Chúa Nhật XVI Thường Niên – Năm A


CN.16.A

(Kn 12,13;16-19; Rm 8,26-27; Mt 13,24-43)

Sau khi học xong đại chủng viện, cha Jaccard Phan xin gia nhập Hội Thừa Sai Pari, và cha được chịu chức linh mục. Cha tình nguyện sang Việt Nam. Tháng 2-1826 cha tới Việt Nam. Cha được gửi tới giáo xứ Nhu Lý và Phủ Cam vừa học tiếng Việt vừa làm mục vụ.

Vua Minh Mạng cấm đạo, bắt ba thừa sai Pháp đem về Huế giam lỏng. Quan Lê Văn Duyệt khuyên vua Minh Mạng đừng quên ơn Đức cha Pigneau de Béhaine (Pi-nhô đơ Bê-hên), tên Việt Nam là Bá Đa Lộc, đã giúp vua Gia Long đánh bại nhà Tây Sơn. Nên ba thừa sai Pháp được thả ra. Cha Jaccard Phan được đưa về Dương Sơn.

Bên ngoài vua Minh Mạng nới lỏng lệnh cấm đạo, nhưng trong lòng rất ghét đạo. Tháng 9 năm 1831 khi giáo dân Dương Sơn ra đồng làm ruộng, thì dân làng Cổ Lão bên cạnh bị xúi giục kéo nhau ra đồng đánh đuổi giáo dân Dương Sơn, ghép cho họ tội chiếm đoạt đất đai. 73 giáo dân bị bắt, mỗi người bị đánh 100 roi. Riêng cha Jaccard Phan lại bị giam lỏng ở Huế, ngày ngày dạy tiếng Pháp cho các con vua quan. Cha biết lòng độc ác của vua, nhưng cha vẫn tận tụy với công việc. Cha nói : “Tôi muốn chứng tỏ phải dùng điều thiện để thắng điều ác” (Nguyễn Đức Việt Châu, Hạnh Tích Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, trang 340-346).

Lời Chúa trong thánh lễ chúa nhật tuần trước dạy chúng ta sống hiền lành và khiêm nhường. Lời Chúa chúa nhật tuần này dạy chúng đừng lấy ác báo ác, trái lại phải lấy thiện báo ác; hay nói theo cha Jaccard Phan : “Phải dùng điều thiện để thắng điều ác

Bđ1 : Lời Chúa trong bđ1 trích trong sách Khôn Ngoan. Sách Khôn Ngoan được một hiền sĩ Do Thái ở Alexandria (A-léc-xan-dria), một thành phố lớn ở Ai-cập, viết vào thế kỷ II trước Công nguyên. Ông viết cho những người đồng hương đang tị nạn ở Ai-cập.

Ông cho biết Thiên Chúa “nắm trọn quyền năng” và “Ngài tỏ sức mạnh” (Kn 12,17), để thưởng người lành và “trị tội” (12,17) “kẻ to gan” (12,17). “Nhưng Chúa xử khoan hồng” (12,18) và “lấy lòng từ bi mà cai quản” (12,18).

BTM : Sách TM thánh Mát-thêu kể lại 7 dụ ngôn : 1/ “người gieo giống” (13,3-9), 2/ “cỏ lùng” (13,24-30), 3/ “hạt cải” (13,31-32), 4/ “men trong bột” (13,33), 5/ “kho báu”, 6/ “ngọc quí” (13,44-46), 7/ “chiếc lưới” (13,47-50).

BTM thánh lễ tuần trước là dụ ngôn “người gieo giống”. BTM thánh lễ hôm nay là 3 dụ ngôn : “cỏ lùng”, “hạt cải”, “men trong bột”.

Dụ ngôn “cỏ lùng” nói về “tình trạng Nước Trời (Giáo Hội) ở trần gian lẫn lộn cả người lành kẻ dữ. Các thừa tác viên trong GH phải biết kiên nhẫn trước sự kiện đó” (CGKPV, KT 2011, trang 2156).

Dụ ngôn “hạt cải” và “men trong bột” nói “về sự phát triển của Nước Trời; nhưng khác nhau ở chỗ dụ ngôn hạt cải thành cây rau lớn, nhấn mạnh sự bành trướng về số lượng bên ngoài; còn men trong bột  nói lên ảnh hưởng  bên trong để biến đổi thế giới” (sđd, trang 2156).

Bđ2 : Chúng ta phải kiên nhẫn chịu đựng và làm gương sáng với những kẻ dữ của chúng ta, và những kẻ dữ của Giáo Hội. Nếu không thể kiên nhẫn chịu đựng được thì hãy cầu nguyện. Nếu không biết cầu nguyện thế nào để Chúa nhậm lời thì đã có Chúa Thánh Thần giúp. Thánh Phaolô dạy trong thư Rôma ở bđ2 : “Có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu nguyện cho chúng ta bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8,26).

Chịu đựng như dụ ngôn “cỏ lùng” dạy, hay lời cha Jaccard Phan nói : “Tôi muốn chứng tỏ phải dùng điều thiện để thắng điều ác”  đâu phải là dễ. Song nhờ Chúa Thánh Thần cầu nguyện, chúng ta sẽ vững niềm trông cậy.

Những khó khăn trong gia đình cũng đòi chúng ta kiên nhẫn chịu đựng và vững niềm tin như hai dụ ngôn “hạt cải” và “men trong bột” (20-7-2014).

———————————————

CN.16.A

Thánh linh mục Giuse Đặng Đình Viên sinh năm 1787 tại Tiên Chu, giáo phận Thái Bình ngày nay. Khi còn trong bụng, mẹ ngài mong ngài lớn lên làm linh mục. Tuổi vừa khôn, cha mẹ xin cho ngài vào ở Nhà Đức Chúa Trời, để giúp lễ phục vụ bàn thờ. Thấy ngài vừa đạo đức lại vừa sáng dạ, cha sở gửi ngài vào chủng viện, và năm 1824 36 tuổi ngài được chịu chức linh mục,

Vì bị theo dõi gắt gao, thứ năm tuần thánh ngày 17-4-1838, không thể đi dự lễ truyền dầu được, cha sai một thày đem hộp dầu đến xứ An Tiêm lấy dầu, đồng thời gửi thư cho Đức cha. Người lương và người giáo làng An Tiêm thù địch nhau. Thày bị người lương bắt, nhưng thày vẫn không khai chỗ ở của cha thánh Viên.

4 tháng sau, ngày 1-8-1838 cha bị bắt, vì  hai người nhà của cha tham tiền thưởng của quan, tố cáo cha đang ở họ đạo Cầu Chay. Quan quân tới bao vây, cha trốn ra vườn mía sau nhà. Quan bắt một em bé đánh đòn dọa nạt. Mặc dù em không khai báo; nhưng thấy em bị đánh đòn, cha không cầm lòng nổi, cha đành ra đầu thú. Cha bị đem ra đình làng cho người lương xỉ nhục, chửi rủa, có người vả má cha.

Ngày hôm sau cha bị trói, bị đeo gông, và bị giải về tỉnh Hưng Yên. Tại đây cha bị đánh đập, bị phơi nắng, bị bỏ đói, cha vẫn không bước qua Thánh Giá và khai nơi ở của Đức cha và các cha. Các quan không làm gì cho cha xiêu lòng, đành xin vua Minh Mạng ra lệnh chém đầu.

Nghe tin cha bị chém đầu, người nhà của hai người tố cáo cha đến khóc lóc xin lỗi cha. Cha nói : “Tôi sẵn sàng tha thứ”. Cha Giuse Đặng Đình Viên được phúc tử đạo ngày 21-8-1838, mới 51 tuổi.

Người lương và người giáo làng An Tiêm ác cảm với nhau. Người lương đã trút giận lên cha : xỉ nhục, vả mặt cha, nhưng cha vẫn tha thứ, nhất là đối với hai người nhà vì ham tiền mà tố cáo cha.

 

BTM : Cha đã sống lời Chúa Giêsu dạy hôm nay qua dụ ngôn “Cỏ Lùng”. Đó là phải sống chung với những kẻ thù ghét mình, làm hại mình. Chúa Giêsu dạy : “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt : hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi; còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi” (Mt 13,29-30).

Chẳng những sống chung, mà còn sống tốt với họ như dụ ngôn “Hạt Cải”, “Nắm Men”, Chúa dạy : “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men” (Mt 13,33).

Bđ1 : Trước Chúa Giêsu cả hàng trăm năm, người Do Thái ở thành phố Alexadria của nước Ai Cập bị người Ai Cập áp bức hành hạ, tác giả sách Khôn Ngoan  trong bđ1 đã nêu gương khoan hồng của Thiên Chúa : “Ai đã biết mà vẫn to gan thì Ngài trị tội. Nhưng Chúa xử khoan hồng, vì Ngài làm chủ được sức mạnh. Ngài lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản” (Kn 12,17-18). Theo gương khoan hồng của Chúa, người Do Thái cũng “phải có lòng nhân ái” (Kn 19).

Bđ2 : Con cái Chúa thời thánh Phaolô ở Rôma bị các hoàng đế bắt bớ, giết hại, thậm chí tẩm dầu vào mỗi người con Chúa, treo trên các cây cột, để làm thành những cây đuốc chiếu sáng hí trường cho vua quan diễn các trò chơi. Thế mà thánh Phaolô khuyên đừng lấy ác báo ác, song hãy cầu nguyện để Thánh Thần Chúa giúp “sống theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8,27).

Có một câu chuyện kể rằng : một đêm kia, một người trẻ mơ thấy mình ở trong một cửa tiệm bán niềm vui hạnh phúc. Một thiên thần đứng đàng sau hòm tiền, vẻ mặt vui tươi. Người trẻ hỏi thiên thần : “Ở cửa tiệm này, ngài bán những thứ gì ?” Thiên thần đáp : “Bán đủ mọi thứ !”. Người trẻ kêu lên : “Tôi muốn khắp nơi trên thế giới chấm dứt chiến tranh. Tôi muốn cảnh sống của những người đầu đường xó chợ được tốt đẹp hơn. Tôi muốn thế giới hết khổ đau. Tôi muốn những người thất nghiệp có công ăn việc làm”…. Thiên thần bảo người trẻ : “Ở đây tôi không bán các hoa trái. Tôi chỉ bán hạt giống của những thứ hoa trái đó thôi…

Hạnh phúc không phải là cái gì tự trên trời rơi xuống, mà là hoa trái do lao công vất vả của mọi người đóng góp (Armand Duval, Proclame la parole, Năm A, trang 170) (17-7-2011).

————————————————–

CN.16.A

 

Thầy lang Giuse Hoàng Lương Cảnh khi bị bắt đã 75 tuổi. Quan yêu cầu bước qua Thánh giá, ông lang Giuse Cảnh đi tới Thánh Giá cung kinh quì xuống, ôm hôn Thánh Giá, rồi nói với quan : “Xin các quan tha lỗi cho tôi, tôi không thể làm khác được”. Nói xong, ông thầm đọc kinh . Quan bảo ông đọc to lên. Ông đọc thật to : “Lạy Chúa Giêsu… xin Chúa ban cho các vua chúa quan quyền được bình an mạnh khỏe. Xin Chúa giúp đỡ vua khôn ngoan biết thương dân trị nước”.

Các quan ngạc nhiên nói : “Tại sao lại cầu nguyện cho vua quan là những người hành hạ ông như thế ?”. Ông trả lời : “Chúa dạy chúng tôi phải yêu thương những người làm hại chúng tôi”.

Viên quan cai ngục thấy thánh Giuse Cảnh già nua yếu ớt thì mời thánh nhân một chén nước trà và nói: “Này cụ, tôi thương mến cụ lắm. Biết tin cụ sắp bị hành quyết, tôi muốn mời cụ dùng với tôi một ly nước trà để lấy sức chịu khó”.

Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh và viên cai ngục là hình ảnh dụ ngôn “cỏ lùng” trong BTM thánh lễ hôm nay.

BTM : Thánh lễ chúa nhật tuần trước chúng ta nghe dụ ngôn “Người Gieo Giống”. Còn 3 dụ ngôn của BTM thánh lễ hôm nay là “Cỏ Lùng”, “Hạt Cải”, “Nắm Men” cũng nói đến cách sống của người có đạo, đặc biệt là cách sống với người bên cạnh mình, với những người không có đạo.

Dụ ngôn ‘Cỏ Lùng” nói đến người có đạo sống chung với kẻ thù, kẻ xấu. Cỏ lùng không thể nhổ ngay khi còn nhỏ, phải chờ khi chín hạt cùng với cây lúa, thì mới loại bỏ được cỏ lùng ra khỏi lúa. Người ta gặt cả hai. Hạt lúa và hạt cỏ lùng để chung trong cái nia. Hạt lúa màu vàng, hạt cỏ lùng màu nâu. Người ta nhặt cỏ lùng ra khỏi hạt lúa.

Dụ ngôn “Cỏ Lùng” muốn nói rằng : Chúa không phạt ngay kẻ dữ, Chúa kiên nhẫn chờ ngày chết của kẻ dữ mới phán xét. Bắt chước Chúa, người có đạo cũng phải cư xử quảng đại kiên nhẫn với kẻ xấu, và để Chúa xét xử họ.

Dụ ngôn “Hạt Cải” nói đến ơn Chúa. Hạt cải tuy nhỏ bé, nhưng rồi nó sẽ lớn lên thành cây to, cao tới 4m. Giáo Hội Chúa nay ít ỏi, nhỏ bé, nhưng nhờ ơn Chúa, một ngày kia sẽ đông đúc, như hạt cải lớn lên thành cây, chim chóc đến làm tổ. Vậy con cái Chúa phải tin vào sự quan phòng của Chúa, vào sự giúp đỡ của Chúa.

Dụ ngôn “Nắm Men” nói đến đời sống gương mẫu của người có đạo. Giáo Hội Chúa sẽ đông thêm nhờ đời sống tốt của người có đạo.

Bđ1 : Đoạn sách Khôn Ngoan trong bđ1 cũng nói đến tính nhẫn nại và khoan hồng của Chúa với kẻ dữ. Sách viết : “Chúa xử khoan hồng …Ngài lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản chúng con” (Kn 12,18). Chúa cũng dạy : “Người công chính phải có lòng nhân ái. Ngài đã cho con cái có niềm hy vọng tràn trề là người có tội được Ngài ban ơn sám hối” (Kn 12,19).

Bđ2 : Nhưng dễ gì sống nhẫn nại và khoan hồng với kẻ xấu như Chúa dạy. Thư Rôma trong bđ2 của thánh Phaolô chỉ cho chúng ta cách sống, đó là cầu nguyện. Thư viết : “Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8,27). Như vậy, khi chúng ta cầu nguyện, thì Chúa Thánh Thần sẽ đến giúp chúng ta bỏ ý riêng mà sống theo ý Chúa.

Cách sống nhân từ của thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh, và của viên cai ngục, cũng như những bài đọc Sách Thánh, sẽ là mẫu mực cho cuộc sống hiền lành và tha thứ của chúng ta (20-7-2008).

———————————————————-

CN.16.A

Sách TM thánh Mt có 7 dụ ngôn về Nước Trời. Dụ ngôn “Người Gieo Giống chúng ta đọc chúa nhật vừa qua nói Chúa Giêsu loan báo Nước Trời, Giáo Hội. Ba dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu nói Nước Trời, Giáo Hội phát triển.

Dụ ngôn “Cỏ Lùng” Chúa Giêsu nói đến những người xấu phá hại Nước Trời, những người lành trong Giáo Hội phải sống chung với kẻ xấu, với kẻ thù.

Người VN không biết cỏ lùng. Cỏ lùng là một thứ cỏ quen thuộc đối với người Do Thái. Cỏ lùng là thứ cỏ mà nhà nông rất sợ : vì lúc nhỏ cỏ lùng giống như lúa, lớn lên mới khác. Cỏ lùng tỏa ra một mùi làm người ta khó chịu, mặt mày xây xẩm, choáng váng.

Người Do Thái gọi cỏ lùng là “zunin”. Zunin có nghĩa là ngoại tình. Có ý nói rằng : cỏ lùng là cây lúa tách ra khỏi đoàn, bỏ thày bỏ bạn, đi hoang. Như thế, cỏ lùng vừa ám chỉ đến kẻ thù của Giáo Hội, vừa ám chỉ đến các tín hữu của Giáo Hội sống bê bối, không đúng tư cách người tín hữu, người con Chúa.

Dụ ngôn “Hạt Cải” và “Men Trong Bột” nói đến sự phát triển lớn mạnh của Giáo Hội. Lúc đầu nhỏ bé như hạt cải, như nắm men, sau phát triển lớn mạnh.

Hạt cải ở Do Thái không giống như hạt cải của chúng ta. Ở Do Thái hạt cải chưa phải là hạt nhỏ nhất. Hạt nhỏ nhất là hạt trắc bá. Nhưng người Do Thái dùng hạt cải làm biểu tượng chỉ sự nhỏ bé nhất. Chúa Giêsu cũng có lần nói : “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo núi này rời khỏi đây qua bên kia, nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được” (Mt 17,20).

 Trong Cựu Ước, cây cao lớn là hình ảnh của một vương quốc hùng mạnh. Ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã mô tả : “Trên cành cây mọi giống chim trời đến làm tổ, dưới bóng lá cành mọi dã thú nảy nở sinh sôi, và dưới bóng nó, vô số dân tộc đến cư ngụ” (31,6).

Dụ ngôn “Men Trong bột”, là hình ảnh thân thương gần gũi nhất, vì đó là hình ảnh bếp núc, ăn uống thường ngày của người Do Thái. Tuy nhiên, người Do Thái thường ám chỉ men là những ảnh hưởng xấu. Có lần Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ: “Anh em phải cẩn thận, phải coi chùng men Pharisêu và Xa đốc (Mt 16,6). Men còn ám chỉ đến sự cực khổ của kiếp lưu đày : ngày lễ Vượt Qua, người Do Thái ăn “bánh không men”. Sách Đệ Nhị Luật viết : “Trong vòng 7 ngày, anh em sẽ ăn bánh không men, thứ bánh khổ cực, vì anh em đã phải vội vã ra khỏi Ai Cập, để mọi ngày trong đời anh em , anh em nhớ, ngày ra khỏi Ai Cập (16,3).

Trong lời giới thiệu sách TM thánh Mt của UBKT Hoa Kỳ viết : “Nơi mà sách PÂ được soạn thảo, theo giả thuyết đáng tin nhất, là An-ti-ô-ki-a, thủ đô nước Syri dưới sự xâm lược của đế quốc Rôma. Thành phố rộng lớn và quan trọng này gồm những người tạp chủng : người Ít-ra-en và dân ngoại nói tiếng Hy Lạp. Tin Mừng Mt đã phản ảnh sự căng thẳng giữa hai loại người”.

Như thế, dụ ngôn “Cỏ Lùng”, “Hạt Cải”, “Men Trong Bột” phản ảnh sự căng thẳng, sự chống đối Giáo Hội bây giờ. Giáo Hội vừa nhỏ bé, lại vừa bị chống đối. Các Kitô hữu rất bi quan. Tương lai Giáo Hội đi về đâu ? Các dụ ngôn là câu trả lời cho câu hỏi bi quan lo lắng đó. Thay vì bi quan, phải sống tốt, sống gương mẫu. Cho dù phải sống với cỏ lùng, với kẻ thù, với những ảnh hưởng xấu, Giáo Hội nhỏ bé đó sẽ lớn mạnh như hạt cải, như men trong bột. Còn kẻ thù, những người xấu đã có Chúa xét xử : “Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù, gương xấu và mọi kẻ làm điều ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa”.

Ông Cecil Northcott, đã kể : “Có một nhóm người trẻ từ các nước đến họp mặt và thảo luận xem có cách nào làm cho Tin Mừng được gieo vãi kết quả. Người thì đề nghị dùng quảng cáo, văn hóa và các phương tiện truyền thông của thế kỷ 20”. Có một cô gái da đen Phi Châu đề nghị : “Chúng tôi không cần sách báo. Chúng tôi cần một gia đình Công giáo. Họ đến sống với dân làng chúng tôi. Gia đình gương mẫu đó sẽ làm cho dân làng chúng tôi theo đạo” (21-7-2002).

 Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành