Chúa Nhật XIX Thường Niên – Năm A
CN.19.A
(1V 19,9;11-13; Rm 9,1-5; Mt 14,22-33)
Thời Trịnh Sâm (1767-1782) cấm đạo, Đức cha Bertrand Reydellet (Béc-trăng Rê-đen-lê), tên Việt Nam là Bê, đã tường trình về tình hình Giáo phận Tây, tức là Giáo phận Hà Nội như sau :
“Chúng tôi không còn nhà chung, không còn chủng viện, không còn trụ sở, nhà cửa, nhà thờ, tất cả đều bị cướp phá. Nhiều linh mục bản quốc lo ẩn trốn. Giám mục, linh mục, thầy giảng bị truy lùng. Có phần thưởng cho những ai bắt được các vị này… Phần đông chúng tôi không biết phải ẩn náu ở đâu nữa, những người mang tin tức đều mất tích, có kẻ bị bắt, kẻ khác bị chôn sống và nay mối đang đục khoét thi hài họ. Nghèo đói chồng chất lên nghèo đói, khốn khổ chồng chất lên khốn khổ. Các nữ tu Mến Thánh Giá phải vác những thánh giá, mà họ không còn sức để vác nữa. Những nữ tu trẻ tuổi hơn được trả về gia đình, những nữ tu già cả phải phân tán, ở nhờ trong những nhà giáo dân. Giáo dân khắp nơi là những nạn nhân của người ngoại đạo và các quan : 42 người đã bị bắt dẫn lên kinh đô, một số bị án khổ sai chung thân. Họ mất hết của cải, bị tống tiền và bị những tấm sắt nung đỏ áp vào má bốn chữ ‘Học Hoa Lang Đạo’, một số còn bị giam giữ ở kinh đô…. Chính quyền cứ đòi người tín hữu làm tờ khai bỏ đạo, phải xây cất chùa chiền, phải đắp tượng thần phật… Chúng tôi chưa hề thấy một cuộc bắt hại nào độc dữ đến như vậy. Độc tài, bất công, bất nhân và bóc lột đang thắng thế và bao trùm khắp nơi. Công lý bị đè bẹp, sự thiện không còn thấy đâu nữa. Xin Thiên Chúa dùng quyền năng của Người tái lập trật tự, công bình, bình đẳng và đạo thánh của Người” (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, Tập I, trang 381).
BTM : Giáo Hội Chúa ở Giáo phận Hà Nội xưa khác nào con thuyền của các tông đồ trong BTM thánh lễ hôm nay. Thánh Mát-thêu mô tả : “Chiếc thuyền thì đã ra xa bờ cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió” (Mt 14,24). Thuyền là biểu tượng Giáo hội. Giáo hội bị bắt hại, bị gian nan khốn khó.
Bđ2: Chẳng những Giáo hội đau khổ, mà cá nhân từng người cũng đau khổ. Đọc bđ2, thư Rôma hôm nay, chúng ta cảm được phần nào nỗi khổ đau của thánh Phaolô. Ngài viết : “Có Đức Kitô chứng giám, tôi xin nói thật, tôi không nói dối…lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không nguôi” (Rm 9,1-2). Thánh Phaolô đã rất đỗi ưu phiền và đau khổ không nguôi, vì người Do Thái, cùng dòng máu với ngài, cùng là dân Chúa chọn, thế mà họ không tin vào Chúa Kitô, không tin vào Tin Mừng ngài loan báo, lại còn bắt bớ ngài.
Bđ1 : Giáo hội đau khổ, con cái Giáo hội đau khổ. Đâu phải Chúa không biết, đâu phải Chúa không cứu vớt ?
Thuyền của các tông đồ bị sóng gió hãm hại, Chúa đã đến cứu. Chúa bảo các tông đồ : “Cứ yên tâm, Thầy đây, đừng sợ” (Mt 14,27). Chúa đến cứu, các ông tưởng là ma. Ông Phêrô được Chúa cho đi trên mặt nước, ông bị chìm, vì ông “kém lòng tin” (Mt 14,31)
Trong bđ1, ngôn sứ I-sai-a bị hòang hậu I-de-ven bắt giết, ngôn sứ phải chạy trốn lên núi Khô-rếp. Dọc đường bị đói khát, Chúa sai thiên thần mang bánh, mang nước đến.
Ngôn sứ đến núi Khô-rếp, Chúa đến an ủi. Nhưng ngôn sứ đã không nhận ra Chúa, vì Chúa không ở những nơi ồn ào náo động : không ở nơi gió to bão lớn, không ở nơi núi động đá vỡ, không ở nơi lửa cháy nghi ngút, mà ở trong làn gió hiu hiu, nghĩa là Chúa ở nơi yên lặng, ở nơi thầm thĩ cầu xin.
Vì chứa chấp các linh mục trong nhà, thánh nữ Anê Lê Thị Thành bị bắt vào ngày lễ Chúa Phục sinh 14-4-1841. Bà bị giải về Nam Định. Bà bị tù, bị đánh đòn, bị bắt bước qua Thánh giá, nhưng bà sấp mình xuống đất cầu nguyện lớn tiếng : “Lạy Chúa, xin thương giúp con, con không bao giờ muốn chối bỏ lòng tin Chúa, nhưng vì con là đàn bà yếu đuối, nên họ dùng sức mạnh để cưỡng bách con đạp lên Thánh giá”.
Cô Luxia Nụ đến thăm mẹ trong tù. Thấy áo mẹ loang lổ máu, cô khóc. Bà nói : “Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy. Mẹ vui lòng chịu đau khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc ?” (Bùi Đức Sinh, Thiên Hồng Sử, trang 213-216).
Gia đình chúng ta gặp những khó khăn, những đau khổ. Hãy chạy đến Chúa. Lần chuỗi cầu xin Đức Mẹ. Chúa không bỏ chúng ta. Đức Mẹ luôn giơ tay lau những giọt nước mắt của chúng ta (10-8-2014).
————————————–
CN.19.A
Bài TM thánh lễ hôm nay nói đến con thuyền của các tông đồ bị sóng đánh. Thuyền ám chỉ đến Giáo Hội. Con thuyền bị sóng đánh tức là Giáo Hội bị bắt bớ, bị hãm hại.
Đọc lại những trang sử của Giáo Hội, quả thật Giáo Hội bị bắt hại dữ dằn. Ngay từ trứng nước Giáo Hội đã bị bắt bớ. Sau ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, người Do Thái đã bắt giam hai thánh Phêrô và Gioan, vì hai ngài rao giảng về Chúa Giêsu chết sống lại (Cv 4,1-3). Đến năm 34, họ ném đá thầy sáu Têphanô (Cv 7,57). Con cái Chúa sợ hãi chạy đến Antikhôkia của nước Syri ẩn trốn thì thánh Phaolô đến bắt (Cv 9,1-2). Con cái Chúa vượt biển trốn sang Rôma thì bị các vua Rôma bắt bớ.
Đặc biệt vào năm 64 thời vua Nêrô. Nhà văn Ba Lan Si-en-ki-ê-vich đã viết một tập truyện nhan đề “Quo Vadis” để tả lại cảnh bắt bớ chém giết thời vua Nêrô. “Quo Vadis” là lời thánh Phêrô hỏi Chúa Giêsu. Không chịu được cảnh bắt bớ, thánh Phêrô bỏ bổn đạo mà trốn khỏi thành Rôma. Vừa trốn tới cổng thành thì Chúa vác thánh giá hiện ra. Thánh Phêrô hỏi Chúa : “Quo Vadis”, “Chúa đi đâu đấy”. Chúa đáp : “Ta vào thành Rôma để vác thánh giá lần nữa”. Nghe Chúa nói, thánh Phêrô không dám trốn nữa, trở lại thành Rôma để chịu bắt, chịu chết.
Tập truyện “Quo Vadis” được ông Nguyễn Hữu Dũng dịch sang tiếng Việt. Nhà Xuất Bản Văn Học xuất bản năm 1985. Trong nhập đề, ông Dũng đã kể lại tính tàn bạo của vua Nêrô như sau : “Nêrô, bạo chúa, 30 tuổi, dẫu đã mang nặng trong thâm tâm những bóng ma đẫm máu của mẹ, của vợ, của bao nhiêu người khác bị y giết”, (y đã cho đốt thành Rôma). Y “hèn nhát không dám chịu trách nhiệm bởi sợ cuộc nổi dậy của quần chúng đang sục sôi căm giận, hắn bèn tìm cách trút tội cho các tín đồ Thiên Chúa giáo. Hắn tháo cũi sổ lồng cho sự tàn bạo của quần chúng đang đòi nợ máu, được thả sức lộng hành trong cuộc khủng bố với tiếng thét ‘ném bọn Thiên Chúa giáo cho sư tử’, với cảnh tàn sát hàng loạt người bằng nanh vuốt của dã thú, bằng cách đóng đinh trên thánh giá, bằng cách thiêu sống…” (trang 10-11). Giáo Hội Rôma bị bắt bớ suốt cả 300 năm.
Giáo Hội Việt Nam ngay từ những năm tháng sơ khai cũng bị bắt bớ chết chóc. Không kể từ năm 1533, hạt giống Tin Mừng được gieo trên mảnh đất Ninh Cường, Bùi Chu, chỉ cần kể từ năm 1615 các cha dòng Tên đặt chân lên đất Hội An, thì 29 năm sau, ngày 26-7-1644, thày Anrê Phú Yên bị chém đầu ở Vĩnh Điện.
BTM : Ngày nay Giáo Hội vẫn bị bắt hại ở khắp nơi. Con thuyền Giáo Hội vẫn “bị sóng đánh vì ngược gió”. Thánh Mt đã kể lại trong BTM hôm nay như sau : “Sau khi dân chúng được ăn no nê, Đức Giêsu liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước… Người lên núi riêng một mình cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió” (14,22-24).
Cha Bùi Đức Sinh viết trong tập sách “Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo” như sau : “Đế quốc Rôma không ngờ đạo Công giáo là một cuộc cách mạng âm thầm, đang lớn lên để đi đến một xã hội công bình và bác ái… Thật vậy, đây là một cuộc cách mạng tinh thần trong đời sống, tuy âm thầm, nhưng khi lớn lên, ảnh hưởng của nó không thể không đe dọa những tổ chức sa đọa của một xã hội đang xuống dốc… Trong một xã hội bảo thủ và thối nát, lối sống của người Kitô hữu bị coi là lập dị và không thể tha thứ được” (trang 69).
Trong bàn Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã tiên báo cho các tông đồ biết là các ông “đi ngược sóng”, nên sẽ “bị sóng đánh”, sống ngược với đời thì bị đời ghét. Chúa nói : “Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian, nên thế gian ghét anh em” (Ga 16,19).
Bđ2 : Chẳng những bị kẻ thù đánh, mà bị cả đồng đạo, bị bè bạn đánh. Thánh Phaolô rất ưu phiền và đau khổ vì bị người Do Thái chống báng. Ngài viết trong bđ2 : “Giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Đức Kitô, thì tôi cũng cam lòng. Họ là người được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng vụ và các lời hứa; họ là con cháu các tổ phụ…’ (Rm 9,3-5).
Bđ1 : Vì “đi ngược sóng”, con thuyền Giáo Hội “bị sóng đánh”, nhưng có Chúa cứu. Thánh Mt kể : “Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển đến với các tông đồ” (14,25).
Bđ1 kể chuyện ngôn sứ Elia bị bà I-de-ven đuổi giết. Sau cuộc thách đố trên núi Carmen : Thiên Chúa hay thần Baan của bà Ideven, ai là thần thật. Qua phép lạ lửa từ trời xuống đốt cháy con bò dâng làm của lể, thần Baan của bà là thần giả, Thiên Chúa mới là thần thật. Bà Ideven mất mặt, căm tức, cho người giết ngôn sứ. Ngôn sứ Elia phải chạy trốn từ núi Cácmen tới núi Khôrếp. Đường xa 40 ngày đường. Mới đi một ngày, ngôn sứ đã mệt nhòai, đói khát. Thiên Chúa sai thiên sứ đem bánh và nước cho ngôn sứ. Ngôn sứ lấy lại sức đi tiếp tới núi Khôrếp. Và Chúa hiện ra an ủi ngôn sứ.
Trong lời nhập đề cuốn “Quo Vadis”, ông Nguyễn Hữu Dũng đã ghi lại cảnh kết thúc cuộc đời của thánh Phêrô và vua Nêrô như sau : “Trong một chớp mắt hai con người ấy nhìn nhau…Đó là giây phút đọ nhãn quang của hai vị chúa tể trái đất, một kẻ ngay sau đó sẽ biến đi như một giấc mơ đẫm máu; còn người kia, chính cụ già khoác mảnh áo thô kệch, sẽ chiếm lĩnh đến muôn đời cả thế gian lẫn thành đô này” (trang 9).
Đúng như lời Chúa Giêsu nói với thánh Phêrô : “Phêrô, anh là tảng đá, trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18) (7-8-2011)
——————————————.
CN.19.A
Lời Chúa của chúa nhật hôm nay đưa chúng ta vào thực tế của cuộc đời. Đời là đấu tranh, là đau khổ. Đức Phật nói đời là bể khổ. Cái khổ do tội lỗi mình gây ra còn dễ hiểu. Cái khổ bởi việc lành, việc tốt mình làm thì thật là khó hiểu. Nhiều khi đau khổ quá, chúng ta mất niềm tin và tự hỏi : Có Chúa hay không ? Có Chúa sao Chúa để con khổ thế này ?
Bài đọc 1 : Bđ1 diễn tả nỗi khổ của ngôn sứ Êlia, một trong những ngôn sứ lớn của CƯ. Sau cái chết của vua Salômôn năm 922 trước CN (Công Nguyên), những chi tộc miền Bắc ly khai khỏi Giuđa miền Nam, lập ra một nước Israel độc lập. Vua Akháp, vua thứ bảy của nước Israel, lấy bà I-de-ven, ngọai giáo, con gái của vua nước Tia. Vua để bà lập đền thờ thờ thần Baal, với 450 thầy tư tế. Thấy cả nước bỏ Chúa, ngôn sứ Êlia xin vua Akháp lên núi Các-men tế lễ, để thách đố. Của lễ nào được lửa từ trời xuống thiêu đốt thì thần đó là thật.
Của lễ các tư tế thần Baal không được lửa từ trời xuống thiêu đốt. Còn của lễ của ngôn sứ Êlia thì được lửa từ trời xuống thiêu đốt. Thấy Chúa là thần thật, dân chúng ra tay giết chết các tư tế thần Baal. Bà Ideven, vợ vua, nổi giận, ra lệnh giết ngôn sứ Êlia. Ngôn sứ phải chạy trốn tới núi Khô-rếp, núi mà Chúa đã hiện ra với ông Môsê, núi thánh,
Chúa hiện ra an ủi. Bão to gió lớn cũng không thấy Chúa. Đất động cũng không thấy Chúa. Lửa xuất hiện cũng không thấy Chúa. Trái với ý nghĩ của Ngôn sứ Êlia, Chúa chỉ xuất hiện trong tiếng gió hiu hiu. Nghĩa là vẫn có Chúa, nhưng Chúa xuất hiện âm thầm trong tiếng gió hiu hiu, mà người ta không nhận ra Chúa.
Bài Tin Mừng : Bđ1 nói đến nỗi khổ của một ngôn sứ Êlia, còn bài TM nói đến nỗi khổ của cả một Giáo hội. Sách TM của thánh Matthêu là sách TM nói về Giáo hội. Nên trong câu chuyện Chúa Giêsu đi trên mặt nước, có hai sự khác biệt với các sách TM khác.
Một là câu chuyện trao đổi giữa Chúa Giêsu và thánh Phêrô, vị giáo hoàng tiên khởi của Giáo hội. Thánh Phêrô xin Chúa cho mình cũng được đi trên mặt nước như Chúa.
Hai là thay vì lòng trí đần độn không hiểu của các tông đồ ở nơi các sách khác, thì nơi sách Mt các ông quì xuống thờ lạy Chúa, giống như khi Chúa lên trời các ông quì gối thờ lạy.
Như vậy, đối với thánh Mt, câu chuyện Chúa đi trên mặt nước muốn nói rằng con thuyền Giáo hội khi bị sóng to gió lớn, khi bị khốn khó thử thách, Chúa vẫn ở bên, nhưng vì Chúa đã sống lại, thân xác Chúa đã trở nên linh thiêng, người ta không còn trông thấy Chúa bằng mắt thịt nữa, người ta chỉ có thể nhận ra Chúa bằng con mắt đức tin mà thôi.
Bài đọc 2 : Bđ2 một đọan thư Rôma của thánh Phaolô đã có con mắt đức tin. Người Do thái là dân tộc Thiên Chúa chọn, lại không nhận ra Chúa Giêsu, Con của Thiên Chúa. Chẳng những không nhận ra, mà còn ra tay hành hạ những người tin nhận, như thánh Phaolô. Trong thư Rôma thánh Phaolô không nói rõ những nỗi gian lao khốn khó; nhưng trong thư Corintô, ngài đã nói rõ : “Năm lần bị người Do thái đánh 40 roi bớt một, ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tầu, một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi…Gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngọai, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngòai biển khơi, nguy hiểm do những kẻ gỉa danh là anh em. Tôi còn vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng” (2Cr 11,24-27).
Thánh Phaolô đã nhìn biển đời, đã nhìn nỗi khổ bằng con mắt đức tin. Vì thế, như trong đọan thư Rôma đọc trong thánh lễ hôm nay, trước những gian nan khốn khổ, thánh Phaolô không than van; trái lại ngài còn cất lời ca ngợi : “Lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không ngơi…Tôi có bị nguyền rủa thì tôi cũng cam…Người là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự. Chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời”.
Ước chi Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay, và nhất là Mình Máu Thánh Chúa an ủi và nâng đỡ chúng ta, khi chúng ta gặp gian nan khốn khó, khi chúng ta gặp khốn khó khổ đau. Chúng ta không chỉ nhìn thấy Chúa trong vui sướng hạnh phúc, mà còn nhìn thấy Chúa cả trong nỗi khổ, cả trong chính vết thương của cuộc đời chúng ta (7-8-2005).
——————————————-
CN.19.A
Sách Các Vua hôm nay thuật lại câu chuyện ngôn sứ Êlia đang ở núi Carmel thì bà hoàng hậu I-de-ven, vợ vua Akhaz, sai sứ giả tới dọa giết. Ngôn sứ Elia phải chạy trốn. Đường từ núi Carmel tới núi Khôrép, tức núi Sinai nơi Thiên Chúa ban 10 giới răn, quá xa. Ông Elia mỏi mệt và đói. Chúa sai thiên thần đem bánh và nước cho ông. Ông ăn uống no nê đủ sức đi tới núi Khorép, mất 40 ngày 40 đêm. Tới núi ông ẩn vào hang sâu. Ông nghe có tiếng Chúa phán bảo. Ông ra ngồi, đứng trên núi . Ông thấy gió bão nổi lên, núi xẻ đá vỡ mà chẳng thấy mặt Chúa. Rồi động đất cũng chẳng thấy Chúa. Rồi lửa cũng chẳng thấy Chúa. Cuối cùng gió hiu hiu thổi, dịu dàng nhẹ nhàng thì ông lại thấy Chúa. Ông sợ quá lấy áo che mặt.
Cũng như ông Phêrô trong BTM : cứ tưởng khi cho ông đi trên mặt biển thì mới có Chúa; còn khi ông bắt đầu chìm thì không có Chúa. Ông sợ, ông la cầu cứu : “Thày ơi, xin cứu con”. Chúa Giêsu phải lên tiếng trách ông : “Người đâu mà kém tin thế. Sao lại hòai nghi”.
Trái lại thánh Phaolô trong bđ2 luôn xác tín Chúa có mặt trong mọi biến cố to nhỏ, quan trọng và tầm thường, vui vẻ và đau khổ của cuộc đời ông và thế giới. Ngài nói với giáo hữu Rôma : “Lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không ngơi…Giả như vì anh em đồng bào của tôi mà tôi có bị nguyền rủa thì tôi cũng cam lòng…Chúc tụng Chúa đến muôn đời muôn thuở”.
Có lẽ chúng ta cũng như ngôn sứ Êlia, như thánh Phêrô, nghĩ rằng : Chúa chỉ có mặt trong cuộc đời chúng ta khi chúng ta làm việc lớn, khi chúng ta vui sướng; chứ Chúa đâu có khi chúng ta làm những việc tầm thường, khi chúng ta đau khổ.
Bà thánh Têrêsa Avila trên đường đến Burgos để lập một nhà kín. Đang lội qua sông bà trượt té, nước cuốn bà đi. Bà thưa với Chúa : “Sao Chúa đặt nhiều khó khăn trên đường con đi như vậy ?” Chúa hiện ra bảo bà : “Đó là cách Ta thích xử với bạn Ta”. Bà hóm hỉnh thưa Chúa : “Chính vì thế mà Chúa ít bạn”
Nhưng có nỗi khổ nào bằng nỗi khổ tội lỗi. Khi phạm tội, chúng ta thấy lương tâm cắn rứt khổ đau biêt chừng nào. Biết mình bán Chúa, tội nặng hết sức, nên ông Giuđa đã thắt cổ tự tử. Nhưng Chúa đâu bỏ các tội nhân. Chúa còn yêu họ hơn nữa : Chúa bỏ 99 con chiên , để đi tìm 1 con chiên lạc.
Chúa nhật tuần sau lễ Mẹ Lên Trời. Một số em sẽ xưng tội rươc lễ lần đầu. Qua việc xưng tội các em sẽ cảm thấy Chúa xót thương dường nào. Lòng nhân từ của Chúa nói sao cho thấu.
Được rước Chúa, Chúa trở nên lương thực, của ăn của uống cho chúng ta sống. Hỏi có ai yêu thuơng chúng ta bằng Chúa? (12-8-1990)
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành