Chúa Nhật XV TN – Năm C


Chúa Nhật XV TN – Năm C

14-7-2019

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Thuận Yên

GIÁO HUẤN SỐ 33

Khi cái chết gây đau thương (tt)

Lịch Giáo Phận trang 88

Tôi hiểu nỗi thống khổ của người đã mất đi một người rất thân yêu, một người phối ngẫu đã từng chia sẻ với mình biết bao nhiêu điều. Chúa Giêsu đã xúc độngvà đã khóc tại đám tang của một người bạn (cf. Ga 11,33-35). Và làm sao chúng ta lại không hiểu được tiếng khóc than của người đã mất một đứa con? Quả thật khi ấy thời gian như ngưng lại, vực thẳm như mở ra nuốt lấy cái quá khứ và tương lai {…}. Và có khi đau đớn đến nỗi ta còn lên án Thiên Chúa. Biết bao người – tôi hiểu họ – nổi giận với Thiên Chúa. Góa bụa là một kinh nghiệm đặc biệt khó khăn {…}một số người cho thấy họ biết dồn sức lực  của mình nhiều hơn cho con cái, nhờ đó tìm ra được một sứ mạng  giáo dục mới qua lối biểu lộ tình yêu này {…}. Những người không có người thân để có thể cậy dựa và để nhận được tình cảm an ủi, họ cần được cộng đoàn Kitô hữu hỗ trợ với sự quan tâm đặc biệt và sẵn lòng giúp đỡ, nhất là khi họ lâm vào hoàn cảnh cùng cực (Niềm Vui của Tình Yêu số 254).

 ———————————–

Chúa Nhật XV TN – Năm C

(Đnl 30,10-14; Cl 1,15-20; Lc 10,25-37)

 

Trong số 118 vị thánh tử đạo VN, có hai cha con cùng tử đạo một ngày. Đó là thánh Đaminh Phạm Trọng Khảm và thánh Luca Phạm Trọng Thìn. Nếu kể thêm thánh Giuse Phạm Trọng Tả, người em thúc bá, thì gia đình họ Phạm có ba vị tử đạo cùng một ngày, ngày 13-1-1859.

Cả ba vị thánh sinh tại giáo xứ Quần Cống, tỉnh Nam Định, giáo phận Bùi Chu ngày nay. Cả ba đều tham gia vào việc điều hành giáo xứ.

Không bắt được Đức cha và các cha ẩn trốn trong xứ, nhưng tìm được áo lễ và ảnh tượng trong nhà các vị, nên quan tỉnh đã bắt ba vị, rồi trói dẫn về tỉnh.

Sau những ngày tra khảo tù tội, ba vị bị điệu ra pháp trường Bẩy Mẫu, Nam Định. Ba vị bị xử giảo, tức là bị cột dây thừng vào cổ kéo cho đến tắt hơi. Thánh Khảm thọ 80 tuổi, thánh Tả 60 tuổi và thánh Thìn 40 tuổi.

Khi còn sống, thánh Đaminh Phạm Trọng Khảm có lòng yêu người nghèo khổ. Dân xứ hằng ca ngợi rằng : “Gia nhân phải kiếm kẻ khó vào ngồi chung thì cụ mới ăn cơm”.

Thánh Tả cũng được tiếng thương giúp người nghèo. Dân xứ kể với nhau rằng : “Đầy tớ ông rất đông, chưa Tết ông đã đi thăm viếng từng nhà và cho tiền mừng tuổi rất hậu. Số tiền ấy thường gấp đôi số quà họ biếu. Tiền thóc gia nhân vay mượn ông thường cho một nửa, nếu túng quá thì cho luôn. Công nợ của dân trong làng cũng được châm chước như thế. Khi bà vợ lên tiếng cằn nhằn, ông bảo : ‘Mình quên nợ người, Chúa quên tội mình’”.

Bài TM : Gương yêu người của thánh Khảm và thánh Tả diễn tả câu chuyện “Người Samari Nhân Hậu” Chúa Giêsu kể, mà chúng ta đọc trong thánh lễ chúa nhật hôm nay.

Một hôm thầy thông luật, nghĩa là người giỏi Kinh Thánh, hỏi Chúa Giêsu : “Ai là người thân cận của tôi ?”, thì Chúa Giêsu kể câu chuyện “Người Samari Nhân Hậu”.

Có một người Do Thái đi dự lễ ở Đền Thờ Giêrusalem về Giêrikhô thì bị cướp đánh nhừ tử nằm trên đường. Thầy tư tế và thầy Lêvi  cùng là người Do Thái; còn là người đồng đạo, cũng đi dự lễ ở Đền Thờ Giêrusalem về, thế mà đã bỏ đi, không dừng lại giúp đỡ. Trái lại, người Samari  kẻ thù của người Do Thái, lại khác đạo, thế mà đã dừng chân, giúp đỡ người bị hoạn nạn.

Bđ1 : Lòng yêu người không phân biệt làng nước, không phân biệt đạo giáo, bởi vì Thiên Chúa đã đặt luật lệ trong lòng, trong lương tâm mỗi người. Oâng Môsê nói với dân Do Thái sắp sửa bước vào Đất Hứa : “Mệnh lệnh tôi truyền cho anh em hôm nay không ở trên trời…, không ở bên kia biển…, song ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành” (Đnl 30,12.13.14).

Bđ2 : Riêng đối với người Công giáo chúng ta, chúng ta phải noi gương Thiên Chúa mà yêu người. Lồi người chúng ta có tội tầy đình với Thiên Chúa. Thế mà Thiên Chúa không chấp tội, đã sai Đức Kitô xuống thế, chết để đền thay tội cho chúng ta. Trong bđ2 thánh Phaolô nhắc nhở giáo hữu Côlôsê : “Thiên Chúa đã muốn nhờ Đức Kitô mà làm cho muôn vật được hồ giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi lồi dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,20).

Mình quên nợ người, Chúa quên tội mình”, câu nói của thánh Giuse Phạm Trọng Tả với vợ gần giống với lời trong kinh Lạy Cha chúng ta thường đọc trên môi miệng : “Xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành