúa. Trước ba thử thách đó, ông Apraham vẫn vững tin, vì ông “nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền năng cho người chết trỗi dậy” (Dt 11,19).

Bài TM : Trong bài TM, Chúa Giêsu an ủi các môn đệ : “ Hỡi đoàn chiên bé nhỏ, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em” (Lc 12,32).

Khi viết lại lời Chúa này, cộng đoàn thánh Luca đang bị đế quốc Rôma bắt bớ, không chỉ vài năm, mà cả hằng 300 năm. Nhưng Chúa đã cứu, biến bạo Chúa Constantin (Công-tan-ti-nô)  thành người cứu đạo. Đạo Công giáo trở thành quốc giáo ở Tây Phương.

Tính đến năm 2010 dân số VN là 86 triệu người. Người Công giáo chỉ có hơn 8 triệu, lại gặp nhiều khó khăn, làm sao không bé nhỏ ? Nhưng Chúa bảo : “Hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến” (Lc 12,40).

Đáp ca thánh lễ hôm nay : “Hạnh phúc thay dân nào Chúa chọn làm gia nghiệp”. Thật là an ủi biết bao cho chúng ta được làm con cái Chúa, được thử thách đau khổ !

—————————–

CN.19.C

12-8-2007

Chúng ta đang sống trong năm kỷ niệm 90 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima năm 1917. Ngày mai, ngày 13-8, là ngày Đức Mẹ hiện ra lần IV.

Từ ngày 13-7, ngày hiện ra lần III, chị Luxia bị mẹ đánh nhiều hơn, vì người ta kéo đến nhà để đòi được gặp chị. Chị phải trốn vào phòng. Người ta giẫm nát vườn rau và làm cho gia đình chị không thể khâu vá, dệt áo kiếm tiền sinh sống. Mẹ chị vẫn còn nghĩ chị bịa đặt, chứ làm gì có chuyện Đức Mẹ hiện ra. Gia đình của hai em Phanxicô và Giaxinta thì tin, song đôi lúc bà mẹ cũng không tin.

Ngày 11-8, ông quận trưởng, tên là Santos, rất ghét đạo Công giáo. Ông cho đòi hai ông bố và ba em đến cơ quan trình diện. Cha con Luxia khi đi tạt qua nhà hai em Phanxico va Giaxinta. Ông bố hai em nói : « Tuổi đó thì đi đến làm gì. Tôi sẽ đi và sẽ trả lời thay cho chúng. » Luxia chạy vào phòng Giaxinta. Giaxinta nói : « Nếu người ta giết chị, chị hãy nói với họ rằng Phanxicô và em ở với chị, và tụi em cũng muốn chết nữa. »

Từ làng Fatima tới quận xa hơn 10 cây số. Luxia được ngồi trên lưng lừa, còn hai ông bố đi bộ theo. Con đường ngoằn ngoèo, lên lên xuống xuống. Luxia đã té ba lần. Ông quận trưởng bắt Luxia kể lại câu chuyện Đức Mẹ hiện ra, nhưng chị nhất định không kể. Ông quận hỏi ba Luxia : « Ở Fatima các người tin vào những chuyện nhảm nhí đó sao ? » Ông đáp : « Không tin đâu, toàn là những chuyện vớ vẩn của đàn bà ! » Trái lại, ông bố của hai em Phanxicô và Giaxinta thì trả lời là tin những gì hai con ông kể. Ông quận nhạo báng rồi cho về.

Sáng ngày 13-8 ông quận tới Fatima. Ông chứng kiến tận mắt người ta lũ lượt kéo đến cây sồi. Đông tới 20 ngàn người. Ông tới nhà hai em Phanxicô và Giaxinta. Bà mẹ nghe nói có quan tới thì sợ hãi, mặt tái xanh. Còn ông bố thì đang làm việc ở đồng được gọi về. Ông quận đề nghị đến nhà cha sở. Sau khi đến nhà cha sở, ông bảo ba em lên xe ông chở tới cây sồi. Ông đánh lừa và chở ba em về cơ quan và nhốt tù. Giaxinta khóc : « Nếu họ giết chúng ta, chúng ta sẽ được lên thiên đàng. » Giaxinta đau khổ vì nghĩ mình sẽ chết, không còn được nhìn thấy mẹ mình nữa. Luxia bảo Giaxinta hãy dâng đau khổ đó làm một việc hy sinh. Giaxinta tháo ảnh đeo ở cổ treo lên một chiếc đinh đóng trên tường. Ba em quì gối cầu nguyện. Một tên lính gác hét to doạ nạt rằng có một thùng dầu sôi đang chờ nướng ba em, nếu ba em không thuật lại chuyện Đức Mẹ hiện ra. Ba em được đưa tới văn phòng ông quận trưởng. Mỗi khi ông hỏi, các em đều im lặng không nói, vì có nói họ cũng không tin. Ông kéo Giaxinta ra khỏi phòng, Phanxicô cầm chuỗi đọc một kinh cầu cho em mình. Ông quận hỏi Phanxicô làm gì đó, em đáp : « Tôi đọc kinh Kính Mừng cho Giaxinta khỏi sợ. » Lính vào nói : « Giaxinta đã chết ! », rồi lôi Phanxicô đi. Chỉ còn một mình Luxia. Ông quận doạ nạt. Luxia sợ hãi, nhưng vẫn im lặng không nói. Ông đành chịu thua. Sáng ngày 15-8  lễ Mẹ Lên Trời, ông cho chở ba em về lại Fatima.

Mặc dầu không có mặt ba em, nhưng trưa ngày 13-8, Đức Mẹ vẫn hiện ra. Chị của Luxia đem mấy cây nến đặt trên cây sồi chỗ Mẹ hiện ra, để đốt kính Mẹ. Đang cầu nguyện thì nghe tiếng sét đánh, mọi người sợ hãi khóc lóc nghĩ mình sẽ bị sét đánh chết. Sau tiếng sét là một làn mây trắng và đẹp đậu trên cây sồi. Đậu vài phút làn mây bay lên trời. Mặt mọi người sáng rực mầu hồng, mầu đỏ, mầu xanh, như mầu của cầu vồng. Cây sồi như không có cành có lá, bao phủ toàn là hoa, mỗi lá là một bông hoa. Mỗi nơi trên mặt đất phản chiếu mầu sắc khác nhau.

Không được chứng kiến cuộc hiện ra của Đức Mẹ vào ngày 13-8, bù lại ba em được Đức Mẹ hiện ra vào ngày 19-8. Hai em Luxia Phanxicô và thêm Gioan, anh của của Phanxicô, đang chăn chiên ở Valinbos, cách Fatima hơn một dặm. Hai em thấy hiện tượng lạ. Hai em bảo Gioan chạy về gọi Giaxinta. Đức Mẹ hiện ra. Ba em trông thấy, còn Gioan thì không. Đức Mẹ bảo ba em ngày 13-9 đến cây sồi. Đức Mẹ còn bảo : « Hãy cầu nguyện, cầu nguyện thật nhiều và làm nhiều việc hy sinh cho nhiều người đang sa hoả ngục, vì không có ai hy sinh và cầu nguyện cho họ. »

Biến cố Đức Mẹ Fatima có người tin, có người không tin. Cả ba em cũng gặp nhiều đau khổ.

Ba bài đọc hôm nay đề cao lòng tin.

Bđ1 sách Khôn Ngoan đề cao lòng tin vào Đêm Vượt Qua vĩ đại, đêm người Do Thái được Thiên Chúa cứu thoát khỏi kiếp nô lệ Ai Cập.

Bđ2 thư Do Thái ca ngợi lòng tin của ông Ápraham trước ba cuộc thử thách : một là rời bỏ quê hương đến một nơi mình không biết, hai là già mà không có con, ba là dâng đứa con duy nhất cho Thiên Chúa.

Bài TM thánh Luca nhắc nhủ đến lòng tin vào Nước Trời mà Chúa sẽ ban thưởng cho các tôi tớ Chúa : thứ nhất là dùng của cải trần gian để mua lấy kho báu trên trời, thứ hai là sẵn sàng tỉnh thức đợi chủ đi ăn cưới về, thứ ba là biết chăm sóc các gia nhân chủ giao.

Xin Chúa tăng thêm lòng tin cho chúng ta.

Linh mục Nguyễn Trung Thành