Chúa Nhật XVII Thường Niên Năm A
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN NĂM A
(30/7/2023)
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Hội An
GIÁO HUẤN SỐ 35
HAI KẺ THÙ TINH VI CỦA SỰ THÁNH THIỆN
Ngộ Đạo Thuyết Hiện Đại (tiếp theo)
“Khi Thánh Phanxicô Assisi thấy rằng một số môn đệ của ngài liên can đến việc dạy học, ngài muốn tránh cái cám dỗ của ngộ đạo thuyết. Ngài viết cho Thánh Antôn Padua: “Tôi vui mừng về việc anh dạy thần học cho các anh em, miễn là… anh không dập tắt tinh thần cầu nguyện và lòng đạo đức khi làm loại công việc nghiên cứu này”. Thánh Phanxicô đã nhận ra mối cám dỗ của việc biến kinh nghiệm Kitô giáo thành một bộ bài tập trí thức làm cho chúng ta xa cách sự tươi mát của Tin Mừng. Đàng khác, Thánh Bônaventura chỉ ra rằng sự khôn ngoan Kitô giáo đích thực không bao giờ có thể bị tách rời khỏi lòng thương xót đối với người thân cận: “Sự khôn ngoan lớn nhất có thể, đó là biết chia sẻ những gì mình có để trao ban… Lòng thương xót là bạn đồng hành của khôn ngoan, thì cũng vậy, lòng tham lam là kẻ thù của nó”. “Có những hoạt động mà nếu được kết hợp với chiêm niệm thì sẽ không cản trở chiêm niệm nhưng giúp chiêm niệm dễ dàng hơn, như những công việc của lòng thương xót và lòng mộ đạo”. (Tông huấn Hãy Vui mừng Hoan hỉ, số 46).
LỜI CHÚA
(1V 3,5.7-12; Rm 8,28-30; Mt 13,44-52)
Bài Ðọc I: 1 V 3, 5. 7-12
“Xin ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn khôn ngoan”.
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, tại Gabaon, ban đêm, Chúa hiện ra cùng Salomon trong giấc mộng và phán rằng: “Ngươi muốn gì thì hãy xin, Ta sẽ ban cho ngươi”. Salomon thưa: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa khiến tôi tớ Chúa cai trị kế vị Ðavít thân phụ con. Nhưng con chỉ là một trẻ nhỏ, không biết đường đi nước bước. Tôi tớ Chúa đang sống giữa dân Chúa chọn, một dân đông đảo không thể đếm và ước lượng được. Vậy xin Chúa ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn khôn ngoan để đoán xét dân Chúa, và phân biệt lành dữ, vì ai có thể xét xử dân này, một dân của Chúa đông đảo thế này?”
Ðiều Salomon kêu xin như trên đã đẹp lòng Chúa, nên Chúa phán cùng Salomon rằng: “Vì ngươi đã xin điều đó, mà không xin sống lâu, được giàu có, của cải, mạng sống quân thù, lại xin cho được khôn ngoan để biết xét đoán, thì đây Ta ban cho ngươi điều ngươi xin, và ban cho ngươi tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi không có ai giống ngươi, và sau ngươi không có ai bằng ngươi”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 118, 57 và 72. 76-77. 127-128. 129-130
Ðáp: Lạy Chúa, con yêu chuộng luật pháp của Chúa biết bao!
Xướng: Lạy Chúa, con xưng thực kỷ phần của con là tuân giữ những lời ban dạy của Ngài. Ðối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn.
Xướng: Xin Chúa tỏ lòng thương hầu uỷ lạo con, theo như lời đã hứa cùng tôi tớ Chúa. Nguyện Chúa xót thương cho con được sống, vì luật pháp Ngài là sự sung sướng của con.
Xướng: Bởi thế nên con yêu quý chỉ thị Ngài hơn vàng, và hơn cả vàng ròng tinh khiết. Bởi thế nên con tự chọn tất cả huấn lệnh của Ngài; hết thảy đường lối gian tà con đều ghét bỏ.
Xướng: Kỳ diệu thay những lời Ngài nghiêm huấn, bởi thế linh hồn con vẫn tuân theo. Sự mạc khải lời Ngài soi sáng và dạy bảo những người chưa kinh nghiệm.
Bài Ðọc II: Rm 8, 28-30
“Người đã tiền định cho chúng ta trở nên giống hình ảnh Con Người”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, chúng ta biết rằng những kẻ yêu mến Thiên Chúa thì Người giúp họ được sự lành, họ là những người theo dự định của Chúa, được kêu gọi nên thánh. Vì chưng, những kẻ Chúa đã biết trước, thì Người đã tiền định cho họ nên giống hình ảnh Con Người, để Ngài trở nên trưởng tử giữa đoàn anh em đông đúc. Những ai Người đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; mà những ai Người đã làm cho nên công chính?, thì Người cũng cho họ được vinh quang.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: 1 Pr 1, 25
Alleluia, alleluia! – Lời Chúa tồn tại muôn đời, đó là lời Tin Mừng đã rao giảng cho anh em. – Alleluia.
Phúc Âm: Mt 13, 44-46 {hoặc 44-52}
“Anh bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng đó”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy. Nước trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy.
{“Nước trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. Trong ngày tận thế cũng vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng. Các ngươi có hiểu những điều đó không?” Họ thưa rằng: “Có”.
Người liền bảo họ: “Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái mới, cũ trong kho mình”.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM I.
BÁN TẤT CẢ VÌ VIÊN NGỌC QUÝ GIÊSU
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Rất nhiều người trong cuộc sống, họ xem tiền bạc là kho báu của đời họ vì chưng họ cho rằng Tiền là tiên là phật là sức bật của lò xo, là thước đo của lòng người, là tiếng cười của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái vọng che thân, là cán cân công lý. Còn với một số người khác, họ coi quyền lực, danh tiếng lại là thứ ngọc quý giá số một cho nên họ sẵn sàng bỏ tiền ra để mua danh chức tước. Rồi cũng có một số người coi thú vui cuộc đời là kho báu đáng đạt được cho nên không lạ gì trong xã hội hôm nay tràn ngập các tệ nạn đủ mọi lứa tuổi. Trái lại, trong xã hội cũng có những người coi kiến thức và sự thánh thiện là loại châu ngọc quý giá không gì sánh bằng cho nên sẵn sàng đánh đổi tất cả để đạt được, đó là những bậc hiền triết khôn ngoan, các nhà khoa học lỗi lạc, các nhà thần học hay các thánh đã làm sáng Danh Chúa và mưu ích cho muôn người qua mọi thời.
Cuộc sống con người như đi vào cơn lốc của tiền tài, danh vọng và lạc thú. Vì tất cả những điều đó mà con người dám làm mọi sự dù biết là tội và ác để có được những thứ ấy. Thế nhưng, là người Kitô hữu, chúng ta còn có một giá trị cao hơn những danh lợi thú ấy, chính là Nước Trời vì chưng danh lợi thú rồi sẽ qua đi, nhưng Nước Trời thì tồn tại mãi mãi. Cho nên, hôm nay, Chúa Giê-su ví Nước Trời như một kho tàng, như viên ngọc quý đến nỗi để đạt được thì hỏi chúng ta phải hy sinh tất cả mọi của cải, kể cả mạng sống, cũng phải đổi lấy cho bằng được viên ngọc Nước Trời.
Dụ ngôn “Kho báu chôn trong ruộng” và “Viên ngọc quí” diễn tả sự cao trọng, sự vô giá của Nước Trời, không có cái gì, không có vàng bạc hay tài năng nào sánh được. “Kho báu” và “Viên ngọc quý” ở đây là chính Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng của Ngài, Ngài là đối tượng lớn nhất, là niềm vui, là hạnh phúc để chúng ta tìm kiếm và sở hữu. Không có gì đẹp hơn là tìm biết Đức Kitô và có Đức Kitô vì chưng có Ngài, chúng ta có tất cả! Nói như Thánh Phaolô trong bài đọc 2 rằng nhờ Đức Giêsu Kitô chúng ta những người được Thiên Chúa tiền định và được kêu gọi nên thánh, trở nên giống với hình ảnh Chúa Con, trở nên giống Đức Kitô, trở nên công chính và được hưởng phúc vinh quang trong Nước Trời. Vì vậy, Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô là kho tàng chứa đựng sự khôn ngoan của Ba Ngôi Thiên Chúa, đã được Chúa Giêsu mang từ trời xuống ban tặng cho thế gian. Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô là kho tàng quý báu vì có sức đem lại sự sống đời đời cho nhân loại như lời tuyên xưng của thánh Phêrô: “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68). Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người là ánh sáng cho thế gian: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống“(Ga 8, 12). Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người là con đường dẫn đến sự thật, bình an và hạnh phúc: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14,6). Thế nên, chỉ trong Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người, chúng ta mới có thể tìm thấy tình yêu và hạnh phúc đích thực, sự sống đích thực và vĩnh hằng trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Cho nên chẳng lạ gì mà Thánh Phanxicô Khó khăn sinh trưởng trong một gia đình giàu có, quyền thế. Bản thân lại học giỏi tài cao. Đường công danh sáng lạn. Thế nhưng ngài đã bị đánh động bởi câu Lời Chúa: “Được lời lãi cả thế gian, chết mất linh hồn nào ích gì?” để rồi từ đó cuộc đời Ngài chỉ còn tìm kiếm và phụng sự cho Tin Mừng Nước Trời. Rồi, Thánh Augustino sau những ngày tháng ngụp lặn trong thú vui thế gian và xác thịt, Ngài đã cảm nghiệm sâu xa về hạnh phúc Nước Trời mới là vĩnh cửu còn thế gian là tạm bợ. Ngài đã thốt lên trong tiếc nuối: “Lạy Chúa, con yêu Chúa quá muộn màng” để rồi từ đó Ngài ngụp lặn trong đại dương bao la tình yêu thương xót Thiên Chúa.
Người nông dân hay vị thương gia, đều vui mừng khi tìm được kho báu hay viên ngọc quí. Cũng vậy, thái độ của chúng ta đã gặp thấy Chúa, đã khám phá ra Nước Trời trong cuộc sống, chúng ta càng hân hoan vui sướng đồng thời dứt bỏ mọi sự để theo Chúa. Bấy giờ, tất cả những gì trước nay ta cho là quí giá thì mất hết giá trị so với niềm vui mừng có được Thiên Chúa vì chưng có Chúa là có tất cả. Vậy, ước gì qua Lời Chúa hôm nay, chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau để mọi người biết nhận ra Đức Giêsu là nguồn hạnh phúc đích thực của cuộc đời và Tin Mừng của Ngài là một bảo đảm để đạt được hạnh phúc ấy, để chúng ta dám đánh đổi tất cả những sự tạm bợ của thế gian này, để đạt được hạnh phúc vĩnh cửu mà Chúa đem đến cho chúng ta bằng việc tìm gặp Chúa và kết hiệp với Chúa luôn qua việc đọc kinh sáng tối, tham dự cử hành các Bí Tích và hăng say sống Lời Chúa. Cho nên, tìm gặp Chúa không phải chỉ là biết mặt rồi để đấy. Nghe lời Chúa không phải chỉ là ghi nhận rồi làm ngơ và quên lãng. Điều quan trọng là phải đáp trả với tất cả con người, có nghĩa là phải sống và thực thi những điều Ngài truyền dạy. Tin Chúa không phải chỉ là chấp nhận Ngài, mà còn phải gắn bó mật thiết với Ngài. Phải dám liều, dám dấn thân, dám hy sinh bằng tất cả cuộc sống yêu thương. Đã tin Chúa, đã gặp Chúa, thì chúng ta cũng phải có can đảm đổi thay cuộc sống và xoay ngược dòng đời, bắt đầu bằng thái độ từ bỏ: từ bỏ danh vọng, vui thú, bỏ tội lỗi và tiền bạc bất chính. Vì chỉ Đức Kitô chính là kho tàng quí giá, mà mối mọt không thể đục khoét và trộm cướp không thể lấy đi và chỉ Lời Chúa Giêsu là viên ngọc quý giá nhất đem lại cho chúng ta hạnh phúc và sự sống đời này và đời sau. Amen.
SUY NIỆM II
CHÚA GIÊ-SU LÀ KHO BÁU CỦA TÔI
(Hội An 30/7/2023)
Dụ ngôn Chúa Giê-su kể hôm nay nói về Nước Trời thật dễ hiểu. Một người tìm thấy khó báu trong đám ruộng, vội vã chôn giấu lại, trở về bán hết những gì mình có để mua đám ruộng ấy. Chúa Giê-su không cho biết kho báu đó là gì, là vàng bạc châu báu hay một vật có giá trị tinh thần. Chúng ta chỉ biết đối với người tìm kiếm, đó là một kho báu vô dùng quý giá, đến nỗi ông dám bán hết tài sản ông có mà mua lấy. Vậy, chúng ta tự hỏi: Ai hay điều gì đang là kho báu đối với chúng ta? Có các cây hỏi khác nảy sinh thêm: tại sao không ôm lấy kho báu chạy về mà phải chôn lại? Tại sao phải bán hết mọi sự mình có?
- Kho báu của chúng ta là gì?
Trước hết, chúng ta tự hỏi: kho báu của chúng ta là gì?
Khi nói đến kho báu, chúng ta thường giới hạn kho báu là những gì trong thị trường chứng khoán, trong tài khoản ngân hàng hay dưới một nơi chôn giấu. Nếu vậy thì chỉ có những người giàu có và thế giá mới có kho báu. Nhưng kho báu có thể hữu hình hoặc vô hình, có thể nắm trong tay hay giữ trong tâm trí. Vì thế Chúa Giê-su đã nói: “Kho tàng các ngươi ở đâu, thì lòng các ngươi ở đó” (Mt 6,21). Như vậy, mọi người, dù giàu hay nghèo đều biết kho báu của mình. Tuy nhiên, Chúa Giê-su nhắc nhở, “đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi” (Mt 6,19-20).
Đối với thánh Phaolô, kho báu được giấu kín trong Chúa Giê-su, vì thế khao khát được thuộc về Chúa Giê-su và được biết Chúa Giê-su là điều Phaolô theo đuổi. Thánh Phaolô quả quyết: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người (Pl 3,7-9). Đối với thánh Phêrô, Chúa Giê-su cũng là kho báu, nên thánh nhân đã thưa với Chúa: “Bỏ Thầy con biết theo ai?” Thánh tử Đạo Việt Nam nhận biết Chúa Giê-su là kho báu đời mình, nên đã chấp nhận mất cả mạng sống để thuộc về Chúa Giê-su. Tiếc rằng nhiều Ki-tô hữu không nhận biết Chúa Giê-su là kho báu đời mình, họ đặt Chúa Giê-su giữa muôn chọn lựa để có thể chọn điều họ ưa thích, họ không còn trọng lời Chúa và các bí tích, xem nhẹ thánh kinh hay giáo huấn của Hội Thánh Chúa. Ngược lại với họ, các tông đồ và đông đảo tín hữu gắn bó cuộc đời mình vào Chúa Giê-su, vì so với Chúa Giê-su, bất kể ai hay bất kể điều gì đều là thứ cấp, bởi Chúa Giê-su là kho báu lớn nhất phải tìm đến.
- Chúa Giê-su là Kho Báu của Ki-tô hữu
Thật lạ, khi đã tìm thấy kho báu, người ấy bèn chôn lại trong đám ruộng. Tại sao không ôm lấy kho báu chạy về mà phải chôn lại? Bởi anh ta biết rõ kho báu đó nằm trong đám ruộng, mà đám ruộng thuộc về chủ của nó. Anh ta biết rằng kho báu đó sẽ làm thay đổi cuộc đời của anh, nhưng kho báu nằm trong đám ruộng là của chủ. Tin Mừng khẳng định, chúng ta không thể tiếp cận kho báu Nước Trời hay tiếp cận Chúa Giê-su như cách một tên trộm hay kẻ cướp tiếp cận kho báu. Đó không phải là cách thức chúng ta đến với Chúa Giê-su. Người ta không thể chiếm lấy Chúa Giê-su như chiếm lấy một sự vật, nhưng phải khao khát và thuộc về Chúa Giê-su. Để có kho báu, người tìm kiếm phải trả giá; để thuộc về Chúa Giê-su, Ki-tô hữu phải trả giá.
Giá để được Nước Trời và được Chúa Giê-su không hề rẻ, bởi giá rẻ chỉ có nơi chợ giá rẻ, nơi quầy bán hàng “second hand” mà thôi. Giá thuộc về Chúa Giê-su rất đắt, đòi hỏi người đi tìm phải vội vã bán hết những gì mình có mà mua lấy, không chần chừ. Đó là cái giá các tông đồ phải bỏ hết mọi sự, phải chấp nhận vác thánh giá để có được, dứt khoát chứ không lưỡng lự như người cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau. Các tông đồ bỏ chiếc lưới, chiếc thuyền và mảnh vườn cũng như gia đình để đi theo Chúa, đó chưa phải bán hết mọi sự để có kho báu Giê-su, mà còn phải từ bỏ chính mình. Đó là cái giá yêu cầu Ki-tô hữu rũ bỏ hết sự cao ngạo mà quỳ gối xuống ở tòa Giải Tội để được lại thuộc về Chúa Giê-su, vất bỏ những bận rộn mà dành thời giờ nói với Chúa “con khao khát Chúa,” gác lại mọi sự đời hấp dẫn thoáng qua mà chạy đến với Chúa, Đấng đang hiện diện trong Thánh Lễ. Đó là cái giá người cha, người mẹ chấp nhận vất vả hơn để giữ lấy đứa con trong bụng mà không làm mất lòng Chúa, là cái giá của người vợ, người chồng tha thứ cho nhau để trung thành lời cam kết nên vợ chồng trước mặt Chúa, là một cuộc chiến đấu chống trả tội lỗi, thói biếng nhác bổn phận để chu toàn vai trò Chúa giao.
Trong kinh nghiệm, chúng ta nhận ra rằng từ bỏ ý riêng của chúng ta để trung thành với Chúa chẳng khác gì thái độ triệt để dám bán hết mọi sự để có được kho báu Giê-su. Cái giá người đi theo Chúa không nhẹ, nhưng thánh Phaolô chia sẻ: “Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” (2Cr 4,17).
Bạn thấy mệt mỏi vì phải bỏ mọi sự mà theo Chúa ư? Hãy hỏi những người đang yêu nhau, họ có thấy rã rời khi đang yêu nhau hay không, hay họ muốn kéo dài tình yêu ấy? Đó là lý do thánh Phaolô đã quả quyết: “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô” (Pl 1,21). Xin Chúa Giê-su cho mỗi Ki-tô hữu chúng ta có được niềm vui và hạnh phúc, vì được biết Chúa là Đấng Cứu Độ của chúng ta, là Kho Báu cuộc đời chúng ta, để chúng ta vui mừng từ bỏ ngay cả ý riêng của chúng ta, miễn sao chúng ta thuộc về Chúa và có Chúa ở với.