Chúa Nhật XVII Thường Niên – Năm C


CN.17.C

(St 18,20-32; Cl 2,12-14; Lc 11,1-1la)

24-7-2016

Hạnh phúc thay Đà Nẵng chúng ta. Đối với đời, Đà Nẵng là một thành phố “sạch đẹp”; đối với đạo, Đà Nẵng là một mảnh đất “linh thiêng”.

Đó là nơi ngày 18-1-1615 hạt giống Tin Mừng được gieo vãi. Hạt giống không bị tàn lụi dưới đất như các nơi khác, nhưng được mọc lên và phát triển từ Đàng Trong đến Đàng Ngoài, từ Nam ra Bắc. Đà Nẵng có thể được mệnh danh là mảnh “đất mẹ” của Giáo Hội Việt Nam. Đà Nẵng cũng là nơi ngày 26-7-1644 thấm đậm dòng máu nóng của vị anh hùng tử đạo đầu tiên của đất Việt, chân phước Anrê Phú Yên, thánh bổn mạng của giới trẻ Công giáo, bổn mạng của các giáo lý viên.

Ngày 26-7 này giới trẻ và giáo lý viên giáo phận Đà Nẵng gọi nhau về Phước Kiều để tôn vinh vị thánh trẻ. Giới trẻ và các giáo lý viên các giáo phận khác cũng họp nhau để học hỏi gương sáng của vị Anh Hùng.

Ông João de Rezende de Figuciroa, nhân chứng thứ 1, khai rằng : “Cha Alexandre Rhodes luôn khẳng định rằng thầy Anrê sùng đạo và nhiệt thành phụng sự  Chúa, siêng năng tham dự các bí tích Sám Hối và Thánh Thể, và thầy hằng khao khát cải đạo cho những người đồng bào mình, và thầy luôn tham dự Thánh Lễ, và thầy làm việc phụng vụ bàn thờ với lòng sùng mộ và sùng kính (Mạng Antôn Nguyễn Trương Thăng).

Ông João de Siqueira,  nhân chứng 17, khai rằng : “Khi cha Alexandre Rhodes dâng lễ thì ba hay bốn Kitô hữu thầy giảng hát những bài thánh thi bằng tiếng Việt; sau đó người ta cho nhân chứng biết rằng một người trong số họ là thầy Anrê”.

Thầy rất yêu kính Đức Mẹ, đến nỗi khi bị bắt và tiến ra pháp trường, thầy đem theo chuỗi Mân Côi, để xin Mẹ nâng đỡ. Nhân chứng số 9, anh Antonio Fernandes, tuy trẻ tuổi nhưng đã hai lần đến Đàng Trong, đã chứng nhân : “Anh còn giữ riêng một cỗ tràng hạt của thầy Anrê mà anh cho là của thầy (có lẽ một phần thôi vì các nhân chứng sau nầy cũng có một vài hạt hoặc một phần). (mđd)

Tinh thần cầu nguyện theo thầy tới pháp trường. Antonio Mendes, nhân chứng thứ năm, khai rằng : “Thầy bị giải đi công khai bởi một toán lính đông, và một viên quan hành án khác áp giải, thầy đi từ nơi đó đến một nơi hoang vắng với cùng cái gông trên cổ, đầu trần và chân trần giống như tất cả những người ở đó, thầy mặc một chiếc áo dài trắng, và khi đến nơi pháp trường, thầy ngồi xuống đất, tay bị trói ra đằng sau và vào lúc người ta muốn hành quyết thầy, và cất cái gông khỏi đôi vai, thì thầy quỳ xuống đất, không muốn quỳ xuống chiếu người ta đã trải sẵn theo như thói thường ở xứ sở này. Và giữa lúc thầy đang ở trong tư thế đó mắt hướng nhìn trời cao, một tên lính cầm giáo đâm hai nhát vào sườn trái, cả hai cùng một chỗ, nó đã làm toạc hoàn toàn cạnh sườn, trong khi đó thầy Anrê tiếp tục kêu tên cực thánh Giêsu và Maria”.

Bài Tin Mừng thánh lễ hôm nay, Chúa cũng muốn chúng ta cầu nguyện, cầu nguyện luôn. Cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha.

Trong bài giảng Thánh Lễ ban sáng thứ năm ngày 16-6-2016, tại nhà nguyện Thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giảng.

Chúa Giêsu luôn luôn dùng lời “Kinh Lạy Cha” trong những khoảnh khắc quan trọng nhất hoặc thách đố nhất trong cuộc đời. Chúa Cha – Đấng “thấu suốt mọi nhu cầu của chúng ta, trước khi chúng ta kêu xin Ngài”. Ngài là một người Cha luôn thấu suốt những điều bí ẩn như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta hãy cầu nguyện nơi kín đáo.

“Chính qua người Cha vĩ đại này mà chúng ta được thừa nhận là những đứa con của Ngài. Và mỗi khi chúng ta thưa lên ‘Lạy Cha chúng con ở trên trời’ thì chính điều này khẳng định căn tính của mỗi chúng ta: căn tính của mỗi Kitô hữu là được trở nên con cái Thiên Chúa. Đây chính là một hồng ân cao cả mà Chúa Thánh Thần đã ban tặng. Không ai có thể thưa lên ‘Lạy Cha’ mà không có ân sủng của Chúa Thánh Thần.

‘Lạy Cha’ là lời mà Chúa Giêsu đã cất lên trong những khoảnh khắc quan trọng nhất: mỗi khi Chúa Giêsu tràn đầy niềm hân hoan và tâm tình tạ ơn, Ngài đều thốt lên: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mạc khải những điều này cho những kẻ bé mọn”. Hay những khi Ngài xúc động và ngấn lệ khi chứng kiến cái chết của một người bạn là anh Lazarus: ‘Lạy Cha, con xin ngợi khen Cha vì đã nhậm lời con’, hay trong giây phút cuối cùng trước khi Ngài trút hơi thở sau hết”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh, “nếu chúng ta không cảm nghiệm được rằng chúng ta chính là con cái Thiên Chúa, nếu chúng ta không biết thưa lên lời kinh ‘Lạy Cha’ thì lời cầu nguyện của chúng ta chỉ là những lời lảm nhảm của những kẻ vô đạo”.

Hơn nữa, Đức Thánh Cha còn nhấn mạnh rằng lời “Kinh Lạy Cha” mà chính Chúa Giêsu đã truyền dạy phải là nền tảng của đời sống cầu nguyện của mỗi chúng ta.

Nếu chúng ta không biết bắt đầu cầu nguyện bằng chính lời kinh này, Đức Thánh Cha cảnh báo, “những lời cầu nguyện của chúng ta sẽ trở nên vô nghĩa và chẳng đi đến đâu”.

“‘Lạy Cha’. Khi cất lên lời kinh này, chúng ta cảm nhận được rằng Cha Trên Trời đang nhìn chúng ta, chúng ta cũng sẽ cảm nhận được rằng lời ‘Kinh lạy Cha’ không phải là một sự lãng phí thời gian như những lời cầu nguyện của dân ngoại: đó là một sự kêu cầu đến Cha Trên Trời – Đấng nhìn nhận chúng ta là con cái Ngài. Đây là một chiều kích trong kinh nguyện Kitô giáo – chúng ta có thể dùng lời “Kinh Lạy Cha” để cầu nguyện cùng tất cả các Thánh, các Thiên Thần, chúng ta có thể cất lên lời kinh tuyệt vời này trong các cuộc rước kiệu, các cuộc hành hương … tất cả đều trở nên tuyệt vời, nhưng chúng ta phải luôn luôn ý thức được rằng chúng ta chính là con cái Thiên Chúa và chúng ta có một Cha Trên Trời – Đấng yêu thương chúng ta và Ngài luôn thấu suốt mọi nhu cầu của con cái Ngài. Đây chính là một chiều kích vĩ đại”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng một phần trong lời kinh nguyện này hướng tới sự tha thứ xuất phát từ cùng một niềm xác tín, vì hết thảy chúng ta đều là anh chị em trong cùng một đại gia đình.

Thay vì hành xử như Cain đã ghen ghét người anh trai của mình – Đức Thánh Cha Phanxicô nói – chúng ta phải ghi nhớ một điều rất quan trọng đó chính là sự tha thứ, phải bỏ qua những lời dèm pha, và đó quả thực là một thái độ đúng đắn mỗi khi chúng ta thưa lên ‘xin Cha tha tội cho chúng con’ và không nghĩ tới những thù oán, giận hờn hay sự ham muốn trả thù.

“Mỗi chúng ta cần phải xem xét lại bản thân chính mình về khía cạnh quan trọng này”,  Đức Thánh Cha nói. “Đối với tôi, Thiên Chúa có phải là Cha tôi không? Tôi có thực sự nhận thấy Ngài là Cha của tôi không? Và nếu như tôi không cảm nhận được điều này, tôi phải cầu xin Chúa Thánh Thần dạy tôi để tôi có thể cảm nhận được hồng ân cao cả này. Và tôi có biết tha thứ cho anh em mình không, nếu không, chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha: “xin cho những anh em này cùng là con một Cha Trên Trời, những anh em này đã làm hại đến con … xin Cha hãy giúp con để con biết tha thứ cho anh em con? ‘. Chúng ta hãy thử, dò xét lại bản thân mình để rồi từ đó, chúng ta sẽ mỗi ngày một trở nên giống như Cha Trên Trời. Những từ ‘Cha’ và ‘chúng con’: giúp chúng ta nhận ra căn tính của mỗi Kitô hữu chính là con cái Thiên Chúa và chúng ta có một gia đình trên hành trình tiến về nhà Cha trên trời” (Minh Tuệ theo Zenit)

—————————

CN.17.C

2010

Bài TM thánh lễ hôm nay nói về “Kinh Lạy Cha”. Chắc chắn các thánh TĐVN không ngớt đọc Kinh Lạy Cha trong cuộc đời đầy gian nan thử thách của các ngài. Riêng thánh Jacintô Castaneda (Gia-xin-tô Cát-ta-nê-đô) được diễm phúc đọc Kinh Lạy Cha trước mặt bá quan văn võ. Một trường hợp hiếm có.

Thánh Jacintô Castaneda người Tây Ban Nha, tên Việt Nam là Gia. Cha Gia sinh ngày 13-10-1743 tại Jativa (Gia-ti-va, thuộc giáo phận Valencia (Va-len-xi-a). Ngài khôi ngô đẹp trai. Người ta bảo ngài  đẹp như thiên thần, đẹp cả thể xác và cả tâm hồn.

Từ thuở bé cha Gia đã được nghe chuyện tử đạo của các nhà truyền giáo. 12 tuổi cha xin phép cha mẹ đi tu dòng Đaminh. Mặc dầu chưa thụ phong linh mục, năm 1761 mới 18 tuổi, thánh nhân vẫn làm đơn xin đi truyền giáo. Sau 2 năm lênh đênh trên biển cả, ngài tới Manila, Philíppin. Thánh nhân tiếp tục học, rồi chịu chức linh mục năm 1765, 22 tuổi. Một năm sau, năm 1766 cha được sai đi truyền giáo ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa. Được 3 năm, năm 1769 cha bị bắt, bị tù 2 tháng, với 14 lần bị đánh đòn, cuối cùng bị đuổi ra khỏi nước.

Nghỉ sức ở Macao gần một năm, ngày 23-2-1770, khi 27 tuổi, cha được sai đến VN. Mới được 3 năm, ngày 12-7-1773, cha bị bắt ở xứ Lai Ổn, Thái Bình, rồi bị giải về Thăng Long. Ít ngày sau, cha Vinh Sơn Lê Quang Liêm người làng Trà Lũ, giáo phận Bùi Chu, cũng bị bắt và bị  giam chung với cha Gia.

Các quan tò mò muốn biết đạo Chúa là đạo gì, xem đạo Chúa có hơn các đạo khác không. Các quan tổ chức cuộc tranh luận giữa 4 đạo : Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo và Công giáo. Cuộc tranh luận kéo dài 3 ngày, xoay quanh 3 đề tài : 1/ con người bởi đâu mà sinh ra, 2/ con người sống trên đời để làm gì, 3/ chết rồi, con người đi về đâu.

Những lý lẽ hai cha trình bày lôi cuốn người nghe. Nên các quan yêu cầu cha Gia cử hành một nghi lễ thờ phượng cho các quan xem. Cha dọn một bàn thờ, đặt tượng Thánh Giá và ảnh Đức Mẹ. Cha quì xuống ôm hôn Thánh Giá, sốt sắng đọc kinh Lạy Cha; rồi cha nâng cao ảnh Đức Mẹ và đọc kinh Lạy Nữ Vương.

Sau khi long trọng tuyên xưng đức tin, ngày 7-11-1773 cha Gia 30 tuổi và cha Liêm 41 tuổi bị chém đầu tại pháp trường Đông Mơ, Hà Nội.

Bài TM : Kinh Lạy Cha mà cha Gia đọc trước các quan, là kinh Chúa Giêsu dạy. Các kinh Giáo Hội dùng cầu nguyện, chỉ có kinh Lạy Cha là của Chúa Giêsu. Thấy Chúa Giêsu cầu nguyện, thấy Chúa Giêsu thân mật nói chuyện với Chúa Cha, các tông đồ xin Chúa dạy các ông cầu nguyện. Ngoài kinh Lạy Cha, thánh Luca còn kể thêm hai câu chuyện “người bạn bị quấy rầy” (Lc 11,5-8) và “người con xin cha cho cá” (11,9-13).

Với kinh Lạy Cha và hai câu chuyện, thánh Luca muốn nói với chúng ta rằng : cầu nguyện là được tham dự vào sự chăm lo của Thiên Chúa : chăm lo cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, cùng chăm lo cho nhu cầu vật chất và thiêng liêng của loài người. Chúa không cần sự cộng tác của chúng ta. Chúa cho chúng ta cộng tác với Chúa, để sinh ích cho chúng ta.

Bđ1 : Câu chuyện ông Apraham xin Chúa tha cho hai thành Xơđôm và Gômôra trong bđ1 chẳng những là một câu chuyện cảm động, mà cũng nói lên tầm quan trọng của việc cầu nguyện là được tham dự vào công trình cứu độ của Thiên Chúa. Thiên Chúa nói với các thiên thần được sai đi trừng phạt hai thành Xơđôm và Gômôra : “Ta có nên giấu Apraham điều Ta sắp làm không ?” (St 18,17). Nhờ Thiên Chúa tiết lộ, ông Ápraham đã xin Chúa tha thứ cho hai thành Xơđôm và Gômôra. Nếu tìm được ít ra 10 người lành, Thiên Chúa sẽ tha. Ông Apraham không tìm ra và hai thành đã bị Thiên Chúa phạt.

Bđ2 : Qua đoạn thơ Côlôsê của thánh Phaolô, không cần tìm bất cứ một người lành nào, Thiên Chúa vẫn tha thứ. Hơn nữa, chính Thiên Chúa dùng cái chết của Đức Giêsu, Con Ngài, để tha tội cho loài người : “Người đã xoá sổ nợ bất lợi cho chúng ta…bằng cách đóng đinh nó vào thập giá” (Cl 2,14).

Như vậy, cầu nguyện là được cộng tác với Thiên Chúa : chăm lo việc mở mang Nước Chúa và chăm lo phần rỗi linh hồn. Cầu nguyện không phải là chiếc đũa thần để giải quyết những vấn đề khó khăn gặp phải, mà cầu nguyện là được tham dự vào tình yêu và công trình cứu độ của Thiên Chúa.

——————————

CN.17.C

29-7-2007

 

Chính thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã kể lại câu chuyện chị cầu nguyện cho anh Franzini, kẻ sát nhân bị tử hình .Chị kể : “Một hôm con nghe nói một phạm nhân bị kết án tử hình vì những tội ác ghê tởm, mọi sự đều khiến người ta tin rằng anh sẽ chết trong sự chai đá. Con muốn cứu anh khỏi rơi vào hoả ngục với bất cứ giá nào ! Để đạt ý nguyện, con đã vận dụng mọi phương thế có thể nghĩ được, vì cảm thấy tự sức con không làm gì được, nên con bèn dâng lên Thiên Chúa nhân lành công nghiệp vô cùng của Chúa Cứu Thế và mọi kho tàng trong Giáo Hội, sau cùng con cũng xin chị Céline (Xê-lin) xin một lễ theo ý chỉ của con, sở dĩ con không dám tự mình xin lễ vì sợ lại phải buộc lòng thú nhận là “xin lễ cho Franzini”, một phạm nhân đại bợm. Con cũng không muốn tỏ chuyện đó cho chị Céline, nhưng chị khá khéo dò con bằng những câu hỏi vặn, vừa dịu dàng vừa khéo léo, đến nỗi con đã đem hết câu chuyện giữ kín đó ra kể cho chị : chẳng những không chế diễu con, chị còn ngỏ ý giúp con cải hối tội nhân.  Với tấm lòng biết ơn, con nhận lời, vì con hằng mong mọi tạo vật đều hợp với con khẩn nài ơn thánh cho tội nhân. Từ đây lòng con cảm thấy mọi ước nguyện của con chắc chắn sẽ được thoả mãn, nhưng muốn can đảm tiếp tục cầu nguyện cho kẻ có tội, con đã thưa với Chúa từ bi : con vững tâm xin Chúa thứ tha cho Franzini vô phước này và con tin tưởng như thê, cho dù anh không xưng tội và không hề tỏ một dấu thống hối nào, bởi vì con hoàn toàn tín nhiệm vào lòng thương xót hải hà của Chúa Giêsu, nhưng thưa với Chúa, con chỉ xin Ngài cho anh tỏ một dấu ăn năn thực lòng để gọi là một chút an ủi lòng con. Lời con xin đã được chấp nhận từng chữ. Mặc dầu ba đã cấm không cho chúng con đọc  một thứ nhật báo nào, con nghĩ : đọc những giòng nói về Franzini không phải là lỗi đức vâng lời. Vậy sau ngày Franzini bị xử, vậy con cầm ngay đọc tờ báo “La Croix”. Con vội vã giở ra và con đọc thấy gì ?…A, con xúc động đến tràn nước mắt, đến nỗi không thể đứng nán lại, con chạy đi trốn…Franzini không chịu xứng tội, anh lên đoạn đầu đài, chuẩn bị giơ đầu cho máy chém, bỗng nhiên được ơn trên thúc đấy, anh quay lại cầm lấy cây Thánh Giá do linh mục giơ lên và anh hôn ba lần những vết thương thánh … Đoạn linh hồn lìa xác, đến nhận bản án thương xót của Đấng đã phán : ‘Khi một tội nhân đã ăn năn hối cải thì trên trời vui mừng hơn khi thấy 99 người công chính là những người không cần phải hối cải’” (Thủ Bản Tự Thuật, trang 101-102).

Bd1 : Thánh lễ hôm nay cũng đã kể lại câu chuyện rất cảm động ông Ápraham xin Thiên Chúa tha phạt cho hai thành Xơđôm và Gômôra. Ông thưa với Chúa : “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành  một trật với kẻ dữ sao ? Giả như trong thành có 50 người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao ? Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì 50 người lành trong đó sao ? Ngài làm như vậy chắc không được đâu ! Giết chết người lành một trật với kẻ dữ, coi người lành cũng như người dữ, chắc không được đâu ! Đấng xét xử trần gian lại không xét xử công minh sao ? – Đức Chúa đáp : “Nếu Ta tìm được trong thành Xơđôm 50 người lành, thì vì họ, Ta sẽ dung thứ cho tất cả thành đó.

50 không có, ông xin rút xuống 45, rồi xuống 40, xuống 30, xuống 20, cuối cùng xuống còn 10. Mỗi lần rút xuống, ông xin : “Mặc dầu con chỉ là thân tro bụi, con cũng xin mạn phép thưa với Chúa”, “xin  Chúa đừng giận cho con nói tiếp”, “xin Chúa đừng giận cho con nói một lần này nữa thôi”. Những lời xin như thế chứa đầy tình nghĩa cha con, đơn sơ và chân thành. Vừa cảm động vừa nực cười.

Bài TM : BTM thánh lễ hôm nay Chúa Giêsu cũng dạy các tông đồ khi xin thì đơn sơ thưa : “Lạy Cha”. Từ “cha” chỉ con nít Do Thái mới dùng để thưa bới ba, với bố mình. Chứ khi thưa với Thiên Chúa, người Do Thái dùng những từ  rất trịnh trọng, như thánh Mt dùng trong Kinh Lạy Cha chúng ta thường đọc : “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Thánh Mt viết sách TM cho người Do Thái, nên đã không dám viết vắn tắt đơn sơ “Lạy Cha” như thánh Luca viết cho dân ngoại.

Sau khi dạy “Kinh Lạy Cha”, Chúa Giêsu kể hai câu chuyện “người bạn xin bánh” và “người cha cho cá cho con”. Sau câu chuyện thứ 1, Chúa dạy: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho”. Sau câu chuyện thứ 2, Chúa dạy : “Nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao ?”.

Khác với thánh Luca, thánh Mt viết lời dạy này là : “Nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao ?”. Thánh Mt viết : “Thiên Chúa ban những của tốt lành”, còn thánh Luca thì viết : “Thiên Chúa ban Thánh Thần”. Thiên Chúa ban Thánh Thần, để Thánh Thần soi sáng cho chúng ta biết xin những gì đẹp ý Chúa. Thường chúng ta chỉ xin những gì chúng ta muốn, chứ không xin những gì Chúa muốn.

Bđ 2 : Với đoạn thư thánh Phaolô viết cho các tín hữu Côlôsê chúng ta đọc, lòng Thiên Chúa nhân từ bao la, chứ không hạn hẹp như ông Apraham hay chúng ta nghĩ. Ông Apraham rút xuống còn 10 người lành. Các ngôn sứ rút xuống còn 1 người lành (Gr 5,1; Ed 22,30). Chẳng những chẳng cần người lành nào, Thiên Chúa còn bắt Đức Giêsu, Con Ngài, xoá nợ cho tất cả nhân loại. Thánh Phaolô viết : “Người đã xoá sổ nợ bất lợi cho chúng ta…Người đã huỷ bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá”.

—————————————

CN.17.C

25-7-2004

Hôm nay là Chúa nhật thứ 17. Bài Tin Mừng Chúa nhật 15, với câu chuyện “Người Samari nhân hậu”, nói về điều răn “yêu người”. Bài TM Chúa nhật 16, với câu chuyện “Mácta và Maria”, nói về điều răn Mến Chúa. Mến Chúa và yêu người thì sẽ được sự sống đòi đời làm gia nghiệp. Nhưng Mến Chúa và yêu người đâu phải dễ. Phải có Chúa giúp mới được. Muốn được Chúa giúp, phải cầu nguyện. Cầu nguyện chính là điều Chúa nhật 17 hôm nay nói đến.

Bài đọc 1 : Sách sáng thế Chúa nhật trước kể : có ba người đến thăm ông Ap-ra-ham. Để đãi khách, ông Apraham bắt bê làm thịt; còn bà Xa-ra, vợ ông, lấy ba thúng bột làm bánh. Ăn xong, khách nói với ông Apraham : “Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Xara, vợ ông, sẽ có một con trai” (St 18,10). Bà Xara cười thầm. Rồi ba người đứng dậy, nhìn xuống phía Xơ-đôm. Hai người đi về phía Xơđôm, còn một, tức là Thiên Chúa, ở lại và nói với ông Apraham : “Tiếng kêu trách Xơđôm và Gômôra thật qúa lớn ! Tội lỗi của chúng qúa nặng nề !” (18,20). Ông Apraham thưa Chúa : “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao ?” (18,23). Chúa đồng ý : nếu tìm được người lành thì Chúa không phạt. Số người lành ông Apraham xin từ  50 xuống 45, xuống 40, xuống 30, xuống 20, cuối cùng xuống tới 10, nhưng chẳng tìm ra. Ông Ápraham không dám xin ít hơn nữa. Còn Chúa thì chẳng cần nhiều, chỉ cần một người lành cũng đủ. Chúa nói với ngôn sứ Giêrêmia : “Hãy rảo quanh đường phố Giêrusalem mà xem cho biết. Trên các quảng trường thành phố ấy, hãy tìm xem có gặp được một người, một người biết thi hành luật pháp, biết sống cho chân thật, Ta sẽ dung tha cho cả thành” (Gr 5,1).  Chúa cũng nói với ngôn sứ Êdêkien : “Ta đã tìm kiếm một người, nhằm ngăn cản Ta phá thành, nhưng Ta không tìm ra. Ta sẽ trút cơn thịnh nộ của Ta để trừng phạt và tiêu diệt chúng” (Ed 22,30-31).

Lời cầu nguyện của ông Apraham không cứu được hai thành Sơđôm và Gômôra, nhưng đã cứu được gia đình của Lót, cháu ông : “Khi Thiên Chúa phá hủy các thành trong cả vùng, Thiên Chúa đã nhớ đến ông Ápraham và đã cứu ông Lót khỏi cuộc tàn phá” (St 19,29).

Bài Tin Mừng : “Kinh Lạy Cha” trong bài Tin Mừng chúa nhật hôm nay là của thánh Luca thì  khác với “Kinh Lạy Cha” của thánh Mátthêu chúng ta thường đọc. Kinh Lạy Cha của thánh Luca chỉ  đơn giản “Lạy Cha”; còn Kinh Lạy Cha của thánh Mt thì “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Của thánh Luca vắn hơn, lời cầu cho Chúa chỉ  có 2 lời, không có “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”; và lời cầu cho mình chỉ  có 3 lời, không có “nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”. Kinh Lạy Cha của thánh Mt có 7 lời cầu : 3 lời cầu cho Chúa và 4 lời cầu cho mình; còn của thánh Luca có 5 lời : 2 lời cho Chúa, 3 lời cho mình. Hai kinh khác nhau vì cộng đoàn Kitô hữu của hai thánh khác nhau : cộng đoàn của thánh Mt là người Do Thái, cộng đoàn của thánh Luca là dân ngoại. Tuy khác nhau về hình thức, nhưng nội dung đều giống nhau.

Điểm mới lạ thứ nhất của Kinh Lạy Cha : là tất cả hướng về Chúa Cha, không có một lời về Chúa Giêsu, Chúa Con. Chúa Giêsu không quan tâm đến mình, chỉ quan tâm đến Chúa Cha. Điều mới lạ thứ hai  : là tính phổ quát. Trong kinh nguyện Do Thái luôn nhắc đến “Nhà Itraen”, “Thành Giêrusalem”, “Đền thánh”, “Đất thánh”. Kinh Lạy Cha không có một chút ý niệm về nơi chốn. Mọi nơi thánh đều biến mất. Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện của mọi dân tộc ở khắp mọi nơi.

Bài đọc 2 : Qua thư thánh Phaolô gửi giáo hữu Côlôsê, Thiên Chúa đã tha thứ tội lỗi cho chúng ta, nhờ thập giá của Chúa Giêsu : “Thiên Chúa đã xóa sổ nợ bất lợi cho chúng ta, sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta. Người đã hủy bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá” (Cl 2,14). Và thư Do Thái gọi Chúa Giêsu là vị Thượng Tế, vị linh mục để cầu nguyện cho chúng ta : “Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa…Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Dt 4,14-16).

Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu ở Pháp, khi nghe tin về cuộc tử đạo của thánh Vénard Ven, đã muốn sang Việt Nam, để được tử đạo và cầu nguyện cho Giáo hội VN. Thánh Vêna Ven sinh ngày 21-11-1829 tại nước Pháp. Năm 1852, 23 tuổi, thụ phong linh mục. Cùng năm đó xuống tầu sang VN. Gần 2 năm, ngày 13-7-1854 tầu mới tới Cửa Cấm, Hải Phòng. Được 6 năm, năm 1860 cha bị bắt, bị đóng cũi khiêng về Hà Nội. Quan tra hỏi : “Anh đến An Nam để làm gì ?” – “Tôi đến đây chỉ để giảng đạo thật” – “Anh bao nhiêu tuổi ?” – “Thưa 31 tuổi”… – “Hãy đạp lên thập giá, anh sẽ thoát chết” – “Tôi đã suốt đời thuyết giảng về đạo thập giá, sao làm như thế được ? Tôi thiết nghĩ sự sống đời này đâu qúa qúy, đến độ tôi phải mua nó bằng cái giá phản đạo”.

Ngày 3-1-1861, cha Vêna Ven viết thư cho Đức cha Theurel : “Gươm đã kề sát bên cổ, mà con chẳng rùng mình chút nào. Thiên Chúa nhân lành đã hỗ trợ sự yếu đuối của con, nên con thấy vui mừng. Thỉnh thoảng, con lại cất cao tiếng hát : ‘Lạy Mẹ dấu yêu, xin thương đặt con trong quê đời đời, bên thánh nhan Người’. Cha cầu nguyện : “Lạy Mẹ Vô Nhiễm, Khi đầu con rơi xuống dưới lưỡi gươm của lý hình, xin nhận lấy tôi tớ nhỏ bé như trái nho chín được hái, như bông hồng nở rộ được ngắt về dâng kính Mẹ. Ave Maria”. Ngày 2-2-1861, lễ Đức Mẹ dâng Con vào Đền Thờ, cha bị chém đầu.

Dầu các thánh tử đạo rất can đảm, nhưng vẫn cầu nguyện. Cuộc đời chúng ta biết bao yếu đuối, đau khổ, lại càng cần cầu nguyện hơn nữa. Giả như không có cầu nguyện, không có thánh lễ, không có Chúa, cuộc đời chúng ta sẽ chẳng còn niềm vui, hy vọng và rất buồn chán.

Linh mục Nguyễn Trung Thành