Chúa Nhật XVI Thường Niên Năm B


PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

Gr 23, 1-6; Ep 2, 13-18; Mc 6, 30-34

Bài Ðọc I: Gr 23, 1-6

“Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên Ta, và cho chúng có những chủ chăn”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Chúa phán: “Khốn cho các mục tử làm tản mát và xâu xé đoàn chiên Ta. Vì thế, Chúa là Thiên Chúa Israel phán cùng các mục tử chăn dắt dân Ta rằng: “Các ngươi đã phân tán xua đuổi và không trông nom đoàn chiên Ta”. Chúa lại phán: “Vậy Ta sẽ xét xử những hành động gian ác của các ngươi. Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên Ta từ khắp các xứ mà Ta đã phân tán chúng, Ta sẽ lùa chúng về đồng cỏ, để chúng lớn lên và tăng số. Ta sẽ cho chúng có những chủ chăn để họ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn sợ hãi và kinh hoàng, và chúng không còn thiếu thốn gì nữa”.

Chúa còn phán rằng: “Này đây, đã tới những ngày Ta gây cho Ðavít một mầm giống công chính, mầm giống này sẽ làm vua thống trị, sẽ là người khôn ngoan, thực hiện công lý và đức công bình trên đất nước. Những ngày ấy, Giuđa sẽ được cứu thoát, Israel sẽ được an cư, và chúng sẽ gọi tên Người là “Chúa công bình của chúng ta”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6

Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).

Xướng: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng.

Xướng: Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Người, đó là điều an ủi lòng con.

Xướng: Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa.

Xướng: Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.

Bài Ðọc II: Ep 2, 13-18

“Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, xưa kia anh em là những kẻ ở xa, thì nay trong Ðức Giêsu Kitô, anh em đã nên gần nhờ bửu huyết của Người. Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một, đã phá đổ bức tường ngăn cách, tiêu diệt sự hận thù trong thân xác của Người, tức là bãi bỏ lề luật cũ với những thể lệ để kiến tạo cả hai nên một người mới, đem lại bình an, dùng thập giá giải hoà hai dân tộc trong một thân thể với Thiên Chúa. Nơi Người, mối thù nghịch đã bị tiêu diệt, và Người đã đến loan báo Tin Mừng bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Và chính nhờ Người mà chúng ta đôi bên được đến gần Cha trong cùng một Thần Trí.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 8, 12

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 6, 30-34

“Họ như đàn chiên không người chăn”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy. Người liền bảo các ông: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”. Vì lúc ấy dân chúng kẻ đến người đi tấp nập, đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài.

Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều.

Ðó là lời Chúa.

 

SUY NIỆM I

ĐI CHỮA LÀNH

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Ngày nay, chúng ta thấy trên các trang mạng xã hội hay ở môi trường sống  xuất hiện trào lưu “đi chữa lành” rất nhiều nhất là các gia đình trẻ và người trẻ. “Đi chữa lành là sao?” “Chữa lành” là thuật ngữ dùng để thể hiện các biện pháp hàn gắn, phục hồi sức khỏe, thể chất cũng như tâm lý, tình cảm con người sau các tổn thương, bất an và căng thẳng do áp lực cuộc sống: Công ăn việc làm, kinh tế, tình cảm đỗ vỡ, gia đình vợ chồng con cái bất hòa… Do đó họ muốn đi đến một nơi thiên nhiên thanh vắng, không điện thoại không ồn ào náo nhiệt để chữa lành thể xác và tinh thần hầu thoát ra khỏi những áp lực và căng thẳng, được xoa dịu, chữa lành những tổn thương trên.

Thiên Chúa dựng nên vũ trụ có đêm có ngày. Ngày để con người làm việc và đêm để con người nghỉ ngơi phục hồi sức lực. Con người có đời sống riêng tư những cũng có đời sống xã hội. Có lúc phải ra ngoài với đời để lao động kiếm ăn cơm áo gạo tiền nhưng cũng có lúc phải rút lui vào chốn riêng tư để sống cho mình. Nhịp hai chi phối đời sống con người ấy cũng chi phối những hoạt động thiêng liêng của người môn đệ Chúa. Trong bài Tin Mừng Chúa nhật tuần trước, ta đã thấy Đức Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, hoạt động cứu độ con người. Hôm nay, khi các ông về tường trình lại những việc đã làm. Người bảo các ông tìm chỗ vắng vẻ mà nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi trong cầu nguyện đó là phương pháp chữa lành thể xác và tâm hồn mà Thiên Chúa thời Cựu ước, Sách Sáng thế dạy Thiên Chúa làm việc sáu ngày, ngày thứ bảy Chúa nghỉ ngơi. Rồi đến thời Tân ước, hôm nay Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cách đây hơn 2000 năm rồi chứ đâu phải hôm nay mới phát minh ra phương thức đi chữa lành. Vì vậy, hôm nay Chúa Giêsu dạy 2 nhịp sống của người môn đệ của Chúa Giêsu phải ăn khớp và hài hòa với nhau trong cuộc sống đó là hoạt động và cầu nguyện.

Lý do Chúa Giêsu bảo các môn đệ đến nơi thanh vắng để chữa lành bởi vì sau khi các ông ra đi rao giảng khắp nơi, các ông trở về chắc chắn các môn đệ đã mệt mỏi, thêm vào đó, Tin Mừng cho biết các ông không còn thời giờ ăn uống, vì có rất nhiều người đến xin các ông dạy dỗ và chữa bệnh. Chúng ta thấy Chúa quan tâm đến các môn đệ và cảm thông với những vất vả của các ông. Nhưng đáng chú ý ở đây, Chúa quan tâm đến con người hơn là công việc. Ngài muốn các ông hãy dành một chút nghỉ ngơi cho thân xác, một chút lắng đọng cho tâm hồn, để tách mình ra khỏi đám đông, để sống tình với Chúa, tương giao mật thiết với Chúa và với nhau. Tức là Chúa khuyên các môn đệ cần phải có thời gian yên tĩnh nghỉ ngơi và được bồi dưỡng để có thể duy trì hoạt động được lâu bền, bởi vì nghỉ ngơi cũng là để phục vụ hữu hiệu và lâu dài hơn, cũng như muốn đi thật xa càng phải luôn dừng lại để nghỉ ngơi lấy sức, thì muốn hoạt động tông đồ hiệu quả, cần phải năng tĩnh dưỡng tâm hồn bằng cầu nguyện để Chúa chữa lành làm cho đức tin mạnh mẽ, sức lực phục hồi tốt để tiếp tục bước theo Chúa, có bình an của Chúa để vượt qua bao áp lực, gian nan thử thách trong đời như Lời Chúa trong bài đọc 2 thánh Phaolô xác tín rằng: chính Chúa Giêsu là bình an của chúng ta. Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần”.

Nhìn vào dòng đời chúng ta hôm nay, hầu hết thời giờ sức lực của chúng ta đổ vào công việc làm ăn, những công việc gia đình, điện thoại, giỗ quẩy, cưới hỏi, ma chay…. Mở mắt ra cho tới tối cả tới khuya lắc khuya lơ thân xác ta như cái máy chạy suốt, còn tâm hồn chúng ta bị xâu xé, dằn vặt, kích thích bởi muôn điều trong cuộc sống, không có 1 chút nghỉ ngơi, không 1 chút thời gian đi lễ, đọc kinh sáng tối, 1 không có chút hồi tâm với Chúa qua việc đọc Lời Chúa để Chúa chữa lành. Cho nên, thời nay chúng ta thấy có nhiều người mắc những chứng bệnh: mất ngủ, nhức đầu, đau tim, đau thần kinh, áp huyết cao, stress, trầm cảm, tự kỷ và tâm thần… còn đời sống Đạo sa sút dần bỏ đọc kinh sáng tối, bỏ lễ Chúa Nhật như người đời mà lương tâm không ấy nấy, thậm chí Đức Thánh giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói họ đánh mất cảm thức về tội.

Thời Cựu ước, Sách Xuất kể Thiên Chúa lập 10 điều răn với ông Môsê trong đó có điều răn thứ ba, Thiên Chúa dạy phải giữ ngày Sa bát. Giữ ngày sabát như thế nào, để làm gi? Sabát là ngày thứ 7, Thiên Chúa nghỉ ngơi, ngày nay là ngày thánh thì mọi người phải nghỉ làm việc hoàn toàn dành thời gian thờ phượng Chúa (Xh 35,2-3). Sang Tân ước, Chúa Giêsu sống lại ngày Chúa nhật sau ngày sabát. Ngày Chúa nhật là ngày thánh dành cho Chúa mà các Kitô hữu thời Chúa Giêsu và cho tới chúng ta phải giữ. Kiêng việc xác và tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật cùng các ngày lễ buộc (điều răn thứ 1 trong 5 điều răn Hội Thánh). Tại sao Thiên Chúa và Hội thánh buộc chúng ta phải tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật, ai không đi có tội trọng bởi vì Thiên Chúa và Hội muốn chúng ta được chữa lành xác hồn chứ chẳng thêm gì cho Chúa.

Vì vậy,  cuộc sống có khó khăn gian khổ đến đâu, dù dòng ngược xuôi vất vả trăm chiều, dù đời sống hôn nhân gia đình có bấp bênh, có ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh chúng ta cũng phải biết dành thời giờ đi chữa lành là đến với Chúa trong cầu nguyện, trong thinh lặng qua các giờ kinh, giờ đọc và suy niệm Lời Chúa, nhất là thánh lễ… để hồi tâm, thinh lặng, để kết hiệp mật thiết với Chúa và để thấy Chúa chữa lành và Lời Ngài mở mắt tâm hồn ta để ta thấy rằng: “Dòng đời ngược xuôi Chúa ơi con biết về đâu, về đâu con đi tìm Ngài? Đi giữa chợ đời con bơ vơ, năm tháng cuộc đời con ngu ngơ, Chúa ở nơi nao xin thương một đời lắng lo. Xin mở mắt con con hết u mê. Để con thấy Chúa trong mọi người, để con thấy Chúa trong cuộc đời và để con thấy Ngài trong chính cuộc đời của con. Con luôn tin rằng dù sao, dù sao Chúa vẫn thương con. Dù sao Chúa chẳng bỏ con khi con lỗi lầm khi con hững hờ. Nguyện xin Chúa thương con hoài cho con niềm tin vào một Chúa thôi. Nguyện xin Chúa là con đường xin dẫn con về tới quê an bình.

Vâng, nhờ trong cầu nguyện, Chúa đã chữa lành Thánh Âu tinh dứt bỏ được cuộc đời tội lỗi bê tha để trở nên một vị đại thánh thời danh. Nhờ việc đọc Lời Chúa: “Lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn ích gì” mà Phanxicô Xaviê được Chúa chữa đã đổi hướng cuộc đời, từ danh vọng thế trần sang con đường đạo đức, quên mình đi truyền giáo. Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin Thiên Chúa chữa lành thể xác cũng như tâm hồn chúng ta và dẫn chúng ta đi trong cuộc sống đầy bình an và hy vọng. Amen.

 

SUY NIỆM II

TÌM GIỜ NGHỈ NGƠI BÊN CHÚA

(Hội An 21/7/2024)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

Dù không phản ứng gay gắt, nhưng hầu hết trong chúng ta khó vui lòng với lời Chúa nói hôm nay: “Các con hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6,31). Vì sao Chúa muốn ta nghỉ ngơi như ý Chúa muốn?

  1. Từ khôn ngoan của con người

Hầu hết chúng ta khó “tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi,” vì nhịp sống của ta, từ người lớn đến người trẻ, quá hối hả. Ngày đi làm quay cuồng với công việc, mệt mỏi với đối tác, ngược xuôi tìm kiếm cho thêm được nhiều tiền của, nhiều cơ hội làm ăn, nhiều nhà cửa. Tối về bận rộn với tính toán sổ sách, kiểm đếm tiền bạc, rồi lo việc nhà, bơ phờ đi ngủ. Sáng hôm sau vẫn chu trình đó, lặp đi lặp lại từ ngày này sang ngày khác. Thiếu nhi thì sáng sớm thức dậy, vừa ngồi xe đến trường vừa ăn vội miếng bánh lót lòng, vào học, học thêm, học nhiều thứ… tối khuya lả người, và cứ như thế ngày lại ngày. Già trẻ hối hả vì nghĩ rằng mình còn thua xa nhiều người, còn đang có sức làm, sức học và thời gian không đợi chúng ta. Vậy, đến bao giờ chúng ta “bước chậm lại giữa thế gian vội vã” này? Có lẽ chúng ta đang say sưa như người phú hộ được thánh sử Luca thuật lại, ông say mê tìm kiếm của cải như chúng ta và tự nhủ lòng: “Mình sẽ phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã.” Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những của ngươi tích trữ đó sẽ về tay ai?” Một bài học cho chúng ta.

Steve Jobs là môt doanh nhân người Mỹ thành đạt, một nhà phát minh điện thoại di động thông minh, nhà đồng sáng lập công ty Apple, đã có những lời chia sẻ trên giường bệnh như sau: “Tôi đạt đến tột đỉnh của thành công. Trong con mắt người khác, cuộc đời tôi là một biểu tượng của thành công. Tài sản bình thường đối với tôi. Giờ đây, trong lúc nằm trên giường bệnh, hồi tưởng cuộc đời, tôi thấy những lời khen ngợi, niềm tự hào về tài sản thật vô nghĩa trước tử thần… Bây giờ tôi mới hiểu, nếu có tiền, tôi có thể mướn tài xế lái xe cho tôi, nhưng tôi không không thể dùng tiền để thuê người mang bệnh cho tôi… Mất tài sản mình có thể tìm lại được, có một cái khi mất không thể tìm lại được là sự sống.” Quả thật như một người chia sẻ, mỗi người rất cần gặp một cơn bạo bệnh để có cơ hội nghỉ ngơi nhìn lại ý nghĩa cuộc đời mình. Một bài học cho chúng ta.

  1. Đến khôn ngoan của con cái Chúa

Tuy nhiên, lời Chúa Giê-su truyền cho các môn đệ và chúng ta phải “nghỉ ngơi đôi chút” không có nghĩa đó là thời gian rảnh rỗi hay chỉ nghỉ ngơi thân xác, mà chính yếu là thời gian gặp gỡ Chúa và bồi dưỡng sức sống thần linh cho tâm hồn. Đức Bênêđictô nói: “Thật tốt khi ngày nay trong nhiều nền văn hóa, Chúa nhật là ngày “week-end”, là thời gian rảnh rỗi, và thường kết hợp với ngày thứ Bảy làm thành thời gian xả hơi. Nhưng thời gian nghỉ ngơi đó sẽ trống rỗng, nếu không để Chúa hiện diện.” Vì sao?

Vì thời gian “nghỉ ngơi” của các môn đệ là thời gian ngồi bên Chúa, sống lại tình thân với Chúa và lấy lại sức sống từ mối thân thiết với Chúa để tiếp tục sứ mạng loan báo Tin Mừng. Thời gian “nghỉ ngơi” là thời gian hôm nay Chúa muốn chúng ta nhìn vào tâm hồn của mình, để tìm thấy Chúa Giê-su ở đó, thinh lặng chờ đợi gặp gỡ chúng ta và ta sẽ nghe tiếng Ngài nói với.

 Thời gian “nghỉ ngơi” Chúa muốn nói là ngày Chúa Nhật. Đức Bênêđictô giải thích, đó là “ngày nghỉ, ngày dành cho gia đình, nhất là ngày dành cho Thiên Chúa.” Vì vậy, hãy trả lại cho linh hồn ngày Chúa Nhật của nó và hãy trả lại ngày Chúa Nhật cho linh hồn, vì ngày Chú Nhật là ngày nghỉ ngơi trong Chúa. “Nếu linh hồn bạn không có ngày Chúa Nhật, nó sẽ trở nên mồ côi” (Albert Schweitzer). Ngày Chúa Nhật là ngày Thiên Chúa cho chúng ta mẫu mực nghỉ ngơi sau chuỗi ngày Ngài tạo dựng. Ngày Chúa Nhật là ngày chúng ta hòa reo cùng các phụ nữ và các tông đồ gặp gỡ Chúa sống lại vào ngày thứ nhất trong tuần. Ngày Chúa Nhật là ngày chúng ta sống kinh nghiệm đức tin của tác giả thánh vịnh: “Nơi đồng cỏ xanh tươi, Ngài cho con nằm nghỉ, Ngài dẫn con đến dòng nước trong lành. Linh hồn tôi, Ngài lo bồi dưỡng” (Tv 23,2-3). Và ngày Chúa Nhật là ngày chúng ta được nghe lời Chúa nói, được rước lấy Chúa, được Chúa sống trong chúng ta, nhờ đó, chúng ta hạnh phúc reo lên như thánh Augustinô: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, nên lòng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa.

Thời gian “nghỉ ngơi” Chúa muốn nói còn là thánh lễ hằng ngày, là giờ cầu nguyện chung hay gặp gỡ cá vị với Chúa, là thời gian chúng ta cảm nghiệm lời Chúa nói: “Hỡi tất cả những ai vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).

Chúa Giê-su làm gương “nghỉ ngơi” cho chúng ta. Sau những thành công như làm phép lạ hóa bánh ra nhiều và được dân chúng ngưỡng mộ, trước những quyết định quan trọng, sau khi lắng nghe các tông đồ tường trình công việc truyền giáo, Chúa Giê-su tìm nơi thanh vắng nghỉ ngơi, cầu nguyện với Chúa Cha. Và Chúa bảo các môn đệ sống như thế.

Phải chăng vì thiếu đức tin, nên chúng ta không tìm nghỉ ngơi trong Chúa, không có đủ lòng mến dành ngày Chúa Nhật và các ngày thường cho Chúa? Đứa bé ngủ ngon trong tay mẹ nó, chúng ta không tin tưởng nằm nghỉ trong tay Chúa sao? Phải chăng chúng ta có nhân đức làm việc, nhưng chúng ta không có nhân đức nghỉ ngơi, không tin tưởng Chúa đủ khả năng quán xuyến mọi sự trong lúc chúng ta dành thời giờ gặp gỡ và thờ phượng Chúa sao?

Xin Chúa cho chúng ta và gia đình tin tưởng vào Chúa, biết khôn ngoan nghỉ ngơi trong Chúa và tận hưởng niềm vui sống bên Chúa trong những giờ phút thờ phượng.

 

SUY NIỆM III

ÂN CẦN VỚI MỌI NGƯỜI

Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật. OP

Ở riêng một chỗ

Có thể giải thích bài Tin Mừng hôm nay theo hai đề tài: tách biệt và đám đông  Ðức Giêsu muốn dẫn các môn đệ đi riêng ra một nơi, còn đám đông lúc nào cũng có mặt  Theo thánh Máccô, hai đề tài này là những chiều kích của Nước Trời  Tách biệt

Ðoạn Tin Mừng hôm nay tiếp liền sau bài Tin Mừng Chúa nhật trước  Các môn đệ đã được Ðức Giêsu sai đi truyền giáo và bây giờ các ông trở về thuật lại những công việc đã làm  Các ông đã được mời gọi đến với Ðức Giêsu, và lời mời gọi này chỉ có được ý nghĩa vì cuộc ra đi liền sau đó  Hôm nay, sau chuyến đi truyền giáo trở về, các ông được mời gặp gỡ với Ðức Giêsu  Người nói với các ông: “Anh em hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng”  Từ ngữ này vẫn thường được sử dụng trong những trình thuật kể lại chuyện Ðức Giêsu tách riêng ra một nơi để cầu nguyện  Và theo Kinh Thánh, nơi thanh vắng hay sa mạc là nơi đặc biệt để nghe lời Thiên Chúa

Sự tách biệt này là điều cần phải có sau thời gian hoạt động, là một nhịp thở thứ hai trước khi lại lên đường  Khoảng cách cần thiết này, thay vì là thời gian để phán xét các hoạt động, lại là lúc để các môn đệ tìm lại ý nghĩa xem ai đã cắt cử các ông đi, đồng thời có thể là lúc để tái khám phá về Chúa

Quả vậy, sau một thời gian hoạt động, các môn đệ lại trở về sống thân mật với Thầy của mình  Ở bên Người, các ông mới hiểu được ý nghĩa cuộc sống, cũng như tìm được lý do làm cho lời giảng của mình có sức thuyết phục  Các ông trở về sống với Ðức Giêsu, không phải để thoả mãn tình cảm của mình, nhưng là để cảm nghiệm sâu xa tấm lòng ưu ái của Thiên Chúa đối với dân Người, và cũng hiểu rằng sứ vụ truyền giáo vẫn chưa trọn vẹn  Thời gian này là thời gian để tái khám phá  Thánh Máccô nhấn mạnh sự khám phá này qua một câu có vẻ như trái ngược nhau: “Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu các ngài”

Ðám đông

Thế nhưng đám đông dân chúng đã không để cho Ðức Giêsu và các môn đệ tránh xa họ  Ngay từ những ngày đầu tiên Ðức Giêsu mới rao giảng, họ đã có thiện cảm với Người  Dù Người có trốn vào nơi thanh vắng, họ cũng tuốn đến, có khi không để cho Ðức Giêsu và các môn đệ dùng bữa (2,2 13; 3,7-9   )  Họ là những người chờ mong Ðấng Mêsia, và khi gặp được Ðức Giêsu, họ hy vọng Người sẽ đáp ứng điều họ trông mong  Vì thế, Ðức Giêsu có mặt ở đâu, họ cũng có mặt ở đó, có khi còn đến nơi trước Ðức Giêsu và các môn đệ  Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, thánh Máccô đã mô tả cách ngộ nghĩnh: đám đông đi bộ vòng quanh hồ đã đến nơi nhanh hơn Ðức Giêsu và các môn đệ đi bằng thuyền  Họ là sự trông đợi có mặt trước khi người phải xuất hiện đến

Do lòng trông đợi, đám đông này sẽ làm thành Vương Quốc  Các con chiên đầy náo nức này sẽ trở thành một đoàn chiên khi nhận biết Vị Mục Tử  Ðám đông này đã lên đường, đã ra khỏi nhà của mình, đã rời xa thành phố, nên họ có thể gặp được Thiên Chúa trong nơi thanh vắng

Ðối với họ, lúc này là thời gian yên tĩnh để lắng nghe Lời

Chúa, lúc này là thời gian nghỉ ngơi, ở riêng một chỗ

Người dạy dỗ họ nhiều điều

Sau bài Tin Mừng hôm nay là câu chuyện Ðức Giêsu hoá bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng  Ðấng Mêsia có thể dọn bàn ăn ngay tại nơi hoang vắng; Người cũng chẳng cần đợi đến mùa gặt: Ðấng Mêsia chính là người gieo hạt, người trồng nho, người chăn chiên, nói chung là người làm vườn trong vườn Êđen mới  Như thế, có thể giải thích bài Tin Mừng hôm nay như một lời tiên báo long trọng về bí tích Thánh Thể, hay nói cách khác, về Bánh Hằng Sống

Ðám đông đi theo Ðức Giêsu đang cần bánh, họ bị cơn đói hành hạ  Ðám đông không có tư cách của một dân  Nó đồng nghĩa với đám người hỗn độn, không trật tự, một thực tại đầy xảo trá và nguy hiểm  Hôm nay đám đông ấy vây quanh Ðức Giêsu, lắng nghe lời Người giảng dạy và được nuôi dưỡng, nhưng đến thứ Sáu Tuần Thánh, cũng đám đông này khạc nhổ vào Ðức Giêsu và kêu la đòi đóng đinh Người vào thập giá!

Ðức Giêsu thương đám đông ấy  Thánh Máccô cho thấy mối xúc động của Ðức Giêsu có lý do rất sâu xa: đám đông chỉ là một tập hợp, không phải là một dân; đám đông đang lầm lạc vì không biết đường đi

Ðám đông ấy là những con chiên không có người chăn dắt; họ lang thang trong những cánh đồng đầy chết chóc  Họ thiếu thốn mọi sự  Thiếu của ăn, nhưng điều quan trọng hơn cả là thiếu một nguyên lý thống nhất làm cho họ có thể quy tụ và hiệp thông với nhau

Ðấng Mêsia là người đáp ứng những đòi hỏi này  Người sẽ cho họ của ăn, cho họ chỗ nghỉ “trên đồng cỏ xanh tươi, bên dòng nước trong lành”  Nhưng điều quan trọng và có ý nghĩa nhất là Người làm cho họ trở thành một dân tộc, và Người sẽ là Mục Tử săn sóc họ

Thánh Máccô bỏ lửng câu chuyện sau khi thuật lại thái độ ân cần của Ðức Giêsu với dân chúng: “Ðức Giêsu chạnh lòng thương    và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”  Ðức Giêsu nói gì với dân chúng?

Theo bối cảnh của câu chuyện, có lẽ Ðức Giêsu đã nói với họ về nỗi thống khổ sâu xa của con người: họ chưa được quy tụ lại với nhau để sống với nhau như bạn hữu, để trở thành một dân trong đó mọi người coi nhau như anh em; nói chung lại, để thành một Vương Quốc theo nghĩa Kinh Thánh

Có lẽ Ðức Giêsu cũng gợi lên cho đám đông ấy biết là Người được sai đến, không phải chỉ để làm Mục Tử coi sóc nhà Israel, nhưng còn coi sóc toàn thể nhân loại  Người được sai đến với nhiệm vụ thực hiện điều Thiên Chúa vẫn ước mong  Tất cả hãy nên một theo hình ảnh của Ta, hãy tiến sâu hơn vào trong mối tương giao chia sẻ và hiệp thông

Ðó cũng là ơn gọi của Hội Thánh, của mỗi người: làm cho thế giới đang bị chia rẽ trở thành một dân tộc anh em

 Lời giảng chính là sự sống

“Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”.

“Ðức Giêsu không ngừng dạy dỗ chúng ta. Khi người ta muốn tôn Người làm vua, đặt Người xa khỏi chúng ta, dành cho Người uy quyền và vinh quang như chúng ta quan niệm, Người đã từ chối… và muốn dạy bảo chúng ta.

Người dạy bảo gì?

Người không nói về kiến thức, về những điều phải tin, về những giáo lý trong sách vở. Nhưng Người dạy bảo chúng ta về sự sống, sự sống đích thực.

Sự sống đích thực là gì?

Không ai có thể trả lời đầy đủ câu hỏi này, dù người ấy có hiểu nhiều biết rộng. Sự sống, Ðức Giêsu đã dạy chúng ta qua những rung động trong cuộc sống của Người, qua những lời luôn mới mẻ của Người, qua những lỗ hỗng Người không ngừng mở ra cho nhân loại.

Ðó là sự sống của Thiên Chúa, Ðấng mà Ðức Giêsu gọi là Cha với tất cả niềm thân ái. Ðức Giêsu đã tự nhận Người ngang hàng với Chúa Cha. Nhiều người sống cùng thời với Ðức Giêsu đã không thể chấp nhận những giáo huấn này của Ðức Giêsu”. (theo G Bessière)

Còn chúng ta, chúng ta có chấp nhận lời giảng của Ðức Giêsu, chúng ta có chấp nhận sự sống mà Ðức Giêsu muốn dạy bảo chúng ta? Chúng ta có đáp ứng thái độ ân cần của con người?

Vì Người yêu mến con người sống tự do,  nên người ta bảo rằng Người chẳng nói gì. Vì Người mang khuôn mặt nhân loại,  nên người ta bảo rằng Người che giấu. Vì Người quan tâm đến người nghèo,  nên người ta bảo rằng Người đã chết.  Vì Người là một Thiên Chúa đầy từ tâm,  nên người ta bảo rằng Người đang ngủ.  Vì Người không có mưu toan,  nên người ta bảo rằng Người chẳng có ích gì. (theo P Fertin)