Chúa Nhật XVI Thường Niên – Năm A
CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN – NĂM A
19-7-2020
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Hòa Cường
GIÁO HUẤN SỐ 33
CÁC THÁNH TRẺ (tt)
Xuyên qua sự thánh thiện của người trẻ, Giáo hội có thể làm tươi trẻ lại lòng sốt mến thiêng liêng và khí thế tông đồ của mình. Dầu thơm thánh thiện lấy từ Đời sống tốt lành của vô số người trẻ, đưa chúng ta trở về với sự viên mãn của tình yêu mà ta luôn luôn được mời gọi: Các thánh trẻ thôi thúc chúng ta lấy lại tình yêu thuở ban đầu (x. Kh 2,4). Một số vị thánh đã không bao giờ đạt tới độ tuổi trưởng thành, nhưng các ngài cho chúng ta thấy rằng có một cách khác nữa sẽ sống tuổi trẻ của chúng ta. Ta hãy nhìn lại ít nhất một số vị thánh qua dòng lịch sử. Sebastinô là một chỉ huy trẻ của Đội Cận vệ Hoàng đế. Người ta kể rằng ngài thường xuyên nói về Đức Kitô và cố giúp đồng đội mình trở lại đạo, đến mức ngài bị truyền lệnh phải bỏ đức tin của mình. Từ chối tuân lệnh ấy ngài bị bắn nhiều mũi tên, nhưng ngài sống sót và vẫn tiếp tục bình tĩnh rao giảng về Đức Kitô. Cuối cùng Sebastinô bị đánh đòn cho đến chết (Tông huấn Đức Kitô hằng sống số 50&51).
————————————-
CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN – NĂM A
(Kn 12,13.16-19; Rm 8,26-27; Mt 13,24-43)
Giáo phận Đà Nẵng chúng ta sắp mừng cuộc tử đạo của Thầy An-rê Phú Yên. Đứng đàng sau cuộc tử đạo của Thầy là bà Tống Thị. Bà là hình ảnh “cỏ lùng” trong bài Tin Mừng thánh lễ hôm nay.
Thầy An-rê Phú Yên bị bắt: Cha Võ Đình Đệ, Qui Nhơn, kể: Ngày 25 tháng 7 năm 1644, ông Nghè Bộ cho lính đến Cư sở Dòng Tên tại Hội An tìm bắt thầy I-nha-xi-ô theo lệnh bà Tống Thị. Hôm ấy Cha Đắc Lộ và thầy I-nha-xi-ô cùng với 04 thầy khác đang đi làm việc tông đồ, thầy An-rê Phú Yên ở nhà săn sóc 04 thầy trong nhóm đang bị bệnh. Toán lính không tìm thấy thầy I-nha-xi-ô, Thầy An-rê bạo dạn nói với toán lính: “Nếu các ông muốn bắt thầy I-nha-xi-ô thì vô ích, vì I-nha-xi-ô không có ở đây. Còn muốn bắt tôi thì rất dễ dàng, tôi là tín hữu, hơn nữa là thầy giảng. Tôi có cả hai tội mà các ông khép cho thầy I-nha-xi-ô để bắt thầy ấy. Nếu thầy ấy có tội thì tôi làm sao vô tội được”. Toán lính không bỏ lỡ cơ hội, họ bắt và trói thầy An-rê như chiên hiền lành không chống cự. Sau đó toán lính xúc phạm đến các ảnh thánh, thầy khuyên can họ: “Nếu các ông quyết định lấy những ảnh thánh ấy, thì cứ để tôi sắp xếp cẩn thận cho, càng dễ mang đi”. Thầy An-rê được cởi trói để làm điều thầy nói, sau đó thầy đưa tay cho lính trói thầy trở lại. Đã làm những điều ấy nhưng lính chưa thỏa mãn, lính lôi một thầy đang đau nằm trên giường, định bắt giải đi. Thầy An-rê dịu ngọt thuyết phục, họ để cho thầy ấy được tự do, còn chính người van xin biện hộ cho anh em thì lên đường khổ nạn”.
Tống Thị là ai? Ông Phan Khoang đã trích dẫn theo Nguyễn Khoa Chiêm: “Tống Thị xinh đẹp, tính tình lẳng lơ, ăn nói khéo léo, thật là một người đàn bà kỳ quái. Không phải y thị chỉ mê hoặc được hai em chồng là chúa Thượng và chưởng cơ Nguyễn Phước Trung, mà còn gián tiếp làm cảm động được Trịnh Tráng. Vì chúa Nguyễn Phúc Lan say mê y thị mà nhân dân Thuận Hóa phải khốn khổ một thời gian… Y thị lợi dụng thế chúa, bóc lột của dân đem về nhà riêng, tích trữ như núi, các công khanh đều tức giận. Cho vui tuổi già, chúa chơi bời xa xỉ, yến tiệc luôn luôn. Lại muốn dựng lầu cao để cùng Tống Thị vui tuổi già” (Cao Thế Dung, Việt Nam Công Giáo Sử Tân Biện, tập I, trang 427).
Tống Thị ghét đạo Hoa Lang: Ông Cao Thế Dung viết: “Tống Thị ghét đạo Hoa lang không có lý do nào khác hơn là căm thù Minh Đức Vương Thái Phi, một quyền uy tinh thần trong cung đình dưới đời Nguyễn Phúc Lan… Tống Thị ăn ở với chúa Thượng bất chính, lại còn tự nhận là chánh phu nhân, chắc chắn không thể được Minh Đức chấp nhận. Tống Thị không thể làm gì khác hơn được vì quyền quân quốc nằm trong tay con trai Minh Đức, ông Nguyễn Phúc Khê” (Sđd, trang 422).
Tống Thị ghét thầy Inhaxiô (Y-nha-xô): Ông Cao Thế Dung còn cho biết: “Giáo sĩ Sac-ca-nô, đến xứ Nam ngày 11-2-1646 để thay thế giáo sĩ Đắc Lộ, cho biết: Tống Thị có lần tham dự cuộc tranh luận Đạo giữa Y-nha-xô và vị đạo sĩ mà Tống Thị có cảm tình. Vị đạo sĩ thua, xấu hổ rút lui. Bà sinh lòng oán hờn và thù ghét Y-nha-xô. Thường tình đàn bà tức giận thì hay báo thù. Bà ra mật lệnh cho chân tay tìm mọi cách hãm hại thầy Y-nha-xô” (Sđd, trang 426).
Bài đọc 1: Nhóm CGKPV giới thiệu sách Khôn Ngoan đọc trong bđ1 như sau: “Tác giả không phải là triết gia, cũng không phải là nhà thần học. Ông là một hiền nhân Ít-ra-en. Vì thế, cũng như các bậc tiền bối, ông khuyên người ta tìm kiếm sự khôn ngoan. Sự khôn ngoan này xuất phát từ Thiên Chúa, nhờ cầu nguyện mà có được. Sự khôn ngoan này là nguồn mạch các nhân đức và đem lại mọi sự tốt lành” (Kinh Thánh 2011, trang 1386).
Bài đọc hôm nay đề cao sự khoan hồng và lượng từ bi của Thiên Chúa:
Chúa xử khoan hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh
Ngài lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản chúng con (12,18).
Đọc câu chuyện người ta bắt thầy Anrê, chúng ta thấy thầy Anrê như “con chiên hiền lành” bị đem đi giết.
Bài Tin Mừng: Cuộc đối thoại giữa ông chủ và đầy tớ trong dụ ngôn “cỏ lùng” trong BTM làm sáng tỏ sự khoan hồng và từ bi của Thiên Chúa. Người đầy tớ nói với ông chủ: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?”. Ông chủ đáp: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.”
Nhóm CGKPV giải nghĩa: “Dụ ngôn cỏ lùng muốn nói tới tình trạng Nước Trời (Giáo Hội) ở trần gian lẫn lộn người lành kẻ dữ. Các thừa tác viên trong Giáo Hội phải biết kiên nhẫn trước sự kiện đó. Thời gian là yếu tố quan trọng và cần thiết cho sự triển nở của Nước Trời. Thiên Chúa kiên nhẫn chính là để người ta được cứu độ” (KT 2011, trang 2156).
Câu chuyện tử đạo của thầy Anrê là hình ảnh “người lành kẻ dữ”, là “cỏ lùng cây lúa” sống chung với nhau hiền lành, khoan hồng từ bi.
Bài đọc 2: Bđ2 là đoạn thư thánh Phaolô gửi các tín hữu Rô-ma. Đoạn thư nói đến vai trò của Chúa Thánh Thần. “Chúa Thánh Thần nguyện giúp cầu thay cho dân Chúa theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8,27). Trong cuộc sống gặp cỏ lùng, đau khổ, và thử thách, chúng ta chẳng biết cầu cứu ai đây, thì Thánh Thần Chúa cầu thay nguyện giúp chúng ta. Đọc chuyện thầy An-rê, trong lao tù khổ đau, thầy đã lần chuỗi, để tìm sự nâng đỡ ủi an.
Lạy Thầy An-rê xin cầu cho Đà Nẵng chúng con.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành