Chúa Nhật XVI Thường Niên Năm A


CN 16 TN A 

Ngày 23/7/2023

 

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Hội An

GÍAO HUẤN SỐ 35

HAI KẺ THÙ TINH VI CỦA SỰ THÁNH THIỆN

Ngộ Đạo Thuyết Hiện Đại (tt)

Khi thánh Phanxicô Assisi thấy rằng một số môn đệ của ngài liên can đến việc dạy học, ngài muốn tránh cái cám dỗ của ngộ đạo thuyết. Ngài viết cho thánh Antôn Pađua : ‘Tôi vui mừng về việc anh dạy thần học cho các anh em miễn là… anh không dập tắt tinh thần cầu nguyện và lòng đạo đức khi làm loại nghiên cứu này. Thánh Phaolô đã nhận ra mối cám dỗ của việc biến kinh nghiệm Kitô giáo thành một bộ bài tập  trí thức làm cho chúng ta xa cách sự tươi mát của Tin Mừng. Đàng khác, thánh Bonaventura chỉ ra rằng sự khôn ngoan Kitô giáo đích thực không bao giờ có thể bị tách rời khỏi lòng thương xót đối với người thân cận : ‘Sự khôn ngoan lớn nhất có thể, đó là biết chia sẻ những gì mình có để trao ban. Lòng thương xót là bạn đồng hành của khôn ngoan, thì cũng vậy, lòng tham lam là kẻ thù của nó’. Có những hoạt động  nếu được kết hợp với chiêm niệm thì sẽ không cản trở chiêm niệm, nhưng giúp chiêm niệm dễ dàng hơn, như những công việc của lòng thương xót và lòng mộ đạo (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 46).

LỜI CHÚA

(Kn 12,13-16; Rm 8,26-27; Mt 13,24-43)

Bài Ðọc I: Kn 12, 13. 16-19

“Người ban cho kẻ tội lỗi ơn ăn năn trở lại”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Ngoài Chúa, không có chúa nào khác chăm sóc mọi sự, ngõ hầu minh chứng rằng Chúa không đoán xét bất công. Vì chưng, sức mạnh của Chúa là nguồn gốc sự công minh, và vì Người là Chúa mọi sự, nên tỏ ra khoan dung với mọi người. Chúa chỉ tỏ sức mạnh Chúa ra khi có kẻ không tin vào uy quyền của Chúa, và triệt hạ kẻ kiêu căng không nhìn biết Người.

Vì là chủ sức mạnh, nên Chúa xét xử hiền lành, Chúa thống trị chúng ta với đầy lòng khoan dung: vì khi Chúa muốn, mọi quyền hành tuân lệnh Người. Khi hành động như thế, Người dạy dỗ dân Người rằng: Người công chính phải ăn ở nhân đạo, và Người làm cho con cái Người đầy hy vọng rằng: Người ban cho kẻ tội lỗi ơn ăn năn sám hối.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 85, 5-6. 9-10. 15-16a

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa nhân hậu và khoan dung

Xướng: Lạy Chúa, vì Chúa nhân hậu và khoan dung, giàu lượng từ bi với những ai kêu cầu Chúa. Lạy Chúa, xin nghe lời con khẩn nguyện, và quan tâm đến tiếng con van nài.

Xướng: Các dân tộc mà Chúa tạo thành, họ sẽ tới, lạy Chúa, họ sẽ thờ lạy Ngài, và họ sẽ ca tụng danh Ngài. Vì Ngài cao cả và làm những điều kỳ diệu; duy một mình Ngài là Thiên Chúa.

Xướng: Nhưng lạy Chúa, Ngài là Thiên Chúa từ bi, nhân hậu, chậm bất bình, rất mực khoan dung và thủ tín. Xin đoái nhìn đến con và xót thương con.

 

Bài Ðọc II: Rm 8, 26-27

“Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, có Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta. Vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho xứng hợp, nhưng chính Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả. Mà Ðấng thấu suốt tâm hồn, thì biết điều Thánh Thần ước muốn. Bởi vì Thánh Thần cầu xin cho các thánh theo ý Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 13, 24-30 {hoặc 24-43}

“Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: “Nước trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa lớn lên và trổ bông thì cỏ lùng cũng lộ ra. Ðầy tớ chủ nhà đến nói với ông rằng: “Thưa ông, thế ông đã không gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng từ đâu mà có?” Ông đáp: “Người thù của ta đã làm như thế”. Ðầy tớ nói với chủ: “Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ”. Chủ nhà đáp: “Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: “Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta”.

{Người lại nói với họ dụ ngôn khác mà rằng: “Nước trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. Hạt đó bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây, đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó”.

Người lại nói với họ một dụ ngôn khác nữa mà rằng: “Nước trời giống như men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men”.

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà phán những điều ấy với dân chúng. Người không phán điều gì với họ mà không dùng dụ ngôn, để ứng nghiệm lời tiên tri đã chép rằng: “Ta sẽ mở miệng nói lời dụ ngôn, Ta sẽ tỏ ra những điều bí nhiệm từ lúc dựng nên thế gian”. Sau khi giải tán dân chúng, Người trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe”. Người đáp rằng: “Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong Nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe”.}

Ðó là lời Chúa.

 

SUY NIỆM I

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Thầy Anrê-Phú Yên

Năm 1641 cha Đắc Lộ đến Phú Yên lần đầu tiên. Bà Gioanna, mẹ của thày Anrê đem con đến cho cha rửa tội tại nhà nguyện của bà Maria Mađalêna,vợ quan trấn Phú Yên . Hôm đó cha rửa tội 90 người. Cha kể : “Bà Gioanna, thân mẫu của thày giảng Anrê là một giáo hữu rất nhân đức của họ đạo Phú Yên. Bà rất chăm sóc cho việc giáo dục cho Anrê về đường đức hạnh và đường học vấn. Quả thực, mặc dầu góa bụa và đông con, bà đã lo cho cậu ngay từ những năm đầu được học chữ nghĩa kinh sử. Nhưng có một điều khiến  bà ngày đêm lo lắng là con út của bà đã khôn lớn mà chưa được rửa tội. Cha Đắc Lộ rửa tội và lấy tên thánh Anrê cho cậu út 16 tuổi.”.

Năm sau, năm 1642, cha Đắc Lộ đến Phú Yên Lần II. Cha kể : “Không mãn nguyện với bậc giáo hữu, thanh niên ấy nảy ý định tham gia vào việc làm cho nhiều người trở lại”. Bà Goanna đã đem Anrê đến cho cha và xin cha cho con mình được theo cha làm việc cho Chúa. Lúc đầu cha thấy Anrê còn nhỏ tuổi, mới 17 tuổi, lại mới rửa tội hồi năm ngoái, nên không nhận. Nhưng vì cả hai mẹ con cứ van nài, nên cha nhận Anrê vào Hội Thày Giảng gồm 10 người, đem về Hội An huấn luyện.

Tại Hội An thày bị bắt. Cha Đắc Lộ và các thương gia Bồ Đào Nha đến quan trấn Quảng Nam xin tha cho thày. Quan trấn trả lời : “Y bạo ngược và cả lòng, lại quyết mình không lầm và thưa rằng : Mình là bổn đạo thờ phượng Chúa trời đất, dù cách nào cũng không bỏ, lại sẵn sàng chịu mọi hình phạt, cả đến mất mạng sống. Ví bằng khi ấy y nói với tôi rằng : Mình là kẻ nghèo khó phải ở với giáo sĩ để có ăn, thì tôi đã tha, song cả lòng thì chết”.

5g chiều thày bị 30 người lính dưới sự chỉ huy của một cai đội, dẫn ra pháp trường Gò Sứ. Thày bị chém đầu tại đó.

Ngày 5-3-2000, trong bài giảng lễ phong Chân Phước, Đức giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã nói : “Tình yêu đối với Chúa, Ngài đã dùng tất cả sức lực để phục vụ Giáo Hội qua việc trợ giúp cho các linh mục. Ngài đã kiên trung đến dâng hiến máu đào để giữ nghĩa cùng Đấng mà Ngài đã dâng hiến tất cả”.

Như lời trong dụ ngôn “Kho Báu” và “Viên Ngọc”, thì thày Anrê đã “bán tất cả những gì mình có” để mua cho bằng được thiên đàng.

Đúng vậy, thày Anrê đã mong mỏi thiên đàng, đến nỗi trong tù Ngài nói : “Tôi tưởng cửa thiên đàng đã mở cho tôi. Tôi thấy Chúa Giêsu đang đứng trước cửa đó để đón nhận tôi. Bao nhiêu thánh tử đạo giơ cho tôi mũ triều thiên và cành thiên tuế. Ôi thiên đàng ! Hạnh phúc dường nào ! Mau mau cho tôi về thiên đàng. Tại sao người ta trì hoãn tôi làm vậy ?

xxx

Thiên đàng mà Thầy Anrê mong mỏi chính là ‘sự khôn ngoan’ trong bd91, là ‘cái lòng’ trong BTM, là ‘Thánh Thần’ trong bđ2.

xxx

Bài đọc 1(Kn 12,13-19) : Cha Kevin O’Sullivan viết về bđ1 : ‘Sách Khôn Ngoan được viết do một người Do Thái biết nói tiếng Hy lạp, có lẽ sống ở thành phố A-léc-xan-ri-a nước Ai cập vào đầu thế kỷ 1 trước Công nguyên. Ông là người Do thái. Ông trung thành với Thiên Chúa của tổ tiên (9,1), ông hãnh diện thuộc dòng giống thánh thiện và không tỳ vết (10,15). Ông trích dẫn bản Kinh Thánh cổ, bản  70, bản tiếng Hy lạp và biết triết lý Hy lạp. Sách của ông được viết để rao truyền sự khôn ngoan của Thiên Chúa, sự khôn ngoan này là nguồn mạch mọi sự khôn ngoan. Trong sự khôn ngoan, Ngài tạo dựng và điều khiển vũ trụ. Khôn ngoan là căn bản của mọi nhân đức. Khôn ngoan là đường dẫn đến Thiên Chúa và đời sống mai hậu. Đời sống hiện tại là để sửa soạn  cho cuộc sống mai sau : người đạo đức được sống với Thiên Chúa, còn người tội lỗi bị Thiên Chúa phạt (3,9-10) (The Sunday Readings, trang 279).

Bài Tin Mừng(Mt 13,36-43) : Cha Nguyễn Công Đoan giải thích về BTM như sau : ‘Chúng ta bất ngờ được biết rằng các môn đệ cũng không hiểu dụ ngôn cỏ lùng muốn nói gì, và cũng được biết phần tiếp theo là giáo huấn ở nhà, cho người trong nhà. Với người trong nhà thì Chúa gọi đích danh mọi sự : ‘Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái ác thần . Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần’. Tất cả công việc của thợ gặt do các thiên thần thi hành. Chúa giải thích thêm về số phận con cái ác thần: ‘Con người sẽ sai các thiên thần của Người gom mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác mà tống ra khỏi nước của Ngài, rồi quẳng chúng vào lò lửa, ở đó chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng’…

Thật đáng sợ! Tôi chưa nói tiên tri, chưa làm phép lạ! Nhưng cũng thật an ủi, vì Chúa đòi điều dễ hơn: làm tròn ý muốn của Cha trên trời. Trong bài giảng cánh chung, nói về ngày phán xét, Chúa cũng phán xét theo việc làm.: ‘Mỗi lần các ngươi làm như thế cho mỗi người anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy’.Ngược lại : ‘Mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy’ (Mt 25,40-45).

Chúng ta không khỏi thắc mắc: ở đây thì Chúa bảo được vào Nước Trời hay bị quăng ra ngoài là do việc làm : làm theo ý Thiên Chúa hay làm theo điều gian ác. Ở trên kia thì Chúa bảo rằng mọi người sẽ bị phán xét về mọi lời miệng nói ra: ‘Đến ngày phán xét người ta sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói. Vì nhờ lời nói của anh mà anh sẽ được trắng án; và cũng tại lời nói của anh mà anh bị kết án’ (Mt 12,36-37). Chúa có tự mâu thuẫn không ? Người ta bị phán xét về lời nói, bởi vì nó bộc lộ lòng người ta: ‘Lòng đầy miệng mới nói ra”, ‘xem quả biết cây’. Việc làm cũng biểu lộ lòng người ta; lòng có tuân phục ý Thiên Chúa thì việc làm biểu lộ sự tuân phục; còn lòng không tuân phục thì có làm được phép lạ cũng chẳng nghĩa lý gì.  Rốt cuộc thì lòng mới là gốc, lời nói và hành động bộc lộ lòng người ta. Thiên Chúa thấu suốt lòng người ta, nên lòng không thật thì lời nói hay việc làm có vẻ tốt đẹp. Việt Nam nói : ‘Lấy vải sô che mắt thánh’. Các ngôn sứ từng quở ttrách dân Cựu Ước : ‘Dân này chỉ đến gần Ta bằng miện, tôn vinh Ta bằng môi, còn lòng chúng thì xa Ta lắm (Is 29,13) (Tĩnh Tâm Sách Tin Mừng Mát-thêu, trang 112-114)

Bài đọc 2 (Rm 8,26-27) : Cha Sullivan viết : ‘Bài đọc hôm nay, thánh Phao-lô nói với những tân tòng Rô-ma rằng họ đang đi trên đường về đời sống vĩnh cửu, nhưng còn ở trên đường, thì họ còn gặp nhiều chướng ngại phải vượt qua. Bằng sự kiên nhẫn, hy vọng và cầu nguyện, họ đi tới đích đời đời. Trong bài đọc hôm nay, thánh Phao-lô nói với họ và chúng ta rằng Thánh Thần luôn ở bên chúng ta, giúp đỡ chúng ta : ‘Vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa’ (Rm 8,27). (Sđd, trang 281).

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

xin tỏ lòng nhân hậu với các tín hữu Chúa

và rộng tay ban phát mọi ơn lành,

để chúng con thêm lòng tin cậy mến

mà chuyên cần tuân giữ những điều Chúa truyền dạy.

Chúng con cầu xin.

 

SUY NIỆM II

LÚA TỐT LÀ THIỆN THẮNG CỎ LÙNG LÀ TỘI TRONG TA

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Là người Á đông, là người Việt Nam chắc anh chị em ai ai cũng biết tấm Bát Quái treo trước cửa nhà của anh chị em lương dân. Chúng ta thấy trung tâm của tấm Bát quái là hình tròn có hình âm dương, nửa màu trắng có một chấm đen, nửa màu đen có một chấm trắng. Đặc tính của chủ thuyết âm dương này là Dương là Động, nóng, sáng, trong, nhẹ, khô ráo, cứng, mạnh, tiến đi xa, mau lẹ, mở. Còn Âm  là Tĩnh, lạnh, tối, đục, nặng, ẩm ướt, mềm, yếu, lùi trở lại, chậm chạp, đóng. Từ đó người ta đưa vào trong quan niệm phần xác và phần hồn (tinh thần) của con cũng có âm dương. Phần xác âm dương nơi hệ thống kinh huyệt, còn tinh thần thì đó là cương nhu, thượng hạ hay thiện ác…

Vâng, nơi mỗi tâm hồn, mỗi cộng đồng, mỗi xã hội luôn có thực tại thiện ác này hiện diện. Mỗi người, mỗi cộng đồng và thế giới luôn bị giằng co, lôi kéo bởi hai ma lực, hai khuynh hướng, hai trào lưu nội tâm trái nghịch nhau, một kéo về hướng tốt, một kéo về phía xấu. Chính Thánh Phaolô cũng đã cảm nghiệm được thực tại ấy nơi con người của mình nên Ngài nói: “Những điều tốt tôi muốn làm thì tôi không làm, trong khi những điều xấu tôi không muốn làm thì tôi lại làm“.

     Qủa thế, trong mỗi người chúng ta có phần thiện (tốt lành, vị tha, thánh thiện) và bên cạnh đó cũng có phần ác (xấu xa, vị kỷ, tội lỗi). Làm sao để phần thiện bừng cháy lên, đánh tan hoàn toàn phần ác kia đi. Đó chính là vấn đề mà dụ ngôn cỏ lùng trong Tin Mừng theo thánh Matthêu, Chúa Giêsu muốn nêu và dạy cho chúng ta bài học lấy thiện thắng ác, lấy thánh thắng tội lỗi, như chàng thanh niên Phaolô tàn ác với Đạo Chúa như khi gặp được Chúa anh ta trở lại với Chúa, yêu Đạo Chúa sống thiện và thành Thánh Phaolô vĩ đại của Đạo Công giáo chúng ta hôm nay.

Thánh Kinh cho biết ngay từ thuở ban đầu Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ vạn vật và con người đều tốt đẹp. Nhưng Thánh Kinh cũng cho chúng ta biết ngay từ buổi đầu, chính Satan đã cám dỗ Tổ tông loài người bất tuân lệnh Chúa và từ đó tội lỗi xâm nhập vào loài người. Cho nên, Chúa Giêsu hôm nay nói rằng: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người (viết hoa, chính là Chúa Giêsu). Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là quỷ dữ. Thế thì tại sao Thiên Chúa không huỷ diệt sự ác ngay lập tức mà lại để cho sự ác hiện hữu, tác động xấu trên con người và xã hội chúng ta? Vâng, Thiên Chúa có nhiều lý do để hành động như thế đối với chúng ta là những người tốt cũng như xấu. Trước hết vì Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, không nỡ bẻ gẫy cây sậy đã dập, không dập tắt tim đèn còn khói. Thiên Chúa là vị mục tử nhân lành, giàu lòng thương xót cho nên dù có phải bỏ lại chín mươi chín con chiền lành cũng phải bỏ để phải đi tìm một con chiên lạc, dù đứa con có hoang đàng, Thiên Chúa vẫn ngày ngày đứng ngóng đợi đứa con hoang trở về xin lỗi để được thứ tha vì  chỉ có Chúa là Chúa con thờ, ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc! Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con, chính Ngài nắm giữ” (Tv 15,2.5). Vì thế, Thiên Chúa biết và tin rằng người xấu có thể thay đổi thành người tốt, người tội lỗi có thể trở nên người công chính, nhờ hồng ân của Thiên Chúa và sức mạnh của Thánh Thần, như Lời Chúa trong Chúa trong bài đọc 1 khẳng định: “Thiên Chúa xử khoan hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh. Ngài lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản chúng ta. Ngài đã cho con cái niềm hy vọng tràn trề là người có tội được Ngài ban ơn sám hối”. Cụ thể, ông Matthêu và Da-kêu phút trước còn là một nhân viên thu thuế tội lỗi, phút sau đã trở thành môn đệ Chúa. Người trộm lành phút trước còn là tên trộm dữ, phút sau đã là người được Đức Giêsu đưa vào thiên đàng hưởng hạnh phúc bên Chúa hay chúng ta trước là tội nhân nhưng sau khi lãnh Bí Tích Hoà giải, Chúa tha tội và làm chúng ta được giao hoà với Chúa và với anh chị em chúng ta với nhau. Như thế rõ ràng nhờ ơn Chúa, chúng ta hãy lấy sự thiện mà tiêu diệt sự ác, sự tội nơi chúng ta, nơi tha nhân và xã hội. Vấn đề là làm thế nào để phát triển sự Thiện và tiêu diệt sự ác nơi mình, nơi tha nhân và trong xã hội?

Thưa bằng cách chúng ta phải khiêm tốn nhìn lại chính mình trong cung cách đối nhân xử thế của chúng ta với mọi người bởi vì không ai trong chúng ta hoàn toàn là thánh thiện và tốt cả. Chính sự khiêm tốn nhìn nhận chính mình, chúng ta mới nhận ra một nửa lúa tốt là sự thánh thiện và nửa cỏ lùng là tội lỗi trong chúng ta. Nửa lúa tốt là lòng yêu thương, bác ái, nhân hậu, từ bi, quan tâm giúp người; nửa cỏ lùng là ích kỷ, hận thù, dục vọng… Nửa lúa tốt là khiêm nhường, hiền lành, nửa cỏ lùng là kiêu căng, tự mãn, coi thường tất cả. Nửa lúa tốt là trong sạch, khiết tịnh, tiết độ, nửa cỏ lùng là tham sân si, lạc thú cờ bạc rượu chè gái gú… Nửa lúa tốt là công lý và hoà bình, nửa cỏ lùng là bất công và bất hiếu, bất hoà trong gia đình hay xã hội.

Người ta thường nói: “Nhân vô thập toàn”, còn Chúa Giêsu nói: “chẳng có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa” (Lc 18,19). Vì thế, chẳng có ai trên trần gian này hoàn toàn tốt lành, vị tha, thánh thiện cả; mà cũng chẳng có ai hoàn toàn xấu xa, vị kỷ, tội lỗi. Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, chúng ta phải luôn chăm sóc những lúa tốt là các nhân đức nơi con người chúng ta bằng cách sống “hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong chúng ta người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho chúng ta, thì chúng ta cũng vậy, chúng ta phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, chúng ta phải có lòng bác ái” (Cl 3, 13-4) vì chưng: “Yêu thương thì không làm hại người đồng lọai; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13,10). Và bên cạnh sống các nhân đức ấy, chúng ta còn phải tỉnh thức, cầu nguyện và sám hối để nhờ ơn Chúa, chúng ta sẽ dần dần loại trừ được cỏ lùng là tội lỗi, tính thư tật xấu nơi con người chúng ta. Có như thế đến mùa gặt, tức là khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay, đến trước toà phán xét, chúng ta sẽ được Chúa nhân từ âu yếm nói với chúng ta: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, hãy vào hưởng sự vui mừng với Chúa ngươi”.  Trong niềm tin ấy, mời cộng đoàn cùng tuyên xưng Đức Tin

 

SUY NIÊM III

LÀ HẠT LÚA GIỮA CỎ LÙNG

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

            Hình ảnh cây lúa và cỏ lùng trong dụ ngôn Chúa Giê-su dùng để giảng giải về Nước Trời cho những người nông dân vùng Israel đang hiện tỏ trong thời đại chúng ta. Chúa gieo hạt giống Tin Mừng vào thế giới, với hy vọng có mùa truyền giáo bội thu, thì ngược lại, ma quỷ gieo cỏ lùng tục hóa vào thế giới, với mục đích làm chết ngạt đức tin nơi các tín hữu hay làm giảm thiểu tối đa kết quả truyền giáo. Tình trạng càng khó khăn hơn, khi ông chủ không cho nhổ cỏ lùng lúc này, mà “hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt” (Mt 13,30), nghĩa là các tín hữu cứ chấp nhận sống giữa thế giới tục hóa này cho đến ngày tận cùng của thế giới. Tại sao Chúa muốn các tín hữu sống giữa thế giới tục hóa này như hạt lúa mọc lên giữa cỏ lùng? Các Ki-tô hữu phải sống sao giữa thế giới này?

  1. Thế giới tốt đẹp bị cỏ lùng tục hóa

            Thiên Chúa muốn những người theo Chúa sống giữa thế giới tục hóa này cho đến ngày tận thế, bởi thế giới này cũng là thế giới do Thiên Chúa tạo dựng. Thiên Chúa tạo dựng nên mọi sự tốt đẹp, không chỉ vẻ đẹp bên ngoài nơi thiên nhiên hay nơi con người mà ai cũng có thể ngạc nhiên, Ngài còn đặt để trong mỗi con người vẻ đẹp “giống hình ảnh” Ngài, một khao khát và hạnh phúc tìm kiếm Thiên Chúa liên lỉ.

Thiên Chúa còn xem thế giới này là nhà của Ngài. Như người họa sĩ cảm thấy xưởng vẽ như nhà của mình, mỗi người xem căn nhà mình làm nên là nhà của mình, thì Thiên Chúa cũng cho biết thế giới do Ngài tạo dựng này là nhà của Ngài (x. Ga 1,11). Vì thế, Giáo Hội nhìn nhận những nét đẹp trong các dân tộc, các nền văn hóa và các tôn giáo phù hợp với Tin Mừng là những hạt giống Lời Chúa gieo vào thế giới này từ thuở ban đầu.

Tuy nhiên, theo Tin Mừng, trong đám ruộng không chỉ có lúa, mà còn có cỏ lùng, một thứ cỏ rất giống cây lúa non. Thế giới này, thế giới rộng khắp hay thế giới thu nhỏ là gia đình, là giáo xứ, không chỉ có hạt giống Tin Mừng hay sự thánh thiện, mà còn có tội lỗi, có trào lưu tục hóa, có những phong trào bài bác Thiên Chúa, có đông người rời xa Thiên Chúa. Do đâu mà có cỏ lùng giữa đám ruộng lúa? Do đâu mà giữa thế giới Thiên Chúa tạo dựng tốt đẹp vào thuở ban đầu nay lại bầy nhầy sa đọa như thế? Do đâu mà nhiều gia đình hay giáo xứ trước đây tốt đẹp, nay lại không còn vẻ tươi sáng của Ki-tô giáo? Chúa Giê-su trả lời: do ma quỷ. Và chắc chắn còn do những kẻ tự nguyện làm đồ đệ của ma quỷ.

Thế giới này trần tục bởi trong lúc ma quỷ chực chờ gieo cỏ lùng, thì mọi người say ngủ. Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh điều đó. Thế giới lớn nhỏ này tốt đẹp vì xuất thân từ bàn tay thánh thiện của Thiên Chúa, nhưng nó trần tục vì chúng ta làm cho nó trần tục, vì chúng ta chểnh mảng hay tự mãn nên đã cho các trào lưu tục hóa cơ hội lan tràn vào tận nhiều gia đình.

            Dẫu vậy, Thiên Chúa vẫn yêu thương thế giới này. Thiên Chúa đã nói với ngôn sứ Giôna: “Lẽ nào Ta lại không thương hại Ninivê, thành phố lớn, trong đó có hơn hai trăm ngàn người không phân biệt được phải trái và lại có rất nhiều thú vật hay sao?” (Gn 4,11). Huống hồ cả thế giới! Thiên Chúa kiên tâm chờ đợi mọi người trong thế giới cho đến ngày tận thế. “Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt.” Vì thế, như cỏ lùng mọc xen trong ruộng lúa, Ki-tô hữu sống giữa thế giới vừa có hạt giống Tin Mừng của Chúa gieo vào, vừa bị ma quỷ tục hóa. Câu hỏi được đặt ra cho mỗi chúng ta: Chúa muốn Ki-tô hữu phải sống thế nào giữa thế giới này?

  1. Cây lúa phải sinh hoa kết hạt

            Rất khó phân biệt cỏ lùng với lúa non. Cả hai đều có hình dáng lá và màu sắc tương tự. Khi cả hai ở cạnh nhau, rễ chúng quấn lấy nhau và lớn lên, nhưng chỉ cây lúa mới sinh hoa kết hạt và được thu vào lẫm. Cũng vậy, chỉ có những Ki-tô hữu đích thực mới sinh hoa kết quả như lòng Chúa mong muốn. “Cứ xem họ sinh hoa quả nào thì biết họ là ai” (Mt 7,16). Người ta không thể tìm được bông lúa nơi cây cỏ lùng, người ta cũng không thể tìm được hoa trái thiêng liêng nơi những người chỉ nói “lạy Chúa, lạy Chúa,” nơi những Ki-tô hữu ghi danh mà không sống đức tin hay nơi những người buông thả cho satan gieo vào tâm trí ý hướng bài bác Thiên Chúa và lời dạy của Ngài.

Ở ruộng thế gian này, chỉ có Ki-tô hữu sinh hoa trái mới minh chứng họ thuộc về Thiên Chúa, bởi Chúa sai họ đi và mang lại hoa trái. Thiên Chúa không muốn chúng ta là cỏ lùng, nhưng là lúa sinh hoa trái thiêng liêng giữa thế gian này. Vậy làm thế nào để sinh hoa trái? Trước hết mỗi chúng ta cần ghi nhớ: Thiên Chúa là Đấng gieo hạt giống lời Chúa cho nhân loại. Thiên Chúa cần tâm hồn chúng ta trở thành mảnh đất tốt để hạt giống nẩy mầm và lớn lên. Giáo lý, lời Chúa và ơn thánh của Chúa được gieo trong chúng ta. Nhưng, chỉ phút giây không tỉnh thức, ma quỷ gieo những lạc thuyết vào đời chúng ta và chúng ta phải trả giá vì có nhiều thứ cỏ lùng làm chết đức tin của chúng ta. Trái lại, nếu chúng ta như các Ki-tô hữu đầu tiên tại Giêrusalem và tại Rôma, tụ họp nhau cử hành thánh lễ và cầu nguyện, nghe và sống lời Chúa, chuyên cần nghe giáo huấn của Giáo Hội và luôn ý thức truyền giáo mỗi ngày, mỗi Ki-tô hữu sẽ sinh nhiều hoa trái thiêng liêng giữa thế giới tục hóa này. Nếu hơn 6 triệu người Công Giáo Việt Nam đều sinh hoa trái Phúc Âm, thì điều gì sẽ xảy ra cho đất nước này và cho mọi gia đình? Chắc chắn Chúa bằng lòng về chúng ta.

Xin Chúa cho chúng con ý thức Chúa chọn chúng con là tông đồ giữa thế giới đầy cỏ lùng này, để chúng con ra sức truyền giáo. Mỗi ngày Chúa chờ đợi chúng con sinh hoa trái thiêng liêng. Xin cho chúng con làm đẹp lòng Chúa.