Chúa Nhật XV Thường Niên – Năm A


CN.15.A

(Is 55,10-11; Rm 8,18-23; Mt 13,1-23)

Vì Việt Nam cấm đạo, Đức cha Lambert de la Motte phải tạm trú ở Thái Lan. Đức cha đến Thái Lan năm 1662. Mãi năm 1671, sau 9 năm ở Thái Lan, Đức cha mới vào Đàng Trong thăm. Đi theo Đức cha, có hai cha người Pháp Mahot (Ma-hô) và Vachet (Va-xê), cùng hai cha Việt Nam là Giuse Trang và Luca Bền.

Đức cha đi thuyền, do 4 người Việt ở Thái Lan, chèo theo dòng sông Mêkông tới Phú Yên. Đức cha ra Nha Trang, tới xứ Lâm Tuyền, Chợ Mới ngày nay. Khoảng 800 giáo dân chào đón Đức cha. Đức cha làm phép Thêm sức cho 200 người. Quan Nha Trang tuy không có đạo, nhưng có cảm tình với đạo. Để tránh dư luận, quan đến thăm Đức cha vào ban đêm.

Đức cha tới Nha Ru, Ninh Hòa ngày nay. Quan Ninh Hòa là người có đạo, nhưng có nhiều vợ. Quan mời Đức cha đến nhà ông dâng lễ. Vì ông có nhiều vợ, Đức cha không đên dâng lễ nhà ông. Ông mời Đức cha dùng cơm, Đức cha cũng không ăn, chỉ ăn một trái cam. Vì giận Đức cha ông đã tẩm thuốc độc vào thức ăn, vào trái cam. Đức cha tới Nước Mặn, Qui Nhơn ngày nay, thì bị sốt, bị kiệt sức như muốn chết, phải chịu phép xức dầu. Một tháng sau Đức cha khỏe lại.

Đức cha đi Quãng Ngãi. Đức cha đến trú tại nhà bà Luxia. Bà đạo đức và rộng rãi. Trong 5 tuần lễ giáo dân các xứ đạo An Chỉ, Chợ Mới… đến nhà bà chào Đức cha. Tại An Chỉ, Đức cha đã lập dòng Mến Thánh Giá với 8 chị em. Chị bề trên là em gái của cha Giuse Trang.

Từ Quảng Ngãi Đức cha ra Hội An. Tại đây Đức cha đã họp hội nghị. Dự hội nghị có 6 linh mục người Pháp, 2 linh mục người Việt và nhiều Thầy giảng.

Sau hội nghị, Đức cha trở về Qui Nhơn và đi thuyền về Thái Lan. Đức cha đem theo 12 chủng sinh sang Thái Lan học tập.

BTM : Cuộc hành trình viếng thăm của Đức cha với giáo đoàn Đàng Trong giống như dụ ngôn “Người Gieo Giống” trong BTM thánh lễ hôm nay.

Hạt giống gieo xuống rơi trên 4 lọai đất : 1/ đất ở lề đường, 2/ đất nơi sỏi đá, 3/ đất nơi bụi gai, 4/ đất nơi đất tốt.

Chúa Giêsu đã giải nghĩa cho các tông đồ về 4 loại đất này :

– đất trên lề đường : là “kẻ nghe Lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỉ dữ đến cướp đi” (Mt 13,18-19)

– đất nơi sỏi đá : là “kẻ nghe Lời liền vui vẻ đón nhận, nhưng nó không đâm rễ sâu : khi gặp gian nan hay bị ngược đãi, thì vấp ngã” (Mt 13,20-21)

– đất nơi bụi gai : là “kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời và bả vinh hoa phú quí bóp nghẹt” (Mt 13,22).

– đất tốt :  là “kẻ nghe lời và hiểu” (Mt 13,23).

Hạt giống rơi trên đất trên lề đường, trên sỏi đá, trên bụi gai là quan Ninh Hòa giận Đức cha không tới nhà và không dư tiệc, vì ông có nhiều vợ.

Hạt giống trên đất tốt : là giáo dân xứ Lâm Tuyền, Nha Trang, đông đảo chào đón Đức cha. Hạt giống trên đât tốt là quan Nha Trang không có đạo ban đêm đến gặp Đức cha. Hạt giống trên đất tốt là bà Luxia ở Quảng Ngãi đón Đức cha đến trú ngụ. Hạt giống trên đất tốt là 8 chị em An Chỉ dâng mình cho Chúa thành nữ tu Mến Thánh Giá.

Bđ1 : bđ1 là lời ngôn sứ I-sai-a nói với dân Do Thái vừa từ Babylon, nơi lưu đày, trở về. Họ gặp biết bao khó khăn, bao khốn khó. Dù vậy, phải tin tưởng vào Thiên Chúa. Thiên Chúa nói là Thiên Chúa làm. Thiên Chúa hứa là Thiên Chúa thực hiện. Lời Thiên Chúa nói, lời Thiên Chúa hứa giống như mưa, giống như tuyết đã rơi xuống đất, thì “phải thấm xuống đất, phải làm cho đất phì nhiêu, đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn” (Is 55,10).

Thiên Chúa còn quả quyết : “Lời Ta một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Is 55,11).

Bđ2 : Bđ2 thư  gửi các tín hữu Rôma, thánh Phaolô đã so sánh những đau khổ ở đời này sao sánh nổi với phần thưởng Nước Trời : “Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta” (Rm 8,18).

Cuộc hành trình của Đức cha Lambert de la Motte biết bao khó khăn : khó khăn vì biển khơi, khó khăn vì đường xá, khó khăn vì kẻ xấu… ; nhưng cuộc hành trình  đã thành công, vì Đức cha tin tưởng vào công việc rao giảng Tin Mừng mà Chúa đã trao phó cho Đức cha.

Gia đình chúng ta cũng vậy. Biết bao là khó khăn, buồn tủi. Nhưng tin tưởng vào lòng Chúa thương, mọi khó khăn buồn tủi sẽ vượt qua, sẽ biến thành niềm vui, hạnh phúc (137-2014)

—————————————–.

CN.15.A

Hôm nay ngày 10-7 là chúa nhật 15 TN, cũng là ngày tử đạo của thày Phêrô Nguyễn Khắc Tự. Quê thày ở Phát Diệm, nhưng giúp Đức cha Borie Cao, thày hoạt động ở giáo phận Vinh ngày nay.

Khi Đức cha Borie Cao bị bắt, thày lăn sả vào ôm gông Đức cha đang đeo khóc lóc. Quan liền bắt thày. Thày còn trẻ, mới 30 tuổi, Đức cha sợ thày không chịu nổi những trận đòn tra tấn. Đức cha bỏ tiền đút lót cho quan để thày được tha, nhưng thày một mực xin được cùng chết với Đức cha. Thày nói với Đức cha : “Xin Đức cha đừng làm thế. Nhờ ơn Chúa giúp, con quyết chịu mọi hình khổ. Theo gương Đức cha, con sẽ không bỏ Chúa”.

Đức cha xé tấm khăn đang đội đầu làm hai, một nửa đưa cho thày và nói : “Con hãy giữ nửa tấm khăn này để làm chứng lời con nói”. Hai thày trò bị giải về Đồng Hới, Quảng Bình. Mỗi người bị giam trong một chiếc cũi.

Thày Phêrô Nguyễn Khắc Tự bị đánh đòn 4 lần, mỗi lần 30 roi. Mặc dầu bị tra tấn đau đớn, bị bỏ đói, bị bỏ khát… thày vẫn can đảm chịu đựng.

Hai tuần sau thày bị đem ra tòa. Quan  bảo thày : “Anh Tự, anh còn trẻ, tôi muốn tha anh. Vậy anh hãy bước qua thập giá, tôi sẽ tha anh về. Anh đừng dại dột theo mấy cố tây làm gì”.

Thày đáp lại : “Thưa quan, tôi không dại dột theo mấy ông cố tây đâu. Tôi xác tín vào niềm tin của tôi. Tôi tin một Thiên Chúa Ba Ngôi. Tôi tin Chúa Giêsu Kitô đã chịu chết chuộc tội cho tôi. Tôi tin như thế. Tôi sẵn sàng chịu chết, chứ không bao giờ bước qua Thánh Giá mà bỏ đạo”.

Quan tức giận truyền đánh 30 roi, rồi tống ngục, giam chung với Đức cha Borie Cao, cha Phêrô Võ Đăng Khoa, cha Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm, và một số giáo dân, trong đó có ông trùm Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh.

4 tháng sau tất cả bị kết án tử hình. Ngày 24-11-1838 Đức cha và hai cha bị đem ra pháp trường Đồng Hới, bị cột giây thừng vào cổ, lính đứng hai đầu giây kéo cho tới chết. Còn thày Phêrô Tự và ông Antôn Quỳnh, vua Minh Mạng hy vọng hai ông sợ hãi mà bỏ đạo. Thày và ông trùm bị giam thêm hai năm nữa, mà vẫn không bỏ đạo. Vua Minh Mạng ra lệnh đem ra pháp trường Đồng Hới xử giảo. Lệnh vua Minh Mạng viết như sau : “Tên Tự, học trò ông Borie Cao đã không chịu đạp ảnh, vì người ta đã cho ăn thuốc làm tăng sức mạnh và kiên trì trong lầm lạc, không có hy vọng sửa sai”. Thuốc làm tăng sức mạnh vua có ý nói Mình Thánh Chúa.

Tới pháp trường Đồng Hới, thày xin cho biết chỗ Đức cha đã chết, và thày xin cũng được chết ở chỗ ấy. Thày bị cột giây thừng vào cổ và tắt hơi thở lúc 3g chiều ngày 10-7-1840, mới 32 tuổi.

BTM : Dụ ngôn “Người Gieo Giống” trong bài TM nói đến 4 loại đất mà hạt giống Lời Chúa rơi xuống : 1/ đất bên vệ đường, 2/ đất sỏi đá, 3/ đất nơi bụi gai, 4/ đất tốt mầu mỡ phì nhiêu.

Chúa Giêsu đã cắt nghĩa hạt giống gieo trên đất sỏi đá như sau : “Kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời, và liền vui vẻ đón nhận; nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nông nổi nhất thời : khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay” (Mt 13,20-21).

Thày Phêrô Nguyễn Khắc Tự không phải là đất sỏi đá, tức là “kẻ nông nổi nhất thời : khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời Chúa, thì vấp ngã ngay. Thày là đất tốt, là “kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục” (Mt 13,23).

Bđ1 : Người Ít-ra-en, dân riêng của Chúa trong bđ1, là “đất sỏi đá” : khi gặp gian nan thử thách hay ngược đãi thì vấp ngã. Bị lưu đày sang Babylon, họ mất tin tưởng nơi Chúa, không tin vào Lời Chúa hứa nữa. Ngôn sứ I-sai-a phải cả quyết với họ : Chúa nói là Chúa làm, Chúa hứa là Chúa thực hiện : “Lời Ta một khi xuất phát từ miệng Ta sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Is 55,11).

Bđ2 : Thánh Phaolô cũng đã viết thư an ủi các tín hữu Rôma đang bị bắt hại : hãy nghĩ đến ngày vinh quang, đến đời sau. Ngài viết : “Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8,18).

 Chính vì nghĩ đến đời sau mà thầy Phêrô Nguyễn Khắc Tự đã khẳng khái nói với quan : “Tôi sẵn sàng chịu chết, chứ không bao giờ bước qua Thánh Giá mà bỏ đạo” (10-7-2011)

————————————————–.

CN.15.A

Ba CN 15,16,17, Giáo Hội cho chúng ta đọc 7 dụ ngôn về Nước Trời của thánh Mát-thêu. Hôm nay chúng ta đọc dụ ngôn “Người Gieo Giống”.

Người gieo giống trong dụ ngôn dường như không biết gieo, chểnh mảng, gieo đại cho xong, nên gieo cả xuống đường, vào sỏi đá, vào bụi gai. May phúc mới có hạt rơi vào đất tốt.

Không phải. Cách làm ruộng của người Do Thái thời Chúa Giêsu khác với chúng ta. Ruộng gặt xong để đó, người ta qua lại thành đường đi, gai mọc lên, đá sỏi chưa dọn. Chờ đến mùa mưa họ gieo giống, rồi mới cày bừa. Thế nên có hạt rơi xuống đường đi, xuống sỏi đá, xuống bụi gai .

Chúa Giêsu đã cắt nghĩa cho các tông đồ : hạt giống là mầu nhiệm Nước Trời, là Lời Chúa.  Có người đón nhận, có người không đón nhận. Đón nhận hay không đón nhận là do tấm lòng đón nhận của mỗi người.

Không đón nhận thì giống như đường đi : nghe rồi không tìm hiểu thêm.

Không đón nhận giống như sỏi đá : gặp gian nan thử thách thì bỏ.

Không đón nhận thì giống như bụi gai : ham sự đời, ham vinh hoa phú quí.

Còn người đón nhận thì giống như đất tốt, sinh hoa kết quả.

Những người đón nhận cũng gặp gian nan khốn khó, cũng gặp thử thách; song họ kiên nhẫn vượt qua. Họ biết so sánh những đau khổ đời này với vinh quang đời sau. Họ như thánh Phaolô nói trong bđ2 : “Tôi nghĩ rằng : những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa mặc khải nơi chúng ta” .

Ngày 16-6 vừa qua, Đức giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã tôn phong cha Piô lên bậc hiển thánh. Ngài đã được Chúa in 5 dấu đinh. Ngài ngồi giải tội 18 giờ một ngày. Ngài chữa lành biết bao bệnh nhân. Ngài được phúc ở hai nơi cùng một lúc. Ngài dâng lễ sốt sắng đến nỗi người ta tưởng Chúa Giêsu dâng lễ, chứ không phải là ngài.

Thế mà ngài bị một Đức tổng giam mục gọi là “đồ quỉ ám”, một “kẻ dụ dỗ”, một “kẻ phá hoại luân lý”. Các đấng bề trên đặt máy nghe lén trong phòng ngài, trong tòa giải tội. Bề trên còn cấm ngài giải tội, cấm ngài tiếp xúc với dân chúng. Ngài bị bề trên làm khổ đủ mọi điều, đến nỗi có một nhóm người viết đơn gửi cho Liên Hiệp Quốc tố cáo quyền công dân của ngài bị bề trên xâm phạm.

Trong bài giảng Đức giáo hoàng nói : “Đời sống và sứ vụ của cha Piô minh chứng rằng : những khó khăn và đau đớn, nếu được chấp nhận vì tình yêu, trở nên một đặc ân trên đường nên thánh, mở rộng ra cho những viễn tượng sự thiện lớn hơn, chỉ một mình Chúa biết”.

Trong cuộc sống của chúng ta cũng vậy. Sướng quá lại làm cho chúng ta khổ, vì “nhàn cư vi bất thiện”. Trái lại khi khó khăn, khi đau khổ, làm cho ta nên can đảm, thông cảm nỗi khổ của nhau.

Giáo Hội cũng vậy : khi gặp khó khăn thì gắn bó với Chúa; còn khi tự do thanh bình thì chểnh mảng, lơ là (14-7-2002).

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành