Chúa Nhật XVI TN – Năm C
Chúa Nhật XVI TN – Năm C
21-7-2019
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Hòa Cường
GIÁO HUẤN SỐ 34
Khi cái chết gây đau thương (tt)
Lich Giáo Phận trang 90
Thông thường sự tiếc thương người thân qua đời có thể kéo dài một thời gian, và khi một mục tử muốn đồng hành với gia đình theo lộ trình này, cần thích ứng với nhu cầu của từng giai đoạn. Toàn bộ lộ trình này được khơi gợi qua các vấn đề sau: về nguyên nhân của cái chết, về những gì lẽ ra đã có thể làm được, về việc người ấy đã sống thế nào trước khi chết… Qua một hành trình chân thành và kiên nhẫn của cầu nguyện và của giải thoát nội tâm, bình an sẽ trở lại. Đến một lúc nào đó trong quãng thời gian tang tóc, ta cũng cần giúp họ khám phá ra rằng có bao nhiêu người giữa chúng ta cũng đã mất một người thân yêu, nhưng chúng ta vẫn còn có một sứ mạng để hoàn thành, và rằng không ích gì việc kéo dài nỗi đau khổ như thể muốn tỏ lòng tôn kính người quá cố. Người thân yêu đã qua đời không cần chúng ta phải đau khổ, họ cũng không vui gì khi chúng ta tàn phá cuộc đời mình. Cũng không phải là biểu hiện tốt nhất của tình yêu khi gợi nhớ và gọi tên người ấy liên tục, bởi vì làm như thế có nghĩa là bám víu vào một quá khứ không còn nữa, thay vì yêu thương một người thực sự hiện đang ở bên kia thế giới. Sự hiện diện thể lý của họ không còn nữa, nhưng nếu sự chết là một cái gì đó mạnh mẽ, thì ‘tình yêu cũng mạnh như sự chết’ (Dc 8,6). Tình yêu có một trực giác, giúp ta nghe được cái vô thanh và nhìn thấy được cái vô hình. Điều này không phải là một việc tưởng tượng người thân yêu đó như họ vốn là, nhưng là khả năng có thể chấp nhận họ đã biến đổi như họ hiện giờ. Đức Giêsu phục sinh, khi Maria bạn Người muốn ôm chặt lấy Người, Người đã bảo chị ấy đừng cầm giữ Người lại (x.Ga 20,17), để mở ra cho chị một cuộc gặp gỡ khác (Niềm Vui của Tình Yêu, số 255).
Chúa Nhật XVI TN – Năm C
(St 18,1-10a; Cl 1,24-28; Lc 10,38-42)
Thứ sáu ngày 26-7-2019 là lễ Chân Phước Anrê-Phú Yên.
Chân phước Anrê-Phú Yên là con út trong một gia đình nghèo tại xóm nhỏ ven biển, nay là giáo xứ Mằng Lăng, tỉnh Phú Yên, giáo phận Qui Nhơn. Cho đến nay người ta vẫn chưa tìm thấy bút tích nào cho biết tên gọi dân sự của Thầy Anrê. Căn cứ vào năm Thầy tử đạo (1644), cha Đắc Lộ xác nhận lúc ấy Thầy 19 tuổi, chúng ta biết được Thầy chào đời năm 1625, vì chưng trong bức thư viết năm 1641, cha Đắc Lộ xác nhận : “Đúng 3 năm trước khi chết, Mẹ Thầy dẫn Thầy đến cho tôi, và tôi được hạnh phúc rửa tội cho Thầy”. Như vậy, Thầy rửa tội năm 1641. Tên gọi Anrê-Phú Yên là tên chính thức được Tòa Thánh công nhận, gồm tên Thánh rửa tội và tên quê quán Phú Yên của Thầy (Tuần Cửu Nhật Tôn Vinh Chân Phước Anrê Phú Yên, Phước Kiều 25-26.7.2019, trang 5).
Năm 1642, Anrê-Phú Yên khăn gói lên đường với cha Đắc Lộ về Hội An. Tại trường “Thầy Giảng Hội An”, ngoài việc luyện tập nhân đức, học giáo lý…các Thầy giảng còn được học kinh sử cổ điển. Nơi trường Thầy giảng, thầy Anrê còn theo đuổi việc tu đức và học vấn, nhưng không bỏ qua những việc cần làm để giúp đỡ người khác, như cha Đắc Lộ nhận xét : “Người Thầy không khỏe mạnh gì lắm, thế mà việc khó mấy trong nhà, Thầy cũng làm luôn, nhiều khi lại làm quá sức mình; Thầy quên mình để giúp kẻ khác”. Quả vậy, Thầy Anrê nhỏ nhất trong nhóm thầy giảng Đàng Trong, nhỏ tuổi đời, nhỏ tuổi Đạo, nhỏ tuổi tu, nhưng Thầy Anrê-Phú Yên đã minh định như thánh Phaolô rằng: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi” (Pl 3,8) (Sđd, trang 7).
Sau khi tuyên thệ nhập hàng Thầy giảng tại nhà thờ Hội An, Thầy Anrê tháp tùng Cha trong các cuộc hành trình mục vụ hoặc giúp cha trong việc hằng ngày. Thầy nhận công tác đi dạy giáo lý và Lời Chúa cho các tân tòng. Về đời sống thiêng liêng, Thầy Anrê là gương mẫu cho anh em: ngoài việc khấn đức trinh khiết, không lập gia đình để trọn thời giờ đi khuyên những người bên lương nhất là anh em họ hàng trở về với Chúa. Thầy còn trổi vượt về ba nhân đức đối thần: Tin, Cậy, Mến một cách cao độ. Trong xã hội, Thầy rất khiêm tốn sống đúng Lời Chúa dạy, nhịn nhục và được mọi người kính nể. Cha Đắc Lộ cho biết : “Thầy xưng tội hằng tuần và cha chưa gặp ai có tâm hồn trong trắng như Anrê” (Sđd, trang 8).
Ngày 25 tháng 7 năm 1644, ông Nghè Bộ cho lệnh đến Cư sở Dòng Tên tại Hội An tìm bắt Thầy Inhaxiô. Hôm ấy cha Đắc Lộ và Thầy Inhaxiô cùng với 4 Thầy khác đang đi làm việc tông đồ. Thầy Anrê ở nhà săn sóc 4 thày trong nhóm đang bị bệnh. Toán lính không tìm thấy Thầy Inhaxiô. Thầy Anrê bạo dạn nói với toán lính: “Nếu các ông muốn bắt Thầy Inhaxiô thì vô ích, vì Inhaxiô không có ở đây. Còn muốn bắt tôi thì rất dễ dàng, tôi là tín hữu, hơn nữa là Thầy giảng. Tôi có cả hai tội mà các ông khép cho Thầy Inhaxiô để bắt Thầy ấy. Nếu Thầy ấy có tội thì tôi làm sao vô tội được”. Toán lính không bỏ lỡ cơ hội, họ bắt và trói Thầy Anrê như chiên hiền lành không chống cự. Quả vậy, ơn thánh không hủy diệt bản tính tự nhiên tiến đến toàn thiện viên mãn. Với đức nhân, với lòng dũng cảm, với trí khôn ngoan cùng với ơn thánh, nên Thầy Anrê quyết định để cho lính bắt Thầy mau chóng như thế (Sđd, trang 9).
Thầy Anrê Phú Yên theo gương vị Bổn mạng của mình, đã từ bỏ sông nước, từ bỏ ruộng vườn, từ bỏ gia đình… để dành trọn vẹn tuổi thanh xuân của mình theo Đức Kitô trên con đường thập giá : “Hãy giữ nghĩa cùng Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời”. Đó là châm ngôn sống của Thầy Anrê Phú Yên. Cho nên trong sân nhà lao, Thhầy Anrê đã khẳng định lòng tín thác đó khi nói với đám đông lương giáo vây quanh mình: “Các anh em thấy rõ tôi đây đã bị bắt và sắp phải chết, chẳng phải vì ăn cướp, giết người hay vì làm hại ai, mà chỉ vì tôi đã nhìn nhận Chúa tể trời đất và Con Một Người xuống thế chuộc tội cho ta. Mọi sự ta có đều do Người. Thế mà người ta lại muốn tôi phạm đến Người. Tôi chẳng sợ bất cứ hình phạt nào người ta có thể bắt tôi chịu, tôi chỉ sợ lửa hỏa ngục đời đời. Hỡi anh em, anh em hãy coi chừng, đừng từ chối ơn Đức Chúa Trời đã ban cho anh em” (Sđd, trang 10).
Cha Đắc Lộ đã kể lại những giây phút cuối cùng của Chân phước Anrê Phú Yên đã hoàn thành cuộc đời vào chiều hôm 26-7-1644 : “Tôi mê hồn nhìn thấy người thanh niên kia, lúc Thầy quì gối, và đã bị đâm ba lần ở sau lưng, chẳng những không ngã quỵ, mà lại không hề lay chuyển. Thầy được vững mạnh như vậy trong ơn thánh sủng nâng đỡ Thầy, Thầy vẫn luôn luôn không chuyển động và tôi thấy diện mạo của Thầy không mất chút nào về vẻ bình thản cũng như về mầu sắc… Người thanh niên thánh thiện này vẫn không ngớt đọc Thánh Danh Chúa Giêsu ngay khi đầu Thầy đã rời khỏi cuống họng và nằm trên vai bên phải, tôi nghe thấy rõ ràng tên cực trọng Giêsu phát ra từ vết thương nơi cổ, cùng một giọng giống hệt như từ cửa miệng phát ra lúc trước; tôi nghe thấy thế rõ ràng và những người gần bên tôi lúc ấy đều nói như vậy, vừa vui mừng lại vừa kinh ngạc. Danh Thánh Giêsu không thể phát ra từ miệng nữa, thì lại phát ra từ trái tim Thầy, ngay đang lúc thôi đập, để tỏ rằng trái tim nay dầu có chết, cũng còn giữ mãi Thánh Danh kia, và khi không thể dùng miệng lưỡi mà ca ngợi Thánh Danh Giêsu được thì Thầy dùng chính vết thương mình mà ca ngợi Danh Chúa” (Sđd trang 11).
BTM : Thầy Anrê Phú Yên chẳng khác nào như cô Maria được Chúa Giêsu ca ngợi trong bài Tin Mừng : “Chỉ có một chuyện cần mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”.
Cha Noel Quesson giải nghĩa : “Vậy chuyện cần thiết duy nhất ấy là gì ? Đó là làm điều Maria ‘ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy’. Khi khẳng định đó là điều cần thiết duy nhất của con người. Bằng một phương thế triệt để và mạnh mẽ, Đức Giêsu đã thực hiện một mặc khải. Vâng, Lời Chúa phải được ưu tiên hơn mọi lo lắng khác ở trần gian. Đức Giêsu cũng đã đưa ra cùng một yêu sách trong những dịp khác. ‘Người ta không sống chỉ nhờ cơm bánh’ (Lc 4,4). ‘Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy’ (Ga 4,34). Đức Giêsu nói : Bạn ơi ! Bạn chớ quên điều chính yếu.
Vậy, quả thật, Đức Giêsu không đánh giá thấp sự ‘phục vụ’ mà Matta đem lại khi bận rộn với việc ‘nội trợ và bếp núc’. Nhưng để đi theo Đức Giêsu thì ngay cả những gì có giá trị nhân bản nhất cũng phải buông bỏ (Lc 5,11). Hãy lắng nghe Lời Chúa ! Đó là bổn phận đầu tiên của con người, của Kitô hữu. Đức Giêsu nói đó là sự cần thiết duy nhất, tuyệt đối, triệt để. Và đây không phải là lần đầu tiên cũng không phải là lần cuối cùng mà Đức Giêsu khẳng định điều đó. Không lắng nghe Lời chính là xây dựng nhà mình trên cát (Lc 6,47-49). Lắng nghe Lời chính là trở thành mảnh đất trổ sinh hoa trái (Lc 8,4-15). Hạnh phúc chân thật và duy nhất của Đức Maria, Mẹ Đức Giêsu, không phải vì Mẹ là Mẹ Người, mà vì Mẹ đã lắng nghe Lời Thiên Chúa và đã đưa ra thực hành (Lc 11,27-28). Vả lại khác với các thánh sử khác, rõ ràng Luca đã đồng hóa Lời Đức Giêsu với Lời của Thiên Chúa (Lc 5,1-8, 11-21,11,28).
Lòng chúng ta yêu thích lắng nghe Lời như thế nào ? Có phải đó là phần tốt nhất hằng ngày của chúng ta ? Chúng ta có những ưu tiên nào ? Điều nào là chính yếu ? (Lời Chúa Cho Mỗi Chúa Nhật, trang 321-322).
Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước
Là ánh sáng chỉ đường con đi
Con đã thề và con xin cam kết
Giữ quyết định công minh của Ngài
(Tv 119,195-196)
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành