Chúa Nhật XIX TN – Năm C
Chúa Nhật XIX TN – Năm C
11-9-2019
——————-
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ An Thượng
GIÁO HUẤN SỐ 37
Đồng hành phân định và hội nhập những hoàn cảnh chông chênh
Các nghị phụ Thượng Hội Đồng đã khẳng định cho dầu Hội Thánh nói rằng mọi cắt đứt ràng buộc hôn phối đều “chống lại ý muốn của Thiên Chúa, nhưng cũng ý thức nhiều con cái mình đang sống trong hoàn cảnh chông chênh”. Được soi sáng bởi cái nhìn của Đức Kitô, Hội Thánh thương yêu ghé mắt nhìn những anh chị em đang tham dự vào đời sống của Hội Thánh một cách không trọn vẹn, trong khi nhìn nhận rằng ân sủng của Chúa cũng hoạt động trong cuôc đời của họ bằng cách ban cho họ sức mạnh để làm điều thiện, để chăm sóc cho nhau bằng tình yêu thương và phục vụ cộng doàn nơi họ sinh sống và làm việc”. Đàng khác, thái độ này được thúc đẩy thêm trong bối cảnh của Năm Thánh dành riêng cho lòng rhương xót. Mặc dù Hội Thánh luôn đề xướng sự hoàn thiện và mời gọi đáp lại Thiên Chúa cách trọn vẹn hơn. “Hội Thánh cũng phải đồng hành bằng sự ân cần chăm sóc những đứa con yếu đuốí nhất của mình, vốn ghi dấu bởi tình yêu bị tổn thương và lạc lối, bằng cách khôi phục lại cho họ niềm tin và hy vọng, như ánh sáng của một ngọn hải đăng hoặc một ngọn đuốc được đặt giữa mọi người hầu soi sáng cho những người đã lầm đường lạc lối hoặc ở giữa bão tố cuộc đời”. Chúng ta đừng quên rằng thường công việc của Hội Thánh giống như công việc của một bệnh viện dã chiến ( Niềm Vui của Tình Yêu số 291).
——————————–
CN 19 TN NĂM C
(Kn 18,6-9; Dt 11,1-2.8-19; Lc 12,32-48)
Lời Chúa thánh lễ Chúa nhật vừa qua kêu gọi chúng ta “lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12,21), tức là tìm kiếm Nước Trời, tìm kiếm phân rỗi đời đời. Lời Chúa thánh lễ Chúa nhật hôm nay kêu gọi chúng ta: trong khi tìm kiếm hãy có lòng trung tín, lòng tỉnh thức : trung tín với đức tin (bđ1), trung tín với niềm hy vọng (bđ2) và trung tín với việc phục vụ (BTM).
Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông là mẫu gương của lòng tỉnh thức, lòng trung tín. Ngài sinh tại họ Gò Thị, giáo phận Qui Nhơn. Ngài là một gia trưởng đạo đức thánh thiện. Ngài đã có hai người con đi tu : một là linh mục Nguyễn Kim Thư, hai là nữ tu Anna Nguyễn thi Nhường, dòng Mến Thánh Giá. Ngài được Đức cha Cúenot Thể đặt làm Trùm Cả, phụ trách toàn thể vùng Bình Định. Nhà ngài là nơi trú ẩn an toàn cho Đức cha và các linh mục trong thời bắt đạo. Chính vì thế, đứa cháu của ngài, tên là Út, tính tình ngang tàng, ăn chơi phóng đãng, bị ngài la mắng sửa phạt, đã tố cáo ngài chứa chấp các đạo trưởng.
Thánh Anrê Kim Thông bị bắt và bị giam tại nhà tù Bình Định. Quan tỉnh là người quen biết ngài, khi ngài còn làm chủ tịch xã. Quan thỉnh thoảng đã cho ngài được về thăm nhà. Về nhà, ngài thường khuyên: “Tôi đã già, cũng chẳng ham sống lâu nữa. Tôi sẵn sàng bị tù đày và chịu chết vì danh Đức Kitô, nhất định tôi không vận động xin tha”.
Sau 3 tháng tù, ngài bị kết án lưu đày vào Vĩnh Long. Trên đường đi lưu đày, tới Phan Thiết, ngài được gặp cha Thư, con của ngài. Tới Chợ Quán, thấy sức khỏe của ngài đã suy yếu, cha Được xức dầu cho ngài. Tới Mỹ Tho thì ngài kiệt sức. Trước khi tắt thở, ngài đọc kinh ăn năn tội và kinh kính mừng. Thi hài của thánh Anrê Kim Thông được đưa về chôn cất tại Gò Thị, quê nhà.
Bài đọc 1 : Sách Khôn Ngoan trong bđ1 là cuốn sách Cựu Ước được viết sau cùng, vào giữa thế kỷ I, tại Alexandrie (A-léc-xan-ri, nước Ai Cập. Alexandrie là trung tâm văn hóa Hy Lạp nổi tiếng nhất bấy giờ. Alexandrie cũng là thành phố quan trọng nhất của người Do Thái di cư. Lo lắng người Do Thái bị văn minh Hy Lạp cám dỗ, tác giả sách Khôn Ngoan xác quyết rằng: khôn ngoan xuất phát từ Thiên Chúa trổi vượt hơn khôn ngoan của mọi dân tộc.
Tác giả nhắc lại thời người Do Thái làm nô lệ ở Ai Cập và được cứu thoát trong Đêm Vượt Qua. Đêm đó không những là đêm giải thoát, mà còn là đêm khai sinh ra dân tộc Do Thái. Cha ông họ đã trung tín chờ đợi đêm này, như lời họ cầu nguyện: “Lạy Chúa, đêm vượt qua đã được báo trước cho cha ông chúng con; để khi biết chắc lời hứa mình tin là lời hứa nào, các ngài thêm can đảm” (Kn 18,6).
Hôm nay, như cha ông xưa, người Do Thái cũng đang sống trong đất nước Ai Cập, với biết bao thử thách cám dỗ, nhưng phải noi theo gương tiền nhân, mà trung tín, mà tỉnh thức với Thiên Chúa; “Con lành cháu thánh của những người lương thiện âm thầm dâng lễ tế trong nhà. Họ đồng tâm nhất trí về luật sau đây của Thiên Chúa là trong dân thánh, có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia, và ngay từ bây giờ, họ đã xướng lên những bài ca do cha ông truyền lại” (Kn 18,9).
Bài đọc 2 : Trong 4 Chúa nhật liên tiếp, từ Chúa nhật 19 hôm nay đến Chúa nhật 22, bđ2 thánh lễ đọc thư Do Thái. Trước đây người ta nghĩ thánh Phaolô viết thư này; nhưng không phải, chắc chắn là một môn đệ của thánh Phaolô. Thư viết vào khoảng năm 65. Thư viết cho những người Do Thái theo Chúa Kitô đang bị bách hại. Có người sợ hãi toan bỏ đạo, có người tiếc nhớ đạo cũ Do Thái. Tác giả đã viết để an ủi, nâng đỡ đức tin của họ. Tác giả viết : “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy. Nhờ đức tin ấy. các tiền nhân đã được Thiên Chúa chứng giám” (Dt 11,1-2).
Câu này được các nhà thần học dùng để định nghĩa đức tin là gì ? Tất cả đức tin hướng về tương lai, nghĩa là về những thực tại tuy không trông thấy, song bảo đảm là có thật. Tác giả đã đưa ra nhiều mẫu gương đức tin, chẳng hạn đức tin ông Áp-ra-ham : “Nhờ đức tin, ông Ápraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp. Ông đã ra đi mà mà không biết mình đi đâu” (11,8).
Bài Tin Mừng : Sách Khôn Ngoan bđ1 nói về lòng trung tín trong đức tin, thư Do Thái bđ2 nói về lòng trung tín trong tương lai, và bài TM nói về lòng trung tín trong phục vụ. Chúa Giêsu muốn chúng ta tỉnh thức, trung tín trong việc phục vụ, phục vụ Chúa và phục vụ đồng loại. Lúc nào cũng phục vụ : “Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay” (12,36). Đặc biệt là những người lãnh đạo trong Hội Thánh, tức là những “quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở” (12,42). Nếu trung tín trong phục vụ thì “chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (12,37).
Trong bài TM hôm nay, thánh Luca đã vẽ Chúa Giêsu bằng những hình ảnh thật đặc biệt. Trước hết là hình ảnh chủ chiên: “Hỡi đoàn chiên bé nhỏ, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em” (12,32). Hình ảnh thứ hai là người hầu bàn : “Đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (12,37). Và hình ảnh thứ ba là ông chủ công bình, nhân ái: “Đầy tớ nào đã biết ý chủ, mà không làm theo ý chủ thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ…thì bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn” (12,47-48). Tất cả ba hình ảnh đó đều nhắm một mục đích: là Chúa sẽ thưởng công cho những người trung tín.
“Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ” (12,37).Thánh Luca đã nhắc lại 3 lần : “Thật là phúc cho họ”.
Trong “Lời Chúa Cho Mỗi Chúa Nhật:, Cha Noel Quesson đã viết : “Thêm một mối phúc thật nữa: ‘Phúc cho những ai tỉnh thức. Thật phúc cho họ” (trang 343).
Thật phúc cho thánh Anrê Nguyễn Kim Thông, ông trùm xứ Gò Thị !
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành