Chúa Nhật XV Thường Niên – Năm C
CN.15.C
(Đnl 30,10-14; Cl 1,15-20; Lc 10,25-37)
11-7-2013
Chúa nhật tuần trước, qua việc Chúa Giê-su sai 72 môn đệ đi truyền giáo, Chúa sai tất cả chúng ta đi truyền giáo. Chúa nhật này, qua con người Sa-ma-ri nhân hậu, việc truyền giáo tốt nhất, hữu hiệu nhất là sống yêu thương.
Bài đọc 1 : Bđ1 đọc sách Đệ Nhị Luật. Đây là cuốn sách thứ năm, cuốn sách cuối cùng trong bộ Ngũ Thư, tức là 5 cuốn sách đầu của Cựu Ước : Sáng Thế, Xuất Hành, Lê-vi, Dân Số và Đệ Nhị Luật. Đệ Nhị Luật có nghĩa là “luật thứ hai”, tức là một bản cải biên, diễn giải của bộ luật Mô-sê đã có trước (17,18). Sách gồm 3 bài giảng của ông Mô-sê. Ông nhắn nhủ dân Is-ra-el trước khi vượt qua sông Gióc-đan vào Đất Hứa. Nhưng ba bài giảng này đã được sửa đổi vào thời dân Is-ra-el bất trung, cần quay về với Giao ước Chúa đã ký kết với họ trên núi Si-nai. Vì thế, những bài giảng giống như một bài giáo lý về Giao ước. Đây cũng là câu trả lời cho câu hỏi : tại sao dân Is-ra-el bội phản với Giao ươc ? Thưa vì lòng đạo của họ hời hợt, bên ngoài, không sâu xa, như có lần Thiên Chúa đã trách : “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Is 29,13/ Mt 15,8).
Bđ1 thánh lễ hôm nay là phần kết luận của bài giảng thứ ba, nói lên tính cách nội tâm của lòng đạo, sự gần gũi của Giao ước, của luật Chúa. Ông Mô-sê nói : “Mệnh lệnh tôi truyền cho anh em hôm nay đây, không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh em. Mệnh lệnh đó không ở trên trời, khiến anh em phải nói : ‘Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành ?’ Mệnh lệnh đó cũng không ở bên kia biển, khiến anh em phải nói : ‘Ai sẽ sang bên kia biển lấy về cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành ?Thật vậy, lời đó rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành” (Đnl 30,11-14). Tại bờ giếng Gia-cóp, Chúa Giê-su cũng nói đến tôn giáo của cõi lòng, đạo của con tim : “Những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng như thế” (Ga 4,23). Trong câu chuyện các môn đệ bứt lúa vào ngày Sa-bát, Chúa Giê-su nhắc lại lời ngôn sứ Hô-sê : “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Hs 6,6/Mt 12,7).
Bài Tin Mừng : Câu chuyện người Sa-ma-ri nhân hậu trong bài TM thánh lễ cho thấy Chúa muốn chúng ta sống thứ đạo nào. Một người thông luật hỏi Chúa Giê-su : “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” (Lc 10,25). Trong sách TM của thánh Mt và Mc, người thông luật hỏi : “Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn lớn nhất ?” (Mt 22,36/Mc 12,28). Sách TM thánh Mt và Mc ghi lại kiểu nói của người Do Thái; còn sách Lc là kiểu nói của lương dân. Người Do Thái quan tâm đến Luật, vì có 613 điều luật, không biết điều luật nào là trọng; còn lương dân quan tâm đến sự sống đời đời, đến hạnh phúc. Chúa Giê-su hỏi lại người thông luật : “Trong Luật đã viết gì ? Ông đọc thế nào ?” (Lc 10,26). Ông đáp : “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của người hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình’ (10,27).
Sau khi được Chúa khen, ông hỏi tiếp : “Nhưng ai là người thân cận của tôi ?” (10,29). Chúa Giê-su trả lời bằng câu chuyện người Sa-ma-ri nhân hậu : “Một người từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết” (10,30). Có ba người đi qua. Hai người đi trước, thầy tư tế và Lê-vi, “trông thấy nạn nhân, tránh qua bên kia mà đi”; còn người Sa-ma-ri thì “động lòng thương, lại gần, lấy dầu lấy rượu, xức vết thương, băng bó lại, đặt trên lưng lừa, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói : ‘Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thi khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác” (10,33-35). Nếu tỉ mỉ đếm các hành động của người Sa-ma-ri thì có 7, một con số chỉ rất nhiều, làm hết lòng. Các hành động đó là : 1-lấy dầu lấy rượu, 2-xức vết thương, 3-băng bó, 4-đặt lên lưng lừa, 5-đưa về quán trọ, 6-lấy ra hai quan tiền, 7-trao cho chủ quán.
Người Sa-ma-ri với người Do Thái là ai ? Sách Huấn ca cho người Sa-ma-ri là “Đám dân ngu xuẩn” (Hc 50,26). Người Do Thái bị cấm đáp lại “Amen” khi người Sa-ma-ri kết thúc lời cầu nguyện. Nghĩa là người Do Thái và Sa-ma-ri là thù địch với nhau. Vậy mà thầy tư tế và Lê-vi là người Do Thái lại không thương cứu người bị thương là người Do Thái. Trái lại người Sa-ma-ri là địch thù lại động lòng thương. Người cùng đạo với nhau không giúp nhau; người không đạo lại giúp người có đạo. Người Sa-ma-ri là ngoại đạo lại là người có đạo, đạo của lòng nhân: “Ta muốn lòng nhân, chứ đâu cần lễ tế” (Hs 6,6/Mt 12,7).
Bài đọc 2 : Bđ2 đọc thư thánh Phao-lô gửi các tín hữu Cô-lô-sê. Ngài viết thư này khi đang bị giam tù ở Rô-ma. Được biết các tín hữu Cô-lô-sê chạy theo các quyền lực thần thiêng, nên Ngài nhắc lại chỉ một mình Chúa Kitô đem lại ơn cứu độ. Ngài viết : “Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,20). Vậy, muốn có lòng nhân, xử sự như người Sa-ma-ri thì hãy yêu mến Chúa Ki-tô, theo gương của Chúa Ki-tô.
Trong cuộc Hội thảo về chủ đề “Sống Đạo Theo Cung Cách Việt Nam” tại Toà Tông Giám Mục Huế từ ngày 20-22.4.2004, nhà sử học, cha Đỗ Quang Chính, dòng Tên, đã cho biết : trong thời kỳ mới giảng đạo, người Việt Nam theo đạo rất đông, vì thấy người có đạo có lòng yêu thương. Cha đã trích nguyên văn câu nói của người lương nói về người Công giáo trong bản bá cáo của cha Gaspar d’Amaral ngày 31-12-1632 như sau : “Người lương dân gọi bổn đạo là những người theo đạu yêu nhau”. Cha Chính kết luận : “Phải nói là các vị ấy đã sống đạo, chứ không phải chỉ giữ đạo”.
————————————–
CN.15.C
11-7-2010
Trong số 118 vị thánh tử đạo VN, có hai cha con cùng tử đạo một ngày. Đó là thánh Đaminh Phạm Trọng Khảm và thánh Luca Phạm Trọng Thìn. Nếu kể thêm thánh Giuse Phạm Trọng Tả, người em thúc bá, thì gia đình họ Phạm có ba vị tử đạo cùng một ngày, ngày 13-1-1859.
Cả ba vị thánh sinh tại giáo xứ Quần Cống, tỉnh Nam Định, giáo phận Bùi Chu ngày nay. Cả ba đều tham gia vào việc điều hành giáo xứ.
Không bắt được Đức cha và các cha ẩn trốn trong xứ, nhưng tìm được áo lễ và ảnh tượng trong nhà các vị, nên quan tỉnh đã bắt ba vị, rồi trói dẫn về tỉnh.
Sau những ngày tra khảo tù tội, ba vị bị điệu ra pháp trường Bẩy Mẫu, Nam Định. Ba vị bị xử giảo, tức là bị cột dây thừng vào cổ kéo cho đến tắt hơi. Thánh Khảm thọ 80 tuổi, thánh Tả 60 tuổi và thánh Thìn 40 tuổi.
Khi còn sống, thánh Đaminh Phạm Trọng Khảm có lòng yêu người nghèo khổ. Dân xứ hằng ca ngợi rằng : “Gia nhân phải kiếm kẻ khó vào ngồi chung thì cụ mới ăn cơm”.
Thánh Tả cũng được tiếng thương giúp người nghèo. Dân xứ kể với nhau rằng : “Đầy tớ ông rất đông, chưa Tết ông đã đi thăm viếng từng nhà và cho tiền mừng tuổi rất hậu. Số tiền ấy thường gấp đôi số quà họ biếu. Tiền thóc gia nhân vay mượn ông thường cho một nửa, nếu túng quá thì cho luôn. Công nợ của dân trong làng cũng được châm chước như thế. Khi bà vợ lên tiếng cằn nhằn, ông bảo : ‘Mình quên nợ người, Chúa quên tội mình’”.
Bài TM : Gương yêu người của thánh Khảm và thánh Tả chắc chắn bắt nguồn từ câu chuyện “Người Sa-ma-ri Nhân Hậu” Chúa Giê-su kể, mà chúng ta đọc trong thánh lễ Chúa nhật hôm nay.
Một hôm thầy thông luật, nghĩa là người giỏi Kinh Thánh, hỏi Chúa Giê-su : “Ai là người thân cận của tôi ?”, thì Chúa Giê-su kể câu chuyện “Người Sa-ma-ri Nhân Hậu”.
Có một người Do Thái đi dự lễ ở Đền Thờ Giê-ru-sa-lem về Giê-ri-khô thì bị cướp đánh nhừ tử nằm trên đường. Thầy tư tế và thầy Lê-vi cùng là người Do Thái, là người đồng đạo, cũng đi dự lễ ở Đền Thờ Giê-ru-sa-lem về, thế mà đã bỏ đi, không dừng lại giúp đỡ. Trái lại, người Sa-ma-ri kẻ thù của người Do Thái, lại khác đạo, thế mà đã dừng chân, giúp đỡ người bị hoạn nạn.
Bđ1 : Lòng yêu người không phân biệt làng nước, không phân biệt đạo giáo, bởi vì Thiên Chúa đã đặt luật lệ trong lòng, trong lương tâm mỗi người. Ông Mô-sê nói với dân Do Thái sắp sửa bước vào Đất Hứa : “Mệnh lệnh tôi truyền cho anh em hôm nay không ở trên trời…, không ở bên kia biển…, song ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành” (Đnl 30,12.13.14).
Bđ2 : Riêng đối với người Công giáo chúng ta, chúng ta phải noi gương Thiên Chúa mà yêu người. Loài người chúng ta có tội tầy đình với Thiên Chúa. Thế mà Thiên Chúa không chấp tội, đã sai Đức Ki-tô xuống thế, chết để đền thay tội cho chúng ta. Trong bđ2 thánh Phaolô nhắc nhở giáo hữu Cô-lô-sê : “Thiên Chúa đã muốn nhờ Đức Ki-tô mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,20).
“Mình quên nợ người, Chúa quên tội mình”, câu nói của thánh Giuse Phạm Trọng Tả với vợ gần giống với lời trong kinh Lạy Cha chúng ta thường đọc trên môi miệng : “Xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.
—————————————
CN.15.C
15-7-2007
Người Do Thái cầu nguyện một ngày 3 lần : sáng sớm, sau trưa và chiều. Nếu ở nhà thì cầu nguyện trong nhà, ở ngòai đường thì cầu nguyện ở ngòai đường… Khi cầu nguyện, đứng giơ cao hai tay lên trời. Trong ba giờ cầu nguyện đó luôn phải lặp lại lời này : “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en ! … Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi và yêu mến người thân cận như chính mình”. Lời này chẳng những đọc trên miệng, mà còn được ghi lại trên một mảnh da, để trong một cái hộp nhỏ; khi đi ra ngòai thì cột trên trán và đeo trên cổ tay; về nhà tháo ra cột nơi thành cửa ra vào. Lời nguyện này người Do Thái nào cũng thuộc lòng, và biết đó là giới răn quan trọng phải tuân giữ để được sự sống đời đời.
Hôm nay người thông luật hỏi Chúa Giê-su là để thử Chúa, để gài bẫy Chúa, như bài TM thánh lễ hôm nay đã viết : “Có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giêsu để thử Người…” (10,25).
Ông thử Chúa Giê-su xem Chúa có trả lời đúng không về giới răn nào trọng nhất. Ông còn thử Chúa một keo nữa, cất tiếng hỏi tiếp : “Ai là người thân cận của tôi ?” (10,29). Để trả lời câu hỏi này, Chúa Gê-su kể câu chuyện “Người Sa-ma-ri Tốt Lành”.
Đường từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô dài quãng 25 cây số, có nhiều khúc quanh co, núi non hiểm trở, thuận lợi cho bọn cướp lộng hành. Người ta ít khi dám đi một mình, phải đi tập thể. Chúa Giê-su kể : “Một người kia…dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi cũng đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Sa-ma-ri đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói : Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hòan lại bác” (10,30-35).
Kể xong câu chuyện, Chúa Giê-su hỏi thầy thông luật : “Vậy, theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?” (10,36).
Thầy thông luật đáng lý phải trả lời : “Người Sa-ma-ri”. Nhưng ông đã không dám trả lời rõ ràng : là người Sa-ma-ri, mà trả lời lấp lửng : “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy” (10,37).
Người Do Thái và người Sa-ma-ri là kẻ thù không đợi trời chung với nhau. Đối với người Do Thái, người Sa-ma-ri chẳng những là người ngọai, mà còn là kẻ lạc đạo. Vào thế kỷ thứ 8 tCN, người Ba-by-lon xâm chiếm nước Do Thái đã bắt hầu như tất cả dân chúng đi lưu đày, chỉ để lại một số rất ít người nghèo nàn. Người Ba-by-lon đưa những dân tộc khác đến ở và người Do Thái ở lại sống chung, lấy vợ gả chồng cho con cái với dân ngọai.
Thầy tư tế và thầy Lêvi, tương đương với các linh mục và các thầy sáu ngày nay, hai hạng người lãnh đạo đạo Do Thái, không giúp đỡ người bị nạn, đã tránh qua bên kia mà đi. Trái lại , người Sa-ma-ri, kẻ lạc đạo, đồ dân ngọai, dừng lại giúp đỡ. Qúa mắc cỡ, thầy thông luật không dám trả lời : người thân cận là người Sa-ma-ri, mà trả lời : “Kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy”.
Qua câu chuyện “Người Sa-ma-ri Tốt Lành”, Chúa Giê-su không có ý bôi xấu thầy thông luật hay người Do Thái, mà Chúa chỉ muốn tất cả chúng ta hãy thương nhau, đừng có phân biệt, kỳ thị, đố kỵ nhau. Là người phải có lòng thương xót. Người Việt chúng ta có câu : “Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy cùng khác giống, nhưng chung một loài”.
Linh mục Nguyễn Trung Thành