Chúa Nhật XVII Thường Niên – Năm A


CN.17.A

(1V 3,5.7-12; Rm 8,28-30; Mt 13,44)

Đức cha Lambert de la Motte (Lam-be đờ la Mốt) là một trong hai giám mục đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam

Ngài sinh ngày 16 tháng 1 năm 1624 tại Lisieux (Li-si-ơ) nước Pháp, trong một gia đình quí tộc, giầu có, hành nghề thẩm phán. Ngài học trung học tại trường của Dòng Tên ở Caen (Ca-ăng). Sau khi tốt nghiệp trung học, ngài tiếp nối nghề nghiệp của cha và thi vào trường luật.

Năm 1646, lúc 22 tuổi, ngài trở thành luật sư và làm việc tại Nghị viện Paris, Tòa án Thuế vụ, Trung tâm Xã hội Rouen (Ru-ăng). Tuy nhiên, chí hướng của ngài vẫn thiên về các sinh hoạt tôn giáo và công tác xã hội. Ngài đã ghi lại cảm nghĩ của mình là “chỉ thiết tha một điều là chết đi cho trần gian và sống cho một mình Thiên Chúa“.

Cuối cùng, ngài quyết định từ bỏ nghề luật sư để đi tu. Ngày 27-12-1655 ngài chịu chức linh mục. Lúc đó ngài mới 31 tuổi. Ngài đã ghi lại cảm nghĩ của mình sau thánh lễ mở tay như sau: “Tình yêu Thiên Chúa đã đốt lên nơi tôi lòng nhiệt thành đến với người chưa biết Chúa, để nhờ công nghiệp Máu Thánh Chúa đổ ra, họ cũng được ơn cứu độ” (Google)

Được cha linh hướng góp ý, cha Lambert đi Pa-ri gặp “Nhóm Bạn Hiền”, nhóm đang nói nhiều về chương trình truyền giáo ở Việt Nam và Trung Quốc. Ngài ngỏ ý sẵn sàng theo chân vị thừa sai nào đó đi VN hay Trung Quốc như một nhà truyền giáo bình thường và ngài xin dâng tài sản của mình  cho công cuộc truyền giáo.

Năm 1659 ngài được chọn làm giám mục Đàng Trong, Miền Nam. Sợ người Bồ Đào Nha bắt, ngài đi sang VN qua ngả đường Ba Tư, Ấn Độ. Việt Nam lúc đó cấm đạo, Đức cha phải tạm trú ở Thái Lan năm 1662.

Trong vòng 8 năm ở Thái Lan, Đức cha mở mang chỗ ở thành trụ sở dừng chân cho các vị thừa sai sang VN, thành Đại Chủng Viện Thánh Giuse dậy dỗ các chủng sinh. Tại đây, ngày lễ Phục sinh 31-3-1668, Đức cha đã phong chức linh mục cho thầy  Giuse Trang 28 tuổi, linh mục Đàng Trong, miền Nam, đầu tiên; ít tháng sau phong chức cho thầy Luca Bền.  Cũng tại Thái Lan vào ngày lễ Chúa Ba Ngôi, Đức cha phong chức cho hai thầy Đàng Ngoài, miền Bắc, là Bênêđíctô Hiền 54 tuổi và Gioan Huệ 47 tuổi.

Sau khi ở Thái Lan được 8 năm, năm 1670 Đức cha Lambert viếng thăm giáo đoàn Đàng Ngoài. Đức cha phong chức linh mục cho 7 thầy giảng, họp Công đồng Phố Hiến nhận thánh Giuse là bổn mạng Giáo Hội VN, lập dòng Mến Thánh Giá. Năm 1671 và 1676 Đức cha viếng thăm giáo đoàn Đàng Trong. Trở về Thái Lan, 3 năm sau, ngày 15-6-1679 Đức cha qua đời vì bệnh thận.

 

BTM : Cuộc đời Đức cha Lambert de la Motte khác gì lời Chúa Giêsu trong BTM thánh lễ hôm nay : “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. Nước Trời cũng giống như chuyện thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quí, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (Mt 13,44-46).

Chân nhận Nước Trời là “kho báu”, là “ngọc quí”, Đức cha bỏ nghề luật sư đi tu. Đức cha dâng tài sản cho công việc truyền giáo. Đức cha sẵn sàng đi sang VN truyền giáo.

Bđ1 : Bđ1 thánh lễ kể chuyện vua Salômôn xin “đức khôn ngoan”. Chúa phán : “Ngươi đã không xin cho được sống lâu hay được của cải, cũng không xin cho kẻ thù ngươi phải chết, nhưng đã xin cho được tài phân biệt để xét xử, thì nay, Ta làm theo lời ngươi : Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn” (1V 3,11-12).

Chúa cũng ban cho Đức cha Lambert đức khôn ngoan để bỏ thế gian mà chọn Chúa.

Bđ2 : Thánh Phaolô viết cho người Rôma : “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người… Người cũng cho hưởng phúc vinh quang” (Rm 8,28.30).

Đúng như lời thánh Phaolô viết, Đức cha từ bỏ nghề luật sư, từ bỏ của cải vì yêu mến Chúa, nên Chúa làm cho sự từ bỏ của Đức cha sinh lợi gấp cả trăm lần.

Khi còn sống Đức cha được giáo dân quí mến. Trong cuộc viếng thăm Đàng Trong lần II, tại Huế, “Giáo dân lũ lượt kéo đến thăm Đức cha…. Đức cha và các cha luôn luôn phải nhắc nhở giáo dân khôn ngoan, giữ gìn, đừng làm gì xôn xao ầm ĩ” (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, Tập II, trang 220).

Đức cha trở lại Hội An để lên thuyền về Thái Lan. Tại Hội An, “người ta đồn với nhau là Đức cha sắp trở về Xiêm, nên từng đám đông giáo dân kéo đến làm chúng tôi hết chủ động nổi. Bất kể ngày đêm, nhà thờ và ngôi nhà trọ của chúng tôi đều không ngớt người… Họ chỉ muốn gặp Đức giám mục của họ” (Bénigne Vachet, Cao Kỳ Hương dịch, Chuyện Đức cha Lambert, trang 76).

Khi chết, “người Thái, Việt, Pháp, Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha đến vây quanh quan tài Đức cha. Vua Thái Lan cử nhiều quan triều đình và võ quan cao cấp tham dự lễ tang” (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, T.I, trang 291).

Nhất là tháng 9 năm 2009, phái đoàn Giám mục Việt Nam đã đệ trình hồ sơ xin phong Chân phước cho hai Giám mục de la Motte và Pallu vì đóng góp của hai Giám mục với Giáo hội Công giáo Việt Nam (Google).

Gia đình chúng ta cũng thế. Nếu sốt sắng đọc kinh tối, thay vì coi tivi; hay hy sinh chở con cái đi học giáo lý thay vì để con ở nhà, thì gia đình chúng ta sẽ có những đứa con ngoan với gia đình, những đứa con hữu ích với xã hội, và có những đứa con đạo đức với Chúa (27-7-2014)

——————————————————————

CN.17.A

 

Hôm nay ngày 24-7 cũng là ngày tử đạo của cha Phụ tá tỉnh dòng Đaminh Việt Nam, cha Giuse Fernandez, tên VN là Hiền. Cha sinh tại nước Tây Ban Nha năm 1775. Cha đi tu dòng Đaminh. Năm 21 tuổi cha khấn dòng và năm 29 tuổi cha chịu chức linh mục.

Muốn được sang truyền giáo ở Việt Nam, cha xuống tầu tới Manila. Sau đó cha tới Macao và từ Macao đi tầu tới cửa Thuận An, Huế năm 1806. rồi đi bộ ra Bắc.

Sau khi nói được tiếng Việt, cha Fernandez Hiền được sai coi xứ Xuân Dục. Tính tình cha hiền lành, vui vẻ và khiêm nhường, dân lương thương yêu, xin theo đạo rât đông. Để đào tạo các mục tử tương lai, Đức cha đặt cha làm giám đốc Đại Chủng Viện Ninh Cường, kiêm chức Phụ Tá Tỉnh Dòng.

Vừa nhận chức thì cơn bắt đạo nổi lên, giáo dân Ninh Cường xin cha chạy trốn đi nơi khác, kẻo họ bị liên lụy. Cha chạy trốn sang xứ Quần Liêu, giáo dân Quần Liêu cũng không muốn tiếp nhận cha. Nghe tin, cha Phêrô Nguyễn Bá Tuần sang trách mắng giáo dân hai xứ đã thiếu tinh thần bảo vệ các chủ chăn, và đem cha Hiền về trú tại Kim Sơn.

Quan quân đem lính đến vây làng Kim Sơn. Cha xứ Kim Sơn gửi hai cha cho ông Bát Biên. Ông là người lương, nhưng mang ơn cha xứ. Không ngờ ông bán hai cha để lấy tiền thưởng. Cha Fernandez bị nhốt vào cũi, còn cha Tuần bị đeo gông giải về Nam Định.

Trước tòa án, quan bắt cha Fernandez khai  nơi ở của các linh mục. Cha đáp :

Từ ngày vua cấm đạo, chúng tôi mạnh ai nấy trốn lánh, chẳng ai biết ai ở đâu.

Quan bảo ngài :

Nếu ông đạp thập giá bỏ đạo, tôi sẽ tâu vua ông chỉ là một người thông dịch.

Cha đáp :

Tôi đến Việt Nam không phải để phục vụ vua chúa trẩn gian. Tôi đến đây là để rao giảng đạo Đức Chúa Trời.

Cha Fernandez và cha Tuần bị vua kết án chém đầu. Cha Phêrô Tuần 72 tuổi già cả sức yếu nên chết rũ tù. Còn cha Fernandez sáng ngày 24-7-1838  bị đem ra pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định. Dân lương thi nhau xĩ vả, giật râu, bứt tóc, đánh đấm cha. Cha bị chém đầu vào 2g chiều. Thi thể của cha được giáo dân mua chuộc đem về Phú Nhai chôn. Riêng đầu của cha bị treo lên ngọn tre bêu 3 ngày để những người đi lại trông thấy mà sợ hãi bỏ đạo.

BTM : BTM thánh lễ hôm nay kể ba dụ ngôn “Kho Báu”, “Viên Ngọc Quí” và “Lưới Cá”. Bác nông dân thấy kho báu trong ruộng, đã về “bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy” (Mt 13,44). Còn người thương gia đi tìm ngọc quí, khi thấy thì cũng “bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (Mt 13,46).

Còn dụ ngôn “Lưới Cá” thì nói đến cách sống đạo của các tín hữu : “Cá tốt cho vào giỏ, cá xấu thì vứt ra ngoài” (Mt 13,48).

Cha Fernandez đã mua được kho báu và viên ngọc quí Nước Trời sau 32 năm vất vả tìm kiếm trên cánh đồng Việt Nam. Cha Phêrô Tuần thì sau 72 năm trung trinh với đức tin, với chức vụ linh mục.

Hai cha là những con “cá tốt được cho vào giỏ”.

Bđ2 : Nói theo kiểu thánh Phaolô trong thư Rôma bđ2, thì cha Fernandez và cha Phêrô Tuần là những người yêu mến Thiên Chúa được Thiên Chúa “làm cho mọi sự sinh lợi ích” (Rm 8,28), “được nên đồng hình đồng dạng với Con của Người” (Rm 8,29).

Bđ1 : Muốn mua được “Kho Báu”, mua được “Viên Ngọc Quí”, muốn được  là “cá tốt”, được “sinh lợi ích”, được “đồng hình đồng dạng”, thì phải giống như vua Salômôn trong bđ1, phải siêng năng cầu nguyện : xin Chúa ban cho “một tâm hồn biết lắng nghe” (1V 3,9), chứ không xin cho “được sống lâu”, được “của cải”, được thắng “kẻ thù” (1V 3,11) (24-7-2011)

———————————————————

CN.17.A

Năm 1626 cha Baldinotti theo tầu buôn tới Hà Nội. Cha được chúa Trịnh Tráng tiếp đón niềm nở. Rất tiếc cha không biết tiếng Việt. Nhưng cha nhận xét rằng : “Người xứ Bắc tính tình tốt lành, có nhiều thuần phong mỹ tục rất hợp với tinh thần đạo Công giáo. Nếu có những vị thừa sai thông thạo tiếng nói của dân xứ, rất hy vọng thu lượm được mùa gặt phong phú”.

Cha liên lạc với cha Bề trên dòng Tên ở Áo Môn. Cha Bề trên đồng ý sai hai cha Đắc Lộ và cha Marquez đến Miền Bắc truyền giáo. Chỉ có cha Đắc Lộ biết nói sõi tiếng Việt, vì cha đã ở Hội An 3 năm. Ngày 12-3-1627 hai cha xuống thuyền đi Miền Bắc. Ngày 19-3, lễ thánh Giuse, thuyền hai cha tới Cửa Bạng, Thanh Hóa. Trong cuốn “Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam”, cha Nguyễn Hồng viết như sau : “Tầu cập bến, dân chúng tò mò đến xem. Ít khi họ gặp tầu buôn  đến vùng họ…Nghe nói là tầu buôn của người Bồ (Đào Nha) đem hàng vào Kinh (Đô) bán, họ mong muốn được mắt thấy những tấm nhung lụa đắt tiền, những viên ngọc quí từ bên Ấn Độ đưa sang, mà đời họ chỉ được nghe nói, nhưng chưa được thấy… Cũng như xưa, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn hòn ngọc quí để giảng Nước Trời cho những người dân quê (Do Thái), (thì nay) cha Đắc Lộ cũng từ câu chuyện viên ngọc Ấn Độ đưa những người dân chài đến với đạo của Chúa Trời Đất” (trang 100).

BTM : Thánh Mt kể 7 dụ ngôn Chúa Giêsu dùng để giảng về Nước Trời. CN 15 đọc dụ ngôn “Gieo Giống”, CN 16 đọc 3 dụ ngôn : “Cỏ Lùng”, Hạt Cải”, Nắm Men”, và CN 17 hôm nay đọc 3 dụ ngôn : “Kho báu”, “Viên Ngọc Quí”, “Cái Lưới”.

Theo luật Rôma, kho tàng thuộc người tìm thấy, nhưng theo luật Do Thái kho tàng thuộc người chủ của thửa ruộng. Vì thế người tìm thấy kho tàng vội chôn giấu lại.

Hai dụ ngôn “Kho Tàng” và “Viên Ngọc Quí” đều mô tả người muốn có chúng đều phải ”bán tất cả những gì mình có mà mua” (Mt 13,44-45).

Như vậy, người muốn có “Kho Tàng” và “Viên Ngọc Quí” phải khôn ngoan nhận xét đâu là giá trị thật, thì mới dám “bán tất những gì mình có mà mua”. Nếu không khôn ngoan , mà vớ được thứ giả thì mất cả chì lẫn chài.

Bđ1 : Bđ1 hôm nay đề cao đức khôn ngoan  của vua Salômôn. Thiên Chúa bảo vua : “Ngươi cứ xin gì, Ta sẽ ban cho” (1V 3,5). Vua thưa : “Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái” (3,9). Thiên Chúa khen  nói : “Ngươi đã không xin cho được sống lâu, hay được của cải, cũng không xin cho kẻ thù ngươi phải chết, nhưng đã xin cho được tài phân biệt để xét xử, thì này, Ta làm theo như lời ngươi : Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi cũng chẳng có ai bì kịp” (3,11-12).

Bđ2 : Đoạn thư Rôma của thánh Phaolô trong bđ2 nói đến lòng thương xót bao la của Thiên Chúa. Lòng thương xót của Thiên Chúa thể hiện  qua hai việc :

1/ “Thiên Chúa làm mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28).

2/ “Những ai Thiên Chúa đã tiền định thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang” (8,30). Như thế, từ trước muôn thủa Thiên Chúa đã chọn gọi chúng ta để hưởng phúc.

Vậy chúng ta không được hạnh phúc là do chúng ta khước từ lòng thương xót của Thiên Chúa, là do chúng ta không biết khôn ngoan bán những gì mình có để mua lấy kho tàng, mua lấy viên ngọc quí. Chúa đành phải loại chúng ta, như người bắt cá trong dụ ngôn “Cái Lưới” : “Ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu vứt ra ngoài” (Mt 13,48) (26-7-2008).

————————————————

CN.17.A

Sách TM Mt có 7 dụ ngôn về Nước Trời. CN 15 chúng ta đọc dụ ngôn “Gieo Giống”, dụ ngôn công bố Nước Trời. CN 16 đọc 3 dụ ngôn “Cỏ Lùng”, “Hạt Cải”, “Men Bột” nói đến sự phát triển của Nước Trờ, dù có nhỏ bé như “hạt cải”, bị phá hoại bởi ‘cỏ lùng”, nhưng nhờ gương sáng đạo đức như men trong bột, Nước Trời vẫn lớn mạnh.

CN 17 hôm nay đọc 3 dụ ngôn “Kho báu”, Ngọc quí”, “lưới cá” nói lên giá trị vô song của Nước Trời. Nếu ai nhận ra thì như  “cá tốt cho vào giỏ”, ai không nhận ra thì như  “cá xấu vứt ra ngoài”.

Nước Trời hay đạo rất quí giá chẳng có gì so sánh nổi, khiến người ta như bác nông dân tình cờ gặp được kho báu trong ruộng, vui mừng đi bán tất cả những gì mình có để mua lấy thủa ruộng có kho báu đó. Hay giống như người thương gia tìm được viên ngọc quí, cũng bán tất cả mà mua.

Ngưới thương gia xem ra mua bán sòng phẳng; còn bác nông dân xem ra gian xảo, vì thấy kho báu ở trong ruộng người ta, vội chôn lại, và tìm cách mua thủa ruộng. Bác nông dân bề ngoài là mua ruộng, nhưng bên trong là mua kho báu. Anh gian lận, không sòng phẳng ?

Luật Ítraen viết rằng : “Cái gì được tìm thấy thì thuộc về người tìm thấy… Nếu tìm thấy một trái rơi hay tiền rơi thì thuộc về người tìm thấy”. Theo luật Ítraen, bác nông dân không gian lận, bác làm đúng theo luật.

Trong hai dụ ngôn “kho báu” và “ngọc quí”, chúng ta thấy hai thái độ sống của con người.

Một là bác nông dân tình cờ khám phá ra kho báu. Chỉ một phút tình cờ mà làm nên chuyện. Cuộc đời đi theo Chúa cũng thế. Chúa nói với chúng ta trong một biến cố nhỏ nhoi, tầm thường. Nếu chúng ta biết đón nhận thì gặp được Chúa.

Mẹ Têrêsa Calcutta trong một chuyến xe lửa ngày 10-9-1946, khi trông thấy những người bị bỏ rơi trên đường phố, Mẹ nhận ra tiếng gọi của Chúa, bỏ nhà dòng Đức Mẹ Maria Lorette, mà Mẹ đã tu được 17 năm, từ ngày 6-1-1929, và Mẹ thành lập một dòng mới, dòng Bác Ái, để săn sóc những người bị bỏ rơi trên đường phố.

Người thương gia thì không tình cờ. Ông đã chăm chú đi tìm, mãi mới thấy viên ngọc quí. Cuộc đời của chúng ta cũng vậy, biết bao năm tháng đi tìm Chúa mà chẳng gặp, gặp toàn những cái chi chi đâu. Gặp được Chúa thì đã cuối đời rồi, như  cuộc đời của thày giảng Anrê Phú Yên.

Năm 1641 cha Đắc Lộ đến Phú Yên lần đầu tiên. Bà Gioanna, mẹ của thày Anrê đem con đến cho cha rửa tội tại nhà nguyện của bà vợ quan trấn Maria Mađalêna. Hôm đó cha rửa tội 90 người. Cha kể : “Bà Gioanna, thân mẫu của thày giảng Anrê là một giáo hữu rất nhân đức của họ đạo Phú Yên. Bà rất chăm sóc cho việc giáo dục cho Anrê về đường đức hạnh và đường học vấn. Quả thực, mặc dầu góa bụa và đông con, bà đã lo cho cậu ngay từ những năm đầu được học chữ nghĩa kinh sử. Nhưng có một điều khiến  bà ngày đêm lo lắng là con út của bà đã khôn lớn mà chưa được rửa tội. Cha Đắc Lộ rửa tội và lấy tên thánh Anrê cho cậu út 16 tuổi.”.

Năm sau, năm 1642, cha Đắc Lộ đến Phú Yên Lần II. Cha kể : “Không mãn nguyện với bậc giáo hữu, thanh niên ấy nảy ý định tham gia vào việc làm cho nhiều người trở lại”. Bà Goanna đã đem Anrê đến cho cha và xin cha cho con mình được theo cha làm việc cho Chúa. Lúc đầu cha thấy Anrê còn nhỏ tuổi, mới 17 tuổi, lại mới rửa tội hồi năm ngoái, nên không nhận. Nhưng vì cả hai mẹ con cứ van nài, nên cha nhận Anrê vào Hội Thày Giảng gồm 10 người, đem về Hội An huấn luyện.

Tại Hội An thày bị bắt. Cha Đắc Lộ và các thương gia Bồ Đào Nha đến quan trấn Vĩnh Điện xin tha cho thày. Quan trấn trả lời : “Y bạo ngược và cả lòng, lại quyết mình không lầm và thưa rằng : Mình là bổn đạo thờ phượng Chúa trời đất, dù cách nào cũng không bỏ, lại sẵn sàng chịu mọi hình phạt, cả đến mất mạng sống. Ví bằng khi ấy y nói với tôi rằng : Mình là kẻ nghèo khó phải ở với giáo sĩ để có ăn, thì tôi đã tha, song cả lòng thì chết”.

5g chiều thày bị 30 người lính dưới sự chỉ huy của một cai đội, dẫn ra pháp trường Gò Sứ, Vĩnh Điện. Thày bị chém đầu tại đó.

Ngày 5-3-2000, trong bài giảng lễ phong Chân Phước, Đức giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã nói : “Tình yêu đối với Chúa, Ngài đã dùng tất cả sức lực để phục vụ Giáo Hội qua việc trợ giúp cho các linh mục. Ngài đã kiên trung đến dâng hiến máu đào để giữ nghĩa cùng Đấng mà Ngài đã dâng hiến tất cả”.

Như lời trong dụ ngôn “Kho Báu” và “Viên Ngọc”, thì thày Anrê đã “bán tất cả những gì mình có” để mua cho bằng được thiên đàng.

Đúng vậy, thày Anrê đã mong mỏi thiên đàng, đến nỗi trong tù Ngài nói : “Tôi tưởng của thiên đàng đã mở cho tôi. Tôi thấy Chúa Giêsu đang đứng trước cửa đó để đón nhận tôi. Bao nhiêu thánh tử đạo giơ cho tôi mũ triều thiên và cành thiên tuế. Ôi thiên đàng ! Hạnh phúc dường nào ! Mau mau cho tôi về thiên đàng. Tại sao người ta trì hoãn tôi làm vậy ?” (28-7-2002).

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành