Chúa Nhật XV TN – Năm C


CÁCH THỨC THIÊN CHÚA YÊU TRỞ THÀNH TIÊU CHUẨN CHO TÌNH YÊU CỦA CON NGƯỜI

Tuần 15 Thường Niên (Hội An 10/7/2022)

Evelyn Underhill, một nhà thần bí Công Giáo của thượng bán thế kỷ 20, đã nối kết hai giới răn quan trọng nhất trong câu nói: “Ơn cứu độ không có nghĩa là bạn và tôi được an toàn vào Nước Trời, mà mỗi linh hồn được Tình Yêu thần linh cứu thoát khỏi lợi ích riêng, nay tận dụng tình yêu ấy làm lan tỏa công trình cứu độ.”[1] Nghĩa là không có sự phân ly giữa tình mến Chúa và yêu người, đến độ Đức Bênêđíctô quả quyết: “Mến Chúa yêu người không thể tách rời nhau được. Đó chỉ là một giới răn. Cả hai sống nhờ vào tình yêu của Thiên Chúa tuôn xuống chúng ta, Đấng luôn yêu thương chúng ta trước. Như thế sẽ không còn là “giới răn” tự bên ngoài, buộc chúng ta làm những gì không thể làm được, nhưng là một cảm nghiệm tình yêu được ban tặng từ bên trong, một tình yêu mà tự bản chất phải được tiếp tục chia sẻ để tình yêu lớn lên nhờ tình yêu.” [2] Như vậy, cách thức Thiên Chúa yêu trở thành tiêu chuẩn cho tình yêu của con người.

  1. Cách thức Thiên Chúa yêu

Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước, nên Ngài trở thành tiêu chuẩn cho tình yêu của con người. “Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta trước và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,10). “Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8).

Tình yêu của Thiên Chúa không vô hình, nhưng hữu hình nơi Đức Giê-su Ki-tô, để chúng ta có thể chiêm ngắm tình yêu của Ngài. Trong Cựu ước, Thiên Chúa đã dùng nhiều hình ảnh, biểu tượng và những biến cố lịch sử để nói với con người: “Ta yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở” (Gr 31,3), thì nay lời yêu thương ấy hữu hình nơi Đức Giê-su Ki-tô. Tình yêu của Ngài đến chinh phục con người từ ngày nhập thể làm người cho đến khi trái tim của Ngài bị đâm thâu trên thánh giá và trong bí tích Thánh Thể hôm nay, là dấu chứng Thiên Chúa yêu chúng ta đến cùng mọi ngày. Mọi ngày trong đời Ki-tô hữu, đặc biệt trong đời sống phụng vụ và cầu nguyện, Ki-tô hữu cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa và được khơi lên một tình yêu đáp trả.

Thánh Augustinô trong bài giảng về 1Ga 4,4-12 nhắc nhở, dù chúng ta chậm yêu Thiên Chúa vì Ngài yêu thương chúng ta trước, nhưng đừng chậm trễ yêu lại Ngài, bởi tình yêu của Thiên Chúa làm nảy sinh trong chúng ta một lời đáp trả. Sự đáp trả đó không chỉ một tình cảm, một cảm xúc, bởi cảm xúc đến rồi đi, dù cảm xúc là tia sáng khai mở, nhưng tình yêu ấy bao hàm trọn vẹn cuộc đời của người được tình yêu Chúa hấp dẫn. Vì thế, tình yêu dành cho Thiên Chúa được gói gọn trong điều răn quan trọng nhất: “Phải yêu mến Đức Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi” (Lc 10,27), nghĩa là yêu mến Chúa trên hết mọi sự.

Có người kinh sư hay người Do Thái nào mà không biết cách yêu mến Thiên Chúa như được dạy đó? Có người Ki-tô hữu nào mà không biết điều răn quan trọng nhất này? Vì thế, Chúa Giê-su, Đấng yêu Chúa Cha vô cùng, đã dạy chúng ta thực hành điều hiểu biết đó: “Hãy đi và làm như vậy.” Chúa đang chờ ta ưu tiên chọn thánh ý Chúa trong mọi chọn lựa. Chúa đang chờ ta đến với Chúa và thờ phượng chỉ một mình Ngài mà thôi. Chúa đang chờ ta mời Chúa vào vị trí trung tâm của lòng trí chúng ta trong mọi hoàn cảnh. Chúa đang chờ ta thực hành tình yêu trong chúng ta dành cho Ngài, nhờ đó Chúa hiện diện trong ta thâm sâu hơn ta đối với ta.

  1. Tình Chúa trở thành tiêu chuẩn cho tình yêu của con người

Chúa tiếp tục bảo: Hãy yêu thương người thân cận. Từ những cuộc gặp gỡ thâm sâu hơn với Thiên Chúa, bấy giờ chúng ta học được cách nhìn và yêu thương tha nhân, không phải chỉ bằng con mắt và tình cảm riêng của mình, mà bằng con mắt của Chúa Giê-su. Nếu cuộc đời một người thiếu vắng gặp gỡ thâm sâu với Chúa Giê-su, họ sẽ nhìn người khác như người xa lạ và không nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa nơi người khác. Một khi không tin vào Thiên Chúa, con người cũng sẽ nghi ngờ mọi người; ngược lại, một khi sống trong tình mến Thiên Chúa, người ta sẽ chân thành mến yêu anh chị em đồng loại của mình. Đức cha Fulton Sheen trong tác phẩm “Con Đường Về Trời” đặt câu hỏi: “Bạn cảm thấy gì khi làm việc với hoặc làm việc cho một ông chủ có đầy đủ đức tin vào Chúa Giê-su Ki-tô? Bạn sẽ nhận ra mình được đối xử nhẹ nhàng, tử tế, bác ái và bình đẳng. Hơn nữa, tôi đố bạn tìm ra một người trên thế gian này có lòng mến Chúa thực sự, lại đối xử tồi tệ với đồng bào mình? Tôi dám chắc cho đến thiên thu bạn chẳng thể nào tìm ra.” Như nước trong chum đá ở Cana biến thành rượu ngon nhờ Chúa Giê-su, tình yêu đối với tha nhân trở thành trái ngọt nhờ nối kết với tình yêu của Đấng là Tình yêu.

Do đó, thánh sử Luca không có ý nói về một người Samaritanô ngoại giáo nào đó yêu người theo tình cảm riêng của mình, mà từ thời các giáo phụ cho đến nay, người Samaria tốt lành được xem là hiện thân của Chúa Giê-su, Đấng có lòng thương xót. Nhà thánh Kinh học Bovon và Đức Bênêđictô nhận định, “nếu nạn nhân bị tấn công là hình ảnh của mọi người, thì người Samaritanô là hình ảnh của Đức Giê-su Ki-tô”, “Ngài đi bước trước trở nên gương mẫu cho mọi người, kêu gọi mọi người sống theo gương mẫu của Ngài yêu thương người khác.” Và Chúa bảo chúng ta hãy đi và làm như vậy.

Chúa đã nêu gương yêu thương và đang chờ chúng ta hành động bày tỏ tình yêu đối với Thiên Chúa và nhờ đó, biết yêu thương nhau như Chúa yêu.

Lạy Cha, mỗi lần gặp nhau, xin cho chúng con được gặp Cha và thấy Cha luôn thanh lọc tình yêu giữa chúng con, để nó trở nên giống tình yêu Cha hơn. (Rabouni)

[1] Marva Dawn, Talking the Walk: Letting Christian Language live again (Eugene, Oregon: Wipf & Stock, 2005), 170.

[2] Benedict, Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, số 18.

Linh mục Giuse Nguyễn Văn Thú

———————–

CN 15 TN NĂM C

10-7-2022

Thánh Phêrô Nguyễn Khắc Tự, thầy giảng

Thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Tam Tòa

GIÁO HUẤN SỐ 33

MỤC VỤ NGƯỜI TRẺ

Việc săn sóc mục vụ có tính liên hợp (tt)

Mục vụ giới trẻ phải có tính liên hợp: nó phải liên can đến ‘hành trình cùng nhau’, với sự trân trọng ‘các đặc sủng’ Thánh Thần ban cho, phù hợp với ơn gọi và vai trò của mỗi thành phần trong Giáo hội, xuyên qua một tiến trình đồng trách nhiệm …Được thúc đẩy bởi tinh thần này, chúng ta có thể tiến tới một Giáo hội tham gia và đồng trách nhiệm, một Giáo hội có khả năng trân trọng tính đa dạng phong phú của mình, hân hoan đón nhận những đóng góp của người tín hữu giáo dân, gồm những người trẻ và các phụ nữ, những người thánh hiến, cũng như các nhóm, các hiệp hội và các phong trào. Không ai bị loại trừ, cũng không ai tự loại trừ chính mình. (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, số 206).

————————

CN 15 TN NĂM C

Đnl 30,10-14; Cl 1,15-20; Lc 10,25-37

Thánh Phêrô Nguyễn Khắc Tự, thầy giảng

Thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh, trùm xứ

Thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh

Thánh Antôn quen gọi là ông Năm Quỳnh. Ngài là người Mỹ Hương, Lệ Thủy, Quảng Bình. (Một số người Mỹ Hương đang sống ở xứ Tam Tòa Đà Nẵng) Thánh Antôn Năm Quỳnh là con thứ 5 của cụ Nguyễn Hữu Hiệp và bà Ma-đa-lê-na Lộc. Từ nhỏ ngài đã ao ước dâng mình phục vụ Chúa. Hai anh ngài đã dâng mình cho Chúa rồi, nên cha mẹ ngài muốn ngài ở nhà để nối dõi tông đường. Vâng lời cha mẹ, ngài ở nhà phụng dưỡng cha mẹ. Ngài lập gia đình với cô Ma-đa-lê-na, một thiếu nữ đạo đức trong xứ.

Năm 1800 ngài nhập ngũ trong quân đội nhà Nguyễn chống lại nhà Tây Sơn. Lập được nhiều chiến công, ngài được thăng chức Vệ úy. Năm 1802 đất nước thanh bình, ngài giải ngũ về học nghề thuốc. Chúa ban cho ngài mát tay, chữa trị được nhiều bệnh nhân. Ngài cầu xin Chúa chữa, hơn là cậy dựa vào tài năng, nhất là ngài thương các bệnh nhân nghèo. Thấy ngài có lòng thương người, vợ con không bằng lòng. Ngài nói: “Tôi chưa thấy ai giúp đỡ người nghèo mà Chúa để họ túng thiếu. Chúa cho ta sống, tất nhiên Chúa quan phòng cho ta”. Người trong xứ và ngoài xứ tín nhiệm, có bệnh là chạy tới thầy Năm Quỳnh.

Ngài tốt lành, giầu lòng bác ai và có tinh thần phục vụ, cha và dân xứ xin ngài làm ‘chức việc’, làm ‘ông câu’ phục vụ giáo xứ. Chẳng những ngài lo chu toàn việc nhà thờ, nhà xứ, ngài còn cộng tác với cha xứ trong nhiều công việc, nhất là dạy giáo lý.

Tháng 6-1838 vua Minh Mạng ra lệnh bắt đạo. Ngài giùp cha Candah Kim ần trú trong khu trại bỏ hoang của gia đình ở Kim Sen. Có người mách bảo, ngài bị bắt, bị đưa về giam tại Đồng Hới. Quan nhớ ơn ngài chữa bệnh, muốn tha ngài, khuyên ngài: “Này ông Năm, ông bước qua ảnh tượng một lần thôi, chúng tôi sẽ tha cho ông về với vợ con”. Ngài vui vẻ trả lời: “Cám ơn quan. Quan tha thì tôi về, còn việc bước qua ảnh tượng, chối Chúa, có chết cũng không bao giờ bước qua. Dầu chỉ một lần, dứt khoát không bao giờ tôi bước lên ảnh tượng Chúa tôi”.

Ngày 12-6-1840 vua Minh Mạng phê chuẩn bản án. Cậu cả của ‘ông câu’ là Nguyễn Hữu Ngôn nghe tin tìm cách vào nhà tù báo tin cho bố. Ngài bỏ ăn sáng vui mừng nói với con: “Bố vui mừng tạ ơn Chúa! Bố mong đợi tin này đã lâu. Nay được tin, thì thiết gì của ăn dưới thế!

Ngày 10-7-1840, quan Quảng Bình cùng 100 quân lính dẫn ngài ra pháp trường Đồng Hới. Tới nơi ngài quì xuống. Những người lính cột giây thừng vào cổ ngài và kéo cho đến tắt hơi thở. Con cháu và giáo dân xin xác ngài về chôn tại Kim Sen. Trên mộ ngài người ta ghi hai câu thơ : “Nghĩa khí nêu cao trên đất nước

                                                                 Oai linh phù hộ khắp non sông

(Nguyễn Đức Việt Châu, Hạnh Tích Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, trang 220-224)

Ba bài đọc trong thánh lễ hôm nay cũng nói lên lòng thương người.

Bài đọc 1 (Đnl 30,10-14) : Bđ1 đọc sách Đệ Nhị Luật. Cha Sullivan viết : “Sách Đnl viết vào khoảng thế kỷ 5, 6 tCN (trước Công Nguyên). Bài đọc hôm nay, ông Mô-sê khuyên những người Ít-ra-en bị lưu đày ở Ba-by-lon được trở vế Đất Hứa hãy trung thành Luật Chúa đã ban. Vì bãi bỏ Luât Chúa mà họ bị lưu đày. Ông Mô-sê khuyên dạy : “Anh em hãy nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ của Người, ghi trong sách Luật này, miễn là anh em trở về với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ (Đnl 30,10).

Bài Tin Mừng (Lc 10,25-37): Sách “Lời Chúa Cho Mọi Người” viết về BTM hôm nay như sau: “Ai là người thân cận của tôi ? Thầy thông luật cừ tưởng Chúa Giê-su sẽ ấn định giới hạn rõ rệt cho các bổn phận của ông. Ông phải cứu giúp những ai  đây ? Người thân trong gia đình ? Người cùng chủng tộc ? Kẻ không thèm nói chuyện với ông ? Chúa Giê-su kết thúc trình thuật của mình bằng một câu hỏi hoàn toàn khác và đó là một điều có ý nghĩa : Trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận ? Chẳng khác gì nói : đừng tính toán xem ai là người thân cận của anh, nhưng hãy tự coi mình là người ở cận bên, người thân của người anh em đang cần đến anh, hãy nghe theo tiếng gọi anh cảm thấy đang thôi thúc mình. Bao lâu chúng ta còn coi điều răn yêu thương như một ràng buộc thì chúng ta chưa yêu thương như Thiên Chúa muốn.

Cảm thấy xúc động trước cảnh khốn quẫn của tha nhân mà thôi thì chua đủ để gọi là yêu thương. Chúng ta thấy người Sa-ma-ri ngừng lại ở một khúc đường nguy hiểm; anh trả tiền và liều phải gặp những nguy cơ khác nữa khi nhận thanh toán tất cả những chi phí cần thiết. Anh liều mạng không so đo, lại vì một người xa lạ nữa chứ. Có lần ông Martin Luther King (một mục sư người Mỹ da đen, đã bị ám sát vì lập trường bất bạo động của ông), ghi nhận tình thương không giới hạn trong việc trợ giúp những ai đau khổ. Ban đầu chúng ta phải là người Sa-ma-ri tốt lành đối với người gục ngã trên đường. Nhưng một ngày nào đó, chúng ta sẽ phải công nhận rằng con đường đi Giê-ri-khô phải được chỉnh đốn lại, để những đàn ông đàn bà đang đi trên đường đời không còn bị đánh đập và cướp bóc nữa.

Trong dụ ngôn này, một lần nữa, Chúa Giê-su kêu gọi các viên chưc nhà đạo và những ai tự phụ mình tôn trọng Lề Luật nên cảnh giác, vì thường thì trong thực tế, họ chẳng biết yêu thương. Mà chính một người Sa-ma-ri, kẻ thuộc một dân tộc khó thương và một tôn giáo lai căng, lại là người chăm sóc nạn nhân bị thương tích (trang 1768).

Bài đọc 2  (Cl 1,15-20): Đức cha Ba-tô-lô-mê-ô viết về bđ2 như sau : “Đây là một bài ca phụng vụ. Và như vậy tác giả của nó không thuần túy là nguyên của thánh Phao-lộ. Người đã có công đưa nó vào trong một bức thư của người để nó được truyền tụng tới thời ta. Có thể người đã sửa chữa và uốn nắn lại ra hình thức ngày nay…Áp dụng vào bài học bác ái thương người hôm nay chúng ta thấy phụng vụ dường như dạy chúng ta rằng: ai sống đạo thì phải thương người (đó là ý của BTM), nhưng những hành vi bác ái thật phải xuất phát trong lòng (bài học của sách Đnl, bđ1) và lòng con người phải kết hợp mật thiết với Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chịu chết và sống lại  đưa chúng ta  trở về lòng bác ái của Thiên Chúa đã dựng nên mọi loài trong hòa hợp yêu thương theo hình ảnh của Người công chính là ĐGK (bđ2) (Lời Chúa Các Chúa Nhật Năm C, trang 281-282).

Cầu nguyện

Lạy Chúa, Chúa cho kẻ lầm lạc

thấy ánh sáng chân lý của Chúa

để họ được trở về nẻo chính đường ngay

xin ban cho những người xưng mình là Kitô hữu

biết tránh mọi điều bất xứng

và theo đuổi những gì thích hợp với danh nghĩa của mình

Chúng con cầu xin nhờ Đưc Ki-tô, Chúa chúng con.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành