Chúa Nhật XV Thường Niên Năm A


CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN A, 16/7/2023

( Is 55, 10-11;  Rm 8, 18-23; Mt 13, 1-9)

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Tam Tòa

GIÁO HUẤN SỐ 34

HAI KẺ THÙ TINH VI CỦA SỰ THÁNH THIỆN

Ngộ Đạo Thuyết Hiện Đại (tt)

Một sự lẫn lộn nguy hiểm. Chúng ta có thể nghĩ rằng bởi vì mình biết một điều gì đó, hay mình có thể giải thích nó bằng một số lời lẽ, thì do vậy mà chúng ta đã là các vị thánh rồi, hoàn hảo và tốt hơn ‘những đ1m đông dốt nát’ kia. Thánh Gioan Phaolô II cảnh báo về cái cám dỗ đối với những người ở trong Giáo Hội vốn được học cao hiểu rộng, để ‘cảm thấy cách nào đó rằng mình ở đẳng cấp cao’ hơn các tín hữu khác. Thực ra những gì chúng ta nghĩ rằng mình biết nên luôn thúc đẩy chúng ta đáp trả trọn vẹn hơn d8ối với tình yêu của Thiên Chúa. Quả vậy, bạn học là để sống : thần học và sự thánh thiện không thể tách rời nhau (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 45).

LỜI CHÚA

Bài Ðọc I: Is 55, 10-11

“Chúng làm cho đất phì nhiêu”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðây Chúa phán: “Như mưa tuyết từ trời rơi xuống và không trở lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất, làm cho đất phì nhiêu, cây cối sinh mầm, cho người gieo có hạt giống, cho người ta có cơm bánh ăn, cũng thế, lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của Ta, và làm tròn sứ mạng Ta uỷ thác”. Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 64, 10abcd. 10e-11. 12-13. 14

Ðáp: Hạt giống rơi vào đất tốt, và sinh hoa kết quả 

Xướng: Chúa đã viếng thăm ruộng đất và tưới giội: Ngài làm cho đất trở nên phong phú bội phần. Sông ngòi của Thiên Chúa tràn trề nước, Ngài đã chuẩn bị cho thiên hạ có lúa mì.

Xướng: Vì Ngài đã chuẩn bị như thế này cho ruộng đất: Ngài đã tưới giội nước vào những luống cày, và Ngài san bằng mô cao của ruộng đất. Ngài làm cho đất mềm bởi thấm nước mưa; Ngài chúc phúc cho mầm cây trong đất.

Xướng: Chúa đã ban cho một năm hồng ân, và lốt xe ngự giá của Ngài khơi nguồn phong phú. Ðống đất hoang vu có nước chảy đầm đìa, và các đồi núi vận xiêm-y hoan hỉ.

Xướng: Ðồng ruộng đông chật những đàn chiên dê, và các thung lũng được che lợp bằng ngũ cốc; muôn loài đều hát xướng và hoan ca.

Bài Ðọc II: Rm 8, 18-23

“Các tạo vật ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên Chúa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tôi nghĩ rằng những đau khổ ở đời này không thể sánh với vinh quang sắp tới sẽ được mạc khải cho chúng ta. Vì chưng các tạo vật ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên Chúa. Các tạo vật đã phải tùng phục cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn như vậy, nhưng vì Ðấng đã bắt nó phải tùng phục với hy vọng là các tạo vật sẽ được giải thoát khỏi vòng nô lệ sự hư nát, để được thông phần vào sự tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa. Vì chúng ta biết rằng cho đến bây giờ, mọi tạo vật đều rên siết và đau đớn như người đàn bà trong lúc sinh con. Nhưng không phải chỉ có các tạo vật, mà cả chúng ta là những kẻ hưởng ơn đầu mùa của Thánh Thần, chúng ta cũng rên siết trong khi ngóng chờ phúc làm nghĩa tử và ơn cứu độ thân xác chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 17, 17b và a

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật”. – Alleluia.

Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! Hạt giống là lời Thiên Chúa, người gieo giống là Đức Ki-tô. Ai tuân giữ lời Người, sẽ muôn đời tồn tại. Alleluia.)

Phúc Âm: Mt 13, 1-9 {hoặc 1-23}

“Kìa, có người gieo giống đi gieo lúa”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Ngày ấy, Chúa Giêsu ra khỏi nhà và đi đến ngồi ở ven bờ biển. Dân chúng tụ tập quanh Người đông đảo đến nỗi Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Và Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói:

“Này đây, có người gieo giống đi gieo lúa. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim trời bay đến ăn mất. Có hạt rơi xuống trên đá sỏi, chỗ có ít đất, nó liền mọc lên, vì không có nhiều đất. Khi mặt trời mọc lên, bị nắng gắt, và vì không đâm rễ sâu, nên liền khô héo. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc um tùm, nên nó chết nghẹt. Có hạt rơi xuống đất tốt và sinh hoa kết quả, có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi. Ai có tai thì hãy nghe”.

[Các môn đệ đến gần thưa Người rằng: “Tại sao Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ?” Người đáp lại: “Về phần các con, đã cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không cho biết. Vì ai đã có, thì ban thêm cho họ được dư dật; còn kẻ không có, thì cái họ có cũng bị lấy đi. Bởi thế, Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ: vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe và không hiểu chi hết. Thế mới ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói về họ rằng: “Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì. Vì lòng dân này đã ra chai đá, họ đã bịt tai nhắm mắt lại, kẻo mắt thấy được, tai nghe được, và lòng chúng hiểu được mà hối cải, và Ta lại chữa chúng cho lành”. Phần các con, phúc cho mắt các con vì được thấy; và phúc cho tai các con vì được nghe. Quả thật, Thầy bảo các con: Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không được thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe.

“Vậy, các con hãy nghe dụ ngôn về người gieo giống: Kẻ nào nghe lời giảng về Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp lấy điều đã gieo trong lòng nó: đó là kẻ thuộc hạng gieo dọc đường. Hạt rơi trên đá sỏi là kẻ khi nghe lời giảng, thì tức khắc vui lòng chấp nhận, nhưng không đâm rễ sâu trong lòng nó, đó là kẻ nông nổi nhất thời, nên khi cuộc bách hại, gian nan xảy đến vì lời Chúa, thì lập tức nó vấp ngã. Hạt rơi vào bụi gai, là kẻ nghe lời giảng, nhưng lòng lo lắng việc đời, ham mê của cải, khiến lời giảng bị chết nghẹt mà không sinh hoa kết quả được. Hạt gieo trên đất tốt, là kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi”. Đó là Lời Chúa.

 

SUY NIỆM I

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Đức cha Lambert de La Motte thăm Đàng Trong

Vì Việt Nam cấm đạo, Đức cha Lambert de la Motte phải tạm trú ở Thái Lan. Đức cha đã đến Thái Lan năm 1662. Mãi năm 1671, sau 9 năm ở Thái Lan, Đức cha mới vào thăm Đàng Trong. Đi theo Đức cha, có hai cha người Pháp Mahot (Ma-hô) và Vachet (Va-xê), cùng hai cha Việt Nam là Giuse Trang và Luca Bền.

Đức cha đi thuyền, do 4 người Việt ở Thái Lan, chèo theo dòng sông Mêkông tới Phú Yên. Đức cha vào Nha Trang, tới xứ Lâm Tuyền, Chợ Mới ngày nay. Khoảng 800 giáo dân chào đón Đức cha. Đức cha làm phép Thêm sức cho 200 người. Quan Nha Trang tuy không có đạo, nhưng có cảm tình với đạo. Để tránh dư luận, quan đến thăm Đức cha vào ban đêm.

Đức cha tới Nha Ru, Ninh Hòa ngày nay. Quan Ninh Hòa là người có đạo, nhưng có nhiều vợ. Quan mời Đức cha đến nhà ông dâng lễ. Vì ông có nhiều vợ, Đức cha không đên dâng lễ. Ông mời Đức cha dùng cơm, Đức cha chỉ ăn một trái cam. Vì giận Đức cha, ông đã tẩm thuốc độc vào  trái cam. Đức cha tới Nước Mặn, Qui Nhơn, thì bị sốt, bị kiệt sức như muốn chết, phải chịu phép xức dầu. Một tháng sau Đức cha khỏe lại.

Đức cha đi Quãng Ngãi. Đức cha đến trú tại nhà bà Luxia. Bà đạo đức và rộng rãi. Trong 5 tuần lễ giáo dân các xứ đạo An Chỉ, Chợ Mới… đến nhà bà chào Đức cha. Tại An Chỉ, Đức cha đã lập dòng Mến Thánh Giá với 8 chị em. Chị bề trên là em gái của cha Giuse Trang.

Từ Quảng Ngãi Đức cha ra Hội An. Tại đây Đức cha họp hội nghị. Dự hội nghị có 6 linh mục người Pháp, 2 linh mục người Việt và nhiều Thầy giảng.

Sau hội nghị, Đức cha trở vào Qui Nhơn và đi thuyền về Thái Lan. Đức cha đem theo 12 chủng sinh sang Thái Lan học tập.

xxx

BTM (Mt 13,1-21) : Cuộc hành trình viếng thăm của Đức cha với giáo đoàn Đàng Trong giống như dụ ngôn “Người Gieo Giống” trong BTM thánh lễ hôm nay.

Hạt giống gieo xuống rơi trên 4 lọai đất : 1/ đất ở lề đường,

                                                                   2/ đất nơi sỏi đá,

                                                                   3/ đất nơi bụi gai,

                                                                   4/ đất nơi đất tốt.

Chúa Giêsu đã giải nghĩa cho các tông đồ về 4 loại đất này :

– đất trên lề đường : là “kẻ nghe Lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỉ dữ đến cướp đi” (Mt 13,18-19)

– đất nơi sỏi đá : là “kẻ nghe Lời liền vui vẻ đón nhận, nhưng nó không đâm rễ sâu : khi gặp gian nan hay bị ngược đãi, thì vấp ngã” (Mt 13,20-21)

– đất nơi bụi gai : là “kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời và bả vinh hoa phú quí bóp nghẹt” (Mt 13,22).

– đất nơi đất  tốt :  là “kẻ nghe lời và hiểu” (Mt 13,23).

Hạt giống rơi trên đất lề đường, trên sỏi đá, trên bụi gai là quan Ninh Hòa giận Đức cha không dư tiệc, vì ông có nhiều vợ.

Hạt giống trên đất tốt : là giáo dân xứ Lâm Tuyền, Nha Trang, đông đảo chào đón Đức cha. Hạt giống trên đât tốt là quan Nha Trang không có đạo ban đêm đến gặp Đức cha. Hạt giống trên đất tốt là bà Luxia ở Quảng Ngãi đón Đức cha đến trú ngụ. Hạt giống trên đất tốt là 8 chị em An Chỉ dâng mình cho Chúa thành nữ tu Mến Thánh Giá.

Bđ1(Is 55,10-11) : bđ1 là lời ngôn sứ I-sai-a nói với dân Do Thái vừa từ Babylon, nơi lưu đày, trở về. Họ gặp biết bao khó khăn, bao khốn khó. Dù vậy, phải tin tưởng vào Thiên Chúa. Thiên Chúa nói là Thiên Chúa làm. Thiên Chúa hứa là Thiên Chúa thực hiện. Lời Thiên Chúa nói, lời Thiên Chúa hứa giống như mưa, giống như tuyết rơi xuống đất, thì “phải thấm xuống đất, phải làm cho đất phì nhiêu, đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn” (Is 55,10).

Thiên Chúa còn quả quyết : “Lời Ta một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Is 55,11).

Bđ2 (Rm 8,18-23) : Bđ2 thư  gửi các tín hữu Rôma, thánh Phaolô đã so sánh những đau khổ ở đời này sánh nổi với phần thưởng Nước Trời : “Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta” (Rm 8,18).

Cuộc hành trình của Đức cha Lambert de la Motte biết bao khó khăn : khó khăn vì biển khơi, khó khăn vì đường xá, khó khăn vì kẻ xấu… ; nhưng cuộc hành trình  đã thành công, vì Đức cha tin tưởng vào công việc rao giảng Tin Mừng mà Chúa đã trao phó cho Đức cha.

Gia đình chúng ta cũng vậy. Biết bao là khó khăn, buồn tủi. Nhưng tin vào lòng Chúa thương, mọi khó khăn buồn tủi sẽ vượt qua, sẽ biến thành niềm vui, hạnh phúc

Cầu nguyện

Lạy Chúa, Chúa cho kẻ lầm lạc

thấy ánh sáng chân lý của Chúa

để họ trở về nẻo chính đường ngay,

xin ban cho những người xưng mình là Kitô hữu

biết tránh mọi điều bất xứng

và theo đuổi những gì thích hợp

với danh nghĩa của mình.

Chúng con cầu xin

 

SUY NIỆM II

SỐNG LỜI CHÚA ĐỂ TÂM HỒN LUÔN LÀ MẢNH ĐẤT TỐT

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

 Chúa Giêsu giải thích rất rõ ràng “Dụ ngôn người gieo giống” rằng Thiên Chúa là người gieo giống. Con người và tâm trí của chúng ta là đất. Hạt giống là Lời Chúa. Vậy, còn lại là vấn đề của chúng ta là làm sao tâm trí, con người chúng trở nên đất tốt để Hạt giống Lời Chúa sinh hoa kết quả tốt đẹp cho đời và làm rạng danh Thiên Chúa?

Có người nói đã là ruộng rồi thì làm gì có đá sỏi, vệ đường, bụi gai như dụ ngôn Chúa Giêsu kể hôm nay. Nhà chú giải Thánh Kinh nổi tiếng, William Barclay giải thích rằng: Đất sỏi đá, không phải là đất đầy những đá; nhưng là đất bình thường ở Palestine, một lớp đất mỏng trên mặt nhưng có tảng đá nằm ở dưới. Lớp đất có lẽ chỉ sâu chừng 4 hay 5 cm trước khi tới phần đá vôi. Đất có gai, khi người gieo hạt giống xuống, mặt đất có vẻ được dọn sạch sẽ; nhưng ở trong đất vẫn còn những gốc rễ của cỏ dại, cây hoang, và gai góc sẵn sàng mọc trở lại. Mỗi người làm vườn đều biết rằng các loại cỏ dại mọc lên với một tốc độ nhanh chóng mà ít có hạt giống tốt nào có thể theo kịp. Hậu quả là hạt giống và cỏ dại mọc lên chung với nhau; nhưng cỏ dại mạnh mẽ hơn làm chết ngộp sự phát triển của hạt giống. Đất tốt là đất mềm; hạt giống có thể đâm rễ sâu xuống tìm được dinh dưỡng, lớn lên nhanh chóng; và đem lại một mùa gặt bôi thu.

Tâm hồn mỗi người chúng ta cũng giống như thửa ruộng ở Palestine thời Chúa Giêsu, gồm đủ mọi loại đất cho nên Lời Chúa trong các bài đọc hôm nay nói đến tính hiệu năng của Lời Chúa, tức Lời Chúa có sự sống rồi còn nó lớn lên và phát sinh hoa trái cứu độ: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà và tiết độ (Gl 5, 22- 23) là do mảnh đất tâm hồn, lòng trí chúng ta đó thôi.

Trong bài đọc 1, Đức Chúa phán qua miệng Ngôn Sứ Isaia rằng “cũng như nước mưa thấm xuống đất, làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, hơn thế, lời từ miệng ta phán ra thấm vào lòng người sẽ không trở về với Ta cách hư luống nhưng thực hiện ý muốn của Ta” (Is 55,10-11). Qủa thế, đất mà không có nước thì đất có màu mỡ mấy chăng nữa nó không thể phát sinh sự sống, trái lại, nếu có nước đổ xuống đất thì tất yếu phát sinh sự sống cho muôn loài. Cho nên, mấy ngàn năm nay trên Sao Hỏa, Mặt Trăng… vẫn chưa có sự sống. Nước nguồn phát sinh sự sống muôn loài muôn vật, còn Lời Chúa thấm vào lòng người còn phát sinh sự sống mạnh hơn nhiều: nhờ Lời Chúa mà vạn vật được tạo thành từ hư không (St 1,1-31), nhờ Lời Chúa mà mọi bệnh hoạn tật nguyền được chữa lành (Mt 4,23), tha tội (Lc 7,48), khử trừ quỷ (Mt 8,16), người chết được sống lại (Ga 11, 43-44) và được sống đời đời (Ga 11,25-26). Cho nên, Chúa Giêsu nói: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Vì thế, trong Hiến Chế tín lý về mạc khải của Thiên Chúa Dei Verbum số 21, Công Ðồng Chung Vaticanô II dạy rằng Lời Chúa có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo Hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội.

Qủa thế, “Lời Chúa là lời sáng tạo” (St 1,3-26); “sống động và linh nghiệm” (Dt 4,12) “Lời hằng sống” (Ga 6,68); “Lời mang lại ơn cứu độ cho muôn dân”. Vì thế, chúng ta phải đem Lời Chúa nhập vào mảnh đất tâm trí, lời nói, hành động của chúng ta trong cuộc sống hằng ngày, nghĩa là chúng ta phảiăn” Lời, hấp thụ lấy Lời hằng ngày qua việc đọc, suy niệm và thi hành Lời Chúa. Vì chưng, Chúa thực hiện Lời của Ngài nơi mọi hoạt động, công việc của chúng ta qua việc sống Lời Ngài. Ngược lại, nếu chúng ta đọc Lời Chúa và không thi hành thì chẳng khác gì đọc bài báo. Điều đó chứng tỏ chúng ta không tin vào sức mạnh của Lời Chúa, như thế đức tin của chúng ta đã chết rồi. Vì vậy Thánh Giacôbê khuyên: “Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình. Thật vậy, ai lắng nghe Lời Chúa mà không thực hành, thì giống như người soi gương thấy khuôn mặt tự nhiên của mình. Người ấy soi gương rồi đi, và quên ngay không nhớ mặt mình thế nào. Ai thiết tha và trung thành tuân giữ luật trọn hảo -luật mang lại tự do-, ai thi hành luật Chúa, chứ không nghe qua rồi bỏ, thì sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm” (Gc 2,22-25).

Vâng, xin vâng và thi hành Lời Chúa ở bất cứ lúc nào và hoàn cảnh nào, bất cứ hạng người nào dù thánh hay tội nhân, dù hạnh phúc hay đau khổ thì nhờ sức mạnh của Lời Chúa, con người và cuộc sống của chúng ta phát sinh hoa thơm trái ngọt cho mình và cho đời. Cụ thể, Ông Phêrô đã vất vả thả lưới suốt đêm mà chẳng bắt được con cá nào mà chỉ khi Chúa Giêsu truyền lệnh và ông vâng Lời Chúa thì được mẻ cá đầy thuyền (Lc 5,1-11). Rõ ràng rằng vì tin và vâng Lời Chúa nên Phêrô bắt được cá, ngược lại chính sự tự cao, quên Chúa, quên Lời Ngài nên cả đêm chẳng bắt được con cá nào. Không phải nhờ vào khả năng của chính mình mà Phêrô bắt được cá, nhưng nhờ tin và thi hành Lời Chúa truyền. Thế rồi, cũng chính vì tin rằng Lời Chúa Giêsu uy lực nên chị phụ nữ tội lỗi cấp thành phố đã sẵn sàng làm tất cả để được thứ tha và đem lại nguồn bình an và hạnh phúc đích thực cho đời chị (Lc 7,37-47). Rồi, một người tội lỗi tầy trời như chàng thanh niên Augustinô đã tin vào Lời Chúa và thi hành Lời Chúa dạy, Chúa đã biến mảnh đất tâm hồn của Ngài đầy sỏi đá, bui gốc thành mảnh đất tâm hồn là đời sống thánh và thiện mà mọi người hôm nay gưỡng mộ.

Qua Lời Chúa hôm nay, suy đi xét lại, tâm hồn chúng ta thuộc loại đất nào? Đất sỏi đá, đất đầy gai góc hay đất phì nhiêu? Nhưng dù mảnh đất nào đi nữa chúng ta phải luôn canh tác, cải tạo cho nó, tức tâm hồn chúng ta luôn tỉnh thức trước những cơn cám dỗ, cầu nguyện kết hiệp liên lỉ với Chúa, ăn năn sám hối khi trót phạm tội với Chúa và tha nhân, lúc đó mảnh đất tâm hồn ta mới có thể đón nhận hạt giống Lời Chúa hầu hạt giống này làm cho cuộc sống chúng ta thánh thiện, hạnh phúc và bình an đồng thời phát sinh ơn cứu độ cho người khác. Muốn có được một mùa gặt bội thu, người nông dân phải dọn ruộng, dọn đất, phải chăm sóc cho hạt giống nảy mầm và lớn lên, phải ngăn ngừa và đẩy lùi mọi yếu tố, mọi tác nhân gây thiệt hại cho hạt giống và cây trồng. Mùa gặt thiêng liêng của chúng ta cũng phải làm như vậy. Nếu tâm hồn chúng ta có những sói đá là kiêu ngạo, nghe Lời Chúa mà không sống Lời Chúa, ích kỷ… thì chúng ta cần phải cày sâu cuốc bẩm bằng việc khiêm nhường, đọc và cầu nguyện với Lời Chúa để thấy những viên sỏi đá ấy, lượm và vất đi qua việc năng chịu các Bí Tích. Nếu tâm hồn chúng ta là bụi gai, gai của đam mê dục vọng tội lỗi, gai của gian dối, lọc lừa, gai của kỳ thị, khinh người, gai của các loại tội lỗi khác… thì chúng ta cần phải phát hoang, đào bậc gốc bụi ấy mà bỏ đi ra ngoài tâm trí, hành vi trong cuộc sống chúng ta bằng việc sống thi hành các giới răn của Chúa và Hội Thánh, nhất là Lời Chúa hằng ngày. Còn nếu tâm hồn chúng ta có những vệ đường của tội trong gia đình hay cộng đoàn của chúng ta đang sống như vệ đường của việc bất hiếu, không vâng lời bề trên, giận hờn ghen ghét, vợ chồng ngoại tình, con cái hoang đàng, cộng đoàn xào xáo nhau… Chúng ta cần phải dẹp bỏ những vệ đường này bằng việc Mến Chúa yêu người hết lòng, sức sức và hết linh hồn có như thế  hạt giống Lời Chúa phát sinh hiệu năng nơi tâm hồn, cách sống và hành xử của chúng ta giống như Chúa và các thánh trong gia đình và cộng đoàn xã hội, lúc ấy Lời Chúa khi được gieo vào mới có hy vọng sinh hạt 30, hạt 60 và hạt 100 như lòng Chúa mong ước.

Lạy Chúa, Lời Chúa là lời ban sự sống, xin giúp chúng con biết cúi xuống nhặt những hạt giống Tin Mừng bên vệ đường để đặt vào trong cuộc sống hằng ngày của mình, và biết quăng đi những sỏi đá, là những dịp tội gây cớ vấp phạm cho tha nhân, đồng thời luôn can đảm nhổ đi những gai góc là những đam mê bất chính, là nguyên do đưa đến sự tha hóa của chúng con. Xin cho con biết noi gương các thánh luôn biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày của chúng con để nhờ đó chúng con có thể làm sáng danh Chúa và mưu ích cho tha nhân. Amen.

 

SUY NIỆM III

CHO TÂM HỒN TÔI LÀ MẢNH ĐẤT TỐT ĐÓN LỜI CHÚA

   (Hội An 16/7/2023)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

   Ai nấy trong chúng ta đều có kinh nghiệm về sự lây lan dịch bệnh Covid-19. Số người nhiễm bệnh và bệnh lây lan lên cấp số nhân, khiến ai nấy khiếp sợ: sợ từng giờ, sợ mỗi sáng nghe tin tức về dịch bệnh, sợ khi nghe tiếng còi xe cứu thương, sợ khi nghe tin người quen này ra đi, người thân kia đã chết chóng vánh. Người ta sợ vì những bệnh nhân đó gần gũi với chúng ta và những điều làm chúng ta sợ hãi đang ở trước mặt chúng ta. Nhưng có những cái chết đáng sợ, chúng ta lại không chút sợ hãi, đó là cái chết về phần linh hồn. Chúa Giê-su đã nói: “Nếu các ngươi không tin Ta, các ngươi sẽ chết trong tội của các ngươi” (Ga 8,24). Tin nhận lời Chúa thì có sự sống đời đời, không đón nhận lời Chúa là chết. Cái chết này đáng sợ mà nhiều người không thấy, nhất là không thấy tốc độ lây lan của nó. Hình ảnh hạt giống bị chết hay mất đi trên đường đá sỏi, bên vệ đường và trong bụi gai gợi lên số đông người hôm nay không đón nhận lời hằng sống của Chúa, rơi vào cái chết phần hồn.

  1. Những tâm hồn làm chết nghẽn hạt giống lời Chúa

Không chỉ một vài người, mà có nhiều phong trào đang lôi cuốn con người thời đại rơi vào cơn cám dỗ gạt bỏ Thiên Chúa và thậm chí cười cợt khi nghe nói đến cuộc sống đời sau. Người ta nghĩ rằng văn minh kỹ thuật và mức sống phồn thịnh khẳng định tự tay mình, con người làm được mọi sự, khiến họ bất cần Thiên Chúa, chẳng cần tới đức tin và xem các lời dạy của Giáo Hội là cổ lỗ, không còn phù hợp với lối sống hiện đại nữa. Thiên Chúa bị khước từ chóng vánh, tựa hạt giống rơi trên đá sỏi không có đất mọc lên trong tâm hồn nhiều người. Thiên Chúa bị con người tự hào thành đạt gạt bỏ và quả quyết từ nay họ có thể tự cứu độ mình, tựa hạt giống rơi bên vệ đường, nay chim trời ăn mất, không hề nghĩ đến Thiên Chúa. Thiên Chúa không còn có chỗ trong tâm trí con người nữa, vì trí lòng họ đang bận rộn với những kế hoạch, chuyện nhà, chuyện riêng tư, chuyện cơm áo…, tựa hạt giống đang bị chết nghẹt vì các loại gai bận rộn.

 Tình cảnh của thế giới hôm nay đang làm nản lòng nhiều người. Gieo hạt giống trên bốn phần đất mà có đến ba phần đất vô tích sự, hạt giống lại bị mất! Nhiều người nản lòng tự hỏi, có nên học giáo lý để biết Chúa và lãnh các bí tích nữa không khi thấy nền văn hóa hôm nay đang chống lại đức tin? Không ít Ki-tô hữu hay các đoàn thể, hội dòng rã rời truyền giáo, vì không biết con người thời nay còn lắng nghe Tin Mừng nữa không? Ơn gọi Ki-tô hữu hay ơn gọi tu trì, vai trò của tôi trong cộng đoàn còn ích lợi gì để cảnh báo cho con người thời đại hôm nay đang chết dần về phần linh hồn và đang làm lan tỏa cái chết đó nhanh chóng? Chúng ta đang bị cám dỗ nản lòng, bị quyến rũ làm chết lời Chúa, đức tin và ơn gọi trong ta.

  1. Tâm hồn đón nhận hạt giống lời Chúa sinh nhiều hoa trái

            Chúng ta dễ nản lòng vì quá chú ý vào các mảnh đất làm cho hạt giống chết, đến nỗi không nhìn thấy hạt giống rơi xuống đất tốt. Hạt giống ấy đã sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu mươi, hạt được ba mươi. Bội thu! Bội thu vì nhờ sức sống trong hạt giống. Sinh hoa kết trái là nhờ sức sống từ lời Chúa. Vì thế, trong mọi mảnh đất dù gai góc hay cỏ dại, Thiên Chúa vẫn cứ gieo lời của Ngài, bởi luôn có chỗ cho hạt giống gieo xuống, mọc lên và đem lại hoa trái. Một hạt giống gieo vào đất tốt đã sinh hoa kết quả gấp trăm, nhiều mảnh đất tốt đón nhận hạt giống sẽ đem lại kết quả mỹ mãn; nhiều người vui thích đón nhận lời Chúa sẽ đem lại cho công cuộc truyền giáo vụ mùa thiêng liêng bội thu. Thiên Chúa hy vọng như thế nơi mỗi người nghe: “Như mưa tuyết từ trời sa xuống không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất…, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả” (Is 55,10-11).

            Chúa Giê-su giải thích lời Ngài là hạt giống. Hạt giống vẫn là hạt giống, có khác nhau là giữa các loại đất đón nhận hạt giống. Mặt trời chỉ có một, khi chiếu nắng trên sáp, sáp mềm ra, nhưng khi dọi trên bùn, bùn cứng lại. Cũng vậy, vẫn là lời Chúa, mỗi con người được đánh giá theo cách họ đón nhận lời Chúa. Người ưa thích ánh sáng thì hướng về ánh sáng của lời Chúa, người ưa chuộng bóng tối sẽ thấy lời Chúa chẳng khác gì đèn pha chiếu rọi vào khiến họ khó chịu, lánh mặt khỏi ánh đèn, thì những ai đón nhận lời Chúa sẽ đem lại vụ mùa bội thu cho Thiên Chúa.

            Hạt giống cần đất để gieo vào trước khi có bất cứ hy vọng nào về mùa bội thu. Đất ấy chính là tâm hồn mỗi chúng ta. Chúa Giê-su đã giải thích như thế. Mà sinh hoa trái là nhờ nghe, nghe là nghe công bố lời Chúa Ki-tô (Rm 10,7). Có ai muốn gieo hạt giống vào đá sỏi và gai góc đâu? Thiên Chúa không muốn tâm hồn chúng ta trơ đá hay làm chết nghẹt lời Chúa. Vậy làm sao để lời Chúa sinh hoa trái trong tâm hồn chúng ta và đem lại mùa bội thu cho Thiên Chúa, cho Giáo hội và cho mỗi cộng đoàn chúng ta?

            Trước hết cần xác định đâu là sự sống đích thực của chúng ta? Đừng tìm đến nơi không phải sự sống đích thực của chúng ta. Sự sống của chúng ta là lời Chúa và Thánh Thể Chúa. Thứ đến, giữ lấy lời Chúa không chỉ trong trí, mà còn trong lòng: “Lời Chúa lòng con ấp ủ, chẳng bao giờ bội nghĩa bất trung” (Tv 119,11). Tiếp theo, nuôi dưỡng đời sống mình bằng lời Chúa theo lối sống của Chúa Giê-su: “Người ta sống còn nhờ bằng lời Chúa phán ra.”

            Ước gì lời Chúa đâm rễ sâu trong lòng chúng ta và sinh hoa trái thánh thiện qua đời sống hối cải và sinh hoa trái đức tin qua đời sống gắn bó với lời Chúa và Thánh Thể.

            Xin cho tâm hồn con là mảnh đất tốt cho lời Chúa sinh hoa kết trái như lòng Chúa mong ước.