Chúa Nhật XV Thường Niên Năm B


Chúa Nhật, ngày 14/7/2024

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Tam Tòa

GIÁO HUẤN SỐ 32

TIÊU CHUẨN LỚN

Việc thờ phượng được Thiên Chúa ưa thích nhất (tt)

Chủ nghĩa khoái lạc và chủ nghĩa tiêu thụ có thể chứng minh sư suy thoái của chúng ta, vì chúng ta mải mê tìm lạc thú cho mình, chúng ta sẽ trở thành quá bận tâm về chính mình và về các quyền lợi của mình, và chúng ta cảm thấy quay quắt  cần thời gian để hưởng thụ. Chúng ta sẽ khó cảm nhận và thể hiện quan tâm thật sự  đối với những người túng quẫn, trừ khi chúng ta có thể sống một đời sống giản dị, chống lại những đòi hỏi sôi sục của một đời sống tiêu thụ, là những đòi hỏi làm cho chúng ta suy kiệt, không bao giờ thỏa mãn, và chỉ mê mải lo hưởng thụ tất cả.  Cũng vậy, khi chúng ta để cho mùnh bị lôi cuốn lấy trong những thông tin hời hợt, trong những phương tiện truyền thông tức thời và thế giới ảo, chúng ta có thể lãng phí thời giờ quí báu va trở thành và trở thànhh thờ ơ  trước xác thịt đau đớn  của anh chị em mình. Nhưng ngay cả ở giữa vòng xoáy  này, Tin Mừng vẫn tiếp tục âm vang, trao cho ta lời hứa về một  đời sống khác, một đời sống lành mạnh hơn và hạnh phúc hon ( Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 108).

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

(Am 7,12-15; Ep 1,3-14; Mc 6,7-13)

Bài Ðọc I: Am 7, 12-15

“Hãy đi nói tiên tri cho dân Ta”.

Trích sách Tiên tri Amos.

Trong những ngày ấy, Amasia (vị tư tế ở Bêthel) nói cùng Amos rằng: “Hỡi tiên tri, người hãy trốn sang đất Giuđa, sinh sống và nói tiên tri ở đó. Chớ tiếp tục nói tiên tri ở Bêthel, vì đó là thánh điện của vua và là đền thờ của vương quốc”. Amos trả lời cùng Amasia rằng: “Tôi không phải là tiên tri, cũng không phải là con của tiên tri, nhưng là đứa chăn bò (và chuyên) đi hái trái sung. Khi tôi đang đi theo đàn chiên, thì Chúa dẫn tôi đi và nói cùng tôi rằng: “Ngươi hãy đi nói tiên tri cho dân Israel của Ta”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 84, 9ab -10. 11-12. 13-14

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con (c. 8).

Xướng: Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi.

Xướng: Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Tự mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống.

Xướng: Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái, đức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Người. 

Bài Ðọc II: Ep 1, 3-10 {hoặc 3-14}

“Ngài đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng đã chúc lành cho chúng ta bằng mọi phúc lành thiêng liêng trên trời, trong Ðức Kitô. Như Ngài đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian, để chúng ta được nên thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Ngài trong tình yêu thương.

Chiếu theo thánh ý Ngài, Ngài đã tiền định cho ta được phúc làm con nhờ Ðức Giêsu Kitô, để chúng ta ca tụng vinh quang ân sủng của Ngài mà Ngài đã ban cho chúng ta được ơn cứu chuộc nhờ máu Người, được ơn tha tội theo sự phong phú của ân sủng Ngài. Ân sủng này, Ngài đã đổ tràn đầy trên chúng ta với tất cả sự khôn ngoan thượng trí, khiến chúng ta được biết mầu nhiệm ý định của Ngài, theo ý Ngài đã định về Người, để kiện toàn trong thời gian viên mãn, là thâu hồi vạn vật trên trời dưới đất trong Ðức Kitô.

{Cũng trong Người mà chúng tôi được kêu gọi làm thừa tự, được tiền định theo ý định của Ngài là Ðấng tác thành mọi sự theo thánh ý Ngài, để chúng tôi trở thành lời ca vinh quang của Ngài, chúng tôi là những kẻ trông cậy vào Ðức Kitô. Trong Người, cả anh em nữa, sau khi anh em đã nghe lời chân thật là Tin Mừng cứu rỗi anh em, anh em đã tin và được ghi dấu Thánh Thần, như đã hứa. Người là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, để chúng ta được ơn cứu chuộc, và được ca ngợi vinh quang Ngài.}

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 1, 14 và 12b

Alleluia, alleluia! – Ngôi Lời đã làm người và đã ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 6, 7-13

“Người bắt đầu sai các ông đi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. Và Người truyền các ông đi đường, đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: “Ðến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ”. Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM I

SAI ĐI ĐEM CHÚA ĐẾN CHO MỌI NGƯỜI

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Bài đọc 1, Ngôn sứ Amốt kể rằng vào thời của ngài trong dân Ít-ra-en có 2 loại tiên tri. Cụ thể Tiên tri A-ma-gia mệnh danh là một tiên tri nhưng ông thi hành sứ vụ tiên tri như một nghề kiếm ra tiền và thường nói những lời bênh vực nhà vua dù nhà vua có sai cũng nói cho đúng, không có tội nói ra không có tội để làm vui lòng nhà vua, nhà vua cho tiền.  Ngược lại, Tiên tri  A-mốt nói rằng làm tiên tri không phải là một nghề ông chọn nhưng là tiếng gọi của Chúa: “Tôi không phải là tiên tri. Tôi chỉ là người nuôi súc vật và chăm sóc cây sung. Chính Đức Chúa Trời đã bắt lấy tôi … và truyền cho tôi: ‘Hãy đi tuyên sấm cho Ít-ra-en dân ta’”. Cho nên, khi mà tiên tri đi rao giảng không phải là lời của loài người nhưng là Lời của Thiên Chúa.

Cho nên, một trong những ưu tư lớn trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, đó là tìm những người cộng tác với mình trong công cuộc truyền bá Phúc âm, bởi vì Ngài luôn ý thức rằng: Lúa chín thì nhiều, mà thợ gặt thì ít. Chính vì thế Ngài đã kêu gọi và chọn lựa các môn đệ. Ngài đã để cho các ông sống bên cạnh mình và trực tiếp huấn luyện các ông, bằng cách để cho các ông được nghe những lời Ngài giảng, xem những việc Ngài làm. Và cắt nghĩa cho các ông những điều các ông chưa hiểu. Rồi hôm nay, trong Tin Mừng chúng ta vừa nghe, chính Ngài đã sai các ông đi đem Tin Mừng của Chúa cũng là đem Chúa đến cho mọi người trong tin yêu, phó thác vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa.

Ra đi đem Chúa đến cho mọi người như các tông đồ: từ bỏ nghề nghiệp, từ bỏ quê hương, từ bỏ những người thân yêu và ra đi như thế có nghĩa là hy sinh từ bỏ. Đến lượt chúng ta là dân Thiên Chúa, chúng ta cũng phải ra đi đem Chúa đến cho mọi người vì chưng, một khi đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội và Bí tích Thêm sức, chúng ta cũng được Chúa kêu mời cộng tác với Ngài trong công cuộc truyền bá đức tin, để rồi chúng ta cũng là những môn đệ của Ngài. Và cách thức để chúng ta thể hiện ơn gọi và sứ mạng của mình đó chính là đời sống hy sinh và phục vụ. Vậy cuộc ra đi đem Chúa đến cho mọi người của anh chị em cũng đòi hy sinh từ bỏ.

          Nhưng từ bỏ những cái bên ngoài mà thôi thì vẫn chưa phải là ra đi đích thực. Ra đi đích thực chính là từ bỏ bản thân, từ bỏ tính ích kỷ kiêu ngạo và những ý riêng tư để tin tuyệt đối vào Ngài, nên một với Ngài trong tư tưởng, lời nói và việc làm để trước thánh nhan Thiên Chúa, mọi người  trở nên tinh tuyền thánh thiện; để chúng ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô. Và một khi chúng ta ở trong Chúa Giêsu, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người và nhờ tình thương của Người (Ep 1,4-6), đó là Lời Chúa xác quyết với chúng ta trong bài đọc 2 chúng ta vừa nghe.

Như vậy, để đem Chúa đến với mọi người và để họ cũng được tràn đầy ân sủng như chúng ta, trước hết, chúng ta hãy rao giảng Lời Chúa bằng lời cầu nguyện. Đây là cách rao giảng tốt nhất mà mọi người đều bắt chước Chúa Giêsu. Trước khi sai các ông đi Ngài gọi các ông đến ở lại với Ngài tức là cầu nguyện với Ngài. Thánh nữ Têrêxa hài đồng Giêsu với 24 tuổi đời trong bốn bức tường tu viện, đã được Giáo hội đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo, phải chăng là nhờ lời cầu nguyện của thánh nữ mà biết bao tâm hồn được ơn ăn năn sám hối trở lại cùng Chúa. Vì vậy, nhà thần học Karl Rahner xác quyết rằng: “Cầu nguyện chính là bí quyết của mọi phương pháp mục vụ, nó là phương thế độc nhất để tiếp cận các linh hồn”.

Tiếp đến đem Chúa đến với mọi người hiệu quả nhất chính là bằng đời sống đạo đức thánh thiện và yêu thương như Chúa. Có một nhà tu đức nói rằng: “Bạn muốn là một người Kitô hữu tốt trước hết bạn hãy là một con người tốt. Bạn muốn là một vị thánh, thì bạn phải là một người Kitô hữu thánh thiện”. Thân phận và hoàn cảnh của mỗi Kitô hữu khác nhau nhưng có chung một chức năng sống thánh và thiện. Thiện ở đây là yêu thương hết mọi người nơi môi trường mình sống. Chức năng này chính Thiên Chúa đã  phú bẩm ngay từ khi tạo dựng nên ta, “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” (St 1,31). Lời Chúa trong Sách Lêvi dạy việc thiện mà dân Ít-ra-en thời xưa chúng ta ngày nay phải có đó là thảo kính cha mẹ, kính trọng người lớn tuổi, vì sao? Thánh Kinh trả lời vì khi con người sống thánh thiện là tin và chấp nhận Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống của mọi loài hiện hữu trên cõi đời này cho nên cha mẹ là nguồn hiện hữu thứ 2 sau Thiên Chúa chúng ta. Còn sống thiện với mọi người khác không phải là máu mũ chúng ta thì sao? Sách Tiên tri Isaia dạy: “Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành. Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang ĐỨC CHÚA bao bọc phía sau ngươi” (Is 58,7-8). Vì thế, kinh Hội Thánh dạy chúng ta đọc và thi đức bác ái, tức là sống thiện trong cuộc sống đó là kinh thương người có 14 bốn mối: cho kẻ đói ăn, kẻ cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, chôn xác kẻ chết, lấy lời lành mà khuyên người, mở dậy kẻ mê muội, ên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết. Vâng chỉ khi nào sống thiện như thế, chúng ta thật sự là tông đồ mang Chúa đến cho mọi người chúng ta gặp gỡ để họ nhận biết Thiên Chúa thánh thiện rõ ràng nhất hầu mang lại nguồn hạnh phúc an vui cho họ.

Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin cho mỗi người chúng ta biết tích cực, hăng hái và nỗ lực sống thánh thiện giữa đời hầu làm danh Thiên Chúa được cả sáng, Nước Chúa lan rộng khắp nơi và mưu ích cho những người còn sống hay đã qua đời. Amen.

SUY NIỆM II

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Tám thiếu nữ

Ngưới ta đã khám phá ra 8 thiếu nữ thuộc các làng khác nhau. Họ là những người đã quyết định sống trọn đời độc thân. Đức cha Béryte (Lambert) nói rằng ngài mong ước tất cả các thiế nữ này cùng một lúc dến gặp ngài để nghe ngài giảng huấn về đời sống nội tâm. Các hị đã nhanh chóng vâng lời và vào ngày đã định các chị cùng với hai bà góa là bạn hữu cao niên, đến gặp ngài : các chị được tăng thêm sức mạnh bằng các bí tích Sám hối, Thánh Thể và Thêm sức. Chị lớn tuổi nhất được 24 hay 25 tuổi. Các chị bái lạy sát đất theo kiểu chào bản xứ và khóc lóc sướt mướt. Tiếp theo các chị tạ ơn Chúa rất nhân từ đã gửi đến một người  mà trước đây nhiều năm thấy hướng dẫn, sẽ kéo các chị ra khỏi lưới trần gian và sẽ duy nhất mà các chị tha thiết ao ước.

Sau khi cầu nguyện và khảo xét ơn gọi của các thiếu nữ, với sự cộng tác của bà góa phụ trách Luxia, Đức cha quyết định lập dòng Mến Thánh Giá tại nhà bà Luxia. Biến cố lịch sử này  đã diễn ra âm thầm vào những ngày trước lễ Giáng Sinh năm 1671 tại An Chỉ, Quảng Ngãi (Đào Quang Toản , Lịch Sử Giáo Phận Đàng Trong, trang 45).

Ba Chúa nhật 12,13,14 nói về những đau khổ : bão gió (tai nạn thiên nhiên), bệnh tật, và âm mưu đồng loại,  Chúa nhật 15 hôm nay nói về, phương pháp giải cứu, việc dấn thân tông đồ. Lời Chúa thánh lễ hôm nay nói những gương dấn thân phục vụ và lương thực để phục vụ.

Bài đọc 1 (Am 7,12-15) : Bđ1 nói về sự dấn thân phục vụ của ngôn sứ Amốt. Cha Kevin O’Sullivan viết : ‘Ngôn sứ Amos, quê ở Giu-đa. Ông chăn chiên và trồng cây sung. Ông được Chúa gọi đi rao giàng cho dân Ít-ra-en, vướng quốc miền Bắc vào năm 930, thời vua Giê-rô bô-am II  (783-743). Tư tế A-mát-gia  đuổi ông về Giu-đa, về miền Nam. Ông trả lời : ‘Tôi không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung. Chính Chúa đã bắt lấy tôi khi tôi đi sau đàn vật, và Đức Chúa đã truyền cho tôi : ‘Hãy đi tuyên sấm cho Ít-ra-en dân Ta’ (Am 7,14-15).

Bài Tin Mừng (Mc 6,7-13) : BTM thánh Mc kể việc Chúa chọn 12 tông đồ và sai đi ‘rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối” (Mc 6,12).

Cha Nguyễn Công Đoan viết : ‘Ta có thể thắc mắc sao Người không sai các ông đi trong lúc hứng khởi, khi Người được đón tiếp, được đám đông chen lấn chung quanh thán phục ? Tại sao lại chờ lãnh gáo nước lạnh của làng quê Na-da-rét rồi mới sai các ông đi ? Người huấn luyện các ông bằng thực tế. Phải để cho các ông đứng cả hai chân trong thực tế của sứ mạng rao giảng, như các ngôn sứ, rồi mới sai đi để biết ‘thắng không kiêu, bại không nản’. Ngôn sứ I-sai-a được sai đi … nói với đá (Is 6,1-10), ngôn sứ Giê-rê-mi-a được sai đi để nên ‘cột sắt thành đồng chống lại cả xứ’ (Gr 1,18-19). Ra đi là vì được sai đi, chứ không phải vì được đón tiếp, được hoan hô. được công kênh lên như sao bóng đá sau khi đoạt cúp.

Tại sao Người lại sai các ông đi từng hai người một ? Không có sách Tin Mừng nào giải thích tại sao. Ta chỉ có thể nhìn cách hành xử của Đức Giêsu  để nghiền gẫm mà tìm ra ý nghĩa. Chính Người khi bắt đầu rao giảng, đã gọi một lúc hai cặp anh em đi theo Người, rồi vào hội đường rao giảng. Đến khi bị đe dọa tính mạng thì Người lập 12 để các ông ở với Người. Bấy giờ sai họ đi rao giảng cũng sai đi từng hai người, chứ không sai đi từng người. Trên phương diện con người, chúng ta có thể nhận ra lợi ích như câu châm ngôn Việt Nam ‘chị ngã em nâng’. Có bạn đồng hành trên đường dài  là nhu cầu tự nhiên của phận người mỏng manh. Nhưng nhìn vào cách hành xử của Đức Giêsu thì có lẽ lý do sâu xa hơn là chiều kích cộng đồng của ơn cứu độ. Tội lỗi đã phá hủy tình huynh đệ (St 4,8-9) và làm cho loài người ly tán (St 11,1-9). Ơn cứu độ tái lập tình huynh đệ. Đấng cứu độ trần gian dạy các môn đệ sống tình anh em khi quây quần bên Người cũng như khi thi hành sứ mạng (Tĩnh Tâm Với Sách Tin Mừng Mác-cô, trang 98-99).

Bài đọc 2 (Ep 1,3-14) : Bd2 thánh Phao-lô khuyên giáo hữu Ê-phê-sô : ‘Trong Đức Ki-tô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc, cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần’ (Ep 1,13).

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

Chúa cho kẻ lầm lạc

thấy ánh sáng chân lý của Chúa

để họ được trở về nẻo chính đường ngay

xin ban cho những người xưng mình là Ki-tô hữu

biết tránh mọi điều bất xứng

và theo đuổi những gì thích hợp

với danh nghĩa của mình

Chúng con cầu xin

SUY NIỆM III

CHÚNG TA LÀ CỘNG ĐOÀN TRUYỀN GIÁO

(Hội An 14/7/2024)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

            Chúa Giê-su làm phép lạ hóa bánh nuôi sống đám đông, nhưng khi nhìn đám đông bơ vơ không có người chăn, Ngài chạnh lòng thương họ, bởi Chúa biết họ không chỉ sống nhờ cơm bánh, mà còn phải sống nhờ Tin Mừng Giê-su. Nhìn đám đông đang cần biết Tin Mừng, Chúa ví họ như mùa lúa chín. Rất cần thợ gặt cho mùa lúa đó, rất cần người loan báo Tin Mừng Giê-su cho họ. Đó là lý do “Chúa Giê-su gọi các tông đồ và sai đi từng hai người một” (Mc 6,7).

  1. Các Tông Đồ được sai đi từng hai người một

            “Tông đồ” là người được sai đi bởi thẩm quyền của một người cao trọng. Trong Giáo Hội của Chúa Giê-su, chính Chúa Giê-su sai các tông đồ ra đi với thẩm quyền của Ngài, như Ngài đã nói: “Ai nghe các con là nghe Thầy; và ai khước từ các con là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy” (Lc 10,16). Ơn gọi của các tông đồ là ơn gọi bắt nguồn từ Thiên Chúa và tiếp nối sứ mạng loan báo Tin Mừng của Chúa Giê-su: “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con” (Ga 20,21). Vì thế, các tông đồ không có thẩm quyền và quyền năng riêng. Thẩm quyền và quyền năng họ thi hành nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng do Chúa Giê-su ban. Thẩm quyền và quyền năng đó chỉ để các tông đồ phục vụ loan báo cho mọi người biết Thiên Chúa Cha và Đấng Ngài sai đến là Chúa Giê-su, chứ không nhằm tìm lợi ích cho mình.

            Được Chúa chọn gọi và sai đi, các tông đồ không phải là du khách giữa đám đông chưa biết Chúa. Họ ra đi không để tìm kiếm tiền bạc, mà chỉ vì đức tin vào Chúa Giê-su và lòng yêu mến các linh hồn. Thánh Phaolô khẳng định: “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16). Chỉ khi hiểu được nỗi chạnh lòng của Chúa trước đám đông đang cần biết Chúa, các tông đồ mới dấn thân cho công cuộc loan báo ơn cứu độ, vì ân sủng của Chúa luôn thúc bách người được chọn làm tông đồ, dù bị khước từ.

            Bị người đời chống đối và khước từ là phần không thể thiếu trong đời “người được sai đi.” Ngôn sứ Amos từ miền Giuđêa lên miền Israel kêu gọi mọi người trở về tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng sẽ cứu thoát họ, nhưng dân Israel mỉa mai: “Này thầy bói toán ơi, chạy về đất Giuđêa đi, về đó mà kiếm ăn, về đó mà loan báo!” Thánh Phaolô chia sẻ gian khổ đời tông đồ của ngài như sau: “Năm lần bị người Do Thái đánh 40 roi bớt một.. một lần bị ném đá, ba lần đắm tàu… gặp nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do đồng bào, do trộm cướp, do dân ngoại…, do những kẻ giả danh là anh em” (2Cr 11,24-27). Và thánh Phaolô chia sẻ kinh nghiệm đức tin: “Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang nhưng không tuyệt vọng; bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt” (2Cr 4,8-9). Nhờ đâu các tông đồ chịu đựng được mọi gian khổ để chu toàn bổn phận loan báo Tin Mừng? Thưa, vì các ngài nuôi dưỡng bản thân nhờ Chúa Giê-su và say mê Chúa Giê-su, các ngài muốn tham dự vào nỗi chạnh lòng của Chúa, nên các ngài có động lực đưa người khác đến với Chúa. Bổn phận đó khiến các ngài phải nói: “khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng.”

  1. Chúng ta được sai đi với cộng đoàn

            Hôm nay, Chúa Giê-su tiếp tục gọi và sai các tín hữu ra đi. Qua bí tích Rửa Tội, chúng ta được chọn gọi và được sai đi làm tông đồ của Chúa trong thời đại này, giữa cảnh sống của chúng ta. Đừng quên sứ mạng của chúng ta vẫn là sứ mạng của Chúa Giê-su, ơn sức chúng ta cần để thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng là ơn sức Chúa ban. Vì thế, như Đức Bênêđictô khẳng định, chúng ta trở thành Ki-tô hữu, trở thành tông đồ của Chúa không do chúng ta chọn một lý tưởng lớn lao hay do một quyết định đạo đức, mà do chúng ta đã gặp gỡ và say mê Chúa Giê-su. Việc truyền giáo của mỗi cá nhân và của một cộng đoàn tùy thuộc vào cuộc gặp gỡ Chúa Giê-su. Nói cách khác, trước khi ra đi loan báo Chúa Giê-su, tín hữu phải có mối liên hệ cá vị thân thiết với Chúa Giê-su, nhờ đó, truyền giáo chính là chia sẻ mối hiệp thông với Chúa Giê-su. Chúa Giê-su là niềm vui, là ơn sức, là nơi nương tựa và là Bạn đồng hành của những người được sai đi vào thế giới, đi giữa gia đình và bạn bè của mình. Phải chăng bạn không say mê truyền giáo vì bạn không yêu mến và say mê Chúa Giê-su?

            Chúa muốn chúng ta làm gì khi sai chúng ta ra đi? Ngài muốn chúng ta công bố Nước Thiên Chúa, giúp mọi người nhận biết Thiên Chúa và biết Con Một Ngài là Chúa Giê-su, để họ trở nên môn đệ Chúa trong danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, bởi Thiên Chúa không muốn một ai hư mất đi. Nhưng, “làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao họ nghe, nếu không có ai rao giảng?” Thánh Phaolô đã đặt câu hỏi như thế để mỗi chúng ta tự trả lời về bổn phận của chúng ta. Không phải Chúa đã chọn gọi và sai chúng ta đi rao giảng Tin Mừng cho họ đó sao?

            Tuy nhiên, chúng ta không được sai đi cách đơn độc, mà cùng với cộng đoàn, được “sai đi từng hai người một.” Chi tiết này không là chuyện tình cờ, mà nằm trong ý muốn của Chúa Giê-su: Ở đâu có hai, ba người họp nhau nhân danh Chúa, ở đó có Chúa ở giữa. Các tông đồ và các tín hữu được sai đi không chỉ rao giảng bằng lời, mà còn minh chứng bằng đời sống, trong đó, sự hiệp nhất là dấu chỉ họ là môn đệ của Chúa Giê-su sai đi. Điều này cũng chất vấn chúng ta về tình hiệp nhất và lòng yêu thương nhau trong cộng đoàn. Một cộng đoàn xung khắc, đố kỵ, tự mãn, bất cần nhau, liệu có truyền giáo được không?

            Chúa sai chúng ta đi loan báo Tin Mừng, nhưng rất cần mỗi chúng ta say mê Chúa Giê-su, yêu mến các linh hồn và hiệp nhất với cộng đoàn, bởi đó là điều kiện ắt có và đủ để chúng ta lao vào cuộc loan báo Chúa Giê-su trong môi trường của ta.

SUY NIỆM IV

SẴN SÀNG RA ĐI

Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật

Được gọi để ra đi

Bài Tin Mừng hôm nay là dịp để kiểm chứng niềm tin không phải là một nơi định cư, nhưng là một con đường, một cuộc khởi hành luôn mãi

Các bài đọc Chúa nhật XV thường trùng vào dịp hè với hình ảnh từng đoàn người ra đi, bị trên vai, dép nơi chân, để tìm lại tình trạng quân bình đã bị tan vỡ do cuộc sống nhộn nhịp nơi thành phố  Tuy nhiên, sứ vụ truyền giáo không chỉ là trở về với thiên nhiên, không phải chỉ là đổi không khí

Đến và đi

Ngay đầu bản văn, người ta đã đọc được: Đức Giêsu gọi các môn đệ lại và sai các ông đi. Người không gọi các ông lại để giữ các ông gần bên mình, nhưng để sai các ông đi trên những nẻo đường truyền giáo, những nẻo đường loan báo Tin Mừng

Ngay từ lúc kêu gọi những môn đệ đầu tiên, Đức Giêsu đã nói với các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mc 1,17)  Các ông được kêu gọi trở thành những kẻ lưới người, tức là để rao giảng Tin Mừng cho Thiên Chúa, để loan báo Tin Mừng về Vương Quốc Thiên Chúa đang bắt đầu hoạt động giữa loài người  Đức

Giêsu được sai đến trần gian để thực hiện sứ vụ này, và giờ đây, Người cho các môn đề tham gia vào công cuộc của Người  Các ông là những người tiếp nối công cuộc của Đức Giêsu, nhờ đó, Tin Mừng có thể được loan báo trong toàn thế giới cho đến khi Người trở lại để thiết lập cách dứt khoát vương triều của Thiên Chúa

Như vậy, ngay khi còn đang hiện diện giữa trần gian, Đức Giêsu đã muốn các môn đệ làm việc một mình, không có sự hiện diện hữu hình của Người  Đó cũng là khởi điểm cho sinh hoạt của Hội Thánh  Sau này, Hội Thánh chỉ quy tụ và họp nhau lại để sai mỗi người đi rao giảng cho muôn dân về Tin Mừng Đức Giêsu Kitô.

Khoảng cách tự do

Các huấn thị Đức Giêsu đưa ra cho các môn đệ vừa nhấn mạnh đến sự tự do cần thiết vừa nhấn mạnh tình trạng không an toàn của những người được sai đi

Điều đáng lưu ý ở đây là Đức Giêsu không căn dặn các môn đệ về nội dung của sứ vụ  Người không nói với các ông về những điều phải rao giảng, nhưng dặn dò các ông về những chi tiết làm cho các ông trở thành những người được sai đi  Đối với Đức Giêsu, chứng tá đời sống có tầm quan trọng hơn chứng tá lời nói

Trong thực tế, lời khuyên duy nhất của Thầy là sự khó nghèo  Những sứ giả của Đức Giêsu phải từ bỏ mọi trợ giúp và uy tín của con người, để chỉ có một chỗ dựa duy nhất là lòng tin vào “Đấng đã sai mình đi”

Không có gì cả, ngoài cây gậy và đôi dép, tức là những gì cần thiết nhất để ra đi  Những thứ khác chỉ làm cho người được sai đi bị vướng vít  Khi được tiếp đón nồng hậu, cũng phải lên đường  Đối với người môn đệ, con đường chính là ngôi nhà  Căn nhà mở cửa đón tiếp, căn nhà để bước vào và ra đi, chính nó cũng là con đường

Và hoa trái của cuộc ra đi, đó là sự sám hối, là sự giải thoát khỏi những gì đang cầm giữ con người: ma quỷ, bệnh tật, tức là những quyến luyến, của cải…

Hành trang gọn nhẹ

Ăn mặc gọn gàng, giản dị, không cồng kềnh

Đức Giêsu sai các môn đệ của Người đi vào cuộc chiến với mệnh lệnh như thế  Đây là một cuộc chiến rất ác liệt: cuộc chiến chống lại sự dữ  Các thần dữ thật đáng sợ: Có thể nói, cho đến ngày nay, chưa chắc người ta đã thắng nổi

Mệnh lệnh của Đức Giêsu gợi nhớ đến cuộc chiến của Đavít chống lại người khổng lồ Gôliát  Vua Saun muốn Đavít mặc bộ chiến bào của mình để xung trận  “Vua Saun lấy y phục của mình mặc cho Đavít, đội mũ chiến bằng đồng lên đầu và mặc áo giáp cho cậu. Đavít đeo gươm của vua ngoài y phục rồi thử bước đi…nhưng không được” (1Sm 17,39)  Nặng quá, Đavít bị vướng vít và không thể làm gì được nên phải “bỏ những thứ đó ra”  Sau đó, “cậu cầm gậy trong tay, chọn lấy năm hòn đá cuội dưới suối, bỏ vào túi chăn chiên…rồi tay cầm dây phóng đá, cậu tiến về phía tên Philitinh”

Hãy coi chừng những thứ đồ đạc linh kỉnh  Chúng làm cho người ta bị ràng buộc quá nhiều và không thích ứng được với những hoàn cảnh của cuộc chiến  Những đồ đạc đó có thể là tài liệu, những tủ sách, những bản báo cáo…

Trong suốt Tin Mừng, Đức Giêsu đã tỏ cho thấy thế nào là thái độ thanh thản và tự do: chẳng có chỗ nào được gọi là nhà, là nơi cố định; ngay cả một hòn đá gối đầu cũng không có…

Những người môn đệ của Đức Giêsu được sai đi để tiếp tục công cuộc của Người  Họ phải kết hợp với Đức Giêsu, phải nên giống Người  Cùng một sứ điệp sám hối phải loan báo; cùng một cuộc chiến chống lại các thế lực sự dữ; cùng một mối quan tâm đặc biệt tới người bệnh tật  Vì thế, các môn đệ phải nhẹ nhàng và thanh thản, nếu không, họ sẽ hụt hơi và tụt lại phía sau

Đàng khác, sự nghèo khó của người môn đệ được sai đi là một bằng chứng rõ rệt về sức mạnh của Lời Chúa  Họ không tự hào về sức mạnh của mình, nhưng là quyền năng của Thiên Chúa  “Khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng những lời lẽ hùng hồn hay triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa…tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt, run rẩy…Nhờ vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa”. (1Cr 2,1-5)

Quả vậy, điều Đức Giêsu muốn, đó là những người môn đệ không mang hành lý lỉnh kỉnh và sẵn sàng ra đi  Hội Thánh và mỗi người không ngừng trở nên nhẹ nhàng hơn để sẵn sàng trước những thúc đẩy của Thần Khí

Với sức mạnh của Thiên Chúa

“Nét đặc trưng của vị tông đồ, đó không phải là uy tín cá nhân, không phải là hoạt động tinh thần đầy tính sáng tạo, cũng không phải là tầm ảnh hưởng đạo đức của họ, nhưng là lời mời gọi của Đức Giêsu, là sứ mạng họ đã lãnh nhận nơi người, là dấu ấn Người đã ghi nơi họ… Vị tông đồ không nói nhân danh mình, nhưng nhân danh Đức Kitô. Điều thúc đẩy họ, không phải là kiến thức hay kinh nghiệm cá nhân, nhưng là Lời Thiên Chúa, là sứ vụ đã lãnh nhận. Đức Kitô thấm nhập con người họ, tư tưởng của Người chi phối cuộc sống của họ. Đức Kitô chính là nội dung cuộc sống của họ. Họ loan báo về Người vì chính Người đã chỉ định họ làm công việc này” (R.Guardini).

Trung thành với thần Khí của Thiên Chúa, người được sai đi phải gạt bỏ hành lý vô ích và những đảm bảo của con người  Họ để cho Đức Kitô nói qua môi miệng mình, và để Người hành động qua đôi tay của mình

Cũng như thời xưa Thiên Chúa đã nói qua các ngôn sứ, ngày nay Người muốn nói qua mỗi người chúng ta  Bổn phận của chúng ta là đánh thức con người thời đại để chiêm ngắm mầu nhiệm Đức Giêsu và Vương Quốc của Người

Hãy sẵn sàng ra đi, dép trong chân, gậy trong tay, như những người Do Thái trong đêm vượt qua…

Chúng tôi cần có những nhân chứng nói với chúng tôi về lòng tin của họ.

Chúng tôi cần có những chứng nhân nói với chúng tôi về Thiên Chúa trên trời.

Chúng tôi cần có một Hội Thánh

để chỉ cho chúng tôi thấy tình yêu của Người.

Chúng tôi cần được thấy, chúng tôi cần được chạm vào.

Xin ban cho chúng con những người giúp chúng con nhìn rõ con đường.

(theo P Grostéfan)