Chúa Nhật XVII Thường Niên – Năm B
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN – NĂM B
25-7-2021
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Hội An
GÍAO HUẤN SỐ 35
NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ
Thời của những giấc mơ và những quyết định (tt)
Hãy tiếp tục theo đuổi những niềm hy vọng và những ước mơ của các con. Nhưng hãy cẩn thận về một cám dỗ có thể kéo chúng ta lại. Đó là sự lo âu. Lo âu có thể chống lại chúng ta bằng cách làm chúng ta bỏ cuộc bất cứ khi nào không nhìn thấy những kết quả ngay lập tức. Người ta chỉ đạt được những ước mơ đẹp nhất xuyên qua hy vọng, kiên nhẫn và dấn thân, chứ không phải sự nóng vội. Đồng thời chúng ta không nên lưỡng lự, sợ phiêu lưu hay phạm sai lầm. Hãy tránh tình trạng tê liệt của những người sống mà như chết, những người không thực sự sống vì họ sợ mạo hiểm, sợ mắc sai lầm hay sợ kiên tâm trong những cam kết của mình. Ngay cả dù các con phạm sai lầm, các con luôn luôn có thể đứng dậy và bắt đầu lại, vì không ai có quyền cướp đi khỏi các con niềm hy vọng (Tông huấn Đức Kitô hằng sống số 142).
—————-
CN 17 TN B
(2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15)
AN RÊ PHÚ YÊN (1625-1644)
Theo đoàn hành hương, chúng tôi đã có cơ hội được đến tham dự Thánh Lễ trong một nhà nguyện nhỏ tại Trụ Sở Trung Ương của Dòng Tên tại Roma, nơi còn lưu giữ đầu của Á Thánh AN RÊ PHÚ YÊN, một thiếu niên đã trung kiên chết để làm chứng cho niềm tin vào Đức Giê-su Ki-tô trên đất Việt Nam vào ngày 26 tháng 7 năm 1644.
Khi cha Đắc Lộ lần đầu đến Phú Yên vào tháng 5 năm 1641, ngài đã rửa tội cho khoảng 90 người ngay tại tư dinh công chúa Mađalênna Ngọc Liên, con của chúa Nguyễn Hoàng (1). Trong số những người mới được rửa tội này có một thiếu niên 16 tuổi được mang tên thánh là AN-RÊ. Đây chính là người đã đổ máu đầu tiên để cho hạt giống của Tin Mừng đơm hoa kết trái trên đất Đại Việt mà hôm nay chúng tôi được tận mắt nhìn thấy thủ cấp của Ngài trên bàn thờ của nhà nguyện nhỏ bé này.
AN-RÊ PHÚ YÊN chỉ là một thiếu niên vừa được nhận vào Đạo Thánh của Chúa Giê-su Ki-tô hơn 3 năm, nhưng niềm tin mãnh liệt vào Chúa Giê-su Kitô đã làm cho cậu vượt qua được tất cả mọi trở ngại để làm chứng cho Tin Mừng trong buổi đầu gian nan đến với xứ Đại Việt.
Ngày 18 tháng 01 năm 1615, các cha Dòng Tên bước chân lên đất Đại Việt. Năm 1625, khi đạo Chúa Ki-tô đã được truyền bá khắp nơi ở Đàng Trong thì cũng là lúc AN-RÊ PHÚ YÊN chào đời. Không ai biết chính xác nơi người chứng thứ nhất này được sinh ra; nhưng có lẽ đấy là xóm Lò Giấy, cách nhà thờ Mằng Lăng (Phú Yên) hiện nay khoảng 3 cây số về phía tây bắc bên kia sông Kỳ Lộ, vì đây là xóm đạo đầu tiên ở Phú Yên. Cậu AN-RÊ PHÚ YÊN là con út trong gia đình đông anh chị em và được mẹ là bà Gioanna chăm lo dạy dỗ về đức hạnh cũng như học vấn. Khi cha Đắc Lộ đến lần đầu vào năm 1641, chính bà mẹ này đã dẫn con đến để xin được rửa tội cho con. Khi cha Đắc Lộ đến lần thứ hai vào đầu năm 1642, cũng chính bà mẹ Gioanna này lại đến xin cho con mình được vào Hội Thày Giảng của cha Đắc Lộ để rao giảng đạo thánh Chúa Trời Đất.
Hội Thầy Giảng Đàng Trong của cha Đắc Lộ vào lúc ấy có 10 anh em, do thầy Inhaxu đứng đầu. Chính thầy Inhaxu đã nói với cha Đắc Lộ rằng: “Trong tất cả các môn sinh, không một người nào đọ kịp trí tuệ của AN-RÊ: linh lợi, thông minh, học đâu hiểu đó.”
Cha Đắc Lộ cũng đã có nhận xét về cậu thiếu niên AN-RÊ: “Người anh không khỏe mạnh lắm; thế mà việc khó mấy trong nhà, anh cũng làm luôn, nhiều khi lại làm quá sức; anh quên mình để giúp kẻ khác…AN-RÊ ở nhà tôi chỉ ít lâu, nhân đức trong linh hồn anh đã biểu lộ ra ngoài; anh sống giữa chúng tôi như một vị thánh nhỏ; anh có tư thái hiền hậu; đức vâng lời mau lẹ; rất kính trọng mọi người, khiến ai cũng đều cảm phục… Anh coi mình như kém hết mọi người và không có gì làm cho anh bằng lòng hơn là được dịp phục vụ người khác.”
Ngày lễ thánh I-nhã, tổ phụ Dòng Tên năm 1643, AN-RÊ PHÚ YÊN cùng 9 anh em khác tay cầm nến sáng, quì trước bàn thờ “TUYÊN THỆ SUỐT ĐỜI PHỤC VỤ HỘI THÁNH, SỐNG KHIẾT TỊNH VÀ SẼ VÂNG LỜI CÁC CHA DÒNG TÊN ĐẾN GIẢNG ĐẠO TRONG NƯỚC HOẶC NHỮNG VỊ THAY MẶT CÁC CHA.”
Cha Đắc Lộ còn nói về thầy AN-RÊ PHÚ YÊN rằng: “Từ ngày khấn, AN-RÊ tự cho mình có bổn phận sống trọn lành hơn khi trước nhiều lắm; sự thật thì suốt năm ấy, chính là năm cuối đời, anh tiến rất cao trên con đường thực hành mọi nhân đức, khiến chúng tôi chẳng hiểu ý Chúa dự định về anh như thế nào, nhưng chúng tôi biết rõ những tác động ấy của ơn thánh sủng chẳng phải là sự thường.”
Cha Đắc Lộ còn cho biết rằng: “AN-RÊ giảng đạo cho người ngoại giáo, dạy dỗ kẻ tân tòng, dọn dẹp nhà thờ rất sạch sẽ; trang hoàng nhà thờ những ngày lễ lớn quanh năm, khéo léo đến nỗi làm cho bổn đạo tăng thêm lòng sốt sắng và cả người ngoại giáo cũng phải trọng kính mầu nhiệm của đạo.”
Cuộc đời tận hiến và hoạt động tông đồ của AN-RÊ PHÚ YÊN đã cho thấy nhiệt huyết của cậu thiếu niên đối với công việc mở mang nước Chúa sâu đậm như thế nào: mới 19 tuổi và mới theo đoàn truyền giáo được 2 năm mà đã biết chèo thuyền, biết làm hang đá, biết giảng giáo lý, chăm lo học hành, rất đạo đức, ham làm việc, dám xông pha khắp nơi, không ngại khó khăn và nguy hiểm.
Trong khoảng thời gian 1630-1639, nội bộ của Vương triều nhà Nguyễn lộn xộn, bà Vương Phi Tống Thị Toại ăn ở bất chính với Công Thượng Vương. Thầy Inhaxu đã phê phán người phụ nữ tội lỗi ấy và bị bà căm ghét tìm dịp trả thù; mặt khác, bà này rất sợ các thừa sai làm cho Công Thượng Vương theo đạo vì nếu chuyện này xảy ra, bà ta sẽ mất hết quyền lợi. Vì vậy, bà này đã âm mưu với các quan lại địa phương tâu lên với Công Thượng Vương ra lệnh trục xuất các thừa sai vì các Cha đã cho giáo dân tôn thờ ảnh Thánh Giá chứ không sùng bái chư thần trong nước. Công Thượng Vương nghe theo lời xúi quẩy đã ra lệnh đốt ảnh tượng và đe dọa ‘người nào còn đưa vào đất nước này những vật đó thì hãy coi chừng mạng sống…’
Công cuộc truyền bá Tin Mừng cho dân Việt bắt đầu phải đối mặt với những thử thách đầu tiên. Ngày 25 tháng 7 năm 1644, ông Nghè Bộ cho lính xông vào nhà các Cha Dòng Tên ở Hội An để bắt thầy Inhaxu, nhưng không động tới Cha Đắc Lộ vì ngại đụng chạm tới người Bồ Đào Nha. Bà tình nhân của Công Thượng Vương ngầm ra lệnh cho ông Nghè Bộ chỉ bắt thầy Inhaxu vì tư thù và cũng vì muốn ngăn cản hoạt động mục vụ và truyền giáo rất đang thành công của cha Đắc Lộ.
Khi bọn lính xông vào nhà thì chỉ có AN-RÊ PHÚ YÊN ở nhà coi sóc 4 anh em đang ốm đau trong khi cha Đắc Lộ, thầy Inhaxu và 4 anh em khác đi làm việc tông đồ. Tức giận vì không bắt được thầy Inhaxu, bọn lính đập phá nhà cửa, ảnh tượng. Để ngăn cản sự phá hoại của bọn lính, thầy giảng AN-RÊ PHÚ YÊN đã nói với bọn chúng rằng: “Nếu các ông muốn bắt thầy Inhaxu thì vô ích, vì thầy ấy không có ở nhà; còn nếu muốn bắt tôi thì rất dễ dàng. TÔI LÀ GIÁO HỮU, HƠN NỮA CŨNG LÀ KẺ GIẢNG. Tôi có cả hai tội mà các ông khép cho thầy Inhaxu để bắt thầy ấy. Nếu thầy ấy có tội thì tôi làm sao vô tội được?” Nghe vậy, bọn lính tức tối trói thầy AN-RÊ PHÚ YÊN, đóng gông vào cổ, đưa xuống thuyền đi ngược theo giòng sông Thu Bồn về Dinh Trấn Quảng Nam, trong huyện Điện Bàn ngày nay. Sau này người ta kể lại rằng: “Thầy AN-RÊ vui vẻ theo họ trên suốt quãng đường, không ngừng giảng cho những người dẫn mình vào ngục biết đường tránh địa ngục và lên Thiên Đàng.”
Sáng ngày hôm sau, 26/7/1644, quan trấn thủ đưa thầy AN-RÊ PHÚ YÊN ra xét xử và kết án tử hình. Trước giờ hành hình, thầy AN-RÊ PHÚ YÊN đã dõng dạc tuyên bố rằng: “Hỡi anh em, đối với Chúa Giê-su yêu dấu của chúng ta, chúng ta hãy LẤY TÌNH YÊU ĐÁP LẠI TÌNH YÊU. Chúa đã chịu chết đau khổ vì chúng ta, nên chúng ta hãy LẤY MẠNG SỐNG ĐÁP ĐỀN MẠNG SỐNG…Anh chị em thấy rõ tôi đây bị bắt và sắp phải chết, chẳng phải vì ăn cướp, giết người hay làm thiệt hại đến ai, mà chỉ vì tôi đã nhìn nhận Chúa Tể Trời Đất và Con Một Người xuống thế chịu chết chuộc tội cho chúng ta. Mọi sự chúng ta có đều do nơi Người. Thế mà người ta lại muốn tôi phạm đến Người. Tôi chẳng sợ bất cứ hình phạt nào người ta có thể bắt tôi phải chịu. Tôi chỉ sợ lửa hỏa ngục đời đời, là hình phạt dành cho kẻ từ chối không tin thờ Chúa Giê-su Ki-tô là Đức Chúa Trời thật. Hỡi anh chị em, hãy coi chừng. Đừng từ chối ơn Đức Chúa Trời muốn ban cho anh chị em. Phải liệu sao cho khỏi bị xử phạt đời đời.”
Sau khi nhận án tử hình, thầy AN-RÊ PHÚ YÊN xưng tội, quì cầu nguyện, chào vĩnh biệt mọi người rồi đi theo toán lính ra pháp trường là một thuở ruộng cách thành Dinh Trấn Quảng Nam khoảng một cây số. Ngày nay chỗ này thuộc huyện Điện Bàn, ở khoảng cây số 952 trên quốc lộ 1A. Thuở ruộng ấy được dân chúng gọi là Gò Xử, sau này nói trại đi là Gò Sứ gần Chợ Củi.
Trên đường ra pháp trường, thày AN-RÊ PHÚ YÊN luôn nhắn nhủ mọi người rằng: “ Hỡi anh chị em! Hãy giữ nghĩa cùng Chúa Giê-su cho đến chết. Không có gì dập tắt được lửa yêu mến Chúa Giê-su trong lòng chúng ta.”
Buổi sáng ngày 26/7/1644 ấy, giây phút tiễn đưa giữa một cha thừa sai Dòng Tên và một người con dân nước Việt thật bi hùng như chính Cha Đắc Lộ kể lại rằng: “Trên đường ra pháp trường, tôi hằng ở bên anh và tôi không theo kịp, vì anh đi rất nhanh, mặc dầu phải mang gông nặng. Tới địa điểm chiến thắng, anh quì xuống để chiến đấu cho can đảm hơn. Lính gác bao quanh anh. Họ không cho tôi vào bên trong vòng lính, nhưng viên đội trưởng cho phép tôi vào và đứng cạnh anh. Anh vẫn quì dưới đất, mắt nhìn trời, miệng luôn hé mở và kêu tên Chúa Giê-su. Một người lính lấy giáo đâm anh từ phía sau lưng, thâu qua ngực chừng hai bàn tay. Lúc đó AN-RÊ nhìn tôi âu yếm như thể vĩnh biệt tôi. Tôi bảo anh hãy nhìn lên trời, nơi anh sắp tới, và có Chúa Giê-su chờ đón anh. Anh ngước mắt lên trời cao, và không nhìn xuống nữa. Cũng tên lính ấy rút giáo ra, đâm lần thứ hai, rồi lại đâm lần nữa, như thể lục lọi tìm trái tim anh. Nhưng con người vô tội ấy vẫn không lay chuyển, thật là kỳ diệu. Sau cùng, một người lính khác thấy lưỡi giáo không làm cho anh ngã xuống đất, liền lấy mã tấu chém cổ, nhưng một nhát vẫn chưa xong, phải thêm một nhát nữa mới làm đứt cổ; đầu rơi về phía bên phải, chỉ còn vướng mảnh da. Nhưng tôi nghe rất rõ cùng lúc đầu lìa khỏi cổ thì thánh danh Chúa Giê-su không phải từ miệng anh thốt ra mà qua vết chém ở cổ. Và cùng lúc hồn anh bay về Trời thì xác anh ngã xuống đất”.
Máu thầy AN-RẾ PHÚ YÊN đã thấm vào đất Việt, nhưng thân xác thầy AN-RÊ PHÚ YÊN đã được cha Đắc Lộ đưa về an táng tại nhà thờ chính tòa ở Macao, rồi sau được cải táng; hài cốt của thày AN-RÊ tuy vẫn còn nhưng bị lẫn lộn cùng với hài cốt của các vị tử đạo tại Nhật Bản. Sau cuộc hỏa hoạn tại nhà lưu giữ hài cốt ở Macao, không còn phân biệt được nữa. Riêng phần đầu của thầy AN-RÊ PHÚ YÊN (đã bị chặt lìa khỏi cổ) thì được cha Đắc Lộ luôn mang theo bên mình, và đem về ROMA đặt tại nhà lưu giữ hài cốt của các vị tử đạo Dòng Tên tại trụ sở Trung Ương của Dòng Tên; để hôm nay, đoàn hành hương nhỏ bé của con dân nước Việt được tận mắt thấy được chứng tích của người con trung kiên của Chúa trên con đường làm chứng cho Tin Mừng.
Ngày 05/03/2000, tại Roma, Đức Thánh Cha Gioan Phao-Lô II đã tuyên phong thầy AN-RÊ PHÚ YÊN lên bậc Á THÁNH.
19 TUỔI ĐỜI, ĐẦY TRÀN NHIỆT HUYẾT VỚI BAO ƯỚC VỌNG…, NHƯNG SẴN SÀNG CHẤP NHẬN ĐẦU LÌA KHỎI CỔ ĐỂ GIỮ TRỌN NIỀM TIN. XIN THÁNH AN-RÊ PHÚ YÊN PHÙ TRỢ CHO THANH THIẾU NIÊN CON DÂN NƯỚC VIỆT, LUÔN ĐỨNG VỮNG TRÊN CON ĐƯỜNG LOAN BÁO TIN MỪNG YÊU THƯƠNG CỦA CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ. (người hành hương)
Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay nói về bí tích Thánh thể.
Đọc cuộc đời Chân phước Anrê-Phú Yên, điềm nổi bật nhất là việc thờ phượng Chúa, là bí tích Thánh Thể.
“Trong khi Cha Đắc Lộ làm lễ, chính tôi đã thấy ba, bốn Thầy giảng hát bằng tiếng bản xứ vài bài thánh ca. Sau đó, người ta nói với tôi rằng một trong các Thầy ấy chính là Anrê” (Nhân chứng XVII : João de Siqueira)
Cha Đắc Lộ cho biết rằng: “AN-RÊ giảng đạo cho người ngoại giáo, dạy dỗ kẻ tân tòng, dọn dẹp nhà thờ rất sạch sẽ; trang hoàng nhà thờ những ngày lễ lớn quanh năm, khéo léo đến nỗi làm cho bổn đạo tăng thêm lòng sốt sắng và cả người ngoại giáo cũng phải trọng kính mầu nhiệm của đạo.”
« Trong việc cử hành phụng tự…Thầy cũng được nhiều người biết đến như một tín hữu Kitô siêng năng lãnh nhận bí tích Thống Hối và Thánh Thể.” ( LM. PHAOLO MOLINARI S.J, Thỉnh nguyện viên án phong chân phước cho Thầy Anrê)
“Thầy Anrê không được dồi dào sức khỏe như các đồng bạn, nhưng khéo chân tay, làm hang đá sinh nhật để lôi kéo dân chúng đến nhà thờ. Về đời sống thiêng liêng, Anrê là gương mẫu cho anh em : ngoài việc khấn đức trinh khiết, không lập gia đình, để trọn thời giờ đi khuyên những người bên lương, nhất là anh em họ hàng, tòng đạo Thiên Chúa. Trong xã hội Thầy rất khiêm tốn, nhịn nhục, được mọi người kính nể, Cha Đắc Lộ còn mạc khải : Thầy xưng tội hằng tuần và cha chưa gặp ai có tâm hồn trong trắng như Anrê”(Cha Trần Ngọc Thụ)
“Thầy Anrê bị trói chặt chân tay, nhưng khi quân đội cướp của bàn thờ : Thánh giá, tượng ảnh, áo lễ một cách hối hả thô bạo, Thầy Anrê lên tiếng phản đối, yêu cầu họ cởi trói, để nếu họ muốn thì chính mình thu xếp gói lại tử tế, rồi sẽ trao lại cho họ” (Cha Trần Ngọc Thụ)
Bài đọc 1 (2V 4,42-44) : Bđ1 đọc trong sách “Các Vua”. Đó là phép lạ “bánh” thời ngôn sứ Ê-li-sa. Sách “Những Bài đọc Năm B” của cha Kevin viết : “Ngôn sứ Ê-li-sa ở nước Ít-ra-en. Ngôn sứ được thừa hưởng tấm áo choàng của ngôn sứ Ê-li-a. Ông đi rao giảng ở Ít-ra-en vào nửa thế kỷ 9 tCN. Ông giúp hạ bệ vua A-kháp, vì vua phổ biến việc thờ thần Ba-an”.
Chúng ta đọc phép lạ bánh trong bđ1: “Thời ấy có nạn đói. Có người biếu ngôn sứ Ê-li-sa 20 chiếc bánh. Ngôn sứ bảo phát cho người ta ăn. Chú tiểu đồng nói : “Có bằng này, sao con có thể phát cho cả trăm người ăn được ?” Ông bảo : “Cứ phát cho người ta ăn ! Vì Đức Chúa phán thế này : “Họ sẽ ăn, mà vẫn còn dư”. Tiểu đồng phát cho người ta ăn. Họ đã ăn, mà vẫn còn dư, như lời Đức Chúa phán”.
Bài Tin Mừng (Ga 6,1-15) : Cha Nguyễn Công Đoan viết về phép lạ “bánh và cá” trong BTM như sau : “Người kể chuyện cho chúng ta nhiều yếu tố để nhận ra rằng sáng kiến ở đây là hoàn toàn của Đức Giê-su. Người lên núi ngồi, Người chờ đám đông như chờ khách đến dự tiệc. Người hỏi ông Phi-líp-phê, nhưng chỉ là để thử ông thôi, “Người đã biết mình sắp làm gì rồi”. Ông Phi-líp-phê và ông An-rê là hai người mang tên Hy Lạp, muốn gặp Đức Giê-su cũng nhờ hai ông này làm trung gian, chứng tỏ hai ông biết nói tiếng Hy Lạp. Vai trò ‘trung gian quốc tế’ của hai ông gợi cho thấy bữa tiệc này để thết đãi muôn dân như lời sách ngôn sứ I-sai-a dẫn trên đây.
Năm chiếc bánh và hai con cá do một em bé đem tới
Ông An-rê nêu sự bất tương xứng hoàn toàn giữa số lượng bánh và cá với số lượng người ăn.
Đức Giê-su trả lời bằng cách nói với môn đệ : “Anh em cứ bảo người ta ngả lưng xuống”.
Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngả lưng xuống “. Chúng ta như thấy trước mắt cảnh thánh vịnh “Chúa là mục tử” diễn tả : “Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ“(Tv 23/22,2). Chúng ta được biết ngay số người ăn “khoảng năm ngàn người”.
“Vậy Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người đang ngả lưng để ăn”. Từ thời các tông đồ tới nay, cử chỉ này đã mang ý nghĩa chuyên môn là “cử hành bí tích Thánh Thể” (Tĩnh Tâm Với Tin Mừng Gioan, q.1, trang 126).
Bài đọc 2 (Ep 4,1-6) : Cha Kevin viết về bđ2 : “Thư gửi cộng đoàn Ê-phê-sô, thánh Phao-lô nhấn mạnh đến sự hiệp nhất của Ki-tô hữu, yếu tố quan trọng của đức tin Ki-tô giáo”. Cha viết : “Chỉ 6 câu hôm nay, thánh nhân cho chúng ta một khẩu hiệu : “Sống cho xứng với ơn Chúa kêu gọi”, đặt trên 7 nền tảng : 1-khiêm tốn, 2-hiền từ, 3-nhẫn nại, 4-chịu đựng lẫn nhau, 5-hiệp nhất, 6-thuận hòa, 7-gắn bó với nhau.
Xin Chân phước Anrê-Phú Yên cầu thay nguyện giúp giáo phận Đà Nẵng chúng con, đặc biệt anh chị em giáo lý viên “sống cho xứng với ơn Chúa kêu gọi”.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành